NGUYỄN ĐÌNH TOÀN, GIÓ VẪN THƠM MÙI HOA BƯỞI HOA NGÂU

Nguyễn Đức Tùng

Tình yêu quê hương là cảm giác thuộc về, cảm thấy bạn là một phần nhỏ bé của cái lớn hơn, cái toàn thể. Cảm giác ấy chống lại sự đứt rời, tan vỡ, phân liệt. Cũng như tình yêu nam nữ, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước đều có thể được làm mới lại mỗi ngày, đều có thể được gieo xuống và gặt lên.

Kỷ niệm cũ vẫn còn nguyên vẹn đó

Trời tháng giêng, tháng bảy buồn như nhau

Gió vẫn thơm mùi hoa bưởi, hoa ngâu

Rồi tết đến, rồi lòng anh nhớ quá

Hầu hết tình yêu đều thất bại. Nhưng đó là sự thất bại quyến rũ. Cũng như xã hội tự do, nơi sinh ra thơ tình hay nhạc tình của những Nguyễn Đình Toàn, Vũ Thành An, Phạm Thiên Thư, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, sẽ thất bại. Những câu thơ đều đặn với vần điệu cân đối như trên đọc lên như bài hát ru; trong khi những câu dài ngắn khác nhau ở những bài thơ hay ca từ khác của ông tạo ra động lực, sự bồi hồi, nôn nóng, lo âu. Tôi tin rằng có những mạch thơ ngầm nơi mỗi cá nhân, và chúng nối vào tha nhân. Chính những mạch ngầm này tạo ra an ủi, liên kết. Nhờ sự liên kết ấy trong không gian mà chúng ta có thế giới, nhờ sự liên kết ấy trong thời gian mà chúng ta có lịch sử. Thơ và nhạc dễ trở thành tiếng nói thiêng liêng vì đó là tiếng nói trực tiếp của tâm hồn; chúng không tạo ra bất kỳ một niềm hy vọng giả dối nào: hầu hết chúng đều buồn. Con người chấp nhận sự thất bại trước số phận nhưng không bỏ cuộc, mà vẫn suốt đời săn đuổi ý nghĩa của tồn tại, của tình yêu, ý nghĩa của đau khổ. Tìm kiếm ý nghĩa của đau khổ: tức là tìm kiếm an ủi và hy vọng.

Hãy thắp cho anh một ngọn đèn

Một ngọn đèn trăm năm

Rồi thả đèn trôi trên dòng sông

Như tháng giêng trong đêm nguyệt rằm

Người thả đèn trôi sông

Cầu nguyện cho những ai trầm luân

Có những giây lát trong đời sống khi cái bình thường, sự vật hàng ngày, trở nên huyền diệu. Một cánh cửa, cái bắt tay, khói trên mặt nước, khuôn mặt lạ trong đám đông. Trong những thời khắc như thế, chúng ta xúc động và sự xúc động mang một người đi xa tới nơi mà sự lượng giá, thấu hiểu giao hòa với ký ức. Ký ức trong trường hợp này không phải là hoài niệm, tức là sự nhớ lại và thương xót một chiều, mà là cơ sở của sự xem xét lại đối với đời sống hiện tại. Vì vậy ký ức sinh ra từ tình huống trầm cảm giam giữ con người trong bóng tối, ký ức của tâm trạng lành mạnh mang họ đi ngược lại, về phía tương lai. Ở những bài thành công nhất, thơ Nguyễn Đình Toàn là thơ của những giây phút như vậy.

Anh đến thăm em đêm ba mươi

Còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi

Anh nói với người phu quét đường

Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em

Tay anh lạnh để cho tình mình ấm

Môi em mềm cho giấc ngủ anh thơm

Sau giao thừa xanh trong đôi mắt hoang

Trời sắp tết hay lòng mình đang tết

Lời trong ca khúc, cũng là bài thơ độc lập. Hình ảnh của Nguyễn Đình Toàn giàu có, nhưng khá quen thuộc; nhiều lên một chút, như ở vài bài khác, thơ ông sẽ thành ước lệ, thậm chí mòn sáo. Tràn ngập những hình ảnh của tuổi thơ chúng ta, nông thôn và thành phố. Ông ít có những hình ảnh mới, xa lạ, thách thức. Hà Nội của ông cũng có vẻ thiên nhiên điền dã. Nguyễn Đình Toàn là một trường hợp đặc biệt khi thơ, văn, nhạc hòa vào nhau làm một. Lời trong nhiều ca khúc của ông là các bài thơ. Bất cứ cách thẩm định nào về ông chỉ nói về một khía cạnh sẽ gặp khó khăn, đôi khi không làm được. Như trong bài sau đây.

Tình Khúc Thứ Nhất

Tình vui theo gió mây trôi

Ý sầu mưa xuống đời

Lệ rơi lấp mấy tuổi tôi

Mấy tuổi xa người

Ngày thần tiên em bước lên ngôi

Đã nghe son vàng tả tơi

Trầm mình trong hương đốt hơi bay

Mong tìm ra phút sum vầy

Có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai

Những cánh dơi lẻ loi mù trong bóng đêm dài

Lời nào em không nói em ơi

Tình nào không gian dối

Xin yêu nhau như thời gian làm giông bão mê say

Lá thốt lên lời cây

Gió lú đưa đường mây

Có yêu nhau xin những ngày thơ ngây

Lúc mắt chưa nhạt phai

Lúc tóc chưa đổi thay

Lúc môi chưa biết dối cho lời

Tình vui trong phút giây thôi

Ý sầu nuôi suốt đời

Thì xin giữ lấy niềm tin dẫu mộng không đền

Dù trời đem cay đắng gieo thêm

Cũng xin đón chờ bình yên

Vì còn đây câu nói yêu em

Âm thầm soi lối vui tìm đến

Thần tiên gẫy cánh đêm xuân

Bước lạc sa xuống trần

Thành tình nhân đứng giữa trời không

Khóc mộng thiên đường

Ngày về quê xa lắc lê thê

Trót nghe theo lời u mê

Làm tình yêu nuôi cánh bay đi

Nhưng còn dăm phút vui trần thế

Đây cũng là ca từ Nguyễn Đình Toàn viết cho bản nhạc cùng tên của Vũ Thành An, khi hai người cùng làm trong Đài phát thanh Sài Gòn, năm 1965. Bài bắt đầu với nhịp đi thong thả và chuyển động nhanh lên ở những câu sau. Sự mô tả một cách sinh động các khung cảnh, sự kết hợp các hình ảnh, làm cho ký ức trở thành giọng điệu chính của bài thơ: thận trọng, thư giãn, đều đặn. Đây còn là một câu chuyện kể. Có những khoảng cách giữa các câu trong bài Tình khúc thứ nhất, có lẽ do nhu cầu viết ca từ cho nhạc, nhưng bất kể hoàn cảnh sáng tác ra sao, đó vẫn là một bài thơ, vì vậy các khoảng cách này làm cho bài thơ giãn nở kỳ lạ, làm cho chúng chứa được nhiều các hình ảnh bí mật, những liên thông ngấm ngầm, sức gợi ý mạnh, ít thấy. Sự chuyển động liên tục của các câu thơ với độ dài ngắn khác nhau diễn tả sự thay đổi trong tâm trí của người viết từ những ký ức dựa trên hình ảnh đến những liên tưởng xa hơn trong thực tại, sự tiên đoán mơ hồ về số phận của cá nhân và dân tộc. Cảm xúc phức tạp trong bài thơ làm cho nó trở thành một trong những tình khúc hay nhất xưa nay.

Ngày thần tiên em bước lên ngôi

Đã nghe son vàng tả tơi

Trầm mình trong hương đốt hơi bay

Chữ Nguyễn Đình Toàn khá thuần Việt, nhưng nghe như có âm hưởng Hán Việt, vì quý phái. Quá đi một chút, thơ ông có thể thành điệu đà. Trong thơ ấy có cả nỗi buồn già cỗi, chết người, ốm yếu, của một người từng trải và dễ xúc động, và một thứ tình yêu trẻ trung, ngây thơ. Chất lãng mạn trong thơ Nguyễn Đình Toàn có sự chiêm nghiệm của một người nhìn thấy rõ mặt trái của lịch sử, bên trong của tội ác, cảm giác âu yếm gần như thương xót đối với cái đẹp, đối với quê hương, đối với một người con gái. Cũng có những câu gần văn xuôi, nhưng ông ít khi rời bỏ tính âm nhạc của thơ. Ông đi tìm ở những vần thơ cảm xúc sự suy nghĩ sâu xa, sự chính xác của lịch sử, đi tìm giọng điệu thích hợp cho một người trong khi ca hát về vẻ đẹp cuộc sống thì cũng than khóc cho nó. Trong văn xuôi, Nguyễn Đình Toàn cũng vậy, thơ mộng, tình tứ; và những người phụ nữ, các nhân vật rất đáng nhớ trong tiểu thuyết của ông, có thể nghèo khó nhưng không tủi nhục. Giọng văn ẩn mật, không nặng về chủ nghĩa hiện thực, và quan điểm nghệ thuật có lẽ gần với Khái Hưng của Tự lực văn đoàn: lấy ước mơ làm chủ đạo, lấy cái đẹp làm mục đích, khen ngợi hơn là chỉ trích, xây dựng hơn là đả phá, chuyển động về phía tốt đẹp. Tuy nhiên về nghệ thuật tiểu thuyết, ông đi xa hơn so với tiền chiến. Tôi từng say mê “Giờ Ra Chơi”, một cuốn tiểu thuyết rất mới vào thời đó, văn xuôi nhiều chất thơ. Tôi cũng đọc nhiều lần đoạn mở đầu này của “Áo Mơ Phai”:

“Hà Nội 1954

Tháng Sáu chưa hết, nhưng mùa Thu đã đầy hơi lạnh. Buổi chiều từ trong văn phòng bước ra tới cửa Tòa Đô Chính, Quang đã có thể trông thấy sương mù trên mặt hồ Gươm.

Cái mặt nước xanh biếc, nhìn qua một lớp sương mới hôm nào đỏ rực như than hồng, vì in bóng những cây phượng vĩ, những cây phượng chỉ bẵng đi mấy bữa chàng quên không để ý đến, lúc nhìn lại đã rụng hết cả hoa lẫn lá, chỉ còn trơ những cành đen đủi in trong bóng yên lặng xuống mặt hồ và bầu trời ẩm đục.

Tháp Rùa, trong ánh sáng còn sót của một ngày, giữa những lớp sóng lăn tăn, trông như đã lún sâu thêm xuống đáy hồ.”

Văn ông trầm tư mà sáng sủa, trang nhã. Lắng nghe âm thanh của chữ, lắng nghe lời trò chuyện, ta hiểu rằng những gì quý giá nhất của quê hương thanh bình hay loạn lạc đang được truyền lại giữa những dòng chữ ấy. Và những âu lo, dằn vặt, chọn lựa khó khăn của người Hà Nội vào trước lúc phân ly đất nước, tháng 6 năm 1954, một cuộc phân ly gần như vĩnh viễn. Đó là thứ văn chương thuộc “dòng ý thức”(stream of conciousness), với phương pháp độc thoại nội tâm của ngôi thứ nhất hoặc phương pháp diễn tả nội tâm của ngôi thứ ba, nhưng được viết sáng sủa, khúc chiết, dù trong những câu rất dài.

Con sông dưới chân hai người, cuồn cuộn chảy xuôi, thoát ra từ những vùng đỏ ối đó, đáng lẽ phải chất đầy tiếng hét, chất đầy nước mắt, chất đầy xác người, nhưng ông chẳng hề trông thấy một vật gì, ngoài cái ánh bập bùng xa tít, cái ánh sáng mờ của sao đêm thấp thoáng trên đầu những ngọn sóng, lúc ẩn lúc hiện, lấp lánh và nặng nề như được dội lên bởi một đám đông ma quái bên dưới. Ông bỗng nghe những giọt mồ hôi lạnh chảy tuôn hai bên thái dương và hay muốn run lên lật bật. Ông phải nắm chặt hai tay nhét trong túi dằn cơn xúc động. Ông nghe trong tiếm thức đứt tung nhiều mối giây thầm kín. Ông nghe trong lòng tiếng vỡ vụn của những gạch ngói và tiếng vỡ lở của những mảnh vôi vừa bị cháy rớt. Ông có cảm tưởng điên cuồng như trong trí não ông, trong khắp cơ thể ông, lúc đó, có muôn ngàn tia lửa bắn vỡ, xẹt ngang xẹt dọc, và ông dường chịu không thấu. Ông bỗng có những ý nghĩ hết sức hung bạo. Ông đã phải cố sức dằn lại. Trong những cơn gió tẩm đắm hơi nước thổi thốc từ cái mặt sông mênh mông dưới bãi cát lên đầu tóc người đàn bà bay phất phới, ông đã muốn tháo bỏ nàng ra khỏi mọi sự che đậy, muốn trải nàng trên những ngọn cỏ lấp lánh ánh sao, muốn yêu nàng cuồng bạo như một tên vô lại. Ông muốn thấy rộng dài như bãi cát, tràn đầy như dòng sông, rậm rạp như cỏ. Ông thấy rõ ràng chỉ có cái phút duy nhất đó, nếu ông có thể làm tình được với nàng, tình ái mới có thật, nếu không sẽ chẳng bao giờ ông chạm được tới nàng bằng tình ái thâm sâu của ông được. Cuối cùng ông khám phá ra rằng, trong cơn dục vọng kỳ quái của ông có lẫn một chút ghen tuông.

Ông biết chắc rằng trong cái vẻ băn khoăn của người đàn bà, có chất chứa sự lo âu cho kẻ đang còn mắc lại trong thành phố kia.

Cái gì đã khiến cho hắn có thể bỏ tất cả tương lai một cách hết sức nhẹ nhàng để nhận lấy cái chết như vậy?

Ông muốn yêu nàng ngay lúc đó như một cách biện minh nồng nàn rằng, đời sống là một cái gì tuyệt diệu và không gì thể thay thế được.(*)

Một thi pháp tiểu thuyết mới mẻ, một văn phong Proustian dịu dàng, suy tư sâu về lịch sử, những thăm dò bí mật tâm hồn. Đó là thứ bí mật của tình yêu mênh mông, không hề gìn giữ, nhưng người đọc như tôi thì quá nhỏ bé, quá xa xôi, ngày càng xa những nơi chốn ấy. Mặc dù thế, không có một người nào từng làm cho tôi yêu Hà Nội bằng tác giả “Áo Mơ Phai”, có lẽ chỉ sau Khái Hưng. Đối với ông, tác giả, và tôi, độc giả, Hà nội như một quê hương Việt Nam, như một ẩn dụ, và tình yêu là một ngôn ngữ: hình ảnh của Nguyễn Đình Toàn tạo ra liên tưởng làm cho tâm trí tôi hoạt động.

Tuy vậy, so với văn xuôi, thơ của ông ít khai phá hơn.

Khi em trở về

Mộ người yêu đó

Hoa trên phiến đá

Cỏ buồn ngón chân

Và cơn gió rét

Que diêm bật lên

Que diêm bật lên

Nỗi buồn thắp lên

Sự vật trong thơ được nhân cách hóa, khiến cho buổi trưa thành tuổi nhỏ, con đường cỏ mục thành nỗi u hoài, bóng nắng ngọt ngào thành tiếc nuối, nỗi buồn phải thắp lên. Nguyễn Đình Toàn là giọng thơ u tối, buồn phiền, như thể không phải vì ông muốn thế mà vì thời đại đáng buồn như thế, lịch sử đáng âu lo như thế, con người đáng thương như thế. Thơ trữ tình nặng về cảm xúc nhưng không phải là không có những giây phút mà ý thức bùng vỡ, chiếu sáng. Sự tưởng tượng là thiêng liêng vì nó mang con người đến với cái đẹp tuyệt đối, đến với sự thương tiếc cao quý. Trước sự tàn phá văn hóa của các tội ác và bạo động trong mấy mươi năm nay, người viết chỉ còn có thể giữ lại cho mình và cho độc giả lòng tin vào một thế giới đã biến mất, tức là sự bướng bỉnh, và tình yêu đối với tuổi trẻ, tức là lòng hoài niệm.

Xét về mặt số lượng sáng tác, ảnh hưởng trên văn đàn, Nguyễn Đình Toàn là một nhà tiểu thuyết, nhưng không hiểu sao khi đọc, tôi vẫn tin rằng ông trước hết là một nhà thơ, của tình yêu và quê hương. Có lẽ sự phối hợp giữa thơ và văn xuôi ở ông là sự phối hợp đẹp, làm cho một số trang tiểu thuyết sắc bén mà lãng đãng và một số bài thơ như một thứ siêu hiện thực, hay thơ hiện thực được nâng lên, cũng không hẳn là siêu thực, nhưng vượt quá cõi đời, chia ly, tang tóc, vượt quá sự hủy diệt.

Trên hoang vu những vầng mây trắng

Ta nghe ra trăm niềm xót xa

Vai em thơm như mùa thu nắng

Phai bao nhiêu máu hồng tình xa

(Chiều trong tù)

Thơ ông không chỉ để đọc trên giấy mà để đọc lớn thành lời, để ngâm, để hát. Thời trước, khi còn nhỏ, nghe chương trình Nhạc Chủ Đề thứ năm hàng tuần trên đài phát thanh Sài Gòn, tôi có ấn tượng mạnh về giọng nói của ông. Có hai giọng nói gây ấn tượng cho nhiều thính giả thời ấy: Đinh Hùng và Nguyễn Đình Toàn, cách nhau khoảng mười năm. Nguyễn Đình Toàn là người yêu nhạc Trịnh Công Sơn, vì nếu tôi nhớ không lầm, ông đã hát, và trong chương trình phát thanh, ông đã nhiều lần giới thiệu nhạc Trịnh một cách trang trọng.

Thực ra, ông cũng có những câu thơ ước lệ, cách nói cổ điển, hình ảnh quá cũ kỹ:

Ta tráng sĩ hề, lòng không mềm bằng kiếm,

Ta anh hùng hề, sự nghiệp có đầy đôi mắt Trương Quỳnh Như

Nguyễn Đình Toàn mau chóng vượt qua chúng, nhưng chỉ vượt qua mà không đi quá xa, như trong những trường hợp khác, ví dụ Thanh Tâm Tuyền; ông vẫn ở gần khuynh hướng thẩm mỹ của những năm sáu mươi trong nhiều bài thơ sau đó. Ngạc nhiên và khám phá không phải là điểm mạnh của thơ ông, nhưng chúng có tồn tại giữa những câu thơ trữ tình mượt mà, êm như ru. Khi ngạc nhiên, bạn dừng lại, đứng sững, và nhìn. Ngạc nhiên làm những định kiến tan vỡ, làm tâm trí bạn sáng lên, cái nhìn vào sự vật trở nên sắc sảo, lòng thương xót lịch sử được làm mới lại, các mối quan hệ nhận lấy một luồng sinh khí mới.

Sài Gòn ơi! Ta mất người như người đã mất tên

như giòng sông nước quẩn quanh buồn

như người đi cách mặt xa lòng

ta hỏi thầm em có nhớ không

Sài Gòn ơi! Đến những ngày ôi hè phố xôn xao

trong niềm vui tiếng hỏi câu chào

sáng đời tươi thắm vạn sắc màu

Từ mấy mươi năm nay, lịch sử đã chia hai. Người Việt cũng trở nên khác hẳn nhau. Rời bỏ quê hương như Nguyễn Đình Toàn là rời bỏ nhiều lần, lần đầu rời Hà Nội vào Sài Gòn, lần thứ hai từ Sài Gòn qua Mỹ, và sau lần thứ hai, ông rơi vào một thế giới khác, một nền văn hóa khác, lần thứ nhất là mất nửa quê hương, lần thứ hai là cả quê hương, lần thứ ba là mất linh hồn. Với ông, không còn gì nữa, phần đời sau là vô nghĩa. Đó có lẽ cũng là tâm trạng của Mai Thảo, Nguyên Sa, Phạm Đình Chương, Thanh Tâm Tuyền và những người thuộc thế hệ ông, không hẳn vì họ không thể tiếp nhận cái mới, mà vì phần đời trước đó của họ đã được sống quá đầy đủ, quá dịu dàng lộng lẫy, không cần phải thêm vào một thứ ý nghĩa gì nữa. Mà chắc gì tồn tại hôm nay của người Việt đã có ý nghĩa gì, hay chỉ là sự kéo dài vô nghĩa? Công việc của những người như Nguyễn Đình toàn giờ đây là kể lại câu chuyện của thế hệ mình. Cảm giác thuộc về một thế giới khác, vàng son, thuộc về một không khí khác, lồng lộng, làm cho thi sĩ trở thành một phần của cái toàn thể, một phần tử hữu dụng. Cái đẹp trong thơ ông không đứng một mình, nó nhắc chúng ta về hiện hữu của chính nó, tức là hiện hữu của một thời đại tự do, thanh bình. Sự hiện hữu của chúng là điều kiện bắt buộc của cái đẹp, thanh bình là điều kiện của một tình yêu thiêng liêng. Như Sài gòn trước đây của “Đồng Cỏ” và Hà nội trước đó nữa của “Áo Mơ Phai”. Trong thơ ông, tình yêu là vĩnh viễn, mặc dù ông ít khi dùng những chữ trầm trọng để nói về điều ấy. Khi rời đất nước, ông nói lời chia tay, như đứt ruột mà xa.

Mai tôi đi, tôi đi vào sương đen

Sương rất độc, tẩm vào người nỗi chết

Quê hương ta sống chia giòng vĩnh biệt

Chảy về đâu những nước mắt đưa tin

Khi một thi sĩ đi xa, người ấy muốn chúng ta nhớ về họ như nhớ tác giả một bài thơ, như nhớ chính bài thơ ấy. Ký ức của chúng ta về họ là cách mà chúng ta hiểu về bài thơ của họ. Công việc của người đọc là đọc và đọc lại, tìm kiếm những ý nghĩa, thông điệp, cố ý hoặc vô tình, gởi đến hôm nay từ tình yêu xứ sở, từ tình yêu đối với mhững giá trị dân tộc tốt đẹp đã mất.

“Quê hương”, hai tiếng đó nặng nề đến như vậy sao? Khi tóc người đã bạc, bao nhiêu màu sắc thắm tươi của đời lặn sâu cả vào tâm khảm, tô đậm thêm có mỗi cái hình ảnh đó sao?”

Hình ảnh trong tôi về Nguyễn Đình Toàn là con đường mòn thơm lá mục. Một trong những khả năng lạ lùng của bài thơ là tiết lộ những bí mật của nó, không phải qua một lần mà nhiều lần đọc, có khi bạn đã thuộc, nhưng việc đọc lại cũng dẫn bạn đi theo một kinh nghiệm khác, con đường khác. Các tác phẩm nghệ thuật đều có tính chất như thế, đó là lý do vì sao ngày trước các vở tuồng thường được diễn đi diễn lại nhiều lần: người đọc không đến xem tuồng để biết câu chuyện kết thúc ra sao vì họ đã biết rồi, mà để xem các diễn viên diễn xuất ra sao. Nhưng cũng không phải chỉ có thế, vì đối với các nghệ thuật ngoài sân khấu, chẳng có ai diễn cả thì chính người đọc tự diễn lấy, tức là tự mình sống lấy kinh nghiệm của nhân vật. Thơ Nguyễn Đình Toàn là thơ của thời những năm sáu mươi của miền Nam; sau này ông còn làm nhiều bài thơ khác nhưng với một nghệ thuật không thay đổi. Ông không phải là người có khuynh hướng cách tân. Số lượng tác phẩm thơ cũng không lớn lắm, so với tiểu thuyết, nhiều bài nhiều người chưa biết, một phần vì thi sĩ là người lặng lẽ. Các chủ đề mà ông nói tới không phải là những vấn đề thời sự trước mắt, ở chúng có một không khí thân mật, những tiếng động quen thuộc, mở ra nhiều chiều kích, phía trước và phía sau, bên ngoài và bên trong. Đó là một loại thơ chủ quan, nặng riêng tư, từ ngữ đẹp, đôi khi như tiếng thì thầm, đôi khi như lời hát. Trong một số bài chữ dùng của ông chính xác, đẹp, không thay thế được. Trong bài Tình khúc thứ nhất, các câu thơ dài ngắn khác nhau nhưng không phải là thơ tự do. Các câu thơ đều đặn khác lại tựa như những nhịp cầu bắc qua sông Hồng hùng vĩ, nối Gia Lâm nơi ông sinh ra và Hà nội nơi ông nhớ về, nối hoài niệm và hôm nay, tình yêu và mất mát, cay đắng và lòng tự trọng, tính yếu đuối và sự phản kháng dữ dội. Thơ trữ tình hôm nay nuôi dưỡng tình yêu quê hương và khai mở sự thấu hiểu: đó là một công việc gấp đôi và mới mẻ. Sự hiểu biết, sự chia sẻ của chúng ta quan trọng hơn những khác biệt lịch sử, lập trường chính trị và văn hoá.

Em còn yêu anh, còn yêu anh

Cây còn xanh, còn tươi đầy kỷ niệm

Mái trường xưa mỗi mùa phượng đến

Ve còn kêu vang, còn kêu vang

Duong ta di van hai hang la biec

Đường ta đi vẫn hai hàng lá biếc

Có hai hàng nước mắt khóc rưng rưng

Nơi em về nghe lạnh bốn mùa đông

Cho hồn anh đủ bốn mùa rét mướt

Ta đã xa nhau như đời xa cõi chết

Có bao giờ ta thấy lại nhau không

Vì vậy thơ trữ tình không phải chỉ là quá khứ, thơ ấy còn là xúc cảm mà chúng tạo ra ở người đọc hôm nay, trẻ tuổi, ngân vang thức tỉnh, là quá khứ muốn được sống lại và chắc chắn sẽ sống lại, để đánh thức và kêu gọi. Tuy vậy, tiếng nói thân mật ấy, cảm thông, tâm sự, cũng có khi là lời độc thoại, hay nói với nhân vật không có mặt. Ông trò chuyện với ký ức, với bạn bè, với người tình, như những ẩn dụ về một nơi chốn, dù đã xa, vĩnh viễn còn đó chờ đợi chúng ta trở về. Nguyễn Đình Toàn giữ lại cho mình một ngôn ngữ cổ điển, dịu dàng nhưng cô độc, buồn nhưng nhân từ, đôi khi đau đớn nhưng nhiều tha thứ. Thơ và ca từ của ông không dữ dội như Trần Dạ Từ, không sầu khổ như Du Tử Lê, mà đằm sâu, lưu luyến, nhắc nhở, như thể tôi có thể để bài thơ của ông ở đó một mình mà đi chỗ khác, đi làm việc khác, nhưng khi trở lại, giai điệu của nó vẫn còn đó, mỉm cười bao dung, như thiên nhiên của quê hương quen thuộc, như trầm hương một thuở của chúng ta, như đời sống, chờ khi cất tiếng.

Khi Em Về

Khi em về trời xanh và gió mát

Con đường mòn thơm lá mục quê hương

Vườn cải ngồng dỗ ong bướm về sân

Anh nằm đấy buổi trưa và tiếng nắng

Mặt đất mềm bước chân em chợt nặng

Lá tre vàng dồn thổi mùa thu đi

Luống huệ ấy xòe những vồng hoa trắng

Và đầy thềm lá rụng liếp phên che

Quê mẹ đấy ưu phiền nhiều quá lắm

Hàng cau già mo thương bẹ quắt queo

Anh nằm đếm những ngày rồi những tháng

Đi qua dần khi nước mắt buông theo

Kỷ niệm cũ vẫn còn nguyên vẹn đó

Trời tháng giêng, tháng bảy buồn như nhau

Gió vẫn thơm mùi hoa bưởi, hoa ngâu

Rồi tết đến, rồi lòng anh nhớ quá

Khi em về bước xưa chừng xa lạ

Và cỏ hoa tất cả đã vắng im

Giấc ngủ ấy một đời anh ao ước

Từ máu mình hoài rứt khỏi đường tim

Em đừng khóc, đừng buồn, đừng nhìn nữa

Cứ cúi đầu, cứ thế, rồi ra đi

Trời sẽ tối, tiếc thương rồi sẽ hết

Và dấu giầy mai sẽ lá sương che.

Tôi nhớ đọc bài thơ này năm mười sáu tuổi, bẵng đi nhiều năm, đến khi đọc lại vẫn nguyên cảm giác ấy, như vừa mới viết hôm qua: sự chia sẻ của chúng ta, những người đánh mất quê hương, dù đang ở đâu, trong nước hay ngoài nước, ở xa hay ngay trên làng cũ của mình. Đó sức mạnh của văn chương sinh ra từ ký ức tự phát (involuntary memory). Trong khi những hình ảnh của ông ngày nay không còn nữa, thì ký ức mà nó tạo ra vẫn còn ở với chúng ta lâu dài, lòng thương nhớ ấy tăng cường, làm đậm nét các hình ảnh, làm cho sự trở về trở thành nỗi ao ước của mỗi người Việt Nam. Tôi mời bạn đọc thêm một đoạn trong Đồng Cỏ. Và những ý nghĩ làm nên tính thơ của chúng, chứ không phải vần điệu.

“Tôi không được nhìn thấy Hà Nội mưa, nhưng tôi chắc Hà Nội không thể có cái mưa Sài Gòn. Hà Nội nhìn thấy lại qua những tấm ảnh, Hà Nội trong văn chương, Hà Nội nghe kể lại, đều có một vẻ gì ẻo lả. Mưa trên cái ẻo lả đó, chắc hẳn phải là thứ mưa buồn bã.

Mưa Sài Gòn mạnh khỏe hơn.

Cây cối ướt sũng, đường phố dù có chỗ nước chưa thoát hết chảy xối trong các ống cống, nhưng Sài Gòn giống như một người đàn ông có sức lực, mưa không đủ làm cho phải ngừng hoạt động. Nhà cửa nhìn thấy không có vẻ lạnh lẽo. Những từng nhà cao ngất, xe cộ qua lại, hàng quán đông đúc, phố xá san sát tựa những bắp thịt trên bộ ngực nở nang, trên cánh tay rắn chắc.

Sài Gòn như vậy có lẽ nhờ thời tiết của Sài Gòn.

Dù mưa mù trời, nhưng không khí vẫn đủ ấm, mặt trời chỉ tạm khuất đi, trong chốc lát sẽ mọc trở lại.

Hà Nội đàn bà vì Hà Nội lạnh.

Sài Gòn đàn ông vì Sài Gòn nóng.

Ôi giá cái nửa đàn bà đa tình, quyến rũ đó, kết hợp được với cái nửa đàn ông lực lưỡng này, đất nước sẽ sung sướng biết bao?

Tôi tần tiện bấy lâu, hôm nay, tôi cũng muốn tiêu phí một chút.”

Một nhà thơ cố gắng nói một điều gì mà anh cảm nhận được trong một thời khắc và địa điểm cụ thể. Bài thơ viết vào lúc ấy là đời sống của tác giả vào lúc ấy. Vì vậy, một thời khắc phải được dừng lại, một nơi chốn phải được tạo nên, trên trục tọa độ, nếu không như vậy sẽ không có một người nào biết được cảm xúc ấy. Cảm xúc của tác giả về một thời gian và không gian càng mạnh mẽ thì bài thơ càng có hình dạng, thể, rõ ràng, vững chãi, ngược lại khi nhà thơ không có cảm xúc rõ rệt về hai chiều kích ấy, bài thơ chỉ là sự tưởng tượng thuần túy, chưa được đời sống thổi linh hồn của nó vào. Một tình trạng sáng tạo như vậy sẽ tương tự như một kịch sĩ bất tài lên sân khấu, khi anh ta khóc thì khán giả cười. Tất nhiên để đạt đến sự rung động có thể chia sẻ, một nhà thơ phải sống qua giây phút ấy, ở tọa độ ấy, trở đi trở lại nhiều lần, bằng sức tưởng tượng phong phú của mình mà dựng lại một kinh nghiệm đã chết, sống lại đời đã sống, khắc họa nó mỗi lần một khác đi, và do đó mỗi lần một mới. Những bài thơ tự do được viết rất nhiều hiện nay và những bài thơ có vần, bảy chữ, tám chữ, lục bát, ngày càng ít đi, thực ra có khả năng như nhau trong khả năng cảm nhận thế giới nội tâm và bên ngoài, trong khả năng đo lường và sử dụng những chiều tự do n của cảm xúc. Đó là sự giao hòa lý tưởng giữa thơ tự do và thơ có vần, giữa quá khứ và lượng giá, giữa hoài niệm và phản kháng, hỗn độn, có thật, xấu xa và tốt đẹp, đầy năng lượng. Trong ý nghĩa đó, thơ và lời trong ca khúc của Nguyễn Đình Toàn, tuy với số lượng không lớn so với tiểu thuyết của ông, vẫn chạm được tay vào đời sống mỗi ngày của chúng ta hôm nay.

Nguyễn Đức Tùng



Share this post

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on print
Share on email

Leave a Reply