NGUYỄN ĐỨC TÙNG
Căn bếp nhà quê thật đơn giản. Ở giữa có cái kiềng hay ba hòn gạch kê lên, nhiều tro bụi vây quanh, bàn thờ ông táo, cái tủ thức ăn mắt lưới gọi là gác măng rê (garde manger). Ngay trên bếp là chạn bám đầy bồ hóng, khi tôi chơi nghịch đứt tay, biết tự cầm máu bằng cách bôi một lớp bồ hóng đen ngòm, vậy mà hiệu nghiệm. Những nồi niêu xoong chảo mẹ tôi treo cẩn thận quanh gác măng rê, bên trong tủ bà đựng chai lọ bát đĩa quý, chai nước mắm, lọ xì dầu, hũ dưa chua, củ kiệu, đường, muối, đậu tương, đậu phụng. Mẹ tôi đặt mua những gánh củi sim bó siết chặt, chất thành dãy lớn sau bếp, vì củi sim nhẹ và cháy đượm. Sau này chiến tranh lan rộng, dân làng ít dám lên rừng, nên phải có thêm lò ga. Nhưng mẹ tôi chê nấu lò ga cơm không ngon, chỉ dùng luộc mì gói Đại hàn.
Giữa nhà trên với nhà dưới, hay nhà bếp, có một mái hiên rộng, lát xi măng trơn, khi trời nóng nực cả nhà trải chiếu ngồi ăn, gió nồm thổi mát rượi, ngày mưa là nơi tụ họp bạn đánh bài tứ sắc của mẹ tôi, hay bài tới, tức bài chòi, của các chị tôi, khi trăng lên, tôi nằm thiu thiu ngủ nghe những người trai bạn giúp việc từ các làng Bích Khê, An Cư, Bích La, đến giúp việc kể đủ thứ chuyện cổ tích, những câu chuyện ấy đi vào tiềm thức thời mới lớn.
Người đàn bà thời nào cũng coi căn bếp là giang sơn của mình, đó là nơi họ chăm chút cho bữa ăn chồng con, bổn phận, thú vui. Mùa thu mưa dầm, căn bếp thơm lừng mùi cá rô đồng rang muối hột, mùi cá nục kho tiêu rắc ớt xanh, mùa hè thơm canh bông lý, đêm trăng thoảng mùi chè bông cau, chè bột lọc, đậu ván, đậu ngự. Nhưng mùa đông lạnh lẽo ở làng quê mới là thời gian lý tưởng, đi học về anh chị em chúng tôi chen chúc ngồi, vừa đấu hót, vừa thi nhau lùi vào tro nóng nào sắn, nào môn, nào khoai đủ thứ, trong khi con mèo đen nằm lim dim trầm tư sau bếp. Tôi và anh tôi hay ngồi trên chiếc võng mắc ở hiên vừa đọc truyện kiếm hiệp vừa thỉnh thoảng chạy vào bếp. Mẹ tôi hay chị giúp việc biết ý để dành những thứ quà vặt trong sạp gạo cho chúng tôi: cục đường phổi trắng toát, trái táo trong thang thuốc bắc, đậu phụng rang, mứt gừng. Đôi khi buổi chiều ba tôi nổi hứng mua về những ổ bánh mì Đắc Lập mới ra lò. Bánh mì chỉ cần hơ lại trên lửa, đổ sữa đặc có đường vào, ngồi gặm trong tiếng nhạc của đài phát thanh Philips vặn nhỏ. Gần bếp có chuồng gà ấp đẻ trứng, sau chuồng gà là chuồng heo, trồng nhiều rau bạc hà và sả để chống rắn rết. Ở khoảng giữa ngôi nhà bếp và giếng là vườn rau. Rau răm, rau tần, rau húng quế, ngò gai, ném, hành, ớt, hầu hết những thứ rau thơm cần cho bữa ăn người Việt đều có.
Rau còn dùng làm nồi xông hơi trị cảm cúm. Chọn lá xông là một nghệ thuật, nghe mẹ tôi nói là trừ phong thông khiếu, nhất là lá sả, lá chanh, lá gừng, lá nghệ, tía tô, kinh giới, tỏi, ném, bạc hà, đinh lăng, lá vông. Mẹ tôi bắt tôi cởi trần mặc độc quần xà lỏn, ngồi xếp bằng trên phản gỗ, chiếc phản gỗ này là nơi tôi nằm gò lưng thè lưỡi viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên năm lên mười tuổi, được đâu một trăm trang giấy học tròmô tả một nhà giáo dạy toán giỏi võ nghệ đi trong rừng lạc vào chùa gặp một thiếu nữ đẹp khêu gợi vân vân, có lẽ do chịu ảnh hưởng của hai cuốn sách, Thiếu lâm trường hận và Hồn bướm mơ tiên. Tôi rất sợ nồi nước xông mà mẹ hay các chị tôi bắt ngồi trùm kín mền, nóng muốn chết, mồ hôi như tắm, ngạt thở, nhưng khi mở chăn ra sau nửa giờ thì sảng khoái nhẹ nhõm. Xông hơi rồi, sẽ được ăn một tô cháo hành có lòng đỏ trứng gà hay một dĩa lòng heo xào nghệ vàng ươm. Ở nhà thích thế, hèn chi thời bé tôi không muốn đi học cũng phải.
Ký ức dân tộc về cuộc kháng chiến lùi xa, thế hệ chúng tôi sinh ra trong ánh sáng hòa bình rực rỡ. Miền Nam đã thoát ra khỏi quá khứ, chỉ những người kháng chiến cũ là còn bị cầm tù bởi ý thức cách mạng bạo động. Sáng, mặt trời mọc sớm hơn, ngôi sao ban đêm ở lại lâu hơn trên nền trời, còi tàu xe lửa kéo qua mặt sông, vang xa, cầu hối hả bắc, chợ búa trường học dựng lên trên gạch đá đổ nát, trong tâm hồn trẻ thơ chúng tôi mơ ước tự do bay phấp phới. Nhà đông người giúp việc nên mẹ tôi đi chợ mỗi ngày, bếp có nhiều thức ăn tươi, vả lại hồi ấy không có tủ lạnh. Khi bà đi chợ về, vào lúc quá trưa, bầy gà, chó chạy ùa ra ngõ, trong khi trên trời con chim diều hâu sà xuống lượn vòng rình rập, bà bắc nồi cơm lên bếp, sai những người giúp việc làm lặt vặt, nhưng bao giờ cũng tự mình bước ra đứng giữa vườn rau. Gần bếp có giàn mồng tơi, lá nấu canh, xào thịt bò, trái mồng tơi tụi con nít dùng làm mực tím, tôi dùng để xịt lên áo bọn con gái. Sau này lớn mỗi khi về nhà, tôi đứng sau dãy mồng tơi nhìn vào cánh cửa bếp, chờ thật lâu mong nhìn thấy hình ảnh ba mẹ tôi đi qua. Lá vông bên giếng ngắt lên trong tay, chúng cay cay, thơm lừng, dùng làm thuốc chữa rong kinh phụ nữ, chỉ huyết. Mẹ tôi bao giờ cũng có nhiều người giúp việc, nhưng vườn rau thì chỉ một tay bà.
Một mùa hè sau năm bảy lăm tôi từ trường học về quê, xuống xe lửa là đi thẳng một mạch về nhà. Mẹ tôi vẫn như mọi khi, tươi cười chuẩn bị cơm nước, chờ con trai đi tắm rửa nghỉ ngơi một lát thì bữa cơm đầy đặn đã bưng lên. Tôi mở chiếc lồng bàn ngăn ruồi muỗi, trên chiếc mâm bằng đồng có dĩa cá kho thơm, bát canh mồng tơi ngào ngạt, tô cơm tuy có độn khoai và sắn hơn nửa nhưng vẫn ngon mắt. Đói quá, tôi ngồi ngay vào bàn, ăn một mạch, không kịp nghĩ ngợi gì. Con trai mới lớn, mê ngủ mê ăn, hời hợt, còn tưởng cha mẹ mình lúc nào cũng dư ăn dư để như ngày trước, tưởng cha mẹ lúc nào cũng mạnh khoẻ, chỉ cần về tới nhà ngồi xuống là có bữa cơm dọn ra, đặt lưng lên võng là ngủ.
Tôi ngủ một mạch suốt buổi chiều, trời nắng, gió hiu hiu thổi, trong giấc mơ ngát đầy hương lài lý, tôi gặp cơn mưa rào. Cơn mưa rào đánh thức tôi. Tôi đi xuống bếp. Giữa nhà chính và nhà bếp có một ngạch cửa đã mòn. Tôi đứng trên ngạch cửa nhìn xuống bếp. Tôi thấy mẹ tôi ngồi ở đó, vì lúc nào bà cũng ngồi ở đó, xoay lưng về phía tôi, trước bếp lạnh tro tàn. Trước mặt bà là một cái rổ đựng mấy củ khoai, vài củ sắn, mấy trái vả, rất nhiều thứ rau dại mà tôi không biết là loại gì, nhưng chúng không phải là rau thơm mà ngày xưa mẹ tôi thường dùng trong các bữa ăn có nhiều thịt cá, nấu một lần cho cả nhà mấy chục người ăn.
Đó là vào cuối những năm một chín bảy mươi, đói kém. Thời chiến tranh trước đó, trước một chín bảy lăm, tuy cái chết luôn rình rập nhưng cuộc sống rộn ràng sôi nổi, lịch sử đi qua bạn đầy nội dung, dù hào hùng hay bi phẫn, máu hay nước mắt, vậy mà sau chiến tranh, xã hội hòa bình không ai chết vì súng đạn, cuộc sống lại trở nên đáng chán, thiên nhiên xơ xác, nhân tâm ly tán. Ở nông thôn đi đâu cũng có khẩu hiệu “thay trời làm mưa”, “sắp xếp lại giang sơn”, nói về công việc thủy lợi, hợp tác xã, chính sách đưa dân đi kinh tế mới, tập trung cải tạo, làm xóm làng tiêu điều, trống vắng, các trạm thu thuế đặt khắp nơi, ngăn sông cấm chợ, nạn đói hoành hành dữ dội, người trẻ bỏ làng ra đi, người già ở lại. Gia đình tôi cũng lâm vào cảnh đói khổ ấy, nhưng tôi đi học xa, ít có dịp về nhà, nên không biết rõ trong xóm những ngày ấy cụ thể xảy ra chuyện gì, chỉ thỉnh thoảng nghe tin một người thân, mà toàn tin buồn, người thì trốn vào Nam, người đi cải tạo, người vượt biên, người bị bắt, người chết đói. Nhưng trong tuổi mới lớn, tôi vẫn còn cái háo hức của kẻ mới vào đời, cái nhìn về cuộc đời vẫn còn quá tươi hồng, nông nỗi.
Mẹ tôi ở nhà một mình, chồng và các con đi xa, chỉ có thể sống qua ngày bằng sắn hay khoai hay thứ lương thực mà ngày xưa người ta thường chỉ ăn độn, trong mùa mưa lụt, hay để nuôi gia súc. Lúc còn thơ, tôi ít thấy trong bữa ăn gia đình nồi cơm phải độn ngô hay khoai sắn, ngay cả cho người làm, kẻ ở. Tôi đứng sau lưng mẹ, qua vai bà nhìn thấy vườn rau hiện ra trước mặt, một vườn rau khác trong cái rổ lớn bà xếp đặt thật khéo, ở giữa là mấy củ khoai sâu, vài củ sắn nhỏ bằng ngón tay, mấy trái vả hay sung rất chát, chung quanh là các thứ rau như người ta chuẩn bị cho những bữa tiệc lớn. Tôi không biết mẹ tôi ăn những rau dại ấy thật, hay bà chỉ bày ra cho đẹp để tưởng nhớ một thời vàng son cũ. Tôi đến gần sau lưng bà, quỳ xuống, ôm lấy vai mẹ tôi mà khóc.
Một lần trong một ngõ hẻm ở Florence, Ý, tôi nghe mùi thơm thoảng qua. Tôi tò mò lại gần, nhìn thấy phía sau cột đèn đường, gần gốc cây có một người đàn bà Gypsy và đứa bé gái lụi cụi nhen bếp lửa, chuẩn bị bữa ăn chiều. Thì ra đó là nồi cá kho đang bốc khói, nhưng họ dùng một thứ gia vị gì tôi không biết, tỏa mùi thơm rất đặc biệt, thoạt đầu không nhận ra mùi gì. Tôi đứng im. Trời ơi, mùi ruốc.
Nó làm tôi nhớ căn bếp của mẹ tôi. Ngày đó chúng tôi đầy đủ hơn vì có một cái bếp tử tế, còn hai mẹ con này chỉ có một góc nhỏ trong hẻm đầy rác. Nhưng thực ra họ may mắn hơn, vì họ là hiện tại, đang ở bên nhau, còn hai mẹ con tôi thuộc về quá khứ, đã xa lìa, dù đó là một quá khứ đầy mùi thơm có tiếng mưa rơi trên tàu lá chuối, có con mèo mướp nằm lim dim trước trách cá bống. Tôi nhớ hình ảnh mẹ tôi ngồi cúi xuống thật thấp trước rổ rau, nhai sắn khoai sâu chậm chạp, trong ngày hòa bình khốn khổ, làng mạc vắng tanh như mùa đại dịch, người người bỏ đi. Rồi một ngày mới cũng sẽ bắt đầu, đâu đó, chim chóc lại hót, những đứa trẻ khác lại ra đời, những nguời mẹ khác lại được sinh ra trên trái đất, những căn bếp mới được xây lên, sang trọng và văn minh hơn căn bếp của mẹ tôi, nhưng có một căn bếp nào có thể đẹp hơn căn bếp đầu đời của bạn không chứ ? Có mùi thơm nào có thể bay lâu hơn mùi cơm gạo mới đầu mùa từ trong bếp của mẹ mình, khi bạn đi học về, đói bụng, hay mùi canh mướp ngọt nhà hàng xóm mà cô bạn gái thính mũi nhận xét là có người lỡ tay bỏ ruốc hơi nhiều, phải không?
CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG CỦA TÁC GIẢ:
- BỐN MƯƠI NĂM THƠ VIỆT HẢI NGOẠI: ĐỖ QUYÊN
- BỐN MƯƠI NĂM THƠ VIỆT HẢI NGOẠI: NGUYỄN LƯƠNG VỴ
- thư mời và thư cám ơn
- Trang thơ Trần Mạnh Hảo
- Nguyễn Trọng Tạo – Tuổi hợi cầm tinh
- thơ nguyễn trọng tạo
- vài khía cạnh đặc thù của 20 năm văn học miền nam
- VIẾT VỀ NHÃ CA, TRẦN DẠ TỪ
- NẤU ĂN TRONG ĐÊM
- NHỮNG DI CỐT CUỐI CÙNG CỦA BOUDAREL ĐÃ VỀ ĐẾN BIỂN ĐÔNG
- VỈA HÈ VÀ DÒNG SÔNG
- VĂN HẢI NGOẠI SAU 1975 (233): ĐINH QUANG ANH THÁI – VỀ MỘT CHUYẾN ĐI NGA
- PHAN VŨ – PARIS VÀ HÀ NỘI
- THƠ TRẦN HOÀNG PHỐ
- THƠ DỊCH VỚI THANH TÂM TUYỀN
- MƯỜI SÁU BÀI BỐN CÂU – THƠ NGUYỄN HÀN CHUNG
- THƠ HOÀNG VŨ THUẬT
- BABEL 2020 HAY VIRUS BIẾN DỊ CỦA THẾ KỶ 21
- THƠ TRƯƠNG ĐĂNG DUNG
- TÔI KHÔNG THỞ ĐƯỢC
- THƠ LINH VĂN
- NHÀ VĂN THẠCH LAM: MẠNH HƠN CÁI CHẾT
- TƯỞNG NIỆM BA NĂM NGÀY MẤT LƯU HIỂU BA, 2017-2020
- Mười Năm Thơ Đến Từ Đâu: Ngô Tự Lập
- HOÀNG THỊ THU THỦY: MỘT BÀI THƠ HAY
- Võ Phiến: Cái Còn Lại
- HAIKU
- Nguyên Ngọc- Đồng Bằng
- Tùy Bút Nguyễn Đức Tùng: Cà Phê Vỉa Hè
- TÙY BÚT 1:TRONG BÓNG MÁT CỦA BỨC TƯỜNG
- Chạy Chậm
- Mười Năm Thơ Đến Từ Đâu: Nguyễn Trọng Tạo
- Truyện Ngắn Nguyễn Đặng Mừng
- Mười Năm Thơ Đến Từ Đâu: Văn Giá
- THƯ GỞI CON TRAI
- MARY OLIVER, BẠN BIẾT MÌNH CẦN PHẢI LÀM GÌ
- ĐỌC THƠ NAOMI SHIHAB NYE: LÒNG TỬ TẾ
- MAI VĂN PHẤN, CUỘC ĐỜI QUYẾN RŨ
- NGUYỄN TRỌNG TẠO, MỘT CÂY SI VỚI MỘT CÂY BỒ ĐỀ
- TRẦN DẠ TỪ, THUỞ LÀM THƠ YÊU EM
- TRẦN NHUẬN MINH, LỊCH SỬ VÀ SỐ PHẬN
- HOÀNG HƯNG, NGƯỜI VỀ
- HOÀNG TRẦN CƯƠNG, NGÔN NGỮ QUÊ HƯƠNG
- Vàng xưa đầy dấu chân
- TRƯỜNG NỮ TRUNG HỌC ĐỒNG KHÁNH
- NGƯỜI ĐÀN BÀ SỐNG TRONG CHIẾC GIÀY
- DU TỬ LÊ, MẸ VỀ BIỂN ĐÔNG
- BÀI THƠ TỰ DO
- BÀI THƠ ĐỒNG TÂM
- 103. THƠ TÌNH THỨ BẢY
- Ý TƯỞNG BAN MAI
- NGƯỜI ĐÀN BÀ SỐNG TRONG CHIẾC GIÀY
- MỘT NGƯỜI BẠN HONGKONG
- BỐN MƯƠI NĂM THƠ VIỆT HẢI NGOẠI