NGUYỄN ĐỨC TÙNG
Ra khỏi chợ Ô môn, tôi mất dấu người dẫn đường. Tôi thoáng thấy một nhóm người đi cùng đoàn hôm qua đang bị bắt ở ngã tư. Du kích gom tất cả lại, quần áo mặt mày họ lôi thôi nhếch nhác, vì trải qua một ngày kinh hoàng. Đêm trước trong khi di chuyển về địa điểm tập trung chuẩn bị vượt sông Hậu, chúng tôi bị du kích săn đuổi. Chúng tôi cố gắng chạy về phía Cần Thơ, nơi có các thuyền taxi đang đợi. Tôi và Hoài chạy rất nhanh, vượt qua gò đống cao thấp, chạy qua cầu khỉ, qua những bờ bụi um tùm, gai sắc, cỏ tranh cỏ lác rối chân. Vấp phải một tấm bia trên ngôi mộ cổ, Hoài ngã té sóng soài, rách quần, xước đầu gối, chảy máu, tôi kéo nàng lên, chạy tiếp. Tiếng chân đuổi phía sau, tiếng súng, tiếng la hét. Chúng tôi bị đạn tiểu liên quạt ngang lưng, xé lẻ ra từng nhóm, rồi từng người. Một người đàn ông ôm vết thương ở bụng, tôi cố dìu anh, nhưng anh yếu quá chạy chậm lại, rồi ngồi hẳn xuống, xua tay ra hiệu cho tôi chạy trước, tôi quỳ xuống bên anh một lúc, tay tôi sờ thấy khúc ruột bùng nhùng, nhưng tiếng súng chiu chíu trên đầu, chúng tôi bò xuống lăn đi. Lăn xuống mãi, thì ra là một sườn đồi, tôi lạc mất người đàn ông, lạc mất Hoài. Trong sương mờ run rẩy, con người chỉ còn là những cái bóng như chính số phận của họ, tôi chạy một mình, đôi khi bị đuổi theo sau rất rát, đến khi vấp té xuống mới biết rằng đó là cái bóng của chính mình. Hay bóng của những lá dừa loang loáng. Những kẻ đuổi theo không dọa suông, họ thực sự muốn bắt lấy, lột vàng bạc, sau mới đưa về trụ sở ủy ban. Nhiều người bị bắt như vậy ngày hôm qua. Ai cũng biết du kích tra khảo để lấy của, chứ không định giết người, nhưng trong đêm tối mọi chuyện đều có thể xảy ra. Thực ra, trừ vài trường hợp đặc biệt, nhiều kẻ ra đi cũng là những người khốn khổ, mà nếu có dành dụm được gì thì cũng đã mất trong những chuyến trước. Điều tôi nhớ lại là cảm giác dị thường, tại sao tôi có thể chạy nhanh thế, có thể nhảy cao vượt qua hàng rào mà bình thường tôi không nhảy được. Trời sáng dần, sao mai mọc, tiếng gà gáy trong làng đánh thức con người ra khỏi giấc mơ chưa bao giờ thành sự thực. Tôi gặp lại người dẫn đường, cùng vài người khác nữa, tấp, dạt, trôi vào chợ. Thoát. Nhưng bây giờ tôi lại mất dấu của họ. Tôi còn hai trái bắp trong túi vải mang theo tối qua chưa kịp ăn, ngồi gặm hết một trái. Tôi đặt trái khác, trước mặt, không ăn, để dành cho Hoài. Nhưng tôi biết nó sẽ nằm ở đó. Nàng sẽ không bao giờ ăn được. Tôi nhìn trái bắp, khô dần, nhớ cổ tay trắng có vòng cẩm thạch màu hoa lý lấp lánh trong đêm, khuôn mặt đẹp não nùng, ý tưởng ấy làm tôi hoảng lên, ngực tôi đau nhoi nhói. Sắp tết, trời nóng, mặt trời đỏ ối phương Tây không chịu lặn, tảng đá bên đường nóng hổi không ngồi được. Tôi lo lắng đi tìm đường ra chỗ hẹn hoặc về nhà vì lang thang ngày cuối năm nguy hiểm. Tôi nhớ ra hôm nay là ngày cúng ông Táo. Tôi cầu nguyện ông Táo. Tôi chưa bao giờ cầu nguyện vị thần bếp núc ấy cả. Giờ này chắc ông đã cưỡi cá chép bay về Trời, không biết có nghe lời cầu xin của tôi. Tôi đi thật nhanh khỏi khu vực chợ, đi như chạy, nhưng không dám chạy. Tôi bẻ cái lá bàng che đầu, lá héo rũ xuống, nước bốc hơi lập tức, trên trời vài đám mây đục như thể sắp mưa nhưng không mưa được. Một con bướm màu vàng đậu xuống thành giếng trên bãi cỏ ngay trước ngõ hẻm tôi vừa đi ra khỏi, đẹp lạ lùng, hai cánh nó xòe ra gập lại xòe ra. Đó là một cái giếng gạch bỏ hoang từ lâu, cạn cợt, nhìn xuống không có nước. Mỗi khi nhìn thấy một cánh bướm lạc loài, đơn độc, bay chập chờn trong hoàn cảnh ngặt nghèo, bao giờ tôi cũng nghĩ tới anh tôi. Anh tôi vào lính năm tổng động viên, mới ra trường thì mất, vài tháng trước ngày hòa bình. Hai chân tôi mỏi nhừ, đau đớn ở bắp chân. Tôi ngồi xuống, khát khô họng. Cái khát làm tôi mất sức. Ý chí của tôi sắp bị bẻ gãy. Tôi biết nếu bị vây đuổi, tôi sẽ không chạy nữa. Tôi sắp đầu hàng. Khát quá, ngủ gật, tôi lục túi còn tiền lẻ, nhìn trước nhìn sau, đánh bạo mua một ly cà phê đá ở quán gần đó, mượn cái ly. Tôi không dám đứng lâu trước cửa quán, mặc dù có tiếng nhạc xập xình từ băng cát xét nghe vui tai, đi vòng lại góc phố bên dưới hàng me lướt thướt, băng qua đường, đến ngồi bên thành giếng, khuất hẳn sau toà nhà cao tầng. Tôi lên cơn chuột rút. Tôi nhìn hướng để chờ trời sắp tối trở lại bờ sông, tìm cách về Sài Gòn, sợ trễ chuyến xe sau cùng.
Tôi uống thứ cà phê vợt mát ngọt, ít cà phê nhiều bắp rang, trong buổi chiều khô, căng thẳng, chờ đợi. Chúng tôi gồm có mấy trăm người từ các nơi đổ về nhưng nhiều nhất từ Sài Gòn, có lẽ được tập hợp tại nhiều địa điểm khác nhau, người tổ chức không cho biết trước vì giữ bí mật, có khi di chuyển trong trời tối không định vị được, nhưng khi trời sáng đến gần sông, có người nhận ra chúng tôi đang ở Ô Môn. Trong nỗi sợ hãi có sự tò mò, trong sự hoảng loạn có nỗi thích thú của người bị thử thách, tìm kiếm tương lai ở một nơi thật xa, ước vọng quyết liệt thoát khỏi những ngày đen tối. Sắp tết, chợ búa dù sao cũng tấp nập hơn, người lạ đi lại trên đường không đến nỗi bị chú ý như ngày thường. Hoàn cảnh nghèo đói đầu những năm tám mươi làm cho ngày tết không vui náo nức như trước, nhưng dù sao mùa xuân cũng về, năm mới lại đến, hy vọng lại đùa cợt gõ tay lên những căn nhà cửa đóng kín im ỉm, mai nở vàng rực trong mảnh vườn mà con trai, con rể đi vắng bỏ lại, cải tạo hay kinh tế mới. Mỗi ngày qua lật một trang sách lạ, hướng về chương tiểu thuyết không ai biết ở đó nhân vật sống sót ra sao. Tương lai bất định. Khởi đầu cho lịch sử bỏ đi của bầy chim Lạc, càng về sau càng nhộn nhịp, càng về sau càng ai oán. Dân tộc chúng ta như đứa con út sinh thiếu tháng, thừa kế ruộng nhất đẳng điền, nhưng lại sống bám vào tình thương của gia đình nhân loại. Chiều tối dần, hơi mát của mây, của mặt nước dịu dàng phả vào không gian làm tôi bình tâm, ý nghĩ của tôi bớt đau xót. Tôi đã mất đường về, để lạc người dẫn đường, để mất người thiếu nữ của mình, hai chúng tôi lạc mất nhau đêm qua, rồi tìm lại được, rồi lại mất, và như vậy trong suốt cuộc đời, cứ thế, những năm sau này. Những người trong đoàn chạy toán loạn khi bị du kích bao vây ở một điểm chuẩn bị xuống sông, nghe người ta đồn rằng người chủ thuyền mua được bãi xuất phát trên sông từ một đơn vị quân đội, đơn vị này không chịu ăn chia với du kích địa phương. Tôi không biết rõ lắm, tôi không có dịp nào để gặp người chủ thuyền từ sau khi chia tay trong một quán cóc trong chợ ông Tạ, mười lăm ngày trước đó. Trời mỗi lúc một bớt nắng, trong những góc phố nhỏ bóng râm nhòa dần, không gian thoảng đưa mùi nhang khói, người sống và người chết sắp được gặp nhau trong chiều cuối năm ngỡ ngàng trên mảnh đất sầu thương ly biệt. Đang lơ mơ nhấp cà phê tôi nghe tiếng chân chạy rầm rập, tiếng người xô xát trước tòa nhà, tôi biết những người còn lại trong đoàn đang bị truy đuổi. Cuống quá, tôi nhìn trước nhìn sau, không thấy lối thoát nào khác, nhảy liều xuống cái giếng. Cái giếng không có nước, không sâu, nhưng nhiều năm không dùng tới nên đầy gạch đá, lon nước ngọt, tôi nhảy vội, chân không, vì dép bị mất đêm qua, bàn chân tôi trầy xước chạm vào đá, chảy máu, đau điếng. May dưới đáy không có rắn rết, côn trùng. Tôi biết tôi có thể leo lên được, vì có những tảng gạch nhô ra, chỉ cần nhảy lên là níu tay tới bờ giếng. Đất gần sông thấp, có lẽ mạch nước gần mặt đất, nhưng sự hồi hộp sợ hãi làm tôi cứng người lại, cuối cùng tiếng chân người xa dần. Tôi ngước nhìn bầu trời, đổi màu từ xanh sang xám nhạt, ráng chiều bay qua đầu hắt lên những thếp son vàng rực rỡ. Tôi ngồi dưới đáy giếng như thế thật lâu, chờ đến khi trời tối. Tôi nhớ một người bạn trong đoàn đi cùng, anh dắt theo đứa con gái sáu hay bảy tuổi, anh là phi công lái trực thăng, đi cải tạo về, vợ bỏ đi lấy chồng, để con lại với bà nội của nó, anh dắt con bé theo nhưng rồi hai cha con lạc nhau ngay khi vừa xuống phà. Tôi nhớ bàn tay anh đen đủi nắm chặt tay tôi, khi tôi hỏi thăm, thô ráp, cứng, một giọt nước mắt lăn trên gò má nhăn nheo của người đàn ông ba mươi tuổi, nhớ con. Lần đầu tiên tôi ngồi im lặng lâu đến thế trong một thành phố lạ, lắng nghe tiếng dế kêu trong cỏ, tiếng gió thổi trên mái nhà rêu phong, giữa những bức tường gạch loang lổ đã nhiều năm không quét vôi, quán xá bỏ hoang vì chủ nhà đi kinh tế mới, không khí ẩm mốc, ngai ngái, hoang vu, cỏ mọc giữa kẽ đá trên mặt đường phố, trên vỉa hè. Ở Sài Gòn và thành thị miền Nam hồi đó, trong chiến dịch đánh phá tư sản, di dân kinh tế mới, chợ búa tan tác, kinh kệ lả tả, phấn son tung tóe, những con đường vắng người bỗng trở nên sạch sẽ trong một thời gian ngắn. Chúng trở nên đẹp đẽ lạ thường, cho đến khi mọi thứ lại bắt đầu rã ra, tàn úa, bốc mùi bệnh hoạn, rác rưởi, và sau cùng, cái chết. Tôi ngắm những viên gạch xinh xắn xây quanh thành giếng bụi mờ rêu phủ, không biết đó là cái giếng để lấy nước hay là công trình đô thị ngày trước lắp đặt chưa xong vì nó nằm lơ lửng giữa hai vách nhà cao trên khu đất trống. Trên miệng giếng, một con bướm vàng có lẽ là con đậu lúc nãy, nhởn nhơ bay lượn. Từ cửa sổ nhà ai lững lờ bay lên làn khói bếp, tôi chạnh lòng nhớ bó nhang mẹ tôi thắp chiều sắp tết, đỏ rực một góc sân tối trên cái tran thờ giữa mấy luống rau răm, tía tô thơm. Tôi nghe hơi nước hơi muối trong gió, nỗi háo hức của ngày cuối năm, nỗi buồn rầu của thời đại mình đang sống, ngồi lơ mơ như thế cho đến khi một mũi súng chĩa xuống đầu tôi, một khẩu súng AK, tôi chắc thế, vì tôi quen thuộc với súng, như một đứa trẻ lớn lên trong chiến tranh, nhất là thứ vũ khí ghê gớm này, tiếng nổ đanh, hung dữ, dọa nạt, nổ lớn hơn M16, vết thương của nó sâu, đầu vào lỗ nhỏ, nhưng vết mở ra lớn. Tôi ngồi im, sững người, tê cứng, không phản ứng, quên sợ hãi.
Người cầm súng trên bờ giếng cũng im lặng.
– Anh kia, leo lên.
Tiếng ra lệnh, tôi nhận ra đó là tiếng phụ nữ. Tôi xòe hai lòng bàn tay ra để cô ta biết là tôi không có vũ khí, chậm chạp leo lên, hy vọng cô ta không nổ súng bất tử. Tôi cử động thận trọng để đối phương không nghi ngờ gì, thử sức vài lần trước khi nhảy vọt lên, bám tay được vào hòn gạch vuông vức, nhưng tôi chới với, mất đà, ngã xuống, không leo lên được nữa. Sau này nhiều năm nhớ lại, tôi không biết hôm ấy thực sự do tôi mất sức sau đêm không ngủ, hay vì tôi cố tình giả vờ câu giờ, lý do nào tôi không rõ. Cuối cùng cô ta đành đưa tay cho tôi bám vào, níu lấy, leo lên. Trời hơi tối, tôi dụi mắt. Người nữ du kích ra lệnh cho tôi quay người, đi trước. Bàn tay cô ta vừa buông ra khỏi tay tôi, ấm nóng, rịn mồ hôi. Cô đội mũ tai bèo, nhưng không mặc đồ du kích hay bộ đội, mà mặc đồ dân sự, quần tây xám, áo sơ mi ngắn màu trắng mỡ gà, như kiểu học sinh, trên ngực trái có gắn cái huy hiệu của Đoàn thanh niên. Đi mấy bước, cô ta hỏi:
– Có phải cà phê của anh không?
Tôi gật đầu.
– Có muốn uống hết không?
Dĩ nhiên tôi muốn.
Tôi nuốt nước bọt, quay lại thành giếng lấy ly cà phê cầm lên, mặc dù nước đá đã tan nhưng vẫn còn hơi mát lạnh, uống một mạch.
– Lần sau có nhảy xuống thì nhớ mang theo, để đó chẳng khác gì báo cho người khác.
Cô ta nói giọng mỉa mai. Nhưng lúc ấy tôi không thấy thế, vì nỗi lo bị bắt, tra tấn, bị tống giam vài năm trong tù choán hết tâm trí. Buổi chiều yên tĩnh, chúng tôi đi ngang quán cà phê hồi nãy, người du kích đi sau, khẩu súng AK mang ngang vai chỉ vào phía lưng tôi. Chúng tôi lặng lẽ đi qua nhiều dãy phố nữa, cuối ngày hàng quán thưa thớt dần, đi qua một nhà thờ nhỏ, một sân trường học, ngoài sân có những cây bàng thấp, làm tôi chạnh nhớ ngày thơ ấu, trường trung học, mùa này chúng tôi đã rộn ràng chuẩn bị liên hoan tết, thầy trò làm báo tết, báo xuân, những học sinh khác thì tập hát, tập kịch, tập múa, anh tôi chưa phải đi lính, học đệ nhị văn chương, làm thơ xé mất nhiều tờ bản thảo giấy học trò vẫn không vừa ý. Có bao giờ từ trong tuổi nhỏ tôi đã nhìn thấy những ngày buồn như hôm nay, đi trước mũi súng của một cô bé nhỏ tuổi hơn mình, người cao róng rảy, nói giọng Nam, cầm khẩu tiểu liên nặng trịch trên tay, có lẽ chưa học xong trung học, có lẽ khi chúng tôi đang vui chơi trên sân trường, cô ta hãy còn nhỏ, chưa thể hình dung ra xã hội mà chúng tôi đã sống hạnh phúc ra sao hay là đồi trụy thế nào, như cô được dạy. Giữa đường chúng tôi gặp những người du kích khác dẫn người vượt biên, người đi bán chính thức, họ đi từng tốp nhỏ. Không hiểu sao vào dịp cuối năm những người bị bắt nhiều quá, góc phố nào cũng thấy. Đó là thời kỳ cuối của phong trào bán chính thức. Cuối cùng chúng tôi dừng lại trước một sạp hàng tạp hóa ở góc chợ, người bán hàng chuẩn bị dọn dẹp ra về, vì đã tối.
– Này anh kia có tiền không?
Tôi không hiểu cô hỏi làm gì, nhưng lục túi và đưa cái ví cho cô. Cô không nhận, chỉ bảo tôi đếm tiền. Tôi nghĩ bụng, chắc là cô ta muốn thu hết tiền của tôi trước khi tống vào trại giam. Đã từng lâm vào cảnh bị trấn lột, tôi không ngạc nhiên, nhưng trong lòng có chút thất vọng, tự nhủ, thì ra bọn chúng cũng như nhau. Cô gái chào bà già bán hàng, có lẽ chỗ quen biết, ra lệnh tôi chọn một đôi dép thử cho vừa chân. Lúc ấy tôi giật mình, nhìn xuống, nhớ lại rằng tôi đi chân không, vậy trong một ngày tôi đã hai ba lần quên bẵng vụ mất dép. Tôi chọn mua đôi dép thời ấy làm bằng vỏ xe cũ, phần để tiết kiệm, phần để giống với người địa phương. Chờ cho tôi trả tiền xong và mang dép vào, cô gái bảo nhỏ nếu anh đi chân không từ đây về Sài Gòn, anh sẽ bị bắt. Tôi ngẫm nghĩ một lát, nhận ra ý nghĩa của câu nói ấy, quay lại nhìn cô. Lần này tôi có gan nhìn kỹ. Đó là một thoáng chập choạng, mặt trời sắp lặn, vẫn còn nóng dù có dịu hơn lúc trưa, mặt cô lấm tấm mồ hôi. Lần đầu tiên tôi nhìn kỹ khuôn mặt ấy, trái xoan, có mụn trên gò má, cái trán hơi cao và dô ra, tóc mai lòa xòa quá nhiều hai bên thái dương, tóc kẹp sau gáy, cô mặc một cái áo nửa sơ mi nửa bà ba, hơi giống của học sinh hay sinh viên hơn là cán bộ, cái quần tây cũ nhưng may khá chật, màu xám, ống hơi loe. Tôi đoán cô là học sinh địa phương thời cũ, nhưng không nói gì, im lặng chờ cô ra lệnh. Có một khoảng tối đen từ bóng râm tòa nhà cắt qua nửa khuôn mặt cô gái, một con mắt chìm vào trong đó, một con mắt khác còn lại, vui tươi, tinh nghịch, nửa như trêu cợt nửa như thương xót, long lanh. Nhiều năm sau, tôi vẫn nhớ khuôn mặt ấy, con mắt ấy, như một ngọn nến lấp lánh cuối con đường phân ly của dân tộc chúng ta, tàn bạo, giả dối, hàn gắn xong lại tan rã, rồi lại sống lại, niềm hy vọng mơ hồ về tương lai, như mùa xuân nóng bức phương Nam. Cô gái xốc ngược khẩu tiểu liên để mũi súng hất lên trời, đổi hai chân, ngần ngừ một lát rồi bảo, anh đi theo hướng này, “guành” qua phải, sau góc phố, băng qua bên kia đường, tiếp tục đi như thế thêm một trăm thước sẽ nhìn thấy bến xe. Tôi hỏi thêm vài chi tiết, cố tình kéo dài câu chuyện, xoay chuyển ý nghĩ để biết chắc tôi đang được thả. Cô gái xua tay bảo tôi đi, tôi lí nhí cám ơn rồi cắm cúi bước. Khi tôi ngoái lại thì cô cũng vừa xoay mình đi về hướng khác, chỉ kịp nhìn thấy cái dáng của cô in trên bức tường xám, dáng đi uyển chuyển, tường vôi lâu ngày không quét, màu vàng úa, buồn rầu, có ai đó dùng than đen viết mấy chữ to tướng từ xa vẫn nhìn rõ: cấm đái bậy, nét chữ nghuệch ngoạc nhưng đậm nét, rõ ràng, như sự căm giận nén lại lâu ngày của người viết, dồn cả lên bàn tay của hắn ta, một ông chủ nhà đau khổ, có lẽ thời trẻ có ăn học, vì nét chữ khá ngay thẳng, đâm ra cục cằn, nóng nảy, thô lỗ, như nhiều đồng bào khác của tôi từ Bắc chí Nam. Lòng thầm cám ơn, tôi muốn quay lại để hỏi tên cô, vì đến lúc ấy tôi vẫn không biết, nhưng cô đi nhanh quá, không kịp nữa. Tôi chỉ nhớ cách cô phát âm chữ quành thành guành rất địa phương, và còn thấy cô băng qua đường, xuyên qua bức tường ấy, sau bảng áp phích cổ động sơn xanh đỏ hình ảnh công nông binh đoàn kết cầm súng và liềm với nhà máy ống khói vươn lên, dáng cô nhanh nhẹn mà thong thả, như một cánh bướm bay dọc lề đường, chậm rãi, lập lòe, lập lòe, rồi loáng một cái đập cánh bay vù mất.
Nguyễn Đức Tùng
CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG CỦA TÁC GIẢ:
- ĐỌC THƠ: INRASARA, SỐNG NGHĨA LÀ TẠ ƠN
- ĐINH TỪ BÍCH THÚY VÀ NGUYỄN ĐỨC TÙNG TRÊN TẠP CHÍ ASYMPTOTE: The Woman By The River
- THƯ GỞI CON TRAI 8
- LỜI AI ĐIẾU CHO NAM VIỆT NAM
- Nguyễn Viện: Thơ đến từ đâu
- KHI CÒN BÉ TÔI ĐỌC SÁCH
- THẦY DẠY VĂN CỦA TÔI
- BỐN MƯƠI NĂM THƠ VIỆT HẢI NGOẠI: KHẾ IÊM
- tùy bút nguyễn đức tùng 3: chạy chậm
- THƠ W. H. AUDEN: BẢO TÀNG MỸ THUẬT
- XẬP XÒE ÉN LIỆNG
- MAO Ở VŨ HÁN
- SƯƠNG KHÓI BÊN HỒ
- BỐN MƯƠI NĂM THƠ VIỆT HẢI NGOẠI: HÀ NGUYÊN DU
- Chúng Ta May Mắn Nhưng Chúng Ta Không Biết (Tuỳ Bút)
- TRĂNG MÀU MẬN CHÍN
- TRÔI VỀ NHẬT BẢN
- Nguyễn Trọng Tạo – Tuổi hợi cầm tinh