XỨNG TẦM TIẾN SĨ

Nguyễn Văn Tuấn

Giáo sư Y khoa, Đại học New South WalesGần đây, tôi nhận được một câu hỏi tương tự từ nhiều người “Thế nào là một luận án xứng tầm tiến sĩ” – vấn đề không mới nhưng đang thời sự trở lại sau những ồn ào liên quan đến luận án “Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức, viên chức thành phố Sơn La”.Nhiều người chia sẻ thắc mắc với tôi: “Sao luận án tiến sĩ mà có vẻ đơn giản quá?”. Tôi không bình luận gì về luận án cụ thể này. Vấn đề là ở chỗ, có hơn 10 luận án tương tự lặp lại đề tài “Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông…” ở các tỉnh A, B, C… khác. Nghĩa là có ít nhất 10 tiến sĩ đã tốt nghiệp từ đề tài cầu lông.Những luận án trên giống như những báo cáo tổng kết một chương trình hành động hơn là những công trình nghiên cứu khoa học.Báo cáo tổng kết không cần dựa vào một giả thuyết khoa học, và phương pháp đo lường thường không đáp ứng các tiêu chuẩn của phương pháp khoa học (scientific method). Những quan sát ở một địa phương có thể chỉ mang tính đặc thù của địa phương đó, chứ không mang tính quy luật, vốn là một tiêu chuẩn của khoa học tính. Thế nhưng, ở Việt Nam có rất nhiều báo cáo như thế được hoán chuyển thành luận án tiến sĩ. Đó là sự ngộ nhận.Khác với báo cáo hành chính, một luận án tiến sĩ là thành quả của một hay vài nghiên cứu khoa học. Mỗi nghiên cứu có mục đích chính là kiểm định một giả thuyết khoa học. Nhà khoa học không thể chứng minh một giả thuyết là đúng hay sai, mà chỉ có thể kết luận dữ liệu phù hợp hay không phù hợp với giả thuyết.Hai tiêu chuẩn quan trọng của một luận án cấp tiến sĩ là tính nguyên thủy (originality) và tầm quan trọng. Tính nguyên thủy đòi hỏi luận án phải có ít nhất một cái mới. Cái mới có thể là ý tưởng, hoặc cách tiếp cận vấn đề, hoặc phương pháp, hoặc dữ liệu, hoặc cách diễn giải dữ liệu. Trái với cách nhiều người mỉa mai, luận án tiến sĩ vẫn có thể là một nghiên cứu dạng “bình cũ, rượu mới” (hiểu theo nghĩa một ý tưởng cũ được làm mới bằng cách tiếp cận mới).Tầm quan trọng có thể hiểu rằng kết quả nghiên cứu sản sinh ra tri thức khoa học, và tri thức đó có ảnh hưởng hay tác động trong và ngoài chuyên ngành khoa học, hay chính sách công, hay xã hội.Mục đích chính của đào tạo tiến sĩ là kiến tạo một đội ngũ nhà khoa học chuyên nghiệp, những người có khả năng làm nghiên cứu khoa học và giảng dạy trong đại học. Trong một khảo sát đối với những giáo sư hướng dẫn luận án tiến sĩ ở Anh, khi được hỏi mục đích của đào tạo tiến sĩ là gì, thì đa số giáo sư (72%) xem đào tạo tiến sĩ là chuẩn bị cho họ một sự nghiệp nghiên cứu khoa học trong môi trường đại học, và ứng dụng kỹ năng trong môi trường ngoài đại học.Ở Việt Nam, mục tiêu đào tạo tiến sĩ đã bị lệch, thể hiện qua phân bố tiến sĩ trong và ngoài khoa học. Việt Nam hiện có hơn 25.000 tiến sĩ, nhưng đa số không làm việc trong các đại học. Số liệu năm 2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố cho thấy chỉ khoảng 8.500 giảng viên đại học (trong số 60.000) có bằng tiến sĩ. Ngoài ra, trong số 10.000 giáo sư và phó giáo sư, khoảng 50% không làm việc trong các đại học hay viện nghiên cứu. Sự lệch lạc về mục tiêu đào tạo có lẽ do hiểu sai bản chất của luận án tiến sĩ như đề cập trên.Hơn 200 năm qua, người theo học tiến sĩ thường theo đuổi những nghiên cứu, nói theo tiếng Anh là “blue sky” (trời xanh), tức những ý tưởng “trên trời”, có khi chẳng liên quan gì với thực tế trong tương lai gần; tạm gọi những tiến sĩ đó là tiến sĩ hàn lâm (academic doctorate). Và, khi nói đến tiến sĩ người ta nghĩ ngay đến nhóm tiến sĩ này.Tuy nhiên, chương trình đào tạo tiến sĩ ngày nay đa dạng hơn chứ không đồng dạng như trước. Với sự phát triển kinh tế và vai trò của doanh nghiệp gần đây, các đại học bị áp lực phải thay đổi cách đào tạo tiến sĩ sao cho đáp ứng nhu cầu của kỹ nghệ và doanh nghiệp. Nhu cầu của doanh nghiệp và kỹ nghệ là có những chuyên gia cao cấp tầm tiến sĩ nhưng nghiên cứu của họ phải mang tính ứng dụng cao. Xuất phát từ nhu cầu này, các đại học phương Tây cho ra đời chương trình đào tạo tiến sĩ hướng nghiệp (Professional Doctorate hay Vocational Doctorate).Tiến sĩ hướng nghiệp tập trung vào những nghiên cứu mang tính ứng dụng cao. Các nghiên cứu sinh tiến sĩ hướng nghiệp là những người có kinh nghiệm thực tế trong chuyên ngành và họ muốn nâng cao kiến thức cũng như kỹ năng để thăng tiến trong sự nghiệp. Các chủ đề mà tiến sĩ hướng nghiệp nghiên cứu thường là đánh giá những lý thuyết mới hay cách hành nghề mới; nghiên cứu tìm giải pháp cho một vấn đề phức tạp; ứng dụng nghiên cứu khoa học vào một lĩnh vực chuyên môn; hoặc thiết kế một chương trình nghiên cứu nhằm mở rộng kiến thức chuyên ngành.Do đó, những năm gần đây, các đại học phương Tây, kể cả Đại học New South Wales và Đại học Công nghệ Sydney (Australia), có những chương trình đào tạo tiến sĩ hướng nghiệp cho ngành giáo dục (Doctor of Education), kỹ thuật (Doctor of Emgineering), y tế công cộng (DrPH), điều dưỡng (Doctor of Nursing Practice), quản trị kinh doanh (Doctor of Business Administration)…Các đại học Việt Nam cũng nên xem xét triển khai chương trình đào tạo tiến sĩ hướng nghiệp và phân biệt với tiến sĩ hàn lâm. Tuy nhiên, dù là tiến sĩ hàn lâm hay tiến sĩ hướng nghiệp, thì luận án tiến sĩ vẫn phải đáp ứng hai tiêu chuẩn nguyên thủy và tầm quan trọng. Hai tiêu chuẩn này bảo đảm một luận án tiến sĩ phải thể hiện một đóng góp mới cho tri thức khoa học.Nếu một luận án không đáp ứng hai tiêu chuẩn này thì không thể xứng tầm tiến sĩ.Nguyễn Văn Tuấn (https://nguyenvantuan.info )

Share this post

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on print
Share on email

Leave a Reply