LỜI GIỚI THIỆU VỀ THƠ LIÊU THÁI

Nguyễn Đức Tùng
Một trong những đặc điểm của thơ hôm nay là bài thơ đòi hỏi người đọc bước về phía nó. Cánh cửa của bài thơ không mở rộng như trước đây, ngay cả khi tác giả dùng một ngôn ngữ bình dân hay sáng sủa, thanh cao hay thông tục. Bạn càng tới gần, cánh cửa càng mở lớn, bạn càng nhìn kỹ, bài thơ càng tựa như vở hài kịch hay bức hí họa, hay một điều gì khác ngoài ngôn ngữ. Chống lại các tập quán cũ kỹ, tính khuôn phép, thơ Liêu Thái trong nhiều năm nay là một thứ nghệ thuật thời thế, đương đại, yêu thương và tàn khốc, trầm tư, độc thoại và cay đắng.
Liêu Thái phóng túng trong khi viết, thơ tự do của anh là loại ngôn ngữ sung mãn, dồn dập, tràn bờ dưới những quan sát độc đáo, cách nói khá mới, sự dũng cảm công dân. Liêu Thái có khả năng làm rung chuyển các sự vật, đặt chúng dưới sự quan sát lạnh lẽo của anh, sự mổ xẻ, sự châm biếm và hài hước. Liêu Thái là nhà thơ có khuynh hướng hậu hiện đại, mang theo trong anh cả những yếu tố khác, riêng biệt, đầy địa phương tính, nam tính, những cảm xúc nạn nhân, của người trí thức hôm nay, của kẻ vừa cô đơn vừa tự mình trở thành một với đám đông. Tất cả những điều ấy có lẽ là những cố gắng có ý thức của anh.
Mưa tháng ba ễnh ương vào nhà
Đứa bé khóc vì tiếng kêu của chúng
Có lẽ trong khói mưa
Có giọt nước mắt trời
Khiến cho tháng ba trở nên lay động
Chiếc phao bằng cơm cháy của bà
Vẫn cứ bơi quanh khu vườn cũ
Người ta nói rằng nỗi ám thị về đất hay chỗ ở và chỗ chôn
Khiến con người có thể yêu nhau hoặc thù hận nhau đến chết
Và nếu được sống một kiếp khác sau chết
Nỗi ám ảnh về đất không bay hơi
Mà chôn sâu lòng đất và mọc thành gai độc
Trong khi những con cá thia lia
Có thể chào cờ sau mưa
Chúng lại chui ra từ lòng đất và bơi tung tăng
Cũng có thể chúng đang bay trong đám mây nước
Liêu Thái làm thơ đã lâu, xuất hiện trên nhiều tờ báo khác nhau, các trang mạng trong nước và hải ngoại, nhưng số người đọc thơ anh chưa nhiều vì nhiều lý do, một phần vì bản thân thơ Liêu Thái là một loại thơ không dễ dãi. Thơ anh nói về đời sống hôm nay, tra vấn lịch sử, tra vấn sức mạnh của cái đẹp; đó là một thứ thơ trữ tình tự do, dùng nhiều nhịp điệu, các hình ảnh ký ức dồn dập, nhiều giọng nói. Đó là sự phẫn nộ, sự tự hỏi, tình thương yêu đối với cuộc đời. Đó là sự đề kháng chống lại cái u tối, thói nô lệ, sự thỏa hiệp trong mọi hình thức, sự quên lãng. Thơ Liêu Thái chống lại ru ngủ, sự vui vẻ và mềm mại.
Thơ anh cũng có những xúc động kín đáo, trước những tình huống đơn lẻ, những khung cảnh nhỏ bé, những tâm trạng sâu lắng, thăng trầm, nhưng chúng chưa nhiều lắm. Tôi mong thơ anh có nhiều hơn những bài như thế. Mặt khác, nỗi buồn nhân thế, sự phản ứng trước những nghịch cảnh, cái nhìn thấu suốt đối với lịch sử, sự không nhân nhượng, chưa bao giờ thôi cháy bỏng trong thơ Liêu Thái. Bên cạnh những người cùng thời chọn đứng về phía tiện nghi, phe quyền lợi, nhóm ăn trên ngồi trước, Liêu Thái đã chọn, với ý thức rõ ràng, đứng về phía mà nhà thơ Dương Tường gọi là phe nước mắt. Mặt khác trong khi không ngừng làm sắc sảo thêm sự phân tích hiện thực, anh cũng thăm dò vùng ký ức tâm linh của dân tộc; đôi khi có khuynh hướng thơ ngôn ngữ. Thơ Liêu Thái hoàn toàn cắt đứt với lãng mạn và với thái độ chính thống. Anh là một bước nhảy ngoạn mục của thơ hôm nay: tự tin, bản lĩnh, vượt ngoài ước lệ, thách thức các giá trị được xác lập hay bị ép buộc, bằng một ngôn ngữ ngày càng tinh tế, ngày càng điêu luyện, trong khi vẫn không ngừng cúi xuống thấp hơn nữa với bụi bặm cuộc đời, lăn xả vào đời sống, ăn nhập với phố phường, với bất công thường trực.
Bóng người tình đói bé
Bóng người tình cần lao
Bóng người tình ô nhục
Bóng người tình nợ nần
Bóng người tình nhức nhối
Bóng người tình lầm lũi
Bóng người tình thuyền nhân
Tính thông tục của ngôn ngữ xuất hiện tự nhiên. Trong thơ anh, sự thông tục cũng đâm ra đáng thương, tiếng khóc cũng là tiếng cười. Thơ Liêu Thái ít nói về tình yêu, tình dục, các đề tài riêng tư, và đó không h ẳn là một ưu điểm, nhưng mặt khác một khi anh chạm tới chúng, thơ bộc lộ chất gi ọng thành thực đáng yêu, sự lúng túng vụng về, sự nhầm lẫn, sự hối hận. Tóm lại, sự thân mật trong ngôn ngữ. Những ví dụ ấy chưa nhiều, có thể vì anh quá bận rộn vì những thử thách khác, có thể vì anh chưa chú ý đúng mức. Khuynh hướng tâm linh, khuynh hướng siêu hình không phổ biến lắm trong thơ Liêu Thái. Sự cân bằng giữa hiệu ứng xã hội và hiệu ứng nghệ thuật, giữa xúc cảm thẩm mỹ và suy tư chính trị, giữa thân xác và linh hồn là điều mà các nhà thơ hôm nay cần suy nghĩ thêm.
Đôi khi anh đến rất gần một chủ nghĩa siêu thực, giấc mơ, sự hồi tưởng. Ngay cả những bài thơ nói về tình yêu, hạnh phúc, sự may mắn cũng chứa đựng lời tiên tri về ngày phán xử cuối cùng, tính bồng bột và tội ác của nhân loại, sự nông cạn của họ. Không phải bài thơ nào của Liêu Thái cũng thuyết phục tôi, anh có những bài tựa như tuyên ngôn, cách nói cốt để diễn tả một ý tưởng, nhưng trong những bài xuất sắc nhất, anh là sự ngạc nhiên, là sự thách thức trí tuệ. Thơ Liêu Thái đi giữa hiện thực và siêu thực, sẵn sàng đặt câu hỏi cho một đám đông im lặng, sẵn sàng im lặng trước tra vấn. Trong những bài thơ gần với thơ xuôi, có thể là nhóm thơ anh thành công hơn cả, ngôn ngữ của anh bộc trực, giàu có một cách kỳ lạ, có khả năng bộc lộ khuôn mặt tối tăm của lịch sử và những điểm sáng lấp lánh không ai biết chúng đến từ đâu. Thơ anh là một loại thơ triệt để, không thỏa hiệp, cay đắng nhưng vẫn cân bằng, châm biếm nhưng hồn hậu. Anh thường nói về những chi tiết cụ thể của đời sống, những tình huống có tính kịch: chiều sâu của thơ nằm ở các các xung đột. Có một mối quan hệ đặc biệt, chặt chẽ, giữa Liêu Thái và các nhân vật trong thơ anh. Họ vừa là tác giả vừa là người được anh miêu tả. Thoạt nhìn trong thơ Liêu Thái, đầy những nhân vật chộn rộn, nóng hổi máu thịt cuộc đời, nhưng một người đọc kỹ anh sẽ nhìn thấy nỗi cô đơn bàng bạc cùng khắp. Đó là loại thơ tự ý thức về mình, tìm mọi cách để mang lại ý nghĩa cho ngôn ngữ, khôi phục sức mạnh của những tiếng nói bên dưới xã hội, bên rìa, những số phận cuối đường.
Nguyễn Đức Tùng.
(Lời giới thiệu gởi Ban giám khảo giải thơ Văn Việt 3. 2021)

Share this post

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on print
Share on email

Leave a Reply