Tùy Bút Nguyễn Đức Tùng: Cà Phê Vỉa Hè

cà phê vỉa hè

Nguyễn Đức Tùng♦ 

Tôi uống cà phê sớm, khoảng bảy giờ, nhưng không mấy khi thức dậy sớm hơn vì thú vui đó cả. Thế mà lúc ở miền Đông tôi đã từng ra quán lúc năm giờ sáng. Cảm giác ngái ngủ, sương sớm bảng lảng trên đường. Những người nông dân làm rẫy có thói quen uống cà phê giờ đó. Nhiều chiếc bàn nhỏ, ghế thấp, kê dọc theo hiên nhà trên vỉa hè, gần đường tỉnh lộ bụi bay mù. Khi đông khách, họ đặt thêm bàn rải rác trong vườn, quanh những gốc mai sắp ra hoa. Nông dân đạp xe vào rẫy phải đi từ sớm để tránh nắng, đi rất lâu qua nhiều suối, đồi, rừng. Hồi đó có phong trào di dân thành phố lên vùng kinh tế mới. Mùa xuân nhưng thời tiết nóng, từ sớm mọi người đã ra đường, bên trong quán âm u đôi khi có điện thắp sáng bóng đèn treo lơ lửng, có khi dùng đèn dầu một ngọn leo lét ngoài quầy tính tiền. Những người ngồi uống cà phê trên hiên khá đông nhưng họ trò chuyện thì thầm.

Tiếng lách cách của ly cà phê, cái dĩa, cái muỗng, cái phin, nước sôi bốc khói, ấm nước nóng đặt trên bếp lửa phía trong cửa sổ, lọ đường nhỏ, màu vàng đen như đất, mặt bàn ướt sương, những cái ghế bằng gốc cây con, những chiếc xe đạp đi làm rẫy, không có tấm chắn bùn, yên sau nối dài bằng hai khúc cây, chở cuốc xẻng dao rựa. Mùi cà phê thơm, tỏa ngát không gian pha bụi đỏ, như lời an ủi trong cảnh cơ hàn. Có một điều gì lạ, bất thường, trong những buổi sáng ấy, khi mặt trời chưa lên trẻ con yên giấc, chỉ có hai loại người dậy sớm, những người làm rẫy và cán bộ thuế vụ hay quản lý thị trường, mang súng, hoạt động quanh những trạm kiểm soát dầy đặc. Có khi họ cùng ngồi uống cà phê trong một quán, dưới tiếng nhạc xập xình của mấy băng cát xét cũ, Phương Dung, Duy Khánh, Khánh Ly, Anh Khoa, hồi đó bị cấm nhưng ở thị trấn nửa quê nửa tỉnh này, người ta vẫn nghe được trong tiếng ghi ta thùng những giọng hát vàng son líu lo một thuở. Những người cán bộ thị trường ngồi đó, lắng nghe, không nói gì, có khi hai bên cũng gật đầu chào nhau lịch sự, nhưng những người dân biết rõ cán bộ nào hiền lành, kẻ nào thường đánh người khi bắt được, chúng đánh ác ra sao. Nông dân đi làm rẫy có gì mà bị bắt? Có, bao giờ họ cũng đang làm một điều gì phạm luật: khi thì không có hộ khẩu địa phương, khi thì cuốc rẫy ở chỗ không được khai thác, khi thì chở sắn khoai thu hoạch về vượt quá số lượng.

Tách cà phê đen nóng trong tay tôi bốc khói. Một đứa trẻ khoảng bảy tuổi ngồi với ba nó, ở bàn bên cạnh, chen giữa chúng tôi, giữa những người lớn. Tôi đưa mắt nhìn nó, khi nào nhìn nó tôi cũng hơi ngạc nhiên, nhưng chưa khi nào có dịp hỏi han. Có những lúc trong đời bạn trở nên như vậy, mất phương hướng đến nỗi không đủ sức làm gì nghĩ gì nữa. Đó là hai cha con, thỉnh thoảng vẫn ra đây, đứa bé không có gì để ăn uống cả, vì đây là quán cà phê, cũng không làm gì, không có gì để chơi, vì vậy nó cứ ngồi sát bên người đàn ông, im lặng liếc nhìn ông ta, nửa âu yếm nửa sợ hãi. Sáng hôm ấy, thằng bé vụng về vướng tay vào tách cà phê của ba nó.

Đó là tách cà phê phin giọt tí tách đã xong, đã khuấy đường, đang chờ được thưởng thức, và mùi thơm nức xông lên, nếu như bạn có thể tưởng tượng như thế bằng cách nhìn vào mặt người đàn ông, kẻ đang mân mê điếu thuốc lá Hải đảo trên tay. Ly cà phê đổ thật, hắt cả vào áo thằng bé. Khi bạn gặp phải một tai nạn, cái tai nạn ấy liền hành động như một lực, nghĩa là nó không bao giờ dừng lại giữa đường, nó phải đi hết con đường xuyên thấu của nó, như một cái xương ở người già đã gãy là gãy hết. Vậy ly cà phê kia cũng vậy, nó đã đổ là đổ hết lên áo thằng bé, không còn một giọt. Người đàn ông không có tiền để mua tách thứ hai, tất nhiên. Ông ta giận dữ nhéo tai thằng bé, đứng bật dậy, ý chừng định tát thêm cho nó một cái nữa, nhưng rồi nghĩ sao, kịp dừng tay lại. Ông đứng ngẩn người ra, lẳng lặng mượn cái giẻ lau trong tay người chạy bàn đi ngang qua, lau đi lau lại vết cà phê còn nóng và ướt trên áo của đứa con trai, một đứa con trai vừa mất mẹ.

Share this post

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on print
Share on email

Leave a Reply