TỔ ẤM

ALICE MUNRO

CUỘC ĐỜI YÊU DẤU

Người dịch: Nguyễn Đức Tùng

Starting May 1, 2014

Chú thích:

(1) Nguyên văn Chinks, là cách gọi người Tàu một cách khinh miệt

(2)Cello: loại đàn có dây, tương tự đàn vĩ cầm, nhưng lớn hơn, người chơi đàn ngồi trên ghế, kẹp đàn giữa hai đầu gối.

(3) Nguyên tác tiếng Anh, castle, lâu đài, phát âm tương tự như tên Cassel.

(4) Nguyên văn casket, cũng chỉ quan tài, tiếng thường dùng ở Mỹ.

Tất cả chuyện này xảy ra vào những năm 1970, mặc dù trong thị trấn ấy và những nơi chốn tương tự, những năm bảy mươi không giống như hình ảnh mà chúng ta thường có trong tâm trí, hay là giống như tôi đã biết ngay ở Vancouver. Tóc của bọn con trai để dài, nhưng không đến nỗi dài đến thắt lưng, vào thời ấy cũng không có nhiều tự do và sự nổi loạn như chúng ta vẫn tưởng.

Dượng tôi vẫn thường trêu ghẹo tôi về chuyện đọc kinh cầu nguyện. Hay không đọc kinh. Tôi lên mười ba tuổi, sống với dượng và dì tôi vào năm cha mẹ tôi đi châu Phi. Trước đó tôi chưa bao giờ biết cúi đầu cầu nguyện trước một dĩa thức ăn.

“Chúa ban thức ăn này cho chúng ta và chúng ta phụng sự ngài,” dượng Jasper nói, trong khi tôi đang cầm cái nĩa đưa lên trời và cố gắng dừng lại không nhai miếng thịt và khoai tây đã nằm sẵn trong miệng tôi rồi.

“Cháu ngạc nhiên hả?” dượng hỏi, sau câu “vì thiên chúa lòng lành. Amen.” Dượng muốn biết cha mẹ tôi có đọc kinh không, đọc một loại cầu nguyện khác, có lẽ là sau bữa ăn.

“Cha mẹ cháu chẳng nói chi cả,” tôi bảo.

“Họ không cầu nguyện à?” Những câu này được nói ra với vẻ vui vẻ giả tạo.  “Cháu không muốn nói điều đó chứ? Những người mà không cầu nguyện chúa lại bay qua tận châu Phi để làm công việc chăm sóc kẻ ngoại đạo – hãy nghĩ xem!”

Ở Ghana, nơi cha mẹ tôi dạy học, dường như họ chẳng gặp kẻ ngoại đạo nào cả. Thiên chúa giáo phát triển khắp nơi, ngay cả trên những dấu hiệu ở phía sau đuôi xe buýt.

“Cha mẹ cháu theo nhà thờ Thống Nhất,” tôi nói, vì một lý do nào đó tôi không đưa mình vào.

Dượng Jasper lắc đầu và yêu cầu tôi giải thích. Như vậy họ không phải là những người tin vào Thượng đế của đấng Mô Giê? Hay là Thượng đế của Abraham? Chắc chắn họ là những người Do Thái. Không phải à? Không phải là những người Muhammadans chứ?

“Cháu tin rằng mỗi người có một ý tưởng riêng về Thượng đế,” tôi nói, có lẽ cứng rắn hơn là dượng tôi tưởng. Tôi có hai người anh trai ở trường đại học và mặc dù có vẻ như họ sẽ không trở thành những người Thiên chúa giáo theo nhà thờ Thống nhất, tôi vẫn thường quen với những cuộc tranh luận tôn giáo gay gắt – và cả vô thần – trong những bữa ăn tối.

“Nhưng họ tin vào việc siêng năng làm lụng và sống một đời sống tử tế,” tôi nói thêm.

Một nhầm lẫn. Không phải chỉ là sự biểu hiện bất ngờ trên khuôn mặt của dượng tôi – lông mày nhướng lên, cái gật đầu lạ lùng – nhưng những chữ ấy từ miệng tôi cũng làm tôi ngạc nhiên.

Tôi không hề tán đồng chuyện cha mẹ tôi đến Phi châu. Tôi phản đối việc bị ném lại – chữ của tôi – cho dì và dượng tôi. Thậm chí tôi đã từng nói với cha mẹ tôi rằng công việc tốt đẹp của họ thực ra chỉ là chuyện vô nghĩa. Trong gia đình, bọn trẻ chúng tôi được phép bày tỏ ý kiến của mình một cách thoải mái. Dù rằng tôi không nghĩ cha mẹ tôi đã từng dùng những chữ như “công việc tốt đẹp” hay “làm việc tốt.”

Dượng tôi hài lòng một lúc. Dượng nói rằng chúng tôi phải bỏ qua chủ đề này, vì dượng bận rộn phải quay trở lại với việc làm việc tốt vào lúc một giờ.

Vào lúc ấy dì tôi mới bắt đầu cầm nĩa lên và ăn. Dì phải chờ cho đến khi mọi chuyện lắng xuống đã. Đó chỉ là thói quen không phải là chuyện phản ứng của tôi. Dì tôi thường kiềm chế không nói gì cho đến khi biết chắc là dượng tôi đã nói hết mọi ý của mình. Ngay cả khi tôi nói thẳng với dì, bà cũng im lặng lắng nghe chờ đợi, nhìn chồng xem thử ông ấy có nói gì không đã. Dì tôi khi nào cũng nói chuyện vui vẻ và mỉm cười khi cảm thấy chuyện đó thích hợp, và cũng khó mà nghĩ rằng một người như vậy lại bị chồng đàn áp. Cũng khó mà tin một người như dì lại là em của mẹ tôi, vì bà trông quá trẻ, tươi tắn, gọn gàng hơn mẹ tôi nhiều, với nụ cười tỏa sáng.

Nếu là mẹ tôi bà sẽ nói chuyện thẳng với cha tôi nếu bà có suy nghĩ gì, và thường thì bao giờ cũng vậy. Mấy ông anh của tôi, ngay cả một người nói rằng anh ấy sẽ cải đạo theo đạo Hồi để cho có thể sau này có quyền đánh đập phụ nữ, cũng luôn luôn lắng nghe bà với thái độ bình đẳng.

“Cuộc đời của dì Dawn thì dành cho ông chồng mình,” mẹ tôi thường nói thế, với một cố gắng chung dung. Hay lạnh lùng hơn, “Cuộc đời của dì ấy xoay quanh người đàn ông.”

Đó là chuyện người ta hay nói vào thời điểm ấy và nó không có nghĩa hoàn toàn là chê trách. Nhưng tôi chưa gặp một người đàn bà nào trước đây lại có hình ảnh tương tự như dì Dawn.

Tất nhiên trường hợp của dì có thể khác đi, mẹ tôi nói nếu họ có con.

Bạn hãy tưởng tượng. Trẻ con. Chạy quấn chân dượng Jasper, kêu khóc để đòi mẹ chú ý. Bọn trẻ bị bệnh làm rối lên, để bừa bãi, đòi ăn những thức ăn mà dượng không thích.

Không thể được. Ngôi nhà này là của ông ấy, sự chọn lựa thực đơn bữa ăn là của ông ấy, máy phát thanh và chương trình truyền hình là dành riêng cho ông ấy. Ngay cả khi dượng đang làm việc ở bên cạnh hay đi ra ngoài vì công chuyện, mọi việc đều phải sẵn sàng chờ được dượng đồng ý, bất kỳ lúc nào.

Tôi nhận thức một cách chậm chạp rằng một chế độ như vậy cũng khá hòa hợp trong gia đình. Những cái muỗng và những cái nĩa sáng ngời, sàn nhà bóng loáng, những tấm khăn trải bàn êm dịu – tất cả những thứ lấp lánh trong gia đình ấy đều được chăm sóc dưới bàn tay của dì tôi và của Bernice, người hầu gái. Bernice nấu ăn, phủi khăn, lau bàn lau dĩa. Tất cả những bác sĩ trong thị trấn đều đưa khăn trải bàn ghế cho một tiệm giặt ủi người Tàu, trong khi Bernice và dì Dawn treo chúng lên trên dây phơi ngoài vườn. Trắng bóc vì ánh sáng mặt trời. Tươi mới vì mùi gió, những tấm khăn và những tấm bạt thơm ngọt ngào sạch đẹp. Dượng tôi có lần nói rằng (Chinhks?) những người Tàu…

“Người Trung Hoa,” dì tôi nói với giọng nhẹ nhàng dễ chịu như thể bà phải xin lỗi cho cả dượng tôi và cả những người giặt ủi.

“Người Tàu,” dượng tôi nói, vẻ bực bội.

Bernice là người duy nhất có thể nói tự nhiên.

Dần dần tôi bớt cảm giác gắn bó với nhà mình, với tính trang nghiêm trí thức và sự lộn xộn trong cách xếp đặt. Tất nhiên cần tất cả năng lượng của một người đàn bà để giữ cho nơi ở được ngăn nắp như một nơi trú ẩn an toàn thế này. Bạn không thể nào in ra một bản tuyên ngôn của người theo đạo Thống nhất hay là chạy bay tới châu Phi. (Thoạt tiên tôi bảo “Cha mẹ cháu tới làm việc ở châu Phi,” bất cứ khi nào có người trong gia đình nói về chuyện họ bỏ ra đi như thế. Sau đó tôi cảm thấy chán không buồn giải thích nữa.)

Tổ ấm, nơi trú ẩn an toàn. “Công việc quan trọng nhất của một người phụ nữ là tạo ra một cái tổ ấm cho người đàn ông của mình.”

Có phải dì Dawn thực sự đã nói câu ấy? Tôi không nghĩ thế. Tính dì không hay nói những tuyên ngôn. Có lẽ tôi đọc nó ở trong một tờ tạp chí nào đó tìm ở trong nhà. Câu nói như thế có thể làm cho mẹ tôi buồn nôn.

Đầu tiên tôi đi tìm hiểu cái thị trấn này. Tôi tìm thấy một chiếc xe đạp cũ rất nặng ở góc sau cùng của nhà để xe, mang ra đạp mà không cần hỏi xin phép. Đạp xe xuống đồi trên một con đường mới lát sỏi ở phía sau một cái vịnh, tôi bỗng mất thăng bằng. Một đầu gối của tôi bị trầy xước rất đau và tôi phải đến gặp dượng tôi ở phòng mạch của ông ấy gần ngôi nhà. Dượng chữa trị cho tôi một cách khéo léo. Lúc ấy dượng hoàn toàn là một người làm việc vì công việc, nhẹ nhõm, rất chuyên nghiệp. Không đùa giỡn. Dượng nói ông không còn nhớ chiếc xe ấy từ đâu ra – đó là một chiếc xe cũ rất tệ hại và nếu tôi muốn đạp xe thật dượng sẽ tìm cách để kiếm một chiếc xe đạp tử tế hơn. Khi tôi đã làm quen với trường học mới và với những luật lệ dành riêng cho các cô gái đến tuổi trưởng thành, tôi nhận ra rằng đạp xe không còn là vấn đề suy nghĩ nữa, vì vậy chẳng có gì xảy ra sau đó. Điều ngạc nhiên đối với tôi là dượng tôi lại không đặt vấn đề những cô gái dậy thì nên làm hay không nên làm gì. Trong phòng mạch của mình, dượng quên mất những chuyện ấy, rằng tôi là một người cần phải được huấn luyện uốn nắn về nhiều thứ hay là cần dạy dỗ, đặc biệt là trong những bữa ăn tối, bắt chước làm theo cách cư xử của dì Dawn.

“Cháu đạp xe một mình à?” là câu hỏi của dì khi biết tôi bị té. “Cháu đi tìm cái gì? Đừng lo, trước sau cháu sẽ có bạn thôi mà.”

Dì nói đúng cả về chuyện tôi có nhiều bạn mới và về việc những giới hạn mà tôi sẽ gặp phải như một đứa con gái.

Dượng Jasper không phải chỉ là một bác sĩ, dượng là vị bác sĩ duy nhất. Dượng là một người đã vận động để xây bệnh viện của thị trấn và đã phản đối đề nghị đặt tên ông cho bệnh viện ấy. Dượng lớn lên như một học sinh nghèo nhưng thông minh và đã đi dạy học trước khi có đủ tiền để đi học y khoa. Dượng đã từng đỡ đẻ cho nhiều đứa bé và tiến hành phẫu thuật mổ ruột thừa trong những nhà bếp ở nông trại sau khi lái xe qua nhưng cơn bão tuyết. Trong những năm năm mươi và sáu mươi, những chuyện như thế đã xảy ra. Dượng không bao giờ bỏ cuộc, đã chiến đấu chống lại bệnh nhiễm độc máu và bệnh viêm phổi và đã cứu sống rất nhiều bệnh nhân trong thời kỳ mà những thuốc men mới chưa được mang tới.

Thế nhưng ở nơi làm việc dượng lại có vẻ rất thoải mái, dễ tính, nếu so sánh với lối cư xử ở nhà. Như thể ở nhà lúc nào cũng phải canh chừng thì ở phòng mạch dượng ấy không cần thiết, mặc dù bạn có thể nghĩ là ngược lại. Người nữ y tá làm việc ở phòng mạch thậm chí cũng không đối xử với dượng với sự tuân phục đặc biệt giống như dì Dawn. Bà ta thò đầu qua cửa nơi dượng tôi đang chữa trị vết thương của tôi và bảo rằng mình phải về nhà sớm.

“Bác sĩ phải gọi điện thoại nhớ nhé, bác sĩ Cassel. Nhớ nhé, tôi có nói rồi.”

“Mmm-hmm,” dượng nói trong cổ họng.

Tất nhiên bà y tá thì lớn tuổi rồi, trên năm mươi, và phụ nữ vào tuổi ấy thường cư xử với vẻ có quyền lực.

Nhưng tôi không tưởng tượng được rằng dì Dawn lại có thái độ ấy. Dì trông như lúc nào cũng trẻ trung tươi mát. Thời gian tôi ở nhà họ, mới đầu khi tôi nghĩ rằng tôi có quyền đi đây đi đó, tôi đã vào phòng ngủ của dì dượng nhìn lên một tấm hình của dì treo đầu giường mái tóc lượn sóng đen. Nhưng có một cái mũ màu đỏ che lên một phần phía trên mái tóc và dì mặc một cái áo khoác màu hồng. Khi tôi xuống nhà dưới có hỏi về trang phục, dì nói, “Trang phục nào? Ồ. Đó là y phục thời dì đi học y tá.”

“Thế dì là y tá à?”

“Ồ không.” Dì cười phá lên như thể chuyện ấy là một điều hết sức bậy bạ. “Dì bỏ học,” bà nói.

“Có phải hồi ấy dì quen dượng Jasper không?”

“Ồ không. Ông ấy đã là bác sĩ nhiều năm trước đó. Dì gặp dượng khi bị một ca ruột thừa vỡ. Dì đi thăm một người bạn – một gia đình người bạn ở đây – và dì cảm thấy đau lắm nhưng không biết là bị gì. Ông ấy chuẩn đoán bệnh và lấy cái ruột thừa ra. Khi nói thế dì hơi đỏ mặt, còn nói rằng có lẽ tôi không nên vào phòng ngủ trừ khi xin phép trước. Tôi biết rằng điều đó nghĩa là không bao giờ.

“Thế bạn của dì còn ở đây không?”

“Cháu biết đấy. Người ta không còn là bạn bè như hồi trước nữa một khi đã đi lấy chồng.”

Vào thời gian tôi hiếu kỳ chúi mũi vào mấy chuyện này tôi cũng phát hiện ra rằng dượng Jasper không hẳn là không có gia đình như tôi nghĩ. Dượng ấy có một người chị, bà ta cũng rất thành công, ít nhất là tôi nghĩ thế. Bà là một nhạc sĩ vĩ cầm, tên bà là Mona. Hoặc đó là tên mà người ta thường gọi, mặc dù tên chính thức của bà là Maud. Mona Cassel. Tôi bắt đầu biết đến bà khi tôi ở trong thị trấn được một nửa năm học. Khi từ trường về nhà một ngày kia tôi thấy một tờ quảng cáo bích chương ở trên cửa sổ của một tòa soạn báo, quảng cáo về một buổi hòa nhạc ở tòa thị sảnh trong vài tuần lễ tới. Có ba nhạc sĩ sẽ đến từ Toronto, Mona Cassel là người cao tóc trắng cầm đàn vĩ cầm. Khi về nhà tôi bảo với dì về chuyện tình cờ giống nhau giữa hai cái tên, dì liền bảo, “Ồ đúng rồi. Chắc đó là chị gái của dượng của con đấy.”

Rồi dì nói thêm, “Đừng có nói gì về chuyện ấy ở đây cả.”

Sau một lúc có vẻ dì thấy cần phải nói thêm chuyện gì.

“Dượng cháu không thích đi coi loại nhạc ấy, cháu biết rồi. Nhạc hòa tấu.”

Và thêm một vài điều nữa.

Dì nói rằng người nhạc sĩ kia lớn hơn dượng Jasper vài tuổi, và có một chuyện gì đó xảy ra khi họ còn trẻ. Vài người bà con đã từng nghĩ rằng cô bé kia cần phải được mang đi xa và dạy dỗ về âm nhạc vởi vì nó có quá nhiều năng khiếu. Vì vậy bà ta được dạy dỗ theo kiểu khác và hai chị em không có gì giống nhau cả và đó là tất cả những gì mà dì Dawn được biết. Dì cũng không nói là dượng sẽ không thích nếu tôi biết nhiều như thế.

“Té ra dượng không thích nhạc à?” Tôi hỏi. “Dượng thích kiểu nhạc gì vậy?”

“Một kiểu gì hơi xưa,” dì tôi bảo. “Nhưng không phải nhạc cổ điển đâu.”

“Nhạc của nhóm Beatles à?”

“Ồ không phải.”

“Lawrence Welk?”

“Không phải nói mấy chuyện đề tài đó chứ? Dì sẽ không nói thêm nữa đâu.”

Tôi không chú ý đến lời nhắc nhở của dì. Tôi hỏi tiếp.

“Thế dì thì thích nhạc gì?”

“Dì thích tất cả các thứ.”

“Dì phải thích một thứ gì nhiều hơn một thứ khác chứ?”

Dì Dawn không nói gì thêm nữa chỉ cười. Đó là một cái cười có chút lo lắng, tương tự như nhưng có vẻ quan ngại hơn ví dụ so sánh với cái cười của dì lúc hỏi dượng Jasper thích ăn món gì buổi tối. Gần như lúc nào dượng cũng tán đồng, nhưng với một vẻ cân nhắc, dặn dò. Được rồi em à, nhưng món ấy hơi cay hoặc hơi nhạt. Có lẽ nấu chín quá hoặc là nấu chưa chín. Có một lần, dượng bảo, “Anh không thích,” và từ chối nói thêm nữa, và nụ cười biến mất giữa môi của dì và vẻ tự kiềm chế dũng cảm.

Một bữa ăn tối như thế thì sao? Tôi muốn nói là món cà ri Ấn Độ, nhưng có thể vì cha tôi không thích cà ri, mặc dù ông không ca cẩm về chuyện ấy. Dượng tôi đứng lên và tự mình làm một cái bánh mì kẹp bơ đậu phụng, và cách cư xử ấy làm cho vấn đề trở nên nặng nề. Bất cứ món gì mà dì tôi nấu ra cũng không được là một thứ gây khó chịu. Có thể là một thứ gì hơi khác thường mặc dù trông có vẻ ngon lành trên một tạp chí. Và như tôi nhớ lại dượng tôi đã ăn hết tất cả món ấy trước khi kết luận món ấy là thứ rất dở. Dượng ăn hết không phải vì đói mà vì nhu cầu muốn tuyên bố về sự không hài lòng của mình một cách rõ ràng và mạnh mẽ.

Đối với tôi có vẻ như có một chuyện gì đó không được hay lắm đang diễn ra ở bệnh viện. Một bệnh nhân nào đã chết một cách bất ngờ – có thể là vấn đề không liên quan gì đến thức ăn cả. Nhưng tôi không nghĩ điều đó xảy ra cho dì Dawn – hoặc là nếu có, dì cũng không để lộ điều ấy. Dì tỏ ra ân hận về mọi chuyện.

Vào dạo ấy, dì Dawn của tôi có một vấn đề khác, một vấn đề mà tôi không hiểu được cho mãi đến sau này. Dì có một vấn đề với một cặp vợ chồng ở nhà bên cạnh. Họ dọn nhà vào cùng lúc tôi đến ở nhà dì dượng. Người chồng là một giám hiệu nhà trường, bà vợ là một cô giáo dạy nhạc. Họ vào cỡ tuổi của dì Dawn và trẻ hơn dượng Jasper. Họ cũng không có con, vì vậy họ cũng rất rảnh rỗi cho việc giao tế kết bạn. Và đang ở trong thời kỳ muốn xây dựng một mối giao kết ở nơi chốn mới, khi mọi việc có vẻ dễ dàng và sáng sủa. Vì vậy họ đã mời dì Dawn và dượng Jasper đi uống một vài ly rượu và trò chuyện. Quan hệ bên ngoài của dì dượng tôi rất hạn hẹp, và mọi người cũng biết thế, khiến cho dì tôi không có kinh nghiệm từ chối lời mời. Thế rồi họ cũng ra ngoài, gặp gỡ uống vài ly, tán chuyện, và tôi hình dung được rằng dượng Jasper cảm thấy khá hài lòng phấn khích, mặc dù cũng chưa hẳn tha thứ cho dì tôi về cái tội nhận lời mời kia.

Bây giờ dì đang ở thế khó xử. Dì hiểu rằng khi người ta mời mình tới nhà và mình tới thật, thì mình cũng nên mời lại họ. Rượu thì mời rượu, cà phê thì mời cà phê. Không cần phải có bữa ăn tối. Nhưng ngay cả thế, những việc nhỏ ấy, dì cũng không có kinh nghiệm. Dượng tôi chẳng thấy người hàng xóm có quyết định gì – ông chỉ giản dị là không thích người lạ tới nhà, có thế thôi.

Thế rồi với cái tin mà tôi mang lại, lóe lên một khả năng giải quyết. Ba người nhạc sĩ đến từ Toronto – tất nhiên có cả cô Mona – sẽ hòa tấu nhạc ở tòa thị sảnh chỉ một buổi tối mà thôi. Và đó cũng là buổi tối mà dượng Jasper phải đi ra khỏi nhà đến khuya mới về. Đó là buổi tối của cuộc hội họp y sĩ đoàn khu vực và ăn tối nữa. Đó không phải là một buổi dạ hội, vợ của các bác sĩ không được mời.

Đôi vợ chồng hàng xóm dự định sẽ đến dự buổi hòa nhạc. Họ phải thế, phần vì nghề nghiệp của người vợ. Nhưng họ cũng đồng ý ghé lại nhà của dì tôi một lát khi buổi hòa nhạc xong, để uống một ly và phê và ăn thứ bánh trái gì đó. Và để gặp gỡ – đây là nơi mà dì tôi đã vượt hơi xa vị trí của mình – để gặp người nhạc sĩ kia, cô cũng sẽ ghé ngang nhà một lát.

Tôi không biết dì tôi đã nói gì nhiều với người hàng xóm về mối quan hệ của họ với người nhạc sĩ vĩ cầm Mona Cassel. Nếu dì tôi có ý tứ, mối quan hệ ấy là không có gì. Và ý tứ thì dì tôi không thiếu, trong nhiều trường hợp. Dì đã giải thích rằng ông chồng bác sĩ không thể có mặt ở nhà vào buổi tối, nhưng dì lại không thể nói nhiều hơn với họ rằng buổi gặp gỡ ấy không nên để cho ông chồng biết, và cũng bí mật cả với cô hầu gái Bernice, người đã về nhà trước buổi tối và tất nhiên là biết trong nhà đang chuẩn bị một cái gì đó? Tôi không rõ lắm. Và, quan trọng hơn cả là, tôi không biết làm sao mà dì Dawn có thể có được lời mời gởi đến những người nhạc sĩ kia. Liệu dì có liên lạc với nhạc sĩ Mona không? Tôi thật không biết. Chắc là dì không có một liên hệ nào, điều ấy gần như là một sự lừa dối đối với dượng tôi, xét về lâu dài.

Tôi tưởng tượng dì tôi trong một lúc bỗng đâm ra có thói lông bông và viết một cái thư ngắn, rồi đem nó tới khách sạn nơi ba người nhạc sĩ kia đang ở lại. Dì không thể có được một địa chỉ nào ở Toronto cả.

Ngay cả việc tới khách sạn kia, chắc dì tôi cũng phải tự hỏi liệu có ai nhìn theo không, và khẩn cầu rằng dì sẽ không gặp phải ông quản lý khách sạn, người biết rõ chồng mình nhưng sẽ gặp một người khác, đàn bà, trẻ hơn, hình như là một người ngoại quốc, và có lẽ chẳng biết dì là vợ của ông bác sĩ.

Chắc là dì tôi phải nói rõ với những người nhạc sĩ kia rằng họ chỉ đến nhà một lát thôi, dì không thể tiếp họ lâu hơn. Buổi hòa nhạc khá mệt mỏi và họ cần phải lên đường sớm để tới một thị trấn khác sáng hôm sau.

Tại sao dì lại mạo hiểm như vậy? Tại sao không thể ngồi nói chuyện với những người bạn hàng xóm một mình? Thật khó nghĩ. Có thể vì dì không tin là tự nói chuyện được một mình. Hay là dì muốn khoe khoang một chút trước mặt những người hàng xóm. Hoặc – mặc dù tôi không tin tưởng lắm – dì muốn biểu lộ tình thân ái hoặc sự tiếp nhận nào đó đối với người chị chồng kia, người mà dì chưa bao giờ gặp.

Có lẽ dì đã phải cảm thấy choáng váng với ngay cả sự mạo hiểm có chút bất cần của mình. Đó là chưa kể những lúc dì cầu nguyện, thời ấy là thói quen phổ biến, về chuyện có một mối nguy hiểm rằng dượng Jasper sẽ tình cờ biết được bí mật ấy. Một hôm ông gặp người giáo viên dạy nhạc kia trên đường phố, chẳng hạn thế, và được bà ta rối rít cám ơn và những lời kết giao này nọ.

Những người nhạc sĩ không lấy làm mệt mỏi lắm sau buổi hòa nhạc như bạn tưởng. Hoặc là họ lấy làm thất vọng vì số lượng thính giả đến xem, thật ra cũng không có gì bất ngờ. Sự nhiệt tình của những người khách hàng xóm, không khí ấm áp của phòng khách (vì phòng hòa nhạc khá lạnh lẽo), cũng như sự lóng lánh của những màn che cửa bằng nhung màu hồng đào, ban ngày chúng có màu sẫm như màu hạt dẻ, nhưng về đêm thì tỏa bóng rạng ngời – tất cả những thứ ấy làm cho tinh thần họ đâm ra phấn khởi. Cảnh vật ngoài trời thì tối tăm ủ rũ càng tạo ra sự đối nghịch và cà phê thơm ngát làm ấm lòng những người khách thích vẻ lạ nhưng ngán ngẩm thời tiết lạnh lẽo. Đó là chưa nói đến những cốc rượu dâu sau cà phê. Rượu dâu ở trong những chiếc ly sóng sánh, hợp với kích thước và hình dáng, một ít bánh ngọt phủ màu với dừa, những cái bánh mì nhỏ hình liềm hoặc hình thuẩn, những loại bánh kẹp có mùi sô cô la. Tôi cũng chưa bao giờ thấy những thứ bánh này. Ba mẹ tôi khi tổ chức tiệc tùng chỉ đãi những thức ăn có vị cay trong những chiếc nồi đất. 

Dì Dawn mặc một chiếc áo đầm được cắt nhẹ nhàng, làm bằng vải voan mảnh. Đó là loại áo đầm mà một người phụ nữ đã có tuổi từng mặc và có thể trông cũng thích hợp theo một cách nào đó, nhưng dì tôi khi mặc vào lại trông có vẻ như đang đi dự một buổi tiệc. Vợ người hàng xóm cũng mặc đồ sang trọng, hơi quá lên một chút so với buổi gặp có phần thoải mái này. Người đàn ông thấp đầy đặn chơi đàn cello (3) mặc một bộ vét đen sẫm với một cái nơ khiến cho anh ta bớt đi cái vẻ của một viên chức lục sự, và người chơi dương cầm, tức là vợ của ông ấy mặc một cái đầm đen có chút màu mè so với dáng điệu của bà ta. Nhưng Mona Cassel thì chói sáng như một mặt trăng, trong một cái áo dài cắt sát người, với một loại vải lóng lánh bạc. Cô người cao to, mũi hơi lớn, giống như em trai của mình.

Dì Dawn có thể đã cho người lên dây đàn dương cầm trước đó, hoặc là họ cũng không gặp trở ngại gì với nó. (Nếu như có vẻ kì quặc, khi có một cây đàn dương cầm ở trong nhà, trong khi những ý kiến của dượng tôi về chuyện âm nhạc thế nào cũng hé lộ cho mọi người biết, tôi chỉ có thể nói rằng vào thời ấy, mỗi ngôi nhà kiểu ấy đều có một cây đàn.)

Vợ người hàng xóm đề nghị được nghe một khúc nhạc Eine Kleine Nachtmusik, và tôi ủng hộ ý kiến ấy, có chút khoe khoang. Thực ra là tôi không hề biết chi về nhạc nhưng chỉ biết nhan đề của bài nhạc, vì tôi có học tiếng Đức hồi ở trường cũ.

Khi người chồng hàng xóm đề nghị một thứ gì đó, và đàn dương cầm lại chơi, và khi bản nhạc xong, ông ấy liền xin lỗi dì Dawn vì đã quá vội vàng, không chờ cho người chủ nhà có cơ hội để đề nghị một bản nhạc mà mình thích.

Dì Dawn nói, Ồ không, đừng lo chi chuyện ấy, vì dì thích tất cả mọi thứ. Rồi dì biến mất, mặt đỏ lên tới tận mang tai. Tôi không biết dì có thích âm nhạc không, nhưng rõ ràng là có một điều gì đó làm dì rất hứng thú. Hay việc dì trở thành người sửa soạn cho những giây phút này làm cho dì sung sướng thế?

Có thể nào dì tôi đã quên – có thể nào quên được? Cuộc họp của đoàn y sĩ địa phương, bữa ăn tối hàng năm và cuộc bầu cử ban lãnh đạo y sĩ đoàn thường kết thúc vào lúc mười giờ ba mươi. Bây giờ đã là mười một giờ đêm.

Trễ quá, trễ quá rồi, cả hai chúng tôi đều bắt đầu nhận ra điều ấy.

Cánh cửa ngăn gió bên ngoài bật mở, rồi cửa đi vào lối chính và không hề dừng lại để cởi ủng và áo khoác ngoài hay khăn quàng cổ ra, dượng tôi bước thẳng vào phòng khách.

Những người chơi nhạc, đang chơi giữa chừng, không dừng lại. Hai vợ chồng hàng xóm chào dượng tôi một cách vui vẻ nhưng nhỏ giọng lại để khỏi làm phiền bản nhạc đang chơi. Dượng trông to lớn gấp đôi với cái áo khoác mùa đông chưa cởi nút và khăn quàng cổ lòng thòng và đôi ủng đang còn mang. Ông nhìn quanh, nhưng không nhìn ai cụ thể, cũng không nhìn cả vợ mình.

Và người vợ cũng không nhìn chồng. Dì tôi bắt đầu dọn dẹp những cái dĩa trên bàn bên cạnh, chồng cái này lên cái kia, cũng không để ý rằng trên một số dĩa vẫn còn bánh kem, làm cho chúng dính vào nhau từng miếng một.

Không vội vàng mà cũng không dừng lại, dượng tôi bước ngang qua phòng khách, đi xuyên qua phòng ăn và đi qua cánh cửa xoay vào thẳng nhà bếp.

Người nhạc sĩ dương cầm đang đặt tay lên trên những phím đàn lặng lẽ, và người chơi đàn cello đã dừng lại. Người chơi vĩ cầm tiếp tục chơi một mình. Tôi không bao giờ biết, ngay cả bây giờ, có phải đó là cách mà bản nhạc tất nhiên phải được chơi như thế hay vì người chơi nhạc muốn tỏ vẻ khinh thị đối với ông ấy. Cô không bao giờ nhìn lên cả, nhưng tôi vẫn còn nhớ, để nhìn vào mặt người đàn ông cau có kia. Cái đầu với mái tóc trắng bạch kim, tương tự như người em trai nhưng dầu dãi gió sương hơn, run lên một lát, nhưng cũng có thể đã run lên thật lâu, tôi không biết.

Dượng tôi quay trở lại, với một dĩa đầy thịt heo và đậu. Chắc là ông đã mở một hộp thịt và đổ tất cả xuống cái dĩa, vẫn còn lạnh. Dượng tôi cũng không thèm cởi cái áo khoác ngoài ra. Và cũng không nhìn ai cả, nhưng dùng nĩa cọc cạch ồn ào khi ăn, ăn như thể một mình, tỏ vẻ đói. Bạn có thể nghĩ là ở trong buổi họp của các bác sĩ và bữa tối họ chẳng dọn gì ra để ăn cả.

Tôi chưa bao giờ thấy dượng tôi ăn uống như thế cả. Cách ngồi vào bàn ăn của dượng lúc nào cũng có vẻ kiêu kỳ nhưng quả thật là lịch thiệp, tinh tế.

Bản nhạc mà người chị của ông chơi đã đến hồi chấm dứt. Có lẽ vào đúng lúc. Hơi sớm hơn việc kết thúc dĩa ăn của dượng tôi với thịt lợn và đậu. Những người hàng xóm đã ra đến cửa và đã mặc đồ xong để chuẩn bị ra ngoài và ló đầu vào một lần nữa để nói lời cám ơn rối rít, trong cảm giác dường như tuyệt vọng được chạy ra khỏi nơi đây.

Tới bây giờ đến lượt những người nhạc sĩ ra về, nhưng không hề có chút vội vàng. Các nhạc cụ được bỏ vào gói lại đàng hoàng chính xác; bạn không thể ném đại chúng vào các hộp được. Những người nhạc sĩ (nhạc công) lúc nào cũng có phương cách đúng đắn, đúng phương pháp rồi họ cũng biến mất sau cánh cửa. Tôi không nhớ có ai đã nói điều gì, hay là dì Dawn đã đủ sức để đứng lên nói lời cám ơn với họ hay tiễn họ ra cửa. Tôi không thể chú ý đến ai khác vì dượng Jasper là người nói, với giọng nói rất lớn, và người được dượng nói tới lại là tôi. Tôi nhớ rằng người nữ nhạc sĩ vĩ cầm đã đưa mắt nhìn ông ấy một lần, khi ông vừa bắt đầu nói. Một cái nhìn mà dượng tôi hoàn toàn không để ý hoặc không hề thấy. Đó không phải là một cái nhìn giận dữ, như bạn có thể tưởng tượng, hay ngay cả một cái nhìn kỳ thú. Cô chỉ tỏ ra hoàn toàn mệt mỏi, kiệt sức, và khuôn mặt cô trắng bệch ra hơn cả bất cứ thứ gì mà bạn có thể nghĩ được.

“Bây giờ, cháu hãy nói cho ta nghe,” dượng tôi bắt đầu nói, hướng về phía tôi, như thể xung quanh không có ai cả. “Hãy nói cho ta nghe cha mẹ của cháu có đi nghe những loại nhạc như thế này không? Tức là đúng cái thứ nhạc này? Các buổi hòa nhạc và những thứ tương tự? Họ có khi nào trả tiền vé và ngồi xuống một vài giờ đồng hồ và mài rạc đũng quần để lắng nghe một thứ mà họ chẳng biết là gì chỉ vào nửa ngày sau? Trả tiền để phạm tội ư? Cháu có khi nào thấy cha mẹ mình làm thế không chứ?”

Tôi trả lời rằng không, mà sự thực là thế. Tôi chưa bao giờ thấy cha mẹ tôi đi dự một buổi hòa nhạc, dù rằng họ cũng thích các loại hòa nhạc nói chung.

“Thấy chưa? Họ thật là khôn ngoan, cha mẹ cháu. Quá sức thông minh để có thể đi kết đàn với những người tào lao, vỗ tay và làm những thứ tương tự như thể họ đang đứng trước những kỳ quan thế giới. Cháu có biết loại người đó là ai không? Đó là bọn nói dối. Đồ phân ngựa. Họ chỉ muốn tỏ ra là thành phần ta đây quý tộc. Hay là cố làm ra vẻ như thế để hài lòng các bà vợ của họ. Hãy nhớ điều này khi cháu lớn lên ra đời. Được chứ?”

Tôi đồng ý là sẽ ghi nhớ lời ông. Tôi không có gì ngạc nhiên lắm về những điều dượng tôi vừa nói. Thật ra nhiều người cũng nghĩ như thế về nghệ thuật, đặc biệt là giới đàn ông. Có hàng ngàn thứ trên đời mà cánh đàn ông căm ghét. Hoặc chẳng có ích gì, như họ thường nói. Và quả nhiên thế thật. Họ không biết dùng chúng vào việc gì. Vì vậy họ ghét chúng. Biết đâu chuyện ấy cũng tương tự như cách mà tôi nghĩ về môn học đại số – tôi quả có nghi ngờ rất nhiều lần rằng liệu có khi nào tôi cần đến chúng hay không.

Nhưng không phải vì thế mà tôi kết luận xa đến mức muốn môn số học bị loại khỏi trái đất vì lý do ấy.

Khi tôi xuống nhà dưới sáng hôm sau, dượng Jasper đã đi làm việc. Cô hầu Bernice đang rửa chén bát và dì Dawn đang sắp lại những chiếc ly pha lê trong cái tủ bằng sứ. Dì tôi mỉm cười với tôi, nhưng tay dì cầm ly không vững, khiến cho những cái ly va vào nhau lách cách.

“Nhà của một người đàn ông là cái lâu đài của ông ta,” dì tôi nói.

“A, đó là một trò chơi chữ của dì”, tôi nói cố làm cho dì tôi vui lên. “Cassel.”(2)

Dì tôi mỉm cười lần nữa, nhưng tôi không chắc dì biết tôi muốn nói gì.

“Khi cháu viết thư cho mẹ cháu ở Ghana-” dì nói, “Đừng nói gì về những chuyện ấy cả – dì muốn nói là cháu không nên nói gì về một chút bực bội tối hôm qua. Khi mẹ cháu đang gặp quá nhiều chuyện rắc rối, và thấy những người chết đói ở châu Phi, hay tương tự như thế, dì muốn nói là những thứ bực bội ở đây rất nhỏ bé và có vẻ vị kỷ.”

Tôi hiểu. Tôi cũng không muốn nói rằng thật ra cho đến lúc ấy chưa hề có chuyện chết đói xảy ra ở Ghana.

Chỉ là tháng đầu tiên, và tôi đã gởi cho cha mẹ tôi những bức thư toàn những lời kể lể cay chua và những lời than phiền rồi. Mọi việc bây giờ lại trở nên rối bời hơn nữa khiến tôi chẳng thể giải thích được.

Sau cuộc trò chuyện về âm nhạc, sự quan tâm của dượng Jasper đối với tôi đã có phần kính trọng hơn, dượng lắng nghe những ý kiến của tôi về y tế, như thể đó là ý kiến riêng của tôi chứ không phải từ cha mẹ tôi. Có lần ông nói là hết sức vui vẻ có một người thông minh để trò chuyện trong bữa ăn. Dì tôi cũng bảo đúng thế. Dì nói thế để cho mọi chuyện được vui vẻ, và khi dượng tôi cười phá lên, dì ngượng đỏ cả mặt. Mọi chuyện trở nên khó khăn đối với dì nhưng vào ngày lễ tình nhân, người vợ lại được chồng tha thứ, nhận được món quà là một mặt dây chuyền hồng ngọc khiến dì mỉm cười, quay đi trên má lăn vài giọt nước mắt an ủi.

Vẻ mặt tái xanh của cô Mona, gò má nhọn, ngay cả với chiếc áo đầm lóng lánh bạc cũng không đủ sức để xóa đi dấu vết của bệnh tật. Cái chết của cô được loan báo trên một tờ báo địa phương vào mùa xuân ấy, cùng lúc với tin về buổi hòa nhạc ở tòa thị sảnh. Một lời điếu văn từ một tờ báo ở Toronto được in với một tiểu sử ngắn về nghề nghiệp, đủ để ca ngợi người nữ nhạc sĩ, một tiểu sử gần như sáng chói. Dượng Jasper tỏ ra ngạc nhiên – không phải về cái chết của chị mình mà về việc bà sẽ không được chôn cất ở Toronto. Việc tang lễ và chôn cất được tổ chức tại nhà thờ ở thị trấn Hosannas, chỉ vài dặm phía bắc nơi chúng tôi ở, vùng quê. Đó là nhà thờ của gia đình nơi dượng Jasper và cô Mona thời nhỏ đến dự lễ và đó là một nhà thờ Anh giáo. Dượng Jasper và dì Dawn bây giờ đi ở nhà thờ Thống nhất, nơi mà những người khá giả thường đi. Những người theo đạo nhà thờ Thống nhất rất có lòng tin Chúa nhưng không nghĩ rằng bạn cần phải đi lễ vào mỗi ngày chủ nhật, và không tin rằng Thượng đế cấm bạn không được uống bia rượu lúc này lúc khác. (Bernice người hầu gái, đi một nhà thờ khác, và chơi đàn ống organ ở đó. Họ đạo ở đó thì nhỏ và rất kỳ lạ – họ in những tờ rơi nhỏ thả trên khắp các phố, ghi tên những người sẽ xuống địa ngục. Không phải những người ở địa phương, nhưng là những người nổi tiếng như thủ tướng Pierre Trudeau.)

“Nhà thờ Hosannas thì không mở cửa cho các buổi lễ nữa,” dượng Jasper nói. “Tại sao lại mang chị ấy tới đây? Tôi không nghĩ rằng chuyện ấy được phép đâu.”

Nhưng rồi té ra nhà thờ ấy mở cửa đều đặn. Những người đã dự nhà thờ thời nhỏ vẫn tiếp tục dùng nó cho các buổi tang lễ và đôi khi con cái họ cũng tổ chức lễ cưới ở đây. Bên trong nhà thờ được chăm sóc kỹ, nhờ có một tài sản được thừa kế, và hệ thống lò sưởi hiện đại.

Dì Dawn và tôi lái xe tới đó. Dượng Jasper bận rộn cho đến phút cuối.

Tôi chưa bao giờ đến dự các tang lễ. Cha mẹ tôi không bao giờ nghĩ một đứa bé nên dự những buổi lễ ấy. Mặc dù rằng trong mối quan hệ của họ, như tôi nhớ lại, tang lễ được xem là một sự ca ngợi đối với đời sống.

Dì Dawn không mặc áo đầm màu đen như tôi tưởng. Dì mặc một bộ đồ màu hồng sẫm và một cái áo khoác ngoài kiểu da cừu và một cái mũ da cừu Ba Tư. Dì trông thật xinh đẹp, tỏ ra hài lòng, tươi tắn.

Một cái gai nhọn đã được nhổ đi. Một cái gai nhọn đã được nhổ đi về phía dượng Jasper, và thế là dì không thể nào không lấy làm sung sướng.

Một số ý tưởng trong đầu tôi đã thay đổi từ ngày tôi sống với dì dượng tôi. Chẳng hạn, tôi không còn giữ thái độ chung dung với những người tương tự như cô Mona nữa. Hay về chính cô Mona, âm nhạc của cô, nghề nghiệp của cô. Tôi không tin rằng cô là một người giả dối, nhưng tôi có thể hiểu ra vì sao một số người lại nghĩ thế. Không phải là chuyện cô ta có dáng người to quá khổ, cái mũi quá lớn và trắng, cây đàn vĩ cầm và cái cách bạn cầm cây đàn ấy trông kỳ quặc – mà chính là âm nhạc và sự hy sinh tất cả của cô ấy cho âm nhạc. Hy sinh tất cả cho một thứ gì, nếu bạn là một người đàn bà, làm bạn trở nên quái gở.

Tôi không có ý nói rằng tất cả quan điểm của dượng Jasper đã chinh phục tôi – chỉ có điều quan điểm ấy không còn xa lạ với tôi. Đi qua phòng ngủ của dì dượng tôi, cửa đóng, một buổi sáng chủ nhật, khi đang đi tìm ăn một cái bánh nướng quế mà dì Dawn làm mỗi tối thứ bảy, tôi nghe những tiếng động mà tôi chưa bao giờ nghe từ phòng ngủ của cha mẹ tôi – tiếng nói thì thào, tiếng rên rỉ vui vẻ, mà cách điệu của nó, sự bỏ mặc của nó làm tôi bực bội và rõ ràng làm tôi không chịu nổi.

“Em không nghĩ rằng có nhiều người từ Toronto về đây,” dì Dawn nói. “Vợ chồng Gibsons chắc sẽ không đến được. Anh ta có một buổi họp còn chị ấy thì không thể rời lịch làm việc với học sinh.”

Gibsons là những người bạn hàng xóm. Tình bạn của họ với nhau vẫn còn tiếp tục, nhưng ở mức vừa phải, người này cũng không thăm viếng nhà người kia.

Một đứa bạn tôi ở trường đã có lần nói với tôi, “Hãy chờ cho đến khi họ cho phép bạn nhìn kẻ qua đời lần cuối. Tôi đã nhìn bà tôi và ngất xỉu.”

Tôi chưa hề nghe về chuyện ngắm mặt người chết. Nhưng tôi có thể hình dung được. Tôi quyết định sẽ mở mắt ti hí và giả đò.

“Miễn là cái nhà thờ ấy không bốc mùi mốc meo,” dì Dawn nói. “Khiến cho dượng cháu bị xông lên tới óc.”

Không có mùi mốc. Không có vị ẩm ướt bốc lên từ các bức tường bằng đá và sàn nhà. Có những người đến sớm vào buổi sáng và mở các máy sưởi lên.

Những băng ghế dài đầy người.

“Một số bệnh nhân của dượng cũng tới đây,” dì Dawn hạ giọng nói. “Hay quá. Không có một bác sĩ nào ở quanh đây được người ta kính mến như dượng ấy.”

Người chơi đàn oóc của nhà thờ đang chơi một bản nhạc mà tôi biết. Một đứa bạn gái của tôi ở Vancouver đã từng chơi bài ấy cho dịp hòa nhạc lễ Phục sinh. “Bài chúa Giê Su, niềm vui của người.”

Người chơi đàn oóc chính là người nữ nhạc sĩ đã từng chơi bản nhạc dương cầm bỏ dở ở nhà dì tôi đêm ấy. Người chơi đàn cello ngồi nơi hàng ghế của dàn đồng ca gần đó. Có lẽ ông ấy sẽ trình diễn sau.

Sau khi mọi người đã yên vị, thấy có tiếng xì xào ở phía sau thánh đường. Tôi không quay người lại vì tôi vừa nhận ra cái hộp bằng gỗ đen bóng phía dưới khu vực bàn thờ. Quan tài. Một số người gọi nó là cái tráp (4). Nắp đóng lại. Trừ khi người ta mở nó ra, nếu không tôi không phải lo lắng về chuyện phải tới nhìn mặt người quá cố. Mặc dù vậy tôi tưởng tượng ra khuôn mặt của Mona nằm trong ấy. Cái mũi lớn xương xẩu của cô nhọn lên, các thớ thịt lặn đi, mắt nhắm lại. Tôi khiến cho hình ảnh ấy nằm mãi trong đầu tôi, phía cao nhất, cho đến khi tôi cảm thấy cho mình đủ mạnh mẽ để không bị nó làm cho đổ bệnh.

Dì Dawn, giống như tôi, cũng không quay đầu lại để nhìn xem chuyện gì xảy ra.

Nguyên cớ của việc lộn xộn nhỏ kia đang đi dọc theo giữa hai hàng ghế, thì ra là dượng Jasper. Dượng không dừng lại ở hàng ghế nơi dì Dawn và tôi đã dành sẵn một chỗ trống. Dượng đi thẳng, với một dáng đi trịnh trọng nhưng thuần túy công việc, và đi với một người khác.

Người hầu gái, Bernice. Cô mặc trang phục nghi lễ. Một cái áo xanh nước biển, mũ đội đầu với một chùm hoa trên ấy. Cô không nhìn ai, mặt đỏ lên, môi mím lại.

Dì Dawn cũng không nhìn ai cả. Dì đang bận rộn vào lúc này lật dở từng trang cuốn sách thánh ca mà dì lấy ra từ cái túi ở phía sau chỗ ngồi trước mặt.

Dượng Jasper không dừng lại ở quan tài; dượng dẫn đường cho Bernice tới chỗ cái đàn oóc. Trong âm nhạc có một tiếng động lạ đầy ngạc nhiên. Rồi một tiếng nhạc trầm dài, sự mất mát, nỗi im lặng, trừ những người ngồi ở các hàng ghế dài thì thào xô đẩy, rướn người lên để xem chuyện gì xảy ra.

Bây giờ người nhạc sĩ dương cầm ngồi ở cây đàn oóc và người chơi đàn cello đã biến mất. Chắc phải có một cái cửa bên hông để họ thoát đi. Dượng Jasper đặt Bernice ngồi xuống chỗ của người nữ nhạc sĩ kia.

Khi Bernice bắt đầu chơi nhạc, dượng tôi tiến về phía trước, như ra dấu cho giáo đoàn. Đứng lên và hát, dáng điệu của dượng tôi nói thế, và một vài người đứng lên. Thêm nhiều người nữa. Rồi tất cả.

Họ đi tìm quanh những cuốn sách thánh ca, nhưng phần lớn đều có thể bắt đầu hát ngay trước khi nhìn thấy mặt chữ, bài hát “Chiếc thánh giá cũ xù xì”.

Công việc của dượng Jasper đã xong. Ông ấy quay lại và ngồi xuống chỗ chúng tôi dành cho ông.

Ngoại trừ một vấn đề. Một điều mà dượng không lưu ý.

Đây là nhà thờ Anh giáo. Trong nhà thờ Thống nhất nơi dượng Jasper thường quen tới dự, các thành viên của ca đoàn đi vào qua một cánh cửa đằng sau bục giảng, và yên vị trước khi vị linh mục xuất hiện, nhờ vậy họ có thể nhìn thấy rõ thính giả cộng đoàn ở phía dưới trong một phương cách thân mật thoải mái. Rồi vị linh mục xuất hiện, một dấu hiệu chứng tỏ mọi chuyện có thể bắt đầu. Nhưng ở nhà thờ Anh giáo, các thành viên ca đoàn đứng dọc theo hành lang phía sau của nhà thờ, hát và trình diễn một cách nghiêm trang nhưng vô danh, không ai thấy rõ từng người. Họ chỉ ngước mặt lên từ các trang sách nhạc để nhìn bàn thờ và họ xuất hiện có một chút siêu nghiệm, thoát ra khỏi hình ảnh thường ngày của họ, không biết rõ lắm về những người thân, hàng xóm hay bất kì một ai khác đang ngồi nghe họ trong thính đường.

Bây giờ họ đang tới như thế đứng ở hành lang, hát bài “Chiếc thánh giá cũ xù xì,” hệt như những người khác – chắc chắn dượng Jasper đã nói trước với họ trước khi mọi chuyện bắt đầu. Có thể dượng đã làm thế để tưởng nhớ người đã khuất.

Vấn đề nảy sinh từ vị trí. Khi dàn đồng ca đã đứng ở hành lang, không cách gì dượng Jasper có thể quay lại chỗ chúng tôi để ngồi. Dượng bị kẹt cứng.

Có một việc cần phải làm liền và làm nhanh, vì vậy dượng đã làm. Ban thánh ca chưa tới hết được chỗ đứng phía trước của họ, vì vậy dượng lách mình qua giữa những người ấy. Mọi người tỏ ra ngạc nhiên nhưng vẫn né người để cho dượng đi qua. Họ chỉ có thể làm được một khoảng nhỏ. Tình cờ đó là những người rất cao lớn còn dượng cũng là một người cao lớn, mặc dù gầy.

Tôi ngợi ca chiếc thánh giá xù xì
Cho đến khi giành chiến lợi phẩm kia.
Tôi sẽ ôm cây thánh giá xù xì
Đổi một ngày kia vương miện lưu ly.

Đó là bài ca dượng tôi hát, nồng nhiệt hết mức từ vị trí của ông đang đứng ở giữa dàn thánh ca. Ông không thể quay mặt về phía nhà thờ nhưng phải giữ gương mặt hướng ra ngoài như chính là một khuôn mặt của dàn thánh ca ấy. Dù cố gắng dượng cũng tỏ ra một người bị mắc kẹt ở vị trí ấy. Mọ thứ đều có vẻ êm ả, nhưng không thể nào được như ý của dượng. Ngay sau khi bài hát đã kết thúc, dượng vẫn còn đứng ở chỗ ấy, rồi ngồi xuống chật cứng giữa những người khác chung quanh. Có thể dượng nghĩ là thật là kỳ quặc lúc ấy còn đứng lên và đi về phía chúng tôi.

Dì Dawn không tham gia vào việc hát, vì dì không tìm được chỗ nào chính xác để bắt đầu bài hát. Xem ra dì không thể bào bắt nhịp vào được trong khi tôi thì có thể.

Hay có thể vì dì thấy được thoáng qua vẻ thất vọng trên mặt của dượng Jasper trước khi chính dượng ấy cảm thấy điều ấy.

Hay có lẽ lần đầu tiên dì nhận ra rằng quả thực dì được chăng hay chớ, bất cần. Cả cuộc đời mình dì cũng bất cần luôn.

“Chúng ta hãy cầu nguyện,” vị linh mục nói. 

Share this post

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on print
Share on email

Leave a Reply