Chúng Ta May Mắn Nhưng Chúng Ta Không Biết (Tuỳ Bút)

Nguyễn Đức Tùng


GÓT SEN THOĂN THOẮT
Sau tiệc cưới ở khách sạn, ra về, thong thả đi bộ đến chỗ đậu xe, tôi ngạc nhiên thấy nhiều phụ nữ, cô bé mười sáu cho đến người lớn, đi chân không, tay cầm giày. Đường lát đá không bằng phẳng nên họ đi thật chậm, thành một đoàn, coi điệu bộ rất lạ, vui mắt. Tôi đứng dừng lại, trố mắt nhìn, mãi sau mới hiểu ra, những người ấy đều mang giày cao gót. Trong nhiều giờ đồng hồ di chuyển liên tục trong khách sảnh, nhảy đầm, đôi chân của họ đã bị làm tình làm tội vì các đôi giày cao gót. Chúng đau nhức. Đàn ông may mắn hơn, vì ai cũng đi giày trệt, tương đối hợp với đường uốn cong tự nhiên của bàn chân.

Guốc cao gót có từ bao giờ? Hình như nó được bắt đầu từ Pháp vào khoảng thế kỷ 16 hay 17. Thoạt tiên giày cao gót được đàn ông mang, dành cho những người cưỡi ngựa, về sau là một trang trí, làm tăng quyền lực của người mang. Phụ nữ theo sau, nhanh chóng biến chúng thành trang sức đặc biệt. Hình ảnh phụ nữ mang váy ngắn cũn cỡn và giày cao gót gây ấn tượng thẩm mỹ mạnh mẽ. Bạn có nhớ hình ảnh của Marilyn Monroe, gập người xuống, tóc vàng óng ả, đùi thon dài, váy gió lật lên bày cả đồ lót, với đôi giày cao ấn tượng, đó là cuộc cách mạng tình dục lần thứ nhất, nhưng không phải phong trào nữ quyền.

Từ bao giờ phụ nữ biết nhìn bàn chân như món trang sức? Có lẽ từ lâu lắm, khi người Tàu có tục bó chân để mang hài bé, vì thời đó họ tin rằng phụ nữ chân càng nhỏ, càng hấp dẫn. Chỉ những người sang trọng quyền quý mới có thể bó chân và sống trên đôi chân bị bó của mình. Bàn chân là một vũ khí. Khi tình trạng phát triển đến cực đoan, những đôi chân bị bó làm vỡ các đốt xương nhỏ ở bàn chân, da bị xây xát, đôi khi bốc mùi hôi. Con người hy sinh quá nhiều cho cái đẹp và tình yêu. Bất chấp các phong trào nam nữ bình đẳng, nữ quyền, các lời hô hào cách mạng này nọ, phụ nữ vẫn là phái đẹp, và họ đành lòng để cho cái đẹp khuất phục họ. Đó là cái nhìn nghiêm khắc, nhưng ngược lại, có người thích thú được nhìn phụ nữ nhảy múa trên đôi chân nhỏ bé, trong vũ ballet. Trong điệu múa ấy đôi chân của nam diễn viên không hấp dẫn chúng ta.

Đối với người thân yêu của bạn, người phụ nữ của đời mình, đôi chân của họ là vật quý giá, bạn có thể cầm lên, nâng niu, hôn vào đó. Bạn không làm như vậy với những phụ nữ khác. Phát triển xa hơn cái đẹp của bàn chân, người ta nghĩ tới săn sóc các móng chân móng tay, giữ gìn sạch sẽ, bôi cho chúng các màu sắc khác nhau, mang thêm những móng giả. Tôi vốn không để ý đến các móng tay móng chân và không cho đó là điều quan trọng, cho đến một hôm tôi tình cờ nhìn thấy một bàn chân đẹp, với những cái móng chân thật đẹp sơn màu tươi mát, thì tôi tin rằng ở những chi tiết nhỏ bé ấy, ngón tay, ngón chân, gót chân, da và móng đều là lợi khí của nhan sắc. Sau cuộc cách mạng Pháp, do ảnh hưởng khái niệm bình đẳng, phong trào sử dụng giày cao gót nhanh chóng biến mất, cả nam và nữ. Ở đàn ông, chúng không bao giờ được khôi phục, nhưng ở phụ nữ, sau đệ nhị thế chiến, giày cao gót trở lại, và cho đến nay chúng vẫn chưa hề có ý định rời bỏ nhân loại.

Ngày trước bàn chân không được săn sóc kỹ, kẽ giữa các ngón chân, viền các móng chân, thường bị các bệnh ngoài da, nhiều nhất là bệnh nấm bàn chân. Bây giờ giày vớ nhiều, các bệnh ấy giảm đi, nhưng một số căn bệnh khác vẫn còn và tăng lên. Bệnh di lệch móng, bệnh xương bàn chân bị gập góc, các dấu hiệu nổi chai ở gan bàn chân rất đau, các chấn thương thể thao ở mắt cá chân, trật khớp hoặc bong gân bàn chân, chấn thương hoặc đứt dây chằng, nhất là dây chằng ngoài mắt cá.

Bàn chân là một cấu trúc mềm dẻo của xương khớp bắp thịt dây chằng khiến cho con người có thể đứng trên đó, đi, chạy, nhảy. Bàn chân có ba bộ phận, trước, giữa và sau, trước có 5 ngón chân và 5 đốt xương dài ở bàn chân, phần giữa hình tháp tạo nên vòng cung của bàn chân gồm sáu xương nhỏ nằm kế nhau, và phần cuối cùng là gót chân và mắt cá chân, gồm các xương ống chân tạo ra mắt cá, xương gót chân rất lớn chịu đựng sức nặng của cơ thể. Có một sợi gân rất lớn nối gót chân với các bắp thịt ở cẳng chân gọi là gân Achille, tên vị thần Hy Lạp. Achille là vị thần có sức mạnh lay non dốc biển nhưng chỉ có một điểm yếu chết người nằm ở gót chân. Bàn chân có tất cả 26 xương, 33 khớp, 107 dây chằng, 19 bắp thịt. Mặc dù phủ một diện tích lớn hơn bàn tay, bàn chân được điều khiển bởi các trung tâm thần kinh bé nhỏ hơn ở não, trong khi bàn tay chiếm một khối lượng thần kinh lớn vì cơ thể cần bàn tay khéo léo trong nhiều hoạt động. Những cử động của bàn chân hạn chế hơn nhiều, co duỗi, xoay vòng, đơn giản hơn những động tác của bàn tay, tuy vậy bàn chân, đường uốn cong của nó, cùng với bắp chân, xương hông và các phần liên hệ quyết định bước chân uyển chuyển của con người. Dáng đi của một người nhanh nhẹn chững chạc hay đoan trang thùy mị hay hấp ta hấp tấp hay lạch bạch như vịt đều quyết định phần lớn ở bàn chân. Trong thời đại chiến tranh, đói khổ, bạo lực, phụ nữ mang những đôi giày gần giống của đàn ông, mạnh mẽ, thô ráp, đế giày trệt, họ có những ngón chân ngắn và mập, ăn nói thô tục, yêu đương mạnh bạo, cười nói rổn rảng, khi mọi thứ ổn định hơn, hòa bình lâu dài, trong một xã hội nhiều văn minh và tự do, phụ nữ được tôn trọng và săn đón, họ mang giày cao hơn, gót nâng lên, mũi giày nhọn ra, các ngón chân duỗi thẳng, gầy đi, bàn chân của họ trở nên mềm mại, gót chân của họ hồng lên như sen. Những người được tôn trọng và yêu mến không cần phải lên giọng khi kêu gọi, không cần dẫm chân thật mạnh khi đi lại, quyền lực của họ nằm ở chỗ khác, ở cái gót sen hồng thoăn thoắt.

Share this post

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on print
Share on email

Leave a Reply