THƯ GỞI CON TRAI 8

Nguyễn Đức Tùng

24. BÀN TAY

Sau khi bị phạt tối qua, được tha lỗi, con chạy lại định ôm hôn ta theo thói quen, nhưng dừng lại. Con hỏi là chúng ta sẽ không bao giờ ôm hôn, hay bắt tay, nữa chăng?
Câu hỏi hay. Trong gia đình, chúng ta có thể làm mọi thứ, bất kỳ lúc nào. Nhưng khi ra ngoài, ở nhà trường, khi gặp thầy và bạn, chúng ta không bắt tay, không ôm hôn, đứng cách xa nhau như con đã biết. Nhưng mùa dịch Covid này dù ác liệt thế nào rồi cũng sẽ qua, và nhân loại sẽ trở lại với thói quen ấy. Khi được phép làm thế.
Chắc chắn như vậy.
Bây giờ hãy nhìn vào bàn tay của con.
Hãy tập thói quen đọc những thứ mà con không hiểu.
Cả hai mặt của bàn tay. Còn với người khác, có thể liếc nhìn lưng bàn tay, trừ khi được yêu cầu mới được nhìn vào lòng bàn tay của họ. Một số người tin vào đường vân tay trên lòng tay, họ cho rằng ở đấy có những biểu hiện của số phận một đời người, như đường chỉ tay nói về sức khỏe, đường về tình cảm, về học hành, hay công danh sự nghiệp. Con đường may mắn. Có những người bói toán chuyên coi chỉ tay, đáng tin hay không là chuyện khác, sau này lớn lên, con tự phán xét lấy. Nhưng đường vân tay cũng được sử dụng trong y học và dùng trên một số giấy tờ như con biết những lần đi qua phi trường.
Trong một mùa hè trên bãi biển, ta đã có dịp cầm bàn tay của con và ngắm nhìn bàn tay ấy. Có một thói quen nên tập là nhìn bàn tay của người thân yêu, lưng bàn tay, cầm lên, nắm chặt trong tay mình. Ở đó, con sẽ nhận ra cái đẹp của cuộc sống.
Bắt tay cũng là một thói quen như thế. Bắt chặt, nhưng vừa phải, đừng lỏng quá đừng chặt quá. Trong cả tiếng Việt, tiếng Anh và có lẽ nhiều ngôn ngữ khác, bạn chìa một bàn tay ra còn có nghĩa là giúp đỡ nhau trong cơn hoạn nạn, bắt tay nhau có nghĩa là bè bạn, cầm tay nhau có nghĩa là đồng ý, vỗ lòng bàn tay vào nhau chứng tỏ sự vui mừng.
Con cần ngắm bàn tay của mình. Hai bàn tay ấy làm việc không mệt mỏi cho người chủ của nó. Chúng là khuôn mặt thứ hai. Chúng là đời sống mỗi ngày của chúng ta. Hai bàn tay, những ngón tay, những móng tay, những đường vân tay, nói về đời sống của chúng ta, về khuynh hướng của chúng ta, số phận một con người.
Bàn tay ta tiếp xúc với đồ vật. Nó cầm một cái tách, một ngòi bút. Nó cầm một cái búa. Nó cầm một đồng tiền lên, đặt vào mũ của người ăn xin. Nó đặt tay lên vai một người bạn trong cơn hoạn nạn, nó chìa tay ra với kẻ thù cũ. Nó nhặt lên một cái ly vỡ, những mảnh thủy tinh vỡ li ti, trên sàn nhà, hay trong lòng người. Nó nhặt lên một sợi tóc của người đàn bà.
Hãy ngắm các đồ vật mà bàn tay lưu giữ và cầm nắm. Hãy tập ngắm các sự vật và chính số phận của mình

25. MÙI VỊ

Chúng ta nhớ lại một đêm đi qua bụi rậm, con đã dừng lại một lát vì thoảng mùi hương lạ. Trong hành lang dài, khi trời còn tối, mờ sương, mùi thơm của bánh mì nướng. Ở một nơi khác, trên chiếc sân gạch cũ, trên bậc thềm, khi mùa xuân về, bên chiếc xe hơi, khi chúng ta bước đi trong ruộng bắp, một mùi thơm làm ta ngoảnh lại.
Có những mùi hương khác nữa, tuy không hẳn là hương hoa, và chỉ trong một vài trường hợp đặc biệt con mới có thể cảm nhận được.
Ta ngạc nhiên thấy rằng con trẻ ngày nay ít có thói quen quý trọng những cuốn sách mới mua như ngày xưa. Úp mặt vào trang sách mở, một cuốn sách mới đem về nhà, hít thở mùi thơm của giấy, của mực in, của chữ ngửi, mùi thơm của những cánh rừng bàng bạc, ở tận một xứ sở xa xôi đã làm nên giấy in sách cho chúng ta.
Trong một ngày trời nóng bức oi ả, chúng ta đã từng đi qua một khu rừng như vậy. Hôm đó hai chúng ta dừng lại thật lâu, dưới những tia chớp ở trên trời, lắng nghe. Mùi của một cơn mưa.

26. TAI NẠN

Con đã gặp Henry. Cách đây vài năm, lúc nó lên bốn tuổi, trong một tai nạn xe hơi, chiếc ghế ngồi của Henry đã bay tuốt qua cửa sổ xe hơi, rơi xuống bên đường xa lộ cao tốc. Đó là quãng đường số một chạy xuyên Canada từ đông sang tây, khúc đường nguy hiểm nhất nơi vừa ra khỏi các dãy núi lớn chạy về thành phố. Một chiếc xe pick up truck lạc tay lái, do người lái xe uống rượu, đã đâm vào xe của Henry, do ba nó lái, trên xe còn có hai người hành khách. Tai nạn ấy đã làm cho nó bị liệt các cơ vận động ở mắt, dây số sáu, gãy xương, vỡ xương hàm và nhiều vết thương khác trên người. Ta đã gặp Henry trong một phiên làm việc. Nó may mắn sống sót và sau một năm thì hồi phục. Một năm sau nữa, trong khi tình cờ chơi đùa với một cái máy cưa ở nơi làm việc đâu đó của cha nó, Henry đút một bàn tay vào dây máy cưa, và đứt một ngón tay. Ngón tay út. Sau tất cả những tai nạn khủng khiếp ấy, Henry vẫn là một đứa bé hồn nhiên, tươi cười, tự tin, không mặc cảm.
Thỉnh thoảng nó còn đưa bàn tay thiếu một ngón tay lên khoe. Mỗi lần như thế người lớn chỉ lắc đầu, kín đáo thở dài. Nhưng Henry không làm cho bạn buồn lâu được, cái tính vui vẻ của nó lan tỏa rất nhanh. Vậy ta giới thiệu cho con một người bạn, bằng tuổi con, hi vọng rằng hai đứa sẽ trở thành bạn thân nhờ học chung trường. Nó sẽ là một đứa bạn quý, trước hết vì lòng dũng cảm. Lòng dũng cảm bao giờ cũng bắt đầu từ tình yêu mãnh liệt đối với cuộc sống. Sự sống sót, sự tha thứ, tính can đảm, tính hồn nhiên, tất cả đều là những hình thức khác nhau của sự sống.

27. CHỌC GHẸO VÀ ỨC HIẾP

Con thường chọc ghẹo hai em con và những đứa trẻ cùng tuổi hay nhỏ hơn. Chọc ghẹo người khác là thói quen của những người trẻ tuổi vô tư và thường được tha thứ. Chúng hầu như vô hại. Nhưng ở mức độ lớn hơn, lặp đi lặp lại thường xuyên, mà đôi khi ta quan sát thấy ở vài người, trong một số trường hợp, đã vượt quá mức cho phép.
Sự chọc ghẹo quá mức như thế sẽ trở thành sự ức hiếp, có nơi gọi là ăn hiếp. Đó là một hiện tượng lớn hơn nữa và ảnh hưởng rất xấu đến người khác, gây cho họ nỗi sợ hãi và ám ảnh, biến họ thành nạn nhân. Con cần chấm dứt thói quen ấy, không những thế, còn phải có ý thức trở thành một người bảo vệ kẻ cô thế hoặc yếu đuối.
Năm học lớp bốn, gần cuối bậc tiểu học, ta ngồi ngay trước mặt một đứa bạn cùng lớp, lớn hơn vài tuổi và to con hơn. Nó thường hỏi bài của ta lúc làm bài tập. Khi không kịp đưa bài hoặc trả lời câu hỏi, nó thường dùng một cái thước kẻ đánh vào vai ta rất đau. Một đứa bạn khác ngồi kế bên cũng bị thằng ấy ức hiếp như thế.
Sau này khi đã lớn, có lần ta trở về quê cũ, gặp lại đứa bạn ngày trước đã ức hiếp mình. Chúng ta có một vài cuộc trò chuyện ngắn, vui, thằng bé ngày xưa bây giờ là một người nông dân chăm chỉ, có vợ con tử tế, nhà cửa đàng hoàng, yêu văn nghệ, hát hay. Khi ta nhắc vui chuyện quá khứ cách đó mười lăm năm, anh ta hoàn toàn quên bẵng. Ta cũng lặng lẽ tha thứ cho người bạn cũ. Anh không biết chuyện ấy. Sau khi tha thứ, ta nhận ra rằng suốt cả chục năm, một cảm giác tổn thương đã ngấm ngầm chế ngự ta rất lâu với một kinh nghiệm mà có lẽ nhiều đứa trẻ như con cũng có lúc trải qua.
Không phải người nào cũng may mắn như kẻ ức hiếp kia, quên bẵng quá khứ, và không phải người nào cũng may mắn như ta, tha thứ được chuyện làm mình đau khổ. Sự ức hiếp là một trong những hình thức của quấy nhiễu, rất phổ biến nhưng dễ bị bỏ qua, và về mặt xã hội, cũng tương tự như sự đàn áp của người cầm quyền, cần phải được chấm dứt.
Và con phải là người tham gia vào việc ấy, bất cứ ở đâu.

28. MỘT BUỔI TRƯA

Tháng Tư về làng quê, khi con lên tám tuổi, nắng rát mặt. Trưa không có gió, những tàu lá chuối đứng im không thở. Mồ hôi nhễ nhại, con băng qua một khu vườn rậm rạp gần như bỏ hoang. Con đã tình cờ gặp mấy đứa bé cùng tuổi, trong đó có một đứa bé trai nhỏ tuổi hơn và một đứa con gái lớn hơn con một hai tuổi. Ta đi theo sau và không để cho ai thấy, lắng nghe câu chuyện của các con.
Đó là một cuộc trò chuyện thú vị. Rất thú vị. Sau này khi lớn lên, con sẽ nhớ lại cuộc gặp giữa ban trưa trong vườn ấy với nhiều cảm động. Bây giờ, con có thể không nghĩ gì về nó, cuộc gặp gỡ bất ngờ ấy. Hôm đó con đã chạy về nhà để lấy tặng cho những người bạn mới một cuốn sách của con, một cuốn sách tiếng Anh có nhiều tranh vẽ và những đứa trẻ ấy đã tặng lại cho con một món quà thú vị khác, một trái cây hình dáng rất lạ, rất đẹp, giống trái chanh, ta cũng chưa thấy bao giờ, thơm ngát, đến nay con vẫn giữ. Cuốn sách ấy chắc chắn sẽ được đọc dù ta không hề biết những đứa trẻ có đọc được tiếng Anh hay không, hay đọc một cách vất vả, nhưng cuốn sách ấy có nhiều tranh, khá dễ hiểu. Nhưng chúng có đọc được hay không chưa chắc đã là điều quan trọng. Một quà tặng trước hết là một vật, một kỷ niệm, và ta sung sướng nhận ra rằng con vẫn giữ trong hộc bàn trái chanh khô nhưng vẫn còn xinh đẹp mà chúng đã tặng cho con.
Một món quà cần được chú ý và giữ gìn. Chú ý và giữ gìn là một hình thức của lòng tử tế. Nhận được một món quà nhưng không chú ý là sự hời hợt gần như bội bạc. Nhất là khi người trao tặng cho ta nhỏ tuổi hơn, những đứa trẻ chẳng hạn. Sự bất cẩn, sự không chú tâm có thể gây tổn thương ở người khác.
Có một thí nghiệm khoa học ở động vật, những con khỉ trong chuồng được nuôi nấng bằng phương pháp giống nhau. Người ta chia làm hai nhóm, một nhóm có sự chú ý thường xuyên của người chăm sóc, và một nhóm khác với điều kiện ánh sáng, ăn uống, nghỉ ngơi giống hệt, nhưng ít được thăm viếng hơn.
Nhóm thứ nhất sau một thời gian chứng tỏ đã phát triển lành mạnh hơn hẳn. Không có sự thân mật, sự giao tiếp ấm áp, không có sự chú tâm, không thể có các mối quan hệ tốt đẹp với người khác, tình bạn, tình yêu, nghệ thuật lãnh đạo, sự hướng nghiệp. Làm quen với những người lạ, nhất là đối với những đứa trẻ cùng tuổi ở xứ khác chưa bao giờ gặp, là một giao tiếp đặc biệt, là những kỷ niệm đầu đời của con, quý báu và thú vị. Trái chanh khô sẽ còn tỏa hương trong hồn con. Hãy giữ lấy. 

Share this post

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on print
Share on email

Leave a Reply