NHÓM BẠN UPPER 80 – Hồi ký Trung Trung Đỉnh

Nhóm bạn già Bùi Ngọc Tấn, Xuân Khánh, Phạm Toàn, Dương Tường có nhiều lần về Hải Phòng chơi với nhau. Mình và Phạm Xuân Nguyên, hai thằng đàn em đi chơi cùng ăn theo cùng với các đại ca. Các cụ rộn ràng đáo để phế!. Anh Dương Tường thân với anh Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Xuân Khánh thì khỏi phải bàn. Khi nào hội đủ ở Hà Nội hay Hải Phòng thì vỡ trời vì tiếng cười vang to, giọng như lệnh vỡ “chưa thấy mặt người đã nghe tiếng…oát” của hai ông anh Phạm Toàn, Xuân Khánh. Phạm Xuân Nguyên bảo tôi gọi nhóm bạn các ông là U80, bắt chước tiếng Anh thời thượng một chút cho nó có vẻ “hậu hiện đại”, nhưng U này không phải Under (dưới) mà là Upper (trên), vì ông nào cũng là thế hệ 3x đời đầu. Cánh mấy bác già này mỗi bác mỗi vẻ, mỗi nết. Sướng khổ thì cũng chả chắc ai bằng ai, nhưng đều có cái nét chung, ấy là nói chuyện gì, bàn chuyện gì, tranh cãi vấn đề gì, cũng đều oang oang, rốt ráo và quyết liệt. Chỉ riêng bác Tấn nhà ta thì hay cười cười. Anh Tấn có vẻ người khắc khổ, nhưng không thấy anh nhăn nhó khó chịu mà hình như nét khắc khổ tự nó nâng chất sống của anh lên hàng đỉnh! Giữa chuyện tào lao thế nào anh cũng rủ rê mọi người đi Đồ Sơn chơi. Tôi là thằng em láo lếu biết tỏng mấy ông anh muốn đi thăm bà chị nữ sĩ “nghiêng ngả văn giới” một thời. Bây giờ chị ngồi vẽ một chỗ tận vùng sâu vùng xa. Sâu xa khách quý vẫn nườm nượp. Bọn đàn em chúng tôi mỗi lần theo các ông anh về thăm bà chị, vẫn nghiêng ngó rộn ràng. Văn giới Hải Phòng mỗi thời có một vài người lừng lẫy. Ví dụ thời chống Mỹ “trường thơ Hải Phòng” (ấy là người ta cứ gọi thế để cho nó nổi bật) có Đào Trọng Khánh, tức Đào Nguyễn. Ông Khánh dân điện ảnh xịn, là tay đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng, nhưng thơ cũng rất chất, rất đỉnh. Chất thơ và chất thợ trong thơ của Đào Nguyễn thời chiến sự ấy chỉ cần đọc một câu này là đủ thấy khi ông viết về Hải Phòng nó “chất” như thế nào: “thành phố như con tàu chở đầy thuốc nổ / cuốn đi thân phận mỗi người”. Đào Trọng Khánh chơi thân với Lưu Quang Vũ từ những tháng ngày sống chết và lận đận của mỗi người trong chiến tranh. Vũ có một bài thơ tuyệt hay nhan đề “Đêm đông chí uống rượu với bác Lâm và bác Khánh nói về những cuộc chia tay thời loạn”. Bài này nghe giọng Nghệ của Nguyên đọc mới sướng nhĩ:Thơ Khánh buồn như lòng đất nướcThơ hay đời loạn chẳng đâu dùngVườn cũ cây tàn chim chết cảNgười chơi đàn nguyệt có còn khôngTối đen thành phố đêm lưu lạcMáy bay giặc rít ở trên đầuBa đứa da vàng ngồi uống rượuMặt buồn như sỏi dưới hang sâuChúng mình không có bom nguyên tửChỉ có thuốc lào hút với nhauThương nhà thương nước thương cho bạnKhông khóc mà sao cổ nghẹn ngàoNhắc lại một chút quá khứ thế để thấy những tình bạn văn chương Hà Nội – Hải Phòng thời nào cũng đậm đà, thân thiết. Như chuyện mấy ông bạn già của anh Bùi Ngọc Tấn đang nói đây.Trước đó nữa, và sau đó nữa, bao giờ anh Bùi Ngọc Tấn cũng khuất khuất, hiền hiền, cười cười, nhưng cái “vía” của ông anh thì lại trùm át, nhất là sau cái đận tù ải, sống lầm lũi bên gia đình và mấy mống bạn già thân. Bạn chí cốt. Rồi ngồi viết. Viết như tên tù “khổ sai”. Rồi lẽo đẽo theo Lê Bầu, Dương Tường hai ông bạn cũng lận đận bầu bạn đánh đu ngành dịch thuật, che tên, khuất tuổi với những bài báo nước ngoài kiếm sống. Rồi như định mệnh, ông ngồi “cày” như trâu lăn mới ra cái truyện “Chuyện kể năm hai ngàn”. Bùi Ngọc Tấn viết văn không bao giờ nghĩ chuyện làm gì cho lớn cho to, viết gì cho dài cho hoành tráng đồ sộ để đời. Mà ông viết, ấy là nhu cầu tồn tại, nhu cầu sống, như con người ta có nhu cầu ăn cơm uống nước, hít thở khí trời vậy. Ông viết văn không cầu kỳ xa hoa điệu đàng, cũng không dễ dãi buông thả. Văn ông không văn vẻ bóng bẩy mà thậm chí văn ông chân chất nhiều hình khối nhưng không thả nổi buông tuồng. Ông có lối nghĩ, lối tư duy thênh thênh khi hiện hình ra con chữ thì kỳ khu, khó nhọc. Đọc ông ta cảm nhận được các cái đận bạn bè ông ai cũng quá đỗi gieo neo. Thế nên khi ông ngồi viết chân dung bạn bè cũng phải có một cách hồi nhớ không giống ai vừa siêu việt, vừa dân giã: kỹ càng, tỷ mẩn, chu đáo như tính khí ông cẩn thận coi trọng tình bạn bè. Mình đọc xong, mình nghĩ ngợi và có lần nói với ông anh: Em phục anh, anh viết chân dung bạn bè cực hay, nhất là anh viết về Nguyên Hồng và Lê Bầu. Bạn bè được làm nhân vật của anh cũng khoái, cũng sướng. Các anh tôn vinh nhau mà không tâng bốc nhau. Ca ngợi nhau mà không cho nhau đi tầu bay giấy. Bùi Ngọc Tấn viết về bạn bè tự nhiên như thường ngày cần nhau, chơi với nhau, xa xa thì nhớ nhau, giống như mấy anh sống với nhau có lúc cáu tiết, có khi ôn hoà dễ dãi vậy.Mình đọc và thích anh Lê Bầu qua cách viết của Bùi Ngọc Tấn mà mình cứ tiếc mãi là vô duyên chưa bao giờ được gặp anh. Nhiều lúc mình chỉ nghe mấy ông anh kể về Lê Bầu rồi mình cũng hình dung ra anh. Đó là một người cần mẫn chu đáo với bạn bè với câu chữ, mỗi lần dịch thuật hay viết lách. Bùi Ngọc Tấn đi đi về về Hà Nội – Hải Phòng đều qua cửa Lê Bầu. Mình khen ông viết phần sau “Chuyện kể năm hai ngàn” quá hay. Ông bảo “Thế à?”, mình bảo “Thật mà. Những chương cuối là những chương xuất thần của một nhà tiểu thuyết quên mình đang viết gì. Hay cực!”. Ông cười cười bảo thế là mừng. Vì thật tình hồi ấy mình viết mình lên cơn như lên đồng, ông nói. Văn chương ăn nhau ở cái cốt lõi, ấy là cái sự thật. Sự thật rành rành mà viết không thật được, ấy là vì cái lòng mình vẫn chưa thành thật. Hay nói hụych toẹt ra là còn giả dối, còn sợ hãi. Chứ nếu mình tình thật thì nó bén duyên với người đọc nhanh lắm. Muốn hình thức gì, muốn trò vẻ gì, muốn tiền hiện đại hay hậu hiện đại, muôn tân hình thức hay cũ hình thức gì gì mà thiếu tấm lòng thành thật thì cũng rứa cả thôi. Hay! Rồi ông bảo, cứ nhớ lại đi! Mới mười sáu mười bẩy tuổi đầu mà đã viết được “Bỉ vỏ”, “Thời thơ ấu” như Nguyên Hồng, hỏi không phải người giời sai xuống trần gian làm cái việc ấy thì là người của ai? Chả lẽ người của phe này, phái nọ à? Hay! Hai mươi sáu hai mươi bảy tuổi đầu làm hết việc của một nhà văn lớn rồi bay về Giời như Vũ Trọng Phụng, Hàn Mặc Tử, hỏi không phải người của Giởi thì là người của Ai? Quá đúng! Quá hay! Tôi bảo nhiều khi em nghĩ, cụ Nam Cao yêu quý mà còn sống đến giờ thì…Ôi thôi thôi, con xin các cụ cho con vái các cụ một trăm vái. Con không dám tưởng tượng lung tung nữa đâu ạ. Có hôm trời mưa lâm thâm, rét ngọt, anh Dương Tường gọi điện thoại gợi ý: “Đỉnh ơi, thịt chó đê”. Tôi điện cho Nguyên. Nguyên sốt sắng gầy cuộc nhậu gọi cho anh Phạm Toàn, Xuân Khánh. Hai ông anh là hai cái loa, hai cái ông anh loa loa to mồm này, khi “được nhời như cởi tấm lòng” cũng nhiệt liệt hưởng ứng “phong trào thịt chó” hẹn điểm “chiến đấu” ven đê Nghi Tàm. Chưa ngồi xuống chiếu ông nào cũng nhắc: “Tiếc nhỉ, không có thằng Tấn”. Góc chiếu khuyết Bùi Ngọc Tấn, vậy là Nguyên ta gọi điện thoại, giọng anh Tấn trong điện thoại nghe cũng nhẹ nhàng ân cần không ồn ào như mấy ông anh “hoạt náo viên” kia. Mấy ông anh uống thì ít, ăn thì ít, mà cười mà nói thì nhiều. Ây là hồi đó các bác cũng đều đã kha khá tuổi rồi, chả hiểu thời trai trẻ thì các bác mần răng hề? Bây giờ thảy đều U80 mà các bác vẫn nói say sưa, cười bất tận. Bọn phản động mà nó nghe được chắc nó cũng phải chờn! Anh Phạm Toàn hỏi tôi, Đỉnh ơi, mày mấy nhỉ? Hồi ấy tôi năm mươi nên tôi bảo năm mươi. Đúng hơn, tôi nói: “Em năm sọi”. Ông bảo, úi giời sướng thế. Tao mà năm mươi như mày thì chết với tao! Chả biết ông anh đả được ai mà doạ! Ông bảo ông chuuyên tắm nước lạnh. Ngày nào ông cũng bơi hai tiếng. Khiếp! Hồi ấy thì bác mới sáu mươi ngoài, suýt soát 70. Nhưng thế thì cũng đáng khiếp thật. Sách ngày đọc trăm trang. Bơi hồ ngày vài trăm mét. Chén ba bát cơm rau. Đi xe bus, ngồi chơi thì nói to cười lớn, làm gì cũng cật lục, ấy là hai bác Xuân Khánh, Phạm Toàn. Các cụ bảo có tài có tật. Tài đấy, tật đấy. Bác Bùi Tấn có lần bảo tôi, mấy “tay ấy” có tài lớn. Mà tài lớn đáng yêu lớn, thói tật lớn cũng đáng yêu lớn! Chả biết cái thói tật “lớn” nào của các bác mà các bác “đổ” cho nhau, nhưng tài lớn với nghề viết văn đọc sách thì tôi bái phục. Đúng hơn, tâm phục, khẩu phục, cả bọn phá hoại nhiều mặt nghe được chuyện của các cụ cũng phải gục đầu! Hồi anh Xuân Khánh cho in tiểu thuyết “Miền hoang tưởng” mình còn ở trại viết Quân khu V (Đà Nẵng). Cũng may hồi ấy được anh Thái Bá Lợi đem từ nhà xuất bản Đà Nẵng về cho. Đọc, thấy mê li. Đây là cuốn tiểu thuyết cho mãi tới bây giờ đọc vẫn sướng. Lần đầu tiên đọc Xuân Khánh, mình phục lối viết văn đẹp và pha chút huyền ảo đầy gợi cảm. Mình đang nức nở khen thì anh Lợi hóm hỉnh bảo, nói khè khẽ tí, cuốn này người ta đang “oánh” đấy. Tôi không hiểu. Anh Lợi chua chát bảo: “Hay nên phải oánh!” Càng không hiểu! Tối tăm mãi rồi cũng phải hiểu ra. Sau đọc “Hồ Quý Ly”, rồi “Đội gạo lên chùa” thì càng hiểu anh Xuân Khánh vì sao anh to mồm. Nói to cười to, “viết to”, viết dài viết “to” mà sống thì kín đáo khẽ khàng. Nghe đồn trong ngăn kéo của anh còn có bản thảo “Trư cuồng” chưa cho xuất chiêu, hay chưa đâu chịu cho xuất chiêu? Hồi đấy mình còn làm tít trong quân đội nên hỏi anh Khánh, anh chỉ cười cười. Về anh Phạm Toàn, tiếp theo loạt truyện ngắn “hồi xuân” anh như vừa được tạo hoá cho thêm sức. Báo văn nghệ in của anh mấy truyện “trẻ” liên tù tì. Văn anh cũng đẹp thật là đẹp. Hình như mấy anh này đều có “gu” viết văn đẹp. Đẹp từ cấu tứ đến ý tưởng, câu chữ. Sau này đến tiểu thuyết “Người sông mê” thì mới thấy hình như anh đang mê đang mải tìm tòi. Bắt đầu chuyến mạo hiểm tìm tòi khám phá này chính là sê-ri truyện ngắn “Tình yêu thời @” . Nó lộ diện ông anh “trẻ” này khá chịu chơi, chịu hiểu lớp con cháu @ sau này. Ông thực sự muốn nhập cuộc một cách hào hứng chứ không phải chỉ làm cổ động viên. Phác hoạ chân dung mấy ông anh U80 rất đáng yêu mà cũng quá khó. Khó vì mấy ông anh đều là những cá tính xương xẩu. Rất cởi mở nhưng không dễ thoả hiệp. Rất thông minh và sắc sảo sẵn sàng chơi tay bo tranh luận đến cùng. Thích và yêu các ông anh, nhưng cũng rất chờn mấy ông anh. Các ông anh này phản biện thì em bó tay! Đôi úc thấy mấy ông anh ngang ngang chương chướng thằng em cũng phải nhu mì. Mà mấy ông anh học thức đều uyên thâm, cái khoản ngoại ngữ thì cao vòi vọi. Ông nào cũng nói tiếng Anh tiếng Pháp veo véo. Đọc thiên kinh vạn quyển. Trí nhớ ông nào cũng siêu phàm. Các vấn đề nghiên cứu của mấy ông anh đều có tính chiến lược. Yêu nghề. Yêu đời, ấy là đặc điểm chung của các ông anh. Anh Toàn có lần bảo mình, tao không sợ thằng sai mà chỉ sợ thằng lười. Thật đúng, gọi mấy ông anh U80 này là mấy ông anh trẻ mãi không già. Cám ơn cái duyên cái số mình may mắn được “chơi” với mấy ông anh vậy.

Share this post

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on print
Share on email

Leave a Reply