BỐN MƯƠI NĂM THƠ VIỆT HẢI NGOẠI: ĐỖ QUYÊN

Tên thật: Ðỗ Ngọc Thủy. Sinh tại Hà Nội (1955); Định cư tại Canada (1996). Tốt nghiệp (1977) và giảng dạy (1977-1988) ngành Vật lý hạt nhân, Ðại học Bách khoa Hà Nội; Cộng tác viên khoa học của Viện Dubna, Nga (1988-1990); Làm báo ở Ðức (1990-1996), ở Úc (2004-2008); ở Canada (1996-2010); Học bổng khoa học nhân văn Rockefeller 2001-2002, Trung tâm William Joiner, Mỹ. Sáng tác chính: thơ, tiểu luận, truyện, phỏng vấn, tiểu thuyết. Tác phẩm đã xuất bản: “Nhìn cây thấy rừng”; Phỏng vấn, NXB Văn Nghệ, California 1997 “Tuyển tập thơ văn hải ngoại năm 2000”; (In chung) Văn Mới, Los Angeles 2000 “26 Nhà thơ Việt Nam đương đại”; Tuyển tập thơ (In chung) Tân Thư, California 2002 “Một thời để nhớ”; Tuyển tập thơ (In chung) Người Việt Hải Ngoại, Vancouver 2006 “Thơ kể – Poetry Narrates”; Tuyển tập thơ (In chung) Lao Động, Hà Nội 2010 và Tân hình thức, California 2010 “Lòng hải lý”; Trường ca, NXB Hội Nhà Văn, Công ty Hà Thế, 2011 “Trung Việt Việt Trung”; Tiểu thuyết thời sự, Người Việt Books, California 2016 * Thơ Đỗ Quyên băn khoăn giữa trần tục và vô nhiễm. Một trong những nhà thơ có khuynh hướng hậu hiện đại sớm trong tiếng Việt. Từ Lòng Hải Lý đến Buồn Muộn Cùng Thế Kỷ, từ Đống Chữ đến Bài Thơ Không Thuộc Về Ai, từ trường ca đến tiểu thuyết, nhiều chủ đề, một phong cách. Đó là nhà thơ lưu vong cả về ngôn ngữ lẫn niềm tin, thường xuyên ám ảnh bởi hoặc đối diện với lẽ sống, lẽ chết, ra đi và trở lại, nổi loạn và tuân phục, sợ hãi và phản kháng, ở giữa miên man nhiều lời nhiều ý, đôi khi che khuất cả những hình ảnh đẹp vừa lóe lên đâu đó, không kịp đào sâu chúng, những trầm ngâm bóng ảnh nguồn cội. Xung đột trong thơ Đỗ Quyên là xung đột tiểu thuyết, giữa con người và hoàn cảnh. Vì thế anh thích hợp với trường ca hơn thơ ngắn. Thơ anh là ký ức cô đơn, không hẳn vì anh là người xa xứ, mà có lẽ vì căn cốt của thơ là tiếng nói lẻ loi. Có lẽ giữa các nhà thơ hiện nay, anh cô đơn nhất, bên lề sự thấu hiểu. Anh chạm tới, có khi thành công, có khi không, những giới hạn, tìm cách thoát khỏi cái bình thường. Mặc dù đề cập đến nhiều đề tài, không hề tránh mô tả các vấn đề chính trị, chiến tranh, anh vẫn, như một phương pháp nghệ thuật, và dường như vô thức, đứng ngoài những xung đột ấy. Đó là một hạn chế thi pháp, của nội dung như một hình thức nghệ thuật. Đọc Đỗ Quyên, thấy rõ thơ là ngôn ngữ. Trường ca của anh là một ngôn ngữ triển nở, lấy cái biểu đạt làm linh hồn. Điều xung khắc là trong khi tuân thủ chặt chẽ tinh thần hậu hiện đại, và tạo dựng một thế giới của chữ, đống chữ, thì anh vẫn đa mang sầu hận lạc loài dăm bảy đứa, nỗi niềm lưu vong. Trong khi chủ nghĩa hiện đại khắc họa các tính cách rõ ràng, thơ dù đau khổ vẫn hướng tới cái tốt đẹp, thì những nhà thơ như Đỗ Quyên đi ngược lại, xóa mờ đường nét, bắt chéo câu chuyện, thêm thắt lịch sử, chú thích những giọt lệ. Làm thơ khác bổ củi: Tản Đà không chắc đúng! Ngay anh đây làm thơ có những trận toát mồ hôi mông Em ơi Đó chính là những trang bài em từng đẫm lệ Thơ như thế, khó đem ngâm ngợi cho người yêu. Nhưng trường ca Đỗ Quyên mô phỏng một thế giới không đặc trưng, không có cốt tủy, thậm chí không cả trung tâm không ngoại biên. Thơ ấy không dùng được vào việc gì có ích, nhưng bỏ qua không được. Cũng như chính đời sống, với tất cả tản mạn, vụn vặt, bất định, chung chạ. Tuy nhiên, nhược điểm của anh là không đi đến tận cùng quan điểm phi lý. Sự đau đớn vẫn có thật, số phận hiện ra rõ ràng. Đây là điểm hạn chế chung của những tác giả Việt Nam có khuynh hướng hậu hiện đại hiện nay. Sự đóng góp thể loại của anh là đáng chú ý. Ở hải ngoại, anh là một trong những nhà thơ hiếm hoi lao vào thể thơ trường ca hay trường thi không người đọc này. Tuy nhiên, từ góc nhìn trong nước, đó là khuynh hướng nổi bật mấy mươi năm nay, và không có dấu hiện dừng lại, theo cả nghĩa tốt và nghĩa xấu. Giữa những người viết trường ca, Đỗ Quyên đi con đường riêng, lưu vong nhưng không tỵ nạn, phi chính thống nhưng không phản kháng, ngoại vi nhưng không sẵn sàng chiếm lĩnh trung tâm, đổi chỗ chúng cho nhau, siêu thực nhưng không quá xa hiện thực, vô sở cầu nhưng hoài bão tâm sự. Thơ Đỗ Quyên là một quá trình. Như thế, nếu xem thơ là quá trình, không phải kết quả, viết một mạch không mấy khi sửa lại, thuận theo tự nhiên hỗn mang, thì thơ anh là sự tham dự vào đời sống một cách tích cực. Những hơi thơ dài, sự cường dưỡng, lấy lại quyền năng của chúng; và đó đây tạo ra ngôn ngữ đẹp, gây ấn tượng dai dẳng. Nhưng thơ anh không có sự cứu chuộc. Trước bi kịch, thơ lầm lũi đi qua, chiếu ánh sáng của nó lên bề mặt lương tri thô ráp. Vì vậy một ngôn ngữ rườm rà và mềm mại, đôi khi trở nên dằn sốc, cứng, thách thức. Đó là hỗn hợp giàu có danh từ và thiếu hụt động từ. Ở thời điểm tệ hại nhất, thơ anh là sự lạc đường, trong khi ở nơi khác, bùng nổ phong cách. Đọc thơ hôm nay cần một cuốn từ điển các chú thích. Điển tích mới, ký ức không được chọn lọc, những ngụ ý về xã hội và lịch sử rải rác với dung lượng lớn. Ngụ ý không phải là một giá trị nghệ thuật. Giữa những chương buồn rầu, thậm chí tuyệt vọng, một số ý tưởng lập đi lập lại đơn điệu, giữa những điều người khác đã biết rồi và anh vẫn cứ nói như không, phấn khích như không, có một điều gì đó lấp lánh, không chịu biến mất. Có lẽ là sự thật. Sự tưởng tượng là giàu có nhưng mô tả chi tiết của anh trong thể trường ca chưa tỉ mỉ như khi người ta kể một câu chuyện, nếu người đọc so sánh với những tác giả khác, ví dụ Du Tử Lê, Thanh Thảo, Mai Văn Phấn, Nguyễn Khoa Điềm, Cao Đông Khánh. Tác giả không phải là người tin rằng việc theo đuổi các lý tưởng, như sự công bằng, chủ nghĩa nhân đạo, là yếu tố cần thiết của thơ ca. Anh chống lại chúng. Tuy vậy đọc kỹ, vẫn thấy thâm sâu một người tự do quyết liệt. Những bài thơ ngắn mà anh trở lại những năm gần đây, là một thử nghiệm khác, không hoàn mãn. Tuy vậy, đó là những thí dụ Đông phương. Đỗ Quyên quan tâm về, gần như bị ám ảnh bởi, nghệ thuật thơ ca. Anh đi tìm chúng, gần đến nơi, rồi bỏ đi, không kịp chia sẻ với ai, có lẽ quá tự tin hay mất tự tin. Một trong những bổn phận của thơ là ghi chép thời gian, là ký ức tập thể. Đối với thứ ghi chép ấy, chúng ta phải dựa vào người khác. Nhưng Đỗ Quyên ít dựa vào ai, một số cố gắng làm mới ngôn ngữ của anh dừng ở bề mặt. Đó là, tuy thế, một người mới, một người thực sự thực nghiệm nhìn thấu suốt những đường biên của ngôn ngữ, và nhiều khi, chuẩn bị vượt qua. Con đường anh đi rất dài, như thể thơ trường ca mà anh chọn, cường tráng, thất bại chen ngang hông thành công, phức tạp, đẹp và vô định. Trích TRƯỜNG CA SONG SINH Khúc 14 HOÀNG CẦM CA Lần Đầu Các Bài Thơ Đen đã mất sáng nay nhà thơ mà anh thường đọc trong những đêm chờ em ông không mang theo được các bài thơ tất nhiên nhưng khi trái tim thi sĩ đa tình ấy thôi dồn máu liệu các bài thơ còn sống được không trong anh nào xem đêm nay lần đầu chờ em anh đọc các bài thơ đen Em Vẫn Chưa Về tôi biết là em đi tìm sang cõi Không thi bá vừa rảo bước Người muốn qua bên đó hẳn em chưa biết tôi sẽ cử một trung đội các bài thơ hư thực nhất của Người gọi tìm em rồi chúng sẽ trụ lại nơi đường biên hai cõi Thi Nhân Hỡi Em Ơi đè níu bàn tay trái tôi câu thơ đêm qua dành chưa hạ xuống bài thơ về sự ra đi của một thi nhân tài hoa bàn tay phải tôi trĩu nặng bài thơ cho em hôm nay đang thành chờ câu cuối tôi đan hai tay vào nhau tất cả nhẹ bỗng thi nhân hỡi em ơi Không Em Chúng mình từng biết một thi sĩ buồn rụng bàn tay [1]) những tháng ngày bên nhau anh không để ý trong vẹn toàn Tạo hóa Không em anh chiều nay Đi tìm bàn tay thơ rụng Trên trái đất khắp nơi Anh chỉ gặp các hình nhân không bàn tay Anh Tìm anh tìm ở bài thơ nổi danh Em có về không Hoàng Cầm gửi Tuyết Khanh không thấy em ở nhiều bài khác nữa gửi nhiều người khác nữa của nhiều người khác nữa mới thấy được xác em¬ * * * Khúc 15 ĐỖ QUYÊN CA Bông Hoa Mang Tên Tôi Bông hoa mang tên tôi héo mặt bàn Sẽ mãi đó cho đến khi mặt bàn không còn trên mặt đất Tôi ngắt bông hoa trong vườn chiều chia biệt để trái đất bớt đi một cái đẹp mang tên buồn Và bàn viết của tôi được chôn cái đẹp Đỗ Quyên Đỏ Máu Cây đỗ quyên trước cửa nhà tháng năm đợi chưa bao giờ được vào thơ Đỗ Quyên Màu đỏ máu đêm như ngày nhức nhối Đỗ Quyên Tất cả các hoa trong vườn hồng, mẫu đơn, tu líp… những cây trồng cúc dại cùng những loài vô danh khác đã hóa nên thơ của tác giả chủ nhà mang tên chim Đỗ Quyên Đường thơ đã định từ đầu: chim Đỗ Quyên – bài thơ sau chót thì bài thơ áp chót sẽ là hoa Đỗ Quyên Chờ đó ơi màu máu Về Màu Đỏ Của Hoa Cái đỏ của hoa tôi mang tên đã không còn Sáng nay cây xanh với lá Những năm tới tôi chờ được – rất nhiều lần như thế và hơn thế Nhưng thơ tôi Đúng vậy thơ tôi đang cần đỏ của cây hoa vừa tỏ Ngày mai có thể không còn hoặc nếu còn thơ sẽ khác Màu đỏ của hoa tôi mang tên quả thực không còn nữa – Những cây đỗ quyên xanh Những cây đỗ quyên lá Này Tôi cắt máu mình Thơ đỏ một màu hoa Một Khối Máu một khối máu đọng góc đất góc trời tàn mà không phai hoa lâu rơi ly hương nửa đời buồn thơ tôi đất nhức một trời nhức một người nhức mười ngày mai sẽ trả lại tên Đỗ Quyên cho đời thân xác tôi về nguồn cội máu hoa tan vào đất trời * * * Trích SÁCH XANH Tặng Đà Linh – Nguyễn Đức Hùng (1958 – 2013) … Từ đất mỗi cuốn sách mọc lên… (Đ.Q.)
  1. Trò chơi tiếp tục
Sau khi trồng trên đời các cuốn sách xanh bạn nằm xuống Ý tôi còn muốn nói Đẹp xiết bao những nấm mồ người-làm-sách * Từ đất sách mọc lên Mãi như thế Tiếp tục các trò chơi chúng ta vẫn có thể hữu ích hay vô tăm tích theo mỗi cây chữ Các cuộc chơi viễn liên đã khác không gian khác thời gian, nay thêm chiều kích thứ ba gọi nôm hồn vía Cứ dùng lối nói dân gian thay vì diễn ngôn khoa học mọi người sẽ hiểu vì sao Trên đó dễ dàng với chữ hơn phải thế không nếu không, vì sao đi vội? mà thôi tôi sẽ không cố hỏi (như đang cố sống cố viết, cố ngủ cố thở, cố ăn cố yêu) Sinh ra từ đất khó ở chỗ chữ phải thăng hoa Những chữ hạnh phúc lên cao vọi hoặc ấp ủ lòng người hạ giới rồi tự hóa thành vật dụng thường hay tan vào không trung làm nhân cho vì sao tương lai Nếu chúng trần trụi lam nham mặt đất lũ chúng ta trọng tội những chữ bất hạnh * Các nhân vật của bạn ‘tôi vào Đà Nẵng học’ [1], ‘Mạnh và Đình đi bộ đội’, ‘Tùng và Bách vào Đại học Bách khoa’ có thể mang thân phận cũ có thể đổi thay tùy nghi điểm nhìn mới trên đó Với tôi không nệ áo khoác thầy tu khi nhằm đích tâm kinh các nhân vật sẽ không địa chỉ tùy thân thậm chí còn đánh tráo cho nhau chức năng nghệ thuật Có quan trọng lắm đâu chọn lựa thi pháp Thi pháp là gì nếu không chuyện cái cốc cái ly? Bạn có đôi bàn tay mượt và hơi run run nâng ly bia nhấp miệng lần đầu tiên chúng mình chạm mặt tôi phát hiện (dù đọc biên tập từng biết tay nhau!) quán đêm Hàng Than gió sông Hồng phả lên lạnh Sáng sớm hôm sau gặp lại đôi bàn tay ấy, khác rắn rỏi, nhà bạn, cùng nhau tỉnh giấc, sang bên kia đường viếng nhạc mẫu Dương quân Vòng hoa kẻ sĩ sao mà nặng Các nhân vật của bạn đứa một đầu cực sành điệu làm giàu bất lương đứa một đầu cực ngơ ngơ nghèo khó hóa điên mấy đứa ở giữa xúm xít san bằng xí xóa Chắc tôi không trong số đó nên đã làm người dẫn truyện hôm nay Biết bạn có cặp da đen nặng những bản thảo xanh còn thấy bảo đi đâu cũng kè kè cắp giữ tôi nhìn hoài không thấy Trong nhà ngoài phố những điệu cười hiền những điệu cười hiền Các nhân vật của bạn ‘năm thành viên hợp thành một băng, gắn bó suốt những năm phổ thông’ Tôi mỉm cười, buột miệng cha nội lãng mạn những tưởng thời bình hậu hiện đại hết mô típ “tứ tử trình làng” [2], “năm anh em trên một chiếc xe tăng” [3] nhân vật văn học thứ dữ, cũng là thứ thiệt, độc lập tung hoành Thế mà truyện bạn đẩy độc giả vào trận chiến đô la nhà đất bàn tay người lớn làm đồ giả trong trái tim thật học trò Về cấu trúc ý đồ, xin khẳng định: Được!
  1. Miền hoang tưởng
Anh được tới với em trong một chương bản trường ca khóc bạn Chúng ta có các trang dài những chữ những chữ đầy Để cười tháng ngày xa biệt và để khóc nỗi buồn gánh chịu lẻ loi Bạn anh – sự chết đến và đi, như một lần lật khuôn sách ngỏ Chuyện cũ em biết ít nhiều Có lão nhà văn suốt đời cặm cụi xây tòa nhà bằng trang báo trang văn gió vào cửa này lão dựng cửa kia cứ thế, đúng là gió lùa nhà chữ Em sẽ cười vuốt tóc anh, nhại, miền hoang tưởng của các ngài là những trang mơ Em có nhớ nhân vật vừa nuôi lợn vừa làm thơ thơ chảy xanh khúc sông phân đục lợn nuôi người thơ hại người thơ người không bỏ thơ người bỏ lợn Viết đến đây, ngưng, ra tìm khoảng sân con con miền hoang tưởng của mình có khóm hồng chờ trong lạnh cuối thu Vầng trăng, anh không thể hy vọng, biết bao kẻ khác mỏi mòn trông, từ những toán bác sĩ trong đêm chữa trị nạn nhân bão Haiyan cho tới con mèo hoang nhớ chủ Làm thơ, chỉ cần hưởng hương khuya lấy hồn em và xin vía các thi nhân của những đóa hồng Heine, Nguyễn Đức Sơn hai ta chung đọc có lần Đừng tiếc, bạn anh không viết về hoa bận lắm với những ‘mẹ con’, ‘dòng sông’, ‘ngôi nhà’ và ‘bàn tay sáu ngón’ đấy miền hoang tưởng của chàng trên kia sẽ còn bận mãi Thơ viết giữa hai bước chân một của ánh điện một của ánh đêm giữa hai bàn tay một về người âm một về người dương vượt miền hoang tưởng này sang miền hoang tưởng nọ không thị thực bởi anh, thi sĩ đời em Giữa khe hở sự sống cái chết, tìm lại nhau chương mục của bản trường ca dành cho chúng ta nhích dần tới dòng kết Đừng lo khoảng trống thi ca là của ái tình Không bài ca nào đặc những nhạc, lời trừ các tử ca thủ tiêu thi tính Tiến về Hà Nội theo phiên bản đời thường trẻ trung [4] anh nghe trọn khi viết chương đầu trùng dịp 90 năm ngày sinh nhạc sĩ Chương này tất nhiên hòa trong Bésame Mucho [5] em thích Mẹ và con – chương tiếp, dự tính Thương về miền Trung [6] (của chàng) Khó nhất, anh lo, chương chót Điệu van xơ Wiener Bonbons [7] cuốn hút hay thê thiết Bèo dạt mây trôi [8]? Quá giang trường ca viếng bạn đường lối trữ tình không thể riêng tư thi tứ đến sau vần điệu và dằn vặt đâu còn hiển lộ như xưa Chỉ thoáng nghĩ về em là bầu bạn giang hồ văn chương chạy lại mọi đồ vật, sự việc hết muốn thành thơ chẳng được như Đỗ Phủ, Tchekhov mong đợi Viết xong chương này thân xác chưa trọn ngàn con ong kéo đến trái tim thiếu đầy ngàn con bướm đậu lên anh mất phần thi sĩ, một đêm nay Chóp nhà cao ngày nao trong bài thơ tiễn biệt kia, vẫn ngã tư trung tâm của những mùa thu ướt ngó xuống bản thảo cười nhạo em có thấy em có thấy không Thu phong từ thơ Tản Đà lá hàng xóm rơi ngang Hà Thành thế kỷ trước tới Vancouver hôm nay Em, anh từng viết, mùa thu đến trên những bàn chân lá tiếp, qua những mắt lá mùa thu ra đi Em, chúng mình còn đây sao như một người – hoặc anh hoặc em – hết sống trước một người Có những khi anh đã thơ như kẻ không được thơ, đã thở như người không được thở nghĩ về em đang nhớ anh mà không thể nghĩ về anh Rồi nơi chốn hai chúng mình lại đổi Trái đất tròn lắm lúc cũng vuông vuông Trái đất tròn lắm lúc vuông vuông để cho những nhà văn nhà thơ khốn khó miền hoang tưởng dài mãi sâu thêm Trái đất tròn lắm lúc vuông vuông để cho những kẻ thương yêu nhau khốn khổ miền hoang tưởng không rộng cao hơn Trái đất tròn lắm lúc đã vuông vuông. III. Mẹ và con – Trong tầm 1185 chữ khuôn mẫu Tchekhov truyện ngắn của bạn vừa thiên hạ bàn tay Khó, ngần ấy thôi Alice Munro kịp phác phác nhân vật chính là cùng Ừ thật vô lường một hạn định chữ chạy đúng một vòng tròn truyện ngắn – ‘Ông ấy hơn ba tôi khá nhiều tuổi’ ‘sống ở căn nhà bên’ ‘cùng người mẹ rất già’ ‘cửa nhà’ ‘thường xuyên đóng kín’ ‘Ngược lại nhà tôi’ ‘khá đông’ ‘ba, mẹ và ba chị em tôi’, ‘tiệm điểm tâm’ ‘nên gần như mở cửa cả ngày. Tôi là chị đầu, giống mẹ’ ‘hai đứa em pha trộn’ – Tài, ngay cửa truyện các từ khóa đã được dẫn bày ‘Ông ấy’ ‘đóng kín’ ‘Ba tôi’ ‘mở’ ‘cả ngày’ ‘Tôi’ ‘giống mẹ’ Chuyện đàn ông đàn bà đã thành chuyện con chuyện mẹ – ‘Hồi còn nhỏ, tôi không ít lần thắc mắc rằng ba mẹ tôi luôn nói’ ‘ông ấy là nghệ sĩ’ ‘thực sự’ ‘không thấy điều gì’ ‘dáng dấp’ ‘nghệ sĩ’ ‘ngoại trừ’ ‘một dấu ấn tình cảm’ ‘theo lời kể của ba mẹ’ ‘khi gia đình tôi chuyển về’ ‘đó thì ông ấy trồng một cây bàng giữa hai nhà’ ‘tự ông xây bờ bảo vệ’ ‘cẩn thận’ ‘ông ấy đã nói’ ‘để kết giao tình xóm giềng’ – Mọi nghệ sĩ đều vậy cây si không trồng ở nhà hàng xóm thì cũng mọc theo các nhà hàng xóm của nhà hàng xóm cứ thế nơi nơi nảy nở sinh sôi Chủ đề mẹ con, ẩn dụ nếu tôi đổi tên truyện thành Nghệ sĩ hẳn bạn không càm ràm Tôi chịu các từ ‘dấu ấn tình cảm’, ‘bảo vệ cẩn thận’, ‘tình xóm giềng’ hé lộ mô típ cô-hàng-xóm một cách tự tin vào tay bạn không sến sáo trên nền cổ điển – ‘Cây đó lớn bao nhiêu, tôi chừng đó tuổi’ – Và kịch tính bắt đầu từ đấy cho tới khi bước qua xác hai nhân vật chàng nàng vài lần xuống dòng văn bút bạn kể ra cũng thuộc loài sát chữ – ‘Sắp đến sinh nhật của tôi và cây bàng trước cửa’ ‘ba tôi bảo’ ‘đã đến lúc đặt tên cho hội quán này tôi thực sự’ ‘băn khoăn’ ‘nếu đặt là nghệ sĩ‘ ‘ông ấy sẽ nghĩ gì’ ‘nhỉ?’ – Truyện có hậu và trong giọng thỏ không còn non những độc giả cáo vẫn muốn bị lừa Ngoạn mục. BÀI THƠ – 2 Bài Thơ Xõa Tóc Có một người để hoàng hôn sau lưng biển dưới chân và đi tới tôi bằng sự thơ dại Thơ ở đôi mắt và dại ở mớ tóc dọc cánh tay trần Cho tôi nợ đôi mắt một bài thơ khác Hoàng hôn gấp bài thơ này xõa tóc Bài Thơ Đôi Mắt Đây người ơi bài thơ đôi mắt tôi mang nợ cùng người trong buổi xõa tóc hoàng hôn Tóc đã theo người về các hoàng hôn khác Đôi mắt chờ thơ trong nắng tắt và khi người đi khuất Một đôi mắt thơ có thể sống xa tóc và các cơ phận khác đợi bình minh Bài Xin Lỗi Em Và Thơ Có ba ý thơ tôi để vụt qua hôm nay Hai đứa tuổi teen chơi bóng không biết là anh em ruột hay gái trai Khu nhà triệu phú treo biển bán với nét chữ như chưa xong bậc trung học Nhạc âm ỉ từ chiếc xe nhà binh chỉ có con chó nhỏ bên trong Tôi thường không để mất ý tưởng nào khi thi hứng cao vót lại là những lúc nhớ em Bài mang tính liệt kê này như lời xin lỗi em và thơ Bài Thơ Thiếu Một Câu Thơ Nó đứng ngồi hồi hộp chờ Anh tính chào em lần chót trong ngày bằng một câu thơ dành từ sáng Nhưng em đã đi không kịp nhận Câu thơ tự vẫn trước khi anh đặt nó vào lòng bài thơ Bài thơ thiếu một câu thơ (Trích TRƯỜNG CA THƠ) Vancouver, tháng 2—8/2010    

Share this post

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on print
Share on email

Leave a Reply