TÓC VÀNG SỢI NHỎ
NGUYỄN ĐỨC TÙNG
Jen học trước tôi hai năm, đàn chị. Cô là thường trú, PGY- 4, tôi là PGY- 2. Trong nghề chúng tôi, hơn nhau một năm đã là tình thầy trò, huống gì hơn hai. Đàn anh đàn chị đi trước chỉ vẽ tận tình cho người sau, vì trong thực tế, những vị thầy chính thức chỉ giảng bài ở lớp rồi biến mất, đâu đó, khi trong phòng mổ, khi phòng mạch riêng, chỉ người đi trước mình một hai năm mới là thầy thực sự. Dù thế Jen nhỏ tuổi hơn tôi, người dong dỏng cao, tóc vàng, mắt xanh biếc, gốc Ái nhĩ lan, cứ như vừa bước ra từ một cuốn tiểu thuyết của Virginia Woolf hay từ vườn Lục Xâm trong một bài thơ của Cung Trầm Tưởng. Trong một lần đi uống bia, vì ở nơi làm việc của tôi thường trú đàn anh bao giờ cũng dẫn đàn em đi uống bia tuần một lần, gọi là xả hơi sau nhiều đêm trực, trong một lần như vậy, tôi nói ý tưởng ấy. Cô cười phá lên, hỏi thơ của ai, tôi bạo miệng dịch mấy câu thơ, chắc nàng chẳng hiểu gì thứ tiếng Anh ba nháp của tôi, nhưng cũng cười với nhau. Tóm lại đó là một thường trú thân mật, giỏi giang, tận tình. Một lần có trường hợp sinh khó, người mẹ đẻ con so, đuối sức sau cơn chuyển dạ gian khổ. Sau khi lá nhau sinh xong, tử cung co hồi kém, dù đã dùng oxytocin, lại rách vùng sinh dục phức tạp, sâu, chảy máu. Bọn sinh viên đàn anh ra về hết, tôi phải ngồi may, nhiều mũi. Tay chân tôi mỏi rời rã sau một đêm thức trắng, hôm qua chỉ kịp ăn chiều nửa bữa, do tôi phối hợp spaghetti và mướp đắng tự nấu lấy, chắc trên đời chỉ có tôi ăn được, bụng còn đói meo. Vết thương phức tạp, Jen đứng phiá sau lưng chỉ dẫn cho tôi. Hơi thở của cô phả vào gáy nóng ấm. Có một lúc vết thương rách tinh vi quá, tôi không xử lý được, cô phải vươn tay qua vai tôi, dùng ngón tay để hướng dẫn. Sản phụ là một người đàn bà mập mạp, nhiều mỡ, tôi gắng sức kéo đường chỉ ra xa, cái kim may bất ngờ bật lên thật mạnh, đâm vào ngón tay trỏ bên phải của Jen.
Tôi bàng hoàng. Kim đâm gần xuyên suốt. Cô đau đớn kêu lên một tiếng, hốt hoảng bước lùi lại, rồi ôm tay, không nói thêm gì nữa. Tôi dừng lại một lúc, chết điếng. Tôi quay mặt lại, lí nhí qua khẩu trang, nhưng Jen xua tay bảo tôi làm việc tiếp. Tôi chỉ muốn cởi áo choàng ra, ôm lấy cô mà xin lỗi. Lúc ấy trong phòng không có ai, các y tá cũng bận tíu tít. Tôi chửi thề trong bụng, không biết sao đêm trực của tôi bao giờ họ cũng thi nhau đẻ nhiều thế. Xấu hổ. Hối hận. Nhưng máu sản phụ chảy nhiều, Jen giục tôi may tiếp để cầm máu. Khi mọi chuyện đã xong, tôi đứng lên xin lỗi và hỏi thăm thì cô lắc đầu, an ủi tôi đừng quá lo lắng. Tôi liếc nhìn, khuôn mặt cô hơi tái lại, lo âu. Sau đó trên page lại gọi tôi đến trường hợp khác vì các nội trú bỏ đi phòng mổ cả. Sáng sớm hôm sau, ngớt việc, nghĩ chuyện đêm qua, càng nghĩ càng lo, tôi trở lại thăm bệnh nhân và coi hồ sơ một cách kỹ càng. Đúng như tôi đã nghi ngờ. Đó là một người phụ nữ mắc bệnh AIDS, thời ấy bệnh này vừa được phát hiện ở phương Tây chưa lâu lắm, chưa có thuốc chữa trị như bây giờ, là một cơn ác mộng đối với cả thế giới. Người nào mắc phải coi như bị án tử hình. Việc lây qua đường máu hay sinh dục khá phổ biến vì nhiều người còn chưa biết đến bệnh.
Tôi đi tim Jen, thấy cô ngồi bên cửa sổ trong cái lounge dành cho sinh viên. Cô đã làm xong các xét nghiệm máu cần thiết và đang chờ kết quả, có lẽ phải nhiều ngày, và thật ra các xét nghiệm chính phải làm trong ba tháng nữa, ngay cả khi kết quả bình thường cũng không nói được gì. Tôi được biết cô xin vắng mặt trong bệnh viện một thời gian ngắn. Rồi sau đó tôi kết thúc kỳ thực tập ở khoa sản, định bụng sẽ quay lại gặp cô, thế mà thời gian trôi đi vùn vụt, khi tôi trở lại thì đã vài tuần lễ, mùa thu đã tới, gặp toàn người lạ, vì đó là một năm học mới, và tôi mất bóng của Jen từ đó.
Tôi nhớ lần quay lại sáng hôm ấy, sau lần trực chung, tần ngần đứng nhìn cái dáng của cô ngồi bên cửa sổ. Cô vừa xem hồ sơ bệnh nhân, vừa trầm tư suy nghĩ, có một vẻ buồn rầu đau đớn, một sự chịu đựng không thể tả được, trên khuôn mặt thanh tú của cô, những lọn tóc sợi nhỏ vàng hất ra sau gáy, lơ thơ trước ngực, cắt cái bóng lên bầu trời sau khung cửa mùa thu, ngoài trời lá phong vàng trong suốt như mật ong rào rạt bay qua. Cảm giác ấy làm tôi không chịu nổi. Nhiều năm sau, mỗi khi mùa thu về, nhớ lại, tôi nhận ra rằng đó là một cảm giác kỳ lạ. Vừa ngưỡng mộ vừa thương xót, nửa hối hận nửa như tình yêu, như khi bạn vừa mất đi một thứ gì quý giá, không biết làm sao để lấy lại được, tuy bảng lảng mơ hồ nhưng bạn biết là có thật.
NĐT
CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG CỦA TÁC GIẢ:
- DU TỬ LÊ, MẸ VỀ BIỂN ĐÔNG
- TRUYỆN NGẮN ALICE MUNRO: LY HƯƠNG
- TẢN VĂN NGUYỄN ĐỨC TÙNG: MẢNH VỠ CỦA BỨC TƯỜNG
- DU TỬ LÊ, NGÔN NGỮ TÌNH YÊU
- MỖI NGƯỜI ĐỀU CÓ MỘT CÁI GIẾNG BỎ HOANG TRONG ĐỜI
- ĐỌC THƠ: INRASARA, SỐNG NGHĨA LÀ TẠ ƠN
- ĐINH TỪ BÍCH THÚY VÀ NGUYỄN ĐỨC TÙNG TRÊN TẠP CHÍ ASYMPTOTE: The Woman By The River
- THƯ GỞI CON TRAI 8
- LỜI AI ĐIẾU CHO NAM VIỆT NAM
- Nguyễn Viện: Thơ đến từ đâu
- KHI CÒN BÉ TÔI ĐỌC SÁCH
- THẦY DẠY VĂN CỦA TÔI
- BỐN MƯƠI NĂM THƠ VIỆT HẢI NGOẠI: KHẾ IÊM
- tùy bút nguyễn đức tùng 3: chạy chậm
- THƠ W. H. AUDEN: BẢO TÀNG MỸ THUẬT
- XẬP XÒE ÉN LIỆNG
- MAO Ở VŨ HÁN
- BỐN MƯƠI NĂM THƠ VIỆT HẢI NGOẠI: HÀ NGUYÊN DU
- Chúng Ta May Mắn Nhưng Chúng Ta Không Biết (Tuỳ Bút)
- TRĂNG MÀU MẬN CHÍN
- TRÔI VỀ NHẬT BẢN
- Nguyễn Trọng Tạo – Tuổi hợi cầm tinh