NGUYỄN ĐỨC TÙNG
(để tưởng niệm thi sĩ Mary Oliver, vừa mất 17 Jan, 2019, tại Florida, 83 tuổi)
Rainer Maria Rilke: “Không có gì dễ bị đập vỡ hơn là sự xấu xa.”
Mùa hè này, tôi thường đọc lại Oliver. Nhớ một mùa hè khác trong ký ức, một mình đứng trong tiệm cà phê lướt vài trang sách, gặp bài thơ của bà. Đó là một mùa hè lạ lùng, tuyết rơi trắng xoá vào tháng Sáu, nhẹ hẫng trên tay, khi chúng tôi vừa kết thúc năm học ở đại học, nghỉ hè. Những ngày tháng tối đen hun hút, trượt đi dưới chân như băng vỡ. Có lần nào trong đời bạn nhận ra mình mất tất cả, đứng trước một tương lai mù mịt không lối thoát? Có khi nào bạn giật mình vì đọc được một cái gì như bài thơ hay truyện ngắn?
Rồi một ngày kia bạn hiểu ra
Khởi đầu của triết học là hoài nghi. Trong đời sống, sự không bằng lòng, bất mãn với tình trạng hiện tại là bước khởi đầu cho cái mới. Sự đau khổ là điều kiện bắt buộc cho bạn trưởng thành, thất bại là những ngày chuẩn bị, lẫn lộn, phân vân, thậm chí cay đắng giận dữ trước những giá trị bị thách thức, là cánh cửa sắp được mở bật ra. Nhưng bên này cánh cửa, sẽ có bao nhiêu người níu tay bạn lại?
Cũng khá nhiều.
Rồi một ngày kia bạn hiểu ra
Ta phải làm chi đời mình
Và bạn bắt đầu. Mặc cho thiên hạ
Không ngớt đưa lời khuyên bậy bạ
Ngay cả những bài thơ dịu dàng nhất của Oliver cũng thường được khởi động mạnh mẽ. Một khi bắt đầu, người đọc bị cuốn hút vào dòng ngôn ngữ của bà, như suối chảy đi giữa hai bờ, một bên là kỳ vọng của người đọc và một bên là sự bất ngờ của chính anh ta.
Một bài thơ hay có khả năng làm cho người đọc xúc động. Hiếm hơn, chúng làm bạn bất ngờ, giật mình. Mỗi khi đọc lại bài “The Journey” của Mary Oliver với đoạn mở đầu trên đây, lòng tôi đều dâng lên một nỗi niềm phức tạp.
Ta đợi em từ ba mươi năm
Uổng hoa phong nhụy hoài trăng rằm
Đó là mối tình của tôi, dài lâu, tan vỡ trong bão tuyết mùa hè. Đó có thể là một lời trách yêu gửi đến cố nhân. Nhưng cũng có thể là câu hỏi mà Vũ Hoàng Chương dành cho chính mình hay cho cuộc đời, vượt ra ngoài tình yêu. Nhà thơ quay lại nhìn quá khứ, có lẽ cùng lúc nhìn lại cuộc đời của anh em bè bạn, của một thế hệ và mấy mươi năm đất nước nhiễu nhương, ly tán, lao đi trong huyễn mộng bạo lực. Đó là một câu thơ hoài niệm, một câu thơ thế sự, một câu thơ tập thể được viết với tâm thức cộng đồng, mặc dù là thơ tình.
Trong khi đó, bài thơ của Oliver là một bài thơ cá nhân, thức tỉnh, một bài thơ tâm linh. Nhìn lại: một cuộc đời không được xem xét, đánh giá, là một cuộc đời phí hoài, không đáng sống.Thơ tự do dùng ngôn ngữ gần với văn xuôi. Tuy nhiên sự khác nhau giữa văn xuôi và thơ là trong thơ không có một trật tự thứ hai. Trật tự của các chữ chính là hiện thân thực thể của một cấu trúc cao hơn. Ví dụ như là nhạc điệu. Nhạc điệu là một vấn đề riêng tư, cá nhân, như vân tay, như tiếng nói, là cái nền của bất kỳ sự đổi mới nào, nơi các nhà thơ từ bỏ các truyền thống. Những hình thức thật sự mới bao giờ cũng phản ánh nhận thức mới. Hơn thế nữa, nhịp điệu trong thơ của một nhà thơ chính là nhịp điệu của đời sống thật của anh ta, của hơi thở, trái tim. Nó là phương cách duy nhất mà nhà thơ giữ gìn các sự vật, đời sống, các ý tưởng và cảm xúc, cố gắng bảo tồn chúng như hoá thạch trong thời gian.
Hành trình
Rồi một ngày kia bạn hiểu ra
Ta phải làm chi đời mình
Và bạn bắt đầu. Mặc cho thiên hạ
Không ngớt đưa lời khuyên bậy bạ
Mặc cả căn nhà
Bắt đầu rung chuyển
Cảm giác hiện dần cái nhéo ở cổ chân
Nhắc nhở: hãy giúp tôi trước đã đi nào!
Toàn những tiếng kêu gào.
Nhưng bạn không dừng lại.
Bạn biết mình cần phải làm gì
Mặc gió bão giật tung mọi thứ
Mặc cuộc đời hú gọi khắp nơi.
Đã muộn
đủ rồi, đêm tối hoang vu
Con đường nhỏ, đầy cành, đầy sỏi đá.
Từng chút từng chút một,
Bạn bỏ lại sau lưng những tiếng kêu nhí nhố
Rồi những ngôi sao dần dần sáng tỏ
Chiếu qua vầng mây đen
Một tiếng nói mới, vang lên
Mạnh mẽ, bạn từ từ nhận biết
Đó thật là tiếng nói của mình thôi
Nó trở thành người sánh đôi với bạn
Khi ngày càng sâu hơn, bạn dấn bước
vào thế giới này, quả quyết
làm một điều duy nhất
đó là kiên tâm cứu lấy
Một cuộc đời. Chỉ cuộc đời này của bạn mà thôi
The Journey
One day you finally knew
what you had to do, and began,
though the voices around you
kept shouting
their bad advice–
though the whole house
began to tremble
and you felt the old tug
at your ankles.
“Mend my life!”
each voice cried.
But you didn’t stop.
You knew what you had to do,
though the wind pried
with its stiff fingers
at the very foundations,
though their melancholy
was terrible.
It was already late
enough, and a wild night,
and the road full of fallen
branches and stones.
But little by little,
as you left their voices behind,
the stars began to burn
through the sheets of clouds,
and there was a new voice
which you slowly
recognized as your own,
that kept you company
as you strode deeper and deeper
into the world,
determined to do
the only thing you could do–
determined to save
the only life you could save.
Bản dịch ngắt câu, nhưng nguyên tác của bài thơ viết liên tục. Đó là sự cố ý của tác giả, làm cho bài thơ có nhịp mạnh.
Hình ảnh tiết kiệm, chi tiết cụ thể: căn nhà, cổ chân, tiếng kêu gào, những ngôi sao. Sự ngắt câu gẫy gọn:
It was already late
enough
Đủ rồi có thể là muộn đủ rồi, có thể là sai lầm đủ rồi, có thể là con đường mà chúng ta đi đã mòn rồi, mọi chuyện mà chúng ta đã làm như thế đã quá cũ rồi cho một sự khởi đầu khác.
Về mặt hình thức, một bài thơ, cũng như một truyện ngắn, thường có một bước ngoặt về sự kiện hay về nhận thức.Tôi để ý rằng không có bước ngoặt, không có bài thơ nào có hy vọng thành công.
Những ngôi sao là hình ảnh đứng ở khúc quanh này: hình ảnh đẹp, nhưng dễ trở thành sáo vì được dùng nhiều. Mỗi lần bắt gặp các chữ như mặt trăng, trái tim, mái tóc, đôi mắt, bàn tay, bộ ngực, sex, tôi đều giật mình vì biết trước rằng thế nào tác giả của các hình ảnh đó cũng vấp và ngã. Trái với nhiều người tưởng, nhà thơ không thể vừa đi vừa nhắm mắt mơ màng.
The stars began to burn
Cháy đỏ lên, chứ không phải chỉ là chiếu sáng. Hình ảnh tự nhiên, đúng là cái mà ta bắt gặp khi đang đi trên đường trong đêm tối và các ngôi sao là thứ ánh sáng đầu tiên, báo hiệu, dẫn đường. Tuy nó vẫn còn có ý nghĩa biểu tượng (symbol) nhưng nhờ sự tự nhiên và lối nói trực tiếp mà nó tránh được cái bẫy của các ẩn dụ sáo rỗng. Đọc, ta tin là điều này có thể xảy ra.
Nhưng khoan đã, bạn nghĩ bạn là người như thế nào?
Là người thất bại từ đầu đến cuối, công danh lận đận, hôn nhân trắc trở, học thức thuở thiếu thời trở thành thứ thông minh lặt vặt, chạy chọt loanh quanh? Hay bạn là người thành công, đi đúng đường, tiếng tăm lừng lẫy, làm ăn một vốn bốn lời, người ngoài nhìn vào ai cũng ao ước?
Nhưng có chắc thế không?
Cuộc sống hàng ngày
nhỏ nhen
tàn bạo
Rác rưởi gia đình
miếng cơm
manh áo
Lê Đạt viết những câu thơ này năm 1956, để nói về thời trước đó, nhưng có lẽ ông không ngờ rằng chúng cũng đúng cho chính thời đại của ông và sau ông.
Tôi biết rằng bạn đã từng biết đến ý tưởng này đâu đó, đã nghe ai nói hồi còn nhỏ. Đã đọc trong sách. Hay bạn chẳng đọc ở đâu cả và bạn tự mình nghiệm ra nó từng ngày từng ngày một, nhưng bạn chưa đi tới đó, chỉ gần tới mà thôi: sức bạn chỉ có hạn.
Niềm ao ước được sống một cuộc đời đầy ý nghĩa bị dập tắt ngay khi người ta lớn lên, sau một khúc quanh. Những giấc mơ thời trẻ tàn đi trong mưa gió của cảnh đời, một không khí làm việc tẻ nhạt nặng nề đầy rẫy sự vô lý không thể giải thích được làm bạn mụ mị cả người, về trí tuệ lẫn tâm hồn. Bạn mòn đi như chiếc áo sơ mi trong máy giặt đồ hiện đại ngày này qua ngày khác, những sợi chỉ hồng phai màu nhạt sắc, dần dà đến nỗi bạn không bao giờ để ý khi nào nó xảy ra.
Nhưng sự thay đổi cũng có thể không đến từ hoàn cảnh cá nhân mà từ sự đổ vỡ của một niềm tin hay một tư tưởng lớn lao hơn. Như trong câu thơ của Trần Đăng Khoa:
Bao thần tượng ta tôn thờ, cung kính
Mưa nắng bào mòn còn trơ lõi đất thôi
Một buổi chiều nào đó, giữa bộn bề công việc hay bận rộn tiệc tùng, thờ ơ bước ngang qua chồng sách cũ, bạn rút một cuốn sách cầm tay, mở ra và trong khi đứng chờ vợ bạn ngồi trước gương trang điểm xong, bạn cúi xuống đọc thử vài đoạn. Như tôi đã đọc trong quán cà phê một ngày hè tuyết rơi rực rỡ. Một trang sách đã lay động một điều gì lớn lao trong mình.
Mặc cả căn nhà
Bắt đầu rung chuyển
Cảm giác hiện dần cái nhéo ở cổ chân
Though the whole house
Began to tremble
And you felt the old tug
At your ankles
Mary Oliver sinh ra và lớn lên ở Maple Heights, Cleveland, Ohio, một môi trường mà thơ Oliver sau này sẽ ghi lại dấu ấn. Bà sinh ngày 10, tháng 9, 1935. Thuở nhỏ bà chịu ảnh hưởng của nhà thơ Mỹ Edna St Vincent Millay, nhà thơ nữ đầu tiên được giải Pulitzer, và đã từng sống một thời gian ngắn ở nhà của Millay. Bà xuất bản tập thơ đầu vào năm hai mươi tám tuổi, 1963, và sau đó viết rất đều tay, với sức làm việc phi thường. Từ những năm 1980, Oliver dạy ở trường đại học Case Western Reserve University. Thường viết về mùa màng, hoa cỏ, thú vật, cây cối, thơ bà tràn ngập một tình yêu bát ngát đối với con người, thiên nhiên, chứa đựng một nền tảng triết lý sâu sắc, nhân từ. Được trao Giải thưởng Pulitzer năm 1984 và nhiều giải thưởng khác, Oliver là một trong vài nhà thơ kiệt xuất hiếm hoi của Hoa Kỳ hiện nay.
Oliver được xem là một nhà thơ của thiên nhiên và trong nhiều bài thơ nổi tiếng của bà, thiên nhiên vừa là đối tượng thực sự vừa là tiếng nói đồng tình, là hình ảnh gợi ý, là môi trường truyền đi thông điệp, nhưng lại có khả năng trở thành nơi cất giữ thông điệp. Bà sử dụng một kỹ thuật vần điệu ít gặp trong các nhà thơ làm thơ tự do.
Thử nghe Oliver nói về cái chết:
When death comes
like the hungry bear in autumn;
when death comes and takes all the bright coins from his purse
Khi cái chết đến bất thần
Như con gấu đói lượn gần mùa thu
Khi cái chết đến bất ngờ
Lộn trong túi áo đồng xu cuối cùng
Những âm comes, autumn, comes liền nhau gây cảm giác gầm gào hoang dã, thì thầm huyền bí. Cái chết không còn là cái chết trừu tượng, nó hóa thân vào con gấu đói đi lang thang tìm mồi trong mùa thu rừng phong vàng rực đá núi khe truông Bắc Mỹ, trong những đồng xu sáng chói cuối cùng mà cái chết dùng để mua đứt linh hồn người sống.
Thơ đi giữa hai đối cực: một bên an toàn và một bên nguy hiểm. Nó luôn luôn vận động tiến về cái chết. Bài thơ hay nằm ở biên giới của cái chết ngôn ngữ.
Tôi cũng nghĩ rằng, những bài thơ thành công mang trong nó một khoảng cách bắt buộc giữa ngôn ngữ và sự hiểu biết. Khoảng cách đó không bao giờ được lấp đầy, càng tiến từ ngôn ngữ về phía hiểu biết thì sự hiểu biết càng lùi xa, càng tiến từ sự hiểu biết về phía ngôn ngữ thì ngôn ngữ càng phôi pha, trôi dạt, đổi màu.
Vì không có vần điệu nhất định, thơ tự do cần ở người đọc hai điều. Sự đoán trước nhịp điệu của thơ, sự ngắt dòng xuống câu, sự ngừng ở giữa hai chữ trong một câu, thông qua kinh nghiệm đọc thơ của mỗi người. Tôi lấy làm tiếc rằng, do không chú ý, rất nhiều nhà thơ đã hạ câu chữ, dấu chấm, dấu phẩy không theo một quy luật riêng nào. Điều thứ hai là sự bất ngờ. Mối quan hệ giữa điều đã biết và điều không biết giữ sự thăng bằng cần thiết của các tác phẩm nghệ thuật nói chung. Nếu sự tiên đoán thỏa mãn một cách dễ dàng, chúng ta gặp một bài thơ tầm thường, nếu sự tiên đoán hoàn toàn bị lệch đi, người đọc sẽ không đọc nữa. Mặc dù đối với một số độc giả vào một lúc nào đó, một số bài thơ có thể quan trọng hơn về nội dung so với hình thức, và một số bài thơ khác có hình thức quan trọng hơn nội dung, nhưng nhìn chung không thể kết luận như thế đối với một bài thơ cụ thể trong mọi trường hợp.
Thơ của Oliver không có những biểu hiện xúc cảm. Ít khi tìm thấy trong thơ của bà sự đau đớn, sự tiếc thương, lời than khóc hay ca ngợi. Đó không phải là sự khô lạnh mà là sự tiết chế điềm đạm của một trái tim nồng nàn.
Tôi tin rằng để làm mới thơ Việt Nam, cần bắt đầu từ chỗ từ bỏ lối làm thơ và đọc thơ nặng về xúc cảm, hoặc ngược lại, nặng về thực nghiệm hời hợt, tung hứng bề ngoài. Phá phách trong văn chương là tuyệt đối cần thiết: chỉ có sự giả tạo của phá phách mới là sát thủ của nó mà thôi.
Người đọc sẽ bảo nhau:
Bạn cứ thoải mái nhìn thực đơn
Nhưng chẳng thứ gì bạn ăn được
You can look at the menu
But you just can’t eat
(Một ca khúc của Howard Jones)
Khi đọc một bài thơ, đó không phải chỉ là hoạt động thính thị, nó còn là một hoạt động văn hóa và tâm thức: cả ý thức lẫn tiềm thức, cả cái tôi và cái ta đều tham dự vào. Thơ là tấm gương soi mặt của một nền văn học, đúng hơn là, của một nền văn hóa.
Là một tài năng điệu nghệ, Oliver lại tránh dùng thủ pháp tu từ trong thơ. Tôi thấy phong cách của bà có phần nào giống Emily Dickinson. Oliver tỏ ra do dự ở phần kết thúc, Dickinson tỏ ra do dự ngay ở lúc mở đầu. Trong bài thơ này, tránh sử dụng các vần hiển lộ, thay thế vần bằng các phương pháp như: các vần lưng, vần phụ âm, các ý liền nhau, các câu liền nhau, nối vào thành một câu văn phạm, sử dụng rất nhiều chữ you kèm với các chữ though, through, làm cho bài thơ là một cấu trúc xoay quanh một vòng xoắn chính.
Bằng cách nào một bài thơ như bài thơ trên đây lại có quyền năng thay đổi?
Không ai biết chính xác. Có thể có nhiều cách. Người duy nhất có thể cho phép bài thơ phát động quyền năng của nó chính là người đọc, là bạn. Bạn là người giữ cánh cửa của tâm hồn mình. Bài thơ nói cho bạn biết rằng ngoài cuộc đời mà chúng ta đang sống đây còn có một cuộc đời khác nữa, ngoài những thành tựu mà bạn thấy, mà bạn đã đạt được, còn có những thành công khác mà bạn không bao giờ biết tới.
Mặt khác, bạn chưa bao giờ dám nghĩ rằng bạn là một người thất bại, rằng cảnh đời mà bạn đang chung sống là một cảnh đời xấu xa. Muốn như thế, bạn cần phải can đảm để nhận ra và vượt qua chúng. Bài thơ làm bạn thay đổi nhận thức đối với thế giới, và vì đó là một quá trình nhận thức có tính hình ảnh (figurative), nó cũng có khả năng làm thay đổi chính cảm xúc của chúng ta.
Kết thúc ân cần, nhưng quyết liệt:
làm một điều duy nhất
đó là kiên tâm cứu lấy
Một cuộc đời. Chỉ cuộc đời này của bạn mà thôi
Đọc những bài thơ như thế này người ta không thể tiếp tục sống như ngày hôm qua được nữa.
Muốn tìm lại chính mình. Muốn tiến về phía nguy hiểm. Muốn thoát ra khỏi sự mù mờ tăm tối, sống một cuộc đời trong sạch, đẹp đẽ, hạnh phúc hơn, nếu quả thật có khả năng hiện hữu một cuộc đời như thế.
NĐT
Nguồn:
– Rainer Maria Rilke, The Wisdom of Rilke, English by Ulrich Baer, Modern Library, New York, USA
– Mary Oliver, Dream Work, Grove/Atlantic, USA
– Mary Oliver, New and Selected Poems, Volume Two, Beacon Press, USA
– Thơ Việt Nam thế kỷ XX, Thơ trữ tình, NXB Giáo Dục, Việt Nam
CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG CỦA TÁC GIẢ:
- EM BÉ LÊN MƯỜI TRONG TRẠI TẬP TRUNG
- Ts Đinh Xuân Quân: Cuộc Họp Mặt Trung – Mỹ ngày 22-23 Tại Anchorage – Alaska
- Chuyện bên đống lửa sưởi
- TRÍ THỨC – HÈN YẾU HAY HÈN HẠ?
- BẦY CÁO BẠC
- LỜI GIỚI THIỆU VỀ THƠ LIÊU THÁI
- THƠ ĐẾN TỪ ĐÂU – ĐINH THỊ NHƯ THÚY: SINH RA LÀ TỰ DO
- BỐN MƯƠI NĂM THƠ VIỆT HẢI NGOẠI: Nguyễn Thị Thanh Bình
- ELIZABETH BISHOP: NGHỆ THUẬT ĐÁNH MẤT
- NGUYỄN ĐÌNH THI
- BÀI THƠ ĐỒNG TÂM
- Khải Minh: Ngày nào thơ Việt Nam chưa có lý thuyết mới thì…
- VŨ THÀNH SƠN, KẺ KHÁC BÊN TRONG CHÚNG TA
- Võ Phiến: Yêu Và Đọc
- BỐN MƯƠI NĂM THƠ VIỆT HẢI NGOẠI
- THƠ ĐẾN TỪ ĐÂU: INRASARA
- BỐN MƯƠI NĂM THƠ VIỆT HẢI NGOẠI: ĐỖ QUYÊN
- BỐN MƯƠI NĂM THƠ VIỆT HẢI NGOẠI: NGUYỄN LƯƠNG VỴ
- vài khía cạnh đặc thù của 20 năm văn học miền nam
- VIẾT VỀ NHÃ CA, TRẦN DẠ TỪ
- VỈA HÈ VÀ DÒNG SÔNG
- VĂN HẢI NGOẠI SAU 1975 (233): ĐINH QUANG ANH THÁI – VỀ MỘT CHUYẾN ĐI NGA
- THƠ TRẦN HOÀNG PHỐ
- BABEL 2020 HAY VIRUS BIẾN DỊ CỦA THẾ KỶ 21
- NHÀ VĂN THẠCH LAM: MẠNH HƠN CÁI CHẾT
- TƯỞNG NIỆM BA NĂM NGÀY MẤT LƯU HIỂU BA, 2017-2020
- TÚY HỒNG (12. 10. 1948- 19. 7. 2020)
- Mười Năm Thơ Đến Từ Đâu: Ngô Tự Lập
- Nguyên Ngọc- Đồng Bằng
- Mười Năm Thơ Đến Từ Đâu: Nguyễn Trọng Tạo
- Mười Năm Thơ Đến Từ Đâu: Văn Giá
- ĐỌC THƠ NAOMI SHIHAB NYE: LÒNG TỬ TẾ
- MAI VĂN PHẤN, CUỘC ĐỜI QUYẾN RŨ
- NGUYỄN TRỌNG TẠO, MỘT CÂY SI VỚI MỘT CÂY BỒ ĐỀ
- TRẦN DẠ TỪ, THUỞ LÀM THƠ YÊU EM
- TRẦN NHUẬN MINH, LỊCH SỬ VÀ SỐ PHẬN
- HOÀNG HƯNG, NGƯỜI VỀ
- HOÀNG TRẦN CƯƠNG, NGÔN NGỮ QUÊ HƯƠNG
- DU TỬ LÊ, MẸ VỀ BIỂN ĐÔNG
- BÀI THƠ ĐỒNG TÂM
- BỐN MƯƠI NĂM THƠ VIỆT HẢI NGOẠI