TRƯỜNG NỮ TRUNG HỌC ĐỒNG KHÁNH

NGUYỄN ĐỨC TÙNG

Mùa thu năm 1975, các trường học ở Huế mở cửa trở lại. Học sinh được thi tuyển vào các trường đại học và trung học chuyên nghiệp. Trung tâm thi cử nằm ở khu vực Quốc Học và Đồng Khánh. Trường nữ đổi tên thành Hai Bà Trưng, buộc học chung nam nữ. Buổi sáng thu chớm lạnh, sương mù bay lững thững từ sông Hương lượn giữa những tà áo trắng phấp phới trên đường Lê Lợi. Hồi ấy nữ sinh vẫn còn được phép mặc áo dài, không bị cấm như từ mùa khai trường 1976. Trong tập bút ký “Lời tạ từ gởi một dòng sông”, viết về cuối đời, Hoàng Phủ Ngọc Tường, người trước lúc ấy không mấy khi tỏ ra băn khoăn về con đường bạo động mà mình đã chọn, cuối cùng cũng nhận ra một điều.

Nhà văn kể chuyện bắt được một con cá chép trên sông Hương, hóa ra là con vua Thủy Tề, nó xin được thả ra và đền ơn, cho phép nhà văn được ba điều ước. Ông trả lời con cá thần như thế này:

– Vậy thì nghe đây: trường trung học Hai Bà Trưng hãy trở lại thành một trường nữ học.

Té ra Hoàng Phủ Ngọc Tường sau bao nhiêu năm đi làm cách mạng đổi đời, cuối cùng chỉ có một mơ ước nóng bỏng, mơ ước lớn nhất, là trở lại với những ngày dạy học đầu tiên của mình: trường nữ trung học Đồng Khánh.

Trở lại với trường nữ trung học là trở lại với nền giáo dục Việt nam Cộng hòa. Buổi sáng hôm ấy tuy miền Nam vừa mất, đường lối giáo dục không còn, thầy xưa bạn cũ thay đổi, nhưng không hiểu vì sao ở Huế vẫn còn cái phong thái nhẹ nhõm, sang trọng trong trường lớp, có lẽ lối sinh hoạt nề nếp và không khí tự do trong học đường vẫn còn kéo dài. Màu áo tím ngày xưa huyền thoại, nay là màu dài áo trắng tinh khôi. Trước mặt trường Đồng Khánh có bến đò nơi tôi từng đi qua đó. Sáng hôm ấy không khí trong mát lạ thường, tôi đến sớm, đi lang thang qua sân trường Đồng Khánh, qua Quốc Học, rồi đi xuống bến đò Thừa Phủ, đi dọc vườn hoa Nguyễn Hoàng. Tôi đi tìm dấu vết của Ngọ Phạn điếm, nơi ăn trưa của nữ sinh Đồng Khánh ngày xưa. Có một cô gái đạp xe chầm chậm đi qua, chiếc xe đạp mini nhỏ xíu, tà áo dài trắng vắt sau yên xe. Cô có vẻ ngơ ngác không biết đi hướng nào, khi thấy tôi liền ngập ngừng dừng lại hỏi, thì ra cô là thí sinh. Trên yên xe đạp phía sau buộc bằng một sợi cao su màu nâu, có cuốn sách bìa trắng, chữ in đỏ rất đẹp, bọc trong bao ni lông dày dặn, hồi ấy thứ bao này phổ biến, cuốn Hoàng Tử Bé của Saint Exupery, Bùi Giáng dịch.

Không hiểu sao nhiều năm sau nghĩ về Huế tôi vẫn nhớ trường Đồng Khánh vào mùa thu của thuở giao thời ấy, bến đò Thừa Phủ, cảnh học trò trên đường đi thi, mùa vàng son cuối cùng, vẫn nhớ người thiếu nữ tóc thề ngang vai và cuốn tiểu thuyết của Saint Exupery.

Hình ảnh ấy thật đẹp.

Được cháy bùng lên trước khi bị hủy diệt, hình ảnh ấy là biểu tượng của học đường miền Nam.  Đó không phải chỉ là sự tiếc nuối, và giấc mơ con cá chép cũng không phải chỉ là hoài niệm riêng của Hoàng Phủ Ngọc Tường, mà còn hơn thế. Sự nhận chân ra giá trị văn hoá và tâm hồn của Huế, cũng không phải chỉ của Huế, mà của một cái gì lớn lao hơn mà ngày xưa nhiều người đã muốn hủy diệt và đã thành công trong sự hủy diệt ấy. Nhiều người trong số đó có lẽ đang nhận ra sai lầm của họ và ngày càng tìm cách trở lại. Cái bóng của chiếc xe đạp mini, hàng cây trước sân trường Đồng Khánh, cái bìa trắng của cuốn sách chữ đỏ, sự phản chiếu của một đời sống đô thị hiền hòa trong trường nữ trung học nổi tiếng, làm nên phẩm chất của một nền văn hóa, phẩm chất của dân tộc, một dân tộc thơ mộng và toàn vẹn. 

Share this post

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on print
Share on email

Leave a Reply