LỜI GIỚI THIỆU VỀ THƠ TRẦN LÊ SƠN Ý

Nguyễn Đức Tùng
Đề tài trong thơ Trần Lê Sơn Ý hầu hết là các chi tiết thường ngày, những mối quan hệ gần gũi, khung cảnh thường gặp, nhưng ngôn ngữ thơ của chị không dừng lại ở cái trung bình, mà vượt lên, mở ra những cánh cửa. Các nhân vật trong thơ chị hiện diện đâu đó, sẵn sàng biến mất khỏi tầm nhìn của chúng ta, rồi đột ngột quay trở lại. Thế hệ trẻ không ngoái nhìn, họ chăm chú hướng vào hiện tại nhiều hơn, nhưng những chấn thương văn hóa của dân tộc vẫn có mặt trong thơ hôm nay.
Trần Lê Sơn Ý kết hợp tính đương đại và tính huyền bí trong thơ chị, một loại thơ trữ tình xã hội. Người đọc bắt đầu nhìn thấy sự riêng biệt của một lớp người, cái nhìn tươi tắn, trong trẻo của tuổi trẻ hôm nay, ý thức phê phán đối với hiện thực, thái độ từ chối thói quen lệ thuộc, sự vượt thoát. Ở những bài thơ thành công nhất, chị là tiếng nói nữ tính nhưng tiêu biểu của thời đại mình, hồn nhiên và cô độc, nhem nhuốc và thơ mộng, dịu dàng nhưng sắc sảo.
Đêm không ngủ đọc Trần Vàng Sao
Mỉa mai ghê, bao nhiêu năm nay cứ nghĩ mình lận đận
Ba mươi sáu năm trước, một người tuổi Tỵ cũng 43 thấy “buổi chiều không có một con chim đậu trên cây”
Tôi vẫn thấy chim trời bay ngang cửa
Người tuổi Tỵ 36 năm trước “không biết làm gì hết” bèn “bỏ hai chân ra khỏi dép cho mát”
“Một hai ba giờ sáng ngồi vác mặt ngó lên trời nghe tiếng chó sủa”
Người 43 tuổi tỵ bây giờ – năm 2020 ngồi dựa cửa, không có tiếng chó, chỉ có tiếng con mèo câm lặng, mỗi lần kêu meo meo nó làm thinh đi thẳng, nhưng ngoái lại nhìn mỗi khi tróc chó
Con mèo lẽ nào chỉ biết ngoại ngữ?
Người tuổi Tỵ 43 năm 2020 không có “cây cà cây ớt”,
gia tài là một cái xô, một cây hương thảo và một nhành lan bé tí treo cheo leo đâu đó trên dây máng đồ
Người ta bảo, mất trí nhớ hãy thử ngửi mùi hương thảo, mùi cỏ kia sẽ mang trí nhớ quay về
Người 43 tuổi Tỵ năm 2020 từ đó ngày nào cũng đưa bàn tay vuốt ngang cây hương thảo
Người tuổi Tỵ nhìn qua block nhà bên kia, vẫn còn một ô cửa sáng
Vẫn tiếng trẻ khóc bên rào đau buốt. Lẽ nào là tiếng khóc của 34 năm về trước
Bên này con bé đang ngủ hai chân xếp trong tư thế kiết già
Người tuổi Tỵ cũng 43 phút chốc bỗng thấy mình không biết cuộc đời là giấc mơ hay giấc mơ là cuộc đời
Người tuổi Tỵ năm 2020 biết từ nay mình chỉ còn có thể lắng nghe
(Đọc Trần Vàng Sao giữa đêm tịch mịch)
Thơ Trần Lê Sơn Ý là kết quả của những cách tân ngôn ngữ được khởi lên từ những năm gần đây và ý thức cộng đồng trong người trẻ, ngày càng phổ biến. Chị chuẩn bị cho mình, cho người đọc về những thay đổi đang và sẽ xảy ra. Trong khi nhiều nhà thơ khác chọn cách viết dễ dãi, Trần Lê Sơn Ý cố gắng đi tìm cách nói lạ, thường ít được chấp nhận hơn; trong khi những nhà thơ khác chọn sự an toàn khi viết về những đề tài riêng tư, thơ tình chẳng hạn, Trần Lê Sơn Ý chọn những đề tài khó hơn, nhạy cảm hơn. Khi chị nói về các đề tài ấy, tiếng thơ vang lên rõ ràng, khúc chiết, mạnh mẽ. Nhà thơ hôm nay có tư duy mới: phán đoán, lý trí, nghi ngờ, đặt câu hỏi. Họ cũng thường xuyên lên tiếng từ cái tôi trữ tình của mình, một cái tôi tồn tại như một chủ thể tự do, giải phóng mình khỏi các hoàn cảnh cá nhân, buông mình ra khỏi lịch sử. Trần Lê Sơn Ý cùng với những người khác, trước và sau chị, như Giáng Vân, Nguyễn Hoàng Anh Thư, Vũ Lập Nhật, Như Quỳnh de Prelle, Phan Huyền Thư, Trần Hạ Vi, là những tiếng nói như thế. Bài thơ của chị có một điểm sáng, như con mắt của hoàng hôn nhìn lại, như ngọn đèn chờ nơi cửa sổ, như sự chiếu sáng vô thức.
Người điên tự do bày tỏ tình yêu
Người tỉnh giấu đi nỗi sợ
Ngôn ngữ sáng sủa, thân mật, dù không mới lắm. Thơ vận động về phía trước bằng cách tạo ra cái lạ. Trần Lê Sơn Ý và các nhà thơ đương đại từ bỏ sự trau chuốt, ngày càng tiến gần tới văn xuôi và ngôn ngữ đời thường; họ ngày càng thu hẹp khoảng cách giữa thơ trữ tình và hiện thực. Cũng có những lúc chị mải mê nói về cuộc đời, về tình yêu, nặng về cái nói mà quên mất cách nói. Thơ có những giây phút chạm tới xúc cảm sâu xa, đi qua những tình huống cực đại, sự phân vân chọn lựa, sự nghi ngờ khắc khoải, chúng bộc lộ một khả năng tưởng tượng giàu có ở chị. Chị nhắc nhở chúng ta rằng mọi thứ đều hệ trọng, cuộc đời đáng sống, mọi hy vọng đều có thể tan vỡ. Việc xác lập cân bằng giữa một đời sống đô thị và thiên nhiên hoang dã, giữa lối mô tả khách quan và những ký ức có tính hoài niệm và tiểu sử, việc cân bằng giữa một giọng thơ trữ tình cá nhân và ý thức về người khác ở Trần Lê Sơn Ý đã được xác lập. Đó cũng là việc nghi ngờ những niềm tin cũ kỹ, những truyền thống bị áp đặt lâu ngày, việc phát hiện những khả năng bất tận của trí tưởng tượng.
Có một điều kỳ lạ khác thường, như tiếng gọi bí mật, sự tìm tới một thứ ánh sáng mới, sự trở lại của những giá trị cao cả, vang lên trong bài thơ của Trần Lê Sơn Ý. Tôi tin rằng tiếng nói thầm lặng này, trong một thời đại khó khăn, đang được lắng nghe.
Nguyễn Đức Tùng
(Lời giới thiệu gởi Ban giám khảo giải thơ Văn Việt 3. 2021)

Share this post

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on print
Share on email

Leave a Reply