Sinh thời nhà thơ THANH TÂM TUYỀN có dịch một số bài thơ của các thi sĩ Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha và Trung Hoa sang tiếng Việt đăng trên SÁNG TẠO, VĂN, VĂN CHƯƠNG và bản viết tay để tặng thân hữu. Sau đây là một ít bài thơ dịch mà nhà thơ Nguyễn Thanh Châu sưu tập. Văn Việt trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Văn Việt
Những bản dịch trước 1975
NOSTALGIC BLUES
Cầu xe hỏa là
Điệu hát buồn trên không
Cầu xe hỏa là
Điệu hát buồn trên không
Mỗi lần chuyến tàu qua
Tôi thèm rời chỗ khác
Tôi đi xuống phía ga
Trái tim ngậm trong miệng
Tôi đi xuống phía ga
Trái tim ngậm trong miệng
Tìm xe còn đỗ bến
Đưa tôi về miền Nam
Điệu Blues buồn não nuột
Thượng đế ơi! khủng khiếp
Điệu Blues buồn não nuột
Thượng đế ơi! khủng khiếp
Để ngăn mình khỏi khóc
Con há miệng cười
LANGSTON HUGHES
Tập san SÁNG TẠO số 3 năm 1957
BARBARA
Nhớ chăng Barbara
Hôm ấy mưa rơi hoài xuống Brest
Và em bước đi vui tươi
Rực rỡ hân hoan ướt sối
Dưới trời mưa
Nhớ chăng Barbara
Mưa rơi hoài xuống Brest
Tôi gặp em ở phố Xiêm
Em mỉm cười
Và tôi cũng mỉm cười
Nhớ chăng Barbara
Em người tôi không quen biết
Em cũng chẳng hề quen biết tôi
Nhớ chăng
Nhớ chăng em hôm ấy
Dù thế nào cũng đừng quên
Người đàn ông trú trong vòm cổng lớn
Chàng kêu tên em
Barbara
Và em chạy đến dưới trời mưa
Ướt sối hân hoan rực rỡ
Và em ngã vào tay chàng
Nhớ chăng phút ấy Barbara
Đừng giận vì tôi gọi em thân mật
Tôi gọi bằng em tất cả những người tôi yêu mến
Ngay với những người chỉ gặp một lần
Tôi gọi bằng anh em những người nào thương nhau
Ngay với những người không bao giờ quen
Nhớ chăng Barbara
Đừng khi nào quên
Trận mưa hiền lành hạnh phúc ấy
Trên khuôn mặt sung sướng của em
Trên thành phố sung sướng ấy
Trận mưa trên mặt biển
Trên công xưởng
Trên con tàu ngoài đảo Ouessat
Barbara ơi
Thật là chó đẻ Chiến tranh
Em bây giờ ra sao
Dưới trận mưa những sắt
Những lửa những thép những máu
Và người từng ôm em trong tay
Âu yếm
Chàng đã chết biệt tích hay còn sống
Barbara ơi
Mưa rơi hoài xuống Brest
Nhớ ngày nào
Nhưng không còn mưa buổi cũ tất cả bị chôn vùi
Nay trận mưa tang tóc đớn đau thê thảm
Nhưng cũng không còn là cơn giông
Những sắt những thép những máu
Chỉ là những đám mây
Vỡ ra như chó chết
Những con chó biến đi
Trôi theo dòng nước Brest
Và thối rữa nơi phương xa
Rất xa rất xa Brest
Rồi chẳng còn gì.
JACQUES PRÉVERT
Tập san SÁNG TẠO số 30 năm 1959
AI ĐIẾU
Đẹp, thật, hiếm
trong đơn sơ cùng tận
Táng tro cốt nơi này.
Cõi chết Phụng hoàng ẩn
Và ngực chim câu tiết liệt
thiếp giấc thiên thu.
Lứa đôi tuyệt tự
Chẳng bởi tật nguyền
Cuộc hôn phối thuần khiết.
Đáng thật, không sao thật
Đẹp phô khoe, ảo hư
Thật cùng đẹp đã mai một.
Quan quách đây an nghĩ lứa đôi
Hằng chân thật hằng diễm lệ
Ngưỡng vọng chim khuất tiếng thở than.
WILLIAM SHAKESPEARE
Tập san VĂN CHƯƠNG số Mái Đông
XUÂN ĐỌC THƠ TÂY BAN NHA HIỆN ĐẠI
Espana. Xứ ham hố. Xứ của một thời chinh phục đã qua. Của khổ nhục thống hận mở thời lịch sử toàn cầu còn đó. Còn như mặt trời rừng rực, doá hồng đẫm máu nở mỗi ngày không tàn. Như Việt Nam.
Espana. Xứ Don Quijote.
Don Quijote, vị Chúa Tể nòi tình sầu, tràn sinh lực, tim tinh khiết, khoác ảo mộng, đội huyễn tượng, chống cự mọi hiển nhiên và mọi ý thức, chống cự mọi định luật và mọi khoa học, chống cự mọi gian trá và mọi sự thật.
Còn đó giống going Don Quijote phiêu bạt như những hồn ma vất vưởng khắp nơi khắp chốn.
Ora por nosotros, senor de los tristes (Rubén Dario)
Cầu nguyện cho chúng tôi, vị chúa tể nòi tình sầu
Mi espana de ens ueno – Ôi, Espana mộng mị của ta ơi!
Chiều nay, sau bữa rượu chưa tỉnh, câu thơ của Unamuno vang vang hoài, cùng cơn gió nồng thổi, và quá đổi mông lung ta tưởng thơ mình Ôi, Espana mộng mị củ ta ơi. Còn đó:
Andalousie đói quên khiêu vũ
Việt Nam ốm yếu quên ca dao
. . . . . . . .
Ô, Pablo, Federio, Don
Những ngày đông giá rét co quắp, quá dài – không mặt trời, ta ôm phủ một mặt trời đam mê – mặt trời hôn ám – vùi kín trong lớp tro nghi hoặc. Ta rối bước chân những kẻ lưu vong – nòi Don Quijote –, đành mang tổ quốc mình trong hơi thở đòi đoạn.
Espana. Xứ thơ lưu vong. Như Việt Nam
Bây giờ, những ngày cuối năm, ta chọn gửi đến các bạn ta âm vang hờn nín của dải đất gục quỵ như con bò rừng bên biển cả. Một vài ca khúc để nghe trong mùa xuân, những ca khúc của các nhà thơ lưu vong của Espana mộng mị. Ta đã không chọn tiếng kêu gào thất thanh phẫn nộ đầm đìa những máu lệ lịch sử. Vì dù sao mùa xuân cũng vẫn đang trở về.
ANTONIO MACHADO (1875-1939)
CA KHÚC
Mùa xuân trở lại
Chẳng một ai hay.
Kề bên đồi hoa,
Biển thầm thì sóng.
Bầy ong mật tình
Dính đầm muối cát.
Đêm Castillana
Khúc hát dâng lời
Ồ, nên nín lặng.
THƠ THỜI CHIẾN
Biển cả chia lìa đôi lứa. Và chiến tranh
hiểm sâu hơn biển cả. Đứng trong vườn,
Anh vời trông tận chân mây cuối biển.
Còn em, nơi dọi đất xưa, chờ mong,
Em ngó mông một mặt biển khác
Biển khói mịt mờ, biển Espana.
Anh khuất bóng, em mơ anh đứng đó.
Và anh, tưởng nhờ thêm xót xa.
Chiến tranh dập vùi tình cuồng bạo.
Đó cơn khắc khoải nỗi chết cận kề
Với bóng lửa hắt hiu cạn tắt.
Và cũng đó hương mật tình muộn màng.
Và nhánh cành hết thể trổ hoa.
Vì nhát búa lạnh ngời đã chém gẫy.
JUAN RAMÓN JIMENEZ (1881-1958)
Nobel 1956.
DẠ KHÚC
Hạt lệ ta cùng một vì sao
Trong thoáng chớp hội ngộ,
Nhòa tan còn riêng lệ nhỏ
Nhòa tan còn riêng ánh sao.
Ta mù kín tình ái
Tình ái mù kín trời.
Đã một cõi xa khơi
Sầu tủi sao, long lanh lệ.
PEDRO SALINAS (1891-1951)
ĐÊM: NIỀM NGHI HOẶC KHÔN CÙNG
Đêm phủ đầy nghi hoặc
Trên thế giới và tình em.
Anh cần có ban ngày
Mỗi ngày, hầu nhắc nhở
Đang ngày, đây đích thực ngày
Chiếu sáng: em còn đây.
Đêm phá hủy tan hoang
Đá quý cùng lau sậy
Đêm bôi xóa nhạt nhòa
Những cánh chim, cánh hoa.
Anh sợ bị tước đoạt hết thẩy
Em cùng các sắc mầu
Đến run rẩy. Hư vô?
Em từng đã yêu anh?
Trong khi em nín lặng
Đang đêm, anh chẳng sao hay
Thật có tình yêu và ánh sáng?
Anh cần sự mầu nhiệm ấy,
Dị thường: lại thêm một ngày
Và giọng em xác nhận
Vẻ huyền diệu trăm năm.
Dù cho em nín tuyệt
Trong cách biệt muôn trùng.
Xin trời hãy rạng ửng
Trời lóe tuôn ánh sáng
Bình minh ngập trùm anh
Ý thế giới ưng thuận
Mối tình riêng gửi em.
FEDERICO GARCIA LORCA (1898-1936)
ĐỘT NGỘT
Gã nằm chết giữa phố
Con dao găm trúng tim
Chẳng ai quen biết gã
Ngọn đèn lồng yếu run
Mẹ ơi.
Yếu run lẩy bẩy ánh đèn lồng
Ngoài phố.
Chẳng ai thấy mắt gã
Mở trong không khí trơ
Gã nằm chết ngoài phố
Con dao găm trúng tim
Chẳng ai quen biết gã.
KHÚC HÁT VỀ NỖI CHẾT NHỎ NHOI
Kìa cánh đồng trăng chết
Máu chôn vùi đất sâu
Đồng của máu cũ kỹ.
Sáng hôm xưa, hôm mai
Kìa bầu trời cỏ chết
Ánh sáng đêm cát bay.
Ta gặp gỡ nỗi chết
Kìa cánh đồng tử địa
Nỗi chết nhỏ nhoi như không.
Chó nhảy chạy trên mái
Bàn tay trái ta vượt băng
Đến rặng non vô tận
Nặng chĩu hoa héo tàn.
Nỗi chết ấy cùng ta,
Một con người lủi thủi
Một nỗi chết nhỏ nhoi
Kìa cánh đồng trăng chết.
Tuyết run rẩy, than van
Ngoài kia sau cánh cửa
Một người… rồi sao nữa?
Đã nói: một người và nỗi chết
Cánh đồng, tình ái, ánh sáng và cát bụi.
RAFAEL ALBERTI (1902-)
CA KHÚC CỦA MỘT NGƯỜI CHƯA MỘT LẦN VỀ THĂM GRANADA
Tặng F. Garcia Lorca
Cách biển cách đồng và cách núi
Đầu xanh bạc trắng mấy phương trời
Ta chưa bao giờ về Granada
Tóc bạc, tuổi thanh xuân mất dạng
Mong sao tìm gặp lối mòn xưa
Ta chưa bao giờ thăm Granada
Đưa ta một cành cây sáng biếc
Lỏng cương ruổi ngựa vượt dặm trường
Ta chưa bao giờ ghé đến Granada
Kẻ nào trấn giữ lũy thành cổ?
Kẻ nào khuấy đục bầu trời trong?
Ta chưa bao giờ về Granada
Kẻ nào đang chiếm cứ vườn tược?
Át tiếng reo vui của nước nguồn?
Ta chưa bao giờ thăm Granada
Hãy về, người chưa biết Granada
Về xem máu chẩy, máu gọi ta
Ta chưa bao giờ ghé đến Granada
Máu chẩy máu anh em quyến thuộc
Máu trên cành sim, trong giếng làng
Ta chưa bao giờ về Granada
Máu bạn thâm tình trên cành lá
Máu loang thẩm dòng Darro, dòng Genil
Ta chưa bao giờ thăm Granada
Chấp pháo đài cao, thừa dũng cảm
Vượt biển, vượt đồng, vượt núi non
Hãy về. Cùng ta ghé đến Granada.
CA KHÚC
Mong niềm vui thắm mãi
Dưới mặt trời đang xuân
Biết bao chuyện thảm sầu
Dù xuân mùa hồng nụ.
Máu tràn lan mặt đất
Xuân xa vẫn trở về
Chết chóc thả tung hoành
Giữa xuân mùa nở rộ.
Tìm đâu niềm hoang lạc
Khi gió độc cuốn mù?
Phải chết choc cần thiết
Đặng bón hạt xuân xanh?
Tập san VĂN số Xuân
Những bản dịch sau 1975
Những bài thơ dưới đây ghi lại theo bản chép tay của tác giả tặng cho thân hữu.
Mỗi thế hệ cần có một bản dịch cho mình.
(ý của E.Pound)
THÔI HIỆU
Người xưa rong chim hạc đi khuất
Đất cũ để trơ lầu vắng không
Hoàng hạc thuở biệt rõi tuyệt dạng
Mây nghìn kiếp trắng mãi bông lông
Tạnh quang cây bến lung linh nắng
Xanh ngát cỏ đồng thiêm thiếp hoang
Xế muộn làng quê nơi nào nhỉ?
Mặt sông khói quyện buồn lạ lùng.
EMILY DICKINSON
Tôi chết vì cái đẹp
Nằm chưa yên mộ phần
Khi huyệt liền bên mai táng
Kẻ vì sự thật mệnh vong
Người khẽ hỏi duyên do mệnh một?
“Vì cái đẹp” tôi thì thầm
“Còn tôi vì sự thật – nào khác
“Chúng ta đạo hữu“ người thuyết minh
Rồi như thân quyến đêm hội ngộ
Chuyện trò qua vách ngục thâu canh
Tận lúc rêu lan môi phủ kín
Và đắp kín tính danh.
MALLARMÉ
Ngày trinh nguyên phơi phới thắm tươi
Chừng đập cánh say sảng lộng rách
Hồ đặc quên dưới giá ẩn hiện
Gương băng cánh chim xưa không bay
Con thiên nga thuở cũ nhớ mình
Kỳ vĩ nhưng tự do vô vọng
Bởi chốn dung thân không hót tụng
Khi mùa đông trơ ánh chán chường
Vùng thoát giấc trắng xoá tiêu hồn
Không gian chim rẽ rúng hãm cầm
Nào rớt bùn nhơ thân vấy tởm
Ma quỷ tinh anh tự đọa trầm
Ngây sững chiêm bao lạnh khinh mạn
Lốt Thiên Nga ngày hão phiêu vong
YVES BONNEFOY
Với Cây Rừng
Rừng cây nhòa xóa trên lối ruổi
Rừng túa khép nẻo kín bóng nàng
Lầm lì chứng quyết nàng dù khuất
Vẫn là ánh sáng hiển nhiên không
Rừng tơ chất niềm mật trọng
Cây thân cận ta lúc nàng gieo mình
Xuống con thuyền đón vong linh miệng cắn
Miệng bát chan đói, rét, lặng thinh
Ta nghe qua rừng giọng nàng gắng đối đáp
Với lũ chó ngao, với quỷ sứ đưa đò
Và ta lụy hồn rừng theo bước đường lận đận
Ngất trải bao dặm khuya dù sông nước mịt mù
Sấm âm u dội rền đầu ngọn cành
Những hội đám sét thắp rực đỉnh hạ
Điềm báo mệnh nàng với mệnh ta gắn bó
Môi giới nhờ khổ hạnh kiếp rừng.
(Văn Việt)
CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG CỦA TÁC GIẢ:
- BỐN MƯƠI NĂM THƠ VIỆT HẢI NGOẠI: ĐỖ QUYÊN
- BỐN MƯƠI NĂM THƠ VIỆT HẢI NGOẠI: NGUYỄN LƯƠNG VỴ
- thư mời và thư cám ơn
- Trang thơ Trần Mạnh Hảo
- Nguyễn Trọng Tạo – Tuổi hợi cầm tinh
- thơ nguyễn trọng tạo
- vài khía cạnh đặc thù của 20 năm văn học miền nam
- VIẾT VỀ NHÃ CA, TRẦN DẠ TỪ
- NẤU ĂN TRONG ĐÊM
- NHỮNG DI CỐT CUỐI CÙNG CỦA BOUDAREL ĐÃ VỀ ĐẾN BIỂN ĐÔNG
- VỈA HÈ VÀ DÒNG SÔNG
- VĂN HẢI NGOẠI SAU 1975 (233): ĐINH QUANG ANH THÁI – VỀ MỘT CHUYẾN ĐI NGA
- PHAN VŨ – PARIS VÀ HÀ NỘI
- THƠ TRẦN HOÀNG PHỐ
- MƯỜI SÁU BÀI BỐN CÂU – THƠ NGUYỄN HÀN CHUNG
- THƠ HOÀNG VŨ THUẬT
- THƠ ĐỖ QUYÊN
- BABEL 2020 HAY VIRUS BIẾN DỊ CỦA THẾ KỶ 21
- THƠ TRƯƠNG ĐĂNG DUNG
- TÔI KHÔNG THỞ ĐƯỢC
- THƠ TRẦN MỘNG TÚ
- THƠ LINH VĂN
- NHÀ VĂN THẠCH LAM: MẠNH HƠN CÁI CHẾT
- TƯỞNG NIỆM BA NĂM NGÀY MẤT LƯU HIỂU BA, 2017-2020
- Mười Năm Thơ Đến Từ Đâu: Ngô Tự Lập
- HOÀNG THỊ THU THỦY: MỘT BÀI THƠ HAY
- Võ Phiến: Cái Còn Lại
- HAIKU
- Nguyên Ngọc- Đồng Bằng
- Tùy Bút Nguyễn Đức Tùng: Cà Phê Vỉa Hè
- TÙY BÚT 1:TRONG BÓNG MÁT CỦA BỨC TƯỜNG
- Chạy Chậm
- Mười Năm Thơ Đến Từ Đâu: Nguyễn Trọng Tạo
- Truyện Ngắn Nguyễn Đặng Mừng
- Mười Năm Thơ Đến Từ Đâu: Văn Giá
- THƯ GỞI CON TRAI
- MARY OLIVER, BẠN BIẾT MÌNH CẦN PHẢI LÀM GÌ
- ĐỌC THƠ NAOMI SHIHAB NYE: LÒNG TỬ TẾ
- MAI VĂN PHẤN, CUỘC ĐỜI QUYẾN RŨ
- NGUYỄN TRỌNG TẠO, MỘT CÂY SI VỚI MỘT CÂY BỒ ĐỀ
- TRẦN DẠ TỪ, THUỞ LÀM THƠ YÊU EM
- TRẦN NHUẬN MINH, LỊCH SỬ VÀ SỐ PHẬN
- HOÀNG HƯNG, NGƯỜI VỀ
- HOÀNG TRẦN CƯƠNG, NGÔN NGỮ QUÊ HƯƠNG
- Vàng xưa đầy dấu chân
- TRƯỜNG NỮ TRUNG HỌC ĐỒNG KHÁNH
- NGƯỜI ĐÀN BÀ SỐNG TRONG CHIẾC GIÀY
- CĂN BẾP CỦA MẸ TÔI
- DU TỬ LÊ, MẸ VỀ BIỂN ĐÔNG
- BÀI THƠ TỰ DO
- BÀI THƠ ĐỒNG TÂM
- 103. THƠ TÌNH THỨ BẢY
- Ý TƯỞNG BAN MAI
- NGƯỜI ĐÀN BÀ SỐNG TRONG CHIẾC GIÀY
- MỘT NGƯỜI BẠN HONGKONG
- BỐN MƯƠI NĂM THƠ VIỆT HẢI NGOẠI