Chuyện bên đống lửa sưởi

Vinh Anh

1.

Tôi bị lạc đơn vị. Gọi là lạc cho oai thôi chứ những ngày đầu nghe thấy tiếng pháo là chúng tôi đã nhớn nhác, chẳng biết tình hình ra sao. Nghe thêm tiếng xe tăng là biết giặc rất gần lại thêm tiếng đạn pháo là con bồng con bế, mạnh ai nấy chạy hết. Nói vậy cũng khí quá, nhưng mà đúng là chạy giặc. Lẫn với dòng người ôm nhau, lớn cõng bé, chạy loạn giặc Tàu, cũng lốn nhốn lắm. Cũng may đều là dân vùng núi, nên trốn chạy trong rừng, người nọ theo người kia, cũng chẳng mấy khó khăn. Chạy vài ba ngày là chúng tôi tơi tả, đói khát, nhếch nhác hết cỡ.

Dẫu tôi có thâm niên ở rừng khá lâu, rừng với tôi vẫn là chốn thâm nghiêm và cũng với tôi, rừng luôn là bạn của con người. Thâm tâm tôi nghĩ, trận đầu tiên với bọn Tàu bên kia biên giới, bị bất ngờ, bỏ chạy, thì có thể tha thứ. Còn nếu cứ chạy mãi, không tập hợp được quân tướng, thì không thể tha thứ được, thì sẽ mất hết. Tôi người vùng này, tôi muốn cắt đường rừng, tìm về quê. Tôi cũng sốt ruột cho gia đình lắm. Nhưng bên tôi còn một anh lính bị bỏ lại với đoàn người hỗn loạn, đầu quấn băng và chân cũng quấn băng, nên tôi không nỡ bỏ. Tôi dìu anh cùng đi và cũng từ đó, tôi bị lạc với đoàn khảo sát địa chất của tôi.

Tôi cùng anh lính bị thương lạc vào một khu rừng, theo con mắt của tôi và anh lính, rừng như còn nguyên sơ, hầu như rất ít dấu vết con người. Vào lúc chiều muộn, anh sốt hầm hập, chân lại đau, không lê nổi. Tôi cũng mỏi mệt, bụng đói cồn cào và buồn ngủ nữa. Tôi nghĩ tìm chỗ nghỉ trước cho anh lính, rồi kiếm cái ăn sau. Tôi đã nhìn thấy khối thứ ăn được trong khu rừng còn rất hoang dã này. Ở rừng, tôi chẳng thể chết đói được.

Khi hái rau, tôi phát hiện ra những khúc gỗ cháy bên suối. Vậy là ở đây cũng đã có người ở. Nhìn những khúc củi cháy, tôi hiểu, họ ở đây cũng khá lâu nhưng nhìn lối đi, tôi thấy rất ít dấu vết con người. Vậy thì chỉ có thể họ chỉ tạt qua một thời gian ngắn.

Và tôi đã gặp họ khi đang kiếm rau. Người đàn bà dân tộc đứng trước mặt tôi, nhìn bộ dạng của bà, nhìn gùi lá sau lưng, tôi đoán bà trên nương về. Tôi mừng quá, sự xuất hiện bất thình lình của bà khiến tôi vững dạ, tôi nghĩ ngay mấy khúc gỗ bị đốt cháy dưới suối. Và tôi đã đúng. Bà hỏi chuyện, xem qua vết thương của anh lính, bà an ủi, giọng nói rất rõ ràng, như người miền xuôi, cái đầu thì phải vừa uống thuốc, vừa đắp thuốc, cái chân phải đắp thuốc và nghỉ ngơi dăm bảy ngày, cứ chạy thế này không khỏi được đâu, rồi đưa chúng tôi về nơi bà ở.

Trong lúc ngồi nghỉ lấy lại sức lực và đợi bà chủ nhà lui hui nấu cơm canh cùng với mấy ngọn rau rừng bà mới hái mang về, anh lính tâm sự: “Lính tráng tụi tôi đâu có được biết những gì mà cấp trên biết. Tình hình giặc giã thế nào cũng đâu có biết…” Vậy cũng chẳng khác gì cái đơn vị khảo sát của tôi. Ở cái đơn vị khảo sát, nơi heo hút bản làng chỉ dăm bảy nóc nhà, lại nay đây mai đó, mang tiếng là cán bộ Nhà nước, nhưng cũng chẳng hơn chị dân quân và anh du kích. Có nghe được mấy mẩu tin trên đài của ta đấy, nhưng cũng chung chung lắm. Biết cái thằng bạn bên kia biên giới nó đểu rồi, nó bành trướng rồi, nhưng gọi cho rõ là thù thì cũng chưa thật dám gọi to cho rõ đâu. Trước khi nó đổ quân sang ào ào như lũ rừng, bắn pháo như sấm nổ, giết người, cướp của, hãm hiếp phụ nữ… chúng tôi vẫn coi bọn Tàu bên kia là bạn, bạn cùng phe xã hội chủ nghĩa mà, bạn quốc tế vô sản mà… tuy chằng thằng lính nào ưa thằng bạn đó. Bạn gì mà bạn, bọn đểu thì có.

Ông bảo tại sao lính sao lại chạy á. Ông có biết quân nó đông như thế nào không? Biết “Chiến thuật biển người” của bọn nó không? Đấy, ông đã nghe bao giờ chưa? Chưa hả, chưa thì nghe. Chúng nó ỉ quân đông và nhiều đạn. Còn ta thì nghèo, nghèo lắm. Tôi nghe hồi đánh Mỹ, lính ăn sướng hơn bây giờ. Chuyện chúng tôi ăn ruốc mặn, mắm tôm giềng gió trên chốt là thường. Bọn Tàu chết vô khối. Nói không ngoa, bọn tôi cứ phải một chọi 5, chọi 10. Đánh thế, lính nào chịu nổi. Hết đạn chẳng lẽ để nó bắt sống. Phải tìm cách bảo vệ mình chứ. Mà này, lúc oánh nhau, có đồng đội ở bên, đếch sợ. Nhưng bây giờ, thấy cô đơn lắm, biết khi nào mới tìm được đơn vị… Buồn và cả sợ nữa. Nếu không có ông, tôi biết xoay sở thế nào… Mình thèm gặp lính mình quá, gặp lính mới biết được tình hình…

Tôi vừa mới bước qua một cuộc chiến và giờ đây lại bắt đầu cuộc chiến mới. Khổ cho dân tộc này, đánh nhau liên miên.

Ừ thì giờ đây đang là chiến tranh. Chiến tranh là nguồn cơn của tội ác, là sự phân li, chia rẽ, là giúp nhận rõ hơn bộ mặt bạn bè. Nhưng rồi chiến tranh sẽ phải kết thúc. Kết thúc là có bên thắng, bên thua. Lúc đó sẽ thế nào? Tôi không hình dung ra, nhưng tôi hi vọng tôi sống sót. Ai bước vào cuộc chiến cũng đều hi vọng mình sẽ sống và sẽ tồn tại, chẳng ai muốn mình chết. Nhưng chắc một điều, trong cuộc chiến, người ta thương nhau nhiều hơn. Dù rằng không muốn chết nhưng lại sẵn sàng chết cho các bạn mình sống. Trong cuộc chiến, tâm hồn con người đẹp hơn, mọi người sống vị tha, tình cảm và rất con người.

Vậy mà khi cuộc chiến kết thúc, sự phân cực lập tức đến. Những thằng bạn mà mình sắn sàng chết vì nhau kia trước ánh sáng đô thị, có những thay đổi. Tôi đã phần nào kịp nhận ra cái “ phân cực” này trong tháng đầu tiên sống ở Sài Gòn sau khi ngưng tiếng súng. Người ta nghĩ đến mình nhiều hơn. Người ta ích kỷ. Cái tình người không phải không còn nữa nhưng nó kém mặn mà đi. Người từ cuộc chiến trở về đã khác. Đau khổ là như vậy. Cuộc chiến qua đi, cái sự sống chết không còn phải quan tâm nhiều, người ta bận tâm lo cho cuộc sống của mình và rất dễ dàng quên những ngày sống chết bên nhau.

Còn bây giờ dân tộc này bắt đầu vào cuộc chiến mới.

2.

Anh lính và tôi ngắm ngôi nhà và chủ nhân của nó. Ngôi nhà gỗ bé nhỏ gọn gàng. Giữa  rừng thẳm có thể gọi là lâu đài. Họ có hai người, một đàn ông, một đàn bà, nhang nhác già như nhau. Đó là sự kết hợp tự nhiên hợp lý và dễ chấp nhận với những khắt khe, tóc mách của người đời. Người đời có cái xấu: chuyện mình thì giấu còn chuyện thiên hạ thích mang ra bàn tán.

Cũng dễ nhận ra đó là cặp đôi “rổ rá cạp lại”. Không có trẻ nhỏ. Cái từ “rổ rá cạp lại” không mấy khi hiểu được theo nghĩa tốt đẹp. Cuộc đời luôn là thế. Có rất nhiều chuyện “rổ rá cạp lại” từ những quanh co, khúc khuỷu của cuộc đời, từ sự cô đơn, sự éo le duyên số, để rồi đến lúc đành “nhắm mắt đưa chân”. Người ta cô đơn và người ta tìm đến nhau để bớt cô đơn. Người ta tìm đến nhau để tìm ra ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn, hâm nóng trái tim và để hi vọng. Bởi cái cô đơn thường dễ gặm nhắm cả tâm hồn lẫn thể xác con người, còn hi vọng là để người ta tồn tại với đời. Rồi biết đâu đó, từ ngọn lửa nhỏ nhoi, leo lét đó, có thể tìm ra lửa ấm của hạnh phúc, lửa sáng của cuộc đời.

Nhìn qua về vết thương của anh lính, người phụ nữ đeo gùi vào rừng, chừng một tiếng sau, bà quay về với một gùi lá sau lưng. Bà chọn lá và giã những lá gì đó, thứ thì để anh uống, thứ để đắp vào chân. Anh lính cũng ăn hết bát cháo cá mà ông già bắt được dưới suối, lăn ra ngủ. Giấc ngủ của người lính chiến rất say. Từ ngày bị thương, dẫu vết thương không nặng, nhưng có lẽ hôm nay anh mới có được giấc ngủ ngon.

Cuộc đời luôn có sự ngẫu nhiên. Sự ngẫu nhiên được giải thích bằng duyên số, bằng số phận hoặc đơn giản là chuyện tình cờ. Chuyện tình duyên đa phần là chuyện của sự ngẫu nhiên và mang tính con người. Con người khác giới tự hấp dẫn lẫn nhau. Bỗng dưng đâu, một “người dưng” đâu đó khiến ta lưu luyến, khiến ta nhớ thương. “Cái duyên ông trờ se, cái que ông trời buộc” là thế. Và được giải thích đó là số phận mà đấng tối cao sắp xếp, rất ít người có thể lựa chọn. Nhiều khi, có sự lựa chọn và cũng có thể sự lựa chọn kéo theo sự đau khổ.

  Đêm nay, một cái đêm chiến tranh, thật ngẫu nhiên, tôi và anh lính được ngồi với hai người và một đống lửa. Chúng tôi ngồi với nhau để tạo cho nhau niềm tin và sự yên lòng cho nhau trong hoàn cảnh giặc giã, bom lửa. Lửa xua đi giá lạnh và lửa ấm làm người đời xích lại gần nhau. Xích lại gần nhau để chống trả cái giá lạnh. Còn hôm nay, xích lại với nhau để chống lại kẻ thù.

Nhiều tâm tư và cũng lắm nỗi niềm mà ta hằng cất giữ, ấp ủ trong lòng dễ được thổ lộ bên đống lửa mùa đông như thế. Điều này rất thú vị với tôi, dù là chiến tranh ở ngay bên cạnh, vì tôi được thêm một sự hiểu biết. Nhưng đối với hai ông bà, cái thú đến một cách khác, cái thú không vì ngọn lửa. Cái thú là có thêm người. Thây kệ thiên hạ đánh nhau. Nơi rừng thiêng này bọn giặc mò đến là chết. Thêm người là thêm chuyện, vừa để xua đi những cô quạnh, đơn điệu, vừa để cho quên màn đêm lạnh giá, vừa để thấy đời bớt đi bất công phần nào chăng? Chẳng gì, có mặt tôi cũng là niềm an ủi… Niềm an ủi rất đỗi bình thường, thậm chí tôi chẳng nghĩ đến nhưng với hai ông bà cô đơn, đó là niềm vui. Niềm vui mà người ngoài cuộc chẳng thể hiểu hết.

Đêm chưa sâu, trời chưa lạnh lắm, cái lạnh tái tê mà ngày xưa các cụ gọi là rét buốt, rét cóng, nghe rất hình ảnh, cũng dân dã, hình dung thấy ngay như có ngàn mũi kim đâm vào da thịt. Vẫn là những con gió đó nhưng sao thấy khang khác với cách gọi rét đậm, rét hại ngày nay. Tầm chập tối, những con gió hoang, lạnh buốt mới chỉ chờn vờn, chưa cắm vào da thịt. Hình như lúc này, mới chỉ là màn dạo đầu của một đêm đông. Và tôi biết, hai ông bà kia đã chịu nhiều đêm như thế và còn chịu nhiều đêm đông khác như thế nữa.

Tôi ngắm ông già ngồi trầm ngâm bên gốc si già lụ khụ, lua xua rễ phủ. Một gương mặt có đầy những nét gồ ghề của đá sắc, của khô cằn nứt nẻ, có đủ nỗi buồn tủi và khổ đau đã kinh qua. Gương mặt đó không giống những gương mặt khác từng lướt qua đời tôi, vì bất chợt tự nhiên, tôi nhận ra ở khuôn mặt đó với hình hài nội tâm khác, như thể một khoảnh khắc chớp nhoáng nào đó chạm vào, nhận ra con người thật, tình cảm thật của ông. Tôi bỗng nhận ra cái thần thái và sự ấm áp nơi ông. Sự ấm áp như ngồi bên đống lửa lúc này.

Anh lính bị thương không thể thờ ơ với ngọn lửa ấm áp. Anh xoay người về ngọn lửa nóng, đưa tay bóp đầu, không kêu đau nữa. Mấy thứ lá trên rừng mà người phụ nữ hái về đã có tác dụng. Rừng nuôi ta và bảo vệ ta là thế. Đừng bội bạc với nó.

Anh ngồi xuống cạnh người đàn bà. Anh nói đã tận mắt nhìn thấy mấy thằng giặc Tàu cầm súng phun lửa đốt từng nóc nhà và tiếng cười khả ố của chúng. Anh cũng nghe thấy tiếng la khóc của đàn bà con trẻ, dắt díu bồng bế nhau chạy giặc. Anh không còn đủ sức để bảo vệ đồng bào mình. Anh đau nỗi giặc giết hại dân mình. Anh phanh áo ngực đón ngọn gió lạnh vừa lướt qua để giảm bớt sự căng thẳng, ức chế. Con gió chỉ đủ rung rinh nhẹ các nhánh rễ lòa xòa. Anh nói anh ngửi thấy mùi khét cháy của thi thể con người trong tiếng cười toang toác của bọn giặc dữ.

Nhưng hơn tất cả, anh nghĩ về đối tượng cuộc chiến đang xảy ra. Phải rồi, đó là kẻ thù, kẻ thù thì phải dùng ngọn lửa căm hờn để thiêu đốt chúng. Còn đồng bào, đồng bào của anh đây, phải dùng ngọn lửa để sưởi ấm, tìm ra sự yêu thương, đùm bọc

Anh quay sang tôi: “Có điều lạ, tại sao ta cứ ẩm ương giữa bạn và thù, không dứt khoát. Cái lệ thuộc một chiều quá nhiều. Điều đó khiến một người hiểu biết không thể không đặt câu hỏi: đâu là độc lập và tự chủ? Cái u u minh minh là ở cái sự không rõ ràng, dứt khoát bạn là ai và thù là ai. Chúng ta đang sống ở gần cuối thập kỷ hai mươi chứ đâu có phải thời “tiền khởi nghĩa? Và ngày đó, trong đầu những ông to to, to cỡ nào thì lính tráng cũng khó xác định, có lẽ cũng rất mơ màng, viển vông cái vai trò xác định bạn và thù. Cái mà các ông í nói ra cứ ẩm ẩm ương ương, coi chúng là bạn một ít, thù một ít. Bọn tôi có bao giờ được phổ biến phải coi chúng là kẻ thù đâu, dẫu rằng chúng tôi vô cùng căm ghét cái sự đểu giả của bọn người phía bên kia. Ngay cái sự gây nhiễu, gây loạn dẫn đến chết người rõ ràng của chúng, cũng có bao giờ mang súng ra phang nhau đâu. Vẫn “dĩ hòa vi quý” vì vẫn “núi liền núi, sông liền sông” vẫn “hữu nghị truyền thống” cơ mà. Chuyện “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” xảy ra ở đâu đó cũng là bắt buộc, là bất đắc dĩ thôi, mình cứ cố “một sự nhịn là chín sự lành”. Âu thì thời thế nó thế, nên ta cũng phải thế. Bị nó đánh bất ngờ là thế.”

Sau những tiếng súng, tiếng pháo là sự hoảng loạn của tất tần tật dân biên giới, khi tận mắt thấy bọn giặc giết sạch, phá sạch, đốt sạch, chẳng chừa cái gì. Vậy là hò nhau chạy về phía sau. Tin đồn từ mạn có tiếng súng là bọn lính Tàu giết hết, phá hết, giờ thì chắc chắn đã rõ, chẳng bạn bè gì nữa. Cứ phải máu đổ thì mới mở mắt, rút được ra bài học cơ. Cái đau khổ chết người là đấy. Bài học đẫm máu là đấy. Quả thật, chúng ta yêu hòa bình đến giây phút cuối cùng.

3.

Bà mở đầu: “Đàn bà như hạt mưa sa/hạt rơi giếng ngọc, hạt ra luống cày”. Phận đàn bà khổ lắm cháu ạ. Tôi thoáng có nhận xét, bà phải là một người đàn bà rất có nghị lực. Người bà yêu là một thằng gàn dở theo cái đúng nghĩa đen, nghĩa là con người lêu lổng, hư hỏng, vô tích sự, không có công ăn việc làm đàng hoàng như “con người ta”. Đúng là tự dưng ôm về một thằng “người dưng”. Làng xóm chê, bạn bè cũng coi thường, còn gia đình bà thì khỏi nói, dứt khoát là dứt khoát, cấm cửa! Vậy là thành trắc trở, vậy là thành éo le. Khi yêu, người ta có thể chết vì nhau. Với bà, đã có gì là ghê gớm đâu mà phải chết. Bà hỏi tôi “Cậu biết chuyện đồi thông hai mộ chứ? Biết ạ. Chuyện tình đẹp không? Đẹp nhưng không có hậu, cháu thương cô gái quá, mãi mới đọc tiếp. Nghe nói bây giờ họ vẫn xa cách. Ác độc! Người đời quá ác độc. Mối tình đẹp như vậy lại đem sẻ chia, chết rồi vẫn không yên, vẫn lẻ loi, độc ác quá…” Bà im lặng, xót xa. Nỗi xót xa hằn lên đôi mắt tồi tội, tối tối, u buồn đẫm nước mắt. Lòng tôi cũng lắng lại theo những lời lên án của bà. Tôi như nhìn thấy cuộc đời rõ hơn qua lời lên án của bà. Đời có mấy người tốt? Lại chua xót.

Bà và cái thằng người dưng vô tích sự của bà thách thức gia đình, dòng tộc, làng xóm mang nhau đi một chỗ thật khuất nẻo để yêu. Tình yêu vĩ đại là thế, tình yêu bất chấp mọi sự đời là thế. Cái đẹp, cái say đắm, cái lãng mạn là thời kỳ này thì không ông phóng viên, ông tòa báo nào biết để câu khách, một đề tài lý tưởng, có thể khiến tác giả bài báo nổi tiếng, tờ báo cũng nổi tiếng theo. Bà nhớ là độ đó đang rét. Rét cắt da cắt thịt. Bà phong phanh và thằng vô tích sự cũng phong phanh. Đêm đầu tiên, họ chui vào cái lều chăn vịt giữa đồng không mông quạnh, ôm nhau bên đống lửa, được nhóm lên từ gốc tre quơ vội quơ vàng được. Đêm đó trời tối thui. Hai người vơ mấy bó rơm đánh đống trên ruộng, về làm ổ, đâu có được hưởng mùi thơm của chăn chiếu mới đêm tân hôn.

Khổ ải bám víu vào bà từ đây. Nhưng trước khổ ải là những ngất ngây hạnh phúc mà đã chắc trên đời mấy ai được hưởng. Đó là hạnh phúc làm vợ, vợ một thằng vô tích sự nhưng hiện  thì chẳng ai bằng cái thằng vô tích sự đó. Cô gái nhận ra cái đẹp của thằng vô tích sự, cái đẹp mạnh mẽ, trai trẻ và rất con người. Thằng vô tích sự nhìn cô bằng con mắt mà chưa hề có ai nhìn cô như thế, cả những năm tháng sau này cũng vậy. Ánh mắt say mê, điên rồ hút hồn cô, khiến cô bối rối chìm trong mê li vì sự dịu dàng. Nhưng khiến lòng cô run rảy nhiều hơn, kèm theo ánh nhìn, nó khen “sao mình hôm nay đẹp thế…” Con gái là bông hoa, ai chẳng muốn đuọc khen đẹp. Cô nhớ mãi câu đó, cái tiếng “mình” thì thầm bên tai báo cho cô một giai đoạn mới của cuộc đời, nó cứ văng vẳng suốt một đời con gái ngắn ngủi của cô, suốt quãng đời đàn bà nhiều day dứt, lắm tâm trạng của cô. Thằng vô tích sự gục đầu vào bộ ngực trần… Chao ôi… Đời người con gái có thể chỉ trong khoảnh khắc giây phút rung cảm để rồi sẽ tự nguyện buông bỏ, rồi đến một thời khắc nào đó, họ sẽ hi sinh, họ sẽ hiến dâng… Trong lơ mơ, cô văng vẳng nghe thấy tiếng nói của nó : mình đẹp thế, sao tự nhiên mình thương tôi, sao mình không chọn người khác, mình có biết tôi thương mình lắm không… Nó vùi đầu vào ngực cô mà lẩm bẩm như vậy. Cô gái run rảy, mê man nghe những lời của nó, cô hiến dâng đời con gái cho nó trong cái lều chăn vịt, nơi đồng không mông quạnh, giữa một đêm đông gió rít và rét như dao cắt chỉ liu hiu ngọn khói từ gốc tre khô nhặt được sưởi ấm.

Nhưng rồi những ngày hạnh phúc đó không kéo dài, cái lưng vốn mà cô tích cóp mang theo khi dấn thân vào nơi mịt mù thăm thẳm cùng nó, chỉ có thể nuôi hai người không đầy tháng. Lúc này, cô tỏ ra hơn hẳn thằng vô tích sự. Thằng đó chỉ biết làm theo những gì cô gái nghĩ ra trong đêm, khi những ân ái đã qua. Cô cần phải lo cho một cuộc sống lâu dài, cái điều mà thằng vô tích sự không biết đến, chưa bao giờ nghĩ tới.

Nhưng thực ra, thằng vô tích sự không hẳn vô tích sự. Khi không còn chỗ dựa là gia đình, họ hàng, bạn bè nó tự biết nó có bổn phận phải gánh vác phần việc nào đó. Từ lâu, nó biết nó chẳng được đối xử như một con người. Vậy nên, khi nó được cô bạn gái cưu mang, cái ẩn dấu và ý thức người đàn ông trong nó trỗi dạy. Nó thấy thương người bạn gái. Cũng tự dưng, nó muốn được che chở, bảo vệ cô. Sức trai của nó lần đầu được phát huy, nó thấy nó phải làm việc và phải kiếm tiền, nhưng vốn dĩ, nó chẳng biết làm gì ngoài việc ăn uống vạ vật, dựa vào chỗ quen này, người quen nọ. Vậy là ở cái nơi lạ hoắc xa làng, xa nước này, nó lang thang không ai thương xót, phải tự thân kiếm tìm công việc để có cái đút vào mồm.

Thằng vô tích sự ra bến sông, gió thổi ù ù. Người ta thuê nó bốc hàng và cho nó ăn. Nó nhớ phải mang về cho cô bạn gái mà nó đã cùng ăn ở bấy lâu nay, vậy là nó đã biết nghĩ cho người khác. Cái gì làm thay đổi nó? Chẳng gì khác ngoài tình yêu và sự dịu dàng của cô gái. Vậy đấy! Bất chợt nó hỏi, thuyền đi đâu, cần người làm thuê không. Và nó được đáp ứng. Nó sẽ đi làm kiếm tiền, kiếm tiền để nuôi cô gái, bụng nó nghĩ thế.

Bà kể tiếp: Cái đêm cuối cùng để rồi thằng vô tích sự đi, nó bần thần đứng ngồi không yên bên ngọn lửa được đốt cũng từ những gốc tre. Có lẽ đêm muộn lắm rồi, nó mới chui vào ổ với cô gái. Cái ổ rơm rặm rặm đầy hơi ấm đàn bà lại làm hắn si mê. Cô gái vuốt tóc nó, những ngọn tóc cứng như rễ tre. Người ta bảo vậy là khỏe. Thằng vô tích sự rúc vào cô gái, ôm chặt cô và ngấu nghiến. Hắn đã quyết, sáng mai hắn phải rời xa cô để thực sự lao vào đời, tự kiếm ăn.

Cô gái không biết lý do. Thằng vô tích sự không muốn kể lại chuyện ở bến sông. Nó chỉ nghĩ ở trong lòng nhưng lại không biết kiềm chế biểu lộ. Cô bảo nó ngủ đi để ngày mai còn lo công việc. Nhưng tình yêu không để cho nó ngủ, nó cứ ôm chặt lấy cô. Cô thấy mặt nó ướt nước mắt và cô càng chiều nó hơn, dịu dàng với nó hơn, đàn bà với nó hơn.

Trong cái gió bấc hun hút cắt thịt cắt da và trên cái ổ rơm năm đó, thằng vô tích sự được hưởng trọn một đêm hạnh phúc nhất trong đời.

4.

 Thằng vô tích sự ra đi và không trở về với cô gái. Nó chết bất đắc kỳ tử trong một đợt lũ rừng khủng khiếp vì bị chính những cây gỗ của những gã sơn tràng đàng anh đốn xuống và đè chết. Cái chết của hắn được các bạn đi bè mang về kể lại cho cô gái với những lời an ủi chất phác thô kệch như những cây gỗ già rừng sâu chứa đựng những thâm u, bí hiểm và vài đồng bạc mà bạn bè gom góp, gọi là chút tiền mọn phúng viếng linh hồn, để nó còn phù hộ anh em sau này.

Hôm sau, sau một đêm thức trắng đến bạc đầu, bất chấp lời khuyên của các bạn của thằng vô tích sự, cô gái khăn gói lên đường tìm mộ nó. Chẳng gì cũng phải thắp cho nó một nén hương, cúi đầu lạy nấm mồ, mà người nằm dưới đó đã cho cô gái hưởng những điều mà bất cứ người đàn bà nào cũng muốn được hưởng: hạnh phúc được làm đàn bà, và hơn nữa, cô đang mang trong người một hình hài mang dòng máu của nó, cô đã có thai. Cô phải biết để còn nói cho con của cô và cũng là con của nó, biết về người nằm dưới mồ.

Nhưng mọi sự không thuận lợi. Khi đến vùng mà thằng vô tích sự của cô được chôn cất thì có hai gã sơn tràng đến làm quen. Biết hoàn cảnh cô, hai gã đưa cô về nơi hai gã trú ngụ với lời dụ dỗ có chốn ăn ở đàng hoàng, để sẽ lại tìm đường trở về quê cũ. Khổ thân con gái dặm trường, chưa biết người đời tốt xấu, thật hư thế nào đã cả tin, cắp nón đi theo hai gã.

Ngay đêm đó, và tiếp cả nhiều ngày sau, hai gã đã thay nhau hành hạ cô. Cô không thể chống đỡ cũng như không thể nào tìm lại được cảm giác của thằng vô tích sự đã trao cho cô. Không bao giờ nghe được tiếng “mình” rất đỗi dịu dàng, âu yếm của thằng vô tích sự nữa. Cô lo sợ khi màn đêm buông và hai gã nồng nặc mùi rượu xấn sổ đè ngửa cô, quần nát thân thể cô. Cái thai trong bụng mang dòng máu của thằng vô tích sự cũng mất. Chúng bỏ cô lại trong rừng với một nồi gạo còn dở.

Người dân địa phương đã cứu thoát cô khỏi hai gã “quỷ sơn tràng” kia. Người đàn bà già mạn ngược, lúc nào cũng cái gùi hàng sau lưng, bắt gặp cô trong tình trạng mê man, nhìn thoáng đã biết bệnh tình của cô, ngoài những vết thương trên thân thể, cô còn bị băng huyết, mặt xanh như tàu lá, hơi thở thoi thóp. Người đàn bà đó ngày ngày vào rừng lấy lá rừng mang về sắc cho cô uống và đắp những cánh lá cây được giã nhuyễn vào những vết thương trên người cô. Cô, nhờ phép màu, nhờ tuổi trẻ, nhờ cả cái chất phác, phúc hậu của người dân mạn ngược, đã trở lại với cuộc sống. Cô ở lại với họ trong sự vô thức. Chính sự vô thức đó đưa cuộc đời cô sang trang mới.

Cô ở với những người đã cứu sống cô nơi sơn cùng thủy tận, heo hút. Người bản giúp cô dựng một căn nhà nhỏ bên suối bằng những cây gỗ rừng, không xa nơi thằng vô tích sự nằm. Cô theo người đàn bà luôn đeo cái gùi sau lưng vào rừng, lên nương. Cô nhớ cái ổ rơm của cô và cô mang gianh, mang lá rừng về làm ổ, cô nhớ lại những ngày mới đây, đâu đã xa xôi mà lại như xa thăm thẳm.

Cuộc đời cứ chậm trôi, chậm trôi. Cô thường đi về phía đó, nơi mà chỉ cô nghe được tiếng ‘mình” của nó phát ra. Cái tiếng “mình” ấy là tài sản của riêng cô, cô giữ riêng và không chia sẻ với ai. Cái tiếng “mình” đó gắn kết cô với cái nghĩa tình“vợ chồng” sâu đậm khôn tả. “Mình” là sự hòa hợp và thông hiểu. Chỉ có cô mới hiểu nó, chỉ có nó mới hiểu cô. Cô muốn được nghe nhiều lần nữa mà không thể được nữa rồi. Nó ở đây, nằm dưới đất này và để lại trong cô sự quạnh quẽ, buồn tủi, đơn độc trên cõi đời.

Thời gian sẽ phủ lên ký ức từng lớp bụi. Ký ức về những ngày đã qua đó chỉ còn lưu lại khi nét đậm, lúc nét nhạt của cô với thằng vô tích sự. Nhưng mỗi khi cô tìm đến ngôi mộ thì những nét xưa trên khuôn mặt cô trở lại. Cô nhớ hơi ấm ổ rơm liu hiu khói trong cái lều vịt giữa đồng-lâu đài hạnh phúc của cô. Những lúc như thế này, cô lại muốn nghe được tiếng kêu thì thầm “mình” của thằng vô tích sự khi nó âu yếm, vuốt tay lên mặt, con mắt nó cười nói chuyện với cô.

 Rồi cuộc đời người đàn bà vẫn cần phải có bóng một người đàn ông. Người đó có thể vô tích sự nhưng cũng có thể sẽ cho người đàn bà một chỗ dựa, một mái nhà, một tổ ấm… Vài năm trôi nhanh, rồi lại vài năm nữa… Hỏi, đời người còn gì với ngần ấy thời gian? Cô gái giờ đã là một phụ nữ với đủ nỗi thăng trầm, đủ mọi sắc thái cuộc đời với nhiều nỗi buồn và ít niềm vui, đầy những chông chênh, khổ đau ngấm vào, cần biết bao nhiêu một bờ vai.

Anh lính quay lại phía ông già và ngọn lửa. Ngọn lửa cho ta niềm yêu thương, ông già cho ta vững niềm tin, siết chặt, gắn kết ta lại với nhau. Ngọn lửa của sự đầm ấm. Anh nhìn những gốc si ăn vào đất, một cái gốc vững chắc. Con người ông già có mảnh hồn như đã nhập vào rễ si, cắm vào đất, tạo ra sự chắc chắn, tin cậy. Sự tin cậy như một điểm tựa. Ông là cây cổ thụ của rừng già. Ông là hiển hiện của thực tại, cái thực tại nơi này đang chất đầy những lo lắng, hoang mang. Nhìn ông như thấy thêm sự chắc chắn ở  niềm tin. Mặt khác vẫn nhận ra trong ông, còn có những mảnh hồn bay lơ lửng, rung rung theo từng con gió, đang lởn vởn khắp cánh rừng. Đó là cái kỳ lạ ở ông chẳng dễ nhận ra.

Điều dễ nhận ra ở ông, đó là sự vững chãi.

Nhưng trong ông còn có ngọn lửa lửa nóng, khi nghe anh lính kể về sự tàn bạo của bọn giặc, con mắt ông ngầu đỏ. Liệu con người có lương tri, nhận biết được yêu thương, có dám hạ tay chém giết đồng loại.

5.

Đó là người đàn ông mà dân bản không rõ gốc gác, từ xa phiêu bạt đến. Có cảm tưởng ông ta không có quá khứ, không có ngày hôm qua, còn tương lai với ông, chắc chẳng bao giờ ông nghĩ tới. Một người điên điên như vậy thì nói đến tương lai thế nào được. Theo những gì ít ỏi từ miệng ông nói ra, gia đình ông cũng tan nát vì đất lở sau một trận lũ. Từ ngày mất gia đình, ông sống âm thầm, lặng lẽ như một cái cây lạc lõng, cô đơn, đặc quánh, gai góc, sần sùi, một cây rừng kỳ lạ do số phận trớ trêu, oái oăm tạo nên. Ở ông còn đôi mắt, đôi mắt thật buồn, đôi mắt nặng nề u tối, đôi mắt vô hồn hoang dại, đôi mắt đục lờ như ngâm trong màn sương, luôn vọng về ngày xưa. Nỗi buồn u ám ngày mưa, ngày mưa rừng xối xả, ngày nước suối dâng tràn bờ, ngày đất đồi sụt lở. Chẳng hiểu sao, những ngày mưa gió đó, ông lại dắt dao vào rừng. Người bản bảo ông nổi cơn điên, muốn rẽ mưa, lộị suối đi tìm vợ, tìm con hay tìm thủ phạm gây tội ác. Ông khua con dao đi rừng vào màn mưa. Ông la lên ồng ộc như con thú bị thương. Ông nhớ như in cái cảnh đất sụt. Cả nửa quả đồi đổ ập xuống. Cả nửa quả đồi biến thành ngôi mộ cho vợ con ông. Ông luẩn quẩn, mất hồn, ngớ ngẩn, điên dại bên quả đồi một thời gian, dựng lại một căn nhà trên quả đồi đó như có ý để nếu vợ con ông trở lại, có chỗ trú ngụ, rồi bỏ đi. Sau những biến cố nặng nề, thần kinh con người sang chấn đôi khi đến mức kỳ lạ. Một vết thương thẳm sâu chỉ có thời gian hoặc cái chết mới xóa bỏ được mà thôi.

Rồi dần dần họ khám phá phá ra cuộc sống hoang dã của người rừng lại rất đàng hoàng. Họ nhận ra “người rừng” rất khéo tay. Cái chòi trên cao để tránh thú rừng đẹp như một mái nhà. Người rừng đặt bẫy bắt thú và nuôi sống bản thân bằng vô số đặc sản của rừng. Những người của bản có lúc bắt gặp, muốn bắt chuyện, tìm hiểu thêm nhưng không mấy người nghe được tiếng nói từ miệng “người rừng”. Người ta đồn thổi nhau, coi lão là kẻ dở hơi, là thằng người khi điên khi tỉnh, thích sống cô độc. Những nét đặc biệt về cuộc sống của “người rừng” khái quát cuộc sống của ông, thậm chí như thêu dệt về ông thành huyền thoại.

Gần nơi “người rừng” ở, có một khe nước nhỏ lúc nào cũng rỉ ra từ tít sâu thăm thẳm rừng già, thấm qua các kẽ đá, chắt ra những giọt nước tinh khiết như để tưới mát tâm hồn nhàu nhĩ, khô cằn, cô đơn của ông. Ông tạo ra một cái giếng từ nguồn dòng nước đó. Chẳng hiểu có phải từ ngày có giếng, nhờ tắm rửa, ăn uống bằng dòng nước tinh khiết đó, ông thay đổi tâm tính, đôi lúc thấy ông khác lạ, khó hiểu.

Liệu có phải dòng nước của thăm thẳm rừng sâu đã làm thay đổi tính nết của ông? Không ai xác định. Cái điều mà duy chỉ ông cảm nhận được. Dòng nước rỉ ra từ các mạch nguồn kia như đã mách bảo ông. Ông cảm nhận mọi chuyển động nơi rừng sâu thâm u qua dòng nước. Cái chòi nơi ông ở như động cựa, ông nhắm mắt và thấy nó đong đưa. Rừng như đang thở. Tiếng u u vọng về xa lắc trong đầu ông. Ông nhỏm dạy, đôi bàn tay thô ráp xoa liên tục lên mặt… Ông xuống chòi, đi về phía dòng nước đang âm thầm rỉ ra, róc rách… Vẫn là những tiếng u u từ sâu thẳm vọng về.

Có điều lạ, khi những giọt nước thanh khiết chảy ướt nhòe khuôn mặt khắc khổ, quánh đặc, gồ ghề… Ông lại trầm ngâm như xưa, cái xưa như ngọn lửa ấm vỗ về ký ức. Ông nhớ… Những giọt nước tinh khiết làm ông tỉnh lại, cái trong veo, tinh khiết luôn có sức cảm hóa và những giọt nước tinh khiết đó đã cảm hóa ông, cải tạo ông, thay đổi ông. Những giọt nước thần thánh!

   Anh lính từ chốt phòng thủ bị đánh bật, phải chạy về phía sau, kể: Cái đêm trước hôm Tàu đánh sang, đơn vị có đủ quân đâu. Trước đó, lại hạ mức độ cảnh giác xuống một bậc, đang từ cấp sẵn sàng cao nhất giảm xuống mức thấp hơn, thì ai ngờ. Vậy mà đúng lúc đó, nó ào ào đưa xe tăng sang. Thế thì chiến đấu thế nào, đánh nhau thế nào được. Bất ngờ là vậy. Lại còn chuyện cảnh giác, chuyện bảo vệ an toàn cho chuyên gia và gia đình họ nữa chứ. Chuyên gia thì cần phải được bảo vệ ở mức an toàn nhất. Chuyện gia là khách, khách của quốc gia. Vậy mà nó đánh đến đít, tiếng la khóc đến tai, mà tất cả vẫn yên trong giấc ngủ. Nhưng anh em ta quen với chinh chiến rôi, sau những hoảng loạn ban đầu, chỉ ngày hôm sau là tập hợp lại được và đánh trả ngay. Lúc này là cần anh chỉ huy. Đồn trưởng bọn tớ có tầm như thế. Nhưng rồi chúng tớ cũng chẳng chống đỡ nổi cái chiến thuật biển người của giặc. Chúng đông quá, chết lớp này, lớp sau lên. Bọn tớ hết đạn. Hết đạn thì phải rút thôi. Khẩu hiệu “một tấc không đi, một li không rời” vào thời điểm đó không còn đúng nữa. Phải biết tự bảo vệ mình chứ.

Chuyện tự bảo vệ và chuyện rời vị trí chiến đấu là khác nhau. Khi không còn khả năng phòng thủ, phải bảo vệ bản thân để còn tìm cách đánh lại. Phải rút lui là trong điều kiện như vậy. Một đồn biên phòng với một trăm tay súng, cầm cự một ngày trời với phi pháo, xe tăng và lính bộ binh chiến thuật biển người, chết bỏ của Tàu là một kỳ tích rồi. Cứ đối mặt với giặc lúc đó xem, sẽ tìm ra cách giải quyết. Đồn trưởng chúng tôi tuyệt vời ở chỗ đó. Chúng ta không thể đơn độc chóng lại kẻ thù, ông nói như vậy. Chúng ta phải huy động mọi người, ngoài các chiến sĩ biên phòng làm nòng cốt, phải có cả dân quân tự vệ và những người tình nguyện trong quần chúng. Chúng ta nhất định sẽ chiến thắng trong cuộc chiến này. Chúng ta không đơn độc, ông nhắc lại.

6.

Những lúc ông ngồi bên đống lửa là lúc tâm tư nặng trĩu đã được cởi bỏ. Vẻ mặt ông nhẹ nhàng hơn, sạch sẽ, tinh khiết trong veo như những giọt nước được chắt ra từ rừng sâu núi thẳm. Ông nhẹ người, lâng lâng, bay bay khi nhớ về ngày xưa, cái ngày xưa tươi đẹp và hạnh phúc. Ngọn lửa bên cánh rừng làm ông ấm lại, cho ông những hồi tưởng ngọt ngào. Ký ức ngày xưa bên ngọn lửa khiến ông trở nên khác lạ. Nụ cười tưởng như đã bị triệt tiêu, quay trở lại trên khuôn mặt khắc khổ, đặc quánh, gồ ghề… làm ông thành khác lạ, cái khác lạ đó chính là cái hình ảnh ngày xưa của ông. Ngày xưa của ông đâu đã xa mà sao với ông nó đã là một đời người, nhiều đời người. Ngay lúc này, ông cảm như vợ con ông đang quây quần bên ông. Ông loay hoay vòng quanh đống lửa, tự bày biện ra mọi thứ mà trước đây vợ con ông hằng thích, miệng lẩm nhẩm những câu chẳng ai hiểu, những tiếng lòng đó chỉ có vợ con ông nghe được. Rồi ông ngồi xuống hòn đá, cầm chai rượu lên tu một hơi. Cái mặt lại trở lại vẻ khắc khổ, đặc quánh, gồ ghề… ông đã tỉnh lại và nhận ra cái hiện thực cô đơn, cảnh sống hiu hắt bên đống lửa rừng. Ông ngồi im, bất động như cục đá. Sự tĩnh mịch của thâm u cho ông nhận ra hơi thở của rừng. Rừng có vấn đề của nó. Để hiểu và đồng cảm được với nó phải gắn trọn cuộc đời của mình. Đôi lúc ông cảm tưởng như nó đang cựa quạy, nó vặn mình và những tiếng răng rắc như tiếng kêu của xương sườn, xương sống khi ta vặn người. Rừng đang vận động nội tạng của nó. Và rồi hai ba hôm sau, nước từ đâu đó đổ về, ầm ầm sôi réo. Sự thấu hiểu hoạt động trong nội tạng của rừng, tạo ra cho ông màu huyền thoại.

Để nghe được tiếng rừng, nghe được hơi thở của nó, hiểu biết được thay đổi “nội tạng” của nó, chẳng đáng là huyền thoại hay sao? Người như ông thật hiếm, thật kỳ lạ và với dân bản, thật vô cùng kỳ bí chứa đầy những câu hỏi không dễ trả lời. Người khám phá ra cái “huyền thoại” nơi ông chính là người phụ nữ có chồng chết vì lũ rừng với cây đổ của rừng.

Ngày đó, chẳng có ai nhận ra sự nổi giận của rừng, của trời đất với những cơn lũ sầm sập đổ về như thác, cuốn trôi mọi thứ trên đường đi của dòng nước. Nhìn dòng nước đổ cuồn cuộn, réo sôi ùng ục, mới thấy sức mạnh kỳ vĩ, khủng khiếp ẩn chứa trong nội tạng của rừng mà không một lực cản nào của con người nào có thể cản phá nổi.

Cái người hiểu được sự bất bình, hiểu được cơn thịnh nộ của thần rừng, thần núi đầu tiên có lẽ chính là người đàn ông và người phụ nữ, những kẻ đã mất đi những người thân yêu vì sự nổi giận của núi rừng. Cái chết của những người thân yêu của họ chính là sự cảnh báo của thần rừng vì cách đối xử của con người với thiên nhiên. Thiên nhiên là thiêng liêng, là cái mãi tồn tại cùng con người, thiên nhiên là cái thuộc về bất tử.

Để hiểu được lẫn nhau cần một sự ngay thật, trung thực. Để hiểu được rừng, cần một cả cuộc đời gắn bó, cần một tình yêu trọn vẹn, thủy chung, cần một tấm lòng can đảm sống chết bảo vệ nó… Nói chung là cần sự cống hiến hết mình và sự hi sinh hết mình. Ông già đã đối xử như vậy với rừng nên ông hiểu rừng hơn mọi người hiểu.

Anh lính: Trong cuộc sống, cái khó nhất là hiểu được nhau. Muốn hiểu được nhau phải sống chân thành. Sự chân thành tạo lòng tin. Lòng tin không thể mua bán, không thể đổi chác. Câu hỏi đặt ra: Có thật chúng ta luôn sống chân thành với bè bạn, bè bạn đã thật tin chúng ta? Có thật không tinh thần quốc tế vô sản? Ông bà ta dạy: “Bạn bè là thủ túc”. Bạn bè đến với chúng ta những ngày chúng ta non yếu, không chỗ nương tựa là những ngườ bạn tốt. Ông bà ta cũng dạy: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”, nhưng với lợi ích dân tộc, ông bà ta cũng bảo: Kẻ nào để mất một tấc đất thì kẻ đó phạm tội chu di… Chúng ta đã rút được gì qua những bài học đó? Thử xem, với sự chân thành của ta, những kẻ mà chúng ta vẫn gửi gắm ở bên kia biên giới như thế nào? Bây giờ thì trả lời quá dễ, nhưng khi máu dân mình chưa chảy, vẫn nhiều phân vân cho câu trả lời lắm…

Ta chơi với bạn nhưng ta chưa hiểu bạn hay tầm nhìn của ta hạn chế? Chắc cả hai. “Sông sâu còn có kẻ dò/lòng người nham hiểm ai đo cho tường” Cả nghìn năm Bắc thuộc, các cụ ta vẫn dạy con cháu phải nhớ.

Nghe tiếng súng nổ, người đàn ông đứng lên. Còn xa, nhưng nếu chúng mày đến đây là chúng mày chết. Ông lẩm nhẩm, mang khẩu súng săn tự tạo vào rừng.” Rừng cũng là nhà của ông.

Vậy là hết một đêm bên đống lửa. Tôi và anh lính phải lên đường tìm về đơn vị.

-3/3/21-

Ngày Biên phòng

· 

NHỮNG KHOẢNH KHẮC KỲ LẠ

(Tiếp theo)

2-RỤT TAY LẠI Ở GIÂY CUỐI CÙNG

Sau khi tìm lại được MẢNH ĐẤT CỦA MÌNH và sau khi đăng truyện ngắn “Lũ vịt trời”, tôi bắt đầu nuôi ý định viết một truyện ngắn về sự thù hận mà chúng tôi bị dìm vào từ khi lọt lòng. Sự thù hận có từ bao giờ, chúng tôi không biết. Nhưng nó lên đến đỉnh điểm khi bố tôi, vốn là thằng ở chăn trâu cho chánh tổng, từng phải tận mắt chứng kiến hai đứa em mình chết đói, bí mật theo Việt Minh đúng vào khi xã Hoàng Diệu hoàn toàn thuộc vùng tề, chi bộ cộng sản bị xóa trắng. Người ra đầu thú cuối cùng là ông bí thư tên Lân. Ông Vũ Xuân Lan, người cùng xã, huyện ủy viên, được cử về bí mật xây dựng lại phong trào và ông đã bắt liên lạc với bố tôi. Năm 1950, bố tôi mới 24 tuổi, chưa là đảng viên, được cử làm chủ tịch Ủy ban kháng chiến xã, bí thư là ông Vũ Xuân Lan. Khi Đội cải cách kéo về, người bị bắt đầu tiên là ông Vũ Xuân Lan. Người tiếp theo là bố tôi. Ông Vũ Xuân Lan bị Đội cải cách xử tử, còn bố tôi, bị giam tám tháng, chỉ một chút nữa là bị bắn. Ông nội tôi sau đó cũng bị bắt và chỉ được thả khi đã hấp hối.

Nhưng nỗi đau của gia đình tôi chả thấm gì so với nỗi đau của hàng trăm gia đình bị quy là địa chủ. Suốt cả thời bé con tôi đã nghe bố kể về những pha đấu tố rùng rợn mà ông chứng kiến. Mặc dù nói ra miệng là ông ghê sợ cuộc Cải cách ruộng đất, vì nó quá bất nhân, nhưng khi được trả lại mọi quyền chức, ông tiếp tục điên cuồng lao vào thực hiện lý tưởng xóa bỏ giai cấp mà ông tôn thờ, đồng thời trả thù khốc liệt những kẻ từng áp bức ông, trả thù luôn cả con cháu họ.

Sự thù hận quả là có lý do lịch sử của nó. Nhưng nó không có lý do để kéo dài đời này sang đời khác, gây nên biết bao cảnh thê thảm, phá tan mọi thứ tốt đẹp tích tụ qua thời gian. Tôi cần phải tìm một điểm tựa thật vững chắc cho chủ đề mà mình sẽ triển khai. Nó được gợi ý từ những thành tựu tư tưởng mang tinh thần nhân văn mà chúng tôi lần đầu tiếp xúc, dù còn rất hạn chế. Thêm vào đó là những thay đổi trong nhận thức về lịch sử, về con người được kích thích bởi cuộc cải tổ từ Liên Xô, khiến tôi phải tự hỏi và tự tìm câu trả lời cho nhiều vấn đề. Chẳng hạn như câu hỏi sau đây cứ lởn vởn trong đầu tôi: “Những gì bố mình làm, mà mình chứng kiến, với những địa chủ cũ và con cái họ, là đúng hay sai? Họ cùng thời với tôi, vô can với quá khứ, nhưng tại sao không được phép có một chỗ nào xứng đáng trong cuộc đời mới luôn đề cao mục tiêu công bằng, bác ái?”. Những ý nghĩ như vậy cứ dần dần trở thành lời cật vấn xoáy sâu và tâm can tôi. Tuổi thơ chả ai có tội. Tôi biết như vậy nhưng vẫn cứ thấy hối hận bởi những gì mình làm với những đứa con cháu của ông địa chủ một thời. Chúng tôi, tất thảy, đều là trẻ con, đều vô tội, tâm hồn đều lấp lánh, y như những ngôi sao trên trời. Tôi nảy ra ý tưởng coi lũ trẻ là những ngôi sao trên đồng cỏ. Tôi quyết định đặt tên cho cái truyện ngắn mình ấp ủ bấy lâu như vậy: Những ngôi sao trên đồng cỏ. Tôi ý thức rõ ràng đó là truyện ngắn quan trọng, nên việc ngồi xuống bàn, viết những chữ đầu tiên là vô cùng hệ trọng, bởi nó sẽ quyết định sự thành bại của truyện ngắn đó.

Và một buổi sáng đầu năm 1989, hoàn toàn không chủ định, tôi ngồi xuống bàn từ sớm, viết một mạch hàng chục trang giấy có dòng kẻ, thứ chữ nhỏ li ti. Chữ nghĩa cứ như vọt ra, không thể ngăn lại, khiến ngòi bút tôi cuống lên mới kịp. Tôi dừng lại ăn qua loa bữa trưa, rồi lại ngồi ngay vào bàn. Khoảng 5 giờ chiều thì tôi không biết viết thêm bất cứ điều gì nữa, ngoại trừ việc gạch đi cái tên cũ, quả quyết viết xuống dưới dòng chữ Bước qua lời nguyền. Bởi vì cái tên đó hợp với nội dung truyện hơn. Sau đó tôi gần như rơi vào trạng thái hoảng loạn, không biết mình đang làm điều vớ vẩn hay một việc to tát. Thông thường tôi sẽ cất đi một thời gian, rồi mới viết lại lần hai. Sau đó ngâm tiếp một thời gian, mới hoàn chỉnh bằng lần viết thứ ba. Truyện nào tối thiểu tôi cũng viết ba lần. Sau này thì cả tiểu thuyết tôi cũng vẫn tôn trọng thói quen đó, nghĩa là cứ phải viết lần thứ ba mới yên tâm. Nhưng với truyện ngắn Bước qua lời nguyền hồi ấy, có cảm giác nếu cứ để nguyên bản thảo lần một, tôi sẽ không làm được việc gì với nó. Vì thế, chỉ hai ngày sau tôi đã viết lại. Lần này tôi viết trang trọng tên truyện là Bước qua lời nguyền ngay từ đầu. Tôi chép, sửa chữa như mê sảng. Có cảm giác cơ thể tôi bị moi rỗng, hết sạch. Mạch chảy đang tuôn dào dạt liền hẫng lại, như đến đó là cùng đường. Không thể viết thêm từ nào nhưng truyện thì chưa kết thúc.

Khác với lần viết nháp, lần thứ hai này khi đọc lại, tôi thấy chả còn gì hay ho. Nói đúng hơn thì những gì hai hôm trước tôi thấy hay, giờ không còn hay nữa. Nó cứ rời rạc, chả đâu vào đâu. Tôi như người bị rút mất hồn, đầu óc rỗng ra, chỉ muốn tung hê hết. Chỉ chút nữa là tôi xé tan rồi cho một mồi lửa. Nhưng tôi cứ thấy tiếc công sức cả mấy ngày trời. Tôi cố gắng tìm ra một cái kết thúc và nó chỉ khiến tôi thêm bực mình. Không thể nghĩ được gì hơn, tôi đành ghi hàng ngày tháng 26-4-1989 xuống bên dưới, coi như kết thúc. Tôi đứng dậy, quyết rời khỏi bàn và quên đi những gì vừa xảy ra. Tôi tự nhủ, cứ coi như mình viết thêm một truyện hỏng. Hôm sau thì tôi nhét 17 trang viết tay đó xuống đáy một chồng giấy. Tôi không muốn nhìn thấy nó nữa.

Nửa năm sau, tôi có giấy báo trúng tuyển Trường Viết văn Nguyễn Du. Tôi có thói quen, mỗi lần chuyển địa bàn, thì đầu tiên phải hỏa thiêu toàn bộ đám bản thảo, không để rơi một chữ ra ngoài. Lần này rời Hòa Bình về học tại Trường viết văn Nguyễn Du, tôi cũng giữ nguyên thói quen ấy. Cả một tập giấy dày kín đặc chữ lần lượt bị ném vào lửa. Khi cầm bản thảo “Bước qua lời nguyền” trên tay, thấy nó bị dây nước chè nhem nhuốc, tôi đã đưa nó vào sát ngọn lửa. Chỉ cần buông tay ra là mọi chuyện kết thúc. Nhưng chẳng hiểu sao, vào KHOẢNH KHẮC ẤY, tay tôi vội rụt lại. Thay vì đốt, tôi bèn ngồi bệt xuống, đọc nhanh lại những gì mình viết cách đó sáu tháng và…hú hồn!

Nhưng phải khi về học tại trường viết văn Nguyễn Du, một hôm tôi đang lơ mơ ngủ trưa thì bỗng chồm dậy, lục lọi lôi ra bản thảo còn bỏ dở và ngồi viết rất nhanh nốt đoạn cuối, khoảng 600 chữ.

Cho đến nay, truyện ngắn “Bước qua lời nguyền” được in lại khoảng 30 lần trong những ấn bản khác nhau, được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Trung Quốc, tiếng Thái Lan…

Thế mới biết, không chỉ sáng tác khó, mà thẩm văn cũng khó vô cùng. Ngay cả tác giả còn không biết tác phẩm của mình hay hay dở, nói chi bạn đọc. Đó là lý do ít khi tôi chê văn của đồng nghiệp. Mình thấy hay thì khen, không hay thì im lặng. Bởi dù thấy hay hay dở, thì cũng chỉ là theo mình, chỉ vừa đủ đại diện cho mình. Vả lại cũng còn phải để việc cho các nhà phê bình chuyên nghiệp.

(Còn nữa)

Vinh Anh

Share this post

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on print
Share on email

Leave a Reply