QUÀ TẶNG

Trong khi uống cà phê sáng, tôi đọc hai cuốn sách.

Mà tôi nhận được, tình cờ trong cùng một lúc, hai cuốn sách đã được nghe nói tới. Cuốn Đất nhớ người thương của nhà văn Nguyễn Minh Nữu do tác giả gửi tặng và cuốn Đất mồ côi của nhà văn Cố Viên, tức Tạ Duy Anh, do một người bạn từ xa gửi tặng. Cả hai đều là đất!

Đất thì ở đâu cũng có nhưng trên đời có gì quý hơn nó nữa không?

Cuốn Đất nhớ người thương là một bút ký của nhà văn Nguyễn Minh Nữu do nhà xuất bản Nhân Ảnh in tại Hoa Kỳ, tranh bìa của Trương Vũ và chân dung tác giả của họa sĩ Trần Nho Bụi, trình bày trang trong Nguyễn Thành.

Mở đầu sách tác giả ghi hai câu:

Đất ta đến khi xa thành đất nhớ

Người hữu duyên khi gặp hóa người thương

Trong tập sách này tác giả viết về các nhân vật mà anh có dịp gặp gỡ quen biết, từ Bùi Công Bằng đến Trần Nho Bụi, từ Hoàng Kim Oanh đến Trần Hoài Thư. Các nhân vật trong lĩnh vực văn chương, hội họa, âm nhạc, hoạt động xã hội. Nguyễn Minh Nữu có một lối viết giản dị trong sáng, chân phương. Đọc anh thấy được tình cảm sống động, chân thực, những kinh nghiệm và gặp gỡ quý báu trên đời, những nhận xét tự nhiên, dí dỏm mà thâm trầm. Tác giả có một kiến thức rộng rãi về nhiều mặt như khi anh viết về Hoàng Khởi Phong hay Nguyễn Thụy Đan. Khi viết về những kỉ niệm riêng tư, những nơi chốn, quán cà phê, một thành phố như trong Thương quá Sài Gòn ngày trở lại hay Thu ơi là thu, cây bút của anh thật tài hoa, đậm đà, duyên dáng.

Đất mồ côi của Cố Viên là một tác phẩm hoàn toàn khác. Đó là một cuốn tiểu thuyết với tranh bìa của Doãn Hoàng Kiên, chân dung tác giả vẽ bởi nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, được Nhà xuất bản Hội nhà văn in năm 2020. Cuốn tiểu thuyết dày bốn trăm trang này có mười lăm chương và những lời viết thêm, tiêu biểu cho bút pháp của Tạ Duy Anh, thế sự, trữ tình, phê phán, vô cùng hài hước. Đó là một thứ hài hước sang trọng, tuy không phải bao giờ cũng hiền lành. Ngôn ngữ của anh sáng mạch lạc, câu văn thường ngắn, sử dụng một lối nói có tính trào phúng và phóng đại. Hình ảnh của anh trong truyện rất lạ, vừa thật vừa ma quái, nhiều ẩn dụ đẹp. Hãy đọc một vài câu:

“Từ xa nhìn lại, những người dân của cụ cố vẫn có thể thấy chiếc mả giống như một ngôi sao khổng lồ vừa sa xuống đất.

Một trong những người ra về sau cùng, lúc ấy vẫn còn ở tuổi thiếu niên, chính là ông nội tôi sau này. Ông là người trực tiếp đạp hai đứa con gia đình hủi xuống huyệt, khi chúng cứ nhất định bám vào vách hố để trèo lên.”

Chú ý hình ảnh của cậu bé- ông nội, và cách mô tả nửa là của ông nội nửa là của tác giả- cháu, cách dùng các chữ modifiers “trực tiếp”, “nhất định”.

Cả hai cuốn sách tôi đều chưa đọc xong, nên không dám lạm bàn lung tung. Xin cám ơn nhà văn Nguyễn Minh Nữu, tác giả và người tặng sách Đất nhớ người thương. Xin cám ơn nhà văn Cố Viên Tạ Duy Anh, và người bạn đã tặng sách Đất mồ côi, gởi từ nơi xa xôi, một trong những cuốn tiểu thuyết lớn của văn học đương thời.

Nguyễn Đức Tùng

Share this post

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on print
Share on email

Leave a Reply