EM BÉ LÊN MƯỜI TRONG TRẠI TẬP TRUNG

Nguồn: damau.org

Nơi tôi đến – hầu như mỗi ngày; ngày xưa cũng như bây giờ – không phải nhà của người yêu mà là thư viện. Khổ một điều, từ thuở biết đọc sách, nhà tôi đã ở xa thư viện. Khi chưa có internet, muốn tìm một cuốn sách hay một tài liệu nào đó, phải lái xe, đi xe buýt hoặc đi bộ một đoạn đường dài tới thư viện. Nhưng tôi không bỏ được thói quen đến đó mỗi ngày. Ở đó tôi gặp vô số người quen, cả những con người tôi ngưỡng mộ lẫn những kẻ tôi nhờm tởm. Họ cùng ở trong một tòa nhà, họ chen chúc nhau trên những kệ sách.

Dạo trước tôi cư trú ở một thành phố nhỏ, thư viện ở đó có thông lệ mỗi năm bán sách cũ một lần. Ngày bán sách tôi không bao giờ bỏ lỡ. Tôi đến trước giờ mở cửa. Và tôi gom tất cả sách tiếng Việt, xếp đầy thùng các tông, đem ra tính tiền. Không cần biết sách in trong nước hay ngoài nước; không cần biết tác giả đỏ hay vàng; không cần biết đó là sách dịch hay nguyên tác, sách văn học, thi ca hay sách dạy cắm hoa, sách dạy bói toán, hay chỉ cách nấu các món ăn Huế; chẳng cần biết những trang sách có lem luốc màu cà phê, có thấm đượm mùi cá kho, mùi nước mắm; cũng không cần biết gáy sách đã long, và bao nhiêu trang bên trong đã thất lạc. Tôi gom về hết, như gom những đứa trẻ tật nguyền về nuôi khi cô nhi viện – nơi chúng nương náu bao nhiêu năm trời bị đóng cửa vì ngân sách cạn kiệt.

Có lần tôi mua được tập thơ của mình trong đống sách cũ nhàu nhò ấy. Và tôi tự nhủ (một cách đầy ảo tưởng rằng) sách đã được đọc tới nát nhàu như thế cũng là điều hay.

Nơi chốn thứ nhì mà tôi thường lui tới là nhà sách. Khi đại dịch Covid-19 chưa làm mưa làm gió, cứ hai – hay cùng lắm là – ba ngày tôi lại đến nhà sách. Như tín đồ viếng đất thánh, như người bạn tìm thăm những người bạn không quen nhưng biết nhau thật rõ; những người bạn có chỗ đứng khiêm tốn và chật hẹp trong những khung gỗ của kệ sách, nhưng thế giới của họ mênh mông đất trời.

Và lần nào ra về tôi luôn ôm theo một hai cuốn sách. Tôi mua sách như người phụ nữ đẹp sắm áo quần. Bộ nào cũng đang rất cần, bộ nào cũng quá đẹp, bộ nào cũng vừa vặn hết biết, bộ nào cũng hợp với mùa màng, bộ nào cũng tiệp với màu đôi giầy, chiếc sắc tay, bộ nào cũng đi với màu son môi, và nhất là bộ nào cũng đang on sale.

Tôi thì vậy, còn bạn thì sao? Ngày xưa trước khi mua một cuốn sách thường thì bạn sẽ làm gì. Có so đo, tính toán, có tham khảo xem những bài giới thiệu, những review như vẫn thường làm khi mua một một món đồ thực dụng? Tôi hỏi chuyện ngày xưa bởi ngày nay còn ai mà mua sách khi chỉ cần mở cái điện thoại di động lên là đã có thể chu du thế giới. Nhưng cứ giả sử bạn vẫn còn yêu sách, vậy thì trước khi tìm mua một cuốn sách bạn làm gì? Có thể bạn đã được ai đó giới thiệu về tác giả hay tác phẩm, có thể đây là cuốn sách của tác giả bạn yêu thích mà sau một thời gian im hơi lặng tiếng, đã lại cho ra đời một đứa con tinh thần. Hay là bạn được – hay bị – ai đó đốc thúc, “Hãy đọc đi, hay lắm. Bỏ qua là phí cả một đời người,” vân vân.

Trước khi mua một cuốn sách bạn có so đo, cân nhắc?

Tôi thì không tìm hiểu trước. Tôi đi tìm mua sách như người đi tìm một mối quan hệ, cái thứ vướng mắc nhẹ nhàng mà dân Bắc Mỹ gọi là relationship. Như người đàn ông ngày trước “kiếm vợ chợ đông” như người phụ nữ thuở xưa đi “tìm chồng giữa chốn ba quân”. Tôi không tìm tên tác giả. Tôi mua sách theo kiểu hên xui, may rủi.

Vì vậy khi cầm một cuốn sách lên, tôi chả bao giờ đọc những lời giới thiệu ở bìa sau. Những lời giới thiệu không nói lên được điều gì. Những lời khen vô tội vạ ở bìa sau những cuốn sách tiếng Anh tôi thường thấy như MesmerizingA fictional tour-de-force, Amazing, Radiant, Perfect, Major, Extraordinary, A banquet of ideas and language, A novel of almost incredible intensity, Incandescent, Magnificent, High art, A literary miracle, May well be the best mystery ever written, Marvelous like Fitzgerald, Another William Faulkner, An Ernest Hemmingway of our time… thường là không đúng. Tôi cũng không bao giờ đọc bài tựa ở đầu sách hay lời bạt ở cuối sách, dù chỉ đọc lướt qua trong nhà sách. Tôi không muốn tốn thời gian cho những người cầm cờ, khua chiêng, gõ trống ở đầu hay ở đuôi đám rước. Tôi tin giá trị cuốn sách không nằm ở bài tựa hay lời bạt, cũng không nằm ở cái tên (đôi khi đình đám) của tác giả.

Cũng có thể tôi tìm hình tác giả. Có một lần tôi mua cuốn sách chỉ vì đôi mắt đẹp của người viết. Chỉ một lần ấy thôi. Mua về, tôi đọc được mỗi một chương đầu rồi vùi lên kệ sách. Cuốn sách trở thành nàng cung nữ bị thất sủng, an phận ở hậu cung. Tuy vậy tôi vẫn thích tấm hình của tác giả, và tôi cứ tiếc phải như biết vẽ, mình sẽ vẽ đôi mắt ấy.

Vào nhà sách. Đứng chôn chân trước kệ sách trong khu FICTION. Tôi rút một cuốn sách trên kệ. Tôi lật đại một trang, đọc liều một đoạn cầu may. Có nhiều cuốn sách lôi cuốn ngay ở những dòng đầu nhưng rồi sau đó luộm thuộm, lê thê, và vô cùng thừa thãi.

Sau khi rước về rất nhiều cuốn-sách-chỉ-lôi-cuốn-ở-dòng-đầu, tôi đã bỏ thói quen cưới một người chỉ qua vài câu đối đáp. Bởi ôm cuốn sách về, đọc và nhận ra rằng cuốn sách cũng như cái người mình chung chăn gối ấy thật ra lại vô cùng nhàm chán và chỉ mau mồm mép, khéo ăn khéo nói lúc làm quen thì rước họ về chẳng là uống phí đời mình lắm sao!

Khi chẳng còn biết bám víu vào đâu, tôi đành tìm lời đề tặng của tác giả.

Cầm một cuốn sách lên, tôi lật ngay trang đầu. Giọng văn của tác giả không biểu hiện ra được chỉ ở câu đề tặng nhưng những dòng chữ ấy ít ra cũng nói lên được tấm lòng, và phản ánh phần nào cảm nghĩ, tâm tư của tác giả.

Nhưng tiếc là phần lớn những lời đề tặng đều rất thô sơ, đơn giản. Cho A, cho B, cho C… hoặc Cho vợ thân yêu của tôi. Cho XYZ, không có sự trợ giúp của (bạn, em, anh) tác phẩm này đã không thể chào đời.

Cũng có những lời đề tặng liệt kê một loạt những tên (lạ hoắc), của những bố ruột, mẹ ruột, bố vợ, mẹ vợ, bố đỡ đầu, mẹ đỡ đầu, anh chị em ruột, anh chị em nuôi, thày, cô giáo, người đại diện giới thiệu bản thảo, biên tập viên, nhà xuất bản… mà không một lời cảm ơn kẻ bỏ tiền ra mua cuốn sách và bỏ ra bao nhiêu tiếng đồng hồ, nghĩa là một phần của đời mình để đọc nó. Gặp những câu luộm thuộm ấy, phần lớn là tôi không đọc bởi thấy vô ích và nhất là biết chắc trong những cái tên được kể ra ấy không có tên mình.

Nhớ lại mình, tôi cũng có một lần – và chỉ một lần – viết cho Bố Mẹ dòng chữ “Kính dâng Song Thân” ở trang đầu cuốn “Viết Cho Mẹ Ở Quê Nhà.” Chỉ một lần thôi. Tuy nhiên cho đến khi qua đời, Bố Mẹ tôi vẫn không đọc được vì cuốn sách không xuất bản ở quê nhà.

Mới đây trong một cuốn truyện Anh ngữ, tôi bắt gặp một lời đề tặng bộc lộ óc khôi hài của tác giả. “Cho vợ thân yêu và các con của tôi. Không có họ thì cuốn sách này đã ra đời mấy năm trước rồi.

Tuy cái câu đề tặng – nói chung – xem như vô tích sự như vậy nhưng có một lần nọ, trong đợt bán sách cũ của thư viện, tôi tìm được một câu đề tặng ở trang đầu một cuốn tiểu thuyết, câu đề tặng ấy lưu lại trong tôi không chỉ một chút cảm xúc chóng qua mà là những tình cảm lạ lùng, sâu lắng và vĩnh cửu.

Tháng Tám năm 1992, khi thư viện thành phố nhỏ nơi tôi cư ngụ bán sách cũ. Tôi có mặt ngay giờ mở cửa và sau khi gom hết sách tiếng Việt đem ra quầy trả tiền, tôi trở vào góc Truyện và Tiểu thuyết. Một cuốn sách làm tôi chú ý. Cuốn truyện tiếng Pháp. Ngày trước tôi nghĩ truyện viết bằng tiếng Pháp tự nó đã có chất thơ, chất thơ nằm trong ngôn ngữ. Bây giờ ý nghĩ ấy đã nhạt bớt. Hôm ấy tôi bắt gặp một cuốn tiểu thuyết tiếng Pháp của một tác giả không quen (tên). Tôi cầm cuốn sách lên, mở ra, và như thói quen, tìm đọc lời đề tặng.

Và tôi đã bị thôi miên ngay phút giây ấy.

“Pour cet enfant de dix ans que j’ai recontré un matin dans le camps de concentration de Mauthausen, et qui partait vers sa mort, le regard étonné et fiévreux.”

Tôi cầm chắc cuốn sách trong tay. Jean Cayrol, một cái tên xa lạ, nhưng lúc ấy tôi đã nhận ra ngay rằng tác giả là người trở về từ trại tập trung Quốc Xã. Ông đã chứng kiến từng đoàn người bị lùa vào lò thiêu. Tôi tin đứa bé lên mười mà tác giả trông thấy trong trại Mauthausen kia đã chỉ sống được thêm ít phút nữa thôi sau thời điểm ấy. Thế nhưng tác giả đã đem được hình ảnh em bé ấy ra khỏi lò thiêu, về lại cõi sống này. Đến tận lục địa này, hơn nửa thế kỷ sau.

Món quà tặng hiếm hoi và quý giá.

Tôi đứng hoài ở đống sách bán đại hạ giá. Và bỗng dưng tôi thấy tôi là em bé lên mười ấy. Em bé ngơ ngác trong lò thiêu chiến tranh ở đất nước Việt Nam. Em bé lên mười co ro dưới hầm tránh đạn pháo kích. Em bé níu tay mẹ chạy giặc trong đêm Giao Thừa.

Và tôi biết trong số bạn bè lên mười của tôi ở khắp nơi trên mặt đất này, biết bao nhiêu đứa không sống được đến năm thứ mười một.

Những năm ấy internet chưa thông dụng, tôi không biết gì nhiều về Jean Cayrol ngoài cái tên. Mãi sau này tôi mới tìm biết thêm về tác giả cuốn Je l’entends encore ấy. Jean Cayrol là nhà thơ, nhà văn, nhà bình luận… – và quan trọng nhất – là kháng chiến quân thời kỳ Pháp bị Đức Quốc Xã chiếm đóng trong Thế Chiến Hai. Bị tố giác, ông bị bắt và tống vào trại tập trung Mauthausen-Gusen năm 1942.

Sau này tôi còn biết thêm được rằng thời gian ở trong trại tập trung, Jean Cayrol gặp vị linh mục có tên Jacques de Jésus – người đã giấu các trẻ em Do Thái trong trường nội trú mà ngài làm giám đốc. Câu chuyện về vị linh mục này đã được kể lại trong phim Au revoir les enfants (1987). Tôi xem cuốn phim này lâu lắm rồi và đã vô cùng xúc động trước cảnh khi bọn SS đến bắt linh mục giám đốc đi, ngài đã quay lại nói với đám học sinh nội trú “Au revoir les enfants!”

Vậy mà đến bây giờ tôi mới biết tác giả của Je l’entends encore cùng ở trong trại tập trung với vị linh mục tôi đã gặp trong Au revoir les enfants.

Một lần ghé thăm Viện Bảo Tàng Holocaust ở Los Angeles, tôi vào gian tưởng niệm những trẻ em đã chết trong lò thiêu Quốc Xã. Khách thăm viếng được mời viết lên một miếng giấy nhỏ về một điều gì đó, cho một em bé nào đó, nhưng tôi đã không thể làm được. Tôi đã ngộp thở, chóng mặt, tức ngực, ù tai… Tôi bỗng thấy thật rõ ẩn hiện trên bức tường màu xám những bộ xương lũ lượt bước đi giữa những mũi súng lăm lăm chĩa vào họ. Một đứa bé trong đoàn người ấy quay lại nhìn tôi. Đoàn người đã đi sâu vào bức tường, đến cửa một tòa nhà quét vôi vàng ệch, đứa bé vẫn quay lại nhìn tôi.

Tôi đã vất vả vô cùng để giấu đi những giọt nước mắt.

Và khi đã giấu bặt được những giọt nước mắt, tôi lầm lũi bước ra ngoài.

Bên ngoài, bầu trời Thành Phố Thiên Thần vẫn biếc xanh và nắng vẫn dịu dàng, săn đón.

Hồi mới dọn vào condo, có hồ bơi, có hồ nước xoáy, có phòng xông hơi, tôi cũng gặp lại em bé lên mười ấy khi cái vòi ẩn trong góc tường phòng xông hơi bắt đầu phun ra làn hơi nước trắng đục. Tôi không đứng lâu trong phòng xông hơi chẳng phải vì ngạt thở mà vì tôi cứ thấy em bé lên mười mà Jean Cayrol đã thấy trong Trại Tập Trung Mauthausen năm 1944 đứng quay mặt vào bức tường xám tối. Hơi ngạt như đám mây trắng đục phủ lấy vóc dáng em.

Có lẽ tại tôi là người quá nhạy cảm. Như những năm đầu hồi mới rời bỏ Việt Nam, tôi không có được một bữa nào ăn ngon miệng bởi mỗi bát cơm chiên Dương Châu, mỗi tô bún bò Huế, mỗi xâu thịt nướng, mỗi tô lẩu đồ biển… đều làm tôi nhớ đến hình ảnh lũ em vây quanh mâm cơm với những bát bo bo vàng ệch, với chỉ một quả trứng vịt luộc và chén nước pha muối ở quê nhà.

Thế Chiến Hai đã chấm dứt. Chiến tranh Hàn Quốc đã tàn lụi. Chiến tranh Việt Nam cũng đã kết thúc. Những cuộc chiến tranh khác tiếp tục theo nhau dành chỗ đứng trong lịch sử nhân loại. Những em bé lên mười đã chết ở Việt Nam, ở Campuchea, ở Syria, ở Iraq, ở Somalia… Có biết bao nhiêu em bé không tên không tuổi trong đoàn lưu dân, không nơi chốn trở về; không bao giờ trở về như em bé trong trại Mauthausen mà Jean Cayrol đã thấy năm xưa.

Ngày 05 tháng Năm năm 1945 những người lính Mỹ đến giải thoát trại tập trung Mauthausen, lúc khai quật những hình hài vụn nát từ lò thiêu, chắc họ chẳng thể nào phân biệt được xác nào là của em bé lên mười, “người đi vào cõi chết, với ánh mắt ngỡ ngàng và sôi sục,” bởi em đã thoát ra khỏi những hàng rào kẽm gai, qua những họng súng, qua những con chó điên cuồng sục sạo; em bỏ lại sau lưng tiếng hét rợn người của bọn cai tù. Năm 1968, em chào đời lần nữa với lần xuất bản đầu tiên của cuốn Je l’entends encore; em sống thêm một đời sống khác, trên câu đề tặng cuốn sách của người ở chung trại tập trung với em năm xưa.

Từ tháng Tám 1992 – nghĩa là từ khi mua được cuốn sch cũ Je l’entends encore – đến giờ, việc đầu tiên tôi làm với một cuốn sách vẫn là tìm đọc câu đề tặng của tác giả. Và cho tới bây giờ chưa có câu nào gói trọn những trang sử của cả một thời như câu đề tặng cho em bé lên mười mà Jean Cayrol đã gặp trong Trại Tập Trung Mauthausen năm nào.

Hoàng Chính

10 tháng Ba, 2021

Share this post

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on print
Share on email

Leave a Reply