NGƯỜI TÌNH

ALICE MUNRO

CUỘC ĐỜI YÊU DẤU

Người dịch: Nguyễn Đức Tùng

Starting May 1, 2014

Chú thích:

  • Nguyên văn Anglican Church.
  • Nguyên văn Methodist, một giáo phái thuộc Tin lành lấy lời giảng của John Westley làm căn bản.
  • Thư viện Carnegie là một hệ thống thư viện được xây dựng bởi sự đóng góp tiền bạc của nhà đại tư bản hảo tâm Andrew Carnegie nổi tiếng, được xây dựng từ năm 1883 đến 1929. Có hàng ngàn ở Hoa Kỳ, hàng trăm ở Anh và Ái Nhĩ Lan, khoảng 125 ở Canada.
  • Nguyên văn the Presbyterian church ( giáo hội các trưởng lão).
  • Nguyên văn Milady the Minister, có thể là một lối chơi chữ của Milady de Winter, thường gọi là Milady, một nhân vật tiểu thuyết của Alexandre Dumas, cha , truyện xảy ra năm 1625 ở Pháp. Điệp viên của Hồng y tên là Richelieu.

“Thật là chuyện không tốt khi dồn hết tiền bạc vào một gia đình, như cách chúng ta làm ở đây bây giờ,” ông Carlton nói. “Tôi muốn nói là, với những cô bé như Corrie con gái của tôi ở đây. Thí dụ, tôi muốn nói là giống như nó. Không tốt. Không ai ở trên cùng một cấp độ.”

Corrie ngồi bên kia bàn, nhìn người khách của họ, nhìn vào mắt. Có lẽ cô bé nghĩ đó là chuyện vui.

“Nó sẽ lấy ai làm chồng?” Cha cô tiếp tục. “Nó đã hai mươi lăm tuổi rồi đấy.”

Corrie nhướn lông mày lên, nhăn mặt.

“Ba quên tính một năm,” cô nói. “Hai mươi sáu tuổi mới đúng.”

“Cho con nói nữa đi,” người cha bảo. “Cứ cười đi.”

Corrie cười phá lên, và thực sự là, cô ta có thể làm gì khác nữa? Người khách tự hỏi. Tên anh ta là Howard Ritchie, và chỉ lớn hơn Corrie vài tuổi thôi, nhưng đã có vợ và gia đình hẳn hoi, như cha cô đã biết được ngay.

Vẻ mặt của Corrie thay đổi rất mau. Cô có một hàm răng trắng bóng, một mái tóc ngắn uốn lượn, gần như đen bóng. Gò má hồng hào. Không phải là một người phụ nữ dịu dàng. Không phải da thịt tròn trịa trắng trẻo, là điều khiến người cha sẽ nhắc tới. Ông Ritchie nghĩ về cô như một loại thiếu nữ suốt ngày chơi gôn và quần vợt. Mặc dù cô có miệng lưỡi nhanh nhảu, anh vẫn mong rằng tư tưởng của cô thì thuần thục cổ truyền.

Anh là một kiến trúc sư, cũng vừa mới bắt đầu sự nghiệp gần đây. Ông Carlton lúc nào cũng nhấn mạnh rằng ông là một kiến trúc sư về nhà thờ, vì vào lúc ấy ông đang coi sóc việc bảo tồn một cái tháp chuông của nhà thờ Anh giáo (1) trong thị trấn. Một cái tháp chuông gần như sắp đổ cho đến khi ông Carlton tới cứu kịp nó. Ông không phải là một người Anh giáo – ông nói rõ điều đó trong một vài lần. Ông thuộc về nhà thờ Giám lý, Tin lành (2), và là một người giám lý đến tận xương tủy, vì vậy ông không hề để rượu trong nhà. Nhưng một nhà thờ có kiến trúc xinh đẹp như nhà thờ Anh giáo kia không nên để sụp đổ. Không thể hy vọng gì vào những người thuộc Anh giáo – họ là giai cấp nghèo khổ của những người Tin lành Ái Nhĩ Lan, những người chỉ có thể phá cái tháp chuông đi và dựng lên ở đó một thứ gì đó làm hỏng cả mỹ quan thành phố. Họ không có tiền, tất nhiên, và họ cũng không hiểu tại sao lại cần một kiến trúc sư, hơn là cần một người thợ mộc. Một kiến trúc sư chuyên về nhà thờ.

Phòng ăn thì tồi tàn, ít nhất là trong ý tưởng của Howard được xây dựng từ những năm 1950 nhưng mọi thứ trông có vẻ như thuộc về đầu thế kỷ hai mươi. Thức ăn thì chỉ tàm tạm được thôi. Người ngồi ở đầu bàn nói chuyện luôn mồm. Bạn nghĩ là cô bé sẽ cảm thấy mệt mỏi lắm, nhưng thật ra lúc nào cô cũng luôn miệng cười. Trước khi kết thúc món tráng miệng, cô châm một điếu thuốc. Cô đưa mời cha một điếu, nói, khá lớn, “Đừng lo chi, ba ơi.” Người cha nhận lấy điếu thuốc, nhưng không vì thế mà nghĩ tốt hơn.

Một cô tiểu thư nhà giàu bị nuông chiều quá sức. Sắp hư hỏng.

Ra khỏi điều đau buồn, cô gái hỏi cha mình ông nghĩ sao về thủ hiến tỉnh bang Saskatchewan, ông Tommy Douglas.

Người cha nói rằng vợ ông ủng hộ vị thủ hiến. Thực ra vợ ông không tin rằng ông Douglas kia có lập trường thiên tả đủ mạnh, nhưng ông không muốn lao vào mấy chuyện chính trị.

“Ba yêu thích ông thủ hiến ấy. Ba là một người cộng sản.”

Câu nói ấy khiến người cha khịt mũi, nhưng không làm cô dừng lại.

“Còn nữa, ba cười phá lên khi ông ta nói chuyện tếu,” cô bảo.

Sau đó, cô gái đưa Howard ra ngoài để xem xét vạt đất. Ngôi nhà nằm ở bên đường đối diện với hãng làm giày cho công nhân và ủng cho đàn ông.  Đằng sau ngôi nhà, mặc dù vậy, có những thảm cỏ rộng và một dòng sông uốn quanh bao bọc thị trấn. Có một con đường mòn đi xuống bờ sông. Cô đi trước, và anh vừa đủ thấy điều làm trước đây anh không chắc lắm. Cô đi cà nhắc một bên chân.

“Liệu có một lối đi lên dốc khi chúng ta trở lại?” Anh hỏi.

“Tôi không phải là kẻ tàn tật.”

“Tôi biết, tôi nhìn thấy cô có cả một cái thuyền chèo,” anh nói ngụ ý xin lỗi.

“Tôi sẽ đưa anh đi chơi nhưng không phải bây giờ. Bây giờ chúng ta phải nhìn cảnh mặt trời lặn.” Cô chỉ tay về một cái ghế cũ trong bếp mà cô nói là dùng để ngồi ngắm mặt trời lặn, và yêu cầu anh ngồi xuống đó. Còn cô thì ngồi trên cỏ. Suýt nữa anh đã hỏi là liệu cô đứng dậy có được không, nhưng nghĩ sao lại thôi.

“Tôi bị mắc bệnh bại liệt từ nhỏ,” cô nói. “Tất cả là thế. Mẹ tôi cũng mắc bệnh ấy, và bà đã mất.”

“Thật là đáng buồn.”

“Tôi nghĩ vậy. Tôi không thể nhớ được mẹ tôi. Tôi sắp đi Ai Cập tuần tới. Tôi rất thích đến đó, nhưng bây giờ tôi lại không ham muốn lắm nữa. Anh có nghĩ là chuyến đi sẽ vui không?”

“Tôi phải làm việc để sống đã.”

Anh lấy làm thích về điều mình vừa nói, và tất nhiên nó làm cô im lặng không cười nữa.

“Tôi sẽ nói chuyện về những vấn đề tổng quát,” cô nói một cách dõng dạc khi tiếng cười khúc khích của cô đã tắt.

“Tôi cũng thế,” anh bảo.

Có một kẻ săn đuổi số phận kỳ quái đang làm thay đổi cô, một người Ai Cập hoặc tương tự. Cô vừa tỏ ra dũng cảm vừa trẻ con. Mới đầu, một người đàn ông có thể bị cô làm cho nổi tính hiếu kỳ, nhưng rồi tính thẳng thắn của cô, tính tự mãn của cô, nếu quả thật đó là những tính cách thật, sẽ làm cho kẻ ấy mệt mỏi. Tất nhiên, còn chuyện tiền bạc, và đối với một số người, chuyện ấy thì không bao giờ mệt mỏi.

“Anh không được nói gì về cái chân của tôi trước mặt ba tôi đấy nhé, nếu không ông sẽ nổi đóa,” cô bảo. “Có lần ông đã đuổi việc không phải chỉ một thằng bé trêu ghẹo tôi mà cả gia đình nó. Tức là, ngay cả những đứa anh em họ của nó.”

Từ Ai Cập có những bưu thiếp lạ lùng được gởi lại, ở địa chỉ công ty, chứ không phải ở nhà riêng. Tất nhiên, vì làm sao cô có thể biết địa chỉ riêng của anh được?

Không có hình cái tháp. Không có cả cái đầu con nhân sư.

Thay vào đó là một tấm bưu thiếp chụp hình tảng đá Gibraltar với một dòng chữ ghi chú rằng đó là một cái tháp đã bị sụp đổ. Một tấm bưu thiếp khác có hình một cánh đồng bằng phẳng nâu sẫm, chỉ có Chúa mới biết ở đâu, và mấy chữ, “Biển trầm cảm.” Có một lời nhắn khác được viết bằng chữ in rất đẹp: “Kính lúp có thể mua được, xin gởi tiền.” May thay không ai trong văn phòng làm việc biết chúng có nghĩa gì.

Anh không có ý định trả lời, nhưng rồi anh lại trả lời: “Kính lúp bị tì vết, làm ơn trả tiền lại.”

Anh lái xe tới thị trấn của cô để xem xét một cách không cần thiết cái gác chuông nhà thờ, biết chắc rằng cô đã trở về từ những cái tháp Ai Cập nhưng không biết cô có ở nhà hay đi ra ngoài chơi đâu đó.

Cô ở nhà, và có lẽ sẽ ở lâu. Cha cô bị xuất huyết não.

Không có nhiều việc lắm để cô làm. Một người y tá đến thăm hai ngày một lần. Và một cô gái tên Lillian Wolfe thì trông coi việc lò sưởi, lúc nào cũng bật đèn đỏ lên khi chàng Howard tới. Dĩ nhiên cô cũng làm những việc khác của mình. Corrie không biết cách để giữ lò sưởi cháy mãi hay chuẩn bị thịt nấu ăn; không biết đánh máy chữ, không biết lái xe ngay cả với một đôi giày đặc biệt chế riêng cho cô. Howard làm tất cả mọi thứ khi anh tới. Anh coi sóc ngọn lửa, xem xét tất cả ngôi nhà chung quanh, và ngay cả được dẫn tới thăm cha của Corrie, nếu ông già có thể tiếp anh.

Anh không chắc lắm anh phải làm thế nào đối với cái chân, lúc họ nằm trên giường. Nhưng rồi trông cũng dễ thôi, cái chân trông đặc biệt, hơn tất cả những phần khác của cô. Cô nói với anh rằng cô không phải là một trinh nữ, nhưng rồi điều đó trở thành một nửa sự thật phức tạp, do sự can thiệp của một người thầy giáo dạy dương cầm khi cô được mười lăm tuổi. Cô đã nghe theo lời của ông thầy dạy nhạc, làm những gì ông ta muốn, vì cô cảm thấy thật tội nghiệp cho những người thèm muốn một điều gì.

Đừng nghĩ rằng đó là sự phạm tội, cô nói giải thích rằng cô đã không còn tiếp tục cảm thấy tội nghiệp cho người khác theo kiểu đó nữa.

Anh cũng hy vọng thế.

Rồi anh có những chuyện cũng muốn kể cho cô nghe về mình. Chuyện anh dùng một cái bao cao su không có nghĩa là anh là một người thường đi săn đuổi các cô gái. Thật ra cô là người thứ hai mà anh có quan hệ, người thứ nhất chính là vợ anh ta. Anh lớn lên trong một gia đình tin tưởng vào đạo Chúa và đến nay vẫn còn tin ở Chúa, một mức độ nào đó. Anh ta giữ điều đó như bí mật của riêng mình không cho vợ biết, người lúc nào cũng chế giễu niềm tin ấy, vì là một kẻ thiên tả cực kỳ.

Corrie nói cô cảm thấy an lòng về những điều họ đang làm – họ vừa mới làm xong – không làm anh bối rối, bất chấp tín ngưỡng của anh ấy. Cô nói rằng cô thì không có một phút nào dành cho Thượng đế, bởi vì cha cô đã đủ để cho cô phải lo lắng rồi.

Không có gì khó khăn đối với họ cả. Công việc của Howard thường buộc anh phải đi đây đó khi thì một cuộc xem xét hiện trường vào ban ngày hay gặp gỡ một người khách. Lái xe từ Kitchener tới nơi cô cũng không xa lắm. Và giờ đây Corrie ở nhà một mình. Cha cô đã chết, và đứa bé gái trước đây làm việc cho cô nay đã đi ra thành phố tìm việc. Corrie đã cho phép nó, còn cho nó tiền để học các lớp đánh máy, mong cho nó có một đời sống tốt đẹp.

“Mày quá thông minh, làm việc dọn dẹp trong nhà thì uổng quá,” cô bảo con bé. “Ta muốn coi mày làm việc có khá hơn ở nơi khác không.”

Liệu con bé Lillian có dùng tiền để đi học các lớp đánh máy hay vào việc khác thì không ai biết, nhưng nó tiếp tục làm người giúp việc trong nhà ở nơi khác. Họ phát hiện ra điều ấy khi Howard và vợ anh được mời đi ăn tối cũng với những người khác nữa ở nhà một trong những người quan trọng ở Kitchener. Thì Lilllian đứng đó ngay trước bàn ăn, mặt nhìn mặt với người đàn ông mà nó đã gặp ở trong nhà của Corrie. Người đàn ông mà nó gặp tay choàng qua lưng Corrie khi nó bước vào phòng để lấy chén dĩa đi hay để sửa lại lò sưởi. Những cuộc trò chuyện chứng tỏ rõ ràng rằng người vợ hôm nay của anh ta bên bàn ăn cũng chính là người vợ vào thời gian ấy.

Howard bảo anh không nói cho Corrie biết về bữa tiệc tối, vì anh hy vọng rằng nó chẳng quan trọng chi. Người chủ nhà và vợ người chủ nhà của bữa tiệc không phải là bạn bè thân thiết gì của Howard hay vợ anh ta. Chắc chắn không phải là của vợ anh ta, người cười cợt về những lập trường chính trị của người chủ nhà sau đó. Bữa tiệc chỉ là một dịp gặp gỡ có tính giao tế. Và khung cảnh ngôi nhà không phải là nơi mà những kẻ ăn người ở trong nhà ngồi tán chuyện tầm phào với bà chủ.

Đúng là không phải. Lillian bảo nó cũng chẳng có thói quen ngồi lê đôi mách với ai. Con bé nói thế trong một bức thư. Nó không quan tâm đến bà chủ trong chuyện này. Nó quan tâm đến vợ của anh ấy. Liệu bà ấy có muốn biết thêm thông tin gì nữa không mới là cách nó đề cập. Bức thư được gởi tới địa chỉ văn phòng của anh, một địa chỉ mà con bé đủ thông minh để tìm ra. Nhưng nó cũng biết cả địa chỉ nhà ở riêng của anh nữa. Nó đã điều tra. Nó cũng nói rõ như thế và cũng nhắc đến chuyện chiếc áo choàng của vợ anh với cái cổ bằng lông cáo bạc lóng lánh. Cái áo choàng làm vợ anh có phần bực bội, và cô phải nói cho người khác biết rằng thật ra cô kế thừa cái áo ấy chứ không phải mua nó. Mà đó là sự thực. Nhưng cô vẫn thích mặc nó trong một vài dịp, như dạ tiệc, để làm cho cô được ngang bằng với những người mà cô cũng không biết cần họ vào việc gì.

“Tôi rất không thích làm tan vỡ trái tim một người đàn bà đáng yêu với cái áo khoác cổ lông chồn bạc như thế,” con bé Lillian viết thêm.

“Làm thế nào mà con Lillian biết được cái cổ áo lông chồn bạc từ một cái lỗ trên mặt đất?” Corrie nói, khi anh cảm thấy cần phải đem chuyện này nói lại với cô. “Anh có chắc là nó nói thế không?”

“Anh chắc chắn.”

Anh đã đốt cái thư đi lập tức sau khi xem, cảm thấy như mình bị lây bệnh từ trang giấy.

“Vậy là con bé đã học khôn ra nhiều,” Corrie nói. “Lúc nào em cũng nghi ngờ nó xảo quyệt. Hay là giết quách nó cho xong?”

Anh không mỉm cười trước lời bông đùa, vì vậy cô đổi giọng nghiêm trang, “Em chỉ đùa thôi mà.”

Dạo ấy vào tháng tư, nhưng trời còn khá lạnh, bạn muốn nhen lò sưởi. Cô đã có ý định làm việc ấy, suốt cả bữa tối, nhưng dáng vẻ lạ lùng, sầu muộn của anh ngăn cô lại.

Anh bảo cô rằng vợ anh thật ra không muốn tới dự bữa tiệc ấy. Đó chẳng qua là một sự xui xẻo khốn nạn.

“Lẽ ra anh nên nghe lời khuyên của cô ấy,” Corrie nói.

“Thế mới nói,” anh bảo. “Đó là điều tệ hại nhất đã xảy ra.”

Cả hai bây giờ nhìn đăm đăm vào khung chắn lò sưởi màu đen. Anh chỉ chạm tay vào người cô có một lần, lúc chào khi mới tới.

“Ồ, không phải,” Corrie nói. “Chưa phải là điều tệ hại nhất. Không.”

“Không?”

“Không,” cô nói. “Chúng ta có thể đút tiền cho nó. Chắc không nhiều lắm đâu.”

“Anh không có  – ”

“Không phải anh. Em có tiền.”

“Ồ, không được.”

“Được chứ.”

Cô đã gắng nói chuyện rất nhẹ nhàng, nhưng lòng cảm thấy lạnh giá. Nếu anh vẫn nói không thì sao? Không, anh không thể để em làm thế được. Không, đó là một dấu hiệu chứng tỏ chúng ta phải dừng lại ở đây. Cô biết chắc rằng có một điều gì đó trong giọng nói của anh, và trên khuôn mặt. Tất cả những tội lỗi. Quỷ quái.

“Không phải là chuyện bận tâm đối với em,” cô nói. “Và ngay cả khi anh có thể giải quyết được, anh cũng sẽ không làm. Anh cảm thấy đang lấy đi một khoản tiền khỏi ngân khoản của gia đình – sao anh có thể làm vậy được?”

Gia đình. Cô lẽ ra không nói ra điều ấy. Chưa bao giờ nói ra chữ ấy.

Nhưng gương mặt của anh rõ ràng đã sáng ra. Anh nói, “Không, không.” Nhưng có một sự ngờ vực trong giọng nói. Và rồi cô nhận ra rằng mọi chuyện sẽ êm xuôi. Sau một lúc anh đã có thể trò chuyện một cách thực tiễn và nhớ thêm một điều khác nữa từ bức thư. Phải là tiền mặt, anh bảo. Con bé không chịu nhận chi phiếu.

Anh nói, không ngẩng đầu lên, như đang nói về một việc kinh doanh. Tiền mặt càng tốt với Corrie. Chúng không làm cô phải dính dấp vào vụ này.

“Tốt thôi,” cô bảo. “Đó không phải là khoản tiền quá sức lớn, dù sao đi nữa.”

“Nhưng con bé sẽ không biết về chuyện chúng ta không xem đó là món tiền lớn,” anh cảnh giác.

Một cái hộp thư được sắp xếp dưới tên của Lillian. Những xấp tiền giấy đặt trong một phong bì, bên ngoài ghi rõ gởi cho nó, đặt ở đó hai lần một năm. Ngày tháng sẽ được chính con bé thông báo. Không bao giờ được trễ một ngày. Nếu không, như chính nó nói, nó sẽ bắt đầu lấy làm lo lắng.

Anh cũng không chạm tới người Corrie, trừ những lúc tỏ vẻ biết ơn, khi nào cũng tạm biệt một cách nghiêm trang. Chuyện này phải hoàn toàn tách ra khỏi mối quan hệ riêng tư giữa hai chúng ta, là điều dường như anh muốn nói rõ. Chúng ta sẽ bắt đầu mới mẻ từ đầu. Chúng ta sẽ bắt đầu cảm thấy như thể chúng ta không làm ai tổn thương. Chẳng làm chi sai cả. Đó là điều anh muốn diễn tả trong một thứ ngôn ngữ không nói ra. Trong ngôn ngữ riêng của mình, cô lại muốn tỏ ra hơi hài hước, nhưng cố gắng ấy không đi tới đâu cả.

“Như vậy là chúng ta đã đóng tiền cho việc học của con bé Lillian – trước đây nó không bao giờ khôn ngoan như vậy.”

“Chúng ta không muốn nó khôn ranh hơn nữa. Đòi nhiều tiền hơn.”

“Chúng ta phải đi qua cái cầu mà chúng ta đã đặt chân lên. Mặt khác chúng ta có thể dọa nó rằng sẽ đi báo cảnh sát. Ngay cả bây giờ.”

“Nhưng như thế thì sẽ chấm dứt mọi chuyện giữa anh và em,” anh nói. Anh đã chào tạm biệt nhưng ngoảnh đầu lại. Họ đang đứng dưới cổng vòm gió thổi.

Anh nói, “Anh không thể chấp nhận được việc chấm dứt chuyện của hai chúng ta.”

“Nghe anh nói thế em thật lấy làm vui,” Corrie nói.

Thời gian tới thật nhanh ngay cả khi họ chẳng nói gì về nó. Cô đã bỏ tiền mặt vào phong bì. Anh kêu lên một tiếng nhỏ ra vẻ ghê tởm, nhưng sau đó nó lại biến thành một tiếng thở dài cam chịu, như thể đang bị ai nhắc nhở về một việc vặt phải làm.

“Có phải thời gian sắp tới rồi không.”

“Lúc này chứ đâu?”

“Tiền bạc khốn nạn của con Lillian,” Corrie muốn nói thế, và mặc dù anh không quan tâm lắm đến cách bày tỏ, anh cũng đã quen rồi nói như thế với chính mình. Mới đầu cô hỏi rằng liệu anh có gặp lại con Lillian hay không, nếu như có một bữa dạ tiệc nào khác dành cho anh ở chỗ ấy.

“Họ không phải là thứ bạn bè đặc biệt kiểu ấy,” anh nhắc nhở cô. Anh cũng không mấy khi gặp lại những người bạn ấy nữa, không biết liệu Lillian có còn làm ở đấy không.

Corrie cũng không gặp lại con bé. Những người thân của nó sống ở vùng thôn quê, và nếu Lillian tới thăm họ, họ cũng không mấy khi dẫn nhau đi mua sắm trong thị trấn này, nơi mọi thứ đang xuống dốc nhanh chóng. Chẳng có mua bán gì trên đường phố chính, ngoại trừ một tiệm tạp hóa mở cửa suốt ngày, nơi người ta tới để mua những tấm vé số và những đồ dùng thông thường, một tiệm bán đồ gỗ, với những chiếc bàn và ghế sô pha đứng bên cửa sổ suốt năm này qua năm khác, và những cánh cửa dường như chẳng bao giờ mở ra – và có thể sẽ chẳng bao giờ mở cả cho đến khi người chủ tiệm qua đời ở Florida xa xôi.

Sau khi cha của Corrie mất, tiệm bán giày đã được mua lại bởi một công ty lớn, công ty này có hứa – như cô tin – sẽ giữ tiệm hoạt động. Thế nhưng chỉ trong một năm, tòa nhà hoang vắng, những dụng cụ bị đem tới một thị trấn khác, trong tiệm chẳng còn gì, trừ một vài đồ dùng lặt vặt cũ rích ngày trước dùng để làm ủng và giày. Corrie đã từng có dự định thành lập một cái bảo tàng nhỏ, kỳ lạ để trưng bày những thứ ấy. Cô có thể làm được việc ấy và là người hướng dẫn du khách, mô tả những dụng cụ đã được dùng. Thật ngạc nhiên là cô đã trở nên rất hiểu biết, nhờ vào những bức ảnh mà cha cô để lại, những bức ảnh dùng để minh họa cho cuộc nói chuyện nào đó mà có lẽ ông đã trình bày – được đánh máy một cách tồi tệ – cho học viện phụ nữ khi họ học về nền công nghiệp địa phương. Vào cuối mùa hè Corrie đã hướng dẫn cho vài người khách từ xa. Cô chắc rằng mọi thứ sẽ bắt đầu khá lên trong năm tới, sau khi cô đã để một tấm bảng hiệu ở trên xa lộ và viết một đoạn giới thiệu trong tờ quảng cáo du lịch bỏ túi.

Vào đầu mùa xuân một buổi sáng cô ngồi nhìn qua cửa sổ và thấy một số người lạ mặt tới kéo sập ngôi nhà xuống. Thì ra bản khế ước mà cô nghĩ là cô có thể dùng tòa nhà lâu bao nhiêu cũng được miễn là tiền thuê nhà được trả đã không cho phép cô được trưng bày tất cả những vật dụng mình tìm thấy, bất kể chúng được xem là không giá trị thế nào. Không nghi ngờ gì nữa những thứ đồ dụng cụ cổ xưa này là tài sản của cô, và trong thực tế cô rất may mắn không phải bị lôi ra tòa, một khi công ty mua nhà kia – đã có một lúc xem ra đầy thiện ý giúp đỡ – phát hiện ra chuyện cô đang làm.

Nếu Howard không mang gia đình đi châu Âu mùa hè trước, lúc cô bắt đầu dính líu vào dự án này, anh đã có thể xem qua bản hợp đồng cho cô và cô đã khỏi phải trải qua nhiều rắc rối như bây giờ.

Thôi đừng bực mình nữa, cô nói thế khi đã bình tĩnh lại, và chẳng bao lâu sau lại tìm ra được một niềm hứng thú khác.

 Bắt đầu với việc cô tự nghĩ ra rằng cô thật chán căn nhà lớn lao trống rỗng kia – cô muốn ra khỏi đây và cô đặt một tấm bảng quảng cáo ở cửa thư viện cuối phố.

Đó là một tòa nhà bằng gạch đỏ xinh xắn, dễ trông coi, và, là một thư viện Carnegie (3), không dễ gì có thể bán đổ bán tháo đi, mặc dù rất ít người còn sử dụng nó – không xứng đáng để trả lương cho một quản thủ thư viện.

Corrie tới đó mỗi tuần hai lần, mở khóa và tới ngồi sau cái bàn của người quản thủ. Cô quét bụi những giá sách nếu cảm thấy thích, bắt phôn gọi một vài người có tên trong danh sách đã mượn sách của thư viện cần trả. Đôi khi những người cô điện thoại tới bảo rằng họ chưa bao giờ nghe tới tên của cuốn sách – có lẽ đã được mượn bởi một bà dì hay một bà ngoại đã đọc chúng và đã chết rồi. Cô liền nói về việc sở hữu của thư viện và đôi khi cuốn sách bỗng dưng được tìm thấy trong hộp đựng sách trả lại.

Chỉ có một điều không được dễ chịu lắm khi ngồi trong thư viện là tiếng ồn. Do Jimmy Cousins, người cắt cỏ quanh tòa nhà thư viện, bắt đầu trở lại gần như ngay lập tức sau khi công việc vừa kết thúc vì anh ta chẳng có việc gì khác để làm. Vì vậy cô thuê anh để cắt cỏ ở nhà riêng – một việc cô thường tự làm lấy để tập thể dục, nhưng thật ra cơ thể cô không cần việc tập ấy và cô cũng vụng về khiến chuyện cắt cỏ chẳng bao giờ kết thúc.

Howard lấy làm phiền muộn với những thay đổi của cô. Anh ít tới hơn, nhưng mỗi khi tới lại ở lâu hơn. Anh sống ở Toronto, mặc dù vẫn làm việc cùng một công ty. Mấy đứa con anh đều đã lớn, trong tuổi thiếu niên hay đã vào đại học, mấy đứa con gái học giỏi, nhưng những đứa con trai thì không được khá lắm như anh ao ước nhưng những đứa con trai đều thế cả. Vợ anh làm việc toàn thời gian và đôi khi nhiều hơn nữa trong văn phòng một chính khách của tỉnh. Lương của cô thì thấp đến mức gần như không có gì nhưng cô rất hài lòng. Hài lòng hơn tất cả những thời gian trước mà anh biết.

Mùa xuân vừa rồi anh dẫn cô đi du lịch Tây Ban Nha, như món quà sinh nhật bất ngờ cho vợ. Corrie không nhận được tin gì của anh trong khoảng thời gian ấy. Có lẽ anh chẳng thú vị gì việc thư cho cô trong những ngày du lịch quà sinh nhật. Anh không thích làm như vậy và cô cũng không muốn anh làm thế.

“Anh cứ nghĩ rằng chỗ của em là nhà từ đường,” Corrie nói sau khi anh trở về, và anh bảo, “Đúng thế chứ.” Anh thích mọi thứ trong những căn phòng lớn rộng, với những trần nhà trang trí và những gờ tường tối, ảm đạm. Có một sự rầu rĩ lớn lao về những thứ ấy. Nhưng anh có thể nhìn ra chúng thì khác đối với cô, rằng cô cần phải ra khỏi nơi đây một lúc. Họ bắt đầu thực hiện những chuyến đi ngắn, rồi những chuyến đi dài hơn, ngủ lại qua đêm trong những lữ liếm – mặc dù không bao giờ quá một đêm – và ăn trong những tiệm ăn khá sang trọng.

Họ không bao giờ gặp phải những người quen biết. Mặc dù đôi khi họ cũng rơi vào tình huống ấy – họ biết chắc thế. Giờ đây mọi thứ đã khác, dù họ chẳng biết tại sao. Có phải vì họ không còn ở trong hoàn cảnh nguy hiểm nữa, ngay khi nó có thể xảy ra?  Mọi người có thể đã gặp họ, hoặc chưa gặp bao giờ, không hề nghi ngờ gì về cặp tình nhân tội lỗi. Anh có thể đã giới thiệu cô như một người chị em bà con, cố không để lại ấn tượng sâu xa gì – mối quan hệ mờ nhạt mà thỉnh thoảng anh trở lại. Anh có những người bà con mà vợ anh chẳng bao giờ muốn biết. Và ai lại đi hẹn hò với một cô nàng tuổi bắt đầu xế bóng với một bàn chân khập khiễng? Không ai lưu giữ ký ức gì về chuyện ấy để phun nó ra vào giây phút nguy hiểm.

Chúng ta lại gặp chàng Howard ở bờ biển với cô em gái, phải thế không? Anh ta trông khỏe mạnh. Cô em bà con, hình như thế. Đi cà nhắc?

Mấy chuyện ấy hoàn toàn không đủ để tạo ra rắc rối.

Họ vẫn tiếp tục làm tình, tất nhiên. Đôi khi với sự thận trọng, tránh một bả vai đau, một đầu gối cọ xát. Lúc nào họ cũng giữ những cử chỉ ước lệ, và vẫn tiếp tục như thế, thỏa mãn vì chẳng cần đến những kích thích màu mè làm chi. Đó chỉ là việc dành cho những cặp vợ chồng chính thức.

Đôi khi Corrie ứa nước mắt, giấu mặt vào ngực người yêu.

“Đó là vì chúng ta quá may mắn,” cô nói thế.

Cô chưa bao giờ hỏi, rằng anh có hạnh phúc không, nhưng anh có ám chỉ rằng anh cảm thấy thế. Anh nói rằng anh đã phát triển những ý tưởng bảo thủ, hoặc ít hy vọng hơn, về công việc của mình. (Cô tự nghĩ thầm rằng thật ra lúc nào anh cũng bảo thủ.) Anh học lớp dạy đàn dương cầm, trước sự ngạc nhiên của vợ con. Có một sở thích riêng thuộc loại ấy khi có vợ là một điều tốt thôi.

“Em chắc thế,” Corrie nói.

“Anh không có ý nói rằng – ”

“Em biết mà.”

Một ngày nọ – tháng chín – Jimmy Cousins bước vào thư viện bảo cô rằng anh ta không thể cắt cỏ ngày hôm ấy. Anh ta phải tới nghĩa địa và đào huyệt. Cho một người nào đó từng sống quanh đây, Jimmy bảo.

Corrie, một ngón tay còn đặt giữa trang sách của cuốn “Chàng Gatsby tuyệt vời”, hỏi tên của người nọ. Cô bảo thật là lạ lùng bao nhiêu người tới đây – hoặc thể xác của họ – với yêu cầu này và quan tâm đến những người thân của mình theo kiểu ấy. Họ có thể đã sống suốt đời ở thành phố, gần hoặc xa và rõ ràng hài lòng với những nơi chốn ấy. Thế mà khi về cuối đời lại không thích ở đó nữa. Những người già đều có ý tưởng ấy.

Jimmy bảo rằng đây không phải là một người già. Họ là Wolfe. Tên thì anh không nhớ.

“Không phải là Lillian chứ? Không phải là Lillian Wolfe?”

Nhưng anh bảo là đúng.

Và cuối cùng tên nó đã được tìm thấy, trong một tờ báo địa phương, mục thư viện, mà Corrie chưa bao giờ đọc. Lillian đã chết ở Kitchener vào tuổi bốn mươi sáu. Cô ta sẽ được chôn bởi nhà thờ “Xức dầu thánh”, tang lễ tổ chức lúc hai giờ chiều.

Ồ.

Đó là một trong hai ngày trong một tuần mà thư viện mở cửa. Corrie không thể đi được.

Nhà thờ Xức dầu thánh là một nhà thờ mới trong thị trấn. Chẳng có gì phát triển ở đây ngoại trừ những thứ mà cha cô đã từng gọi là các thứ tôn giáo tào lao. Cô có thể nhìn thấy tòa nhà từ cửa sổ thư viện.

Cô đứng ở cửa sổ lúc hai giờ, trông thấy một đám người khá đông lần lượt đi vào.

Thời bây giờ người ta không phải đội mũ khi vào dự lễ, dù đàn ông hay đàn bà.

 Làm sao để kể cho anh? Một lá thư gởi tới văn phòng, chắc phải vậy. Cô có thể gọi điện thoại, nhưng như thế phản ứng của anh sẽ rất thận trọng, thực tế là vậy, rằng một nửa của mối lo về chuyện của họ đã không còn nữa.

Cô trở lại với cuốn tiểu thuyết Gatsby, nhưng thật ra cô chỉ đọc mặt chữ mà thôi, cảm thấy lo lắng. Cô đóng cửa thư viện và bước ra phố.

Người ta luôn nói rằng thị trấn này cũng giống như một đám ma vậy, nhưng thực ra khi có một đám tang thực sự, thị trấn bỗng trở nên sống động hơn. Cô được người khác lưu ý như thế, khi đứng nhìn quang cảnh, cách xa một dãy phố, những người đưa tang từ từ đi ra từ cánh cửa nhà thờ, dừng lại để trò chuyện, thoải mái hơn sau nghi lễ nghiêm trang. Và rồi, trước sự ngạc nhiên của cô, nhiều người đi vòng quanh, qua lối cửa bên để vào lại nhà thờ.

Tất nhiên. Cô đã quên rồi. Sau buổi lễ, sau khi chiếc quan tài đã đóng nắp lại và được đặt lên xe tang, trừ những người thân đi theo và chứng kiến cảnh đặt người qua đời xuống huyệt mộ, những người khác đều tiến về phía ăn uống nghỉ ngơi. Có một phòng đợi trong khuôn viên nhà thờ, phòng học lớp chủ nhật và một cái bếp phục vụ khách.

Cô chẳng thấy lý do nào để không tham dự vào đám khách này.

Thế rồi đến phút cuối cùng cô lại đổi ý và bước qua khỏi khu vực ấy.

Quá trễ. Một người đàn bà gọi tên cô rất lớn – hoặc hoàn toàn chẳng có vẻ gì là trong một đám tang – từ một cánh cửa nơi những người khác vừa lọt vào.

Người đàn bà ấy nói với cô, tiến lại gần, “Chúng tôi không thấy cô ở trong buổi lễ.”

Corrie không thể đoán ra được người đàn bà kia là ai. Cô nói rằng cô lấy làm tiếc không thể dự buổi lễ nhưng cô phải mở cửa thư viện.

“Ồ, tất nhiên rồi,” người đàn bà nói, nhưng đã quay lại hỏi ý một người khác đang mang một chiếc bánh ngọt.

“Có đủ chỗ trong tủ lạnh cho cái bánh không?”

“Anh không biết, em yêu à, em phải tới nhìn thôi.”

Corrie đã tưởng rằng những người phụ nữ dự lễ tất cả đều ăn mặc giống nhau khi cô nhìn thấy những người đứng chào ở cửa mặc áo dài cài hoa. Ngày chủ nhật tuyệt vời, nếu không phải là một tang lễ tuyệt vời. Nhưng có thể ý tưởng của cô về một ngày chủ nhật cũng không còn hợp thời nữa. Một số phụ nữ ở đây đang mặc quần tây, cũng như cô vậy.

Một người đàn bà khác mang cho cô một miếng bánh ngọt có gia vị trên cái dĩa bằng nhựa.

“Chắc chị đã đói lắm rồi,” bà ta nói. “Mọi người cũng thế.”

Một người phụ nữ trước đây đã từng là thợ cắt tóc của Corrie bảo, “Tôi có nói với mọi người là thế nào cô cũng tới. Tôi bảo họ là cô không thể tới sớm được trước khi đóng cửa thư viện. Tôi cũng nói thật là đáng tiếc nếu cô không tới dự tang lễ được. Tôi bảo thế mà.”

“Một buổi lễ tuyệt diệu,” một người đàn bà khác nói. “Chị phải có một tách trà sau khi ăn bánh ngọt xong.”

Và cứ thế. Cô không thể nhớ được tên của bất cứ ai. Nhà thờ Thống nhất và giáo hội Trưởng lão (4) vẫn còn hoạt động; nhà thờ Anh giáo đã đóng cửa từ lâu. Có phải đây là nơi mọi người đã từng tới dự lễ không?

Chỉ có một người phụ nữ ở chỗ tiếp tân là tỏ ra quan tâm cũng như Corrie, và cũng mặc đồ tang lễ như Corrie dự đoán. Một cái áo dài màu tử đinh hương xám yêu kiều và một cái mũ đội mùa hè màu xám mát dịu.

Cô ta được dẫn tới để gặp Corrie. Một chuỗi ngọc trai thật khiêm tốn lấp lánh quanh cổ.

“Ồ, vâng.” Cô ta nói với một giọng nhỏ nhẹ, vui vẻ ở mức mà buổi tang lễ cho phép. “Chắc chị phải là Corrie. Cô Corrie mà tôi đã nghe tiếng từ lâu. Mặc dù chúng ta chưa hề gặp, tôi cảm thấy như tôi đã biết chị rồi. Nhưng chị thì có thể thắc mắc không biết tôi là ai.” Cô ta nói một cái tên chẳng có nghĩa gì với Corrie. Rồi lắc đầu và cười gần như tỏ ý ân hận.

“Lillian làm việc cho chúng tôi từ lúc cô ta tới Kitchener,” người đàn bà bảo. “Mấy đứa trẻ yêu mến nó lắm. Rồi những đứa cháu của chúng tôi nữa. Bọn chúng đều yêu mến Lillian. Lạy Chúa. Ngày nào cô ta nghỉ việc tôi liền biến thành một người giúp việc thay thế cho Lillian rất vụng về. Tất cả chúng tôi đều thương mến cô ta, thực sự là thế.”

Cô ta nói thế một cách bối rối nhưng vui vẻ. Đó là cái cách mà một người phụ nữ như cô phải tỏ ra, tự chế nhạo mình một cách duyên dáng. Cô ta đã có thể lưu tâm đến Corrie như một người duy nhất trong phòng có thể nói cùng một ngôn ngữ và không chỉ dừng lại ở những lối nói bên ngoài.

Corrie bảo, “Tôi không hề biết rằng Lillian đã mang bệnh.”

“Lillian nhuốm bệnh rất mau,” người đàn bà đang cầm ấm trà nói, định rót thêm trà vào ly của người phụ nữ mang chuỗi ngọc, người này xin phép từ chối.

“Mọi chuyện xảy ra quá nhanh hơn cả với người già,” người đàn bà với ấm trà nói. “Cô ta ở trong bệnh viện bao lâu?” Cô hỏi một cách hơi đe dọa.

“Tôi đang cố nghĩ. Mười ngày thì phải?”

“Ngắn hơn thế nữa, tôi có nghe. Và ngắn hơn nữa khi người ta đi quân để loan tin cho mọi người.”

“Lillian giữ kín mọi chuyện của nó.” Đó là câu từ bà chủ nhà, vẫn nói giọng dịu dàng nhưng giữ nguyên ý kiến của mình. “Cô ấy không phải là người hay đi làm phiền người khác đâu.”

“Không, cô ta không phải thế,” Corrie nói.

Vào lúc ấy, một người phụ nữ trẻ, đẫy đà, miệng mỉm cười, đi tới và tự giới thiệu là nữ mục sư của nhà thờ.

“Có phải mọi người đang trò chuyện về Lillian không?” Mục sư hỏi. Cô lắc đầu ngạc nhiên. “Lillian được Chúa thương. Lillian là một người rất hiếm.”

Mọi người đồng ý. Kể cả Corrie.

“Em rất nghi ngờ bà mục sư gián điệp (5) kia,” Corrie viết thư cho Howard, trong một bức thư dài cô sắp xếp sẵn trong đầu trên đường về nhà.

Tối hôm ấy cô ngồi xuống và khởi thảo bức thư, mặc dù không thể gởi đi ngay – Howard đi chơi hai tuần lễ trong căn lều mùa hạ ở Muskoka cùng với gia đình. Mọi người đều có vẻ rất bực bội, như anh có bảo cô trước – vợ anh ở chỗ không có chính trị, anh ở chỗ không có đàn dương cầm – nhưng lại không sẵn lòng từ bỏ các thói quen của mình.

“Tất nhiên, thật là tầm thường khi nghĩ rằng số tiền mà Lillian tích cóp được của chúng ta có thể xây nên một nhà thờ,” Corrie viết trong thư. “Nhưng em đảm bảo rằng con bé đã xây một cái gác chuông. Đó là một cái gác chuông rất xấu xí. Em chưa bao giờ nghĩ đến một kiểu gác chuông giống như một chiếc bánh kem chúc xuống. Mất lòng tin ở Chúa nằm ngay trong đó chứ đâu, phải thế không? Họ không biết nhưng họ tuyên bố ra như thế.”

Cô vò bức thư đi và viết lại, với lối hành văn vui vẻ hơn.

“Những ngày tống tiền chúng ta đã qua. Tiếng chim cúc cu gáy đã vang lên trên xứ sở chúng ta.”

Cô chưa bao giờ nhận ra gánh nặng đặt lên vai cô, cô viết trong thư, nhưng giờ đây cô đã nhận ra rồi. Không phải chuyện tiền bạc – như anh có thể biết rõ. Cô không quan tâm mấy đến tiền bạc và dù sao số tiền ngày càng mất giá khi thời gian trôi qua, dù Lillian có vẻ không nhận ra điều ấy. Đó chính là cảm giác bực bội, không bao giờ thấy an toàn, gánh nặng trên tình yêu lâu dài của họ làm cô không hạnh phúc. Cô có cảm giác ấy mỗi lần đi ngang qua hộp thư ở bưu điện.

Cô tự hỏi có cách nào anh có thể nghe được tin tức trước khi thư của cô đến. Khó có thể. Anh chưa đến lúc ngồi đọc tin buồn trên báo hàng ngày.

Vào tháng hai và một lần nữa vào tháng tám mỗi năm cô bỏ những tờ giấy bạc đặc biệt vào trong phong bì và anh nhét cái phong bì vào túi áo của mình. Sau đó anh ngồi đếm những tờ giấy bạc và đánh máy tên của Lillian lên phong bì trước khi bỏ nó vào hộp thư của cô ta.

Câu hỏi là liệu có khi nào anh nhìn vào hộp thư để biết là số tiền gởi vào mùa hè đã được lấy đi rồi không? Lillian vẫn còn sống cho tới khi Corrie chuyển tiền nhưng chắc chắn không cách nào có thể mò tới hộp thư được. Chắc chắn là không.

Chỉ một thời gian ngắn trước khi Howard đi nghỉ ở căn nhà mùa hè, Corrie gặp anh và việc chuyển tiền được thực hiện. Cô ngồi nghĩ hình dung chính xác điều gì xảy ra. Liệu anh có đủ thì giờ để coi kỹ hộp thư trước khi bỏ phong bì vào hay là anh đi thẳng tới kỳ nghỉ của mình mà chẳng để tâm. Đôi khi ở kỳ nghỉ trong căn nhà mùa hè anh tìm được thời giờ viết một bức thư cho Corrie. Nhưng không phải lần này.

Corrie vào giường nằm ngủ khi bức thư vẫn chưa viết xong.

Và thức dậy sớm, khi bầu trời đã rạng sáng, dù mặt trời chưa lên.

Lúc nào cũng có một buổi sáng bạn nhận ra chim chóc bay đâu hết cả.

Cô biết một điều gì đó. Cô phát hiện ra chuyện ấy trong giấc ngủ của mình.

Không có một tin tức nào để báo cho anh cả. Không tin tức, bởi vì chưa bao giờ có.

Không có tin tức gì về Lillian bởi vì Lillian không còn là mối bận tâm nữa và cô ta chưa bao giờ là mối bận tâm. Không có hộp thư ở bưu điện, bởi vì tiền bạc vào thẳng một chương mục nào đó hoặc đơn giản là vào một cái ví. Những món chi tiêu thông thường. Hay là một cái trứng ở trong lưới. Một cuộc du lịch tới Tây Ban Nha. Ai mà biết? Những người có gia đình, có nhà nghỉ mùa hè, có con phải dạy dỗ, có hóa đơn phải trả nợ – họ không phải suy nghĩ nhiều về chuyện làm sao để xài hết số tiền ấy. Thậm chí cũng không cần giả đò gọi là món trúng xổ số. Không cần phải giải thích.

Corrie thức dậy mặc áo quần thật nhanh và đi qua các phòng kể chuyện với từng bức tường và từng bàn ghế về ý tưởng mới của mình. Một cái hố rộng được đào xuống, khắp nơi, sâu nhất trong lồng ngực của cô.  Cô pha cà phê nhưng không uống. Cô lại ngồi trong phòng ngủ của mình, và thấy mình lặp lại lời kể chuyện ấy một lần nữa, một lần nữa.

Đoạn ghi chép ngắn nhất, còn bức thư bị ném đi.

“Lillian đã chết, chôn ngày hôm qua.”

Cô gởi thẳng tới văn phòng của anh, việc ấy giờ đây chẳng hề hấn gì. Gởi bằng thư đặc biệt ư, ai cần?

Cô tắt máy, không nghe điện thoại, để khỏi phải chờ đợi khổ sở. Sự im lặng hoàn toàn.  Cô có thể sẽ không nghe tin tức gì nữa, từ đây.

Nhưng một bức thư tới ngay, cũng không dài hơn thư của cô.

“Mọi thứ nay tốt rồi, vui vẻ lên. Rất sớm.” Đó là cách mà họ rời bỏ chuyện ấy. Quá trễ để làm được một điều gì khác. Trong khi tình hình có thể tệ hơn nữa, rất tệ hơn.

Share this post

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on print
Share on email

Leave a Reply