Nguyễn Đức Tùng
Mao bước xuống nước. Buông tay vịn bằng gỗ, ông khởi động chậm chạp, để mực nước dâng lên từ từ. Nước lạnh buốt. Mao cố không rùng mình. Âm nhạc trỗi khắp mặt nước. Ông hụp người xuống, lặn một quãng, trồi lên, mất cảm giác lạnh. Đó là lần trở lại đầu tiên, sau hơn một năm lui về. Như một con thú dữ bị trúng tên, lặng lẽ nằm liếm vết thương rỉ máu trong hang sâu.
Trước đó, trong suốt một năm, con thú ấy nằm ẩn trong hang ở Hàng Châu, tránh những lời chỉ trích mãnh liệt của bọn phê bình trong đảng, bọn xét lại, bè lũ Lưu Thiếu Kỳ, bọn khuynh hữu. Ông trở lại, vết thương chưa thực lành hẳn, nhưng tình thế không cho phép trì hoãn, bước lảo đảo, chẻ đôi làn sóng ở Vũ Hán, hoặc là để chết hẳn dưới đáy sông sâu, hoặc là sống sót, trồi lên, phục sinh, vang rền.
Ngày 16 tháng 7 năm 1966, thời tiết Vũ Hán hầm hập nóng. Ông ra sông cùng toán cận vệ. Trường giang chạy từ Tây sang Đông, bắt nguồn từ Thanh Hải về hướng Nam dọc theo ranh giới Tây Tạng đổ vào Vân Nam, chuyển hướng Đông Bắc vào Tứ Xuyên, qua Trùng Khánh đến Vũ Hán, qua Nam Kinh xuyên Thượng Hải, đổ ra biển Hoa Đông. Trường giang khi chảy qua Dương Châu được gọi là Dương Tử. Con sông dài sáu ngàn bốn trăm cây số này chia Trung hoa làm hai miền Hoa Bắc, Hoa Nam. Cùng với Hoàng hà, đây là con sông quan trọng trong lịch sử. Mao thích ăn món cá tầm, thích săn cá heo sông chỉ còn sót lại vài trăm con ở Dương tử. Những nhà báo đứng tập trung trên bờ, có vài ký giả từ Mỹ và Pháp. Trên loa phóng thanh, lời của nữ phát thanh viên giọng Bắc Kinh thánh thót đọc một trích đoạn của Sách Đỏ. Mao mỉm cười, không phải vì giọng phát thanh viên, mà vì nhìn thấy một con chuồn chuồn đáp xuống nước. Ông giơ tay đập mạnh, con chuồn chuồn chìm hẳn xuống nước, rồi bay vọt lên. Không như những kẻ thù, ông nghĩ. Kẻ thù không được bay vọt lên. Chỉ có quyền phép của ông mới cho phép một kẻ nào làm thế. Một người mẹ ở Côn Minh sinh con lần thứ nhất, sinh khó, đứa trẻ không chịu chúc đầu xuống mà đưa chân ra, không những đưa chân ra nó còn vòng thêm mấy vòng dây rốn quanh cổ như một người nhảy dù. Các thầy thuốc đi chân đất bó tay. Bệnh viện không có thuốc gây mê. Người sản phụ trẻ đã đọc sách đỏ, đọc lớn tiếng, cầu nguyện, tuyệt đối tin tưởng, cuối cùng sinh hạ một đứa bé trai kháu khỉnh, nặng bốn cân mốt, mới sinh ra đã biết khóc, cười, ngồi thẳng lên, khăng khăng đòi nhìn cuốn sách đỏ trước khi chịu bú sữa. Mao nhăn mặt, vì có một kẻ ngu ngốc nào đó ném cho ông cái phao, không, hắn bơi tới gần đẩy cái phao ra phía trước, lặng lẽ bơi theo ông. Thật là kẻ ngu ngốc, Mao không cần đến phao, ông có thể bơi một mạch qua Trường giang. Trong tầm mắt của Mao, không được xuất hiện bất cứ một con thuyền nào, một chiếc phao nào cả, không có trực thăng.
Ông đến Vũ Hán bất ngờ không báo trước. Vũ Hán là thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, thành phố đông dân nhất miền Trung Trung Quốc, do sự kết hợp của ba thành phố: Vũ Xương, Hán Khẩu và Hán Dương, gọi chung là tam thị trấn, nằm ở ngã ba sông Dương Tử và phụ lưu lớn nhất của nó, sông Hàn, đổ nước cho nó. Vũ Hán là nơi khởi đầu cuộc khởi nghĩa dẫn đến sự sụp đổ của nhà Thanh, thành lập Trung hoa Dân quốc, đã từng là thủ đô của Trung quốc năm 1927. Vũ Hán còn nổi tiếng vì bài thơ Phong kiều dạ bạc của Trương Kế đời Đường
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Trước khi ông đến Vũ hán, sáng hôm qua, không ai biết, sau khi ông đến, cả nước đều biết. Ông cố tình để cho các ủy viên bộ chính trị và các viên chức cao cấp trong đảng hiểu: họ bị nghi ngờ. Nghĩ đến đó, ông khoái trá, bỗng dưng lấy lại sức mạnh, hai chân bớt tê dại, đổi đủ kiểu bơi, trườn sấp, bơi ngửa, bơi bướm, bơi ếch, bơi chó. Hai tay trước ngực, quạt mạnh. Rõ ràng đang ra sức vùng vẫy, không bỏ cuộc. Một chiếc thuyền máy, tắt hẳn máy, có người cầm chèo bơi gần lại. Trên thuyền có hai người, người ngồi đằng lái chúi người xuống, đăm đăm nhìn xuống mặt nước, giữa hai ngọn sóng cao. Bọn chúng không tới gần, nhưng cũng không dám ra quá xa vì không thể can thiệp kịp thời nếu cần thiết. Mao sặc nước. Những người trên bờ tụ tập ngày càng đông. Khăn quàng đỏ, biểu ngữ đỏ, loa phóng thanh. Những chiếc máy ảnh. Ký giả tung hoa. Nhiều người quỳ cả xuống hát bài Đông phương hồng. Bọn ký giả Mỹ và Pháp nhìn nhau, nháy mắt, rống cổ hát to theo lời nhạc. Họ cũng mở sách đỏ ra đọc. Mao vẫn tiếp tục bơi về phía bờ sông kia, càng lúc càng gần, ông ta đã thoát ra khỏi vùng nước xoáy nguy hiểm, ghê rợn, lấy lại tự tin. Dưới ánh nắng ngày càng gay gắt của buổi trưa, những người đứng trên bờ đối diện càng lúc càng đông, la hét, khóc nức nở, reo hò, cầu nguyện, thổn thức. Chim sẻ bay từng đàn rào rào qua mặt sông. Chiến dịch Chim sẻ vĩ đại, hay là chiến dịch Giết một con chim sẻ, hay là chiến dịch Tứ súc sinh, bao gồm ruồi, muỗi, chuột và chim sẻ, do Mao khởi xướng từ năm 1958, đã thất bại. Trong sự ngạc nhiên và căm ghét gần như điên rồ mặc dù lặng lẽ của Mao, chúng ngày một sinh sản, ngày một trở lại. Thế mà vài năm trước đó, số lượng của chúng giảm mau chóng, làm cho bọn côn trùng phát triển, mùa màng thất bát, hệ thống sinh thái trên toàn cõi Trung hoa bị đảo ngược, Mao hoảng hốt chấm dứt chiến dịch và hết sức thông minh chuyển nó thành một chiến dịch khác có phần khiêm tốn hơn, mặc dù không phải không điên rồ hơn, chiến dịch diệt rệp. Người ta không thống kê được có bao nhiêu rệp bị giết, chỉ biết rằng rất nhiều thứ khác đã được gởi theo chúng vào những ngọn lửa đốt rệp vĩ đại, trong đó có kinh sách. Nhưng khác với rệp, chim sẻ là giống cầm thú thân thuộc, sống ở vùng nông nghiệp, và bao giờ cũng sống chung với người, chúng ăn hạt, ăn côn trùng. Người Hy lạp xem chim sẻ là tượng trưng của nữ thần tình yêu, vì chúng có khả năng quyến rũ. Chim sẻ đực lông có màu sáng, những sọc nâu, trong khi chim sẻ mái có màu đen hơn. Có ít nhất ba mươi loài chim sẻ trên thế giới, chúng ít gặp ở vùng rừng núi, sa mạc, thảo nguyên, nhưng sống nhiều trong các làng xóm. Những con vật thường săn chim sẻ là mèo, cú, chó, và người. Trong mười ngàn năm qua, chim sẻ chưa bao giờ bị tiêu diệt bởi con người, mặc dù chúng là một nguồn thực phẩm, cho đến thời của Mao. Sau tất cả những bài học cay đắng, Mao có quyền tự hào một cách thầm lặng rằng mình là người đầu tiên trong lịch sử nhân loại gần như thành công khi biến chúng thành kẻ thù, những con vật nhỏ bé khốn nạn ấy. Thời kỳ diệt chim sẻ, Mao có quan hệ đặc biệt thân mật với Việt Nam, các đoàn cố vấn không ngớt được gởi từ nước Trung hoa vĩ đại qua bên kia biên giới để dẫn đường cho một dân tộc nhỏ bé qua cuộc chiến tranh mà Mao ngày đêm mơ ước được gieo xuống trên xứ sở ấy, vì những mục đích còn lớn hơn nữa. Những mục đích mà Mao nhận được như lời sấm truyền của tổ tiên, hay như một giấc mơ mà một người bỗng choàng thức dậy còn nhớ lại, tuy không đầy đủ về chi tiết nhưng thông điệp của giấc mơ ấy không thể nhầm lẫn: mở rộng bờ cõi.
Một trăm mét cách bờ, Mao đột ngột gặp dòng nước xiết thứ hai, ở đó một loài chim như chim bói cá tiếp tục lao xuống, chỗ vũng nước xoáy sâu. Một con thuyền từ đằng xa lao tới. Tiếng loa phóng thanh vang thật lớn trên mặt sông. Toàn thân đau nhức. Những bắp thịt duỗi ra, co thắt lại, co thắt ngày càng gấp. Hai bên bờ sông người tụ tập ngày càng đông. Lúc ấy, Mao đã quyết định xong một việc. Trước đó hai tháng Mao đã lặng lẽ thoát ra khỏi đống tro tàn của Đại nhảy vọt mà bay lên như chim phượng hoàng của Cách mạng văn hoá. Gởi viện trợ ồ ạt qua biên giới phía Nam, đẩy ngọn lửa chiến tranh chống Mỹ lên cao, đánh lạc hướng sự chú ý trong nước, dập tắt thế lực của Lưu Thiếu Kỳ, lấy máu của người Việt đánh Mỹ mà rửa cái nhục mất mùa. Hà nội vừa báo cho ông hay từ tháng trước, ngày 23 tháng sáu, 1966, các lực lượng Phật giáo đấu tranh ở Huế đã bị dập tắt, chính phủ của Nam Việt Nam được sự ủng hộ của Mỹ hoàn toàn làm chủ tình hình, quân Mỹ vừa triển khai chiến dịch Hasting trên vùng phi quân sự, điều có có nghĩa là những đồng chí của ông cần nhiều viện trợ hơn nữa. Dễ thôi, lương thực, súng đạn, quân trang quân dụng, mũ nón giày dép, cây kim sợi chỉ, kể cả chiến sĩ giải phóng quân Trung quốc. Mạng sống của họ. Và đàn bà. Thứ ấy ông có nhiều. Mao lại mỉm cười. Ông vừa bị sặc nước khi nhớ đến cái háng trắng và thơm của người phụ nữ đêm qua. Mao tự trách mình, rồi tự tha thứ, ông đã 73 tuổi.
Ông gần như chỉ có một mình, các vệ sĩ tản ra xa, để cho bọn phóng viên chụp hình, phía trước là phần còn lại của dòng sông, ông phải chinh phục nó như chinh phục một người đàn bà. Đó là một người đàn bà gần ba mươi tuổi, một diễn viên, có thai lần đầu tiên, sắp đến ngày sinh nở. Trong hai ngày sản phụ lên cơ đau bụng chuyển dạ nhiều lần nhưng vẫn không đẻ. Vì đọc được câu chuyện ở Côn Minh đăng trên tờ báo của Vũ hán người chồng cương quyết đưa vợ đến lạy lục xin gặp chủ tịch. Anh ta và người hàng xóm đi suốt ngày đêm khiêng vợ băng qua nhiều làng mạc, tới thẳng đại sảnh nhân dân. Sản phụ tin rằng chỉ cần nhìn thấy mặt của Mao như trong báo kể lại cô sẽ sinh con dễ dàng. Các cận vệ mới đầu xua đuổi, nhưng Mao ngồi trên cửa sổ nhìn thấy đông người tụ tập, sau bữa ăn chiều, tinh thần ông sảng khoái, liền gọi cận vệ đến hỏi và cho một mình sản phụ vào. Đó là người đàn bà xinh đẹp đến nỗi vừa nhìn thấy từ xa, ông không thể rời mắt khỏi khuôn mặt trái xoan, làng môi hé mở, cái cằm hơi nhọn. Mặt cô tỏ ra một người đang trong cơn đau quặn. Khi cô nhìn thấy mặt ông, nỗi sợ hãi dâng lên làm cơn đau biến mất, cô chống tay ngồi dậy. Mao xua tay cho cô nằm xuống, đuổi hết tả hữu ra. Cái bụng có thai lớn, căng phồng như một thứ trái cây thơm phức mới đầu làm ông tò mò, về sau ông bị nó kích thích kỳ lạ. Sự kích thích bệnh hoạn thỉnh thoảng vẫn đến với vị lãnh tụ sáng suốt, đọc nhiều hiểu rộng, ông biết nhưng không ngăn được, sau đó một thời gian lại thường hối hận. Cuộc truy hoan kéo dài tới nửa đêm không làm ông mệt. Lặng lẽ bơi qua sông, một ngày mùa hạ trời trong vắt, khí nóng, nước lạnh. Trong phòng riêng của ông ở đại sảnh đường nhân dân Vũ hán, ở một góc sau chiếc ghế bành là bức ảnh của một người đàn bà đứng tuổi, tóc vấn cao, không trang điểm. Đó là người vợ cũ của ông ta, bị giết trong chiến tranh mà ông suốt đời thương nhớ. Ông thích làm tình trước mặt vợ. Mao cảm thấy đuối sức, không ngờ tuổi già đến sớm thế. Mùa hạ, dòng nước vẫn còn lạnh lắm, và những xoáy nước, réo lên, bọn khốn nạn. Chúng cứ tìm cách kéo ông xuống dưới, tung lên, xoay vòng vòng. Bắp chân tê dại, đau điếng. Ông nguyền rủa, chứng chuột rút. Khuôn mặt cô diễn viên có thai lại mỉm cười nhìn cái ảnh. Cô xoạc hai chân ra, ưỡn mông lên, đặt một tay lên đầu ông, ấn nó xuống ngực. Ông sắp sửa chết ngộp. Sáu cận vệ bơi chung quanh. Không ai dám đến gần. Chúng không biết ông gặp tai nạn, có thể chìm xuống.
Vào lúc ấy, Mao nhìn thấy mặt nước mênh mông, sóng cồn vật vã. Không phải mặt nước trên sông Trường giang. Ông thấy biển Đông, thấy những hòn đảo đã chiếm được của Việt Nam ngày trước. Ông căm ghét bọn Đài Loan cũng sở hữu một phần đảo ở đó, phía tốt hơn nhiều. Trong khi bơi, ông biết chắc chắn rằng ông không muốn một hòn đảo, ông muốn tất cả quần đảo ở Tây sa và Nam sa. Việc thúc đẩy cải cách ruộng đất ở Việt Nam từ năm 1953 làm ông hài lòng. Cuộc cải cách này đã tiêu diệt xong những thành phần chống đối căn bản nhất, tầng lớp tinh hoa trí thức mà ông căm ghét, lũ chúng ở khắp trên mẫu quốc và các nước lân bang, chính chúng sẽ là hạt nhân của các cuộc đề kháng sau này một khi Mao cần thiết phải đưa quân qua biên giới. Ông là người có sức nghĩ rất xa nhìn thấy trước tương lai. Ông đã từng nhầm lẫn, và lập tức sửa sai, không phải kiểu sửa sai đứng khóc trước quần chúng, khăm thấm nước mắt, mà kiểu sửa sai quyết liệt hơn: đem kẻ khác ra làm bia đỡ đạn, bắn những đứa mà ông ghét nhất, và những đứa mà ông yêu nhất, tâng công nịnh nọt nhất, tức là bọn bị dân ghét nhất.
Ông lại ngửa người ra, không bơi mà chỉ khéo léo để cho dòng nước gần bờ đẩy mình đi băng băng, đúng bằng tốc độ mà bọn báo chí sẽ loan tin, ngày mai, nhắm mắt, lâng lâng nhớ lại những lời ca tụng của trí thức đảng viên cộng sản Pháp về người cầm lái vĩ đại, từ cái thành phố Paris tráng lệ và đàng điếm kia, đã từng, như sau sự trở lại huy hoàng của Bonaparte, cũng như sự trở lại bây giờ của ông, làm vọt lên hàng ngàn hàng vạn vòi rượu sâm banh thơm lừng sáng lấp lánh và bắn ra hàng tỉ hàng tỉ tinh trùng chỉ trong một đêm dọc hai bờ sông Seine.
Đám đông trên bờ càng lúc càng đông, gấp năm gấp mười, hò hét như lên cơn nhập đồng. Trước sự ngạc nhiên thú vị của các cận vệ, sau khi nằm ngửa một lát, ông bơi trở lại. Lần này Mao bơi chậm, thong thả, không phải vì mệt mỏi, trái lại, vì tự tin hơn, được tiếp sức bởi đám đông, như ngày trước trong cuộc vạn lý trường chinh, được tiếp sức bởi hai người đàn bà. Vào lúc sắp tới bờ, sau khi đã vượt qua được dòng nước xoáy cuối cùng, Mao bỗng nhìn thấy nó. Không, nhìn thấy một người. Một người đàn bà khỏa thân bay là là trên mặt nước, mái tóc dài, mắt to và sáng, da mặt đen, cái mũi hơi nhọn, thoạt nhìn hệt như một con chim. Mao nhắm mắt lại. Ông hình dung trong cuộc trường chinh vĩ đại, ông đã từng ngủ với một người đàn bà như thế, một thiếu nữ thì đúng hơn, mười bảy tuổi, trong đoàn đại biểu cách mạng, hay văn công hay một thứ gì tương tự, ông không thể nhớ rõ, ông đã đẩy cô ta vào phòng toilet, khóa cửa lại, mặc cho tiếng kêu thét, về sau chính cô ả trở thành vệ sĩ tình nguyện, kẻ chuyên tra tấn bọn phản động, đích tay y thị siết cổ một nhạc sĩ, những chuyện đại loại như thế, sau khi xảy ra trở thành sự hối hận, nỗi kinh hoàng ngấm ngầm, người ta vội xua đi, nhưng sau nhiều năm chúng trở thành những kỷ niệm ngọt ngào, được nhiều người nhai lại trong cổ họng của họ. Cổ họng của Mao đắng ngắt, khô khốc, dù đang ngụp lặn trong nước. Người đàn bà bay vụt xuống, mổ vào trán ông. Đau điếng người, Mao mở mắt, nhưng đó chỉ là một con chim sẻ, một con chim giận dữ, an angry bird, như trong thứ trò chơi trẻ con ở các xứ phương Tây. Một con chim sẻ lông xám, loại biết hót, một tiếng hót chẳng lấy gì làm hay, Mao rất ghét từ thời nhỏ. Ông không có nhiều kỷ niệm tốt đẹp với loài vật, ông vừa ghét chúng vừa yêu chúng. Giữa tình yêu bao la của một người đàn ông sung sức là sự căm thù ngấm ngầm, bệnh hoạn, cũng như giữa lòng yêu nước đôi khi chính đáng của một vài nhà văn, có một thứ căm hận cá nhân bệnh hoạn đến mức ngay khi cuộc chiến tranh đã qua lâu rồi, chúng vẫn hoành hành điên đảo, suốt ngày nhắc anh ta nhớ lại chiến công. Thực ra những kẻ đã từng giết người, nhân danh bất cứ điều gì, nếu không thể tiếp tục giết người, bọn họ sẽ điên lên. Nước chảy xiết, Mao vượt qua, ông bơi chậm lại, thong thả, vết mổ của chim lớn trên trán chảy máu ròng ròng, may là không trúng vào mắt, Mao lắng nghe tiếng nhạc Đông phương hồng từ trên bờ vọng xuống, tiếng máy ảnh bấm tí tách, tí tách, các nhà máy in chạy rào rào, in ra những bản tin còn thơm mùi mực mới, trẻ con rao báo khắp đường phố ở Paris, Hongkong, New York. Ông nhìn thấy cái bụng của một người đàn bà sắp sinh vẫn còn đáp ứng cuồng nhiệt, cái chóp cao nhất của nó, lượn quẫy đạp của đứa bé muốn thoát ra, cái rốn phập phồng, ngửi được mùi tinh dịch của mình, mùi của một loài dịch bệnh được ông gieo xuống ở Vũ Hán đêm qua, sẽ được nuôi cấy nhiều năm, ông ngửi thấy mùi trà tàu súc miệng, bỗng lấy lại sức lực, ông bơi nhanh hơn, sải tay rộng, vững chãi, trong mùi hăng hăng của cái háng và mùi lông chim sẻ, trong tiếng hò hét của đám đông trên bờ, tiếng nhạc vang rền mặt nước.
CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG CỦA TÁC GIẢ:
- Nguyễn Viện: Thơ đến từ đâu
- KHI CÒN BÉ TÔI ĐỌC SÁCH
- THẦY DẠY VĂN CỦA TÔI
- BỐN MƯƠI NĂM THƠ VIỆT HẢI NGOẠI: KHẾ IÊM
- tùy bút nguyễn đức tùng 3: chạy chậm
- THƠ W. H. AUDEN: BẢO TÀNG MỸ THUẬT
- XẬP XÒE ÉN LIỆNG
- SƯƠNG KHÓI BÊN HỒ
- BỐN MƯƠI NĂM THƠ VIỆT HẢI NGOẠI: HÀ NGUYÊN DU
- Chúng Ta May Mắn Nhưng Chúng Ta Không Biết (Tuỳ Bút)
- TRĂNG MÀU MẬN CHÍN
- TRÔI VỀ NHẬT BẢN
- Nguyễn Trọng Tạo – Tuổi hợi cầm tinh