KIÊU HÃNH

ALICE MUNRO

CUỘC ĐỜI YÊU DẤU

Người dịch: Nguyễn Đức Tùng

Starting May 1, 2014

Một ai đó đã làm mọi chuyện hỏng. Tôi biết giải thích làm sao? Tôi muốn nói, có những người mà chuyện nào xảy ra cũng trái ngược với ý định của họ – ba lần cố gắng, hai chục lần cố gắng, cho một chuyện – mà rồi họ lại bình an. Phạm những lỗi lầm rất sớm – đi tiểu trong quần lúc học lớp hai chẳng hạn – rồi sống hết cuộc đời họ trong một thị trấn như nơi chúng tôi ở, nơi mà chẳng thứ gì bị người ta quên mất (bất cứ thị trấn nào cũng giống như thế) thế mà họ vẫn tiếp tục sống bình thường, lúc nào cũng tỏ ra nồng nhiệt và vui vẻ, sẵn sàng tuyên bố với mọi người và thành thật nghĩ rằng họ chẳng muốn đánh đổi một nơi nào trên thế giới với nơi cư trú của họ bây giờ.

Với những người khác, thì không phải vậy. Họ chẳng đi đâu cả nhưng bạn ước gì họ đi cho khuất mắt. Cũng vì lợi ích của họ mà thôi, bạn có thể nói thế, họ đã từng đào những cái lỗ cho mình thời còn trẻ dại – mặc dù không được rõ ràng bằng những kẻ làm ướt quần trong lớp học kia – họ vẫn tiếp tục như thế đào mãi, nhiều khi nói quá lên rằng có một cơ hội ở đó mà họ không hay biết.

Nhưng mọi chuyện đã thay đổi, tất nhiên. Có những người cố vấn sẵn sàng, lúc nào cũng tử tế và hiểu biết. Đối với một số người, đời sống có thể khó khăn hơn, họ được bảo như thế. Không phải lỗi tại họ, ngay cả sự bất hạnh cũng chỉ là tưởng tượng mà thôi. Chẳng qua là người đón nhận cú đánh của số phận ấy cảm nhận.

Nhưng bất cứ một vật nào cũng có thể dùng vào một việc gì đó, nếu bạn muốn thế.

Oneida không đi học cùng với chúng tôi. Tôi muốn nói là chẳng có gì xảy ra ở đó cả để chuẩn bị cho cô ấy đi vào cuộc đời. Cô tới trường nữ, một trường tư thục, mà tôi không nhớ tên, nếu như tôi đã từng biết nó. Ngay cả trong mùa hè nó cũng ít khi ở gần đâu đây. Tôi tin rằng gia đình của Oneida có một căn nhà đâu đó ở cạnh hồ Simcoe. Họ có nhiều tiền – rất nhiều. Họ không thể được xếp vào bất kỳ người nào trong thị trấn cả kể cả những người thượng lưu ở đây.

Oneida là một cái tên không quen thuộc – cho đến bây giờ cũng thế – và ở đây không gây ra một âm hưởng gì. Đó là một cái tên của người da đỏ. Sau này tôi mới biết. Có thể đó là sự chọn lựa của mẹ nó. Người mẹ qua đời khi Oneida còn ở tuổi dậy thì. Tôi nhớ là ba của nó gọi nó bằng tên khác, Ida.

Tôi từng có tất cả những thứ giấy tờ, một đống giấy tờ lịch sử thị trấn mà tôi đang sắp xếp. Nhưng có những khoảng trống không lấp đầy được. Không có những giải thích đầy đủ tại sao tiền bạc lại đi đâu mất. Mặc dù vậy chuyện ấy cũng không cần thiết. Những lời đồn đại có thể giải thích mọi chuyện vào lúc ấy. Ngay cả những lời đồn đại cũng theo gió bay đi, bằng cách nào cũng không ai biết.

Cha của Ida làm giám đốc ngân hàng. Vào thời ấy những người đứng đầu ngành ngân hàng thường đến và đi, có lẽ người ta di chuyển họ trước khi họ trở nên quá thân mật với khách hàng. Nhưng gia đình Jantzen lại ở trong thị trấn quá lâu, không có quy luật nào chi phối họ cả, chẳng biết tại sao ông Horace Jantzen có một vẻ ngoài của người sinh ra giữa quyền lực. Một bộ râu trắng rất dày, mặc dù dựa theo các hình ảnh, thời trước thế chiến thứ nhất để râu không phải là một cái mốt, một người rất cao, có bụng đẫy đà và một dáng vẻ khá nặng nề.

Trong những năm ba mươi khó khăn, người ta vẫn có những ý tưởng táo bạo. Những nhà tù được mọc lên khắp nơi để giam giữ những người chạy dọc theo đường tàu xe lửa, nhưng ngay cả một số họ, bạn có thể biết chắc rằng đang nuôi dưỡng những ý tưởng táo bạo biến họ thành triệu phú một ngày.

Một triệu đô la vào thời ấy đúng là một triệu đô la.

Người tới nhà băng trò chuyện với ông Horace Jantzen không phải là một gã lang thang vô định. Chẳng ai biết được hắn có phải là kẻ độc thân hay một đồng ngũ. Có thể là một người lạ hoặc bạn của một người bạn.  Mặc áo quần sang trọng, vẻ ngoài dễ nhìn, bạn có thể biết chắc như thế. Horace đánh giá người khác trước hết bằng bề ngoài và ông ta không phải là một kẻ ngốc, mặc dù có thể không nhanh nhẹn lắm nhận ra mùi vị của một con chuột. 

Ý tưởng mà người ấy đem lại là việc tái tạo một chiếc xe chạy bằng hơi nước, như thường thấy vào đầu thế kỷ hai mươi. Horace Jantzen có thể đã từng có một chiếc như vậy và lấy làm thích thú lắm. Kiểu xe ấy có thể được cải tiến, tất nhiên, và có một lợi thế lớn về sự tiết kiệm chứ không phải chỉ là thủ đoạn làm tiền.

Tôi không được rõ lắm về các chi tiết, vì thời ấy đang học ở trường trung học. Nhưng tôi hình dung những lời đồn đại ra ngoài, sự nồng nhiệt, sự nhạo báng, và tin tức đi qua những nhà kinh doanh từ Toronto, từ Windsor hay từ Kitchener đã bắt đầu vang đây đó. Một vài ý tưởng phiêu lưu, người ta nói thế. Có người thì tự hỏi họ có ai ủng hộ không.

Có, họ có sự ủng hộ, bởi vì ngân hàng đã cho họ mượn tiền. Đây là quyết định của ông Jantzen và người ta không rõ lắm ông có thực bỏ tiền túi của mình ra hay không. Ông có thể đã làm như thế, nhưng sau này mới rõ ông đã nhúng tay vào quỹ của ngân hàng một cách phi pháp, gần như chắc chắn rằng ông ta sẽ có khả năng trả tiền lãi cho chủ nợ mà không ai hay biết. Có thể vào thời ấy luật pháp không chặt chẽ như bây giờ. Người ta đã thuê một số người và có một khu chuồng trại trống được dọn dẹp để làm nơi thử nghiệm máy móc. Nhưng bây giờ trí nhớ của tôi bắt đầu mờ loạn, vì tôi vừa tốt nghiệp trường trung học, và nghĩ tới chuyện đi kiếm tiền nếu có thể. Vật chướng ngại của tôi, ngay cả khi mở miệng ra rồi, không cho phép tôi làm những nghề phải trò chuyện nhiều, vì vậy tôi đành lòng làm công việc giữ sổ sách, và thế là tôi phải ra khỏi thị trấn để thực tập ở một hãng nọ vùng Goderich. Khi tôi trở về nhà câu chuyện về chiếc xe chạy máy hơi nước đã trở thành sự chế nhạo của người khác, còn những người đã từng ủng hộ nó thì biến đâu mất cả. Những người đến thị trấn làm việc cho nó cũng biến đâu mất.

Ngân hàng mất rất nhiều tiền .

Người ta nói là có một sự quản lý tồi tệ hơn là sự lừa đảo. Một ai đó cần phải bị trừng phạt. Bất cứ một giám đốc ngân hàng nào cũng có thể bị trừng phạt, nhưng Horace Jantzen là một chuyện khác, và điều đó cần tránh đi. Việc xảy ra đối với ông ta còn tệ hơn thế. Ông được thuyên chuyển tới làm một chức quản lý nhà băng nhỏ ở làng Hawksburg, khoảng sáu dặm phía xa lộ. Trước lúc ấy không có một quản lý nhà băng nào cả, vì nó không cần một người nào hết. Chỉ có một người thu ngân trưởng và một người thu ngân, cả hai đều là phụ nữ.

Tất nhiên ông có thể từ chối, nhưng sự kiêu hãnh, như người ta có thể nghĩ tới, đã chọn cách khác. Sự kiêu hãnh chọn lựa, khiến cho ông ta phải lái xe mỗi buổi sáng sáu dặm tới ngồi phía sau một cái tường nửa kín nửa hở gồm những tấm ván ghép lại rẻ tiền, chứ chẳng phải là một văn phòng gì cả. Ông ta cứ ngồi như thế và chẳng làm gì hết cho đến giờ phải ra về.

Người lái xe chở ông về nhà chính là con gái của ông. Và một lúc nào đó trong những năm lái xe chở cha mình đi đi về về, tên của cô đã từ Ida biến thành Oneida. Cuối cùng cô cũng phải làm một điều gì đó. Cô cũng không phải săn sóc nhà cửa, bởi vì họ cũng không để cho bà Birch ra đi. Đó là một cách nói mà thôi. Thực ra cũng có thể chưa bao giờ họ trả tiền lương cho bà gia nhân này đủ để bà ta có một khoản tiền mà ra đi, rời bỏ căn nhà bắt đầu nghèo khó kia, nếu quả thật có lúc người ta cũng để bà ra đi.

Nếu tôi hình dung ra Oneida và cha cô trên những chặng đường đi đi về về từ nhà đến chỗ làm việc mới, tôi thấy ông ngồi ở băng ghế sau và con gái ngồi phía trước như một tài xế chuyên nghiệp. Có thể vì ông người to lớn quá không ngồi phía trước cùng băng với cô được. Hoặc bởi vì bộ râu cũng cần có một chỗ của nó. Tôi không hình dung ra Oneida đau khổ chi, và cha của cô bé cũng không tỏ ra đau khổ. Sự cao quý là điều ông ta có, và có đầy đủ. Cô con gái thì có điều khác. Khi cô tới một tiệm tạp hóa hay ngay cả khi đi trên đường lúc nào cũng có một khoảng cách xung quanh cô, để cô sẵn sàng đổi hướng hay để cô có thể chào hỏi người khác. Oneida bối rối nhưng tỏ ra biết ơn một cách duyên dáng, sẵn sàng cười phá lên về bản thân mình hay về hoàn cảnh mà cô lâm vào. Tất nhiên cô có một dáng vẻ xinh đẹp, cái nhìn sáng láng, tóc và da đẹp. Thật là kỳ lạ cảm giác của tôi, cảm thấy tội nghiệp cho cô ta, cái cách mà cô đi lại trên tất cả những thứ ấy, lòng đầy tin tưởng.

Hãy tưởng tượng ra tôi, tội nghiệp cho một người khác.

Chiến tranh bắt đầu và tiếp diễn, và mọi thứ thay đổi trong một đêm. Những kẻ lang thang không còn chạy theo sau những đoàn tàu hỏa. Công việc bộn bề, những chàng trai trẻ không còn phải đi kiếm việc làm hay đứng nhờ quá giang xe nhưng xuất hiện khắp nơi trong những bộ đồng phục ka ki hay màu xanh nhạt. Mẹ tôi nói rằng tôi may mắn, và tôi tin rằng bà nói đúng nhưng bảo mẹ tôi rằng bà đừng nên nói chuyện ấy bên ngoài. Sau thời gian tập sự tôi trở về nhà, kiếm việc làm được ngay với công việc ở siêu thị Krebs, giữ sổ sách. Tất nhiên có thể nói rằng tôi tìm được việc làm khá dễ vì mẹ tôi cũng làm việc ở đó, trong bộ phận khác, nhưng cũng vào dịp tình cờ, Kenny Krebs, người quản lý trẻ tuổi, gia nhập không quân và hy sinh trong một chuyến bay tập luyện.

Đó là một thời gian đầy những điều đáng kinh ngạc, những khó khăn, nhưng có một năng lượng dồi dào ở khắp nơi của mọi người hăng hái lên với tiền đầy trong túi. Tôi cảm thấy cách ly với những chàng thanh niên cùng lứa tuổi nhưng điều ấy không phải là mới mẻ. Và cũng còn những kẻ đồng hội đồng thuyền khác. Con trai của những người chủ nông trại được miễn dịch, ở nhà coi sóc mùa màng và gia súc. Tôi biết một vài người cũng nhận được giấy miễn dịch mặc dù có những người thuê mướn giúp việc. Tôi biết rằng nếu ai hỏi tôi tại sao tôi không phục vụ quân ngũ, đó chỉ là một lời nói đùa. Và tôi sẵn sàng trả lời rằng tôi phải lo lắng cho những sổ sách. Sổ sách của tiệm Krebs và những tiệm khác nữa. Phải coi chừng những con số. Thời đó phụ nữ chưa được phép làm công việc ấy. Ngay cả vào lúc kết thúc chiến tranh, khi người ta bắt đầu làm như thế. Đối với những công việc cần rất nhiều sự chính xác và tin cậy, mọi người tin rằng bạn cần một người đàn ông.

Đôi khi tôi cũng tự hỏi mình, tại sao một người bị tật sứt môi, nhưng lại được vá lại rất khéo nếu không muốn nói là rất nghệ thuật, và một giọng nói tuy hơi có chút quái lạ nhưng hoàn toàn hiểu được, lại có thể được miễn dịch? Chắc là tôi đã từng có một thứ giấy tờ gì đó, chắc là tôi đã từng đến bác sĩ để xin một giấy miễn dịch, thực ra tôi không thể nhớ được. Hay là vì tôi đã quá quen với việc được miễn khỏi một số công việc này nọ, đã thành thói quen, và tự nhiên nghĩ như thế?

Có thể tôi đã từng dặn mẹ tôi đừng nói gì cả về những chuyện ấy, nhưng những điều bà nói cũng chẳng có nhiều trọng lượng lắm với tôi. Lúc nào mẹ tôi cũng nhìn về phía tốt đẹp nhất. Tôi biết những chuyện khác nhưng không phải do mẹ tôi nói ra. Tôi biết rằng bởi vì dị tật bẩm sinh của tôi mà mẹ tôi không dám có một đứa con nào nữa và đã để mất một người đàn ông, người phải lòng bà, khi mẹ tôi bảo ông ta rằng bà không muốn có con. Nhưng tôi cũng không cảm thấy hối tiếc gì về chuyện ấy cho cả hai chúng tôi. Tôi không thể thương tiếc một người cha đã chết trước khi tôi biết mặt ông, hay bất cứ một cô gái bồ bịch nào mà tôi có thể có nếu tôi có bộ mặt khác, hay tiếc nuối bộ dạng kiêu hãnh của một người bước vào chiến tranh.

Mẹ tôi và tôi có những thức ăn yêu thích cho bữa ăn tối, chương trình phát thanh chúng tôi yêu thích, và lúc nào cũng mở đài BBC nước ngoài  nghe tin tức trước khi đi ngủ. Mắt mẹ tôi sáng lên khi nghe đức vua hay thủ tướng Winston Churchill nói chuyện. Tôi đưa bà đi xem cuốn phim Bà Miniver, và bà hết sức cảm động. Những vở kịch làm phong phú cuộc đời chúng tôi, những thứ hư cấu và những thứ có thật. Cuộc rút lui về Dunkirk, cách hành xử anh hùng của gia đình hoàng tộc Anh, những cuộc dội bom ở Luân Đôn đêm này qua đêm khác và đồng hồ lớn Big Ben (1) vẫn còn rung những hồi chuông gióng giả báo tin buồn. Những chiếc tàu chiến bị đánh đắm ngoài khơi và thê thảm hơn nữa, một chiếc tàu dân sự, một chiếc phà, chìm ở giữa Canada và Newfoundland, gần bờ biển chúng tôi.

Đêm ấy tôi không ngủ được và đi dọc đường phố của thị trấn. Tôi nghĩ về những người bị chìm xuống đáy biển. Những người già gần giống như mẹ tôi, đang ngồi đan may. Một vài đứa trẻ đang bị đau răng. Những người khác trải qua nửa giờ cuối cùng của cuộc đời họ than phiền về chứng say sóng. Tôi có một cảm giác lạ lùng nửa hoảng sợ và nửa kia – nếu tôi có thể diễn tả được gần giống – một thứ phấn chấn rợn người. Tất cả mọi vật biến mất, sự bình đẳng – tôi phải nói như thế – sự bình đẳng, đột ngột, của những người như tôi và còn bất hạnh hơn tôi, và những người tương tự như thế.

Tất nhiên cảm giác này biến mất khi tôi bắt đầu làm quen với nhiều thứ khác dần dà trong suốt cuộc chiến tranh. Những cái mông khỏe mạnh trần truồng, những cái mông già gày nheo, tất cả họ bị lùa vào những phòng hơi ngạt.

Hoặc nếu nó không biến mất, thì tôi đã học cách đè nén xuống.

Tôi bỗng nhiên gặp lại Oneida trong những năm đó, và để tâm đến hành trạng của cô. Chắc tôi đã làm thế. Cha cô chết ngay trước ngày chiến thắng của Đệ nhị thế chiến, một thứ lẫn lộn giữa ngày tang lễ và niềm vui mừng chiến thắng và hòa bình, có vẻ kỳ quặc. Cũng tương tự thế đối với mẹ tôi, chỉ một mùa hè năm sau, khi mọi người bắt đầu nghe đến việc ném bom nguyên tử. Mẹ tôi chết một cách bất ngờ ở nơi công chúng, trong chỗ làm việc, chỉ sau khi bà vừa nói, “Tôi phải ngồi xuống nghỉ một lát đã.”

Cha của Oneida sống lặng lẽ không ai thấy hoặc nghe tin tức gì trong những năm cuối đời ông. Trò chơi đố chữ ở làng Hawksburg đã qua, nhưng Oneida xem ra còn bận rộn hơn nữa. Hoặc có thể bạn có cảm giác mọi người đều bận rộn, khi bạn phải theo dõi việc sổ sách ghi chép khẩu phần và gửi thư đi nhận thư về.

Và trong trường hợp của Oneida, còn là việc săn sóc một ngôi nhà to lớn, bây giờ cô ta phải làm một mình.

Cô ta chặn đường tôi lại một ngày kia và bảo rằng cô muốn nhờ tôi một lời khuyên về việc bán nó đi. Cái nhà. Tôi nói rằng tôi không phải là người mà cô nên hỏi ý kiến. Cô bảo rằng có lẽ tôi không phải là một người như thế, nhưng vì cô biết tôi. Tất nhiên cô không biết tôi nhiều hơn là biết những người trong thị trấn, nhưng cô năn nỉ mãi, và tới cả nhà tôi để trò chuyện. Cô lấy làm ngưỡng mộ việc tôi tự sơn lấy nhà, cách sắp xếp bàn ghế trong nhà, và nhận xét rằng những thay đổi như thế có lẽ đã giúp an ủi tôi trong niềm thương tiếc mẹ.

Sự thật là thế, nhưng người ta không ai lại rút ra kết luận và nói ngay ra thế như Oneida.

Tôi không quen với việc vui chơi giải trí, vì vậy tôi không mời cô đồ ăn thức uống chi, chỉ đưa ra những lời khuyên nghiêm túc và cẩn trọng về việc bán nhà, không ngớt nhắc nhở cô rằng tôi chẳng phải là chuyên viên gì cả.

Rồi cô ta làm ngay và gác ngoài tai mọi thứ tôi khuyên. Cô bán ngôi nhà ngay trong lần trả giá đầu tiên và bán nó chính là vì người mua nhà đã thổ lộ ngay rằng ông ta yêu nơi chốn ấy và rất muốn xây đắp tổ ấm gia đình ở nơi đó. Ông ta là người cuối cùng ở trong thị trấn mà tôi có thể đặt lòng tin, dù có con hay không có con, và giá nhà thì bị trả rẻ đến mức tội nghiệp. Tôi phải nói ngay với cô ấy. Tôi bảo rằng trẻ con sẽ biến cái nhà thành một đống hỗn độn, và Oneida nói rằng trẻ con sinh ra là để làm thế. Tất cả đều chạy lòng vòng phá phách, trái ngược với tuổi thơ của chính cô. Thực tế là, bọn trẻ chẳng có cơ hội nào để làm thế, bởi vì gã mua nhà kia đã kéo sập ngôi nhà xuống và xây lên đó một tòa nhà chung cư, bốn tầng, với một cầu thang máy, và biến cái sân thành bãi đậu xe. Một tòa cao tầng đầu tiên trong thị trấn này. Oneida đến gặp tôi trong trạng thái kinh hoàng khi mọi chuyện đang bắt đầu và hỏi xem liệu cô ta có thể làm một điều gì về chuyện này không – tuyên bố rằng tòa nhà ấy là một di sản quá khứ, hoặc kiện ra tòa người bán nhà vì đã thất hứa về một lời hứa chưa bao giờ được viết xuống giấy. Cô lấy làm kinh ngạc rằng một người có thể làm như thế. Một người đi nhà thờ đều đặn.

“Tôi sẽ không làm thế,” cô ta bảo, “tôi chỉ biết mỗi việc là đi lễ ngày Giáng sinh.”

Rồi cô lắc đầu và cười phá lên.

“Đồ điên khùng,” cô nói. “Lẽ ra tôi phải lắng nghe lời khuyên của anh, đúng không?”

Cô sống trong một nửa cái nhà thuê mướn khá xinh xắn vào thời gian ấy nhưng than phiền rằng lúc nào cô cũng nhìn thấy cái nhà bên kia đường.

Thì mọi người ai mà chẳng thấy như thế, nhưng tôi không nói gì ra.

Thế rồi khi tất cả những căn chung cư đều đã được làm xong, điều cô làm là quay trở lại ở trong một trong những căn hộ ấy, ở tầng trên cùng. Tôi biết là cô không được giảm giá gì cả, mà hình như cũng không đề nghị xin được giảm giá. Cô bôi xóa sự ác cảm đối với người chủ mới và hết lời ca ngợi quang cảnh đẹp và phòng giặt đồ ở tầng hầm nơi cô phải trả bằng tiền cắc mỗi lần giặt quần áo.

“Tôi đang học cách để tiết kiệm,” cô nói. “Thay vì ném mọi thứ vào đó khi nào tôi thích.”

“Nói cho cùng, những người như ông ta mới làm cho thế giới thay đổi,” cô nói về gã chủ nhân vô lương tâm kia. Cô mời tôi tới nhà và nhìn ngắm quang cảnh mới, nhưng tôi xin lỗi không đến.

Đó là khởi đầu của thời gian chúng tôi gặp nhau nhiều hơn. Cô có thói quen tạt qua than thở về chuyện nhà cửa nhức đầu, những quyết định của mình, và tiếp tục như thế ngay cả khi đã thỏa mãn về các chuyện ấy rồi. Tôi mua một cái vô tuyến truyền hình – điều mà cô không có, vì cô bảo rằng không muốn trở thành một thói quen ghiền coi vô tuyến truyền hình.

Tôi thì chẳng lo chi chuyện ấy, vì suốt ngày đi làm việc. Và có nhiều chương trình thật hay vào những năm ấy. Sở thích của cô trùng hợp với những sở thích riêng của tôi. Chúng tôi thích coi vô tuyến ở nơi công cộng và đặc biệt những hài kịch Anh. Một số chương trình chúng tôi cứ coi đi coi lại những câu chuyện làm chúng tôi hấp dẫn hơn là những chuyện hài hước được kể lại.  Mới đầu tôi hơi ngượng ngùng về tính thẳng thắn của người Ăng Lê, thậm chí sự tục tĩu, nhưng Oneida rất thích nó. Chúng tôi rên rỉ khi chương trình bắt đầu nhưng rồi luôn luôn lúc nào cũng dính chặt vào màn hình và coi hết. Chúng tôi cũng coi cả khi màu sắc nhạt dần đi. Bây giờ thỉnh thoảng tôi bắt gặp những chương trình cũ ấy, được chiếu lại như mới, và tôi liền đổi kênh truyền hình, việc ấy làm tôi buồn bã.

Tôi đã học từ sớm cách nấu ăn thật là nghề và vì những chương trình hay nhất trên truyền hình thường xảy ra sau bữa ăn tối, tôi cũng nấu ăn cho cô và ngược lại cô mang tới các món tráng miệng từ tiệm bánh nướng. Tôi tìm mua mấy cái bàn gấp và chúng tôi ăn, coi tin tức, và coi các chương trình riêng của chúng tôi. Mẹ tôi thường nhắc nhở rằng ngồi ăn ở bàn là cách ăn uống tử tế nhất, nhưng Oneida không có một sự cấm kị nào về chuyện ấy.

Đến sau mười giờ tối cô mới về nhà. Cô không ngại phải đi bộ một mình, nhưng tôi không ưa chuyện ấy, vì vậy tôi phải lấy xe chở cô về. Cô không muốn mua một chiếc xe nào khác sau khi đã bán đi chiếc xe cũ cô dùng để chở cha mình đi làm. Cô chẳng lấy làm phiền lòng bị người khác quanh thị trấn nhìn cô đi bộ, mặc dù có người cười vì chuyện ấy. Thời gian ấy là trước thời kỳ mọi người xem đi bộ và tập thể dục là món tân tiến.

Chúng tôi chưa bao giờ cùng nhau đi tới đâu cả. Có những lúc tôi không gặp cô vì cô đi khỏi thị trấn, hoặc không phải đi xa đâu cả mà chỉ để thăm viếng một số người nào đó. Tôi không biết.

Không. Điều đó có vẻ như tôi cảm thấy bị hắt hủi. Tôi không cảm thấy thế. Gặp gỡ người mới là chuyện bình thường đối với tôi, và cô cũng hiểu thế. Thói quen ăn cùng nhau, ngồi uống buổi tối trước màn hình – sự dễ dàng sự uyển chuyển của những việc ấy xem ra không có gì khó khăn. Rất nhiều người biết về chuyện ấy, nhưng vì nhân vật chính là tôi nên chẳng ai để ý. Người ta cũng biết rằng tôi khai thuế giúp cô ta, tại sao không? Đó là thứ việc tôi rành và mọi người không ai nghĩ rằng cô nên biết mấy thứ ấy.

Tôi không biết là có ai biết rằng cô chẳng bao giờ trả tiền cho tôi cả. Tôi có thể đề nghị được trả một số tiền nhỏ để làm cho mọi chuyện có vẻ đúng đắn hơn, nhưng chuyện ấy không hề được nhắc tới. Không phải vì cô gặp khó khăn về tiền bạc. Cô chỉ hoàn toàn không nghĩ tới nó mà thôi.

Nếu có khi nào tôi nhắc đến tên cô đó là Ida. Cô sẽ chọc ghẹo tôi một tí nếu còn gọi thế trước mặt cô sẽ chỉ ra rằng tôi là người luôn luôn gọi người khác bằng những cái tên biệt danh hồi còn đi học. Tôi lại không để ý đến chuyện ấy.

“Chẳng ai để tâm đâu,” cô nói. “Vì đó là anh.”

Điều đó làm tôi hơi bực mình, mặc dù tôi cố hết sức để che giấu cảm giác ấy. Cô có quyền gì đâu mà nhận xét về chuyện người khác nghĩ ra sao về những việc tôi làm hay không làm? Ngụ ý của điều ấy là tôi thích sống mãi trong tuổi thơ của mình, lúc nào cũng ở đó, làm cho mọi người đều ở quanh mình vào tình trạng ấy.

Nói thế thì đơn giản quá. Tất cả những năm tháng trong nhà trường đều được trải qua, như tôi đã thấy. Trở nên thứ mà tôi đã trở nên hiện nay – như khuôn mặt của tôi đây – và trở thành thứ mà mọi người trở thành. Tôi nghĩ đó là một thứ thành công nho nhỏ khi mọi người vượt qua được, khi biết rằng tôi đã sống sót nơi đây, tự tạo lập cuộc đời mình và không phải khi nào cũng làm phiền đến những người mới khác. Nhưng muốn lôi kéo mọi người trở lại với thời chúng ta học lớp bốn, ồ không, xin cám ơn.

Mà Oneida là người thế nào mà đưa ra ý kiến chứ? Đối với tôi cô ta cũng không có gì ổn định cả. Giờ đây cái nhà lớn đã không còn, mọi chuyện về cô ta cũng không còn nữa, thị trấn đã thay đổi, vị trí của cô ở đó cũng đang thay đổi mà cô chẳng biết gì. Tất nhiên lúc nào mà chẳng có thay đổi nhưng vào thời trước chiến tranh đó là thứ thay đổi của những người rời chỗ tìm kiếm những công việc tốt lành hơn ở đâu đó. Trong những năm 50, 60 và 70 sự thay đổi đến từ những người mới dọn tới. Bạn có thể nghĩ là Oneida biết chuyện ấy khi cô dọn vào ngôi nhà chung cư mới. Nhưng cô chẳng biết gì. Có một cảm giác lưỡng lự lạ lùng và sự nhẹ nhõm vô tư ở cô, như thể một người đang chờ đợi một cuộc đời mới sắp đến.

Cô cũng đi du lịch đó đây, và có lẽ cô nghĩ cuộc sống mới sẽ bắt đầu ở những nơi đó. Nhưng không may mắn.

Vào thời ấy có một khu thương mại lớn được xây dựng ở phía nam của thị trấn, và cửa hàng Krebs dẹp tiệm (tôi không thấy có vấn đề gì, vì tôi cũng tự lo được cho mình), dường như có nhiều người chọn đi nghỉ trong ngày lễ mùa đông, họ đến Mexico hay là West Indies hoặc một nơi nào đó chúng tôi chẳng biết. Kết quả là, theo ý kiến của tôi chỉ mang lại những căn bệnh mà chúng tôi chưa hề biết. Có một thời kỳ chuyện đó đã xảy ra thật. Có một căn bệnh được kêu là bệnh của một năm, với một cái tên đặc biệt nào đó. Chứng bệnh ấy có lẽ vẫn còn đâu đó nhưng giờ đây không ai chú ý nữa. Hoặc là vào tuổi của tôi cũng không còn lưu tâm mấy. Bạn có thể yên tâm rằng bạn sẽ không còn mắc những chứng bệnh như thế.

Một buổi chiều nọ sau khi xong một chương trình vô tuyến truyền hình tôi đứng dậy pha trà cho cả hai trước khi Oneida về nhà. Tôi đang bước về căn bếp và đột nhiên cảm thấy khủng khiếp. Tôi loạng choạng quỵ xuống trên hai đầu gối, rồi ngã xuống trên sàn nhà. Oneida vực tôi dậy ngồi lên một cái ghế và cơn bất tỉnh kết thúc. Tôi kể cho cô ấy rằng đôi khi tôi có những cơn như vậy, không cần phải lo lắng chi. Tôi đã nói dối, tôi không biết tại sao đã làm thế, nhưng cô ta không tin lời tôi. Cô dẫn tôi xuống nhà dưới nơi tôi ngủ và cô cởi giầy tôi ra. Thế rồi chẳng biết làm sao, mặc dù tôi có kháng cự lại một ít, chúng tôi cởi áo quần của tôi ra và mặc lại bộ đồ ngủ. Tôi chỉ nhận ra mọi chuyện bằng những cử chỉ từng đợt ngắn thất thường. Tôi bảo cô gọi cho mình một chiếc taxi để về nhà nhưng cô không lưu ý đến chuyện ấy.

Đêm đó cô ngủ trên chiếc ghế sô pha ở phòng khách và hôm sau đi coi ngó khắp nhà, cô ở lại trong phòng ngủ của mẹ tôi. Có lẽ cô đã trở về căn hộ chung cư của mình vào ban ngày để lấy một vài món đồ, hoặc là đã tới siêu thị để mua sắm thứ gì đó. Cô đã trò chuyện với bác sỹ và đem về những thứ thuốc từ hiệu thuốc tây và tôi đã nuốt hết những thứ cô kề vào miệng tôi.

Tôi chập chờn khi tỉnh khi mê, đau yếu, lên cơn sốt trong một vài ngày. Đôi khi tôi bảo cô rằng tôi đã khỏe lại rồi, và tôi nghĩ có thể tự mình coi sóc mọi thứ, nhưng nói thế là không đúng. Hầu hết tôi nghe lời cô và đến mức nương tựa vào cô một cách thực tế như thể bạn dựa vào một người y tá khi ở trong bệnh viện. Cô cũng không giỏi giang được như một người y tá khi chăm sóc một kẻ bị sốt và đôi khi tôi cũng than phiền như một đứa trẻ lên sáu tuổi, nếu tôi còn hơi sức chút đỉnh. Lúc ấy cô thường xin lỗi và chẳng lấy đó làm điều. Trong khi thỉnh thoảng tôi bảo rằng tôi đã bớt bệnh rồi và cô có thể trở về nhà, tôi cũng đủ ích kỷ để lâu lâu lại gọi tên cô một lần, chẳng có lý do gì nhưng để an tâm rằng cô vẫn ở đó.

Thế rồi tôi bắt đầu bình phục và bắt đầu lo lắng về chuyện chính cô lại mang bệnh của tôi truyền cho.

“Cô nên mang khẩu trang vào.”

“Đừng có lo,” cô nói. “Nếu mình mắc bệnh thì bây giờ đã mắc rồi.”

Khi tôi bắt đầu thực sự thấy khỏe tôi đã trở nên lười biếng để nhận rằng tôi thực có những cơn cảm xúc như thể một đứa trẻ.

Nhưng tất nhiên Oneida không phải là mẹ tôi, và một ngày kia tôi thức dậy một buổi sáng và nhận ra điều ấy. Tôi phải nghĩ tới tất cả mọi chuyện mà cô đã làm cho tôi, và điều ấy làm tôi thực bối rối. Bất cứ người đàn ông nào cũng có thể nghĩ như thế, nhưng tôi càng đặc biệt hơn khi nhớ đến mình đã có bộ dạng ra sao trong những ngày đau ốm. Thật ra tôi cũng đã quên chúng một phần nào, nhưng bây giờ đối với tôi dường như cô chẳng lấy đó làm điều phiền muộn, rằng cô đã có thể làm được nhiều việc hữu ích đến thế bởi vì tôi chỉ là một anh chàng nam không ra nam nữ không ra nữ, hay là một đứa trẻ tội nghiệp.

Tôi trở nên lịch thiệp và tìm cách nói cho cô hay rằng, xen kẽ biểu hiện của sự biết ơn, tôi ao ước một cách thành thật là cô nên về nhà.

Cô nhận ra ý tưởng ấy, và không lấy đó làm buồn. Cô cũng đã mệt mỏi rồi từ những đêm mất ngủ và việc săn sóc vượt ra ngoài thông lệ. Cô đi chợ mua một lần nữa những món cần dùng cho tôi, đo nhiệt độ lần cuối, và bỏ đi như tôi đã tưởng, trong trạng thái hài lòng của một người đã hoàn tất bổn phận của mình. Trước khi ra về cô đứng chờ ở phía trước phòng tôi để xem tôi có thể tự mặc áo quần được không và tỏ vẻ vừa ý rằng tôi có thể. Rồi cô gần như biến mất khi tôi bắt đầu sắp xếp lại đồ đạc và chuẩn bị làm một vài việc mà tôi đã làm dang dở vào ngày đầu nhuốm bệnh.

Tâm trí tôi trở nên chậm hơn nhưng chính xác, và đó là điều làm tôi rất an tâm.

Cô không trở lại nữa, để tôi một mình, cho đến ngày – hay là buổi tối thì đúng hơn – khi chúng tôi thường có hẹn cùng coi truyền hình với nhau. Hôm ấy cô xuất hiện với một hộp súp. Không đủ để làm một bữa ăn, không phải là thứ mà cô tự nấu lấy, nhưng dù sao cũng là một sự đóng góp nhỏ. Cô tới sớm, để thời gian cho bữa ăn. Cô mở cái hộp súp ra, cũng không hỏi gì tôi cả. Cô biết cách đi vòng quanh gian bếp. Cô đun nóng món đồ ăn lên, lấy mấy cái bát và chúng tôi cùng ngồi ăn. Lối cư xử của cô dường như để nhắc tôi rằng tôi vừa mới bị bệnh và cần phải ăn đầy đủ. Mà nghĩ thế cũng đúng. Hôm đó vào buổi trưa tôi yếu đến mức tay còn run không mở được hộp thức ăn ra.

Có hai chương trình mà chúng tôi định coi kế nhau. Nhưng vào đêm ấy chúng tôi không coi được chương trình thứ hai. Cô không thể chờ đến chương trình thứ hai vì khi chúng tôi bắt đầu trò chuyện có việc làm tôi bực bội.

Điểm chính là cô có ý định dọn nhà đến ở chung với tôi.

Lý do đầu tiên là, cô bảo cô không thấy vui vẻ khi ở trong căn chung cư kia. Đó là một sai lầm lớn. Cô chỉ thích ở nhà thôi. Điều đó không có nghĩa là cô hối hận vì đã rời bỏ căn nhà cô đã sinh ra ở đó. Trong căn nhà ấy cô đã phát khùng lên vì ở một mình. Nhầm lẫn là ở chỗ cô tưởng rằng căn hộ chung cư là giải pháp. Cô chưa bao giờ hạnh phúc ở đó và sẽ không bao giờ. Điều làm cô nhận ra chuyện ấy là lúc cô ở trong nhà tôi. Lúc tôi đang bệnh. Lẽ ra cô có thể nhận ra điều ấy từ lâu. Từ lâu, khi còn là một cô bé và nhìn ngắm những ngôi nhà biệt lập, cô đã từng ao ước được sống ở đó.

Thứ hai nữa là, cô bảo, cả hai chúng tôi không ai có thể tự chăm sóc lấy mình. Điều gì xảy ra nếu tôi bị ốm và không có ai bên cạnh? Điều gì xảy ra nếu điều đó lặp lại lần nữa? Hay xảy ra cho chính cô?

Chúng mình cũng có tình cảm với nhau, cô nói. Cảm giác của hai người không thể hoàn toàn bình thường. Chúng ta nên sống gần nhau như anh chị em và săn sóc nhau như anh chị em và đó hẳn nhiên là một điều rất tự nhiên. Mọi người sẽ chấp nhận như thế. Làm sao mà khác được?

Trong suốt thời gian cô nói, tôi chỉ cảm thấy kinh hoảng. Tức giận, sợ hãi, hoảng hốt. Tệ nhất còn chờ tôi ở cuối cuộc nói chuyện, khi cô bảo rằng sẽ không có ai nghĩ gì về chuyện ấy. Cùng lúc tôi lại cảm nhận được điều cô nói và có lẽ cũng đồng ý rằng mọi người rồi sẽ quen đi thôi. Một vài lời chế giễu nhạo báng có khi cũng không đến được tai chúng tôi.

Cô có thể đúng. Điều ấy có thể có lý.

Thế mà lúc ấy tôi cảm thấy như bị ai ném xuống một căn phòng tối, đầu tôi đập xuống sàn nhà.

Tôi không thể nào để cô biết được cảm giác ấy.

Tôi bảo chuyện ấy nghe cũng có lý, nhưng có một điều làm cho nó không thể thực hiện được.

Điều gì vậy?

Tôi quên mất không nói cho cô nghe. Với tất cả những chứng bệnh, sự mệt mỏi bối rối và mọi thứ khác, nhưng tôi đã rao bán căn nhà này rồi. Căn nhà đã được bán.

Ồ. Ồ. Sao tôi lại không nói cho cô nghe chuyện này? 

Tôi cũng mơ hồ, tôi nói, mà thực sự là thế. Tôi không hề có ý tưởng thoáng qua rằng cô lại có kế hoạch trong đầu như thế.

“Thế là ý tưởng ấy đã không đến với mình sớm hơn,” cô nói. “Cũng giống như nhiều thứ khác trong đầu tôi. Có một điều gì không ổn đối với cuộc đời tôi. Tôi không kịp suy nghĩ về mọi chuyện chu đáo. Lúc nào tôi cũng nghĩ mình còn thời gian.”

Tôi đã thoát hiểm trong gang tất nhưng không phải là không trả giá cho nó. Tôi đã phải rao bán nhà – chính là căn nhà này – và bán liền tay. Cũng một cách như cô đã bán căn nhà cũ của mình.

Và tôi đã bán nó thật nhanh, mặc dù không đến nỗi bị buộc chấp nhận một giá rẻ mạt như cô đã từng. Và rồi tôi lại phải đối phó với chuyện dọn dẹp những thứ tích tụ lại từ thời cha mẹ tôi dọn vào thuở tuần trăng mật, cũng không đủ tiền cho việc rời nhà.

Những người hàng xóm thật tốt bụng. Họ không phải là những hàng xóm lâu ngày, cũng không biết mẹ tôi, nhưng họ bảo họ đã quen rồi với lối sinh hoạt đi đi về về của tôi, những thói quen đều đặn.

Họ muốn biết tôi định làm gì, kế hoạch ra sao, và tôi nhận ra rằng mình chẳng có kế hoạch chi cả. Đằng sau công việc mà tôi vẫn thường làm mà tôi đã giảm xuống gần đây, tôi thường nghĩ tới một tuổi già ổn định về an sinh.

Tôi bắt đầu đi nghiêng ngó khắp thị trấn để tìm chỗ ở mới, và tôi nhận ra rằng trong tất cả những nơi chốn có thể thích hợp chỉ có môt nơi là còn chỗ trống. Và đó chính là căn hộ ở trong tòa nhà chung cư xây trên mảnh đất của Oneida. Không phải trên lầu trên cùng, với quang cảnh đẹp như cô ta có, nhưng ở tầng trệt. Tôi cũng không phải là người hay nhìn quang cảnh từ cửa nhà mình, và tôi đã chấp nhận căn hộ ấy. Mà cũng không biết làm gì khác hơn.

Tất nhiên tôi sẽ kể cho cô nghe. Nhưng trước khi tôi mở miệng thì mọi người đã biết rồi. Cô liền có kế hoạch ngay. Đó là mùa hè và các chương trình vô tuyến truyền hình tạm ngưng. Đó là lúc chúng tôi không thường xuyên gặp nhau nữa và tôi cũng không nghĩ rằng, khi các chương trình trở lại, tôi phải nói lời xin lỗi hay phải xin phép cô ta. Khi tôi tới quay lại chỗ ở mới và ký giấy tờ thuê, cô không ở đó.

Có một chuyện mà tôi dần hiểu ra trong lần thăm viếng ấy, hoặc là tôi nghĩ về nó sau đó. Một người mà tôi không kịp nhận ra trò chuyện với tôi và sau một lát tôi nhận ra anh ta là người tôi đã biết từ nhiều năm và đã chào nhau trên đường đến cả nửa cuộc đời tôi. Nếu tôi đã gặp anh ta ở đó thì chắc tôi đã biết, bất kể trí nhớ bị xóa mòn bởi thời gian. Nhưng tôi lại không nhận ra, và chúng tôi cười phá lên về chuyện ấy, và anh ta muốn biết có phải là tôi chuẩn bị dọn vào nghĩa địa hay không.

Tôi bảo tôi không biết là người ta gọi nó như thế, nhưng mà đúng, tôi sắp dọn vào.

Rồi anh hỏi có phải tôi biết chơi bài tây (2) không, và tôi nói có, có thể nói như vậy.

“Vậy thì tốt,” anh ta nói.

Và tôi nghĩ, chỉ cần sống thật lâu cũng để loại đi biết bao điều rắc rối. Hãy tham dự vào một câu lạc bộ đặc biệt nào đó. Chẳng cần biết bạn vụng về ra sao, chỉ cần sống lâu đến mức có thể loại trừ những điều phiền toái ra, rồi cũng tốt cả. Ai rồi cũng sẽ đau khổ, chẳng riêng gì bạn.

Điều đó làm tôi nghĩ đến Oneida. Vẻ mặt của cô khi trò chuyện với tôi khi nói về chuyện tôi dọn vào nơi ở mới. Cô không còn vẻ mảnh khảnh thon thả như trước nữa, nhưng mệt mỏi, hốc hác, không còn nghi ngờ gì nữa, vì những đêm thức trắng với tôi, nhưng tuổi tác cũng bắt đầu lộ ra đằng sau chuyện ấy. Nhan sắc của cô đã từng có lúc bừng sáng. Một người phụ nữ tóc vàng với dáng vẻ khả ái, sự phối hợp lạ lùng giữa nét mặt đầy vẻ xin lỗi và lòng tự tin của những người giàu sang mà cô đã sở hữu và đã để mất. Khi cô phải hạ mình xuống để ngỏ lời gần như cầu hôn với tôi, vào lúc ấy trong cô đầy căng thẳng với vẻ mặt có phần khó coi. 

Tất nhiên nếu có quyền được chọn lựa, tôi đã, một cách tự nhiên, vì chiều cao của mình sẽ chọn một cô gái nhỏ người hơn. Chẳng hạn cô gái sinh viên đại học, tóc đen và dễ thương, có bà con với dòng họ Krebs và đã từng làm ở đó suốt mùa hè.

Một ngày nọ cô gái ấy đã từng nói với tôi một cách thân mật rằng tôi có thể sửa cho mắt môi mình khá hơn nhiều, vào thời buổi này. Tôi sẽ lấy làm thích thú lắm, cô ta bảo thế. Mà chẳng tốn kém gì, chỉ bằng thẻ khám sức khỏe miễn phí của tỉnh Ontario.

Cô ấy nói đúng. Nhưng làm sao tôi có thể giải thích rằng thật vượt quá khả năng của tôi, tự dưng bước vào một phòng mạch bác sỹ và bảo rằng tôi muốn làm cho mặt mình đẹp hơn?

Oneida xuất hiện trông khá hơn nhiều, ở giữa những đồ đạc lỉnh kỉnh gói lại và ném đi của tôi. Cô mới làm tóc, màu có thay đổi, nâu hơn.

“Anh không thể ném tất cả mọi thứ đi được chứ,” cô nói. “Anh đã sưu tầm cả lịch sử của thị trấn này rồi.”

Tôi bảo rằng tôi có chọn lựa, mặc dù điều đó không đúng sự thật lắm. Dường như đối với tôi cả hai chúng tôi đều có vẻ giả vờ quan tâm đến mọi chuyện quá hơn thực tâm của mình. Khi tôi nghĩ tới lịch sử các thị trấn trong những ngày này, chúng cũng hao hao giống nhau.

Tôi không hề nói chuyện mình sắp tới ở căn chung cư. Như thể chuyện ấy đã được bàn cãi rồi, và hiển nhiên như thế từ lâu.

Cô bảo rằng cô sẽ đi du lịch một chuyến và lần này cô nói rõ cái tên ra. Hòn đảo Savary, và như vậy là đủ.

Tôi hỏi một cách lịch sự rằng hòn đảo ấy nằm ở đâu và cô nói, “Ồ nằm ngoài biển.”

Như thể đó là câu trả lời.

“Nơi một người bạn cũ của tôi đang sống,” cô nói.

Tất nhiên có thể có thực như thế.

“Cô ấy gởi email cho tôi. Bảo tôi phải làm gì. Tôi không chú ý lắm. Nhưng có lẽ tôi sẽ làm thế.”

“Bạn không bao giờ biết cho đến khi mình tự làm.”

Tôi cảm thấy là sau câu nói ấy tôi muốn nói thêm một điều gì nữa. Như hỏi về thời tiết, cô sẽ đi đâu. Nhưng trước khi tôi kịp nghĩ ra một chuyện gì để nói cô bỗng khẽ rú lên hoặc la lên, đặt tay lên miệng và bước thận trọng tới bên cửa sổ của tôi.

“Cẩn thận, cẩn thận nhé,” cô nói. “Nhìn xem, nhìn kìa.”

Cô cười phá lên nhưng gần như không có tiếng, một tiếng chứng tỏ cô đang rất đau. Cô đặt một tay lên đằng sau lưng trong khi tìm cách ngăn tôi lại không cho tôi tiến lên.

Ở sân sau của nhà tôi có một cái bồn tắm cho chim. Tôi đặt ở đó nhiều năm về trước để mẹ tôi có thể ngắm chim chóc bay về. Mẹ tôi rất thích ngắm chim và có thể nhận ra chúng bằng tiếng hót hoặc bằng bộ điệu. Tôi đã bỏ quên cái bồn khá lâu và rồi đã đổ nước vào sáng hôm đó.

Bây giờ thì sao?

Đầy những chim. Đen và trắng, lao xuống như một cơn bão.

Nhưng không phải chim. Một thứ gì lớn hơn những con chích chòe, nhỏ hơn quạ.

Cô nói, “Những con chồn hoang. Những con chồn hoang nhỏ. Lông trắng nhiều hơn đen.”

Nhưng thật đẹp. Nhảy nhót khiêu vũ nhưng không bao giờ đụng vào nhau, vì vậy bạn không thể biết bao nhiêu con cả thảy, khi nào thì chúng bắt đầu hay dừng lại.

Trong khi chúng tôi đứng ngắm, chúng vươn mình lên từng con một ra khỏi mặt nước, bắt đầu đi bộ xuyên qua khoảng sân, di chuyển nhanh nhưng theo một đường chéo gấp thẳng tắp. Như thể chúng rất kiêu hãnh về mình nhưng một cách kín đáo. Năm con tất cả.

“Lạy chúa tôi,” Oneida nói. “Ngay trong thị trấn này.”

Mặt cô trông lộ vẻ kinh ngạc.

“Anh có khi nào thấy cảnh ấy chưa?”

Tôi nói không. Chưa bao giờ.

Tôi nghĩ là cô sẽ nói một điều gì đó, và làm hỏng mọi chuyện, nhưng không, hai chúng tôi chẳng ai nói gì cả.

Chúng tôi vui vẻ như chúng tôi đã từng có thể.

Chú thích:

  • Big Ben là đồng hồ nổi tiếng ở Luân Đôn

Euchre/ˈjuːkər/ or eucre is a trick-takingcard game most commonly played with four people in two partnerships with a deck of 24, or sometimes 32, standard playing cards. It is the game responsible for introducing the joker into modern packs; this was invented around 1860 to act as a top trump or best bower (from the German word Bauer, “farmer”, denoting also the jack).[1] It is believed to be closely related to the French game Écarté that was popularized in the United States by the Cornish and Pennsylvania Dutch,[2] and to the seventeenth-century game of bad repute Loo. It may be sometimes referred to as Knock Euchre to distinguish it from Bid Euchre.

Share this post

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on print
Share on email

Leave a Reply