Tiểu sử:
Hà Nguyên Du nguyên quán Tây Ninh. Sang Hoa kỳ H.O.5, năm 1990. Đã xuất bản: Trong Mùa Lá Xanh (1970) in chung, Lối Khác (1998), Anh Biết, Em Yêu Dấu (2001), Gene Đại Dương (2003). Sẽ in : 25 bài ca Tân Cổ Nhạc giao duyên (tên khác: Trường Khanh) (theo Talawas 2004).
“Tôi làm thơ, sống với thơ hơn hai phần ba tuổi đời, tính đến nay có trên ba mươi năm. Lúc tuổi vừa mới lên trung học đệ nhất cấp với những sinh hoạt hăng hái trong vài bút nhóm, thi văn đoàn, cho đến khi làm thơ biệt lập, một mình. Có nhiều thơ đăng trên một số báo và tạp chí ở Sàigòn, với mốc thời gian không bao giờ quên … đó là năm Mậu Thân (1968) ngập tràn máu lửa. Tiếp đến, người làm thơ tôi phải đi vào đời và nhập cuộc, để phải trải qua muôn vàn nghiệt ngã và thử thách. May mà còn nguyên vẹn trong cuộc chiến đấu bảo vệ tự do trước kia… và may mà còn sống sót trở về từ các địa ngục tù đày, tưởng như bỏ mạng của sau 1975 dưới chế độ CSVN”
(tác giả tự thuật).
Hà Nguyên Du viết từ trước năm 1975. Thơ anh, nhất là giai đoạn đầu, trong nước và hải ngoại, để lại ấn tượng sâu đậm của ký ức chiến tranh, những suy nghĩ của người lính về đất nước. Về hình thức, anh viết theo thể có vần cổ điển với những phá cách, chuyển dần sang tự do. Sau này khi tham gia phong trào Tân hình thức, dấu ấn của vần điệu cổ điển trong thơ anh vẫn còn.
Bên cạnh công việc mưu sinh, anh sinh hoạt sôi nổi trên văn đàn, phụ tá chủ bút của tạp chí Chủ đề của nhà văn Nguyễn Trung Hối, sinh hoạt với tạp chí Thơ ở Cali, với nhóm tân hình thức hiện nay. Anh phổ nhạc nhiều bài thơ Tân hình thức, như của Khế Iêm, Biển Bắc.
Cuộc sống bận rộn, tính ham công việc, cũng thể hiện trong nhịp điệu của thơ: giàu âm nhạc, linh động, đôi khi rộn ràng. Tuy thấm đẫm suy nghĩ về thời cuộc, thơ anh không có sự chán nản mà giàu không khí cảm thông, chia sẻ, có khi mời gọi. Thơ tự do dựa trên những ý tưởng đặc sắc, một vài hình ảnh giản dị nhưng sáng rõ, giữa những mô tả dày đặc vẫn có khoảng lặng cho tính chất trầm tư. Hà Nguyên Du ít quan tâm đến các khía cạnh siêu hình, mà quan tâm nhiều hơn đến việc thiết lập các mối quan hệ giữa quá khứ và hiện tại, các vấn nạn đương thời. Những đề tài bình dị ngày thường tuy không phải mới, trong thơ anh, chúng vẫn hiện ra một cách tự nhiên.
Thơ Tân hình thức là đóng góp đặc biệt của Hà Nguyên Du. Trong thể thơ này, thói quen chọn chữ, thói quen ngắt câu xuống dòng của Hà Nguyên Du giúp anh nhiều về thi pháp. Những bài thơ thành công của anh là nơi tính phức tạp và tính giản dị được pha trộn tinh tế, ngược lại, chúng trở thành sự lặp lại đơn điệu, không mục đích. Sức tưởng tượng của anh được khởi động bởi một số sự vật hay đề tài nhất định, và trong những trường hợp ấy, anh có thể triển khai các mê đạo của ký ức, có thể đi xuyên qua giữa một bên là hiện thực một bên là phi hiện thực.
Nhà thơ Khế Iêm nói về anh: “Nhà thơ Hà Nguyên Du làm thơ đã rất lâu. Anh làm nhiều thể loại, từ vần điệu, thơ tự do, và bây giờ là Tân hình thức. Anh còn là người hát vọng cổ và tân nhạc rất hay. Tất cả những điều đó nói lên được cá tính của một người nhạy bén và đam mê sáng tác.”
NHƯ TÊN NGÔNG, SAY
Bóng em còn hiện lên trang giấy
Ta vẫn còn như tên ngông, say
Còn nghe tiếng nấc đêm bùng dậy
Còn thả đôi dòng theo gió mây.
BI KHÚC TỰ TÌNH
sân si
dẫu lành lặn nhưng vẫn là vết tích
khơi lên chi bi kịch của riêng mình
vết lỡ độ, chấm dầu loang rả rích
cây khô, trơ, không khỏi gió phi hành
đá cũng dây oan vì cơn thác lũ
thịt da nào kham nổi nhát gươm đi?
hư vô chảy ngập tràn bờ nhân thế!
em tín đồ, không thoát khỏi sân si
đêm câm
mầm đã úng qua bao mùa mưa lũ
nhân sinh nào cũng phế cả, thương tâm!
ta tận số bởi mưu đồ nô dịch
em hay gì, trăng – chạy trốn đêm câm!
ta và em
ngày hốc hác, mắt gầy phô ngơ ngệch
đêm khô queo, co quắp xác ve nằm
nỗi cắc cớ mãi chơi trò sống chết
em chân chùn, lả bước, lối trăm năm
ta nụ búp đã èo không khí thở
ta rạch con chợt nghẽn lối ra nguồn
em môi mắt, hề như kề địa ngục?
em thân hoa, nào cận với thiên đường?!
sóng
sóng đã nổi trên khắp bàn khắp ghế
sóng đã len tận giường nệm chiếu chăn
ngọn sóng đánh không chừa riêng một nẻo
sóng ngàn năm ngọn sóng vẫn căm hằn
ai đã sống mỗi ngày không thấy sóng??
ai sinh sôi mà sóng để yên nhàn?
XUÂN THIÊN NHIÊN
Hãy nở trong lòng ta mấy nụ
Cho xuân không ngại bước len vào
Ðêm ta người hãy thêm tinh tú
Cho bờ bến mộng bớt nghiêng, chao
Khai lối ta về gieo hạt lệ
Nắng em còn rực như hôm qua?
Mưa ta sẽ tắm thêm ngàn nội
Lộc biếc mai này thơm mấy hoa?
Vẫn tạ ơn em ngày mưa, nắng
Cho cánh chim dài thêm lối bay
Giữa cõi thâm trầm, sâu, tịnh vắng
Én có năng về nâng cốc say?
Ong nhớ ngàn năm đường lấy mật
Ta bao giờ lãng lối chung, riêng
Em vạn thuở quên gì ngõ trúc
Em có hay gì xuân thiên nhiên?
ĐÓA PHÙ DUNG
Chết dần từng phút từng giây sống
Sao ta không yêu đến tận cùng?
Nghịch lý quây quần — quanh nghịch lý
Vườn hư nở mãi đóa phù dung.
NGẬM NGÙI
Những vật, những đồ bày la liệt
Tình tự nào riêng cho bao ngươi
Nghìn năm mọi vật đều câm nín
Ta nói ra chi để ngậm ngùi?
THÔI VỀ
Một khối tơ vò phơi trước mặt
Nhiều quả mù tung tỏa khắp đời
Ta điên chắc sẽ ta điên mất!
Thôi! về làm nốt mấy thơ rơi.
MƠ HẠT BỤI
mơ cột ngựa vào cây tuế nguyệt
ta làm bằng hữu với sông xanh
tường mây vách gió trăng nào khuyết
về ơi gác mái chèo hư danh
mơ một đời về bên mái nhà
tha hồ mình tắm nước quê thơm
tình như huyết thống cây và lá
ngàn năm thắm thiết mầm xanh đơm
kiếm cung hoa bướm đầy ly rượu
ai rót mời ai khóc cuộc buồn
ta, em tình đã hòa dâu bể
kiếp mỏng manh còn như lá tuôn
mơ hạt bụii nằm trong lắng tịnh
thôi đời đừng khuấy nước sân si
này em có nhớ chân tình cũ?
về thôi hãy cố mà quên đi!
ĐÔI MẮT MƯA
đôi mắt mưa buồn từng hạt long lanh
đôi mắt mưa buồn thường hay rơi nhanh
đêm đưa nhau về sao em chẳng nói
con sông yêu đương nổi sóng xô mau
mưa gió mang về từng hạt thương đau
cây lá như buồn tự lìa xa nhau
tay khô vỗ về, tim đau quặn nhói
anh yêu em như càng thiết tha nhiều
đôi mắt mưa buồn, đôi môi chợt tím
xa cách ai ngờ nước mắt đầy vơi
anh mơ ước thành loài chim bay đến
bay đến bên em lau lệ sầu rơi
đôi mắt mưa buồn biền biệt xa khơi
đôi mắt mưa buồn còn đâu chung đôi
hoa yêu muôn đời trong ta đẹp mãi
em ơi! em ơi! thương nhớ nào nguôi
SÀI GÒN TRONG MƠ, SÀI GÒN TRONG THƠ
Sài gòn trong mơ, Sài Gòn trong thơ
Ngày về xa không, ngày về có gần
nước mắt em sa, nụ cười anh lịm
dấu chấm than như cột cờ không chân!
Sài gòn trong mơ, Sài Gòn trong thơ
rừng tàn theo cây, rừng buồn thú l ạc
núi tiếc thương sông, mạch nguồn vẫn đục
dấu chấm than như lệ hờn em rơi
Sài gòn trong mơ, Sài Gòn trong thơ
máu anh rơi xuống, ruột em cũng mềm
ái ân tan tác, cơn thác nào xui?
ta sẽ điên lên, khi hoài trong đêm
Sài gòn trong mơ, Sài Gòn trong thơ
người về bao lâu, đời mẹ có còn
tóc rói em rơi, bạc đầu anh rụng
dấu chấm than như lệ hờn anh rơi
SÓNG
sóng đã nổi trên khắp bàn khắp ghế
sóng đã len tận giường nệm chiếu chăn
ngọn sóng đánh không chừa riêng một nẻo
sóng ngàn năm ngọn sóng vẫn căm hằn
ai đã sống mỗi ngày không thấy sóng??
ai sinh sôi mà sóng để yên nhàn?
TA VÀ EM
ngày hốc hác, mắt gầy phô ngơ ngệch
đêm khô queo, co quắp xác ve nằm
nỗi cắc cớ mãi chơi trò sống chết
em chân chùn, lả bước, lối trăm năm
ta nụ búp đã èo không khí thở
ta rạch con chợt nghẽn lối ra nguồn
em môi mắt, hề như kề địa ngục?
em thân hoa, nào cận với thiên đường?
ANH BIẾT, EM YÊU DẤU
1.
anh biết, em yêu dấu
khi dòng sông trôi
sông cuộn mình cuốn đi muôn chất thải
nước giảm xanh
rong rêu ám màu lây vạ
sóng nẩy tâm sinh sát bọt bèo
con chim nào kia như chim bói cá
con chim nào kia như chim “ họa “ đen ?
ơi! những hàng cây bên bờ
lá cảm buồn say sóng
lá rơi
cây động lòng
cây xiêu
mưa nắng vô tình như môi em để khô
gió trốt vô tình như tay em bận bịu
một ngày tâm không thả rong
một ngày tâm sốt
một ngày hoa không thụ tinh
một ngày hoa rụng
một ngày không thai nghén thơ
một ngày tâm loạn
một ngày em quên hôn anh
một ngày như thế tận
2.
anh biết, em yêu dấu
khi ngọn núi đứng sững
núi cuộn mình biến đi bao chất thải
núi giảm xanh
đất đá nứt rêm nguồn hỗn mang
cỏ cây như vương màu ảm đạm
con thú nào thất thanh gọi bầy?
con thú nào rú gầm răn đe?
dưới lũng suối lững lờ
suối muốn kiệt mạch
lũ ốc thèm tia mặt trời
quên chui vào vỏ
một ngày hồn không phiêu bồng
một ngày hồn ngẩn ngơ
một ngày ong không lấy mật
ong quyên sinh
một ngày bướm không có hoa
bướm tự vẫn
một ngày em không yêu anh
một ngày như thế tận
TÂN HÌNH THỨC VÀ THI CA TÂN CỔ CHÂN TRỜI MỚI
riêng nhà thơ Đỗ Kh
lối: tôi, bao giờ biết tương tư? đêm dài
không ngủ, lệ như… mưa hồng, những đêm
chờ sáng, sầu đông, thương hình bóng cũ,
nỗi lòng người đi…
1. em ơi mộng dưới hoa nay nhạt nhòa
trong cát bụi, buồn diễm xưa theo dấu
tình sầu gian dối, tôi đi giữa hoàng
hôn khóc một cõi đi về… mười năm
yêu em, ôi! định mệnh lắm ê chề…
biển nhớ mênh mông hoài trông con bướm
trắng, mùa thu chết lặng cho yêu dấu
tan theo..! riêng một góc trời tôi buồn
hẩm buồn hiu, nghe lá đổ muôn chiều
ru phút cuối… thu hát cho người bài
sang ngang trăn trối, ta như hai vì
sao lạc cuối trời, gọi người yêu dấu..!
2. nghe những tàn phai, ru ta ngậm ngùi
khôn thấu, hương xưa, hạ trắng, trên ngọn
tình sầu… ngày đá đơm bông mà trăng
rụng xuống cầu… em bỏ quên dòng sông
cho nụ tầm xuân — sầu lẻ bóng, nhìn
những mùa thu đi, thương hận, phôi pha..!
khúc thụy du buồn, tình nhớ, tình xa,
gởi về em, bài căn nhà mộng ước…
tôi xa người, nên ơi rừng xưa đã
khép, tuổi đá buồn, máu chảy về tim…
ngâm: tiếng trống sang canh, nhớ bụi mờ ải
nhạn, hai mùa thu lạnh thương vó ngựa
đêm trăng, nửa bản tình ca ôi lỡ
bước sang ngang, đôi mắt người xưa như
khóc như than cho hai chiều ly biệt…
5. lá của rừng xanh, long lanh trăng sương
cầu trúc, tình như kiếp hoa tàn giây
phút, thương mắt em là bể oan cừu…
nửa đời hương phấn đã… nhạt dần màu…
dưới ánh trăng xuân rưng rưng sầu vương
ý nhạc, tôi như Võ Đông Sơ buồn
tan tác cảnh trường sa..! tấm ảnh ngày
xưa theo kẻ ở miền xa, đành vĩnh
viễn Bạch Thu Hà ơi hỡi… Lương Sơn Bá
Chúc Anh Đài như tình tôi hai lối,
đêm lạnh chùa hoang, nước mắt kẻ sang Tần…
6. hồn thả hồn theo thuyền ra cửa biển,
thương manh áo quê nghèo, em phận gái
thuyền quyên..! cây trứng cá sau vườn kỷ
niệm chẳng hề quên, nên nhớ mãi thuở
hoa cài lên mái tóc… ai lên xứ
hoa đào ai vào rừng lá thấp, ai
nhớ tuồng xưa với máu nhuộm sân chùa…
tôi ước mơ tôi dựng chân trời mới,
xây vạn lý trường thành để hạnh phúc
cùng em… đẹp duyên chùa tháp ơi duyên
mang về… Người Mẹ Việt Nam, nụ cười…
nov 13/ 04
CHIẾC LỌ KHÔNG HOA
mãi nhìn chiếc lọ không hoa bụi
bám nghe xót đến tấm thân thiếu
hạnh phúc giữa cõi ô trược may
mà chiếc lọ tâm hồn không vắng
đóa thi ca ngát hương nhụy ngôn
ngữ tình mang mang trên đời oái
oăm bởi nên hư là tính hai
mặt của cả đất trời và vạn
vật tợ sinh diệt có không của
tự nhiên càn khôn của thế giới
thực ảo như hôm nao mình gặp
nhau cũng từ đôi môi ban nụ
hôn và từ đôi môi ta trút
hận rồi như chiếc lọ không hoa…
MƠ
mơ bữa ăn có thêm chút rau và
miếng bột ngọt cho con bớt lòi xương
mông bớt lộ con mắt đời bác nông vẫn
mòn mỏi không thấy chi ngày hai buổi
mang trên vai như ách trâu cày và
mụ vợ buôn mủng bán thúng cứ mãi
miết với nắng gió rách tơi áo đầy
mảnh vá lạnh buốt đông về tội chi
mà thê lương oan khiên kẻ bị khinh
miệt bần hèn nhưng ơi hắn chính là
một cơ phận cần có trong một bộ
máy xã hội một bộ máy cỗ lỗ
mong vứt đi để có cơ hội thay
Một cái máy mới vận hành tối tân…
HÀ NGUYÊN DU
CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG CỦA TÁC GIẢ:
- Nguyễn Viện: Thơ đến từ đâu
- KHI CÒN BÉ TÔI ĐỌC SÁCH
- THẦY DẠY VĂN CỦA TÔI
- BỐN MƯƠI NĂM THƠ VIỆT HẢI NGOẠI: KHẾ IÊM
- tùy bút nguyễn đức tùng 3: chạy chậm
- THƠ W. H. AUDEN: BẢO TÀNG MỸ THUẬT
- XẬP XÒE ÉN LIỆNG
- MAO Ở VŨ HÁN
- Chúng Ta May Mắn Nhưng Chúng Ta Không Biết (Tuỳ Bút)
- TRĂNG MÀU MẬN CHÍN
- TRÔI VỀ NHẬT BẢN
- Nguyễn Trọng Tạo – Tuổi hợi cầm tinh