Nhà thơ Trần Mạnh Hảo sinh ngày 21 tháng 7 năm 1949 tại quê hương ở xã Nghĩa Phú, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, trong một gia đình theo đạo Thiên Chúa. Ông từng là cậu giúp lễ cho cha xứ vùng Bùi Chu, có thơ đăng báo từ năm 14 tuổi.
Trong thời gian chiến tranh Việt Nam, ông chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ. Từ năm 1973, ông về làm phóng viên, biên tập viên tạp chí Văn Nghệ quân giải phóng miền Nam và làm nghề viết văn, viết báo chuyên nghiệp cho đến nay.
Ông từng là đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam cho đến năm 1989 khi viết cuốn tiểu thuyết Ly thân phản ánh hiện thực xã hội miền Bắc thời kì diễn ra cải cách ruộng đất. Tác phẩm bị thu hồi và bản thân Trần Mạnh Hảo bị khai trừ khỏi đảng. Hiện ông sống ở 220/22 Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh; hoạt động văn học như một tác giả tự do và không tham gia một tổ chức chính trị nào.
Ông cũng từng giữ chức danh ủy viên Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam.
Tác phẩm đã xuất bản:
Thơ:
Trường Sơn của bé (1974)
Tiếng chim gõ cửa (1976)
Hoa vừa đi vừa nở (1981)
Mặt trời trong lòng đất (1981)
Ba cặp núi và một hòn núi lẻ (1986)
Từ chiếc ô trời của mẹ (1989)
Mình anh trong một thế giới (1991)
Đất nước hình tia chớp (1994, 1995)
Chuồn chuồn cắn rốn (1995)
Thơ tứ tuyệt (1995)
Tiểu thuyết:
Chìa khóa của mỗi người (1987)
Trăng mật (1989)
Ly thân (1989)
Sinh ra để yêu nhau (1989)
Lý luận phê bình:
Thơ phản thơ (1995)
Phê bình phản phê bình (1996)
Hầu chuyện các giáo sư (1999)
Văn học phê bình tranh luận (2004)
Những vì sao văn học (2004)
Giải thưởng văn học:
Tặng thưởng của Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam (1995)
Giải thưởng Hội Nhà văn trong nhiều năm cho các tác phẩm Đất nước hình tia chớp, Mặt trời trong lòng đất, Chuồn chuồn cắn rốn, Thơ lục bát Trần Mạnh Hảo, Thơ phản thơ
Làm Dâu
Tay sờ ảnh mộ còn run
Xin thương rế rách chổi cùn chiến tranh
Gọi thầm nấm đất bằng anh
Chị xin nhận tấm cỏ xanh làm chồng
Bài Thơ Áo Trắng
Ngoảnh lại còn mây áo trắng bay
Thời gian tình bạn vẽ lông mày
Trái tim đừng bẻ ô mai sớm
Sợ dấu môi hồng phai gió mây.
Mau Trạch Đông
Máu Trung Hoa trắng rợn da ngựa
Cho thuỳ dương xõa hết tóc Đường Thi
Người mắc bệnh nghi mình là tượng
Cả Trung Hoa lên cơn nghiền lý tưởng
Người cầm cơn hồng vệ binh như cầm một tách trà
Hoàng Hà đỏ đổ từ trời như bị cắt tiết
Vạc
Đừng trách con vạc
Sao mày ăn đêm?
Chao ôi đồng đất
Ban ngày như nêm.
Thuốc tễ-dê
Thuốc tễ ai phơi đầy mặt đê?
Tuổi thơ hí hửng nhặt đem về
Nhờ mẹ sau này tôi mới biết
Một thời lầm thuốc với phân dê.
Chiều Sinh Ra
Có chiều nào như buổi chiều nay
Cây ôm trời xuống để em đầy
Mơ mơ lời cỏ chân mày phố
Chiều nhớ thương chiều cây nhớ cây
Nghiêng cả chiều nay bông hồng vàng
Giọt chiều trên má lá chiều loang
Em hóa cánh buồm trên mặt đất
Xanh khoảng trời em mới chở sang
Có lẽ nào tôi lại khói sương
Chiều sa đêm mới nhận ra đường
Trăng sao từ độ sinh thành ấy
Chiều có em rồi hoa mới hương
Áo tím chiều ơi nắng gió ơi
Mênh mông là chỗ có em ngồi
Xin cho một chấm trong trời đất
Ðể vịn qua chiều em dắt tôi.
Gío Ngàn Hóng
Nhớ miền Trung tìm Nguyễn Du tôi khát
Sóng Nam Đài trằn trọc cát Thanh Hiên
Ngàn Hống thở hồng trần bay lục bát
Thúy Kiều ơi bầm nát gió Tiên Điền
Hồn Tố Như còn u u Ngàn Hống
Trăng tìm về Hà Tĩnh uống cuồng phong
Núi vẫn gõ lên trời trăm dùi trống
Đất âm âm mời cát ngủ yên lòng…
Cưỡi Trâu Về Niên Thiếu
Mặt trời cũ trên lưng trâu nhún nhảy
Ngoan nhé trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ruộng kéo cày nuôi hết thảy
Trăng hóa liềm tôi cắt cỏ heo may
Tôi đã lấy lưng trâu làm chiếc ghế
Học vỡ lòng với sáo sậu chân quê
Tuổi thơ hóa thiên đường trâu biết thế
Nghểnh trâu cười làm nắng cũng ngô nghê
Tôi đã đánh trâu lồng như ngựa vậy
Buổi cha cày, ngủ muộn, toát mồ hôi
Roi nỡ quất mình trâu hằn đỏ tấy
Hình như trâu cũng biết khóc như người?
Vi mô và vĩ mô
Mặt trời quá vĩ đại
Hạt sương quá nhỏ nhoi
Mặt trời không mang nổi
Dù một hạt sương rơi
Nhưng trong giọt sương ấy
Có bao nhiêu mặt trời?
Tập đi
Tập đi suốt cả một đời
Mà chân chưa chắc là đôi chân mình
Tổ quốc
À ơi
Cha già như chiếc bình vôi
Vắng con tóc bạc da mồi ai thương
Trở trời trái gió tai ương
Con nhờ cái vạc kêu sương lo giùm
Lời ru làm vầng trăng căng sữa
Ai bắn vào ngực ta mũi tên
Mai không còn nghe nữa
Vạc thôi ăn đêm
Cò thôi dỗ ngủ
Rồi đây ta phải ru con
Bằng lời xứ lạ héo mòn đôi môi
Nước Việt ơi
Nước Việt như chiếc võng
Suốt canh dài ngồi thức hát ầu ơ.
Đêm viết Kiều
Pho sách thánh hiền không đổi được miếng ăn
Trang giấy lặng như đồng chiêm trắng
Câu thơ ta bắt ốc mò cua
Củ khoai không vùi trong bếp
Củ khoai vùi trong giấc ta mơ.
Phải ta từng dắt em đi hành khất?
Xòe tay ăn mày núi vòm trời
Ăn mày phù sa hạt gạo
Ăn mày dòng sông biển khơi
Ăn mày con người lòng nhân ái.
Sông Hồng
Mẹ ru hạt phù sa khó nhọc
Ngủ đi mà hóa cánh đồng
Mẹ đi mót lúa, lúa không hạt nào
Sông Hồng lụt cả ca dao
Con cò bị bão giạt vào lời ru
Tuổi thơ nằm cạnh sông Hồng tôi ngủ
Cỏ chân đê làm gió cứ ong ong
Trong mơ tôi thành Chử Đồng Tử
Thức dậy ra bờ sông vùi người trong cát
Không thấy nàng Tiên Dung
Nhưng tôi đã lấy được sông Hồng
Lấy lại tình yêu chàng Trương Chi đánh mất
Lấy được tiếng đàn có nước mắt cha ông.
Được chơi với kiến
Nhớ ơi đồng đội chập chờn
Chiến tranh bỏ lại cô đơn hòa bình
Ngồi chơi với kiến giật mình
Một ta mà cả đội hình ngày xưa.
Bé nhìn biển
Nghìn con sóng khoẻ
Lon ta lon ton
Biển to lớn thế
Vẫn là trẻ con.
Ru người trăm năm
Lời ru nào sợ xa đâu
À ơi vũ trụ chìm sau mi dài
Bay bay hai cánh tơ ngài
Ngủ đi cặp mắt thức hoài chờ trông
Anh ru từng búp tay hồng
Xin nhờ ngọn gió bế bồng trên tay
Nâng niu mười nhánh sông gầy
Khép vơi thành nụ, xòe đầy thành hoa
Từng đi nghìn dặm sơn hà
Hai bàn chân của em là mùi hương
Cái hôn trên gót còn vương
Lời ru em hóa con đường em đi
Tôi mang Hồ Gươm đi
Sao Hồ Gươm biết tôi chia xa?
Mà run cho mọi bóng cây nhòa
Mà im im hết nghìn tăm cá
Mà thở chiều lên khắp cỏ hoa
Xin lỗi ngọn lửa
Chị dùng bàn tay hình dung gương mặt cháu
Em phải dẫn ngọn lửa chị nuôi trong hầm ra thật xa
Em vô ý làm tắt ngọn lửa duy nhất trong ngách hầm ta
Bom rải suốt ngày sao đi xin được lửa?
Mấy ngày liền cháu không được ăn hồ ăn bột
Rồi cháu đi… đột ngột trong hầm
Em thương cháu chưa được lên mặt đất
Chỉ tại mình làm tắt lửa của người thân…
Khi chưa có mùa thu
Cánh rừng xanh xao gió
Có tiếng chim từ quy
Hình như ai gọi đó
Bạn yên nghỉ mình đi
Chiến trường nhiều khói lửa
Vẫn ngoảnh lại cánh rừng
Chao ôi mùa thu đó
Bốn bề xanh rưng rưng
Chao ôi là hương cốm
Rồi lòng đến thế ư?
Thương bạn khi nằm xuống
Sao trời chưa sang thu?
Giấc mơ
– Bố ơi!
Đêm qua con nằm mơ thấy mình được ăn thịt!
– Con ơi!
Bằng tuổi con bố mặc quần thủng đít
Nhiều khi bố mơ thấy mình được ăn một bữa cơm no!
Bốn mươi năm đi qua
Từ giấc mơ đến giấc mơ
Từ miếng cơm đến miếng thịt
Từ cuộc chiến tranh này đến cuộc chiến tranh kia
Vớ vẩn thay bố con ta
Sao toàn mơ những giấc mơ tầm thường tội nghiệp
Ngủ đi sẽ hết đói thôi
Để con mơ những giấc mơ đẹp
Về ngày mai ca hát đại đồng…
Nguyễn Trãi trước giờ tru di
Ôi xã tắc
Con đường nào cũng dẫn tới pháp trường
Bàn tay chỉ đường nào cũng bàn tay đao phủ
Thân tùng bách há phải thân mùng tơi
Mây trắng xưa ơi
Sao giờ toàn những đám mây mưng mủ?
Ta thương xã tắc không mất về tay giặc
Lại mất về tay bọn nịnh thần
Triều đình ai cũng là Lê Sát
Mắt thiên tử như Nam Hải đố ai lấp đầy giai nhân?
Luân thường đem gác gác bếp
Chỉ ba ông đầu rau nhìn thấy dân
Ôi Hàn Tín, Bành Việt, Phàn Khoái
Gió trung thần đang hú gọi hồn đi
Dưới vòm trời Lã Hậu
Mưa tru di đỏ rực gió lăng trì …
Những đồ chơi của con
À ơi con bế con chơi
Búp bê đầy đặn còn người còi xương
Này chú gấu phốp pháp
Con bồng toát mồ hôi
Cô bé ni lông mập mạp
Nằm bên con trông cọc cạch buồn cười
Chiếc xe tăng khẩu súng cũng tròn đầy
Vũ khí còn có da có thịt
Chú ngựa gỗ có ăn gì đâu mà chắc nịch
Sao con chẳng giống búp bê?
(thica)
No related posts.