BỐN MƯƠI NĂM THƠ VIỆT HẢI NGOẠI: Nguyễn Thị Thanh Bình

Quê quán tại Huế, nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình là một trong những cây bút nữ xuất hiện rất sớm tại hải ngoại, đã có năm tác phẩm xuất bản ở Hoa Kỳ: Ở Đời Sống Này, truyện ngắn (Nhà xuất bản Đại Nam, 1989), Giọt Lệ Xé Hai, truyện dài (Văn Khoa, 1991), Cuối Đêm Dài, truyện ngắn (An Tiêm, 1993), Trốn Vào Giấc Mơ Em, thơ (Thanh Văn, 1997), Dấu Ấn, truyện ngắn (Văn Mới, 2004).
Nguyên chủ biên khởi xướng tạp chí Gió Văn cùng với GS Đặng Phùng Quân và nhà văn Hàn Song Tường, và phụ tá chủ bút Nguyệt san Non Nước với cố nhà văn Xuân Vũ. Hiện là thành viên của Ban Vận động Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam.

*
Nguyễn Thị Thanh Bình có khả năng mô tả hiện thực trong khi nhìn sự vật qua lăng kính trữ tình. Tiếp cận thường xuyên với đời sống người Việt hải ngoại, quanh những vấn đề thường trực mà nhiều người quan tâm. Chủ nghĩa nữ quyền, gặp trong nhiều nhà thơ nữ, có lẽ không phải là dấu ấn quan trọng nhất. Trái lại, chị quan tâm hơn đến các vấn đề của xã hội trong nước, của lịch sử. Nhiều liên kết hình ảnh tự do, nhiều đối thoại và khả năng của một ngôn ngữ dấn thân.
Thực ra một trong những chức năng của thơ là hồi tưởng, tức là nghệ thuật đi xuyên qua thời gian. Ý thức chi phối cảm xúc cá nhân trong thơ chị. Thời gian bao giờ cũng đặt trong quan hệ với các sự kiện lịch sử, và sau những thăm dò sâu vào dĩ vãng, gần như bao giờ thơ Nguyễn Thị Thanh Bình cũng quay lại với hiện tại. Có một thứ trách nhiệm cộng đồng, tựa như ý thức luân lý xâu chuỗi các bài thơ, dù được viết ở những thời điểm khác nhau, với đề tài khác nhau. Hiếm khi bộc lộ khuynh hướng làm mới ngôn ngữ và những quan tâm thuần túy nghệ thuật. Tuy vậy, sự kếp hợp giữa phản ảnh hiện thực, giọng châm biếm xã hội và trữ tình cá nhân, giọng điệu như những phương pháp nghệ thuật, chưa thật hài hoà và thích đáng trong vài trường hợp.
Là một người viết được và viết hay nhiều thể loại, thật khó biết văn xuôi hay thơ là quan trọng hơn đối với chị. Can dự vào nhiều chủ đề, thơ vẫn giữ được nét đằm thắm. Đôi khi, giữa những câu thơ tư lự, cô đơn, mạnh mẽ, ngôn ngữ của chị đầy tính giao tiếp. Đất nước, tuổi ấu thơ, đời sống hiện nay, dẫn chị đi ngày càng xa trong ký ức vô thức. Thơ chị thiếu vắng sự bất ngờ về ngôn ngữ, nhưng ngược lại đó là một loại thơ tự sự tâm tình, mời gọi chia sẻ những quan tâm về thời cuộc, mà vẫn giữ được không gian tâm tưởng riêng, kín đáo, gần như ẩn mật. Khi giữ được sự thăng bằng giữa tính xếp đặt và tính ngẫu nhiên, hài hước một cách mạnh bạo, thơ chị đạt tới rung động sâu xa ở người đọc, và vì vậy, nhiều bài chắc sẽ ở lại lâu dài.
ĐI ĐI VỀ VỀ
Buổi sớm mở mắt sao lại cứ phải
lục lạo tìm mãi nơi nào để đến
hay đến mãi một nơi nào để về
đến đến về về đi đi lại lại
để làm gì khi mà cứ mỗi phút
mỗi giây của những ngày mình đang sống
cũng vô nghĩa như con đường hôm qua
hôm kia hay hôm kìa tôi đã đi
qua. Tôi đã đi và cũng đã về
trên những con đường vắng ngắt không người
không còn một ai không có một ai
không lời gọi không lời đáp: không không
tất cả là những con số không to tướng
như vòng môi cong cớn của những Adam
như con đường của những trái tim không
tình nhân không gió bão không mây mưa
thứ ảm đạm của những người đàn bà
đến thời kỳ mãn kinh nhưng vẫn còn
cả một triêu triệu kiếp để xuyến xao
viagra-hồng cho những mụ Eva khát tình
hoặc quá thừa mứa những vòng tay ôm
lũ đàn ông dâm đãng bán liệt dương
ôi viagra-xanh cho gió nổi bên trời
cho vực sâu nào chở gió đầy vơi
cho tôi và anh rồi cũng chẳng có
gì? Một lần gặp gỡ là một lần
kết thúc. Nhưng chắc chắn không có
một kết thúc nào giống kết thúc nào
và chúng ta ai rồi cũng sẽ phải
đến đến đi đi về về lại lại
một nơi kết thúc. Của mọi cuộc chơi…

CUỐI NĂM NHÌN NHỮNG CHUYẾN XE QUA
Chuyến xe metro cuối cùng
về trạm hay chưa
cuối năm rồi
cuộc đời thêm trống trải
tôi vẫn làm người di dân
mong ngóng mãi
chuyến xe nào mang tôi về quê hương

sao lâu quá chuyến xe
không về bến
tôi muốn khóc khi làm người đứng đợi
tuyết miền đông trời bỗng thả
giao thừa
đưa tay hứng
mấy mươi năm trời bạt xứ

tôi nào biết chuyến xe
không hồi khứ
người tài xế da màu nhìn tôi không do dự:
“chuyến xe này không bán vé khứ hồi”
người lưu vong
sao mua vé một chiều (?)

ngày tháng chết chuyến xe đời
mệt mỏi
dẫu thế nào tôi cũng xin làm người
đứng đợi
hơn nửa đời
kiệt lực với hụt hơi
đêm 30 không đen
mà khoảng tối trắng mờ

bên kia đường gã homeless đưa tay vào mồm
phù phù khoảng trống
điệu sáo miệng nghe rầu rầu
kiếp bô-hê-miêng
tôi cũng đâu còn sinh khí
để thổi vào những chuyến đi
người công dân hạng hai
chỉ muốn biết ơn những con người lương thiện

ai không biết
chuyến xe cuối rồi tạt ngang qua đây
chúng ta chẳng còn thêm cả nửa phút giây
hòng nói lời tiễn biệt chia tay
yêu hay hận
thì cũng lên xe thôi
nổi lửa cho rồi
chờ ấm một chuyến về.


[*]Xem: “Hoàng Ngọc Diêu – Tôi không hề bị quê hương từ chối”, bài phỏng vấn do nhà văn Phạm Thị Hoài thực hiện.

HẸN BIỂN NĂM 2000
Trở lại đó giữa mùa thương đã cũ
Tháng mười hai hoa tuyết vỡ quanh đường
Lòng biển vắng tự hồn mình ủ rủ
Con sóng xưa không vỗ nổi âm thừa

Ngày rất lạnh ôi hương mùa gió nhớ
Chút thinh không nhắc nhở tháng năm tàn
Em cứ gọi dù mùa xanh đã lỡ
Tuyết nơi nào chắc cũng lạnh như nhau

Trở lại nhé cho bàn tay nương náu
Thiêu hủy mình cho tận tuyệt môi ai
Ðời-sóng-dữ thổi thuyền tình xa ngái
Trôi về đâu níu được mộng cơ cầu

Biển vẫn thế dập xóa gì chẳng rõ
Anh rồi ra cũng xóa dập cho tan
Em trở lại hiện nguyên hình tuổi nhỏ
Những bài thơ trên cát lạnh hoang mang

Cuộc đời vốn những roi bầm chí tử
Những chấn thương đau mãi tự xuân hồng
Làm sao biết biển không sầu tư lự
Sóng nước buồn đợi chỉ một loài rong…

HUYẾT LỆ
Trời đỏ ta cũng thổ huyết đỏ
Ta khạc máu ra có tên người
Tên người hốt lạ vờn qua ngõ
Mây cuộn rũ người một vũng tươi.

KHÚC HÁT NỬA VỜI
Ðừng bắt tôi hát bài ca ấy
Tiếng kêu của loài ve tuyệt vọng
Một mùa hè ở cuối chân mây
Những cánh chim đại bàng cũng vừa biệt khúc
Cùng biển động
Những phím đàn rưng rức khóc
Trong tơ chiều
Ôi ngày qua rất vội những mỹ miều
Thanh xuân

Ðừng nhắc tôi về một dấu chân
Hồn tôi se lại từng hạt cát
Chiếc vỏ ốc đẹp nhất
Ðã lỡ chôn cất
Dưới lòng đại dương
Tôi cũng đã lỡ
Bọt trắng cùng giấc mơ sóng

Ðừng sầu giùm tôi những bông hoa rụng
Vườn ký ức
Những hàng cây mùa đông
Thơm biếc nụ xuân hồng
Lũ ong ngày cũ vẫn không về hút nhụy
Gió tròn môi nẻo gió
Mây qua cầu nẻo mây
lá bay… bay… bay
Khuất giữa chiều hôm mấy đường viễn mộng

Ðừng bắt tôi hát bài ca ấy
Nhạc đời đã tắt
Suối cạn trong rừng già
Phím chùng tơ dây
Ðêm ai về
Thẹn thùng với trăng
Khuyết một câu thề.

LỜI BỌT SÓNG
-1-
Vậy là đâu còn cách chi được tìm về,
núp sau hàng mi có lắm khi ấm áp
sẫm buồn. Rối rắm. Hoặc chỉ giả bộ buồn
đuôi mắt dài những mê lộ tình nhân

-2-
khi giữa tôi và anh và màu trời xanh. Xanh đến hoang mang
đôi mắt nhìn đã nhuốm nghìn lời từ biệt dao cắt
có gió lộng đuổi theo đến nản lòng. Hoa vàng mộng mị
gần hết rồi. Một cuối năm. Trời không còn xanh

trời không còn xanh nên tôi rầu muốn tím hai môi
mà có thật là trời đã xanh như chưa từng vắt cạn máu
mà có thật là trời bỗng xanh như chiếc nơ xanh
trên bờ ngực xanh trong khu vườn ngọt tiếng chim xanh

à thì ra hồn rút ruột nên xanh
tôi một bữa về làm ma rút ruột
đợi một lần anh phanh ruột tim gan
ôi, làm ma rồi tôi chỉ ám anh thôi

ồ mà không. Có thể mình chỉ nên can đảm
rút ruột nhau tuồng như cơn mộng du
và như thế anh rồi đành thoát hiểm
tôi cất ruột mình giấu tận trời xanh

không sao đâu. Trời xanh đâu còn mãi… trời xanh
nên chỉ một lần thấy được trời xanh rất xanh
cũng chỉ một lần nghe mãi những vô âm
lời bọt sóng vẫn còn nguyên vẹn

-3-
mòn con mắt đợi nhau từ mạt kiếp
mê nhau rồi không thiết phải hôn môi
mà ghé lại xin ấm một chỗ ngồi
nên ấp ủ mùi đông phương mải miết.

-4-
tôi thuốc ngủ để chờ trông mộng mị
cho tôi đi xuyên tới những vì sao thăm thẳm của đêm nào
xuyên tới vùng không gian có vạt nắng ai ngồi
xuyên tới những thời khắc của thanh xuân sắp cạn
xuyên tới thứ bóng tối trắc trở trong anh
xuyên tới những bờ tóc phai những liêu xiêu đổ
xuyên tới những ẩn số của những mùa tình ve đực
xuyên tới anh. Ðể bắt về trong những giấc mơ
những giấc mơ không bao giờ đủ dài
như một thiên thu
uy vũ

-5-
Vậy là không còn cách gì
không thể không trở về bơi ngược dòng
khi giấc mơ đã hóa phép một lần khóc
như ngực áo khép hở địa ngục thiên đàng
như linh hồn đàn ông ngã năm ngã bảy trần gian
sao gói được mấy mùa thương mùa vắng
thôi thì
hãy cất giữ những khao khát. Bằng những cơn mơ tảng sáng
ồ mà khi không tôi bỗng muốn
làm căng cứng giấc mơ ai.

MÙA VÔ TẬN
Như đài hoa, em uống
những giọt sương
rớt từ miền bóng tối
đêm tràn lan khắp người em

Gió căng cứng
những động mạch vũ trụ
rừng núi hoang
thơm mùi cỏ dại
em tan trong anh

Ngày tan trong nắng
con đường tan theo những bóng cây
những bọt sóng tan cùng những con thuyền
những cây kem tuyết tan trên môi mùa đông
anh tan trong dòng sông em

Như những lau lách kỷ niệm
em thổi phơ phất lên anh
một đốm lửa
ngày xưa

Như lá quanh hoa
mình ấp ủ nhau
mùa vô tận.

NHỦ LÒNG CUỐI NĂM
Thôi em
chuyến metro cuối đã về trạm
bao giờ
anh ta cũng là người đến muộn
đã quá nửa đời trên trái đất khô
đã thử bao lần làm tình nhân đứng đợi
đã toan yêu một người,
nhiều người trong đời sống
cuộc đời đâu cách chi giải mã nổi
phần số của những con tàu đắm
dưới biển sâu cơn mộng
em cũng không cách chi biết được
chuyến xe nào đi về hư không

Vẫn là những ngày cuối năm
trống rỗng
mở toang mọi cánh cửa
căn phòng lạnh lẽo
bóng tối ký ức
cành hoa trắng ướp giữa dòng thư cũ
áo trắng, sáng nắng
mùa xuân quê nhà, môi cười chim hót
quanh sân trường màu xanh rất xanh
Cho em nhủ lòng
thôi thì cũng một lần
mở toang mọi cánh cửa
đuổi hết những tuyết giá mùa đông
những cảm giác lạc lõng
dù sao
cũng sắp bước qua một ngày của năm mới
ở một nơi
không còn những đóa mai
và em đang phát hiện
mọi người đang hối hả sống

Còn anh đúng là một kẻ luôn luôn đến muộn
khi chúng ta
đã không bao giờ còn trẻ nữa
khi em
cũng đã chìm lỉm quá sâu
trong đời sống
mênh mông
và khi không ai
còn đủ sức chở mùa xuân về…

NO CHINA
(gởi người trẻ “Tuổi 20” và 2 đội bóng yêu nước No-U Hà Nội và Sài Gòn)

Tội cho bé thơ ngu ngơ trưng cờ
đại hán(g)
một ngôi sao sáng
hai ngôi sáng sao…
năm ngôi sao sáng, sáu ngôi sáng sao
ngây thơ nào đem dìm quốc nhục nơi nao
thế hệ nào khiếp nhược hơn cha ông
đã ba(o) lần lẩn thẩn đếm sao… xong
mà chẳng thấy đôi mắt người anh tuấn
mà chỉ thấy hai mắt mình rơi vỡ chảy máu tuôn tuôn
tình hữu nghị là cái chi chi khôn lường
khi ông sao đâu còn
trong bóng đêm mỏi mòn
lời tăm tối loài người

này tuổi 20
sao đứng mãi trong bóng đêm rười rượi
que diêm đâu, sao chẳng đốt
cho bình minh sáng tươi
đốt sạch bóng cờ đốt bạo tàn đốt sáng phố phường
đốt lòng đại dương cho ngư dân sống sót trở về biển lạnh mù sương
no China, “no” yêu đương
đâu thể chết mê nhược mãi trên gường
tuổi trẻ Việt Nam chỉ thà chết
khi xuống đường
khi tự do không còn
ta cũng không còn
khi kiếp đời nô lệ vấp vương
tiếng nói này là xương tủy cho quê hương

no China. Đất nước này đã lắm tang thương nghìn năm qua
no China. Đất nước này là của riêng Việt Nam ta!
no China “ma”, mà cũng no-U, hoan hô no-U Sài Gòn no-U Hà Nội
đường lưỡi bò đường hão mộng bá vương
còn đường nào dẫn đến từ bi bác ái tình thương
nhân loại bao la
dẫn đến đường tim khan
của tuổi 20 dũng cảm mắt sáng hơn gươm
no China,
có nghe không tiếng vọng bầu trời sắp sập kêu ca
đã đến lúc hồi chuông báo tử ngân nga
em gọi anh, chị gọi em hối hả
cha gọi con, đất mẹ rộn rã: Tổ quốc ta phải đặt ở trên cao
chiêu hồn đất nước về như chiêm bao
chuông giáo đường khát khao
tiếng chuông chùa thiết thao
những hồi còi u u
từ cõi trời âm u
từ biển đảo sa mù
từ phố thị giam tù
từ núi rừng già đến núi rừng non
từ con sông lớn đến con sông con
Việt Nam ta hiền hòa như giống bồ câu
nhưng cũng phải đương đầu như thứ diều hâu
có một điều ác hiểm quá lâu
đừng tưởng
bắt nhân dân ôm ác mộng bưng bứt đầu
chạy loanh quanh lừa mị thiên đàng cuội
thiên đàng bù nhìn, thiên đàng hình nộm, thiên đàng bịp bợm, thiên đàng giả, thiên đàng giấy mã, thiên đàng… ma

no China, no China, không bóng ma dọa dẫm
hỡi tuổi 20 kiêu hãnh âm thầm
thà nông nỗi một tình yêu tổ quốc
chúng ta đi tìm thiên đàng thật để đánh cuộc
cho một ngày mai biển sóng
lặng yên.

NỖI HIỆN DIỆN VẮNG MẶT
Bây giờ qua những chấn song
người đàn ông
vầng trán cao rộng
sau lăng kính hư ảo cuộc đời
long lanh kính trắng gọng đen
đang nghĩ gì
đang ra sao
đang loay hoay mong mỏi mãnh liệt
được viết bài thơ tình không dang dở
cho đời sống
hay cho một Hà luôn đi bên cạnh
bức tranh sáng tối đời ông
như một nghĩ về duy nhất trắc ẩn
khi trời xanh đâu còn xanh nữa
như một lời hứa
ngày mặt trời hoài thai những rạng đông
khi ngoài kia
nắng mưa bão bùng
vẫn không ngừng truy lùng
những chú nai lãng mạn
liều mạng đến mê đắm
nồng nàn
trong những khu rừng xứ sở
khi những tên đồ tể siêu đẳng thứ thiệt
vẫn tiếp tục dở trò ham muốn
trên từng phân vuông da thịt
của những kiếp đời nô lệ
dù sao
khi cả tỷ tỷ người ngủ mê, mê ngủ
hoặc nơm nớp vờ ngủ quên, quên ngủ
tôi vẫn chắc như bắp rằng
bầy chuột con mất ngủ vẫn cúi đầu hướng về ông
ngắm nhìn lúc rúc
đồng một lúc
với vầng trăng thao thức xa xa
tôi nghĩ có lẽ chỉ mình ông
hệt chú cá voi nhắm một con mắt
khi ngủ
con mắt còn lại mở theo cánh cửa sổ linh hồn
của nhân loại
ông không nhắm cả hai mắt, đã đành
vì những oan hồn tháng sáu vẫn còn vất vưởng
ở nơi những quảng trường
rụng rơi tuổi trẻ
phi thường
phải rồi, bao giờ những tiếng kêu vẫn còn xé nát
những giấc mơ rất người
bao giờ niềm kiêu hãnh
được tự do
làm người
bị vỡ tan từng mảnh
bao giờ và cho đến bao giờ
những người tù lương tâm trí thức Việt Nam
cũng sẽ hằn theo dấu bước ông
khi nỗi bất lực của bầy kiến
vẫn cố gắng loi ngoi trèo qua từng bờ tường
công lý bị chân lý của kẻ cả
quẫy đạp
cứ tôi phải thế này, tôi phải thế nọ
cứ lặng lẽ đi bên lề phải thì vẫn bị té dập mặt
ở những kiên định chỉ định quyết định
hiếp dâm từng lời nói từng con chữ từng ngày
dường như chỉ khi nằm mộng
tôi mới được sảng khoái và thống khoái
khi chụp bắt một con sóng vĩ đại
trào lên giữa biển xanh
(ôi biển đời vẫn xanh khướt khướt xanh)
mang bóng dáng
dũng cảm gọi mời của ông
bởi vậy
nếu chỉ là chiếc ghế trống ở Na Uy
thì ông không có đó
cầm bằng như ông đang có đó mà thôi
chiếc ghế trống vắng mặt
vẫn thấy còn hiện diện một uy linh
một nỗi gì của tĩnh mà động
chiếc ghế trống để ở giữa
như hai bờ
đu dây sinh tử
khi chính ông đã chọn những cái tử địa
để được sinh ra lần nữa
để được khắc sâu vào biểu tượng
ước mơ tội tình của một Con Người
Con Người khắp địa cầu
với những khát vọng rất đỗi bình thường
không thể chìm sâu
điều mà tôi chưa hiểu được vốn là…
có phải đất nước tôi quá nhỏ hay lòng dũng cảm
và nỗi bi thương
chưa lớn đủ (?!)
dù sao chúng tôi vẫn cần rất nhiều sự quan tâm thao thiết
(giá gì không hề nằm trong những áp đặt chính trị nào đó)
như khi người ta nói về một đất nước đầy máu lệ
chiến tranh và thương xót
một cách thành tâm
điều còn lại
đằng sau chiếc ghế trống
vẫn là thái độ dương oai trâng tráo
tiếng gầm sau chót của mãnh thú rừng tàn bạo
bản cáo trạng vừa được viết ra
cho một thứ sư tử già
tốt hơn là nên ôm mặt chạy mải miết
ở cuối bìa rừng
nhân bản
thế giới.

Share this post

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on print
Share on email

Leave a Reply