MÙA HÈ ĐỎ LỬA 4 : TRỊ THIÊN

Phan Nhật Nam

CHƯƠNG 4

Trị-Thiên,

Đất vinh danh cho người.

Nếu được hành quân tái chiếm Quảng Trị tôi sẽ cúng một con heo. Một người lính Sư Đoàn 1 đã nói như thế. Không phải câu nói chơi, phút bốc đồng nhưng là tình cảm mãnh liệt tha thiết được diễn đạt bằng ngôn ngữ giản dị, chơn chất.

Giữa đất và người không còn biên giới, người lính không nhìn các địa danh: Cam Lộ, Hương Hóa, Trị Bưu, Phong Điền, An Lỗ như những mục tiêu quân sự, chốn không hồn mà nhiệm vụ bắt buộc phải đi đến trong một thời gian và sau đó đợi chờ từng ngày qua để trút đi dửng dưng lạnh nhạt.Đất và người gắn bó không giải thích được bằng lý luận, chỉ cảm thấy bàng bạc mơ hồ, chứng nghiệm bởi một trực giác ngây ngất… Và không riêng cho người lính sanh trưởng vùng Thừa Thiên, quảng trị.

Những người khác, những sĩ quan, trung sĩ, binh nhì sinh trưởng ở Bắc, Nam thuộc các đơn vị tổng trừ bị, hành quân tăng phái đến, bước chân đến vùng địa đầu đất nước lòng bổng nhiên chùng xuống trong xúc động lạ lùng… Nhiệm vụ hành quân không được nhìn thuần túy như một công tác quân sự có tính cách bắt buộc, hành quân vùng Thừa Thiên, Quảng Trị âm vang mênh mông, tính chất cuộc viễn chinh thánh chiến, đấu tranh giữ đất, giữ nước, đấu tranh cho một lẽ sống còn.Chiến đấu ở miền giới tuyến hào hùng như bước chân qua một bờ lịch sử.Tương lai dân tộc được quyết định qua vùng đất này.

Đây không phải là một cảm xúc quá độ được tăng thêm cường lực để làm dáng trong văn hương nhưng đã đi lính, đội nón sắt, mặc áo giáp, nhảy trực thăng xuống Khe sanh đổ quân trên các mỏm Động Thông, Động Gió, đã di chuyển theo giòng Tam Giang, qua Túy Vân lúc sương còn mờ trên đầm Thủy Tú hay ngược phía Bắc để đi vào vùng Phong Điền, Đại Lộc, Phá giăng giăng mưa bụi, trăng non soi ánh sáng bạc thếch, ánh sáng chết trên mặt nước lăn lăn sóng nhỏ, thôn xóm xa lặng trong bóng tối, nghe trong lòng cơn ào ạt xúc cảm, thấy rộn rã từng ạt rung động trên làn da – Đất linh thiêng, huyền bí bao trùm vây bọc, con người trong đó thấy tan biến, hòa hợp vào cùng từng ngọn cỏ, cơn gió, người thấy đau, đau rõ ràng như nhức buốt như vạch xanh của sông Bến Hải vạch đường độc địa trên bờ cát thênh thang – Đất và người cùng đau với vết thương quê hương.

Cảm giác trên đã thành hình, đã gây nên phản ứng sinh lý làm dựng sợi lông tay cảm xúc nhưng có thể không được phân tích, không được rọi nhìn, định lượng, người lính “thấy” ràng buộc, thấy mơ hồ, lãng đãng nhưng chắc chắn, cần thiết như không khí hít vào trong mỗi cử động.

Trị-Thiên, ngoài đất còn có người, người Huế, người Quảng Trị, người ăn cơm ghé sắn, người uống nước “chè” nấu bằng lá ổi, người gọi lính bằng “anh cộng hòa ơi…” Những người đã mừng rỡ đến ngất xỉu sau mười, mười lăm ngày dưới hầm sâu, nhịn đói nhịn khát, đại tiện, tiểu tiện và ngủ trên cùng chiếc chiếu như trong mùa xuân Mậu Thân khi nghe ngoài đường phố tiếng lách cách của báng súng đập vào đùi khi người lính di chuyển. Lính Cộng Hòa tới! Lính Cộng Hòa tới!

Người dân hé cửa nhìn: Trên đường phố vắng, hai hàng lính đi song song ở lề đường, đội hình, y phục hoa của Biệt Động Quân hay Thủy Quân Lục Chiến… Lính Cộng Hòa bà con ơi!!Sống rồi bà con ơi!! Ông già, ngườitrẻ, công chức, cảnh sát mở toang cửa ào ra đường… Mừng quá mấy anh ơi, mừng quá!!Mấy anh ở đây luôn hả??Uống nước không?Những người lính từ miền Nam ra bị vây kín bởi một nồng nhiệt bốc lửa.Họ là điểm sống cho thành phố Huế đã đến đáy hấp hối và tuyệt vọng.Còn vinh quang đẹp đẽ nào cho bằng tiếng kêu mừng rỡ của người dân Huế trong mùa xuân đỏ lửa khi được sống gởi đến những người lính xa lạ phong trần.

Đấy là những sự kiện của mùa xuân năm xưa. Bây giờ, tháng thứ ba của ngày Bắc quân mở cuộc đại tấn công và Miền Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên, hai thành phố đầu tiên hứng chịu tai ương tàn khốc của bom đạn và người dân của hai thành phố này lại thêm một lần tay bế con, lưng cõng cha mẹ già xuôi theo Đường Số I dưới che chở độc nhất hay niềm tin cuối cùng – Người lính- Bộ đội cộng hòa ơi, cứu bà con, bộ đội cộng hòa ơi! Trên đoạn đường máu Quảng Trị, Hải Lăng, Mỹ Chánh không phải một người, nhưng toàn khối dân bi thương nguy biến cùng gọi lên như thế một lần. Gọi bằng hơi thở cuối, mồm há hốc, mắt trợn đứng, gọi khi máu chảy, khi nằm xuốngtan vỡ, tay lần trên chuỗi Thánh Giá, mắt nhắm nghiền, trên đầu, chung quanh đại pháo Bắc quân nổ liên hồi, nổ tàn ác… Đạn nổ không bỏ sót một phần đất, không quên một thân người… Bộ đội Cộng Hòa ơi!Người dân lại một lần kêu to lên như thế. Vinh quang biết mấy cho người lính Việt Nam.

Đất không Vinh Quang riêng cho Lính, đất còn là Thánh Địa cho Người. Người tầm thường, người còm cõi, người quắt queo khô héo như nhánh “nè” (1) khô rốc tong teo, lay động dật dờ dưới cơn nắng hạ chí. Nhưng những người tội nghiệp, tàn tệ, răng đen, môi nẻ tóc rối, người mà tai ương đã hiển hiện lên giọng nói, bất hạnh đã đặt mầm ở tiếng “khóc kể” bi ai hờn oán. Bất hạnh cũng đã có “điềm” ở giọng hò thê thiết đến rợn da khi những con thuyền chập chùng trong bóng tối lướt thướt trên sóng qua Bảng Lảng, Ngô Xá, La Vân, La Chữ, Vân Trình.a… ơ… chỉ hai tiếng nhỏ con thuyền đi hết khúc sông mà âm thanh còn lộng trong gió… Đã có “điềm” rồi nên dân Trị Thiên dù không cơm, không gia, không nương, rẫy bái vẫn tồn tại và sống còn.Họ sống bằng gì và như thế nào?Chuyển hết tháng ngày đi quakhông cũng đủ là một việc vĩ đại… Rất vĩ đại… Rồi ba tháng máu lửa này, chui dưới hầm, ăn khoai sống, hứng chịu ngàn trái đạn của hai bên… Ngày Hải Lăng vừa được quân ta tái chiếm, đồ đạc cho vào thúng sau, thằng con ngồi thúng trước, người đàn bà nhỏ quắt queo gánh “gánh đời” đi thoăn thoắt trên mặt cát trắng bầy nhầy lớp thịt người… Người trị Thiên có “tài” đi nhanh nhưthế đã bao năm??Có anh phóng viên đài truyền hình chận hỏi:

– Chồng và mấy đứa con lớn đâu?

– Chết hết rồi… Họ đem đi băm, vằm, chém nát, chôn sấp dập ngửa mô không biết!!!

– Bây giờ bà đi đâu?

– Hí? Người đàn bà nhà quê không hiểu câu hỏi.

Cho dù hiểu đi nữa thì bà ta cũng không biết đi đâu… Quo vadis? Mày đi đâu? Chúa có hỏi đi chăng nữa người cũng không trả lời được… Đi đâu? Ngày đã hết, đời đã hết, chỉ còn mỗi con người lừng lững cùng nỗi đau đớn mịt mùng hư không

Về quê hương điêu tàn,

Phi cơ đến Huế lúc một giờ sáng tắt đèn từ trên cao khi lấy hướng đáp, thấp xuống, thấp xuống chút nữa, trên một độ cao cần thiết, đèn ở cánh được bật cháy, chúi xuống và bánh chạm đất, đèn lại tắt.Không một phi trường nào im lặng và tăm tối bằng.Phòng tối, ngổn ngang lính nằm, những người lính tóc rối và râu rậm, họ ngủ mệt nhọc và trăn trở, giấc ngủ đứt khoảng khi có tiếng động của bước chân đi đến dù tiếng động cực nhỏ, những đôi mắt đỏ hoe mở ra xong khép lại.Gần trăm con người không ngủ, họ chỉ nhắm mắt và nằm… Ngủ, hình như họ đánh mất sự nghỉ ngơi này, mất đã lâu, từ hơn hai tháng trên các căn cứ võ Định, Diên Bình dọc quốc lộ 14.Ngủ chỉ là trạng thái chập chờn của đôi mắt khép lại nhưng tai lắng nghe… Nghe tiếng nổ hoặc tiếng départ của pháo nơi xa…

Chẳng có vẻ gì để gọi là chiến tranh loạn lạc và điêu linh nơi chúng tôi đang đứng trong buổi sáng đầy nắng vàng và gió từ sông mang hơi nước dịu nhạt bay đến.Xóm Mỹ Chánh đổ nát vì vụ dội bom lầm hôm mồng 5 khúat sau rặng tre, chiếc cầu gỗ cháy từ bao ngày trước còn bốc khói, nhịp cầu sắt bị đổ xuống không đủ cường độ để gợi lên không khí bi thảm của trận chiến vừa xẩy ra cách đây mười ngày trên con đường nhựa bên kia sông, nơi bãi cát đìu hiu lặng đứng những khóm tre còm cọi…

Những tang thương trầm thống của những ngày qua tan biến trong ánh nắng đẹp đẽ vàng rực của buổi sớm mai này.có tiếng chim cu gáy ở bên kia sông, tiếng chim mộc mạc ấm áp như giọng cười khúc khích của đứa trẻ.

– Đấy, toa thấy cái lũy tre ở đầu con sông nơi chỗ quanh của con sông không? Liễn chỉ tay về hướng đông, nơi con sông quanh một vòng thật đẹp để đổ vào phá Tam Giang.

– Ờ, tôi thấy rồi, chỗ đó tôi đã đóng quân.Làng nội tôi đấy, làng Vân Trình, tên nghe hay không, mỗi vụ hè tôi về đây chơi, năm mười tuổi đã lội qua sông này được… Hai mươi năm sau cho bạc triệu tôi cũng không qua được bên kia một mình.

– Ừ.Tôi lơ đãng nhìn theo con sông, nơi này mùa đông xưa tôi đứng trên bờ đợi Mễ cởi áo bơi qua sông mua rượu, phía trái nơi xa có bãi đất bồi thửa ruộng, bắp lên những lá xanh ngắt…

– Người miền Trung cực quá, không đủ đất trồng lúa, có chút đất bồi là bám vào ngayBa mươi cây số từ núi ra biển không có chút đất màu, toàn cát và cát, cằn cỗi xám xịt không như cát vùng Nha Trang, Cam Ranh.

Súng nổ sát bờ sông, súng nhỏ, Bộ Binh Bắc quân mở đường, đánh thăm dò… Chúng trở về nơi Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn, Phúa đang báo cáo với Lữ Đoàn.

– Đó là tiền phương bộ binh của tụi nó xuống quan sát mình, chẳng hiểu nó bắn súng cối và 57 như vậy để làm gì?C… Mày gọi pháo binh làm mười tràng vào nơi yếu tố mà toán viễn thám ghi nhận tiếng départ.Phúc nói với Tiền, sĩ quan ban 3.

Pháo từ Phong Điền rơi lên ào ạt.Bắc quân ngưng tác xạ, họ xuống hầm hay đã bị chết, không biết được, những đám bụi do đạn nổ bốc lên tan đi thật nhanh, chỉ còn luồng khói đen cuồng cuộn bốc cao.Một ngôi nhà bị cháy.Có tiếng gắt của anh Phúc: “ Tụi nó đặt súng ở đấy thì xin bắn ở đấy, làm sao biết viễn thám đêm vừa rồi có ngửi đúng hay không?Tiên sư có vợ, bị cặm sừng cũng đếch biết nữa là…” Anh ném cái ống liên hợp vào một góc nhà tụt xuống hầm chỉ huy xỏ chân vào đôi dép đi vào nhà thờ…

Đường về, trời nắng gió im buổi trưa mùa hè miền Trung bốc cháy toàn thể cảnh vật, núi im lìm rung rinh sau lớp hơi đá mờ nhạt, người lính bị thương ngồi băng sau gác bàn chân sưng đỏ máu đẫm ướt cuộn băng bày.

Qua Phong Điền, xe bị kẹt, ngừng lại dưới tàng cây nhìn Pháo binh TQLC di chuyển cho cuộc hành quân đang khai diễn. Họ nhìn tôi tò mò, áo lính Nhẩy Dù đi xe TQLC, tóc dài và chiếc máy ảnh ở ngực… Tôi trông chẳng giống ai!Tôi cũng biết thế nên lúng túng đưa máy hình lên chụp loạn xạ.Ôi tôi hành nghề báo.Có một điều gì buồn buồn trong thân.

Mỹ Chánh không có gì, quả thật vậy, tôi về Sài Gòn, thay lớp áo quần dơ và ướt, uống ly rượu có đá lạnh, chạnh nhớ những người bạn ở nơi xa đang ao ước một tờ báo, dù tờ báo đã cũtừ ngày 30 tháng Tư… Điều này làm lòng tan vỡ, những người sống trên khổ nhọc miệt mài, trong núi xanh, trên cồn cát, những “sinh vật” lính quen thuộc và thân ái bị quay cuồng níu kéo hoài vào gian nguy triền miên… Không phải chỉ có ở Mỹ Chánh với Trâu Điên, nhưng khắp cùng đất nước, từ núi cao xuống đồng bằng, có đủ trên mỗi phần đất của quê hương.Mỹ Chánh không có gì ngoài hai xác chết bên kia sông cạnh chiếc xe tăng bị cháy, tiếng nổ B52ầm vang đều đặn và núi rung rinh, cây cầu bốc khói xám. Những người và cảnh chết này có nổi yên nghỉ riêng, lòng có xốn xang là hình ảnh người lính mang dép Nhật, chống cây gậy đi trên thôn xóm tan vỡ, người lính không đầy 20 tuổi… Em bị thương!Chỉ còn tiếng nói và hình ảnh đó đè nặng ở đỉnh đầu, tay tôi run và nặng khi viết những dòng chữ vô nghĩa này.

Quả bom chiến lược hay viên đạn súng colt chỉ gây một tiếng nổ, cũng chỉ viết thành “một chữ” trên trang giấy, nhưng trầm thống của con người thì mênh mông.Chữ nghĩa vô tri viết được mấy cho vừa.

Huế còn thở,

Huế sống, chắc chắn như thế.Sống vì trong lòng Huế có những kháng tố âm thầm lặng lẽ, những phản ứng kín đáo mang sức mạnh sinh tồn của con người khi bị ép đến cuối chân tường, đưa đôi tay tuyệt vọng lên đầu, đánh đòn quyết tử để vượt qua biên giới giữa chết và sống.Huế sống, dù mệt mỏi, tàn tạ đau đớn, tất cả phải được vượt qua, qua hết để gánh chịu nỗi kiêu hãnh ngậm ngùi của một dân tộc tồn tại sau hằng hằng điêu linh.Huế phải sống vì số kiếp bi tráng thê thảm đó.quê hương tôi không chết được… Huế còn thở.

Quê hương, nghe như lời mai mỉa, như tiếng cười khủng khỉnh lạnh nhạt.Quê hương đó và tôi xa lạ, lạ từ đường tóc giòng máu, lạ ở tiếng nói cách cười, xa lạ hoàn toàn trong lối sống và nhìn đời.Nơi chốn đó với tôi có mộtcách xa không bù trừ được.Nhưng tôi phải nhớ đến Huế, phải nghĩ đến, phải đau đớn bồi hồi khi đi lại trên những con đường vắng bóng người, không phải sự vắng vẻ yên tĩnh của hàng cây xanh lá vang động tiếng ve.Sự yên tĩnh ỡ đây nín lặng và đau đớn như ngôi nhà đóng cửa với tấm bảng “Nhà đang có chủ ở.”Giòng chữ không làm nóng không gian, chỉ tăng thêm sự run rẩy lo sợ thiếu hơi ấm của người.

Tôi đến Huế vào ngày Huế vừa hé cửa như con voi già mở đôi mắt nhỏ từ đồi cao nhìn xuống đám rừng xưa nơi phần mộ của giòng giống nó.Con voi chưa chết được, Huế vẫn thế, Huế chưa đi hết đời của mình, Huế đang sống, còn sống. Tôi đau đớn ngất ngư, thấy nhói ở trong lòng, từng cơn đau có thật khi đi qua cửa Chánh Tây bị đổ nát, qua các khẩu súng đồng mà ngày nào trong thuở nhỏ, hai mươi năm trước, tôi ao ước được bò lên ngồi trên đầu nòng súng rồi nhẩy từ đây xuống.

Tôi phải đau với Huế vì thấp thoáng trong không gian mờ nhạt của Huế co ro ướt át, tối mùa đông năm 1949, cầu Gia Hội đang sửa chữa, tôi loay hoay lạc lối trên những con đường Ngự Viên, Trung Bộ, lạc qua cầu Đông Ba về đến cống Phát Lát, thằng bé đội nón cối trắng và đi ba ta quai chéo, quần dài xanh có tấm yếm trước ngực “để che gió máy” Tôi đấy, tôi của tuổi ấu thơ hỗn độn những rung động chưa đặt tên trong một thành phố âm thầm thê thiết.Tôi đau với Huế, phải nhức nhối từng hồi, giật giật ở thái dương khi nhìn cảnh người đàn bà tất tả gánh đứa con đi trên đường Hương Thủy, Gia Lê, hai vạt áo dài đen đánh phần phật vào đôi chân luống cuống.Thuở xưa cũng thế, cũng chạy giặc, cũng “vỡ mặt trận,” cũng tan nát lửa đỏ và điêu tàn hừng hực. “Tây từ bên Tòa Khâm đánh qua, mẹ bỏ con trong thúng và gánh đi trong lửa đạn”. Thế nên tôi phải đau cùng Huế, dù quê hương đó bạc đãi, phân lìa..

Huế sống, cũng như sau bao nhiêu đại loạn, Huế chậm rãi chắc chắn chống gậy, lấn từng tấc, từng phân dựng đứng cơ thể tàn tạ và hồi sinh.Lần này cũng vậy, sau khi mất Đông Hà và Quảng Trị bị vây khốn, đồng bào Quảng Trị băng qua vùng Hải Lăng, Lương Điền chạy về Mỹ Chánh, dân Mỹ Chánh nhập vào lui xuống Phong Điền, An Lỗ… Nhưng Phong Điền, An Lỗ đâu phải là phòng tuyến “tử thủ” được; hai con sông cạn đáy phơi lòng cát khô khan dưới mặt trời hạ chí… Những người dân này lui thẳng về Huế… Và Huế bắt đầu thất thần hoảng hốt.Nhưng vẫn rất nhiều người tin tưởng: “Phe mình giữ được Quảng Trị, can chi mô, vài bữa mình lấy lại Đông Hà mấy hồi…” Nhưng niềm tin tin tưởng như quả bóng căng hơi sau khi nhận mũi kim đâm ngập.Quảng trị mất, mất chưng hửng tức tối.Biệt Động Quân nương nhau dọc quốc lộ về Nam, thủy Quân Lục Chiến co lại, tiểu đoàn này đỡ tiểu đoàn kia rút gần xuống Mỹ Chánh và sư Đoàn 3, không phải lỗi ở lính, ở cấp chỉ huy không gian, cũng có thể không ở Tướng Giai (chưa có thể kiểm chứng được) tan vỡ một cách phi lý, ba trung đoàn dù bị thiệt hại từ ngày đầu tháng 4 vẫn còn đủ quân số, vũ khí, phương tiện liên lạc, bổng nhiên như viên đá nhỏ tan trong ly nước bốc khói.Một đại đơn vị vỡ tan trong bất thần kinh ngạc, dân và lính đưa nhau chạy giặc đổ về Huế như cơn nước từ nguồn băng qua bờ đê cát nhỏ.Và Huế dưới cơn ép kinh hoàng của Quảng Trị nổ bùng, vỡ nát như ánh lửa điên loạn bốc cháy chợ Đông Ba chen tiếng đạn của đám quân đói, Huế vỡ tan.Vỡ dưới ảnh hưởng kinh khiếp của Mậu Thân, giặc vào và ta chết, chết từng loạt.

Huế hốt hoảng vì viễn ảnh thấp thoáng toán lính mang ngôi sao vàng sục sạo khắp cùng ngõ ngách, đường hẻm để tìm địch, giết Ngụy. Huế sợ và bốc cháy lo âu… Người xuôi Nam hướng Đà Nẵng, nối nhau chen chúc trên tất cả mọi phương tiện di chuyển. Bỏ quê hương chạy giặc…

Bây giờ là buổi chiều.Huế đang ở mùa hè, phượng đỏ, mặt nước sông Hương loáng ánh nắng.Tôi đi dọc bờ sông, chiếc cầu mới quá tân kỳ, chân cầu vây kín giây kẽm gai đề phòng thủy lôi không hợp với nét cổ kính tàn phai xứ Huế, công trường Phú Văn Lâu tiêu điều, lá xanh không che nổi sức nóng.Nơi này, thuở xưa xa lắm, tôi lang thang nhặt những hạt cườm đỏ có chấm đen từ cây rụng xuống, đứngở bồn hoa nơi có bốn con rồng luôn phun nước đưa bàn taynhỏ e dè hứng những hạt nước long lanh bắn tung tóe trên ven bồn đá xám.Bờ sông xưa nay cỏ dại mọc đầy, những viên đá nâu đỏ của lối đi không còn nữa thay vào đấy lớp đất cát tung bụi dưới bước chân.

Cầu Trường Tiền không còn vang tiếng guốc và chập chờn những tà áo trắng, nhưng đã có bóng người và màu sắc.dọc theo đường Trần Hưng Đạo, bến xe, quán ăn, tiệm nước đầy thực khách, người ở Đà Nẵng trở về nhiều hơn người ra đi.Dấu hiệu tốt ở tiếng thở dài nhẹ nhõm của người hành khách khi bước xuống xe – “Rứa mà tui nói không ai tin, Huế có chi mô mà sợ…”

Trời sập tối, tôi leo hàng rào nhẩy vào căn nhà người cậu… A! Cậu đây rồi.Ông cậu quắc thước khỏe mạnh ngày xưa không còn nữa, trước mắt tôi chỉ có một ông già, tóc và râu trắng bạc. Cậu run tay, mắt mở lớnnhìn thằng cháu hoang đàng trở về trong lúc trời hết nắng, ngày tàn… Con đấy hả,û trời ơi… Lâu chẳng biết con ở đâu, con đến lúc cậu đang cúng bà ngoại, cúng bà với bát muối mè và cái bánh chưng!

– Cậu không đi đâu?

– Không, Mậu Thân cũng vậy, cậu ở nhà, hôm nay lại là ngày kỵ bà, cậu không đi đâu hết!!

Chị tôi ở bếp lên, chị Nga đẹp đẽ đài các của ngày xưa cũng đã thay đổi, đấy là một người đàn bà mà chịu đựng đã đầy làm xạm mái tóc xanh…

– Chị ở Đà Nẵng ra với cậu, chị tin sẽ không có một chuyện gì nữa, tất cả mọi chuyện cũng thế thôi.sống là được, sống là hạnh phúc rồi…

Tôi ăn bữa cơm gia đình sau bao nhiêu năm cách biệt.Đi ra khỏi nhà trong bóng tối dày đặc, đèn đường không có. Lối đi nhỏ lẫn trong đám hàng rào lá chè xanh dầy kín.Dọc trên đường về sân bay Tây Lộc, hào bên phải bay ngát hương sen – Mùa hè rồi, mùa đẹp nhất xứ Huế, mùa củađêm trăng nhỏ giọt qua cành lá, bánh xe đạp rong ruổi trên đường nhựa vắng, lưng người con gái chuyển dịch bí ẩn sau chiếc áo mỏng và một khối tóc đen đong đưa kỳ ảo theo bước chân, ẩn hiện bất chợt qua những hàng dậu lá che dầy đặc.Mùa hè sống động kỳ ảo của Huế đấy, bao giờ có lại những ngày xanh huyền hoặc đó, không cònnữa, tuổi nhỏ đã qua đi rồi… Qua một quán nước, ánh nến vàng mệt, cô gái bán hàng rạng rỡ giữa một đám lính trẻ, Quán Lưu Khách.

Một đời sống khác của Huế bắt đầu, bắt đầu lại trên hoang tàn nhưng còn nguyên cách thế phong lưu của hương sen kỳ vị đậm ngát một vùng trời đất.Trên cực điểm của trầm thống, bên cạnh những hào xưa thành cũ, những người tuổi trẻ ở Huế sẽ lớn lên, gạn lọc, tập trung năng lực để tồn tại và khia phóng… Ước mong quê hương đó lớn đẹp và khỏe mạnh như tiếng cười dòn dã thẳng thắn của cô gái hồng sáng dưới ánh đèn dầu. Ước mong như một tạ lỗi muộn màng.

Bay trong hoàng hôn,

Tàu không bay thẳng ra đèo Hải Vân, nhưng bay dọc theo bờ biển ra Nam Ô.Trời đã chiều, nắng hết chỉ còn “dư âm” của ánh vàng trên cây cỏ.Từ trên cao nhìn xuống, biển Thanh Bình ngày nào không còn nữa, nhà lấn ra sát mặt nước,nước xanh đục lợn cợn rác, bọt vàng của rêu và chất dơ.Hết cả rồi, chốn xưa, ngày mới lớn, đêm hè trong vắt lấp lánh sao, nửa đêm về sáng ngồi dậy đốt vỏ bánh xe nhìn ánh lửa, nhìn đại dương, nhìn Tiên Sa đen thẫm cùng Hải Vân vòng đường kín đặc, vòng núi hở một khoảng ở hải đăng để thấy biển phía xa xanh xao dưới ánh trăng non.Mơ ước gì trong đầu óc tươi trẻ đó?Không biết, chỉ thấy lòng mênh mông thênh thang bay lên tiếng hát âm thầm phơi phới.

Hết, chiều nay trên độ cao gió lạnh nhìn xuống biển xưa vấy bẩn và lòng nặng trĩu nặng phiền phiền.Máy bay dọc theo biển để thấy rừng dương ở Nam Ô xơ xác, trơ rụi.Ôi khu rừng thơ mộng của ta mười bốn năm trước thế này sao.Rừng không còn, chỉ còn khu vườn dương liễu cằn cỗi, bờ cát vàng dốc đứng nay cũng thấp xuống tan hoang… Không còn gì nữa, quả thật không còn gì nữa, như tuổi thanh xuân đã mờ khuất đi.Qua núi Nam Ô để thấy lại bóng mẹ xõa tóc ngồi hong nắng… “Mẹ con mình là người đầu tiên ở Đà Nẵng đến tắm ở đây…” Mẹ đã nói thế để khích lòng “giang hồ vặt” của con trai.Đà Nẵng – Nam Ô 10 cây số đường dài quá xa cho một tuổi mới lớn.

Năm phút máy bay đủ đi hết một quãng đời niên thiếu, mau thật.Tôi tưởng như vừa qua lớp mộng dài.

Gió lạnh, phi cơ đã đâm thẳng ra biển để vượt Hải Vân, đỉnh núi bên trái phủ mây trắng, đường nhựa ở trên, đường xe lửa ở dưới, thấy rõ trước mắt hình ảnh đứa nhỏ tóc bay đưa chiếc đầu ra khỏi cửa sổ thành tàu nhìn xuống đại dương đen ồn tiếng sóng, sóng bạc đầu xô đẩy vào rà.Sâu hun hút, tưởng dưới xa như là chốn nghìn trùng không đến được… Sửa lại thế ngồi đỡ mỏi chân, cong hai đầu gối sát ngực cho bớt lạnh.Lại giống hình ảnh đứa bé đêm trừ tịch năm nào ngồi co ro trong một chiếc xe hàng trên đỉnh đèo sương phủ và gió rét.Tôi sống torng hai thế giới, trong hai chốn thời gian lúc trực thăng đổicao độ vượt đèo… Mình là ai?Đi đâu? Mong ước gì?Hơn mười năm chưa thấy rõ mình.Đời khó thật.

Trời vẫn còn sáng trên không, thứ ánh sáng mờ mờ của bóng tối sắp đến, xuống ở độ thấp 100 thước.100 th. để thấy rõ từng nếp nếp nhà, sân đất, giậu tre và những cánh đồng xanh.quê hương bình yên và đẹp vô ngần trong ánh sáng cuối cùng của một ngày.Đầm Thủy Tú lăn tăn sóng nhỏ trẻi dài như một thỏi kim cương xanh.Đầm mênh mông lặng lẽ dạt những vòng tròn xôn xao khi trực thăng bay qua, núi Túy Vân ấn một nét đen đậm dịu dàng trên không gian và mặt hồ xám bạc.

Túy Vân Sơn, tưởng tượng đến hình ảnh ngày xưa đoàn thuyền lộng lẫy của Hoàng Gia trôi theo giòng nước đến nơi này neo bến và tiếng chuông cuối ngày lồng lộng trên sóng nhỏ tan dần vào hư không.Chiến tranh mệt mỏi của ngày dài di chuyển tan nhanh như sương mỏng, tôi mở to hai mắt, dựng đứng hết xúc cảm để nhìn hết, lấy hết toàn khối quê hương đang nằm dài yên lặng dưới xa – Không thể có nơi nào đẹp hơn quê hương ta!Câu nói của cuốn sách thơ ấu được lập lại không định trước.Phải, quê hương ta quá đẹp, vẻ đẹp mộc mạc, bình lặng cao cả, quê hương là thiên nhiên cô đọng, quê hương tan biến hòa hợp vào cùng vũ trụ.Núi không cao, đầm không rộng, nhà mái tranh, con đò nan mảnh mai trôi lững lờ trên sóng nước hiền hòa, khuôn đất nhỏ vàng nhạt, từ trên cao vẫn tưởng được độ cứng và vẻ bóng bẩy phẳng lặng in từng đường chổi mới quét qua… Quê hương thương yêu nồng nàn dưới đó, dưới độ cao 100 thước, trên lưng đàn trâu về chuồng, cong đôi sừng nghếch khuôn mặt chịu đựng, giương đôi mắt võ vàng nhìn tiếng động trên không.Lòng bồi hồi run rẩy như vừa qua khỏi chốn linh thiêng… Bao nhiêu phần đất của quê hương còn đượm vẻ thanh bình này?Chắc còn rất ít, hay chỉ còn lại trên ảnh trên tranh, trong trí tưởng, trong ao ước… Vì khi máy bay vừa đến Huế, nhận được lệnh di tản thương binh, phi hành đoàn chỉ kịp và vội miếng cơm, lấy tọa độ bãi đáp và tầng số làm việc, bay liền hướng Hương Điền dọc Phá Tam Giang.Tiểu đoàn 6 và 8 TQLC vừa đụng trận.

Trời sập tối, cảnh vật xanh xanh xám xám, chút sương mờ đã dâng lên từ mặt nước.trực thăng qua La Vân, Hương Cổ, Quảng Điền, những nơi chốn quá quen byết bao nhiêu lần xuôi ngược trên bờ lúa dọc con sông xanh thẫm lác đác những lá tre già.

Tàu vượt Phá Tam Giang – A! Lại một chốn xưa huyền bí – Phá mông mênh bí mật u trầm, phá xôn xao chuyển dịch những lượn sóng xuôi ngược, phá nồng nàn say sưa như tuổi nhỏ khi đọc đến câu “Yêu em anh cũng muốn vô.Sợ truông nhà Hồ, sợ Phá Tam Giang.”Vật biểu lượng ngăn trở tình yêu là đây, tôi nhớ lại được nỗi rung động náo nức của tuổi mới lớn.. Nhưng bỗng nhiên như luồng sét thật mạnh đánh sát mặt, như kẻ bị phụ tình trong giờ khắc say đắm nhất, tàu đã bỏ mặt nước xanh để bay lên vùng cát trắng.Tôi lao đao như từ ánh sáng vào bóng tối, tôi tóe lửa ngộp ngộp hơi thở như gió thổi mạnh đập vào mặt.Nỗi mơ mộng tan vỡ, vỡ bùng không còn chút níu kéo.tôi đang bay trên một quê hương điêu linh, không thể trốn chạy được… Lũy tre xanh, bọt sóng đầm xô đẩy, núi Túy Vân lặng lẽ, mảnh vườn đất phẳng, nụ cười sáng, bàn tay vẫn trên đồng xanh không có giá trị gì nữa.Quê hương đẹp đó quá ít, quê hương này, quê hương dưới chân, trên cát trắng quê hương trải dài theo biển từ Thế Chí, Đại Lộc qua Mỹ Thủy, Triệu Phong mới thật sự điển hình cho tàn tạ, tàn tạ tuyệt vọng câm nín của những “ổ” nhà nằm rải dài trên 30 cây số ngút ngàn lặng lẽ.Ba mươi cây số không nhà, chỉ độc một chuỗi ổ chuột sùm sụp ép mình trên cát, chơ vơ thụ động dưới mưa bom và đại bác – Tội quá trời ơi, năm xưa 1967, khi qua vùng này đã phải cúi mình xuống làm đôi để nhìn một gia đình một mẹ năm con ngồi ôm lấy nhau dưới mái lá như vượn mẹ bồng con ngồi co mình nhìn lũ người cay độc… Bao ngày qua, đời sống dưới mái lá đó càng thêm độ thê thảm.Không đồng lúa, không nghề chài, họ ăn gì, lấy gì để sống qua hằng hằng tháng ngày tân toan, rồi lại thêm bom rơi đạn rớt, bom đạn không phải chỈ một cơn một lúc nhưng phủ đầu và ngập mặt.Trước 1967 đến bây giờ là bao lâu?Còn con người chăng trên bãi cát trắng dưới những “ổ” lá nằm rải rác trên dải quê hương điêu tàn đó?Có đàn lợn đi lang thang trên bờ biển, loài thú tầm thường bình yên, không thích hợp với hùng vĩ của đại dương chạy tán loạn khi nghe động cơ vang nổ… Chữ Gia của tiếng Hán đuọc biểu tượng bởi một mái nhà dưới có chữ Thỉ – Trên giải đất không nhà này đâu còn nơi nương náu cho loài thú tội nghiệp kia – Người sống làm sao được trong tan nát này hả trời?Câu hỏi buồn cười tội nghiệp vang âm thầm làm nhói cơn đau nhức nhức ở nơi ngực.

Không thể gọi là “dãy phố buồn hiu” nhưng phải gọi “dãy quê hương thê thảm,” cũng chưa đủ cho nơi chốn tàn tạ hấp hối này.

Dậy đường tử khí,

Không khí tàn tạ của vùng Mỹ Thủy, Hương Điền, vẻ đau đớn lạnh cứng của xác người lính Thủy Quân Lục Chiến Tiểu Đoàn 8 khi gió thổi lớp Poncho dán chặt vào mặc để lộ chiếc đầu tròn sống mũi thẳng, năm ngón tay tái xanh có những móng dài đầy đất của tối hôm qua trên trực thăng không còn nghĩa lý gì so với cảnh tượng trước mặt.

Tôi đang ở trên cây số 9 từ Quảng Trị kể đến, vùng thôn Mai Đẳng, xã Hải Lăng..Không thể dùng một chữ, một tĩnh từ, không thể nói, khóc, la, trước cảnh tượng trước mặt, chỉ có thể im lặng, chỉ có thể nghiến răng, bặm môi, dù răng vỡ, môi chảy máu tươi, tay luống cuống, mắt mờ nhạt, mũi phập phồng.Không có thể biết gì về thân thể đang mở ra trước sự tàn khốc trước mặt.Trời ơi! Hình như có tiếng kêu mơ hồ dội ngược ở trong lồng ngực, trong cổ họng, nơi óc não, hay chỉ là ảo giác của con người mất hết khả năng kiểm soát.Kiểm soát làm sao được nhịp đập của quả tim, không ai ngăn cản cơn chớp liên hồi của đôi mắt, tay nổi da gà, những sợi gân ở thái dương phồng lên đập xuống – Mệt, máu chảy ngúc ngắc trăn trở lăn lóc khô khan khó nhọc trong những gân căng đến độ chót… Cũng không phải như thế – Tôi không biết, hoàn toàn không biết được gì của xác thân.

Tôi không còn là người đang sống, vì sống là sống cùng với người sống, chia xẻ vui buồn, đau đớn lo âu với người sống.Chung quanh tôi, trước mặt chỉ còn một hiện tượng, một không khí – Chết.Phải, chỉ có sự chết bao trùm vây cứng.Chỉ có nỗi chết đang phơi phới bừng bừng che kín không gian.

Đã sống trong cảnh chết của trận Đồng Xoài năm 65, trận Bình Giả năm 64, đã nằm cùng, ngủ chung với xác chết qua một thời gian dài, nhưng bên cạnh những nín lặng đau đớn của những cái chết này vẫn còn tiếng nói, tiếng động của người sống dù là tiếng khóc vật vã, lời kể lể thống thiết của những người mặc đồ tang lăn lộn trên xác chết đã sình chương mới được kéo về sau bẩy ngày tử trận.Những cảnh chết còn không khí người sống, tôi chịu được – sự chịu đựng khốn mạt chỉ có chiến tranh mới dạy được cho người.Và mới gần đây, An Lộc với những ngôi mộ vô danh, mộ tập thể, những cái chết câm lặng đến độ chót của đau đớn kinh hoàng, người cha trầm tĩnh đi tìm từng cái chân, cánh tay của năm đứa con vừa bị tan thây vì quả đạn đại pháo, nhưng lại còn được một nấc chót – Bên cạnh người chết vẫn có người sống – Người sống, dù với thể xác vô tri, đi đứng hcuyển dịch như thứ người cuồng tín bi thảm – Người điên buồn, điên lặng, điên câm nín, điên ở trong, điên chạy ngược, thấm đẫm, trĩu nặng từ tế bào thần kinh – Dù sao cũng là Người Sống.Ở An Lộc, tôi còn thấy được loại người cuối đáy đau thương đó.An Lộc lại quá nhỏ, chỉ hơn một cây số vuông, cái chết cô đặc lại, ngập cứng vào người nhanh và gọn như nhát dao ngọt.Cái đau đến chớp mắt, người chưa kịp chuẩn bị thì đã lún hẳn vào trong… Tôi cũng chịu đựng nổi, gồng mình mà chịu, chịu được như chiếc bóng căng phồng khí độc.

Ở đây, Giáp Hậu, Mai Đẳng, Hải Lâm thì khác hơn An Lộc một bậc, hơn trên một tầng, tầng cao ngất chót vót, dài hơn An Lộc một chặng, dài hun hút mênh mông.

Sự chết trên 9 cây số đường này là 9 cây số trời chết, đất chết, chết trên mỗi hạt cát, chết trên đầu ngọn lá, chết vương vãi từng mảnh thịt, chết từng cụm xương sống, đốt xương sườn, chết lăn lóc đầu lâu, chết rã rời từng bàn tay cong cong đen đúa… Nhiều quá, 9 cây số hay 9000 thước, mỗi thước trung bình hai bộ xương tung tóe, vậy tất cả là bao nhiêu?Chỉlấy con số trung bình vì có chiếc xe hồng thập tự chổng bánh vỡ sườn để lộ những bàn chân đen thòng ra ở cửa đằng sau… Chiếc xe Honda gẫy đôi, còn xót lại hai đôi dép Nhật, người ở đâu?Không làm phân biệt được tay này, chân kia, đầu lâu người nọ… Chiếc xe công binh ủi một đường dài, những xác chết, không, phải nói những bó xương bị dồn cùng áo quần, vật dụng, chạm vào nhau nghe lóc cóc, xào xạc, “đống rác” người ùn ùn chuyển dịch, một chất nhờn đen đen ươn ướt lấp lánh trên mặt nhựa – nhựa thịt người!!Trời nắng, đồng trắng, con đường im lìm, động cơ chiếc xe ủi đất – phải gọi xe ủi người mới đúng – vang đều đều, hơi nắng bốc lên từng đường trên mặt nhựa, hơi nặng mùi… Vạn vật chết trong lòng ánh sáng.Ánh sáng có mùi người

Làm được gì bây giờ? Bịt mũi, che mồm, nhưng tất cả vô ích, hơi chết đọng trên da, chui vào mũi, bám trên áo, hơi chết hít vào phổi trôi theo máu. Tôi đang đứng trong lòng của sự chết.Tránh làm sao được, ai có thể ra khỏi khối không khí của nơi sống?Những cảnh chết tập thể của người Do Thái ở các trại tập trung gây nên niềm bàng hoàng xúc động vì người chứng kiến thấy được “xác người,” xác chồng chồng lớp lớp có thứ tự, gọn ghẽ nguyên vẹn… 9 cây số đường chết của Quảng Trị không còn được quyền dùng danh từ “xác chết” nữa, vì đây chết tan nát, chết tung tóe, chết vỡ bùng… Chết trân tất cả mọi cái chết.Không còn được “người chết” trên đoạn đường kinh khiếp đến tột độ của chốn quê hương thê thảm.Giáp Hậu, Hải Lâm:Tên nhớ vào máu dù sau này tôi chết, ký ức cũng không thể phôi phai…Đã dùng hết tất cả chữ nghĩa có trong đầu, nhưng chưa đủ, chắc rằng chưa thể đủ được, tôi điều tiết hết cả thần kinh để đón nhận, ghi nhớ nhưng nhận không vừa, ghi không nổi… Lòng bây giờ cũng như dây đàn đã đứt, chỉ còn thoáng âm ba cứng đỏ mơ hồ không kìm giữa nỗi chết.Đau choáng váng, ngất ngư dật dờ bởi thứ men chết dậy lên hừng hực như nắng sáng.

Pháo vẫn còn rơi ở phía trái con đường, rơi từng ba quả một, từ vùng Tây Bắc đến, người lính Công Binh vẫn từ từ cho xe ủi “người,” tôi vẫn lặng lẽ hút những hơi thuốc đắng.Nếu pháo nổ ở đây thêm hai xác người nữa thì có là bao!Không gì lạ nếu tôi và người lính Công Binh này chết.Chẳng có nghĩa gì khi thêm hai đầu lâu mới, bốn cánh tay, bốn bàn chân và ít ruột gan rơi rớt đẫm máu văng trên mặt nhựa này…Đúng như thế vì những đầu kia, tay nọ chắc cũng đã qua một lần rung động, cũng có qua một vết kỷ niệm, một đời nồng nàn ước vọng, sung sướng và hạnh phúc.Bây giờ còn gì nữa đâu trong chiếc sọ đen nâu dính chút thịt nhão nát và lọn tóc khô rối rắm.Người đàn bà, sinh vật đã một lần yêu quý, đã một lần thiên đàng rực sáng của tình yêu, là hạnh phúc mầu nhiệm của người mẹ…Còn gì đâu trong chiếc sọ nồng thối lăn lóc nọ?…Hết nơi cho Người, hết thật.Lọt vào 9 cây số này con người đã hoàn toàn tận diệt, sinh vật người hoàn toàn tận diệt. Hết, một chữ ngắn gọn để diễn tả cơn tan vỡ cùng cực… Chỉ còn được mỗi chữ này.

Xe ra khỏi, không, phải nói rằng đó chỉ là cảm giác tự đánh lừa mình, vì không ai có thể ra khỏi được nỗi chết trùng vây kín.Đến La Vang thượng, xuống đi bộ vào La Vang chính tòa, nơi bạn tôi, Tiểu Đoàn 11 Dù đang chiếm giữ.Hai cây số đường đất giữa ruộng lúa xanh cỏ, tôi đi như người sống sót độc nhất sau trận bão lửa đã đốt cháy hết loài người.

Đường vắng, trời ủ giông, đất dưới chân mềm mềm theo mỗi bước đi, gió mát và không khí thênh thang.Ngồi xuống vệ đường bỏ tay xuống ao nước kỳ cọ từng ngón một – Tôi muốn tẩy một phần sự chết bao quanh? Có cảm giác lạ:tôi vừa phạm tội, tôi được sống.Phải, tôi có cảm giác như chính mình vừa giết người và dành quyền được sống, chính bàn tay này vừa tham dự vào trò tàn khốc…Tôi nghĩ lộn xộn điều này nối lấy điều kia, hổ thẹn, uất ức, giận hờn, đau đớn và… vô tri giác.Tôi muốn “chửi” Tướng Giai.Dù có bị thôi thúc, ép buộc từ một chiến lược nào đó ông ta cũng không thể bỏ Quảng Trị trong bất thần để đến nỗi 9 cây số đường kia phủ thịt người.tôi cũng muốn chửi Bắc Quân.Dù luật chiến đấu là phải thắng, nhưng ai nỡ bóp cò để B40, B41, 75 ly sơn pháo, từ trên những cao độ của Xuân Lâm, TrườngPhước, Trường Thọ (những tên gọi sao cay đắng) nổ vào những “mục tiêu” xao xác – D0oàn người chạy loạn.Thắng trận ở đâu khi những mục tiêu đau đớn đó ngã xuống?Tội nghiệp, những người lính của Đại Đội 3 Quân Y còn tưởng đến giá trị của chiếc cờ trắng chữ thập đỏ nên đã trương lá cờ thụ động vô nghĩa để băng qua sự chết.Bắc quân, hình như anh đã không có tình người, cạn tình người.Anh giải phóng cho ai khi đi giết con người?Tôi muốn hỏi điều đó, hỏi vang vang, hỏi bằng tiếng thét đến vỡ cổ, bật máu, tôi muốn hỏi tại sao Người giết Người tỉnh táo và tàn tệ đến thế kia?… Từ nơi đặt sứng đến “mục tiêu” không quá 1 cây số và gần nhất dưới 50 thước, anh không nghe tiếng thét khi Người chết sao? Tôi muốn hỏi người lính miền Bắc với hết cả thống hận trong lòng.Căm thù nào trên người đàn bà tóc rối bế con chạy xôn xao giữa giòng người tan nát?Tôi muốn hỏi, hỏi ngàn lần, hỏi vạn lần người mang danh hiệu là lính của Quân Đội Nhân Dân.Nhân Dân để gọi những ai?Tôi muốn hỏi một triệu triệu lần bằng tiếng thét vô hình nổ bùng trong đầu óc khi ngồi giữa cánh đồng trống.

Muốn cào mặt, đấm ngực, cắt da để máu chảy thành giòng, để nhìn thấy mình cũng “được” đau đớn, chia sẻ.Tôi bất mãn với chính tôi trong trạng thái ù lỳ vô tri khi giương mắt nhìn rõ chiếc sọ người tóc rối.Phải, tôi cũng muốn chửi cả chính tôi, thật sự như thế… Tôi cũng có tội, tôi cũng có tội đấy, trời ơi!!

Đi vòng vòng ở sân của Vương Cung Thánh Đường, nhìn tượng thiên thần, tượng Đức Mẹ, cây dương liễu cháy xám… Những cảnh sắc và nơi chốn này đối với tôi là kỷ niệm không phôi phai, nhưng bây giờ sau khiqua 9 cây số chết, lòng cứng, não trơ, tôi đi xiêu vẹo ngả nghiêng trong lòng nắng và gió nồng… Ngửi và thấy toàn người chết.Trí óc không nghĩ được cái gì hơn… Đi qua ngôi nhà xưa khi mùa đông 66, 67, tôi, Thừa, Hổ và anh Bảo ngồi ghếch chân lên gốc cây thông uống bia đá.Trời lạnh nhưng cũng phải uống nước đá, chúng tôi vừa ở núi, nơi đầu sông Thạch Hãn rút ra, 15 ngày trong đó… Bây giờ những bạn xưa đã chết, tôi thì đang bị vây khốn trong một trời thống khổ, làm cái gì đây?Còn gác chuông của nhà ông Trùm họ đạo: Tôi nhớ căn nhà này có một cô gái, Hổ đã trêu ghẹo cô ta một câu trước khi rút quân đi, Hổ chết đầu Xuân 68, cô gái bây giờ ở đâu?Hay cũng đã chết tan trong một vùng lửa đạn.Bước qua gạch ngói của căn nhà đổ nát, tôi đến gác chuông kéo sợi dây, hai quả chuông quá nặng, phải kéo bằng cả hai tay… Kính… coong… Tiếng chuông âm u vang động; vang vào trong núi không nhỉ?Nơi đây là một bình nguyên trùng điệp và Trường sơn bao vây nơi xa… Vắng vẻ quá!Tôi nói thật lớn cho chính mình nghe.Chẳng biết nên làm gì?Giật dây chuông thêm một lần nữa…

Về theo chuyến tản thương, người thương binh nặng nhất chốc chốc ứa chút máu hồng, bên cạnh, gã tù binh bị thương nằm mê man…

– Tụi này cứng cổ lắm, bị thương nó nằm lì để bắt mình vác đi, đ..m.. nó lại được nằm băng ca trong khi tui phải bò bằng cùi chỏ!! Anh lính bị thương hai chân ngồi dựa thành xe chửa đổng…

– Thôi, mình khá hơn tụi nó là chỗ này, lỡ cứu nó, cứu cho trót. Tôi tìm đường nói cho anh lính khuây khỏa, quả tình cũng không tin được lời nói của mình.Vì khi đi ngang căn nhà ở cạnh trụ sở xã Hải Lâm, nhìn cảnh người đàn bà ngồi “tước” từng sợi thịt ra khỏi xương người chồng.Người vợ ngồi kẹp đầugiữa hai gối, tước từng sợi thịt đã nâu đen nhão nát trên xương ống tay và chân… Bà ta dùng bàn tay “xoa” lên trên lớp xương sọ, vừa để đuổi kiến vừa để tẩy phần da ươn ướt mòng dính vào khối xương mũi, động tác bình thản thân ái như người vợ trong khi âu yếm tay lên mặt chồng.Ôn ơi là Ôn ơi!! Tiếng khóc nhức nhối than van gầm gừ trong cổ họng như đánh nhịp khi người vợ “nắm” đầu người chồng lên bằng hai ngón tay thọc vào ổ mắt “rảy” cho hết kyến!Tôi biết gã tù binh nghe nhưng cố lờ, gã ngủ trên suốt đường di tản mặt bạnh ra khiêu khích.Người lính của ta có thù hận một chút cũng không sao.Có điều không công bằng giữa hai phe lâm chiến, lính ta đánh giặc không thù hận, tôi biết điều này vì tôi cũng là một lính tác chiến.

Trên xe ra phi trường nghe câu chuyện của hai vợ chồng già quá giang ở băng sau, tôi chợt khám phá ra mọt điều: Dân chúng vùng Thừa Thiên, Quảng Trị đã sửa soạn đón chờ tàn khốc qua tiếng nói.Họ không nói, nhưng than vãn, kể lể, rên xiết.Nỗi oan khiên vô hình chập chùng trên mỗi âm, mỗi chữ, cách lên xuống của từng câu.Không nói quá đáng, từ lâu, đã cảm thấy nhưng chưa kyểm chứng cho đến hôm nay ba thàng mười ngày, lại một số lượng thời gian bí nhiệm mà người Trungcứ mãi nhắc tới, tức là 100 ngày của trận chiến cuối mùa, 3 mặt trận: An Lộc, Kontum, trị Thiên đều cùng có một mẫu số chung: Dân Trị Thiên là nạn nhân đa số.Vì dân cạo mủ ở an Lộc, người dinh điền ở Kontum cũng là những di dân Quảng Trị.Thậm chí ở chiến trường Bình Giả, số lớn nạn nhân cũng không ai ngoài những người dân vừa mới di cư từ Cam Lộ, Khe Sanh vào… Thôi đó là tai ương tiền định, Trị Thiên còn là Câu Ô, xứ sở của người Chàm mà người Trung gọi là Hời.Âm thanh sao nghe qua thê thiết, oán hờn, rồi lại còn giọng hò nữa… Ai đã đứng ở bờ sông Bồ (chảy qua An Lỗ)sông Thư Rơi (Mỹ Chánh), sông Hương nghe giọng hò cất lên từ những khoang đò khi chiều vào tối mới hiểu được vì sao có những quê hương cứ mãi tàn tạ, oán hờn… Định mệnh đã xếp đặtthế.Chì còn lời này để an ủi kiếp đắng cay.

Người Lính Việt Nam,

Một nhiệm mầu

Chiến trận vẫn tiếp diễn, tôi lại bị kẹt trong một guồng máy tầm thường hèn mọn, phải bị trói chân, buộc tay, hằng ngày dẫn một Đại Đội Địa Phương Quân đi chặt ô rô, cóc kèn, dừa nước, phải liên lạc, nhận lệnh từ những sĩ quan đặc ước cựu binh sĩ, Hạ sĩ quan của quân đội thuộc địa, những “cấp chỉ huy” sáng giá, những Tỉnh Trưởng, Quận Trưởng mà chủ đích của công việc là làm sao “vồ” được một số tiền trước khi đổi đời, lộn giống… Trong tầm thường cay đắng này, tôi cứng người vì hổ thẹn cùng nỗi uất ức điên cuồng lặng lẽ.Hết, phải giã từ những chiến hữu hào kiệt, phải giã từ những chiến trận mịt mùng lửa dậy, phải giã từ ngày căng thẳng giữa hai cọc sống – chết và đêm nóng đỏ của hơi bom rát mặt…

Ngày ngày ngâm chân xuống bùn sâu của những kinh rạch chằng chịt vùng Bến Lức, Long An, đêm dẫn bẩy người lính nằm phục kích trên bờ ruộng, tôi nhìn sao, nhìn trời, nhìn cơn gió và ánh nắng, tưởng nhớ đến những nơi xa, nơi chiến trận trùng trùng giăng kín những người quen hay không quen ngã xuống trong mỗi giờ qua, mỗi ngày tàn.

Tiểu Đoàn 11 Dù ở quảng Trị vừa chết thêm một Đại Đội Trưởng – Nguyễn Phúc Long, Đại Đội Trưởng chỉ huy, như thế có nghĩa là pháo đã tăng cường độ, tăng rất cao, rất mạnh.Tiểu Đoàn 3 Dù chết anh Thiếu Úy Thủ Khoa một khóa Sĩ quan Trừ bị, cựu sinh viên luật từ Pháp về, con một ký giả, cựu Thủ Hiến, một Trưởng Hướng Đạo. Tiểu Đoàn 3 Dù nằm dưới Mỹ Chánh, vậy là chiến trận đã trở chiều.Rồi chiến trường Quảng Ngãi tăng cường độ.Bạn tôi, Lê Văn Nghĩa, Chi Đoàn Trưởng chiến xa lừng lẫy 1-4 mất tích ở mặt trận Quế Sơn, mất tích hay chết?Đau biết mấy, tháng trước Nghĩa vào Sài Gòn chạy đôn đáo để tìm tôi… Tìm tao làm gì hở Nghĩa, phải chăng mày biết điềm đi khuất nên tìm kiếm để giã từ!Ôi, bạn thân thiết của một đời mà bao nhiêu năm không gặp, lúc có thể gặp lại thì đời đã đóng cửa biệt ly. Đau, cảm giác đau đớn rì rầm soi mòn cơ thể trong tháng ngày tiêu hao làm tôi gẫy đổ từng vụn nhỏ. Ở vùng II, Tiểu Đoàn Biệt Động Quân của Ngô Văn Mai, Tiểu Đoàn giải phóng Bồng Sơn đang kêu gọi tôi đến, hăm hở sửa soạn chuyến đi dài với Biệt Động thì chiếc cùm cứng nặng đã gông vào quanh cổ, làm gì đây? Giữa đám mây, cơn mưa chợt đổ ào xuống khi chân ngập dưới bùn lầy rạch Rít, tôi ngẩng đầu nhìn hạt mưa mà gởi đến chiến trường bạn hữu nơi xa tiếng thét lặng căm chất chứa những cay đắng lẫn ngậm ngùi. Rồi Thủy Quân Lục Chiến sau 27 tháng Bẩy, thay thế Nhẩy Dù để “dứt điểm” cổ thành Quảng Trị.12 giờ 45, ngày 25 tháng 7 tôi ở đấy, chứng kiến Tiểu Đoàn 5 Dù “mớn” bờ thành và “dựng đại cái cờ,” lời Đại Đội Trưởng Đại Đội 51/TĐ 5 Dù.Gần hai tháng qua đi, Tiểu Đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến đổi 6 Dù, 3 TQLC đổi 5 Dù, 9 TQLC đổi 11 Dù, Trâu Điên (2 TQLC), Quái Điểu (1 TQLC) chận đường cửa Bắc ngang sông Thạch Hãn, những Tiểu Đoàn Mũ Xanh quá quen thuộc, quá gần gũi với những Nghiêm, Liễn, Tiền, Hợp, những bạn thân, đấy là chưa kể Tùng, Để, Phúc, Kim, Tống, những niên trưởng “đúng chỉ số” đã phải chịu bao nhiêu gian nan để bước chân vào nội thành, nơi tòa nhà của Tiểu Khu Quảng Trị… Gian nguy, hình như danh từ này không đủ, không làm sao đủ được vì cổ thành là gì, nếu không phải là cục đá vuông với bề dài mỗi cạnh 590 thước, cao và dầy 5 thước – Mục tiêu được đo bằng số chính xác đó gồm trăm ngàn viên gạch ghép lại đã thấm bao nhiêu lít máu?Mua bằng bao nhiêu mạng người?Bao nhiêu đời sốngđã đánh đổi lấy bức thành rộng năm trăm thước vuông đó, bao nhiêu?27 tháng 7 – 15 tháng 9 là 48 ngày, và nếu kể từ 7 tháng 7, lúc Tiểu Đoàn 7 Dù vượt qua ngã 3 Long Hưng vào cách chi khu Mai Lĩnh 300 thước thì mặt trận thành phố Quảng Trị thực sự đã kéo dài trong 68 ngày, 68 ngày với lực lượng 4 tiểu đoàn Dù (5, 6, 7, 11) trong giai đoạn đầu và 8 tiểu đoàn TQLC (giai đoạn 2) cùng một liên đoàn BĐQ.Trong 68 ngày đó, đặc biệt là 48 ngày của Thủy Quân Lục Chiến, các tiểu đoàn của ta đã phải chiến đấu liên tục trên một chiến trường dài hai câynăm trăm thước từ ngã ba đường Lê Văn Duyệt, đường vào TRí Bưu đến Long Hưng, ngõ vào Quảng Trị, và ngang một cây số hay 1000 thước – Những con số phải viết chính xác để nói lên một chiến trường hẹp cứng gai góc hết ý niệm chiến trận – Chiến trường có diện tích Hai ngàn năm trăm thước vuông đó đã được 15 tiểu đoàn bộ chiến bao vây và quét sạch từng thước đất, phải nói từng tấc đất nếu muốn giữ độ chính xác trong 68 ngày, 15 tiểu đoàn hay 7500 người phải đi qua 2500 thước vuông, vậy mỗi người có bao nhiêu thước chiến trận? – Con số trung bình cho thấy 3 người lính có 1 thước vuông mục tiêu.Một thước vuông để tác chiến trong 68 ngày!!Quân sử thế giới trước và sau Quảng Trị, không còn một nơi nào, không thể có một chiến trường nào chật cứng đứt hơi bằng Quảng Trị, Việt Nam… Chắc chắn như thế.Trong 68 ngày đó, 6 tiểu đoàn pháo của hai sư đoàn Dù và Thủy Quân Lục Chiến đã bắn bao nhiêu trái đạn, dàn hải pháo của Hạm Đội số 7, phi cơ Việt Nam đã đánh 7 phi tuần xuống góc đông bắc cổ thành, mở đường cho Tiểu Đoàn 5 Dù; 7 phi tuần gồm 14 phi xuất, một phi cơ trong một phi xuất đánh 12 trái bom từ 250 ký đến 500 ký… Vậy trong 68 ngày, bao nhiêu bom đã rơi xuống trên mỗi phần đất của thành phố chiều dài không quá 15 phút Honda đó?!!Quảng Trị!Muốn kêu lên một tiếng nhỏ, muốn nhỏ một giọt nước mắt – Thành phố quê hương là thánh địa chịu nạn cho hết tai ương nhân loại – Không còn một nơi chốn điêu linh nào của địa cầu qua mặt nơi mang tên Quảng Trị.Không có một nơi nào.

Để kết luận, ta tìm một sự so sánh.Người Đức bao vây Stalingrad 76 ngày, người Mỹ giữ Bataan trong 66 ngày, Corregidor 26 ngày, quân lực Anh và Khối Thịnh Vượng Chung tử thủ Tobruk trong 241 ngày.Và gần gũi nhất, Điện Biên Phủ thực sự bị bao vây là 56 ngày.Những cuộc bao vây và tử thủ lừng danh này được thực hiện bởi súng Sten, Mat 36, Garant, Carbin M1, loại vũ khí hàng đầu của Bộ Binh Mỹ, Bộ Binh số 1 của thế giới!!!Những trận đánh để đời của quân sử thế giới đó có là gì so với Quảng Trị khi một anh Hạ sĩ nhất 17 tuổi, Trần Văn Rony của Tiểu Đoàn 6 Dù hạ gần 100 Cộng quân trong một ngày chiến trận… Dưới đất là cá nhân chiến đất khai triển tối đa, trên trời 1 pass B52 đi qua (sau 27 tháng 7, phi cơ Mỹ và B52được lệnh đánh Quảng Trị) với 3 chiếc, một chiếc chở 42 trái bom 250 ký, 24 trái bom 500 ký, cùng đánh xuống trên diện tích không quá 500 thước bề dài… Còn gì nữa không?Quả thật không còn đủ chữ nghĩa để nói hết “nồng độ” của chiến trường.Từ ngã tư Quang Trung – Duy Tân, nơi Tiểu Đoàn 6 Dù bàn giao lại.Tiểu Đoàn 6 TQLC đã mất hết 48 ngày để đánh đến vào góc thành đông nam cổ thành Đinh Công Tráng – 48 ngày tác chiến dằng dặc thường trực trên trục tiến quân dài đúng 400 thước; 400 thước đầy chốt, chốt gồm một tổ 3, 6 hoặc 9 người, gồm đủ B40 và thượng liên, chôn cứng dưới những công sự chịu đựng được bom, chốt được bao bởi một hàng rào cối “cơ hữu” từ những chốt lớn đằng sau và đại pháo 130 từ Đông Hà, Bến Hải, Khe Sanh bắn xuống – Qua được một tấc đường, đến gần một điểm chốt là bò trên nỗi chết cụ thể như lớp đất đá ngổn ngang mà bàn tay chạm phải khi lần mò tìm kiếm lối đi… 400 thước cho 48 ngày tác chiến không dứt thở, còn điểm “thông hơi” nào của chiến trận để chiến sĩ ta chịu đựng khỏi đứt hơi.

Thế nhưng người lính đã sống còn và chiến đấu được, chiến đấu hào hùng hừng hực quyết tâm, 30 tháng 3 kể đến giờ này là 6 tháng hay 280 ngày đỏ lửa, người chiến sĩ ta có đêm nào ngủ được quá 4 giờ, bao lần bình yên cầm cái chén để từ tốn và miếng cơm nóng, người lính ta đã bắn bao nhiêu ngàn viên đạn, đã dựng mắt thức trắng mấy ngàn giờ… Cái thân thể gầy gò nặng dưới 50 ký lô mang bốn ngày thức ăn và gạo, một bộ áo quần, chiếc poncho, võng, 600 viên đạn XM16, 6 trái lựu đạn M26, 1 hỏa tiễn M72, nón sắt và khẩu súng – Tất cả khoảng 40 ký – 40 ký đè nặng trên tấm lưng gầy còm hằn dưới xương sống trong 6 tháng để đi qua vực thẳm của nỗi chết trùng trùng, người lính còn là “nạn nhân” thụ động đến độ thê thảm của trò chơi chính trị được cò kè mặc cả ở những căn phòng kín cửa.Đưa bàn tay chỉ còn một ngón, người sĩ quan của Trung Đoàn 57 Sư Đoàn 3 chỉ vào tượng Chúa ở ngực đểnói “ “Tất cả những điều tôi nói là sự thật – Đầu tháng Tư trấn giữ ở phía bắc Đông Hà chính mắt tôi thấy 6 khẩu đại bác của Bắc Quân khai hỏa ở Ngã Tư Sòng (Gio Linh) cách tôi không đầy 3 cây số, phi cơ Mỹ được gọi tới và đánh cách mục tiêu 12 cây số… Khẩu đội đại bác Bắc Quân để sát cạnh đường vào làng Kim Môn dưới chân đèo Ba Dốc, những điểm địa hình quá dễ nhận trên địa thế, vậy không có một lý do nào bảo tôi nhầm lẫn chấm sai mục tiêu cả 12 cây số!!Và rõ ràng nhấtlà ngày 25 tháng 7, ngày Tiểu Đoàn 5 Dù bám được bức tường đá Cổ Thành Quảng Trị, chỉ có mỗi phi cơ A37 của Không Quân Việt Nam yểm trợ cho đến 12g45, khi Nguyễn Tấn Sĩ thúc lính bòlên thành, buổi chiều Không Quân Hoa Kỳ can thiệp, dội bom nội thành – Kết quả vì hai trái bom đánh nhầm, Tiểu Đàn 5 mất đà, khựng lại và dội ngược… Sư Đoàn Dù trống ngã bến Chùa, đường qua sông Thạch Hãn về Nhan Biểu, Ái Tử – Đường tiếp vận của Bắc quân… 9 tiểu đoàn Dù chỉ vừa đủ rải dài từ Mỹ Chánh đến Quảng Trị, từ đường chiến thuật 556B ra đến quốc lộ một lữ đoàn để chận con đường Ái Tử – Nhan Biều – Cổ thành là ước vọng tha thiết của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn Dù hay cũng chính của Tướng Trưởng… Ước vọng được căng dài trong 2 tháng không thực hiện!! Thế nên dù Tiểu Đoàn 5 Dù là tiểu đoàn hàng đầu của binh chủng, dù Tiểu Đoàn 6 là tiểu đoàn đã làm phép màu ở An Lộc, hai tiểu đoàn này có gồm những người lính đúc bằng thép cũng không thể dựng cờ Cổ Thành, không thể nào dựng được trong những điều kiện thuận lợi tái người như đã nói.Vậy bám được bờ thành như buổi sáng ngày 25 tháng 7 đã là một chiến công kỳ diệu. Chỉ có thể làm được với Tiểu Đoàn 5 Dù, đơn vị đã khai sinh sau vi tướng cho quân lực. Tướng Ngô Quang Trưởng khỏi đầu võ nghiệp cũng với Tiểu Đoàn 5 Dù.

Người Lính Việt Nam đã chiến đấu và tồn tại như một nhiệm mầu. Trên mầu nhiệm bình thường lặng lẽ này Tổ Quốc điêu linh thở từng hơi ngắn đớn đau nhưng bền bĩ… Chữ nghĩa hoàn toàn vô nghĩa trước chân dung bi tráng hùng vĩ của người và quê hương.

Việt Nam tháng 10, 1972.

Đêm Trên Bờ Thạch Hãn

Định mệnh, phải gọi sức mạnh bí ẩn và linh thiêng đó thêm một lần.. Phải, chỉ định mệnh mới có thể xếp đặt, dàn xếp tất cả tai ương, hạnh phúc, địa ngục, thiên đàng cho con người.Những sự kiện kinh hoàng nhất đã xẩy đến, những thống khổ đọa đầy nhất đã hiển hiện, tất cả tàn khốc chất ngất chiến tranh đã ào xuống trên Quảng trị, kéo dài qua Đại Lộ Kinh Hoàng trong mùa hè trước thì năm nay 1973, bắt đầu cho những ngày hè mới trên thành phố tan nát nhỏ bé này – Thành phố, chữ viết đến quá ngại ngùng… Vì đống gạch đá vĩ đại kia có phải là một thành phố không? – trên đoạn đường số 1 mà chỉ 365 ngày trước đây, hàng ngàn người đã nằm xuống với hiện thực của một địa ngục trần thế… 365 ngày đi qua, trên bụi cỏ còn vương dấu mảnh áo quần cháy nám của người chết, trên lớp cát xám lạnh theo cơn gió đôi khi thoang thoảng mùi thịt da chưa tanbiến hết và hằng ngày, hằng giờ trên Quảng Trị, “thành phố” không tiếng nói, không nóc nhà, lũ chó hoang sục sạo tung hoàng tìm kiếm mùi chủ cũ… Trên dấu vết mới tinh của mùa hè khốc liệt vừa qua, những ngày hôm nay, mùa Hè 73 là sân khấu để diễn ra một tấn kịch khác – kịch Hòa Bình – Bờ sông Thạch Hãn, nơi trao đổi tù vĩ đại của một nền hòa bình lạnh buốt sống lưng – Định mệnh, chỉ có sức mạnh siêu hình này mới giải thích được

Máy bay đi qua An Lỗ, qua Phong Điền, qua Mỹ Chánh, trời mù sương nên trực thăng bay sát mặt đường… Tôi lại thấy cầu Dài, cầu Ngắn, thấy hỗn độn trên cát trắng cảnh chết của toàn thể con người mà dấu vết sau một năm dài vẫn còn hằng hằng trên màn mắt… Nhưng trước mặt, hai bên, trên chiếc trực thăng bây giờ tôi đang bị vây quanh bởi nón ông soa, nón cối, áo đại quân, áo tác chiến vải kaki Nam định và thuốc lá Điện Biên bay mùi khét… Thượng Đế ơi, phải chăng người muốn ném tôi vào một cơn đùa!!?Hằng ngày đi bộ từ nơi của Nghiêm, (Tiểu Đoàn Phó TĐ! TQLC) căn nhà lầu có lò gạch mà mùa Xuân Mậu Thân tôi đã đến ở và chiến đấu… Trí nhớ vận dụng tối đa cũng không thể xác định được nơi chốn đã một lần trú ngụ… Và Quốc Lộ 1, đường Nguyễn Hoàng, đường Gia Long, trạm xăng xưa tôi và Mễ mua xăng theo lối “ủng hộ,” quán sách đối diện Cổ Thành, quán bún bò ở bờ sông… Tất cả chốn xưa mỗi ngày mỗi giờ đi qua vẫn không thể tìm ra dấu tích… Quảng Trị ơi, trái tim muốn vỡ tan dưới tiếng than im lặng.Và tôi lại đến ngồi ở bến sông, nơi tọa độ YD3… Lịch sự, hòa nhã, kiềm chế hết phẫn nộ, đè xuống hết tức tưởi… Thông báo cùng quý vị, thể hiện tinh thần hòa giải, thi hành nghiêm chỉnh Nghị Định Thư… Tôi phải đối mặt với một kẻ thù vẫn còn rất mới. Ngày này, tại đây, mùa hè năm trước. Trước mặt, Quảng Trị tan vỡ chập chùng qua lớp nước mắt vô hình

Thương thân, thương bè bạn, thương người, thương thành phố.Nỗi thương mến mênh mông nhưng dày đặc, thương mến rộn rã đau đớn, thương mến ngất bồn chồn… Mỗi lần ngồi xuống chiếc canô chạy qua bờ bắc Thạch Hãn, thấy lá cờ vàng phất phới trên điêu tàn – lòng trùng xuống, độ phiền muộn sâu như hố thẳm… Đêm khuya, sương mù mịt, trăng lạnh dọi xuống giòng sông đang lách tách con nước về biểnxa, nhìn phióa núi nơi bạn thân đang co mình dưới hầm để qua cơn pháo tập trung từ Gio Linh đổ xuống… Đêm qua dần dần, ngày đến, trăng lặn vào nơi xa, màu vàng đục phiền muộn như nỗi uất ức… Ngày hết hẳn, trời sáng, lính và dân tập họp đầy ở bờ sông để đón “anh em mình” về và chứng kiến những phương thức biểu lộ “đấu tranh cách mạng” hạ cấp, cố chấp và bỉ ổi của lũ tù được trả về bên kia – Nơi không có con người… Đứng trong đêm, nghĩ chuyện trong ngày để thấy bội phục vô vàn lòng cao cả và sức chịu đựng siêu đẳng của Người Việt Miền Nam – Những người lính vừa qua đêm dài dưới pháo nổ và người dân còn hằn vết dấu kinh hoàng – Quảng Trị, nơi họ chứng kiến lũ tù Cộng Sản đi qua thoảng tiếng tru của lũ chó hoang đi tìm chủ

Lòng cố chấp và sự căm hờn, những khuyết điểm mà người viết dù ở hoàn cảnh nào cũng phải nên chối bỏ. Nhưng trong hoàn cảnh đau đớn này, phải cho tôi quyền phẫn nộ – Tính chất cần thiết để bảo vệ con người trước bạo lực. Cuốn sách đã hình thành trong cơn đau đớn, lần in thứ hai này người viết xin được gởi kèm theo một tình ý mới – Xin được coi như một vũ khí bảo vệ con người. Lời nói không phải mang tính chất kệch cỡm của một đại ngôn láo xược nhưng xin được nghĩ là sự cầu khẩn phát xuất từ một người Việt Nam trong hoàn cảnh bi thiết hào hùng – Hoàn cảnh của chính quê hương Việt Nam.

Một năm qua, những người lính được kể đến đã có nhiều biến đổi. Rất nhiều người thay cấp bậc và chức vụ, nhiều người tạm biệt chiến trường và những người đã… chết.Bên cạnh đó, có những người sống lại, những người trở về và hỏa ngục Cộng Sản đã được xác nhận là một thực thể.Đồng thời những chuyến đi kế tiếp còn cho biết có rất nhiều trận lớn đã không được ghi nhận, như trận “Quận Triệu Phong” của Tiểu Đoàn 1 TQLC, trận đánh mẫu chốt mở đường cho chiến dịch tái chiếm Quảng Trị – Quận đường Triệu Phong, chốt chận đường tiếp vận của Bắc quân từ phía bắc theo sông Thạch Hãn vào Quảng Trị.

Thế nên, phải xin lập lại một lần câu tạ lỗi. Một cá nhân trong thời gian giữa các chuyến đi không thể nào có khả năng ghi nhận đủ toàn thể một cuộc chiến vĩ đại.

Cuộc chiến vượt hết cả cuộc chiến lịch sử chiến tranh loài người.

Quảng Trị- Tháng 3-73

Share this post

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on print
Share on email

Leave a Reply