TRÀ ĐÓA: MỘT CUỘC CHIẾN KHÁC

(Văn Việt)

Dành riêng tặng những người lính vô danh
Tôi ra đời vào một ngày mùa hè năm 1975, thời điểm cuộc chiến Việt Nam vừa kết thúc. Khi đó ba tôi đang bị cải tạo ở Tiên Lãnh – một xã vùng núi thuộc huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Nghe mẹ tôi kể lại, đó là thời điểm mà mọi người đều tâm thần bấn loạn, đặc biệt là những gia đình có người tham gia chế độ cũ, chẳng ai còn đủ bình tĩnh để nhận biết đầy đủ những náo loạn đang diễn ra và cái gì sẽ tới. Tất cả đều đảo lộn, rối tung rối mù. Mẹ nói chỉ biết có chạy và chạy. Gần như mọi sự đều phó mặc cho số phận.
Giữa lúc khốn khó ấy, mẹ lại đang mang bầu tôi nên chỉ còn biết về quê. Trong tâm thức của người Việt, quê cha đất tổ là một cái gì đó, ngoài sự thiêng liêng, còn mang cả nỗi niềm tin tưởng, là nơi nương cậy lúc cùng đường. Quả vậy, mẹ, tay dẫn anh chị tôi, bụng mang dạ chửa, chân bước nặng nhọc trở về quê, tá túc trong ngôi nhà cũ của ông bà nội trong khu vườn được phủ kín tre xanh.
Chỉ hơn một tháng sau khi về quê, vào một đêm đầu tháng trời tối như mực, mẹ trở dạ…
Tôi ra đời trong tay một bà lang vườn. Mẹ tròn con vuông. Sau này mẹ thường nói: “Hú hồn, nếu lúc đó xảy ra chuyện gì… chắc chỉ còn biết chết! Ơn Trời Phật!”.
Dĩ nhiên tôi không có bất kỳ ký ức nào về quãng thời gian đó. Đầu óc trẻ thơ là trạng thái nguyên sơ nhất của ý thức con người. Nó giống như một hồ nước tĩnh lặng trong veo mà hình ảnh những đám mây lần lượt in bóng trôi qua mà không để lại một chút dấu vết.
Tôi lớn lên vì phải lớn lên, đó là xu hướng nguyên uỷ của một cơ thể sinh học.
Nhưng ký ức trẻ thơ cũng thật lạ lùng, nó không hoàn toàn vô cảm với tất cả những thứ diễn ra quanh nó. Đôi lúc, như một sự tình cờ, nó ghi lại một vài hình ảnh mà sau này, nhờ có nó, một người có thể nhớ lại một vài câu chuyện nào đó đã xảy ra trong một bối cảnh xưa cũ mà bây giờ đã hoàn toàn mờ nhạt.
Đó là hình ảnh ba tôi, ngày trở về sầu não. Và những ngày sau đó là hình ảnh ông uống rượu triền miên rồi say nằm la mắng vang cả xóm… Rồi thỉnh thoảng, những lúc ngồi bên mâm cơm, câu chuyện của ba tôi luôn nói về những ký ức của một thời đã qua. Giọng ông lúc trầm lúc lắng nhưng luôn đau đớn khi kể đến những thứ mà nay đã không còn, hay như cách quả quyết của ba tôi, là mọi thứ đã bị tước đoạt, và kinh khủng hơn, đã bị chôn vùi vĩnh viễn vào đêm tối của căn bệnh chóng quên của người đời…
Sau này, khi đã đủ trí khôn, tôi cũng không thể hình dung ra nổi những bối cảnh trong các câu chuyện mà ba tôi đã kể. Tôi không biết một quả mìn bên vệ đường phát nổ là như thế nào, hình ảnh một chiếc xe khách bị lật nhào cháy đen ra sao? Quá khó để tưởng tượng ra những thảm cảnh đã diễn ra hàng ngày trên con đường chỉ dài vài chục cây số mà giờ đây tôi hay đi đi về về…
Như một bằng chứng, vào ngày dẫy mả đầu xuân, ba tôi đã chỉ cho tôi ngôi mộ của một người xa lạ đã chết trẻ. Đó là anh chàng học trò trường Trần Cao Vân Tam Kỳ về nghỉ hè và đã chết trên một chiếc xe bị mìn ở vệ đường. Ba tôi nói anh ta chết vào tầm tuổi tôi bây giờ…
Nhưng quả thật, khi nói về cái chết cho một người trẻ tuổi cũng giống như việc phết một lớp sơn lên một bề mặt trơn bóng không ăn màu. Nó sẽ mau chóng phai đi và trả lại lớp trơn bóng cố hữu bên dưới một cách nguyên vẹn như chưa từng có gì xảy ra. Thậm chí cho đến lúc tôi chứng kiến cái hố chôn tập thể lên đến hàng ngàn bộ hài cốt mà người ta tình cờ phát hiện khi đào móng xây nhà, nó vẫn hoàn toàn không gây nên một niềm xúc động nào trong tôi. Khi thấy ba tôi xót xa nói đó có lẽ là hố chôn đồng bào tản cư bị chết trong trận chiến Mậu Thân 1968, tôi cũng muốn tỏ ra chút đồng cảm nhưng tuyệt nhiên trong tôi vẫn phẳng lặng như tờ.
Tôi biết mình gần như vô cảm với những thứ ấy, những thứ giống như đã xảy ra từ một thời xa lơ nào đó trong tiền kiếp mà bây giờ thỉnh thoảng người ta kể lại như những câu chuyện dân gian. Tôi chưa bao giờ hình dung ra ba mẹ tôi cũng là những nhân vật đã ở trong những câu chuyện đó. Tôi có cảm giác chúng chỉ dành để nói về những kẻ xa lạ mà chẳng mảy may liên hệ gì đến tôi.
Có vẻ khi Đấng tạo hoá ban cho con người khả năng ghi nhớ, Người cũng đã thiết lập một luật lệ rằng, mỗi người phải tự chịu trách nhiệm về ký ức của mình mà không thể san sẻ cho ai khác. Phải chăng vì vậy mà dù rất thương ba mẹ, nhưng đầu óc tôi vẫn mãi trơ lì với những ký ức thân thương của họ. Những bóng hình vẫn còn đó, nhưng đồng cảm thì hoàn toàn vắng bóng…
Tôi rời quê vào Sài Gòn học đại học. Đây là lần đầu tiên tôi xa nhà và đi xa đến vậy – cả ngàn cây số. Đối với những gã trẻ tuổi quê mùa như tôi, Sài Gòn gần như là thiên đường, là nơi chất chứa hy vọng thay đổi số mệnh. Trước khi tôi đi, ba tôi đã kể rất nhiều về Sài Gòn cho tôi nghe. Thực ra, ông chỉ ở đó được khoảng một hai tháng trong một chuyến tập huấn ngày trước. Ba tôi nói rất nhiều, tất cả những gì ông còn nhớ được về Sài Gòn. Sau này, khi đã ở Sài Gòn lâu ngày, tôi nhận ra là những ký ức của ba tôi về Sài Gòn cũng hoàn toàn xa lạ. Có lẽ, Sài Gòn bây giờ đã khác xa cái thời trước, cái thời mà chỉ còn trong ký ức của những người “muôn năm cũ”…
Trường tôi học nằm ở quận Nhứt, nhưng tôi lại ở nhà một người quen ở khu Bảy Hiền. Đây là khu xóm dệt do những người Quảng chạy lụt lập nên từ trận lụt kinh hoàng năm Giáp Thìn 1964. Những ngày đầu vào ở đây, không có cách nào để chịu đựng nổi tiếng ầm ầm vang như sấm động suốt ngày từ những khung dệt vải. Nhưng dần dà mọi thứ lại trở nên dễ chịu. Tôi quen dần với những tiếng động ấy đến mức, nếu không có nó, tôi sẽ chẳng ngủ được. Những tiếng đập ầm ầm theo nhịp khung cửi không ngờ lại có tác động như một lời ru dị kỳ.
Những buổi chiều rảnh rỗi tôi thường tản bộ ra uống cà phê ở khu Bàu Cát. Đây là một khu rất mới mà nếu vào thời có trong ký ức của ba tôi, nó chỉ là những ao rau muống lầy lội chạy dài ngút ngàn. Khoảng đầu thập niên chín mươi, một tay lanh lẹ đã xây dựng nó thành những khu phố khang trang như bây giờ. Khu phố này rất đẹp và nhiều cây xanh, rất thuận tiện để mở quán cà phê. Vì vậy mà quán cà phê ở đây nhiều vô kể, cái này nối tiếp cái kia, san sát bên đường.
Nhưng số phận của kẻ đã xây dựng nên nó lại không được may mắn như vậy. Anh ta là một trong số những tay nổi đình nổi đám vào thời mới mở cửa. Đó là cái thời mà những kẻ quản lý nhà băng còn kém xa những bà chủ tiệm cầm đồ. Họ cho vay vô tội vạ bất chấp các nguyên tắc an toàn tài chính miễn có lại quả cho họ là được. Còn những công ty ma lanh thì được phép huy động tín dụng với lãi suất rất cao rồi dùng tiền để chơi bời xả láng hay hoang phí vào những thứ xa xỉ mới được du nhập vào. Và tay ấy, cái kẻ đã xây dựng Bàu Cát, là một trong số những tay chơi khét tiếng. Cuối cùng, với số nợ khổng lồ không có khả năng trả được, gã đã bị tử hình.
Bây giờ, chẳng còn mấy ai nhớ đến gã…
Tôi thường ngồi ở một quán cà phê có nhiều cây xanh trong sân. Đây xưa kia có lẽ là một khu vườn trồng cây ăn trái nhưng người chủ của nó đã nhìn xa trông rộng mà không bán đi vào thời mở cửa. Để giờ đây nó là một mặt tiền rộng rãi, với nhiều cây xanh còn giữ lại, che bóng mát rượi. Tôi thích ngồi ở đây vì chủ quán cũng là người Quảng. Những cô con gái của ông cũng nói giọng Quảng, tuy thỉnh thoảng có pha vài phát âm kiểu Sài Gòn. Ngồi ở đây tôi cảm thấy có gì đó gần gũi và đáng tin cậy. Người Quảng vốn nói năng nặng trịch và ít cảm tình, nhưng khi xa quê lại thường gắn bó với nhau hơn người ở những vùng khác.
Và vào một buổi chiều ở đó, tôi đã gặp một người lạ lùng…
Thực ra ban đầu tôi chẳng để ý gì đến ông, một người bán vé số như vô vàn những người bán vé số khác. Thường tôi sẽ khước từ những lời mời mua vé số. Tôi chẳng bao giờ tin vào vé số, vả lại nó cũng không rẻ. Theo cách tính kiểu sinh viên như tôi, một tờ vé số tương đương một bữa trưa, thường là một dĩa cơm đậu hũ. Chẳng gã nghèo túng nào lại mạo hiểm đánh đổi một bữa cơm trưa để mua lấy một niềm hy vọng có xác suất nhỏ đến một phần trăm ngàn cả.
Nhưng trái với những người bán vé khác, thường sẽ bỏ đi ngay sau cái phẩy tay, ông ấy hình như vẫn còn ở đó. Cho đến lúc tôi quay lại nhìn, thì đó là một ông trung niên bị cụt cả hai chân lên đến tận háng. Ông di chuyển bằng hai cái đòn gỗ trơn bóng vì bị bào mòn lâu ngày. Đôi mắt ông nhìn tôi lạ lùng và có phần sửng sốt. Và ông cứ nhìn chăm chăm như vậy một hồi lâu. Tôi không biết là bao lâu, vì chính tôi cũng sửng sốt không kém ông. Bởi tôi chưa từng gặp phải một tình huống lạ thường như vậy bao giờ. Một gã trai trẻ quê mùa như tôi chưa bao giờ học được thói quen phản ứng mau lẹ với xung quanh.
Rồi cuối cùng ông cũng giật mình tỉnh lại. Gương mặt ông lộ rõ vẻ bối rối như một đứa trẻ vừa phạm một lỗi nặng. Ông nhìn tôi vừa đau khổ, vừa như muốn xin lỗi về sự bất nhã vừa rồi. Nhưng tôi nhớ mình đã mỉm cười với ông, một nụ cười tự nhiên chẳng thoáng chút kỳ thị. Rồi như được cởi bỏ một gánh nặng, ông cũng mỉm cười theo. Cuối cùng ông cũng lên tiếng giải thích cho cái nhìn kỳ lạ của mình:
“Cậu giống như đúc một người bạn cũ của tui”.
Rồi ông nhanh chóng trở lại với gương mặt rầu rĩ cố hữu.
Tôi lên tiếng:
“Chắc là một người bạn thời trẻ của chú?”.
Ông gật đầu.
“Vậy chắc anh ta đã đi Mỹ rồi?” Tôi nói đùa.
“Ảnh chết rồi”.
Câu trả lời của ông làm tôi thoáng chút gợn. Tôi hơi sợ khi nghe từ chết, đặc biệt là một cái chết trẻ. Có lẽ, câu chuyện về cái chết của anh chàng học trò trường Trần Cao Vân đã ám ảnh tôi ít nhiều.
Tôi hỏi ông:
“Chắc là chết thời còn đi học chung với chú?”.
“Không, ảnh là lính cộng hoà chết trận”.
Nói đến đó, gương mặt của ông trở nên như vô hồn, nhưng trên mí mắt thâm quầng đang chảy xuống một dòng nước mắt. Lúc đó tôi không hiểu ông đang nghĩ gì. Một cái chết xa xôi như vậy của một người bạn cũ đâu thể gây nên một sự đau buồn lâu dài đến vài chục năm. Thực tế, con người là những động vật rất dễ thích nghi, kể cả với nỗi đau. Thường với một cái chết nào đó, nó chỉ gây ra tổn thương trong một thời gian nhất định mà thôi, tuỳ thuộc vào mối quan hệ của người sống với người đã chết, nhưng ít khi nó kéo dài quá vài năm. Có thể trong phút chốc một niềm xúc động đột ngột dâng lên từ một sự kiện đã gợi lại những kỷ niệm đau buồn trong quá khứ và khiến ông đau lòng. Nhưng nhiều lắm nó cũng chỉ đủ loé lên như một ánh lửa rồi lại chìm ngay vào trong đêm tối của ký ức xa xăm.
Nhưng lạ lùng thay, những dòng nước mắt của ông vẫn không ngưng chảy. Ông đang khóc như một cơn mưa dầm. Gương mặt già nua của ông trông đau khổ đến tột bực…
Tôi nói dối với ông rằng ba tôi cũng là lính cộng hoà. Thực ra, ba tôi làm bên chính quyền. Nhưng dù sao như vậy cũng đủ để tạo nên một chút đồng cảm hiếm hoi và làm lắng lại cõi lòng sâu kín nào đó trong ông. Không biết có phải nhờ vậy hay không mà trông ông có vẻ hoạt bát hẳn lên. Rồi ông kể cho tôi nghe đôi chút về những ký ức đau buồn đó…
Ông và người bạn ấy – người đã chết, người mà ông nói có khuôn mặt giống tôi như đúc – là hai anh lính trẻ trong một đơn vị tác chiến đóng quân ở Tây Ninh.
Trong thời chiến tranh Việt Nam, Tây Ninh là vùng tranh chấp ác liệt, bởi nó gần Sài Gòn lại gần biên giới Miên. Tây Ninh cũng là cửa ngõ để những cánh quân Bắc Việt thâm nhập xuống Sài Gòn.
Trong một trận đánh khốc liệt vào năm 1974, người bạn của ông đã bị chết mất xác do pháo kích. Còn ông thì bị mảnh đạn phạt mất hai chân.
Ông được đưa về quân y viện dưỡng thương. Cho đến tháng 4 năm 1975, khi những cánh quân Bắc Việt tiến chiếm quân y viện, ông bị đuổi ra khỏi nơi ấy. Và sau đó là những tháng ngày nhọc nhằn của cuộc đời ông…
Với tấm thân tàn phế, ông đồng ý chia tay với người vợ trẻ, mà như lời ông, là để giải thoát cho một số mệnh. Ông sống thui thủi một mình với cuộc mưu sinh nhọc nhằn bằng đủ mọi cách. Để rồi cuối cùng ông chọn cách lên Sài Gòn bán vé số cho đến bây giờ…
Đó là một buổi chiều buồn man mác trong thời hoa niên ít nghĩ suy của tôi. Nhưng câu chuyện của ông làm tôi nhớ đến một bức ảnh nổi tiếng của Nick Ut – một phóng viên ảnh của hãng thông tấn AP. Câu chuyện trong bức ảnh ấy cũng xảy ra ở Tây Ninh. Đó là hình ảnh một bé gái trần truồng, bị cháy phỏng bởi bom napal, đang chạy hốt hoảng trên đường trong một buổi chiều đầy khói lửa. Một bức ảnh đã gây xúc động trên toàn thế giới về thảm cảnh của chiến tranh Việt Nam.
Cách đây vài năm, tôi lại được thấy trên báo chí hình ảnh của cô bé Kim Phúc năm nào mà giờ đây là một quý bà công dân Canada và là đại sứ hoà bình của UNESCO. Có lẽ cô ấy đã vượt qua được số phận đau thương nhờ tình nhân ái.
Thế còn số mệnh của những người lính, như người lính già tàn phế ấy, ai sẽ cứu vớt cuộc đời họ? Thậm chí, có ai còn nhớ đến họ không, những kẻ đã phải hy sinh một phần thân thể hay cả sinh mệnh, để bảo vệ cho một thứ mà nay không còn nữa? Phải chăng họ chỉ là những kẻ khốn nạn, bạc mệnh và vô phước, được sinh ra và lớn lên trong một thời cuộc không mong đợi?
Phải chăng những đau thương của họ chỉ chờ đợi để tan vào hư vô…?
Câu chuyện của ông rồi cũng mau chóng phai mờ trong tôi. Nhưng hình ảnh của ông lại có một sức sống kỳ lạ. Cứ mỗi khi đến quán cà phê ấy, tôi lại thấy bóng dáng của ông thấp thoáng đâu đó, đang lê lết trên hai đòn tay bằng gỗ, từ bàn nọ qua bàn kia. Hình bóng của ông như một thứ gì đó đã sắp tàn nhưng chưa chịu mất, nó vẫn còn bám víu vào cõi đời này như một sự khắc khoải kỳ bí của hiện hữu.
Rồi một buổi chiều khác, tôi lại được gặp ông. Lần này ông đến bên tôi rất nhẹ nhàng. Khi tôi thấy ông, cũng là lúc ông nở một nụ cười rất tươi đáp chào. Tôi thấy ông có ý muốn nói gì đó nhưng vẫn chưa mở lời được. Rồi sau một hồi ông cũng lên tiếng:
“Có chuyện này, nhờ cậu giúp cho không biết có được không?”.
Tôi suy nghĩ mình thì có thể giúp được gì cho ông ấy. Trong khi cái ông cần tôi lại không có. Trông tôi có vẻ bảnh bao, nhưng độ nghèo chắc cũng chẳng thua kém ông. Tôi hỏi ông:
“Cháu thì có thể giúp được gì cho chú?”.
Ông ngần ngừ giây lát rồi nói:
“Cậu có thể cho tui mượn một tấm hình được không?”.
Tôi trố mắt ngạc nhiên nhìn ông:
“Chú cần hình của cháu để làm gì?”.
Ông tỏ ra e ngại rồi phân minh: ông cần một cái hình để làm ảnh thờ cho người bạn đã chết mất xác năm xưa. Vì sau bảy lăm đồ đạc thất lạc hết nên ông chẳng còn giữ được tấm hình nào. Vì vậy trên bàn thờ anh ấy ông chỉ để cái bài vị. Ông sợ nếu không có cái hình, sau này sẽ chẳng còn ai hình dung ra gương mặt anh ấy nữa. Rồi ông kể anh ấy chỉ có một bà mẹ già, mà có lần về phép hai anh em xuống thăm, bà đã yếu lắm rồi. Sau bảy lăm ông không có điều kiện xuống lại quê anh ấy, nhưng chắc bà cụ đã chết rồi. Nên ông nghĩ, ngoài ông ra, chẳng còn ai thờ anh ấy nữa…
Tôi hốt hoảng thật sự:
“Kỳ lắm, cháu chưa chết mà đưa lên bàn thờ thì sợ lắm”.
Ông vội xua tay phân bua:
“Không, tui chỉ mượn tấm hình của cậu để vẽ truyền thần cho anh ấy một tấm hình thôi. Vì cậu rất giống, nên chỉ cần sửa đổi đôi chút là được”.
Tôi thở phào nhẹ cả người.
……………………..
Khoảng vài tuần sau tôi lại gặp ông. Ông nói đã chờ tôi mấy hôm nay mà không thấy. Ông khoe đã vẽ xong và trả lại tôi tấm hình với lời cám ơn. Ông nói mấy hôm nữa là ngày giỗ anh ấy và ông mời tôi ghé nhà ông chơi. Tôi đồng ý.
Mấy hôm sau, tôi cọc cạch đạp xe xuống Thủ Đức mất cả tiếng đồng hồ. Ông đã ngồi đợi ở đầu con hẻm lớn để đưa tôi vào. Nhà ông là một túp lều mái tôn, vách được che bằng những tấm ny lon lớn. Nó được dựng dựa vào bức tường của một cái đình cổ. Trong lều, ngay chính giữa, có một cái bàn thờ Phật trên cao, bên dưới là tấm hình mà ông đã nhờ vẽ truyền thần. Nhìn hình, tôi cố không hình dung ra đó là mình. Dù sao thì môi trên hơi dày hơn và đặc biệt, có một nốt ruồi ngay dưới mí mắt phải. Đó là những chi tiết khác biệt rất dễ nhận thấy. Có thể còn những điểm khác nữa mà tôi chưa kịp nhận ra.
Ông mỉm cười nói với tôi:
“Hồi đó, tụi tui cũng tuổi như cậu bây giờ. Mà thật kỳ lạ, trông cậu chẳng khác gì anh ấy. Hôm đầu tiên trông thấy cậu, tui không tin vào mắt mình nữa. Trên đời sao lại có người giống nhau đến vậy…”.
Ông ấy nói đúng. Sao tôi lại có thể giống một người xa lạ mà tôi chưa từng gặp đến vậy. Đây chỉ là một sự ngẫu nhiên, một tình cờ của tạo hoá, hay là một bí nhiệm nào đó mà tôi chưa ngộ ra?
Tôi không biết.
Đêm đó, trong giấc ngủ, tôi đã mơ một giấc mơ kỳ lạ…
Tôi thấy mình đang băng qua một khu rừng trong bộ đồ chiến binh bết đầy bùn đất. Tiếng trực thăng quần thảo điên loạn trên đầu.. Rồi từng tràng đạn rít chói tai qua những khóm cây, làm những đám lá xanh nối nhau đổ xuống như mưa.
Và cứ thế, tôi miệt mài bước đi như bị thôi miên…
Cuối cùng, tôi rơi vào một vùng sáng chói lòa rồi mất hút…

Share this post

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on print
Share on email

Leave a Reply