ELIZABETH BISHOP: NGHỆ THUẬT ĐÁNH MẤT

NGUYỄN ĐỨC TÙNG

Trong cuốn phim In Her Shoes do tài tử Cameron Diaz thủ vai người nữ y tá, tôi xem đã lâu, có một chi tiết thú vị. Một bệnh nhân, vị giáo sư già đau nặng đang nằm trên giường bệnh, chỉ cho cô y tá xem một bài thơ trong tuyển tập của Elizabeth Bishop, cuốn sách đóng bìa cứng, in đẹp. Và tôi nhớ đó là bài Một Nghệ Thuật, One Art.

Nghệ thuật của mất mát. Đánh mất, đánh rơi, lỡ thời, thất bại, thất thế, chịu thua. Mất và tìm lại. Còn gì nữa?

Thương tiếc.

Chúng ta hy vọng tấm gương thời gian bôi xóa vệt ký ức khổ đau. Con người sinh ra bất lực trong năm tháng đầu tiên, không thể tự mình đứng lên như loài vật, dựa hẳn vào sự săn sóc của người thân. Chúng ta sinh ra không chuẩn bị, bộ óc cũng cần ba năm để hoàn thiện các nối kết thần kinh căn bản, vì vậy sự sống sót của chúng ta, sinh thú của chúng ta, tuyệt nhiên nương vào người khác. Phân tâm học cũng quan niệm rằng một đứa bé bú sữa từ ngực mẹ không phải chỉ để no bụng mà còn vì tìm thấy niềm vui ở đó, niềm vui ấy về sau trở thành nụ hôn khi trưởng thành.

Bishop viết về hai nhóm đề tài, những hứng khởi nhân các chuyến du lịch và thơ viết ở nhà, đề tài lạ và đề tài quen. Ngay trong đề tài quen thuộc như gia đình, thơ của bà cũng chứa nỗi lo âu, buồn rầu, xa vắng. Như với bài thơ Cái Chết Đầu Tiên Ở Nova Scotia (First Death In Nova Scotia), khi đứa trẻ đến dự tang lễ của người em họ, con trai của cậu Arthur, cũng tên là Arthur. Người em của Elizabeth nằm trong quan tài, trên đầu là một con vịt nhồi bông trang trí, con vịt đã bị bắn chết trong cuộc săn bởi chính cậu Arthur. Cái nhìn của một đứa trẻ. Chúng ta hình dung Elizabeth được người lớn dẫn đến đám tang, được phát một bông hoa lily cầm tay, cô bé đặt nó lên quan tài, hay sẽ ném xuống mộ, cô đứng nghiêm trang chào người bạn nhỏ mờ khuất, trong khi người lớn lăng xăng bận rộn thì cô lặng lẽ quan sát.

Cậu Arthur đã bắn
Một phát súng vào con vịt
Nên cậu chẳng nói chẳng rằng
Giữ kín mọi điều bí mật

Quan tài của Arthur
Như bánh ngọt giá băng
Vịt mắt đỏ nhìn nó chăm chăm
Từ mặt hồ trắng xóa

Nhưng làm sao Arthur biết đường đi
Tay nó cầm chùm bông lily
Mắt nó nhắm chặt
Đường rất sâu tuyết xuống thật dày

(1)
Những tình huống kịch liệt, như đói khát, thiên tai, tù đày, tra tấn, vượt biên, chiến tranh, mang con người lại với nhau, trong trạng huống ấy mọi thứ đều thay đổi. Những phẩm tiết tưởng như bất dịch bỗng trở nên không giá trị nữa. Cái chết là vĩnh viễn, và sau nó, không còn gì khác. Vì thế con người chống lại nó. Trong tiếng Việt, mất cũng là chết. Nhưng khi một người qua đời, chúng ta đến, cúi đầu, đặt tay lên quan tài, nói với người ấy rằng chúng ta yêu anh ấy, cô ấy, và nếu từ nơi xa xôi họ ngoảnh mặt lại, xin nghĩ cho rằng, ở cõi tạm này chúng ta không ngớt tưởng nhớ họ.

Tại sao chúng ta tin rằng họ muốn biết đến điều ấy?

Bishop sinh năm 1911 ở Worcester, Massachusetts, con một. Sau khi thân phụ, một nhà doanh nghiệp thành công, qua đời lúc cô mới tám tháng, mẹ cô mắc bệnh tâm thần, phải vào bệnh viện. Sống gần như mồ côi suốt thời kỳ thơ ấu, Elizabeth ở với ông bà ngoại ở tỉnh bang Nova Scotia nhiều năm trời. Sau này bà thường nhắc đến Canada như kỷ niệm đẹp ấu thời. Mẹ bà tiếp tục ở trong nhà thương tâm thần cho đến khi mất năm 1934, và hai mẹ con không bao giờ tương hội. Khi cô lớn hơn nữa, phía bên nhà nội mang về nuôi, ở Massachusetts, một gia thế giàu có hơn. Tuy vậy cô không cảm thấy hạnh phúc và lúc nào cũng nhớ ông bà ngoại. Elizabeth mắc bệnh hen suyễn từ nhỏ, chịu đựng căn bệnh này một cách khốn khổ đến cuối đời. Tuy vậy cô được ăn học đàng hoàng, học về âm nhạc, dự định trở thành nhà soạn nhạc, nhưng sau đó chuyển qua học tiếng Anh. Xuất bản tác phẩm trong những năm cao đẳng, nơi cô tốt nghiệp năm 1934. Thành lập một tạp chí văn học cách tân táo bạo lúc mới 22 tuổi, năm 1933.

Chịu ảnh hưởng ban đầu bởi nhà thơ lừng danh Marianne Moore mà Bishop được giới thiệu năm 1934. Tình bạn đặc biệt giữa hai người phụ nữ, với nhiều thư từ qua lại kéo dài cho đến cuối đời của Moore, 1972. Bà cũng là chỗ bạn bè quen biết với các nhà thơ như Robert Lowell hay nhà thơ kiêm nhà phê bình trứ danh Randall Jarrell. Du lịch nhiều nơi. Thừa kế một tài sản khá lớn của thân phụ, Bishop có khả năng sống một cuộc đời không túng quẫn và do đó được đi đây đi đó. Bà sống ở Pháp vài năm, nhiều năm ở Florida, nơi bà kết bạn với Pauline Hemingway, vợ cũ của nhà văn Hemingway. Lúc 38 tuổi, được bầu là thi sĩ công huân Hoa Kỳ, 1949-1950. Là một người có tính riêng tư, hay ngượng ngập, thêm sức khỏe yếu, công việc ấy rất khó khăn đối với bà. Tuy vậy Bishop đã thực hiện bổn phận đầy trách nhiệm, giữ một bề ngoài sinh hoạt vui vẻ, như tổ chức thành công sinh nhật bảy mươi lăm của Robert Frost ở tòa Bạch Ốc. Bishop dành nhiều thời giờ viết đi viết lại các bản thảo, và chỉ xuất bản tất cả 101 bài thơ trong suốt cuộc đời, tuy nhiên đó là những bài được đọc nhiều trong số những bài thơ tiếng Anh nổi tiếng nhất. (*)

Khi đến Santos, Brazil, năm 1951, Bishop dự định ở đó hai tuần lễ, nhưng cuối cùng đã ở lại mười lăm năm. Tại Brazil, bà quan tâm đến văn học châu Mỹ La Tinh, chịu ảnh hưởng của các nhà thơ tiếng Tây Ban Nha.

Mặc dù tự xem là nhà thơ nữ quyền, bà vẫn tin rằng tác phẩm văn học phải được nhìn nhận dựa trên các giá trị tư tưởng và nghệ thuật hơn là giới tính. Khác với một số nhà thơ cùng thời,

Bishop không mang những chi tiết đời thường của bà vào trong thơ một cách trực tiếp, ví dụ tật nghiện rượu, chứng bệnh trầm cảm, hoàn cảnh gia đình.

Giảng dạy ở đại học Washington và Havard trong nhiều năm, cũng như từng làm việc ở đại học New York và MIT. Bà mất năm 1979 ở Massachusetts.

Được John Ashbery gọi là người viết của những người viết của những người viết (writer of writers’ writers), Bishop bắt đầu con đường văn học với Marianne Moore, một tình bạn văn chương mà bà cố gắng kéo dài, ngay cả lúc họ nhận ra khác biệt của nhau. Moore lúc nào cũng đánh giá cao tài năng của Bishop. Một trong những người đi du lịch nhiều nhất, các nơi chốn đi qua để lại dấu ấn sâu trong thơ. Những tình bạn thân thiết khác cũng đã ảnh hưởng lên bút pháp.

Một Nghệ Thuật
Nghệ thuật đánh mất học rất dễ dàng
Nhiều thứ trên đời sinh ra để mất
Khi chúng không còn bạn chớ hoang mang

Tập mất vật gì, hãy mất hôm nay
Lạc chùm khóa cửa, nhiều giờ loay hoay
Nghệ thuật đánh mất học rất dễ dàng

Học mất mau hơn, bất ngờ hơn nữa
Tên tuổi ban sơ, mộng đầu xa lắc, chốn về
Mất dấu. Đã khuất lâu rồi không thấy tăm hơi

Bạn đừng buồn đau. Tôi mất đồng hồ
Mẹ tôi để lại. Ngôi nhà sau cuối, hạnh phúc sáng ngời
Nghệ thuật đánh mất học rất dễ dàng

Tôi mất quê hương, mất đến hai lần. Lớn hơn vậy nữa
Hai dòng sông xanh, một lục địa buồn
Đau tận nguồn cơn. Không ai chết cả
Mất luôn người yêu (nói đùa vậy nhé)
Tôi không dối đâu. Vẫn còn hơn thế
Nghệ thuật đánh mất học rất dễ dàng
“Nhưng mới nhìn qua (nhớ viết ra!), thảm kịch bàng hoàng

(2)
Bishop làm nhiều thể thơ khác nhau, có vần, tự do. Trong bài này bà dùng kỹ thuật lập lại, và câu nghệ thuật đánh mất học rất dễ dàng, trở thành một câu ấn tượng về tư tưởng và về cả ngôn ngữ. Câu thơ này có ý nghĩa gì? Khác nhau ra sao với những người đọc khác nhau?

Thoạt tiên có thể tưởng rằng nhà thơ đang thuyết phục người đọc làm quen với sự mất mát, sự vĩnh biệt, sự thất bại. Đọc lại nhiều lần, có cảm giác bồi hồi, như một lời kinh, câu thần chú, của một người phụ nữ, đọc lại lần nữa như có sự hóa trang, tác giả lặn vào một nhân vật khác, tự an ủi mình, tự khuyên nhủ mình. Hay ngược lại, một phép tập thể dục tinh thần?

Vladimir Nabokov từng viết rằng người ta không thể đọc một cuốn sách, người ta chỉ có thể đọc lại nó, và một độc giả tinh tường, một người đọc loại giỏi, một người đọc sáng tạo phải là một người đọc lại (**). Nabokov nói về đọc sách, nhưng điều ấy càng đúng với một số bài thơ trong đó có bài Một Nghệ Thuật của Bishop. Những hình ảnh vừa xuất hiện như những ví dụ có tính hình ảnh, nhưng chúng không trang hoàng cho ví dụ ấy, vừa như lời kể, câu chuyện, diễn cảm. Điều gì làm cho nó biến thành diễn cảm thay vì các ví dụ? Tôi cho rằng đó là sức mạnh, sự rộng rãi, chiều sâu bên trong, nhiều khi không thể diễn tả bằng một câu, một ý. Sự bao la của điều tuyệt vọng, sự gắn bó giữa đời sống và những bất ổn. Càng đi vào bài thơ, cõi bao la, bạn càng gặp những bức tượng, những dòng sông, sự ngăn cách, sự hồi phục chúng trong các giấc mơ, sự chuyển động của vật thể không chuyển động. Ý nghĩa cõi nhân sinh một bên, ý nghĩa của cái chết một bên; thật ra văn học không thể nói gì về cái chết, nếu người viết và người đọc không cùng tin tưởng rằng đằng sau cái chết có một hiện hữu khác, tâm linh hay vật chất. Sự triển hạn của cái chết bắt đầu từ nguyên lý này. Đằng sau đường vạch, bức tường, cánh cửa, chúng ta trông đợi có một thế giới không thể chứng minh được.

Như thế nói đến cái chết, không thể không chạm đến các xác tín tôn giáo. Nhưng Bishop không phải là một nhà thơ của tín ngưỡng. Sự than tiếc, sự thương yêu, mất mát lớn lao được kềm chế lại làm cho bài thơ có vẻ khả ái của một người phụ nữ với bão tố nội tâm. Bạn phải mất đi từ chiếc chìa khóa cửa cho đến dòng sông, hai dòng sông, mất người yêu, hai người yêu. Bạn đã bao giờ mất một lúc hai quê hương? Hay lần lượt mất chúng?

Nhiều người trong chúng ta đã từng.

Không phải thơ tình nhưng vẫn là tình yêu, vì cú đánh nghiệt ngã nhất của số phận bao giờ cũng chờ cuối đường, để giáng xuống, không phải lên bạn, mà là người thân yêu nhất: vợ, chồng, người yêu, cha mẹ, anh em, bạn học, người lính đồng đội cũ, ân nhân cũ. Chỉ có một cách duy nhất bạn có thể sống sót qua mất mát ấy là tập làm quen với chúng, từng ngày một, dần dà. Nhưng người ta có thể làm quen với nhiều thứ, không ai quen được với nỗi đau. Bishop đã cố thuyết phục bạn làm điều ấy, cho đến khi chính bà gặp phải tai ương lớn nhất, sự vĩnh biệt chính người yêu của mình. Vì vậy đoạn cuối bài thơ, tác giả để lộ sự bối rối, tâm trạng bất an, tự mình không thể thuyết phục mình. Sự ngắt dòng liên tiếp của các câu thơ, sự bẻ gãy chúng, làm tiến độ (tempo) của thơ bị dừng lại gây ấn tượng của ngập ngừng, căng thẳng, xung đột. Ở đoạn cuối mấy chữ trong ngoặc đơn (nhớ viết ra!) xuất hiện như một cố gắng.

Có nhiều cố gắng liên tục của nhân vật đi qua những sự kiện, những nỗi mất nhỏ và lớn, nhưng thế nào là nhỏ, thế nào là lớn, thế nào là chịu nổi, thế nào là không chịu đựng nổi? Vì lẽ đó nhà thơ không phải là người lên lớp bài giảng về kỹ năng sống, bà đứng giữa chúng ta, tâm sự với chúng ta, xúc động như nhân vật. Có một ngàn thứ mất khác nhau, nhưng mất người thân, mất quê hương, mất tình yêu là ba kinh nghiệm sâu sắc bậc nhất. Bất cứ một nhà thơ nào cũng từng làm một bài thơ về cái chết, về tan vỡ. Nhưng thơ Việt Nam thường viết về sự hóa trang của nó, về mặt nạ của nó, nhiều hơn là tự thân cái chết: một bài thơ nhân chuyện qua đời của một người bạn, kể về tình bạn với người đã mất, của một người vợ, kể về ơn nghĩa vợ chồng. Thật ra đối diện với cái chết không phải là một truyền thống mạnh mẽ của văn học Việt Nam. Có một nỗi thúc bách lạ lùng đằng sau nó, đằng sau cái chết. Hình như đó là các huyền thoại.

Khuôn mặt tổn thương chính yếu của chiến tranh là sự tiên đoán, tiên cảm về mất mát. Bạn đọc đi đọc lại bài thơ Một Nghệ Thuật, cảm nhận thứ nhạc điệu riêng êm dịu, có chút hờ hững, ngày càng nhận ra sự day dứt, thức tỉnh. Thơ vốn là nghệ thuật truyền khẩu, phát âm, đọc và ngâm, dần dần trở thành nghệ thuật trên giấy, nghệ thuật nhìn. Sự biến mất dần hiện nay của sách in trên giấy, theo tôi, đang làm mạnh trở lại truyền thống của yếu tố đọc và ngâm của thơ. Điều đó có thể cắt nghĩa phần nào sự sống dai dẳng lâu bền của thơ có quy luật, của các thể thơ, như lục bát, tứ tuyệt, bảy chữ, villanelle, sestina, và Tân hình thức. Hiểu điều đó giúp một người đọc đọc thành công một bài thơ. Bạn cố nhớ lại xem, lần đầu tiên bạn mất một người, hay lần cuối? Mới đây khi về Biên Hòa, trưa ba mươi Tết, lang thang vô chợ, hỏi thăm một người, không ai biết, tôi chán nản kéo chiếc ghế đẩu thấp ngồi xuống ngoài hiên quán nhỏ, gần chiếc xe thổ mộ, gọi tô bún riêu, ly cà phê đá. Đúng hệt như tôi đã làm một ngày cuối năm tất bật xa xôi nào trước lúc ra đi, thì tôi nhìn thấy. Nhìn thấy điều gì? Tôi ngoảnh lại, thấy người đàn bà tóc bạc đứng ở cửa quán chính là nàng, không ai khác. Bạn có một kinh nghiệm nào tương tự thế? Tôi chắc là có. Đó là sự lặp lại.

Sự lặp lại của thể. Về mặt hình thức bài Một Nghệ Thuật được viết theo lối villanelle. Bishop có khả năng sử dụng nhiều loại thơ khác nhau một cách thuần thục. Chữ villanelle có nguồn gốc từ tiếng La Tinh villa, có nghĩa là ngôi nhà ở thôn quê, biệt thự, nhà có vườn. Villanella là một bài hát cũ của người Ý kèm theo các điệu khiêu vũ, với villain là nhân vật nông dân trong các truyện cổ tích, vừa hát vừa nhảy múa. Thế kỷ mười bảy, nhà thơ Pháp Jean Passerat (1534-1602) viết một bài thơ có tên là Villanelle, và từ đó đến nay hình thức của bài thơ ấy trở thành hình thức cố định của thể thơ.

Một bài villanelle bao giờ cũng có sáu đoạn hay khổ thơ (đúng như bài Một Nghệ Thuật của Bishop), năm khổ đầu mỗi khổ có ba câu thơ, và khổ cuối cùng có bốn câu thơ.

Câu đầu tiên và câu cuối cùng của khổ thơ đầu thay phiên nhau lần lượt trở thành câu cuối của các khổ thơ về sau, và chúng hợp lại làm thành hai câu thơ cuối của toàn bài thơ. (3)

Tuy nhiên Bishop đã biến thể, và câu cuối của khổ đầu khi lập lại ở các khổ thơ sau đã được biến đổi, chỉ giữ lại chữ cuối cùng là chữ disaster, nhưng giữ nguyên sự lập lại của câu đầu của khổ đầu.

The art of losing isn’t hard to master
Nghệ thuật đánh mất học rất dễ dàng

Chú ý rằng trong bài thơ tác giả thường dùng các dấu, các chữ viết tắt isn’t, cách kêu gọi and look my last, làm cho bài thơ có tính văn nói. Như thế là vì thoạt tiên thể villanelle là một thể thơ ca bình dân, đúng nghĩa thơ và ca, dùng ngôn ngữ trực tiếp dân dã. Sự lập lại đều đều, sự nhẹ nhõm về âm thanh, sự trở đi trở lại của một ý, một vần, gây ấn tượng như những đợt sóng biếc lao xao trên mặt hồ, gây cảm giác an ủi, vỗ về.

Toàn bộ bài thơ là sự “quen thuộc hóa”: từ những vật vô tri như chìa khóa, đồng hồ đến những khái niệm gần gũi hơn như quê hương, dòng sông, rồi thân mật hơn nữa, như người yêu. Nhà thơ cũng viết đi viết lại nhiều lần các bài thơ của mình. Giới phê bình thường nhắc đến các bản thảo, bản nháp, được phép công bố. Điều đặc biệt là trong nhiều trường hợp bản thảo cuối cùng vẫn khác hẳn, thậm chí trái ngược với, bản công bố chính thức (***). Nhan đề của bài Một Nghệ Thuật (One Art) trong các bản thảo lần lượt có tên là Làm Mất Như Thế Nào (How To Lose Things), sau đó đổi thành Quà Tặng Của Mất Mát (The Gift Of Losing Things), và cuối cùng là Nghệ Thuật Đánh Mất (The Art Of Losing Things), trước khi chính thức có tên như trên.

Một ví dụ khác, đoạn thơ cuối, trong bản nháp sau cùng, có dòng bị gạch đi:

And losing you now (a special voice, a gesture)
Doesn’t mean I’ve lied. It’s evident
So sánh với bản chính thức:
—Even losing you (the joking voice, a gesture
I love) I shan’t have lied. It’s evident

Để thấy sự khổ luyện và thấy tài năng thực ra từ đâu đến.

Bishop cũng nổi tiếng là xuất sắc trong việc mô tả chính xác thế giới hiện thực bằng thứ ngôn ngữ khách quan, thản nhiên, lược bỏ các suy nghĩ và xúc động. Mặt khác, lớn lên gần như một đứa trẻ mồ côi, sống qua vòng tay những người khác nhau trong gia đình, di chuyển nhiều nơi, bà thường trực để lộ trong thơ nỗi bất an, niềm cô độc, và nhu cầu tha thiết được yêu thương, kết hợp, đoàn tụ. Bài Con Cá (The Fish) mô tả những tính cách ấy.

Con Cá
Bắt được con cá thật to
Tôi giữ chặt bên thuyền
Nửa trồi lên nước, móc câu
Mắc miệng
Nó im tiếng không quẫy mạnh
Chẳng giằng ra
Nặng chịch
Bầm dập đó đây
Ngây thơ cao quý
Lóng lánh vảy sọc nâu
Giấy dán tường vương màu kỷ niệm
Điểm tối sáng
Dải tường vi nở rộ
Thối rữa, phai tàn
Mùi rã tan của biển
Hiện ra vài chùm rêu vướng víu
Hai mang cá nặng trĩu, hít thở
Không khí lạ kỳ
Những chiếc mang kia thật đáng sợ
Đẫm ướt sắc nhọn lạ lùng
Đầy máu, tôi nghĩ tới rẻo thịt trắng mịn màng
Bộ xương cá mỏng trên bàn
Ngạnh đỏ và đen
Những túi hơi hồng viền nhạt màu mẫu đơn
Tôi nhìn sâu hơn vào mắt nó
To hơn mắt tôi
Nông hơn, vàng sáng chói
Màng bồ đào dịu dàng tan vỡ
Giãn nở, co vào, chẳng nhìn tôi trở lại
Gợi lên ánh sáng
Tôi ngưỡng mộ khuôn mặt ảm đạm
Chiếc quai hàm mạnh mẽ
Và tôi nhìn thấy
Từ môi dưới của cá
-Nếu có thể nói thế –
Nghiêm nghị, ướt, như một vũ khí
Năm chiếc móc câu kia
Những chiếc vòng đeo
Bao quanh miệng cá
Dây câu quấn cả vào chùm dài
Rách nát huy chương,
Vòng nơ vương cọ sát, run rẩy, mệt nhoài
Chùm râu thông thái
Trễ xuống quai hàm đớn đau
Tôi nhìn chằm chặp hồi lâu
Niềm chiến thắng bắt đầu dâng lên
Từ con cá, trên thuyền này
Vệt dầu loang nhấp nháy cầu vồng
Mặt trời hồng sắc chói
Quanh chiếc máy thuyền
Dầu trong veo sáng lóa
Cầu vồng
Cầu vồng
Cầu vồng rực rỡ vươn xa, rạng ngời
Tôi thả con cá to vào biển khơi

(4)
Bài thơ mở đầu với cảm nhận của tác giả, như kẻ bàng quan, xem con cá như vật vô tri giác hoặc thậm chí như kẻ chết rồi, chiến thắng của con người đối với vạn vật. Con người xa lạ với thiên nhiên, hoặc sợ hãi chúng, hoặc làm chủ. Con cá được giữ một nửa dưới nước một nửa trong không, lơ lửng giữa hai thế giới, thế giới vô tri và hữu tri, thế giới động vật và người. Con cá được mô tả với những chi tiết chứng tỏ sự cũ kỹ, tan rã, tiêu hủy, rong rêu của thời gian. Đám rêu xanh bao quanh sinh vật như chiếc quan tài.

Nhà thơ bắt đầu nhận ra sự liên hệ giữa người và cá, giữa hai sự sống, bắt đầu thấy những chiếc móc câu, sợi dây là biểu hiện của bạo lực con người, sự đau đớn của một chiến sĩ bị thua trận trong một cuộc chiến tranh.

Mất không chỉ là cái chết vật chất, sự thất bại cá nhân đo được, mà còn là những tổn thương tâm lý cộng đồng, có thể kéo dài, những thất bại tập thể, có thể không chịu đựng nổi, và những lầm đường lạc bước dân tộc, có thể là vô hạn.

Tôi mất quê hương, mất đến hai lần. Lớn hơn vậy nữa
Hai dòng sông xanh, một lục địa buồn

Mất. Thua. Thất bại. Già. Ngã. Chết.Trượt tay. Ký ức của chúng ta khi đã lớn về tuổi thơ và những biến thiên của nó như dời chỗ, lừa dối, hành hạ, chiến tranh, cuồng tín, nô lệ hóa, thiên tai, bao giờ cũng là những ký ức bị di lệch đi như tia sáng khúc xạ, thậm chí bị đảo lộn. Ký ức tuổi thơ là một trong vài yếu tố quyết định tính cách một người khi họ trưởng thành. Ký ức của một dân tộc về hạnh phúc và tai ương, về chiến tranh và bạo lực, chính là bản nhân lên của các ký ức tuổi thơ, quyết định tính cách một xã hội, chi phối cách hành xử của một dân tộc trong thế giới hiện tại. Chúng tạo thành quá trình điều kiện hóa dân tộc ấy.

Có những đứa trẻ biết cách thu xếp các kinh nghiệm đau thương của quá khứ, ngày càng trưởng thành, và có những đứa trẻ không có khả năng ấy, trở thành nạn nhân của dĩ vãng, phát triển những hành xử không lành mạnh (maladaptive behaviours), những phong cách đồng bóng và dối trá, những nhân cách chống xã hội (antisocial personality) vì chúng không thể nhận ra khuôn mặt của tình yêu, nghe ra giọng nói của lòng vị tha.

Một dân tộc cũng giống hệt như vậy, và ở cấp số nhân, khi không thể dàn xếp được các mối xung đột quá khứ của mình, không tự giải thích được căn cước của mình, bao giờ cũng rơi vào bi kịch của kẻ hoặc nổi loạn hoặc khiếp nhược, nô lệ. Trải qua sự mất mát, cái chết, hiểu thấu cơn thương tiếc nọ, nỗi tan nghé xẻ bầy kia, tôi thiết nghĩ có lẽ không ai bằng người phụ nữ, và không ai bằng người Việt Nam. Có thể nói rằng khởi đi từ Bishop, từ bài Một Nghệ Thuật, và bài Con Cá, nghệ thuật của thương tiếc đã thay đổi. Trước đây thương tiếc là để nguôi ngoai, để quên lãng, để hàn gắn và chữa lành vết thương, khôi phục. Thơ đương đại than khóc một cách khác, kéo dài sự mất mát, trở đi trở lại với nỗi đau, chà xát nó, nghiền ngẫm nó, sống với nó, làm cho sự mất mát và than khóc lan tỏa khắp nơi từ khách thể đến chủ thể, từ vật đến người, từ chủ nhân đến nạn nhân, từ ngoại biên đến trung tâm, xem lịch sử là thất bại của nhân dân, coi thường mọi ảo tưởng về chiến thắng. Thơ tiếc thương đương đại chính ra là nỗi thương tiếc kéo dài.

Có những mất mát có thể hồi phục và những mất mát không hồi phục. Cố nhớ lại, nghĩ về, viết về, sống qua kinh nghiệm đau buồn, thất bại, thua cuộc, tan vỡ, tự nó là sự sống đi sống lại cùng chấn thương với những hình thái khác nhau, là tranh đấu, tranh cãi, xem đi xét lại từ nhiều phía.

Để làm gì? Để đạt tới trạng thái dũng cảm. Cái chết hay tan vỡ không phải chỉ là biểu tượng của văn học, chúng là vết thương chí tử của con người: không ai mơ ước viết bài thơ buồn, than vãn trước mộ, khúc nhạc ai oán, không ai sinh ra để viết các điếu văn. Không ai muốn hoạch định tang lễ của chính tâm hồn mình.

N ĐT

Chú thích:

(*) “Bishop was exacting, spending long periods of time revising and polishing her work. She published only 101 poems during her lifetime, and they are among the most celebrated in the English language.”

Elizabeth Hun Schmidt, The Poets Laureate Anthology, NXB Norton, pg. 605

(**) “Curiously enough, one cannot read a book: one can only reread it. A good reader, a major reader, an active and creative reader is a rereader.”

-Vladinir Nabokov, dẫn theo Zadie Smith, Changing My Mind, NXB Penguin Canada (2009, pg.42)

(***) Ed. Marilyn May Lombardi, Elizabeth Bishop: The Geography Of Gender, NXB University Press of Virginia, 1993

(1) Dẫn theo Helen Vendler, Part Of Nature, Part Of Us, NXB Harvard University Press (1980, pg. 100-101)

Since Uncle Arthur fired
A bullet into him,
He hadn’t said a word.
He kept his own counsel…

Arthur’s coffin was
A little frosted cake,
And the red-eyed loon eyed it
From his white, frozen lake.

But how could Arthur go,
Clutching his tiny lily,
With his eyes shut up so tight
And the roads deep in snow?

(2)
One Art

The art of losing isn’t hard to master;
so many things seem filled with the intent
to be lost that their loss is no disaster.

Lose something every day. Accept the fluster
of lost door keys, the hour badly spent.
The art of losing isn’t hard to master.

Then practice losing farther, losing faster:
places, and names, and where it was you meant
to travel. None of these will bring disaster.

I lost my mother’s watch. And look! my last, or
next-to-last, of three loved houses went.
The art of losing isn’t hard to master.

I lost two cities, lovely ones. And, vaster,
some realms I owned, two rivers, a continent.
I miss them, but it wasn’t a disaster.

—Even losing you (the joking voice, a gesture
I love) I shan’t have lied. It’s evident
the art of losing’s not too hard to master
though it may look like (Write it!) like disaster

(3)
Nguồn: Ron Padgett, The Teachers & Writers Handbook of Poetic Forms, NXB Teachers & Writers Collaborative, New York, 1987, pg. 208-209)
Villanelle.

J’ay perdu ma Tourterelle:
Est-ce point celle que j’oy?
Je veus aller aprés elle.

Tu regretes ta femelle,
Helas! aussi fai-je moy,
J’ay perdu ma Tourterelle.

Si ton Amour est fidelle,
Aussi est ferme ma foy,
Je veus aller aprés elle.

Ta plainte se renouvelle;
Tousjours plaindre je me doy:
J’ay perdu ma Tourterelle.

En ne voyant plus la belle
Plus rien de beau je ne voy:
Je veus aller aprés elle.

Mort, que tant de fois j’appelle,
Pren ce qui se donne à toy:
J’ay perdu ma Tourterelle,
Je veus aller aprés elle.

(4)
The Fish

I caught a tremendous fish
and held him beside the boat
half out of water, with my hook
fast in a corner of his mouth.
He didn’t fight.
He hadn’t fought at all.
He hung a grunting weight,
battered and venerable
and homely. Here and there
his brown skin hung in strips
like ancient wallpaper,
and its pattern of darker brown
was like wallpaper:
shapes like full-blown roses
stained and lost through age.
He was speckled with barnacles,
fine rosettes of lime,
and infested
with tiny white sea-lice,
and underneath two or three
rags of green weed hung down.
While his gills were breathing in
the terrible oxygen
—the frightening gills,
fresh and crisp with blood,
that can cut so badly—
I thought of the coarse white flesh
packed in like feathers,
the big bones and the little bones,
the dramatic reds and blacks
of his shiny entrails,
and the pink swim-bladder
like a big peony.
I looked into his eyes
which were far larger than mine
but shallower, and yellowed,
the irises backed and packed
with tarnished tinfoil
seen through the lenses
of old scratched isinglass.
They shifted a little, but not
to return my stare.
—It was more like the tipping
of an object toward the light.
I admired his sullen face,
the mechanism of his jaw,
and then I saw
that from his lower lip
—if you could call it a lip—
grim, wet, and weaponlike,
hung five old pieces of fish-line,
or four and a wire leader
with the swivel still attached,
with all their five big hooks
grown firmly in his mouth.
A green line, frayed at the end
where he broke it, two heavier lines,
and a fine black thread
still crimped from the strain and snap
when it broke and he got away.
Like medals with their ribbons
frayed and wavering,
a five-haired beard of wisdom
trailing from his aching jaw.
I stared and stared
and victory filled up
the little rented boat,
from the pool of bilge
where oil had spread a rainbow
around the rusted engine
to the bailer rusted orange,
the sun-cracked thwarts,
the oarlocks on their strings,
the gunnels—until everything
was rainbow, rainbow, rainbow!
And I let the fish go

Share this post

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on print
Share on email

Leave a Reply