thư mời và thư cám ơn

November 29. 2009

Nguyễn Đức Tùng

Thư cảm ơn và thư mời tham dự buổi ra mắt cuốn sách Thơ đến từ đâu

Kính gởi:

Các nhà thơ có mặt trong Thơ đến từ đâu

Các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà phê bình, các bạn bè văn nghệ khắp nơi.

Kính thưa quý anh chị:

Ngày hôm qua, một cách chính thức, người đại diện của tôi về mặt xuất bản, nhà văn Trần Thị Trường, đã vui mừng thông báo cho tôi biết rằng cuốn sách Thơ đến từ đâu, tập hợp các bài phỏng vấn về thơ, đã được xuất bản bởi NXB Lao Động, Hà Nội. Chị cũng cho biết thêm, nhà xuất bản chuẩn bị làm một buổi ra mắt tác phẩm tại Hà Nội ngày 1 tháng 12, 2009, dự định với đông đảo bạn bè và các nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình đến dự.

Tôi nhận tin này với lòng xúc động.

Cuốn sách đã trải qua thời gian chuẩn bị rất dài, với những khó khăn đặc biệt. Với sự giúp đỡ hết sức to lớn của rất nhiều cá nhân, tổ chức, bạn bè, cuối cùng tác phẩm cũng đến được với công chúng, đặc biệt với công chúng yêu thơ ở Việt Nam.

1. Tôi xin gửi lời cám ơn đến các nhà thơ đã vui lòng tham dự các cuộc trò chuyện thú vị, sôi nổi, thân mật nhưng thẳng thắn, trong tinh thần văn chương và tình cảm đồng bào.

2. Tôi xin gửi lời cám ơn đến tất cả những người đã giúp đỡ cho việc biên tập, xuất bản cuốn sách. Trong những người ấy, tôi xin được kể tên sau đây, dù chắc chắn có thiếu sót.

–  Các cơ quan báo chí và xuất bản trong nước và ngoài nước, Cục Xuất bản, các nhà văn nhà thơ: Phạm Thị Hoài, Hoà An, Cổ Ngư, trong BBT talawas; Lê Huy Hòa, Đà Linh Nguyễn Đức Hùng, NXB Lao Động; Trung Trung Đỉnh, Tạ Duy Anh, Hữu Thỉnh, Trần Quang Quý, Nguyễn Khắc Trường, NXB Hội Nhà văn.

–  Các nhà văn nhà thơ bằng hữu đã dành nhiều thời gian quý báu giúp đỡ trong việc phỏng vấn, xuất bản hay đã ủng hộ bằng nhiều cách khác nhau: Nguyễn Thụy Kha, Trần Thị Trường, Du Tử Lê, Nguyễn Trọng Tạo, Tô Nhuận Vỹ, GS Nguyễn Văn Trung, Nam Dao, Lương Xuân Đoàn, Dương Tường, GS Hoàng Ngọc Hiến, Thanh Thảo, Trần Mạnh Hảo, Phạm Xuân Nguyên, Phạm Toàn, Dương Khánh Phương, Mai Văn Phấn, Đỗ Quyên, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Thường Quán, Phùng Nguyễn, TS Trương Đăng Dung, TS Nguyễn Đăng Điệp, Cao Việt Dũng, Nguyễn Tiến Lộc, TS Hồ Thế Hà, Nguyễn Văn Dũng, Triều Tâm Ảnh, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Trần Nghi Hoàng, Nguyễn Quang Hà, Võ Thị Quỳnh, Hoàng Ngọc-Tuấn, Nguyễn Hưng Quốc, Viên Linh, Đỗ Ngọc, Trần Nhương, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Trần Vàng Sao, Trần Hữu Dũng, Trần Diệu Tiên, Văn Công Hùng, Nguyễn Đình Toán, Dương Văn Tường, Nguyễn Thị Sâm, Nguyễn Đặng Mừng, Lâm Thị Mỹ Dạ, Hoàng Sỹ, Nguyễn Văn Trị, Nguyễn Đặng Trí Tín.

3. Trước khi gửi đến nhà xuất bản, các bài viết đã thông qua biên tập lần cuối cùng giữa tác giả và các nhà thơ tham dự phỏng vấn. Do sự thay đổi biên tập nhiều lần, trong gần suốt một năm chuẩn bị của việc xuất bản, mặc dù các ban biên tập và cá nhân tôi đã làm hết sức mình để giữ cho tác phẩm được gần với bản đăng lần đầu, chắc chắn đã có những thiếu sót liên quan đến bài vở hay những biên tập cần thiết để cuốn sách có thể được ra mắt bạn đọc. Một số bài đã không thể đưa vào sách lần này vì nhiều lý do khác nhau. Một số danh xưng đã được viết tắt. Một số câu và đoạn đành phải cắt bỏ. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về vấn đề này và cuối cùng đã đặt lòng tin của cá nhân tôi vào những nhà biên tập đầy tài năng và trách nhiệm.

Về mặt cá nhân, do hoàn cảnh ở xa, bận rộn công việc chuyên môn, lại không nắm vững tình hình xuất bản ở trong nước, tôi đã dành thời gian cho việc xuất bản ít hơn là nó xứng đáng phải có. Như thế, tôi đã dựa rất nhiều vào sự quan tâm và công sức của bạn bè và các cơ quan xuất bản. Những vị này đến lượt họ đành phải làm việc trong “đơn độc”, không có tác giả ở bên cạnh để tham khảo ý kiến. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, các quyết định mà họ đưa ra là những quyết định tốt nhất có thể có được đối với cuốn sách, đối với văn học Việt Nam, trong tình hình hiện nay, với tinh thần trách nhiệm cao nhất mà tôi từng được biết. Tôi muốn nhắc đến một lần nữa một cách đặc biệt các nhà văn nhà thơ: Nguyễn Thụy Kha, Trần Thị Trường, Lê Huy Hoà, Nguyễn Đức Hùng, Trung Trung Đỉnh, Tạ Duy Anh, Trần Quang Quý. Vì vậy, nếu có bất kì khuyết điểm nào, về mặt bài vở, trình bày, xuất bản, phát hành, tôi tin chắc rằng đó là trách nhiệm của cá nhân tôi. Tôi chân thành xin lỗi độc giả và các tác giả, xin ghi nhận các góp ý của quý anh chị và sẽ thảo luận với các bên liên hệ để thực hiện tốt hơn trong những lần tái bản về sau.

4. NXB Lao Động có nhã ý tổ chức một buổi ra mắt vào lúc 9 giờ sáng ngày 1, tháng 12 ở 175 Giảng Võ, Hà nội. Ban tổ chức (Phạm Xuân Nguyên, Lê Huy Hoà, Nguyễn Đức Hùng, Nguyễn Thụy Kha, Trần Thị Trường, Khánh Phương) sẽ có thư mời gửi đến quý anh chị, nếu nhận được địa chỉ. Nhân đây tôi xin thay mặt ban tổ chức kính mời quý anh chị nếu ở gần, có điều kiện, xin dành chút thời giờ quý báu đến tham dự, đọc tham luận, góp ý sôi nổi trong buổi ra mắt và ủng hộ cho chúng tôi.

Trân trọng cám ơn,

Nguyễn Đức Tùng

Vancouver, November 29, 2009

(Chú Thích: sau đó vào ngày 6 tháng 1 năm 2010, tại Nhà Văn hóa Pháp, Hà nội, đã diễn ra buổi Thảo luận công khai đầu tiên và duy nhất về tác phẩm Thơ Đến từ Đâu)

Share this post

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on print
Share on email

Leave a Reply