Chúng Ta May Mắn Nhưng Chúng Ta Không Biết

1. Cánh Bướm

Buổi trưa nắng vàng, bạn nhìn thấy cánh bướm. Bạn không ngạc nhiên lắm, đến mức sửng sốt, nhưng bạn đứng dừng lại. Một cánh bướm chắc chắn làm bạn đi chậm lại, ngoái nhìn, tựa như khi bạn nhìn thấy một cô bé đi trên đường quê mặc váy đầm, thắt nơ, đi một mình. Không phải là cái đẹp, mà một cái gì khác. Lạ. Ngày trước bạn từng nhìn thấy những đứa trẻ vợt trên tay, đuổi bướm trên đường hay trên cánh đồng. Những cánh đồng ấy, những đường làng ấy bây giờ không còn nữa. Những đứa trẻ bắt bướm ép vào trang sách không làm thế với sự tàn nhẫn. Đối với chúng, đó không phải là sát sinh. Bướm không phải là sinh vật, chúng mong manh quá. Chúng đến thế gian này như những linh hồn. Có người không cho phép trẻ con làm thế, nhưng nhiều người lớn khác không nghĩ điều ấy quan trọng, có lẽ vì đời sống của chúng quá ngắn. Chúng xuất hiện như trang điểm, một cái gì thêm vào cho trần gian. Những cánh bướm có màu sặc sỡ được xem là để tự vệ, chống lại kẻ thù. Có cánh bướm hòa lẫn vào cây lá, không phân biệt được. Có cánh bướm có màu như một loại nấm độc, kẻ thù không dám tấn công. Trên một cánh bướm mà tôi gặp ở Mexico có cái hình kỳ lạ như hình vuông, mà tôi không giải thích được ý nghĩ. Trong dịp khác, chúng có hình của con mắt khá lớn như mắt thú dữ, có lẽ để đe dọa kẻ thù. Con mắt ấy thật đáng sợ.

Khi nhìn những màu sắc sặc sỡ, những họa tiết tinh tế trên một cánh bướm, bao giờ tôi cũng ngạc nhiên. Có một điều gì đó vượt ra ngoài sự giải thích, như thể có bàn tay khéo léo của họa sĩ tô vẽ cho chúng. Vẫn biết trong quá trình chọn lọc tự nhiên, theo Darwin, các giống loài ưu tú có khả năng sống sót, tồn tại lâu dài, nhưng trước cái đẹp của bộ lông vũ của chim công xòe ra, cái sải cánh đại bàng, tiếng hót của chim oanh, tiếng hót hay quá mức cần thiết chỉ để sống còn, cánh bướm tinh xảo duyên dáng lạ kỳ, bạn không thể nào không tự hỏi, ngoài những quy luật mù quáng của thiên nhiên ra, liệu có một điều gì khác nữa không, một bàn tay vô hình nào đặt lên dòng tiến hóa của các sinh vật trên trái đất? Có loài bướm sống được nhiều tháng, nhưng hầu hết đều sống ngắn ngủi hơn, chỉ vài ngày đến vài tuần, cũng như ve sầu chỉ hát một mùa hè rồi chui xuống đất nhiều năm. Những con bướm đực và bướm cái bay đi bay lại tìm cách kết hợp, nhưng chúng bay nhởn nhơ quá, như không có mục đích. Văn chương cũng vậy chăng? Nếu mục đích của đời sống chỉ là để tồn tại, cũng như mục đích của cánh bướm chỉ là để sống còn, thì chúng đâu cần phải làm nên những sắc màu sặc sỡ, để rồi phải giấu đi giữa những lá cây để tránh kẻ thù? Chúng có thể bắt chước những lá cây có màu xám đen và tối kia mà, và chỉ một màu là đủ. Chúng cũng không cần phải bay đi bay lại làm hoa mắt bạn như thế, chúng chỉ việc tìm nhau, giao hợp, sinh sản, rồi chết đi, trốn biệt trong một đời sống ngắn ngủi.

Chúng bay đẹp như thế vì muốn đi tìm ý nghĩa cho đời sống.

Bướm gồm hai loại: bướm ngày và bướm đêm, gọi là ngài. Trong các loại côn trùng, số lượng loài của chúng là nhiều nhất, không đếm hết, có những loài chưa bao giờ được ghi danh. Chu kỳ đời sống thật lý thú qua bốn giai đoạn, trứng, sâu hay ấu trùng, nhộng hay kén, trưởng thành. Bướm ngày nhận ra nhau bằng mắt, bướm đêm nhận ra nhau bằng mùi, khi kết bạn tình. Sau khi giao hợp, bướm đực rời bướm cái và chết đi. Bướm cái tìm chỗ đẻ trứng, đẻ trứng xong chúng cũng chết, đôi khi chỉ sống thêm vài ba hôm. Sau mười ngày nằm trong trứng, con sâu chui ra khỏi trứng, ăn nhiều lá cây. Sâu lớn dần, lớp da bằng vảy của nó trở nên chật cứng, con sâu xé rách lớp da cũ để chui ra, mỗi tuần lột xác một hay vài lần như vậy, từ bốn đến năm lần. Sau lần lột xác cuối cùng sâu trở thành nhộng nằm trong kén. Sâu bướm nằm bên trong kén trải qua một quá trình chuyển thể, lớp vỏ ngoài của kén trở nên trong suốt. Sâu kén đục một lỗ nhỏ và cựa mình chui ra. Lúc lột xác hoàn toàn, bướm bắt đầu giang đôi cánh đẹp đẽ của mình, bay vút lên.

Tháng giêng, dưới những lá mãng cầu, trong những cây ổi, cây cam, cây hạnh của mẹ tôi, tôi nhìn thấy rất nhiều sâu kén. Năm ấy, tôi mười ba tuổi, bướm về thật nhiều, bướm trắng bay khắp làng, bướm đen bay chập choạng khắp những hoàng hôn. Tôi dùng cái dao rọc sách của ba tôi, chọc những lỗ thủng trên những cái kén. Đó không phải là một việc dễ dàng, vì kén rất cứng. Qua lớp áo mờ mờ, tôi nhìn thấy bên trong một sinh thể đang hình thành. Vỏ kén sạch sẽ, cầm bên ngoài cứng rắn và ấm áp như cái tổ nhỏ, vì tôi muốn giúp cho con bướm được thoát ra mau chóng. Cũng vì tò mò. Hôm sau tôi trở lại, những con bướm đã chết, chỉ còn một con bò ra được, nhưng có một cái bụng rất lớn và đôi cánh nhỏ xíu. Con bướm không thể bay được, nó bò quanh thân cây như đứa bé bị tàn tật. Tôi quan sát những cái kén mà tôi đã đục lỗ, quan sát con bướm xấu xí không thể bay được, thẫn thờ, buồn bã. Một con bướm không bay được. Thật là điều đáng buồn. Một con chim không biết hót. Một người nông dân không có đất. Một nhà văn không thể viết. Tôi nhận ra lỗi lầm của mình.

Sau này khi lên trung học, được học môn vạn vật với cô Thu Cúc, một người say mê dạy học, tôi biết rằng con sâu bướm cần áp lực rất lớn ở bên trong để cựa quậy, chui qua cho bằng được cái lỗ nhỏ. Chỉ bằng một nỗ lực lao đao phi thường như thế, quá trình hóa thân của con bướm mới hoàn tất. Khi chọc dao vào mũi kén, tôi đã giải phóng áp lực ấy. Không có áp lực, con sâu không thể hóa thân thành bướm. Quá trình đẩy vọt ra khỏi cái kén cũng đau đớn tựa như người đàn bà sinh nở. Nhờ áp lực và quá trình đau khổ thoát khỏi cái kén, các chất lỏng trong cơ thể bướm sẽ được nhào nặn thành đôi cánh rộng, mong manh, sặc sỡ, mang cơ thể nhỏ nhoi của nó bay lên cao, vút đi, sống hết cuộc đời ngắn ngủi nhưng xinh đẹp.

Có lần tôi về quê, đi một mình trong vườn cũ, cố nhìn thật kỹ dưới những lá cam, lá bưởi, lá ổi, nhưng không tìm thấy cái kén sâu nào cả. Trước đây trong chiến tranh, làng tôi ở ngay trước thành cổ, bên sông, là một vùng chịu bom đạn khủng khiếp, các loại côn trùng bị tiêu diệt, nhưng bây giờ đã nhiều năm sau hòa bình, lẽ nào chúng không trở lại? Nhưng quả thực chúng chưa trở lại. Sự thay đổi của làng xóm, quá trình công nghiệp hóa vội vàng, thiên nhiên thay đổi, rừng núi bị bào mòn, lũ lụt, phải chăng đã làm cho các loài côn trùng biến mất trong cái xóm nhỏ của tôi. Loài sinh vật bé bỏng mà xinh đẹp kia đã bị chúng ta cắt ra khỏi cái kén của chúng quá sớm. Những người trẻ tuổi không qua những áp lực cần thiết, may mắn hay không may mắn? Tôi không biết. Nhưng cái đẹp không được tôi luyện. Hay còn những điều kiện gì nữa, khiến cho cái đẹp tàn đi, sự hóa thân của loài bướm không xảy ra. Tôi cố đi tìm một cánh bướm để tự an ủi mình rằng điều tôi lo nghĩ có thể không đúng. Buổi tối hôm ấy tôi ở lại trong một khách sạn sáu mươi cây số cách xa cố hương. Sáng hôm sau khi ra khỏi phòng, đi dọc theo một hành làng dài và hẹp, ngọn đèn chiếu mờ mờ, để đi đến quán cà phê gặp gỡ bạn bè theo lời hẹn, tôi nhìn thấy một cánh bướm đậu trên bức tường quét vôi vàng, cũ, bên phải, khá cao. Tôi đứng lại, nhìn lên. Cánh bướm trắng kẻ sọc đen, có một con mắt ở mỗi cánh, ở đầu xa nhất, con mắt đẹp, dài, cong vút như dấu hỏi, như lòng thương nhớ khôn nguôi, như một đốm sương mù vừa bay lên từ mặt nước sông Hương.

Share this post

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on print
Share on email

Leave a Reply