Nhà thơ Hoàng Hưng – Một khởi đầu của thơ cách tân

Có thể nói, sau nhiều năm, hành trình cách tân của nhà thơ Hoàng Hưng với những thể nghiệm thơ gây khá nhiều tranh cãi dường như đã lắng xuống sau khi tập thơ Hành trình của anh được Hội Nhà văn Hà Nội trao giải thưởng thơ năm 2006. Qua một chặng dài tìm tòi gần nửa thế kỷ, thơ Hoàng Hưng dường như lắng lại với vẻ tự nhiên tĩnh tại của một Bậc thầy “Đã về – đã tới. Bây giờ – ở đây. Tự do ngay phút này – hoặc không bao giờ nữa”. Và thơ của anh gần đây có dấu hiệu càng đổi mới càng trở về với thi ca Phương Đông:

Lặng mà nghe
Tuyết tan đỉnh núi

Nghe trẻ hát đường non
Ngỡ lối về nhà

Nghe hạc gọi
Trong sương dày
Lội sương đi tìm
Thấy sườn tháp trắng

Nghe nắng trưa
Vỡ trên cành

Nghe nhịp mõ
Từ lòng đất
Nghe rừng xêxan nở
Trên đầu sừng nilgai.

                                                (thơ Hoàng Hưng)

Nhà thơ Hoàng Hưng năm 1965 từng đoạt giải cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ, Hội Nhà văn VN. Từ những năm đầu của thập niên 80 của thế kỷ trước, nhà thơ Hoàng Hưng đã bước đầu có những tìm tòi khác thường và mới lạ về mặt hình thức nghệ thuật thơ. Trong 50 năm, ông đã in các tập thơ: Đất nắng (in chung 1970 NXB Văn học), Ngựa biển (1988 NXB Trẻ), Người đi tìm mặt (1994 NXB Văn hoá Thông tin), Hành trình (2005 NXB Hội Nhà văn) đã được trao Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội, 36 bài thơ (2008 Nghệ An), Poetry & Memoirs (2012 International Poetry Library, Hoa Kỳ), Ác mộng – Nightmares (2018, Văn học Press, Hoa Kỳ).

Nhà thơ Hoàng Hưng tên thật là Hoàng Thuỵ Hưng, sinh năm 1942 tại thị xã Hưng Yên. Ông tốt nghiệp khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1965. Từ năm 1973 đến năm 1982 ông là phóng viên, biên tập viên báo Người Giáo viên Nhân dân thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Từ năm 1987, ông tiếp tục làm ở nhiều báo khác nhau, cuối cùng là báo Lao động trong 13 năm từ 1990 đến khi nghỉ hưu vào năm 2003. Sau khi nghỉ hưu ông thường được mời nói chuyện thơ ở nhiều nước như Pháp, Đức, Hoa Kỳ.

Tác phẩm đã xuất bản:
– Đất nắng (in chung với Trang Nghị, NXB Văn học, Hà Nội, 1970)
– Ngựa biển (NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 1988)
– Người đi tìm mặt (NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 1994)
– Hành trình (NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2005)

– 36 bài thơ (Nghệ An, 2008)

– Poetry & Memoirs (International Poetry Library, SF USA, 2012)

– Thơ & Những bài viết về thơ Hoàng Hưng (HHEBOOKS, 2012)

– Ác mộng – Nightmares (Văn học Press, Cal. USA, 2018)

Thơ dịch:

-100 bài thơ tình thế giới (chủ biên và dịch chung, 1987)
– Thơ Federico Garcia Lorca (1988)

– Thơ Boris Pasternak (16 bài in chung trong tác phẩm Boris Pasternak – Con người và tác phẩm, 1988)
– Thơ Guillaume Apollinaire (1997)

– Các nhà thơ Pháp cuối TK XX (2002)
– 15 nhà thơ Mỹ thế kỷ XX (chủ xướng, tổ chức bản thảo và dịch chung, 2004)
– Thơ Andre Velter (2006)
– Thơ Thuỵ Điển (dịch chung, 2010)
– Aniara về con người và không gian – Harry Martinson (2012)

– Thơ Allen Ginsberg (chủ biên và cùng dịch, 2012)
– Bài hát chính tôi – Walt Whitman (2015)

– Trời đêm những vết thương xuyên thấu – Ocean Vuong (2018)

Hai tập thơ Ngựa biển và Người đi tìm mặt của Hoàng Hưng khi trình làng đã có nhiều dư luận trái chiều nhau và trở thành đề tài bút chiến của một số cây bút phê bình với những bình luận khen – chê khá gay gắt. Trước cuộc đòn “hội chợ” này, Hoàng Hưng tỏ ra bản lĩnh và khá bình thản trước “búa rìu” của phê bình đã có đôi lúc muốn “truy chụp” ông. Vì thật ra, cuộc đời thơ ca của Hoàng Hưng đã khiến ông phải nếm trải những bước thăng trầm nghiệt ngã hơn nhiều cái thứ búa rìu chữ nghĩa kia. Hai tập thơ nói trên của Hoàng Hưng in ra ở thời điểm đất nước vừa bước vào đổi mới như tín hiệu đầu tiên dự báo cho các dòng thơ tìm tòi, cách tân nghệ thuật sắp nối tiếp nhau trình hiện.

Hình như, trong mỗi con người thơ cách tân đều ẩn chứa một trạng thái làm việc ngôn ngữ không bình thường và khác người theo kiểu bị “ngộ chữ”, bị “bùng nổ”, bị “tẩu hỏa nhập ma” nên các bài thơ cách tân thường có một vẻ “điên điên” nào đấy về mặt phát hiện những dị âm, dị hình khiến người đọc không sao theo kịp được những liên tưởng thơ trong một bức tranh kiểu trường phái ấn tượng của họ. Nhưng một nhà cách tân như Hoàng Hưng, khi viết về những người điên, thơ ông lại tỉnh táo lạ thường và nhân ái hết mực. Tôi đặc biệt ấn tượng về 2 bài thơ: Người điên 1 (người điên hiền lành) và Người điên 2 (người điên gạch ngói) của Hoàng Hưng trong tập thơ Người đi tìm mặt. Trong bài thơ đầu, hình ảnh của một người điên hiền lành thật tội nghiệp và dễ thương khi đi qua thành phố, đi qua tuổi thơ của tác giả:

Anh cứ đi chăm chắm giữa đường
Cái mặt không tuổi
Tấm thân không thời tiết
Hai mắt để ngỏ một căn phòng trống không

Anh cứ đi nghìn bước như nhau
Quên ngay từng bước vừa đi
Không biết chỗ bàn chân đặt tới

Anh cứ vừa đi vừa bấm đốt
Và chỉ đếm đến một

Thủa nhỏ chúng tôi cười chạy sau lưng anh
Lớn lên

Bóng anh tắt những cơn vui
Và an ủi những giờ thất vọng

Rồi anh trở thành quen thuộc
Một hôm tôi bắt gặp tôi
lẩm bẩm giữa đông người

Sự bất ngờ đến trong khổ thơ cuối, khi chợt một hôm, nhà thơ thấy mình có cử chỉ khác thường giống như một người điên, nhưng may sao, đấy là một người điên hiền lành thích đùa rỡn với bọn trẻ con và chỉ quen đếm đến một. Nhưng bài thơ không dừng lại ở câu kết, khi cái lằn ranh mỏng manh giữa một người điên và một người bình thường đã khiến ta liên hệ đến một bi kịch đời sống đã bao trùm toàn bộ không khí bài thơ khiến người điên và nhà thơ trở thành người quen thuộc, họ giống nhau ở chỗ hay lẩm bẩm những nơi đông người. Đến khi ấy, ta mới lắng nghe được, cảm thông được, hiểu thấu được cái thứ ngôn ngữ lẩm bẩm của một người điên chính là sự mong muốn được truyện trò, được đối thoại với cái đám đông bình thường đang cố tình hắt hủi và xa lánh họ, điều mà chỉ có nhà thơ mới đồng cảm được. Còn trong bài thơ Người điên gạch ngói, chính nhà thơ lại là người được vỗ về bởi khúc ca thanh bình của một người điên đang hát lên khi đi qua cái thành phố điêu tàn vì chiến tranh:

Đội một viên gạch vỡ
Chị vừa đi vừa hát ca
Chiều tắt dần cuối phố

Chị vừa đi vừa ca
Những mảnh vụn của bài ca thanh bình
Lạo xạo tim tôi

Ôi nỗi điên gạch ngói
Cứ hát lên hát lên
Có bao nhiêu nát tan
Đội lên đầu mà hát

Không những chỉ nổi tiếng về thơ, Hoàng Hưng còn là một dịch giả thơ khá uy tín với không ít các bản dịch tuyệt vời trong các tập: 100 bài thơ tình thế giới (1988), Thơ Federico Garcia Lorca (1988), Thơ Pasternak (dịch cùng Nguyễn Đức Dương 1988), Thơ Apollinaire (1997), Các nhà thơ Pháp cuối thế kỷ XX (2002), 15 nhà thơ Mỹ thế kỷ XX (2004). Theo tôi, Hoàng Hưng là một trong số ít những nhà thơ Việt Nam tài hoa và khá uyên bác, đã vượt qua được ngưỡng cửa của thế kỷ XX để đối thoại với thế kỷ mới. Và có một điều khá kỳ lạ, sau 2 tập thơ Ngựa biển và Người đi tìm mặt với những phát hiện, tìm tòi chữ nghĩa theo kiểu “huớng ngoại” gây xôn xao dư luận thì chỉ ít năm sau, cùng với các chuyến “xuất ngoại” đến với các nền thi ca hiện đại khác trên thế giới như: Pháp, Mỹ, ấn Độ, Nhật Bản… ta lại gặp một Hoàng Hưng “hướng nội” tìm về với bản lĩnh Phương Đông vững chãi mà độc đáo theo cách bài thơ Nghe quạ kêu ở Calcutta dưới đây:

Người phu xe ngồi khâu áo
Chiếc áo rách từ thủa chưa có cội bồ đề
Giữa tiếng quạ kêu
Người phu xe chăm chú đường kim mũi chỉ
Quên mất mình đang đợi khách

Quạ kêu quạ kêu lẫn dàn kèn xe bus inh ỏi
Hai viên Xá Lợi lấp lánh trong nhà bảo tàng
Thần Ta Ra vặn mình theo nhịp vũ trụ

Quạ kêu quạ kêu ở Calcutta
Người bán trà sữa mang họ Barua vốn dòng Thích Ca
Dòng Thích Ca bị người đời truy sát
Người bán trà sữa xếp bằng rót một vòng trà cho bọn du khách hiếu kỳ
Món trà sữa từ thời Đức Phật

Quạ kêu quạ kêu lẫn tiếng rùng rùng những toa xe điện vừa chạy vừa long ra
Hai bên hè phố
Nguời chờ việc ngồi bẻ ngón tay trong nắng
Lòng đường mấp mô đen bóng những viên gạch trăm năm

Quạ kêu quạ kêu trưa nắng
Chạy túa ra
Bày taxi-bọ cánh cứng màu vàng
Cả thành phố người xe lúc nhúc
Hăng nồng hương liệu nghìn năm

Xa lắc rồi
Cõi buồn vui hờn giận của chúng mình
Cõi lo toan vặt vãnh của chúng mình
Anh cầm tay em
Buông mình vào cõi khác
Giữa tiếng quạ kêu ở Calcutta

Đúng ra, bài thơ trên là một bức tranh về thời hiện đại, khi quá khứ và tương lai như hai đối cực đang dần hiện lên trong hình ảnh người phu xe ngồi khâu áo bên đưòng kiên trì, nhẫn nại như người bán món trà sữa từ thời Đức Phật cho những du khách hiếu kỳ trong cái thành phố Calcutta lúc nhúc người xe và hăng nồng hương liệu nghìn năm. Xuyên suốt bức tranh này là tiếng quạ kêu đến oi ả, đến bức bối làm chúng ta rối bời vì một cảm giác bất an đang thao thức đâu đó trong đời sống con người hiện đại khi cảnh lam lũ, khó nhọc trên mặt đất này vẫn luôn thường trực ở khắp mọi nơi. Hoàng Hưng đã vẽ bởi cảm xúc thơ thường trực trong con người ông chính là cái tố chất nhân văn luôn tràn đầy, luôn hướng tới và phải trình hiện bằng ngôn ngữ thơ này. Hoàng Hưng cũng đã vẽ và chấm phá chỉ bằng đôi nét thầm lặng ở bức tranh sau:

Cố đợi ngày trời trong
Có thể ngắm rặng tuyết sơn
Xa ngoài trăm cây số

Chờ hết một mùa
Trời mờ mịt sương

Đường lên núi súng nổ
Xe cháy

Sáng nay đôi chim hạc bay về
Mang trên cánh
Tuyết núi xa

Hình ảnh Tuyết Sơn trong bài thơ trên lặng mà động, yên mà bất yên, tưởng chừng không thấy mà lại thấy, tuởng như không chảy mà lại chảy, ngỡ như hư ảo giá lạnh mà lại hiện thực nóng bức. Cái hình ảnh đột ngột sớm nay, đôi chim hạc bay về từ núi xa, hình như không phải chúng mang tuyết trên núi về mà trên đôi cánh hạc ấy còn có cả dấu vết của máu nữa bởi trước đó, đường lên núi súng đã nổ và xe đã cháy. Cách chấm phá của Hoàng Hưng trong bức tranh này đã vượt qua được cái không khí của tranh thuỷ mặc xưa, nó gần với đời sống đương đại nhưng cũng rất gần với Phương Đông. Phải chăng đấy là một hướng đi mới của thơ hiện đại, khi Hoàng Hưng sau gần 40 năm trăn trở cùng thi ca với các khuynh hướng tìm tòi khác nhau đang hành trình tìm về miền cội nguồn của thi ca phương Đông?

Sự hóa thân của thơ vào sắc thái ngôn ngữ và hình ảnh riêng của mỗi nền văn hoá đã nhiều lần được Hoàng Hưng coi trọng đặt lên hàng đầu khi ông tới viếng thăm những miền đất khác hoặc khi ông viết về con người và đất nước ấy. Hoàng Hưng đã tìm được nhịp điệu đặc trưng của Lorca trong bài thơ sau:

Những đồi ô liu chạy trong trăng bạc
Góc tối toa tầu con tim tôi đập 

Lorca

Đồng mênh mông rực cháy và nứt toác
Đâu rồi kỵ sĩ Cordoba?
Chỉ một bóng cao bồi Far-West
Giữa phim trường bao la

Lorca

Nhịp chân dồn dập di-gan
Trên sàn diễn giả trang hang đá
Trán nàng giọt giọt mồ hôi

Biển tháng chín mình tôi
Địa Trung Hải sóng chạy về tít tắp

Lorca

Đêm bập bùng ghi ta Granada
Bom nổ sớm mai quảng trường tan tác

Có cảm tưởng những hình ảnh huyền ảo, rung động của thi pháp Lorca đã làm nên sự hấp dẫn của bài thơ trên, Hoàng Hưng đã nắm bắt được nhịp điệu ấy và ông nhập cuộc vào một “bản nháp” theo kiểu của Lorca với dấu ấn sáng tạo của riêng mình.

Nguồn: Văn hóa Nghệ An

Share this post

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on print
Share on email

Leave a Reply