Nguyễn Đức Tùng
(Đọc Thơ 39)
Sự chú ý của chúng ta là món quà tặng gởi cuộc đời. Sự chú ý của một cá nhân đối với một chi tiết tạo ra tâm cảnh. Con người bình đẳng trước ngôn ngữ, được tự do chọn lựa. Không có một tự do nào lớn hơn tự do suy nghĩ và biểu hiện. Những bài thơ hay đòi hỏi người đọc đi xa hơn nữa, nhìn thấy phía sau của sự vật, bên kia chân trời. Chúng ta di chuyển trong một thế giới hỗn loạn, đi tìm sự yên tĩnh ở nơi náo động, đi tìm thăng bằng ở nơi mất thăng bằng. Tất cả đều cần đến sự chú ý hay sự bao quát hoặc cả hai. Ngày hôm nay hầu hết người làm thơ có khuynh hướng viết dài. Đinh Thị Như Thúy cũng là một người như vậy, mặc dù trong các bài thơ của chị , các chi tiết được chú ý. Người đọc hôm nay ngày càng làm quen với các câu thơ dài, sự nối kết giữa chúng với nhau, với các hình ảnh lớn lao, bộn bề, sự mô tả từ xa tới gần. Thơ trữ tình được định nghĩa lại. Ngày trước, người ta tin rằng thơ trữ tình dùng để mô tả những xúc cảm cá nhân, không dùng để mô tả các sự kiện. Ngày nay thơ trữ tình cũng biến đổi, chúng dung chứa nhiều hơn các khả năng, mô tả các sự kiện khách quan, mô tả sự mất mát và sự toàn vẹn, mô tả sự đổ vỡ, đi tìm một năng lượng trữ tình trong những hình thức phi đối xứng.
Chiều có giới hạn
thủ đoạn, xảo trá vô hạn
đêm có giới hạn
kiểu cọ, vênh váo vô hạn
biển có giới hạn
nông cạn, dốt nát vô hạn
phi lý mãi đến chẳng còn phi lý nữa
Ào ạt đường về có cơn mưa
hào phóng ném muôn ngàn giọt lành
hào phóng phục sinh màu lá
ào ạt cá mòi phập phồng mang thả
những bọt khí tròn trong suốt
Nhiều năm trước ở Mỹ có một cuộc tranh luận giữa Dana Gioia và August Kleinzahler, cả hai đều là các nhà thơ nổi tiếng. Lập trường của hai bên khác nhau, Gioia khuyến khích loại thơ dễ hiểu, gây xúc động, giàu nhạc tính, dễ đi vào lòng người, trong khi Kleinzahler phản đối quyết liệt, có phần coi thường Gioia, nghiêng về loại thơ phức tạp, khó hiểu, trí tuệ, thách thức. Ban đầu tôi xa lạ với Kleinzahler và hoàn toàn ủng hộ Gioia, nhưng càng về sau, tôi càng tin rằng cả hai đều đúng, hai loại thơ ấy đều khó viết như nhau, hấp dẫn như nhau.
Đinh Thị Như Thúy có thể giản dị, chân phương như trong bài này:
Sương khói sông Lô
Bạn viết về sương về khói
Nhắc tôi nhớ nhiều sông Lô
Một chiều dừng chân mà ngỡ
Khói sương bạc trắng đôi bờ
Sương ở trên trời rơi xuống
Khói từ mặt đất bay lên
Người đi ừ thì va vấp
Khói sương làm mắt ướt mềm
Ừ thì đưa tay mà nắm
Giữ hoài sương khói sông Lô
Mai ngày về xa phố nhớ
Ơi sương, ơi khói bơ phờ
Sông Lô vẫn trôi lừng lững
Lêu bêu dăm vạt bọt bèo
Kể chi nào sương nào khói
Nào người kinh ngạc ngó theo
Nhưng chị ngày càng hướng tới sự phức tạp, mặc dù không bao giờ quá đáng. Giai đoạn đầu, thơ chủ quan, nữ tính, nhiều cảm xúc, với những hình ảnh trong sáng; những năm gần đây chị ngày một quan tâm hơn đến các vấn đề xã hội, tự nhiên, xem thế giới là một tập hợp của các sự vật chứ không phải chỉ là một tập cảm xúc. Thơ ấy là cuộc đối thoại bất tận giữa những điều quen thuộc và xa lạ, giữa đời sống nội tại và ngọn gió lạ thường, nơi quá khứ và hiện tại giao hòa. Nếu chị dành đủ thời gian, bài thơ sẽ tạo ra một dòng chảy, một thứ tiếng nói. Bạn cần lắng nghe, vì giọng điệu của Như Thúy là quan trọng bậc nhất trong thơ chị. Niềm ao ước được sống trong sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên kết hợp một cách lạ lùng với ao ước được sống tự do. Mối quan hệ giữa tự do và liên kết, tuy vậy, không phải bao giờ cũng dễ dàng.
Chỉ có mưa không cần nghi ngại
đến những con dốc hút sâu ngang qua krông pắc
cũng đã mưa rồi
mưa còn muốn một điều gì nữa
rồi sẽ phải chết trong từng giây
khi gặm nhấm nỗi khánh kiệt
những tưởng tượng về ngày mưa phố huyện
vệt bùn đỏ hoe
những bông cỏ đĩ rập rờn
lướt thướt mang mưa trên năm cánh trắng
mưa kéo dài từ núi nọ
mưa kéo dài từ ngày nọ
mưa nhẫn nại
chờ những con đường xuyên qua rẫy thành sông
chờ những cây nấm rữa
một mùa một ngày một người
bao giờ cũng nhỏ bé
bao giờ cũng chẳng có gì đáng nói
một ngày xoè tay hứng từng giọt
rồi một ngày thu mình co ro
một ngày dằn dỗi bất cần
rồi một ngày chết vì mong đợi
chỉ có mưa không cần nghi ngại
chỉ có mưa hồn nhiên
Rồi một ngày chết vì mong đợi. Nhưng chúng ta ngày một khác. Quê hương ngày một khác. Đời sống càng văn minh, cõi người càng mờ ảo, con người trở nên xa lạ với mục đích ban đầu. Tình trạng vong thân như thế, đã được nói đến bởi Baudelaire. Thơ đi tìm lại những mối liên lạc: ở một số nhà thơ, như Đinh Thị Như Thúy, mối liên lạc giữa con người và thiên nhiên là dẫn đường. Tình yêu là sự dẫn đường.
Ý nghĩa của một bài thơ thực ra không tách rời khỏi nhạc điệu của bài thơ ấy. Hầu hết thơ của Như Thúy là thơ tự do và thơ xuôi, vậy nhạc điệu của chúng ở đâu? Câu chữ của chị, phong cách ấy, mặc dù không hoàn toàn khác người xung quanh, là một tiếng nói riêng biệt, đẹp, kín đáo, thách thức. Không phải chị không có thay đổi: ngày một viết về các đề tài khác nhau, sự quan tâm đối với các đề tài xã hội bàng bạc khắp nơi. Có một cuộc chiến đấu ngấm ngầm của phụ nữ, giữa một xã hội hỗn loạn, một lịch sử lẫn lộn giữa sự thực và lừa dối. Không phải là không có lúc chị đóng kín các cánh cửa, giữ thái độ ẩn mật trong đời sống và trong thơ ca. Đó là một thứ thơ của trầm tư, tĩnh lặng. Nhiều năm làm nghề dạy học, sống trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với thế hệ trẻ giữa rừng núi có lẽ ảnh hưởng nhiều đến chị. Thơ chị dường như ít chịu ảnh hưởng của những sự kiện thực tế trong đời. Tôi muốn nhìn thấy rõ hơn các sự kiện ấy, được phản ánh trong ngôn ngữ của chị như thế nào: gia đình, đám cưới, sự sinh đẻ, tình yêu đối với con cái, các vấn đề của trường học và hôn nhân, những khốn khổ của công dân, những vấn nạn xã hội. Có lẽ Như Thúy quan tâm nhiều hơn đến đời sống tinh thần, những xung đột nội tâm hơn là vạch ra trong thơ mình chân dung của đời sống thật.
Đúng lúc đó thì con rắn xuất hiện. Một con rắn lục xanh mướt. Trườn trên hàng rào xanh mướt dây bìm bìm.
Thật thú vị. Con rắn đang mang tâm trạng vui vẻ. Tôi chắc như thế vì cái cách nó rướn mình hân hoan trên những bông hoa màu tím. Chiếc cổ dài của nó vươn cao mang dáng dấp loài khủng long.
Tôi đến gần hơn chút nữa. Để thấy con rắn quả là dạn dĩ. Tâm trạng nó đang rất vui. Nó nằm thảnh thơi trên lớp lá xanh non êm như nệm. Chiếc đầu tam giác nhọn quay đảo và chiếc cổ rướn cao. Tôi nhặt một hòn đá ném vào nó cùng một tiếng suỵt nhẹ. Nó trườn đi rất nhanh.
Nhưng đúng lúc tôi quay người định bước đi. Thì thấy nó trở lại. Vẫn vị trí cũ. Vẫn cái cổ rướn cao đầy vẻ dò hỏi. Có vẻ như nó muốn mang đến cho tôi một thông điệp. Có vẻ như nó xuất hiện ở đây. Trong buổi sáng nắng ấm này. Trên hàng rào bìm bìm này. Là vì tôi.
Khi nhìn sâu vào hiện thực, phát hiện ra chiều kích tối đen, sự phản bội lòng tin, sự giả dối của lịch sử, chị có cách nói đặc trưng của mình, tuy vẫn dịu dàng nhưng không kém nghiêm khắc.
Đôi khi cuộc sống làm bạn mệt mỏi, làm bạn trống rỗng. Đôi khi sự cô đơn xâm chiếm tâm hồn bạn, và vào lúc ấy lời thơ của Đinh Thị Như Thúy như tiếng gió thổi ngoài hiên, tiếng lá rụng, tiếng động xôn xao của thời tiết. Đồ vật, cây cối, nhà cửa xuất hiện dày đặc trong thơ chị nhưng chúng xuất hiện như những nhân vật, thay đổi, chuyển động. Bài thơ bắt đầu khi ngôn ngữ nhận ra những nối kết của nó với đời sống, với quá khứ. Trong một thế giới biến đổi, nhiều tiếng ồn, những nối kết ấy ngày một khó khăn hơn. Chúng đòi hỏi một ngôn ngữ diễn tả khác.
Ứa nước mắt cho ngày xa. Những ngọn gió đang đi qua. Không ngọn gió nào dừng lại. Không ngọn gió nào. Không con người nào. Không ai cả.
Đó là ngày gió nhiều nhất trong mùa gió năm nay. Từ nửa đêm gió đã nao nức réo gọi, tiếng gió nghe rền vang như tiếng sấm xa. Lúc mờ sáng những cây lá khắp chốn đã rung lên theo đường đi của gió. Và suốt buổi ban mai trên các vòm cây những cơn gió lướt qua miên man không ngưng nghỉ.
Đến trưa đã không còn những cơn gió nhẹ nhàng mơn man. Chỉ tràn ngập những cơn gió bất ổn nổi loạn.
Tôi sớm nhận ra lòng thương nhớ ở Đinh Thị Như Thúy. Lòng thương nhớ ấy thật lớn. Tôi cảm nhận nó. Trong thơ chị, đời sống hiện ra nguyên vẹn và, ở những bài thành công nhất, có cả ánh sáng và bóng tối, sự làm đầy và sự trống rỗng, nồng nhiệt và lưỡng lự. Vì đó là đời sống thật của một người. Ánh sáng mà chị tìm thấy chiếu suốt qua chúng ta. Người đọc thơ tin tưởng vào linh cảm của người viết, đôi khi nhiều hơn là những mô tả khách quan. Sống trong một thiên nhiên thơ mộng, nhiều năm, thơ chị rõ ràng là bài thơ dài của người đi qua thiên nhiên hùng vĩ, cố gắng thoát ra khỏi những ràng buộc nhân gian. Chị không ngớt tìm kiếm, tựa người đi qua cánh đồng chú ý tìm bông cúc dại, nhưng thơ Đinh Thị Như Thúy còn hơn thế nữa: chị đi tìm ý nghĩa của chúng, của các tồn tại. Trong thơ chị, mọi vật đều đáng yêu. Nhưng liệu đời sống có đáng được ca ngợi như thế? Còn cái xấu, các bi kịch của nó, thì ở đâu?
Đã có sai lầm ở đâu đó
đã quá lâu rồi
chúng ta không làm sao chạm được chân vào mặt đất
không làm sao thoát được cảm giác bị treo lơ lửng trong không trung
không làm sao có nổi nụ cười
không làm sao tránh được ý nghĩ ta chẳng thể mang đến dù bất cứ điều gì cho những người thân quanh ta
đã quá lâu rồi
chúng ta không làm sao chạm được tay mình vào tay những người mình yêu dấu
đã có sai lầm ở đâu đó trong chuỗi thời gian chúng ta sống
đã có điều gì đó không kịp thời
đã có cái gì đó chắn ngang đường
giá như chúng ta được lùi lại
giá như chúng ta được bắt đầu
giá như chúng ta biết mình phải làm gì
ký ức là thùng rác nhưng không phải chỉ là thùng rác
chúng ta phải bới tung lên
đã quá lâu rồi
thói bè phái kéo chúng ta đi
lòng ích kỷ kéo chúng ta đi
nỗi ươn hèn khiếp nhược kéo chúng ta đi
như cơn cuồng phong đi qua cánh đồng
kéo theo đi những bông bồ công anh khô nỏ
Không phải khi nào chị cũng thành công ở biên giới giữa một bên là trữ tình cá nhân một bên là mô tả thế sự. Hầu hết các nhà thơ khác hiện nay cũng gặp khó khăn như thế. Tôi nghĩ sự đi ngang qua biên giới ấy không nằm ở tốc độ vượt qua, sự cắt, sự chuyển hướng, mà nằm ở khả năng thích hợp, sự khởi đầu trở lại. Chỉ cần một khởi đầu quá rộng, một thích ứng quá dễ dãi, bài thơ bị gập lại. Nhờ đi lại một cách hồn nhiên trên mảnh đất của mình, mà chị yêu dấu, sự phối hợp ở Đinh Thị Như Thúy diễn ra tự nhiên, ít cố gắng, và vì vậy, nhiều phần thuyết phục.
Chiều có giới hạn
thủ đoạn, xảo trá vô hạn
đêm có giới hạn
kiểu cọ, vênh váo vô hạn
biển có giới hạn
nông cạn, dốt nát vô hạn
phi lý mãi đến chẳng còn phi lý nữa
Ào ạt đường về có cơn mưa
hào phóng ném muôn ngàn giọt lành
hào phóng phục sinh màu lá
ào ạt cá mòi phập phồng mang thả
những bọt khí tròn trong suốt
Chị tìm kiếm thường xuyên sự hòa hợp giữa con người và hoàn cảnh giữa bi kịch lịch sử và cái hiện tại. Tôi nghĩ điều đó cũng chẳng dễ dàng, như chị từng viết:
đã quá lâu rồi
thói bè phái kéo chúng ta đi
lòng ích kỷ kéo chúng ta đi
nỗi ươn hèn khiếp nhược kéo chúng ta đi
Nhưng ở Như Thúy có một điều gì bền vững, như lòng tin vào các giấc mơ và ao ước, có mặt khắp nơi trong một thế giới mà thơ chị tạo lập nên. Một thế giới nữ tính, êm dịu, lẽ phải, nguyên tắc. Chị di chuyển trong thế giới ấy, tự do, sáng láng, hầu như cô độc. Sự cô độc ấy dễ tạo ra tính cách nổi loạn, sự phá vỡ, căm hận và tha thứ. Ở Như Thúy, những tính cách xung đột như thế đã được dàn xếp sớm hơn ở người khác, và đó là một thuận lợi và là một khó khăn của thơ chị. Vì thế, một người muốn nhìn vào chiều sâu của tâm hồn tác giả cần phải tự chuẩn bị kỹ càng hơn, đọc nhiều lần và đọc lại, và đọc trong tinh thần liên văn hóa về đời sống một phụ nữ những năm trước và sau ranh giới hai thế kỷ. Chiều sâu ấy đôi khi đối với tôi làm cho thơ chị trở nên một tôn giáo hay ít ra một vùng tâm linh bí ẩn.
Đinh Thị Như Thúy vẫn còn viết đều, còn lâu mới dừng lại, mỗi bài thơ của chị là một bước đi mới. Ý thức thay đổi ở chị rõ ràng.
Trưa nay, bọn trẻ con trong xóm mang đến cho tôi một túi nylon đầy những con nhộng bướm. Những con nhộng hình thoi thuôn dài, màu lá non, to bắng mút đũa. Chúng ngụy trang như chiếc lá nhỏ với một đường sọc dài vàng nhạt giữa thân. Những con nhộng nằm trong lớp tơ trắng mỏng. Treo sát ngọn lá muồng. Không trang bị bất cứ vũ khí nào để tự vệ. Kể cả tiếng kêu. Kể cả sự trốn chạy..
Làm sao có thể ăn những con nhộng này?
Thơ xuôi của Đinh Thị Như Thúy là trường hợp đặc biệt. Nó diễn tả thời gian, vốn là mối quan tâm của chị. Thời gian ấy không ngừng chuyển động nhưng không phải chỉ có một chiều.Thơ Như Thúy là giấc mơ hạnh phúc, là lòng hăng hái đi tìm sự thật. Sự nồng nhiệt ấy phức tạp hơn là giản dị. Nó không hài lòng với các sự thật nông cạn, với những giải thích qua loa đối với hiện thực. Sự không bằng lòng ấy về mặt thẩm mỹ và văn hóa tức thảy dẫn đến sự không bằng lòng về mặt xã hội. Con người càng lớn lên càng phân biệt rõ ràng giữa điều được phép và điều không được phép, giữa an toàn và nguy hiểm. Trẻ con không có khả năng ấy. Các nhà thơ được xem là gần với con trẻ, vì vậy các nhà thơ thực sự không phân biệt điều được phép và không được phép, đối với họ, phía sau chúng chỉ có một điều đáng quan tâm, đó là sự thật. Thơ Đinh Thị Như Thúy còn là một bản tường trình về đời sống Tây Nguyên, thế giới tự nhiên trong mối quan hệ về con người. Thiên nhiên của chị đẹp, hoang dã, quyến rũ, nhưng tôi muốn nhìn thấy nhiều hơn ở đó tác động giữa con người và thú vật, cây cỏ. Tôi muốn nghe được nhiều hơn nữa tiếng nói cảnh tỉnh của chị đối với các vấn đề môi trường, các tội ác, sự vô minh. Khuynh hướng hư vô có thể đã từng chi phối chị trong một số trường hợp, nhưng như một nhà thơ hiện đại, Như Thúy không theo đuổi sự hư vô hóa. Chị gắn bó với lịch sử. Quan hệ với lịch sử như thế nào là một câu hỏi lớn đối với các nhà thơ Việt hôm nay. Mặc kệ lịch sử là một thái độ phi đạo đức nhưng lệ thuộc vào lịch sử là một nguy hiểm khác. Khác với những bài thơ ngắn, các bài thơ xuôi khá dài, mặc dù không phải khi nào cũng dài, và các trường ca, như trường ca Nơi mùa đông gió thổi của chị, bao giờ cũng phải tìm cách giải quyết mối quan hệ giữa lịch sử và con người.
Cà phê đang chín. Trái bầm đỏ như máu ứa trên những nhánh cành xanh xanh.
Đất trong vườn đã khô đi và tơi ra thành bụi dưới những gót chân sần nẻ.
Bụi đất chờ đợi.
Cỏ cây chờ đợi.
Lòng người chờ đợi.
Những hạt bắp giống ủ đâu đó chờ đợi.
Những bào tử của các loài nấm từ mùa trước lửng lơ đâu đó chờ đợi.
Những ấu trùng căng thẳng nghe ngóng chờ đợi trong bóng tối thăm thẳm của ngóc ngách đất đai.
Những ngọn gió muộn đang rập rình sửa soạn. Bụi đất chờ đợi để nương theo gió mà đi. Những cái cây không đi được vì chùm rễ quấn chặt thì chuẩn bị gửi theo gió những chiếc lá nhẹ tênh. Những chiếc lá đã mất hết màu diệp lục.
Nơi ngày đông gió thổi là một trường ca về Tây Nguyên, bão bùng, hiu hắt, thơ mộng. Bài thơ là căn phòng nhìn ra thế giới. Nhưng chị không đến nỗi biệt lập, căn phòng ấy có những mối liên kết ràng buộc, mối liên kết ấy, đến lượt chúng, mang lại năng lượng cho bài thơ.
Nhược điểm của thơ xuôi nói chung là dàn trải, phóng túng. Vì không bị ràng buộc bởi khuôn khổ của câu thơ, số chữ trong một câu, các nhà thơ tìm thấy ở đó xa lộ rộng lớn của các cảm xúc và ý tưởng. Càng dàn trải, sự cô đặc của nghĩa, sự nén chặt các ý tưởng, vốn là một trong những yếu tính của thơ, như một ngôn ngữ, sẽ bị thách thức. Một trong những hệ quả khác của thơ xuôi là cái mà nhà thơ Allen Tate đã từng gọi là ngôn ngữ của đám đông, mass language, vì chúng sử dụng nhiều ngôn ngữ văn xuôi. Trong nhiều bài thơ, Đinh Thị Như Thúy kiểm soát được điều ấy, nhưng trong một số bài khác thì không. Chính sự hồi tưởng cô độc, sự mô tả khách quan riêng, lối trầm tư tịch mịch, làm nên phong cách của Thúy.
Tôi nhớ Lucille Clifton:
Tại sao có người nổi khùng lên với tôi
Họ yêu cầu tôi nhớ lại
Nhưng họ muốn tôi nhớ lại
Ký ức của họ
Mà tôi thì chỉ nhớ lại
Dĩ vãng của chính tôi thôi
Giống như Clifton, Đinh Thị Như Thúy cũng thường xuyên nhớ lại, nhưng chị nhớ lại ký ức của mình, độc lập với ký ức tập thể, độc lập với tiếng nói của người khác, một mình lầm lũi đi con đường, không nao núng. Trong thơ xuôi, nhờ kích thước tương đối lớn của chúng, những kinh nghiệm, các sự kiện, được nhà thơ nhìn thấy tường tận hơn. Tính chất chính luận dễ triển khai, điều sau cùng này tôi ít thấy ở Như Thúy. Những bài thơ xuôi tựa như là những giấc mơ của chị, được tạo dựng từng bài một đơn lẻ, trong những khoảng khắc của cuộc đời. Đó là những phút giây chớp sáng gần mặc khải, đưa bạn vào cuộc du hành kỳ lạ, chống lại các giới hạn, mở rộng cánh cửa thường khép chặt, gây ra cảm giác tự ý thức về mình. Đinh Thị Như Thúy không phải là một nhà thơ siêu thực, mà là một người hậu lãng mạn, nhưng trong thơ chị đầy rẫy hình ảnh mờ ảo, chúng tựa như hình ảnh đến từ quá khứ, đến từ những giấc mơ thơ ấu, tựa như cấu trúc của một giấc mơ.
Đã luôn mơ một hình ảnh khác về thế giới này
Anh đến từ đâu? Mark Twain đã đến từ sao chổi Halley. Còn anh?
Em cẩn trọng giữ gìn lời nói
Sự lặng lẽ của em
Va đập vào anh nhẹ nhàng
Như trăng trên mặt hồ yên ả
Anh sẽ không thể biết
Sóng gió đang dậy lên
Những nụ hoa đang gấp gáp lớn
Những lá cỏ đang gấp gáp xanh
Lời của em
Nuốt ngược
Anh sẽ không thể biết
Bão táp đang dậy lên
Cuồng loạn
Không nhiều những phút giây bên nhau
Không nhiều những êm đềm gần gụi
Anh sẽ không thể biết
Nỗi đắm mê duy nhất của em
Tài sản duy nhất của em
Ngọn đèn không tắt
Tiếng chuông ngân không dứt
Của em
Em cẩn trọng giữ gìn giấc mơ
Sự dịu dàng đến từ em
Sẽ là một hình dung khác
Về thế giới này
Ngày mai
Sao chổi Halley
Lại đến
Đinh Thị Như Thúy, cũng như hầu hết các nhà thơ nữ Việt Nam, viết nhiều thơ tình, một khuynh hướng tự nhiên. Chị có khả năng mô tả những chi tiết không có gì kỳ lạ, nhưng ít ai nhìn thấy thế, nói thế. Trong bài thơ của chị có một đối xứng đẹp, sự đối xứng giữa quá khứ và hiện tại, giữa thế giới nội tâm và thế giới bên ngoài, giữa hối hận và hy vọng. Chúng ta tìm cách can dự vào đời sống, làm cho mỗi ngày của đời sống trở thành một phần của vận động. Con người có một nhu cầu hiến tặng, cho đi, sự cho đi ấy làm nên bản chất của tồn tại. Khác với những người sôi nổi, sự bùng cháy, tình yêu của Như Thúy lâu bền, dìu dặt, hòa hợp với chung quanh, với kinh nghiệm của người khác. Chúng ta lớn lên trưởng thành, lòng mang đầy biết ơn đối với nhân gian, lòng biết ơn ấy bao giờ cũng là khuôn mặt khác của sự đề kháng, đối với cái xấu và cái ác, đối với nhận thức về những nguy cơ của xã hội hôm nay, sự tan rữa của nó, những giả dối lịch sử.
Tây Nguyên tháng tư. Những buổi trưa đất trời hanh hao nắng. Những con bướm khát nước bay tán loạn. Những con bướm — những cánh mỏng vàng nhạt — mang trên nó tất cả vẻ nhẹ nhàng, mềm mại, linh hoạt đầy quyến rũ — tràn ngập khắp nơi. Không thể quay nhìn vào đâu, né tránh vào đâu, để thoát khỏi đường bay ngổn ngang của chúng. Không gian bạt ngàn nắng gió.
Đó là sự thân mật, mở rộng đối với sự chờ đợi, tìm kiếm. Bài thơ của chị trong suốt. Tôi có thể nhìn thấy nó, xuyên qua nó nhìn thấy một thế giới khác mà tôi không cần phải phân tích. Đó là một tình yêu giản dị, nâng lên thành chân phương. Trong thơ Như Thúy, tôi tìm thấy sự ngăn nắp vừa phải, sự hòa hợp, sự dũng cảm kín đáo nhưng quyết liệt. Thơ chị rất gần với chủ nghĩa hiện đại. Chủ nghĩa hiện đại là một thái độ, một quan niệm, trong khi chủ nghĩa hậu hiện đại là một cuộc vận động văn hóa. Hầu hết các nhà thơ Việt hiện nay, một phần nào của họ, là thuộc về chủ nghĩa hiện đại. Không phải vì họ đi trước hay đi sau chủ nghĩa hậu hiện đại, xét về mặt thời gian, mà đó là một quan điểm. Tôi cho rằng đó là một điều quan trọng mà nhiều nhà phê bình bỏ qua. Đó là những nhà thơ có ý định tốt đẹp đối với xã hội, và tin tưởng rằng tác động của họ góp phần thay đổi. Họ chờ đợi những thay đổi trước hết là ở người đọc, trong tầm mức cá nhân, và sau đó là ở tầm mức cộng đồng. Khi viết, các nhà thơ này có thể không bao giờ nghĩ tới độc giả, nhưng khi công bố, họ đều nghĩ tới người đọc của mình, và tìm kiếm sự đồng cảm, giao thoa. Họ tin vào tiến hóa, nhưng cũng tin vào sự bảo thủ của các giá trị.
Mùa mưa này điện mất liên miên
Bài hát kiếp nào có yêu nhau bị băm vằm từng đoạn
Em ngồi nhắn tin bằng ngón cái bàn tay phải
Thấy một ngọn gió khác
Thả xuống tách café
Ồ quán sớm mai
Bao giờ bao giờ
Thả xuống em
Một đời sống khác
Mặc dù không phải là một người phản kháng hay nổi loạn, Đinh Thị Như Thúy mở rộng cánh cửa của mình, chấp nhận, và thậm chí mời đón cái hoang dã, cái phi văn hóa, cái nguyên thủy. Chị thuộc về số ít các nhà thơ có thể tiếp tục làm thơ trong thời buổi khó khăn, trở đi trở lại một số đề tài, khung cảnh quen thuộc, mà các bài thơ vẫn khác nhau, mà mỗi bài mới là một bài mới. Thơ chị đầy khí trời, sự hít thở, sự giao hòa vũ trụ. Những bài thành công, mặc dù không phải bài nào cũng thành công, tất nhiên, cũng như tất cả các nhà thơ khác, có tính độc đáo, chưa từng xảy ra sự hòa hợp như vậy, giữa nội dung và tính âm nhạc, giữa truyền thống và ý thức khai phá tươi rói. Đôi khi nhà thơ giữ lại một điều gì cho riêng mình. Chị ít khóc trong thơ. Chị ít nói về hoàn cảnh riêng tư, hoặc khi nói thì không cụ thể. Nhiều bài của Như Thúy đối với tôi tựa như lời cầu nguyện, kinh cầu.
Những bông hoa mùa nạn
Bạn nở vào tôi những cánh xanh
Ngày phố giới nghiêm ngột ngạt
mùi dịch bệnh
Những giọt mật óng nâu bạn ứa ra
Tôi không muốn chỉ nhìn bằng nước mắt
Ngày phố giới nghiêm nghẹn đầy tiếng nấc
Chúng ta giữ nhau yên trong bốn bức tường
Chỉ bầu trời thẳm xanh
Bên trên tất thảy rào chắn phố phường
Là cố tình náo động
Cố làm chìm chúng ta
Hoya kerrii!
Tôi biết hương thơm bạn tỏa mạnh
trong bóng đêm
Bởi bóng tối vẫn luôn là chiếc nôi
Cho những bí ẩn và lãng mạn
Bạn vẫn thường tưởng tượng
Ngày phố giới nghiêm chúng ta cầu nguyện
Cho thế giới chúng ta đang sống
Sẽ không là thế giới tận cùng
Và những bình yên mãi ở lại
Bên ngoài cánh cửa mở vào ngọn gió êm
Những lời than thở về việc thơ ngày một đi xuống, viết không ai đọc, không phải là điều mới lạ. Tuy nhiên khi bạn gặp một nhà thơ như Đinh Thị Như Thúy, sức làm việc dồi dào, bạn nghĩ rằng thơ vẫn còn đó, chờ được viết, đọc. Trong thơ trữ tình, các câu chuyện có thể không phải là nội dung, nhưng chúng dẫn đường, mở ra liên kết giữa bài thơ và khung cảnh. Thơ chị là sự quan sát tỉ mỉ các khía cạnh khác nhau của đời sống, nhưng điều quan trọng, chúng không phải là bản tường trình mà là ao ước. Trung thành không phải là một đức tính trong thơ: nhà thơ cần thường xuyên đập vỡ các khuôn mẫu, vượt ra khỏi chúng, sáng tạo lại chữ, viết một bài thơ mà hôm qua không thể nào tưởng tượng mình sẽ viết. Muốn làm vậy, nhà thơ hiện nay cần nhiều thứ: tự tin, khích lệ của độc giả và các nhà phê bình, tính ngay lập tức và sự chín chắn của các phản hồi. Sự dũng cảm, tất nhiên. Tôi không nghĩ rằng các nhà thơ thời kỳ Thơ Mới tiền chiến cần đến sự dũng cảm loại này.
Những hoảng loạn của con chim sa lưới
Em mang thai anh trong ý nghĩ em
Sự tra vấn, sự nghi ngờ các giá trị, trong tư duy thơ, trong thể thơ, trong ngôn ngữ, cần thường xuyên đặt ra. Chúng ta muốn bài thơ của chị kỳ dị hơn nữa, những câu chuyện lạ thường hơn nữa, câu thơ dày đặc hơn. Chúng ta muốn lắng nghe tiếng nói, rõ ràng, giọng cao hơn, giọng trầm hơn, sự tách rời các chuẩn tắc, tính phi chính thống, chúng ta muốn nhìn thấy trong mớ hỗn loạn của đời sống và ngôn ngữ hôm nay những hình dạng được cấu thành, cắt bóng lên nền trời.
Niềm vui thú khi đọc một bài thơ là lớn như nhau khi bài thơ chiếu sáng và cả khi nó dẫn bạn thẳng vào bóng tối.
Ào ạt mưa theo gió lướt nhanh thành từng vệt dài trên các ngọn đồi trên những con đường trên các bụi cây trụi lá mưa dần trắng xoá không sao nhìn thấy nữa những rẫy café ngút ngát
Những mái nhà nhỏ chìm đắm đâu đó trong mù mịt mưa, những đàn bò vàng lầm lụi, những vòm cây xanh nghiêng ngả, thi thoảng những tia chớp
Đinh Thị Như Thúy là một trong vài người làm nhiều thơ xuôi nhất hiện nay. Chúng ta có một định nghĩa nào về thơ xuôi?
Tôi không nghĩ rằng chúng ta sẵn sàng như vậy.Tôi tạm đưa ra định nghĩa, ít nhất là về mặt hình thức: thơ xuôi là bài thơ không gồm có các câu thơ.
Các câu thơ được hiểu theo nghĩa cổ điển, chạy từ bên trái qua bên phải, dừng lại ở một nơi nào đó theo quyết định của tác giả, gọi là sự ngắt câu và xuống dòng. Biên giới ở giữa câu thơ và câu văn phạm, giữa một bài thơ và một bài văn xuôi, tuy vậy, không phải là một ranh giới rõ ràng. Đó chỉ là nói về mặt hình thức nghệ thuật, nhưng các nhà thơ viết thơ xuôi đều mang lại cho chúng những tính chất khác nữa: tính chất truyện kể, tính giai thoại, tính đối thoại, tính tùy bút, tính hài hước. Nếu bạn đọc thơ xuôi nhiều sẽ nhận ra rằng đó là một khuynh hướng ngày càng phát triển ở phương Tây, chúng ta có thể tìm thấy nhiều ví dụ như vậy. Có một dạng đặc biệt tựa như là thơ xuôi- tiểu luận, tôi nghĩ Đinh Thị Như Thúy có thể đi sâu vào hướng này.
Thơ xuôi có một độ tự do rộng rãi, dài ngắn tùy ý, không phải tuân thủ các luật tắc của một câu thơ, nhưng thường sử dụng một số thủ pháp quen thuộc: ẩn dụ, so sánh, hình ảnh, sự trùng điệp, tính vần điệu. Nhiều bài thơ xuôi hoàn toàn có thể xem là một truyện ngắn hay rất ngắn, hay một giai thoại, một truyện ngụ ngôn hay một truyện kể hài hước. Các bài thơ của Đinh Thị Như Thúy có xu hướng sử dụng nhiều hình ảnh hơn là sự kể chuyện. Tính thơ trong một ngôn ngữ thay đổi qua từng thời kỳ, qua các biên giới. Thơ ngày càng mất đi những thể thơ ban đầu, như Đường luật, lục bát, bảy chữ, ngày càng được tự do hóa. Chính sự thay đổi này làm cho thơ hiện nay ngày càng trở nên có tính đương đại: phóng túng, châm biếm, tự sự, khách quan.
Và, trở về tĩnh lặng
Anh lại choán đầy tâm trí em
Như giòng suối mùa mưa bị choán đầy bởi thác ngàn lũ núi
Ơi anh
Mặt trời hoang dã đến nao lòng
Hãy lãng quên và cho em những ngày quên lãng
Em cần tĩnh lặng
Để thu xếp những ý nghĩ ngổn ngang
Như người đi xa trở về
thu xếp đồ đạc trong căn nhà bừa bộn
Em ngắm nhìn những chùm quả xám nặng đung đưa
Và nhớ về màu hoa tím cũ
Và mái tóc em đang ngày một ngắn lại
Vì không đủ sức đợi chờ
Và cả vị trí khuất lấp ấy trong cuộc đời
Dường như cũng không có thực
Và anh
Dẫu đang ở rất gần
Hãy lãng quên và cho em những ngày quên lãng
Em xin sự tĩnh lặng này
Để lẩn vào góc tối
Đắm mình trong nỗi sợ những ngày xa
Giữa các câu thơ là khoảng trống mà chị cố tình giữ lấy. Bài thơ của chị là sự trở đi trở lại của một hình ảnh như khi bạn trở lại khu vườn, khu vườn ấy thay đổi mỗi ngày, vẫn là nó mà không phải là nó, sự cô độc cũng thay đổi. Thơ ấy dịu dàng nghiêm cẩn nhưng khoái hoạt, nhục cảm. Đọc thơ chị với tấm lòng rộng mở, tự biến mất mình, để cho tiếng nói của chị trở thành tiếng nói tâm hồn chúng ta, như khi hai người bạn gặp gỡ, bên đèn, huyền hoặc. Thơ Thúy hướng đến sự thăng hoa, vượt ra ngoài sự thực, tuy thế đó là một tiếng thơ trần thế, ý thức, nhận diện, sự trở đi trở lại một ngày tháng và làm mới lại tâm hồn người đọc. Khi kết thúc cuộc phỏng vấn cách đây mười năm trong loạt bài Thơ đến từ đâu, Thúy có hỏi tôi: về sau này tụi mình còn có dịp gặp lại nữa không anh? Tôi cười bảo rằng sẽ gặp lại nhau sớm thôi. Thế mà đã hơn mười năm. Ngẫm lại, thấy chị nói đúng. Phụ nữ bao giờ cũng đúng về những chuyện như thế. Những tưởng mười năm hóa ra một ngày, và ngược lại. Lần này có dịp đọc Đinh Thị Như Thúy, chúng ta sẽ cùng nhau giữ chị ở lại. Trong cõi thơ, ở đây.
Nguyễn Đức Tùng
(Đọc Thơ – Bài 39)