SÀI GÒN – NHỮNG NGÀY PHONG THÀNH (9)

Nguồn : Văn Việt

Tuấn Khanh’ Blog

Nhật ký phong thành (số 6): Vặt nữa đi em

clip_image002

15/07/2021 ~ TUẤN KHANH

Nửa đêm, tự nhiên nghe một cái tin nhắn từ đứa em, chỉ quen trên facebook thôi chứ cũng chưa chừng từng gặp mặt bao giờ. “Bên anh có ai cần ăn rau không anh, mai em chạy qua đưa”.

Trước đây mà có ai hỏi vậy, chắc chỉ là chuyện nói qua lại cho vui rồi thôi. Nhưng giữa bóng tối thăm thẳm và heo hút phố chợ, sao nghe như tiếng chuông dịu dàng mở đầu cho buổi cầu kinh sớm mai.

“Có được bao nhiêu vậy D.?”.

“Bao nhiêu cũng có, em ở nhà vườn ngay ngoại ô Sài Gòn mà, anh tính chia ra cho bao nhiêu người thì nhắn, mấy chục ký còn dư”.

Tôi thoáng nhẩm. Nhà anh T, chị L, chị N,…  Trong đầu hiện ra luôn gương mặt của những con người đó, vui với món quà “cần thiết” và  hết sức “chính đáng” lúc này. Tôi nhắn cho D. con số 30kg toàn là rau, cải… rồi theo đợi mật lệnh. Trưa hôm sau, điện thoại tôi nhá lên tin nhắn “Ra nhận đi, em thả ngay đầu hẻm”. Nhờ thêm một thằng bé nữa, chạy tới nơi thì thấy mấy bịch rau lớn bỏ chỏng trơ ở đó. Không thấy ai khác. “Đâu rồi D.?”, “Em chạy rồi anh, để không bị phạt thì xui. May mà có thủ thêm cái áo chạy xe ôm Grab”.

Rau để trong nhiều bịch nhựa lớn. Tôi và thằng bé thay nhau ra đầu hẻm, xách vào nhà đến 2-3 lượt mới hết. Đến lần thứ 3, nhiều gia đình hé cửa sổ, mở cửa bước ra nhìn với ánh mắt khó tả. Nó giống như kiểu sau năm 1975, bạn đi nhận hàng từ Mỹ gửi về, hàng xóm cứ nhìn theo, không lời, nhưng làm cho bất kỳ ai đang vui cũng có thể chựng lại, áy náy.

Khổ lắm, thời buổi mà báo Một Thế Giới đăng cả một bài chất vấn “100.000 đồng/kg hành lá, 400.000 đồng/kg ớt ở TP.HCM lúc dịch, Bộ Công thương nói gì?”, có thể thấy cuộc sống Sài gòn bây giờ là để chạy đua với nhau tìm thực phẩm vừa sức mua và sốt ruột con số tăng liên tục. Nhiều thứ đang tăng giá gấp 3 lần, nhưng cũng không dễ tìm.

Tôi gửi lời cám ơn đến đứa em facebook chưa từng nói chuyện ngoài đó, gửi theo ít nụ cười và niềm vui của bà con nhận được. D. nói hắn cũng mừng, nói cần gì thêm thì bàn với nhau, hắn sẽ cố mang qua. Người Sài Gòn với nhau như vậy, hàm ơn không thể tả được. Hàm ơn cái cảm giác mình sống, và hàm ơn vì thấy cuộc đời chung quanh mình, ai cũng được sống.

D. may mắn chạy về được nhà, không gặp trắc trở gì. Nếu như xui mà bị vịn lại, mất 2,3 triệu tiền phạt vì ra đường không “chính đáng” như chơi. Phạt là a lê, khỏi cãi, vì đi làm chuyện bao đồng, chứ có thiết thực gì cho mình đây mà chứng minh được?

Chỉ thị 16 của chính quyền HCM đưa ra, được đủ loại nhân viên công lực rầm rập chận xét, thẩm vấn tại chỗ và phạt rất ngặt, với tuyên bố đanh thép “không chính đáng”. Nhưng sao biết được thế nào là chính đáng trong thời buổi này? Đôi sinh viên ở nhà trọ không có đồ nấu nướng, chở nhau đi mua bánh mì về ăn, cũng bị phạt vì mua thực phẩm không chính đáng. Một phụ nữ đi rút tiền về mua đồ ăn, bị phạt vì công an khăng khăng “mua online được rồi, rút tiền là chuyện không chính đáng”. Trên mạng xã hội còn có chuyện công an tự cho mình quyền quay video, không xin phép một bé gái mang con mèo của mình đến chốt, khóc nức nở xin cho đưa đến thú y. Viên công an đưa lên mạng giễu cợt nước mắt bé gái này, nói bé không giải thích được tính “chính đáng” của sự việc. Con mèo nhỏ chết sau đó. Nhiều người vào chia buồn với bé gái đó, trong đó có câu: “Đành vậy. ở một xứ sở mà người ta còn coi chó mèo là thức ăn khoái khẩu, thì kêu gọi tình thương là điều không thể”.

Bình luận của bạn đọc trên báo Thanh Niên

Báo Thanh Niên có bài “Mang rau Đồng Nai lên TP.HCM bị CSGT phạt 2 triệu: Trên đây mắc, sao mua nổi”. Tuy không dám phản ứng với chỉ thị 16, nhưng hàm ý trong bài cũng khó chịu sự cường quyền và lạm dụng phạt người, với hai chủ đề mơ hồ “cần thiết” và “chính đáng” đang được tuyên bố vung vít, thậm chí giảng bài như tuyên giáo ở những chỗ phạt người.

Một phụ nữ, có vẻ là chủ một công ty nào đó, đi xe hơi mua rau số lượng lớn từ Đồng Nai lên Sài Gòn để làm thực phẩm cho các nhân viên của mình. Dù trình ra được đủ loại giấy theo quy định nhưng vẫn bị phạt, vì công an coi nhu cầu ăn rau không là chuyện “chính đáng”. Báo Thanh Niên trích mấy câu nói của người phụ nữ này “Sao lại không cần thiết, rau đây mắc quá sao mua?… Người nhà tôi rất đông, nhân sự của tôi rất đông… Sao là không cần thiết, anh trả lời tôi đi”.

Có vô số những trường hợp như vậy, tương tự như với người phụ nữ ấy, đã không có ai trả lời cả. Theo báo chí nhà nước thống kê, trong 4 ngày “ra quân” phạt, chính quyền HCM đã lập biên bản với 2.052 trường hợp, tiền thu về gần 5 tỷ đồng.

Người dân Sài Gòn làm gì mà cần đi ra đường dữ vậy? Bị phạt tối tăm mặt mũi mà vẫn đi, bất chấp vòng vây mang tên chỉ thị 16? Nhiều nơi tại Phú Nhuận, Gò Vấp… đã xuất hiện chỗ bán giấy thông hành giả để qua chốt, với giá 80.000 đến 100.000 đồng/giấy. Có giấy ghi là đi làm ở công ty A, B… có giấy thì ghi là đi bệnh viện, chở hàng…  Người dân làm mọi cách để đi qua, vượt thoát… mà không muốn trả lời gì về việc tại sao họ cần thiết đi đến vậy, thậm chí phải bỏ tiền ra để mua giấy giả.

Tôi cũng tự hỏi, và tin rằng, nếu không là chuyện sống còn, chuyện bữa cơm hàng ngày, cùng cực với lẽ riêng… không ai thích tự mình đứng ra thách thức chính quyền như vậy. Rõ là trong một mệnh lệnh khô khan ban ra kèm tiếng nhạc thúc quân sống sượng, cơ thể Sài Gòn cuộn quặn, đau trong những nỗi niềm của mình mà không có ai tự xưng là chính quyền nhân dân ở đủ gần, có thể cảm nhận được.  

Nhật ký phong thành (số 7): Đời biết ai thương mình

clip_image005

16/07/2021 ~ TUẤN KHANH

Sáng 15-7, Sài Gòn tối đen từ rất sớm. Những cụm mây lớn trải dài khắp các quận huyện dự báo một ngày không nắng. Thành phố đã vắng người, nay lại trĩu nặng và mệt mỏi hơn. Rồi những cơn mưa đổ xuống, không quá lớn nhưng từng cơn, từng cơn nối nhau, đẫm cả một ngày dài. Vài gương mặt thấp thoáng qua cửa số nhìn xuống đường, im lặng. Thi thoảng ai đó vụt qua nhanh, không biết là để tránh cơn mưa, hay để mau đến nơi đã định mà không bị vướng chốt kiểm soát.

Có vẻ như không có gì đáng để lạc quan, vào một ngày mà tin tức về người nhiễm covid-19 mỗi lúc càng nhiều. Cuộc sống dân Sài Gòn bây giờ xoay quanh các trang mạng xã hội, tin tức và sự thật cứ dội lên đó, luôn khác biệt trong đời thường.

“Đọc tin đó chưa?”, “Hay gì chưa?”… những thông điệp như vậy chạy quanh ngày sống của dân Sài Gòn, hiện trên facebook, tiktok, youtube… Cũng may mà có em, đời còn dễ thương, nếu không chỉ xem trên báo chí hay truyền hình nhà nước, đôi khi người dân có thể tự làm thiệt hại tài sản của mình, vì mất kiên nhẫn hay nổi giận.

Có cái gì đó thật bất thường. Khi Bộ Y Tế cho biết chỉ mới có 32 ca tử vong vì covid-19 ở Sài Gòn, nhưng rồi ai đó trong hệ thống lãnh đạo ở Hồ Thành lại sẩy miệng, xác nhận thật ra đã có đến 130 người đã chết. Con số cách biệt lớn quá khiến ai nấy chết lặng. Không thể nói khác được. Chiều 15-7, Bộ Y Tế lập tức lên tiếng nhận lỗi, và nói có “độ trễ trong việc Bộ Y tế công bố số ca tử vong, và cả số ca dương tính, so với địa phương”.

Trên báo Vnexpress, lời giải thích của Bộ Y Tế được ghi lại, là “Việc thông báo từng ca bệnh Covid-19 cần quá trình hoàn thành mã số bệnh nhân, yếu tố dịch tễ, đối với ca tử vong thì cần đưa chính xác nguyên nhân tử vong”.

Thật ra người Sài Gòn cũng không ai quan tâm đến cái kiểu giải thích dông dài – mục đích để thuyết minh rằng lãnh đạo chẳng có ai sai lầm cả – để làm gì. Điều mà người ta nhận thấy, là có cái gì đó bất bình thường trong tin tức về covid-19 đang đưa đến cho người dân. Bạn nghĩ sao? Liệu có chuyện quan chức nào ở Hồ Thành lại dám quên và lỡ miệng nói ra con số thật như vậy? “Có thể giới quan chức ở Sài Gòn không muốn mình phải gánh trách nhiệm theo chỉ thị từ trung ương, nên tự mình xé rào tiết lộ”, một người đọc báo, nhắn bình luận cho tôi.

Ngày 15-7, Việt Nam có đến hơn 37.000 người nhiễm covid-19. Riêng Sài Gòn đến chiều tối đã có đến 1399 ca nhiễm mới. Thứ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Trường Sơn ra tuyên bố khiến ai nấy phải ngẩn người suy nghĩ “Ca nhiễm covid-19 tăng nhanh, do chống dịch đi đúng hướng”. Là sao? Nhưng rồi cũng không ai còn thời gian để tranh cãi với ông Sơn, vì đáng lo hơn, tối khuya ngày 15, báo chí đưa tin ông phó thủ tướng Trương Hòa Bình nói “nếu dịch còn tăng, khó có thể bỏ chỉ thị 16 ở HCM”.

À, vậy là phong tỏa có thể sẽ nối tiếp. Ôi…

Quả là một ngày u ám theo nghĩa đen, lẫn nghĩa bóng. Bất chấp hôm nay, là ngày mà thông tin từ Trang Chính phủ reo lên rằng “HCM cam kết ngày 15-7 chi trả hỗ trợ cho 260.000 lao động tự do, hoàn thành hỗ trợ theo nghị quyết 68 trong tháng 7”.

Thật là ngày vui qua mau, chỉ đến chiều, lại rộ lên những câu chuyện, “tình thương” của chính phủ hình như lọt vào khoảng không, vào những điều chua chát muôn thuở, khiến người nghèo lại thay nhau gào lên tức giận trên các video.

Dân ở hẻm 197, Ấp 4, xã Phước Lộc, Nhà Bè, Thành Hồ gửi đi chứng cứ cả một khu dân cư bị giam hãm hơn 20 ngày vì cách ly chống dịch. Dân ở khu này, phần lớn là lao động tay chân, mỗi ngày chạy hơn chục cây số vào Sài Gòn làm đủ việc kiếm ăn. Từ lượm ve chai, móc cống, phụ hồ… có gì làm nấy, miễn có cơm sống qua ngày. Ai nấy vàng mắt chờ được giúp. Đùng một cái, nghe có hỗ trợ, họ đổ xô đi kiếm trưởng ấp, trưởng xã để hỏi. Đúng ngay lúc đó, họ bắt gặp danh sách “người nghèo” nào đó đã được lập từ trước, và trưởng ấp đang dấm dúi chia cho những người trong danh sách đó. Cả trăm con người khốn khó ở đó, ai cũng bị ra rìa, chỉ có 9-10 người được nhận trong lặng lẽ trơ trẽn. Đó là còn chưa nói, danh sách khó khăn được nhận, trưởng ấp bị bắt gặp đang phát cho chính vợ mình.

Dân bu vô hỏi, thì được giải thích là theo chỉ thị của thành phố, chỉ được phát có bao nhiêu đó thôi. Một bác gái ra trước ống kính, nói giọng Bắc như mới vào Nam “tôi đi mua ve chai đây này, hơn 60 tuổi rồi, mà chẳng nhận được gì. Còn vợ ông Trưởng ấp thì lại nhận đầu tiên”. Những người quanh video không thấy mặt thì thay nhau gào lên. Giọng một người đàn ông khàn đục vang lên, nghe quen thuộc “Đ.M, vậy mà nói giúp đỡ”.

Dân ở đây nói họ tự chạy miếng ăn trong những ngày cách ly, gọi xin, đón người làm từ thiện để nhận quà rồi chia nhau đồng đều. Không ai thấy hỗ trợ nào của nhà nước cả. Nhưng rồi đến khi nghe nói có tiền, chỉ có danh sách nào đó được nhận.

Chuyện của những người dân Nhà Bè không là một sự kiện hiếm hoi đâu. Từ chối trợ giúp ai đó, gần như là một thủ thuật nhuần nhuyễn của giới hành chính địa phương lên danh sách trợ giúp. Chỉ cần hoàn thành việc trao tiền cho một nhóm người nào đó, mang ý nghĩa biểu trưng, thế là sau đó địa phương có thể làm báo cáo là xác nhận đã hoàn thành kế hoạch trợ giúp dân nghèo. Số 9-10 người được nhận tiền ở Nhà Bè, được coi là tổng số khó khăn ghi nhận, và khi sau khi trao tiền, kể như xóa được mọi khó khăn – đã hoàn toàn xóa đói giảm nghèo. Còn cả trăm người khác, là vô nghĩa.

Có rất nhiều lý do khiến một người nghèo bị từ chối giúp đỡ tại Việt Nam. Đầu tiên, bạn sẽ bị hỏi đến căn cước, rồi hộ khẩu hoặc có đăng ký tạm trú tại địa phương. Bạn sẽ phải chứng minh rằng mình rất nghèo, giới thiệu công việc, giới thiệu thu nhập và cần cả người chứng cho lời khai của mình, và chứng minh rằng đang có khoảng thời gian đói khổ – tình trạng ấy, cũng phải có người xác nhận. Cuối cùng, bạn phải có một lá đơn xin, và chờ xét duyệt 3-4 bên: công an, ủy ban, tổ trưởng, nơi làm việc… Cũng như những người ở Nhà Bè, mọi nỗ lực của bạn sẽ bị im lặng cho qua, hoặc may mắn hơn thì được trả lời vỏn vẹn “không đủ tiêu chuẩn”.

Bạn tôi ơi, người nghèo Việt Nam muôn hình vạn trạng. Có những người ăn mặc chào hàng rất tươm tất, khi chiều về thì cẩn thận thay ra, treo lên trong căn nhà trọ tồi tàn của mình để mai lại sắm vai. Có những người nghèo Việt Nam lam lũ, có thể nhìn là biết ngay. Nhưng trong đại dịch này, bìa của cuốn sách, không nói hết được nỗi niềm ẩn chứa trong nó. Khó mà lường hết được.

Ở khu Gò Vấp, sáng hôm qua, một gia đình có cửa hiệu buôn bán nhìn rất khang trang, nay phải đóng cửa, cô vợ mở cửa vừa bước ra, lập tức công an ập vào kết tội là nơi này âm mưu buôn bán trở lại, đòi phạt tiền. Người chồng chạy ra nhìn sững sờ, rồi quỳ sụp xuống lạy công an như tế sao “trời ơi, vợ tôi mở cửa bước ra, chứ có buôn bán gì, làm ơn thương tui đi, tui khổ quá mà”. Tiếng gào khóc nức nở của anh ta như xé toang màn sương mù khiến tay công an phải lùi lại, nhưng bắt lỗi khác “sao không đeo khẩu trang”…

Vậy đó, Sài Gòn hôm nay, Sài Gòn phải trải để biết đời, còn có ai còn thương mình?

image

Văn bản bị lộ của Ủy ban phường 6, quận Gò Vấp

Đã đau yếu, lại còn phải chịu phạt. Sài Gòn tôi ơi. Những tờ biên lai phạt và làm đầy ngân khố quỹ phạt nhanh chóng đầy tính chủ trương ấy, như vặt đi không biết bao mầm sống của người dân, trong cơn khốn khó.

Bất ngờ, ngày 13/7, trên mạng chuyền cho nhau một văn bản bị lộ của Ủy ban phường 6, Quận Gò Vấp về chuyện ra lệnh kín cho mọi nhân viên mặc áo công lực phải ra sức, mỗi ca phải phạt cho được 20 người. Một ngày ở phường này, có 6 ca trực. Tức một ngày phải phạt cho được 120 người. Ai nấy sửng sốt. Hóa ra, có cả một chủ trương mang tính hệ thống “vặt” người dân cho đầy ngân sách của chính quyền. Dân tình chửi bới không ngớt lời, đến mức cuối ngày 13/7, Quận Gò Vấp phải nói qua loa cải chính, rút lại văn bản này.  Mặc dù dân chúng tức giận, nhưng chủ tịch phường 6 chẳng bị khiển trách gì, ngoài chuyện rầy rà chút xíu để lộ vì nội dung cơ mật thôi.

Hết nói nổi, giữa đại dịch này, việc bòn cho được những đồng tiền xương máu của dân chúng, lại là chủ trương hành chính, nhân danh lệnh phong tỏa. Sao lại có kiểu người cầm quyền điên loạn trục lợi trên nhân dân mình theo kiểu lấy mỡ nó rán nó: Dùng số tiền phạt đó, có thể thay số ngân quỹ cần xuất ra bồi dưỡng cho các ca trực (lại còn thừa nữa chứ). Người dân nào kém may mắn sẽ chi trả tiền canh chốt, và chung tay chống dịch, làm giàu thêm ngân quỹ của cơ quan địa phương.

Hành động đó, thời vua Gia Long, gọi là nhũng lạm, có thể bị xử roi, bãi quan, tù hoặc đi đày biệt xứ.

Chỉ còn biết cầu nguyện cho những người đang băng mình trên đường, với những điều không thể nào sẻ chia được sự “cần thiết” của mình. Nhất là khi họ phải nhốt mình ở nhà, còn các loại hỗ trợ của chính quyền ở rất xa, còn rất lâu. Xin cầu nguyện cho những người như D. ,đứa em nghĩa hiệp mãi mãi không bao giờ chứng minh được sự “chính đáng” của mình trên đường, sẽ bình an qua tháng ngày nhiễu nhương này.

Share this post

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on print
Share on email

Leave a Reply