PHAN NHẬT NAM
CHƯƠNG 3
AN LỘC, Miền Đông không bình yên
Bỗng chốc thị trấn nhỏ về cực đông-nam phần cuối con đường 13 biến thành địa danh vang dội toàn thế giới… Guernica, Arden, Berlin của Thế Chiến lần Hai không còn ý nghĩa khi so với thị trấn bề dài 1800 thước và bề ngang từ cửa Phú Lổ đến hàng rào phòng thủ tiểu khu đo đúng 1000 thước. Trên diện tích bé nhỏ nầy, lại nhỏ hơn nữa của những ngày “tử thủ”, khi thành phố “co” lại với khoảng 900 thước bề dài còn lại-Một ô vuông cây số hứng chịu gần 60 ngàn quả đạn, đạn đại bác bắn tập trung từ mười vị trí trở lên trong 100 ngày vây khốn. Thế nhưng, An Lộc đã chịu đựng được. Quân và Dân ở An Lộc đã chịu đựng được. Chịu đựng- Sức mạnh tự nhiên không bờ, không đáy- Với nó, trong đó, Người Việt ngụp lặn miệt mài để tồn tại.
Sống! Thượng Đế ban món quà hiếm hoi quý giá này cho dân tộc ta quá khó khăn, hẹp lượng. Chỉ được sống, đám dân và lính ở An Lộc đã phải căng mình hứng chịu dài cơn bão săm sắp tiếng nổ và mảnh thép, trong ba tháng. Họ lên đến những “đỉnh” đau đớn chóng mặt, như từ một độ cao hai trăm thước, người mẹ sẩy tay đánh rơi đứa con khi trực thăng chao mạnh. Cái chấm nhỏ bé tội nghiệp rơi dần dần vào một cõi xa xăm mất hút…Không nghe được tiếng động của thân thể trẻ thơ đập mạnh trên đất đá. Không có tiếng thét bi ai của người mẹ mất con… Chỉ âm động phần phật cánh quạt phi cơ và gió bạt trên không gian im lặng. Từ đỉnh cao hai trăm thước đến vực sâu hai thước giữa lòng đất đỏ lạnh tanh, người cha bình thản ngồi xếp ngay ngắn, thẳng hàng hình hài năm đứa con và người vợ, sau khi đã đặt tay chân đúng vào thân thể của mỗi đứa.
Nỗi đau đớn dài như con đường 13 từ An Lộc về Chơn Thành. Lai Khê, Bình Dương, An Lộc, Lộc Ninh… Tên đặt ra nghe sao quá thê thảm, tội nghiệp, làm gì có “bình an” nơi miền Đông tàn khốc này… Tất cả chỉ là ước vọng. Nói thật hơn, chỉ là những hư vọng khó có lần hiện thực- Ảo giác mù mờ khi con người đã đến đáy khốn cùng. Chạm tay sự chết.
Trong qui ước truyền tin quân đội, chữ A được đánh vần là “Alpha” hay “Anh Dũng”.An Lộc cũng bắt đầu với chữ A, thế nên tôi gọi “An Lộc là Anh Dũng”; tĩnh từ này đã được dùng quá nhiều, đến độ nhàm chán, nhưng ngoài nó ra không còn một danh từ nào xác thực và đúùng đắn hơn. Phải, An Lộc là Anh Dũng. Chiến đấu ở An Lộc- Sống ở An Lộc- Chết ở An Lộc – Tất cả đều trùng trùng tràn ngập, vây kín, kích động bởi tính chất anh hùng. Tôi không nói quá lời, với chân thật của người cầm bút và tấm lòng giản dị của người lính, xin xác nhận lại một điều: An Lộc – Anh Dũng. Yếu tính của thành phố, người và sự kiện nơi An Lộc là tỉnh từ giản dị đầy đủ kia.
Mười năm kinh qua trận địa, bao nhiêu trang sách về binh sử đã được đọc, tất cả đều bị An Lộc vượt xa, vượt một tầm quá lớn mà không một trận chiến nào có thể bén gót được. Kiến thức quân sự, ý niệm chiến tranh, tất cả bị đổ nhào vô nghĩa, vô dụng với An Lộc. Chắc chắn như thế, nếu ai hằng đến sống, chết cùng với nơi chốn ấy một lần. Những “huyền thoại” về An Lộc đã được khai thác, nhưng không hết. Những người kiệt liệt của An Lộc đã được nhiều nhắc nhở nhưng chưa đủ. Tôi nối tiếp công việc này vì An Lộc không những chỉ có Tướng Hưng với các Trung Đoàn 8, 9, 48, 52 của Sư Đoàn 5 Bộ Binh; Đại Tá Huấn với Liên Đoàn 81 Biệt Kích Dù; Liên Đoàn 3 BĐQ, và Đại Tá Nhật với thành phần cơ hữu Tiểu Khu Bình Long. Ngoài những lực lượng này, còn có Lữ Đoàn I Nhẩy Dù, đơn vị tham chiến từ ngày 7-4, bắt tay An Lộc lần một vào ngày 16-4 và lần thứ hai sau trận đánh trên tất cả các trận đánh, Tiểu Đoàn 6 Dù “clear” hai cây số còn lại vào đến Thanh Bình (hay đồn điền Xa Cam) trong “bốn mươi lăm phút chiến trận”.An Lộc được “bắt tay” lần thứ hai lúc 17g45 ngày 8 tháng 6 năm 1972.
Quê hương của loài nai,
Đường 13 chạy từ ngã ba Chơn Thành đến An Lộc đo được 30 cây số, tiếp tục về hướng Bắc thêm 18 cây số nữa là Lộc Ninh, bên kia biên giới là Snoul, qua Snoul con đường ngã theo hướng Tây-Bắc để tới Kratié, nằm cạnh bờ Cửu Long; nép bên bờ trái con sông, đường chạy tiếp về phía bắc để gặp StungsTeng, vị trí chiến thuật quan trọng của đường giây ông Hồ từ Bắc vào. Đoạn này có thêm một tên khác, “đường Sihanouk” cho có vẻ đại đồng nhưng thật ra cũng chỉ là của anh Hồ cộng sản. Khởi đầu cuộc chiến “Đông Dương lần thứ Hai”, những công thầnđầu tiên của Trung ương Cục Miền Nam đã lần mò, tìm kiếm, ráp nối lại con đường… Bắt đầu từ vùng suối Đá, suối Chà Là, suối Ma vùng Bình Long, Phước Long, băng qua biên giới, đến những “mật khu” trong tương lai sẽ vang danh theo chiều rộng thế giới: Lưỡi Câu, Mõ Vẹt. Năm 1970, đại quân Miền Nam từ Bình Long, Tây Ninh, đồng loạt xua quân qua biên giới; cánh quân cực bắc của lực lượng vượt biên đã có lần đi xa quá Snoul để đến gần Kratié. Cộng quân tan nát, đổ vỡ toàn thể hạ tầng cơ sở, kho tàng, trọng điểm tiếp liệu và căn cứ trung ương. Hai năm sau, những ngày đầu 1972, một lực lượng cộng khác, thứ cộng nguyên gốc, theo một kế hoạch được bảo mật tinh vi, chuẩn bị yểm trợ cho mục tiêu chính trị, từ miền Bắc xuôi theo đường 13 vượt qua Snoul cùng ào vào Lộc Ninh với 3 sư đoàn chính qui thượng thặng, sau khi được giàn đại pháo 130 đã dọn sẵn đường. Sau Lộc Ninh là An Lộc. Và thị trấn nhỏ bé của miền cực đông-nam Nam bộ, bắt đầu co vào trong một thế gọi là “tử thủ”. Địa ngục có thật bắt đầu từ ngày đầu tháng 4-72 ở đây. Nơi An Lộc.
An Lộc không phải là thị trấn, thành phố, thật ra chỉ là thị xã tỉnh Bình Long, đồng thời cũng là quận lỵ Quận An Lộc, tức Quận Châu Thành của tỉnh. Tỉnh gồm ba quận, Lộc Ninh cực bắc, An Lộc giữa và Chơn Thành phía nam. Tất cả cơ sở hành chánh đều nằm trên con đường 13, con đường lớn phẳng phiu chạy thẳng theo hướng Bắc-Nam, vạch một đường đen thẫm giữa rừng cao su xanh lá, nổi bật trên màu đất đỏ nâu mịn màng đẹp đẽ. Đỏ nâu cũng là màu máu khô, đường 13, con số của sự xấu – Định mệnh đã định rõ: Con lộ mang số tử thần và màu máu thẫm – Hai cuộc chiến tranh chứng tỏ có một Thượng Đế nhẫn tâm khắc nghiệt đã sắp đặt sẵn điêu linh cho nơi chốn, lẫn người. An Lộc, tên nghe thuần hậu hiền lành, như cảnh tượng đàn nai chạy tung tăng trên đồng cỏ tranh mượt sóng. Đàn nai sống no đủ bình yên, được che chở bởi tàng cao su, rừng bạt ngàn xanh im bóng nắng và hàng vạn con suối mang đủ các địa danh Việt, Miên, Thượng… Những giòng suối đầu tiên của sông Bé ở phía đông và sông Sài Gòn ở phía tây. Bình Long- Quê hương loài nai nằm giữa hai con sông trải dài trên một bình nguyên bao la,miền Đồng Nai thượng không những chỉ là một vị thế tốt, còn là chiếc nôi nuôi dưỡng quốc gia với tài nguyên thiên nhiên phong phú, quý hiếm. Đất rộng mênh mông trải dài chập chùng đồi thấp đến tận Biên Hòa, Gia Định. Đất giàu đẹp, uy nghi như hãnh diện bất tận quê hương. Nhưng, đúng là quê hương khốn nạn. Quê hương gắng chịu tai ương của nhân loại. Quê hương nguy khốn, ngặt nghèo. Quê hương lửa dậy và Bình Long hừng hực tro bay. Nơi sự sống không còn mặt đất.
Địa ngục trước mặt,
Khi đứng trước An Lộc, dẫu kiễng chân, mở to mắt, tôi cũng chỉ thấy được một tòa lầu cao, ngói đỏ, con đường hơi ép trái trước khi vào thành phố, chiếc tăng T54 nằm bên vệ đường, che khuất một phần không gian. An Lộc cách một khoảng 1700 thước, nhưng sao đã thấy từng cơn rung trong lòng, đã thấy thái dương giật giật.Đâu phải chiến tranh chỉ có ở trong đó, nơi tôi đứng, năm mươi sáu xác chết của C7, C8 (đại đội 7, 8) của Tiểu Đoàn 2, Trung Đoàn 275, Công Trường 7 đang nằm chật trong các công sự phòng thủ; nơi đây cũng có hai T54, ba PKR 79 nằm chúi đầu xuống hố bom, bộ máy bị tan nát vì lựu đạn công phá. Nơi tôi đứng, chỉ mười lăm phút trước, Đại Đội 62 Tiểu Đoàn 6 Nhẩy Dù đã xung phong cú chót bắt tay với Đại Đội 81 Tiểu Đoàn 8 Nhẩy Dù. Lần bắt tay vinh quang của quân sử người Việt phương Nam. Nhưng, nơi tôi đứng cũng dậy mùi người chết gây tanh trong gió…Chiến trường nơi đây cũng đã quá nặng độ, nào cần vào đến trong kia.Nhưng An Lộc nơi xa 1700 thước ấy lại gây cho tôi cơn đau đớn giật ngược, người cồn cào nóng rực tưởng như đứng trước một người thân vừa ngã chết!
– Tôi vào trong đó nghe anh Năm? Tôi hỏi trung tá Đỉnh, tiểu đoàn trưởng 6 Dù.
– Khoan, mai sớm hẵn hay, đợi đi, từ thằng 8 (tiểu đoàn 8) vào trong kia đâu có yên, nó pháo chết cha mày. Chết lại không có được “tuyên dương công trạng” nữa,
– Ừ vậy thôi, ngày mai.
Đêm xuống thật nhanh trong rừng, rừng cũng chỉ là chữ để gọi tên một vùng cây, vì ở đây rừng chỉ còn những thân cây cháy đen tua tủa dựng lên trời với cành khô không lá. Cây ngổn ngang và rừng điêu tàn. Bom đánh xuống cháy một xóm nhà vốn là sự thường trong chiến tranh, nhưng đốt cháy hẳn một cánh rừng bao la thì chỉ có ở Việt Nam. Nơi thiên nhiên biến dạng bởi lửa đỏ. Tắt lửa, trời tối thẫm, vài viên đạn đại pháo cầm canh điểm giọt dài từ bắc An Lộc đến cuối nơi đóng quân của Trung Đoàn 33 Sư Đoàn 21 Bộ Binh. Lần đầu tiên tôi dự trận chiến “bắn quấy phá” do pháo của Cộng quân.Ưu thế hỏa lực vùng này không cần phải xét thêm, địch hơn hẳn ta một chặng đường dài, quá dài không theo kịp. Trời sáng tôi sửa soạn hành lý để dông. Có tiếng người gọi 64 (Đỉnh) ở trong máy. Tiểu đoàn trưởng5 Dù ngỏ lời chào mừng Tiểu Đoàn 6,
-Ông bắt tay được với tiểu đoàn 8 là tay cừ,tụi này đợi cả hai tháng, chả có ai nắm được tay mình, mỏi bỏ mẹ…
– Hì… hì, Đỉnh cười thích chí. Hiếu khóa 14, Đỉnh 15 Đà-Lạt, cùng là dân năm 54 “mang rau muống vào Nam diệt thù”, nay gặp được nhau giữa rừng chiến trận, câu chuyện vang vang những lời thống khoái… Có Nam Xương (Danh hiệu truyền tin trước kia của tôi, Nam là tên, Xương nghĩa là không có… thịt) lên đây với tôi, 55 (Hiếu) có muốn gần nó không?
– Đâu đâu, cho tôi nói chuyện với nó một chút, lâu không được nói chuyện với dân civil!!Chắc giọng nó “thơm” lắm.
Tôi cười ngượng ngùng, có một chút xấu hổ làm cứng mặt, đàn anh của tôi đã nói thật. Nhu cầu được gặp và nói chuyện với người lạ là một phản ứng thông thường của người lính miệt mài torng rừng rậm. Bao nhiêu lần tôi cũng đã có cảm giác này.Chui rúc mãi trong rừng sâu, đóng quân ở nơi hoang dã, khi thấy được một con đường, dù chỉ là loại đường đất trải đá dẫn đến một làng xóm cũng gây nên cảm giác ấm áp trong lòng – Cảm giác sống giữa nơi có người, không lẻ loi… Gặp mặt người, ước muốn sao nghe quá cay đắng, nhưng chính là một hạnh phúc tội nghiệp mà chỉ có người lính trong chiến tranh mới cảm thấy.
Tám trăm thước từ tiểu đoàn 6 đến khu vực tiểu đoàn 5 tôi đi hơn nửa giờ…”Mày đi qua đó thì coi chừng, có hai hướng pháo, một ở tây-bắc, một ở đông-nam. Nếu ở hướng đông-nam lại thì không sợ, chỉ sợ hướng tây-bắc, khi nào nghe pháo tới thì đứng xây lưng vào cây cao su hoặc nhẩy xuống hố”.Đỉnh dặn dò tôi trước khi vào vùng pháo.
– Anh coi thường tôi quá, cũng đã là Đại Đội Trưởng Đại Đội 93 Tiểu Đoàn 9 từ 1965 chứ đâu phải là dân cù lần chưa đánh giặc,
– Tại vì mày đeo cái máy ảnh, tao cứ tưởng mày làm báo thứ thiệt!!
– Báo quái gì, giang hồ chơi vậy thôi, tôi dọt, về viết bài bốc anh. Rừng không nắng, đất đỏ tung tóe, cây gẫy đổ chắn lối đi, xác Bắc quân chôn tập thể ngổn ngang gò đống, pháo rời rạc rơi, cứ năm phút từng cặp một… Tôi cũng nhiều phen tìm hố để ẩn nhưng người làm sao nhanh hơn đạn, khi đứng được trong hố thì đạn đã chạm nổ rồi!! Mới hơn một năm đã quên bố hết phản ứng… Chẳng bù năm xưa khi trái đạn đầu tiên vừa nổ ở vùng phi quân sự, tôi đã ở nguyên con trong hố đào bằng nón sắt! Mình hết thời lính rồi.Tôi lẩm bẩm nhắm hướng tiểu đoàn 5 đi mặc kệ pháo rơi trên mặt lộ… Nếu nhỡ mình chết ở đây thì với tư cách gì nhỉ?Dân cũng không, lính chẳng phải.Không có một điều gì kéo tôi đến đây, không lẽ để lấy tài liệu làm “tác phẩm”?!!
Mồm ngậm điếu thuốc, tay bỏ túi quần, tay giữ máy ảnh, tôi cũng lạ với mình trong phút giây “đạt đạo” này. Đời là sự vô thường!! Tôi luận lung tung trong đầu khi bước chân đi qua vùng rừng được lính Nhẩy Dù đặt danh hiệu “bãi pháo”. Pháo là pháo kích, đại pháo của Cộng. Hơn ngàn người dân An Lộc đã chết trên tám trăm thước ngắn này trong những ngày trước khi họ cố bỏ nơi đỏ lửa để xuôi nam… Gạo xấy, tay nải, nón, guốc còn lác đác đầy khoảng rừng.Chụp hình được hết những mảnh vụn này không? Tôi tự hỏi khi loay hoay điều chỉnh ống kính. Chẳng thấy được gì, thôi vậy.Tôi xếp máy đi hết quãng đường.
Đến khu đóng quân của tiểu đoàn 5, chẳng có người lính nào trên mặt đất, pháo đang nổ ngoài đường. Dứt pháo, những cái nón sắt từ từ nhô lên khỏi nắp hầm, hầm dưới đất, nắp hầm khum khum như những nấm mồ nhỏ… Cảnh tượng giống như đàn còng gió khi thấy người đi đến vội tụt xuống cát trên bãi biển. Những người lính vừa nhô lên thấy tôi nhoẻn miệng cười.
– Báo hả? Có thuốc lá không?
– Chẳng phải báo beo gì cả! Thuốc lá còn mỗi điếu ở mồm đây, hút không?
– Hút! Người lính thò tay lấy điếu thuốc không chậm một giây.
Đến hầm ông Hiếu, phải một phút kêu gọi, ông Tiểu Đoàn Trưởng thâm niên nhất của Nhẩy Dù mới “bò” ra khỏi ổ… À Toa, đợi đấy, moa đãi toa hộp bia và bánh do bà vợ vừa gởi lên. Tôi cởi áo giáp, máy ảnh, nhận hộp bia vàng sánh.Như những người lính im lặng chung quanh, tôi bình thản uống từng hớp bia hạnh phúc. Đến một độ nào đó con người “bão hòa” với đau đớn, trở thành trơ, mất xúc cảm và vô vi như một kẻ đạt đạo cao siêu. Tôi chỉ mới qua vài ngày chiến trận, chỉ mới ở vài ngày dưới vùng “hỏa tập tiên liệu” của địch, đầu cũng đã cứng và lòng phẳng trắng vô tri.Uống, bia lúc nào cũng ngon và ngọt, thở một hơi thuốc thơm lên vòm trời âm u.Ầm!Ầm!Lại hai hỏa tiễn, tôi thụt đầu vào lại hầm, hộp bia sóng sánh trào ra chút bọt nhỏ.Uống thật say đắm, cạn giọt cuối cùng, biết đâu lát nữa khi vào An Lộc lại bế ngay một quả.
– Lâu quá moa không thấy mặt trời, cao su ở đây còn lá, ngày lại nhiều pháo kích, ở luôn trong hầm cho tiện.Ra khỏi hầm chẳng làm được gì, nhỡ có chuyện gì lại thiệt cho đơn vị.Người tiểu đoàn trưởng số 1 đã nói thế, trận chiến này quả thật không còn chỗ để khai sinh anh hùng. Đánh nhau bằng lưỡi gươm, người làm tướng thuở xưa có cơ hội chứng tỏ được mưu lược, can đảm và tài nghệ riêng mình.Đánhbằng gươm, lối đánh mã thượng, quân tử, đánh đối mặt, và chết không ân hận. Chiến tranh hôm nay với đại pháo xa hàng chục cây số và viên đạn vô tình nổ chụp. Người thụ động toàn thể dưới vũ khí tàn ác vô nhân. Chiến tranh không những chỉ hủy diệt đời sống. Chiến tranh còn làm mất giá trị con người.
Mãn thiên hoa vũ,
Vượt hẳn hết ý niệm từ trước, bỏ xa trí tưởng tượng đã xếp đặt, An Lộc không “hư” từng khu, không đổ từng khóm, An Lộc vỡ nát, vỡ tan tành, vỡ vụn…Không còn sự sống trên mặt đất, không còn dấu vết người trên mặt đất, thành phố chìm dưới hầm, sâu dưới đất, càng sâu càng tốt như một ổ mối khổng lồ dưới lớp đất bùn bề mặt. Vòng đai thành phố bây giờ đã nới rộng lên phía Bắc đến gần được sân bay.Những ngày “tử thủ” đường phòng thủ này rút xuống ngang hoành độ 88, từ đây kéo thẳng đến cực nam bãi trực thăng B45 đo được 800 thước và bề ngang được 500.Một diện tích rộng chưa tới cây số vuông đã có lần nhận được 8000 viên đạn như trong đêm 11 rạng 12 tháng 5; 8000 viên đạn loại xuyên phá chưa kể hỏa tiễn và cối tung hoành trên mảnh đất chỉ bằng khu vực Đa Kao.Mỗi thước vuông đất phải nhận hơn 10 trái đạn.Đạn Delay xuyên xuống đất hơn một thước mới nổ.Không cần phải trúng ngay hầm chỉ cần nổ bên cạnh cũng đủ xô ngã vách hầm. Dân và lính thụ động co rút dưới hỏa ngục đổ từ trên trời xuống trong hơn hai tháng. Pháo không phải từng cơn, từng giờ, từng loạt, pháo đầy trời như mưa, pháo ào ạt như gió, pháo kín mít như mây. Pháo không vạch từng đường như Mậu Thân, pháo không đi từng luồn như ở Hạ Lào. Pháo và trời chan hòa trộn lẫn như mưa bay giăng giăng che kín không gian của những ngày xuân mưa bụi. Dưới bầu trời đầy những đóa hoa tử thần đó. An Lộc co quắp, vật vã, tan thành mảnh, phất phới bay như tờ giấy xé nát được tung lên giữa trời lộng gió. Một hỏa tiễn nâng chiếc xe jeep bay bổng, khối sắt nặng 1/4 tấn vừa rơi xuống chạm mặt đất lại bị thổi ngược lên cao, nhẩy lên một mái hầm như hộp thiếc nhỏ bị quay cuồng vì những viên đạn tinh quái chính xác trong phim cao bồi Mỹ.
Pháo đầy trời nên sự chết cũng ở khắp nơi, chết lan như cỏ gà, chết tự nhiên, như sống thì phải chết. Chết ở An Lộc là hiện tượng tất nhiên. Gia đình bẩy người, hai vợ chồng năm người con cùng trú trong một cái hầm. Hầm đào dưới nền nhà trên lót vài tấm ván và một lớp bao cát. Tất cả đo được một thước bề dày. Tội nghiệp, dân đâu biết được cường độ công phá của đạn 130 ly. Nên, ầm một tiếng ngắn ngủi, cái nắp hầm tội nghiệp đó tung lên vỡ tan từng mảnh nhỏ như những hạt nước tóe lên khi hòn đá nặng rơi xuống… Chết! Sáu xác chết được một người còn sống chắp nhặt, vá víu để xác người mẹ không có tay người con, để thằng anh không lẫn chân thằng em. Người cha chậm rãi, từ tốn bình thản đi chọn lựa từng phần thân thể một của mỗi người thân yêu, còn gì trong đầu óc khô cứng đó. Không còn gì, chẳng nên gọi đó là óc não con người.Người đã chết. Con người thật đã chết toàn phần ở An Lộc.
Chân dung người giải phóng,
Trên đây là những hình ảnh củanhững “nội” An Lộc, chung quanh An Lộc từ những ấp cực tây như Phú Bình qua cực đông Phú Hòa, xuống phía nam như Thanh Bình, Văn Hiến… Những tên ấp nghe thật hiền, hiền lành tội nghiệp như ước vọng nhỏ nhoi của người dân khổ… Dân cạo mủ, dân làm nhà máy mà hơi nhựa cao su đã thấm đẫm qua lớp da, bao quanh thớ thịt tại nên một sắc thịt nâu nâu, nhạt nhạt có cảm giác rút cứng nhão nhoẹt khi chạm phải… Nhưng những người dân tồi tàn này đã bị kéo ra khỏi thôn xóm cuối đời – Họ là di dân từ Trung và Bắc vào – chống nạng bế con, cõng cha mẹ đi dọc đường 13 hướng về Tân Khai, Tần Ô, Lai Khê để đến Bình Dương, thiên đường yên ổn khốn mạt đang chờ đón, che chở… Vì chỉ các Bình Dương trên mười cây số là Lái Thiêu, nơi có lũ người được mệnh danh là “giới trẻ” đang đu đưa trên những chiếc võng ni lông, võng cói, đút cho nhau những miếng sầu riêng, chôm chôm bằng động tác của phim roméo và Julliette, bằng thứ nũng nịu hờn dỗi dưới những tàng cây xanh im bóng nắng. Cũng dưới những tàng cây như thế này ở Bình Dương cách đó không đầy mười phút Honda, những người dân An Lộc ngồi chồm hỗm nhìn ra con đường ngập nắng, hướng về mạn Bắc, nơi quê hương cuối đời đang đỏ lửaTay vẫn nắm chặt một mẫu vải vụn mà suốt bốn ngày không rời bỏ… Mẫu vải mang hơi hám kích thước, biểu tượng cho đời sống, niềm hy vọng ở quê nhà.
Người dân rời xóm làng để lại nơi chốn cho những người ”giải phóng.”Họ đi từ Bắc vào, từ Thanh Hóa, Nghệ An xuống Đồng Hới, băng qua biên giới dọc theo Tchépone, Mường Nông xuôi dần xuống phía Nam, rẽ vào Kontum hay mặt trận B3 hoặc tiếp tục xuống vùng Lưỡi Câu, Mỏ Vẹt trước khi qua lại biên giới để vào Lộc Ninh, cách An Lộc 18 cây số – Hành lang di chuyển mở rộng không chướng ngại.Họ đến An Lộc từ đầu tháng Tư sau sáu tháng di chuyển và bắt đầu “được” xích vào cần chân ga thiết giáp, xích vào cây để bắn máy bay và xích vào cổ người bên cạnh để đi hết lời nguyền “Sinh Bắc Tử Nam.”Ôi, nhưng đó chỉ là bề ngoài, một bề ngoài giả dối tội nghiệpđể che chở phần tinh thần đổ nát, tan vỡ trong kinh hoàng, khiếp đảm.Làm sao không sợ được, vì trong đêm 11 rạng 12 tháng 5, sau khi được 8000 quả đạn dọn sạch đường, 3 trung đoàn, mỗi trung đoàn quân số 3 Tiểu đoàn đầy đủ được“tùng thiết” với một đại đội chiến xa thuộc các trung đoàn 203 và 303 thiết giáp, tưởng sẽ san bằng An Lộc, giết toàn thể lính Mỹ Ngụy, không để sống một người dân.Mười bẩy “pass” B52, mỗi “pass” đi qua do 3 phi cơ thực hiện với 42 quả bom 500 ký, 24 quả bom 250 ký. 17 pass bom sát nách An Lộc 600 thước, chiếc hầm béton của Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn I Dù “di chuyển” theo cơn rung của bom. Bom chiến lược, với nguyên tắc chỉ thả cách quân bạn khi có khoảng cách an toàn từ hai cây số trở lên. Cuộc đánh bom phải do chính Trung Tướng James Hollingswoorth của Vùng III điều khiển. Và chỉ một “pass” bom ở Trãng Bàng cũng đủ làm cho thành phố Sài Gòn chuyển động, cách nơi đánh bom 30 cây số đường chim bay!Con người nào chịu nổi 17 pass bom đi trên đầu, bao chung quanh không phải từng lớp nhưng từng chồng, từng tảng âm thanh mà cường độ nằm ngoài sức tưởng tượng… Sợ, phải sợ, dù người có được đúc bằng thép, thép cũng chảy, người có uống thuốc liều, thuốc cũng phải tan, Marx, Lénine, Hồ Chủ Tịch, Võ Đại tướng chẳng còn là cái quái gì trong khối không gian điên đảo tàn khốc đó – Sợ, nên dù có bưng bít, che dấu trong lá thư gởi về gia đình ở Nghệ An, Nguyễn Đình Nghiêm, ám danh quân số và đơn vị là HT 810042 SZ 7, sau một thời khuyên nhủ gia đình “công tác tốt để đạt được tiêu chuẩn… Em Ba hãy gắng học tập để tiến bộ đúng sự hướng dẫn của Đảng…” Cuối thư không thể cầm lòng được, Nghiêm viết thẳng: “Điều kiện chiến trường rất gian khổ, vô cùng khó khăn, thư có khi 2, 3 năm không viết được, nên gia đình cha mẹ chớ trông thư con”.Viết thế nào được dưới 17 pass B52 đó? Viết thế nào được dưới AC 130 Spector bằng Ra-đaba quả 105 ly một?! Không viết thư được là chuyện bắt buộc. Không thể sống được là điều tất nhiên. Làm sao có thể sống được hở người Cộng Sản? Làm sao để sống và chiến thắng hở ông Võ Nguyên Giáp – “Thiên tài ngu muội” của lịch sử dân tộc. Lỗi lầm này mấy biển rửa cho tan. Oán hờn chồng chồng cao ngất.
Ở đây, mặt trận với tàn khốc ngập trời, hậu phương lớn ngoài Bắc thì được “bồi dưỡng” với hạnh phúc,“Tết này em sẽ mua về cho mạ 1, 5 cân đường, hợp tác xã ủy nhiệm cho gia đình người đi nghĩa vụ quân sự số lượng đường với tiêu chuẩn đó.Mạ có nói đem bột, trứng qua bên này, nhưng như vậy thì tốn quá… Em sẽ làm 50 cái bánh và một gói chè và mạ đã nhất trí…” Trời đất hỡi, còn tội nghiệp nào nữa hả trời, ba năm đi làm giải phóng được “hỗn hợp vui vẻ” bằng phần thưởng 1, 5 cân đường!!Anh “giải phóng” cho ai và để làm gì hở anh Nguyễn Văn Hưu (số quân, đơn vị 271003TB004)?! Anh giải phóng đồng bào miền Nam để “nhất trí tiến bộ xã hội” với 1, 5 cân đường sao anh?!
Trước An Lộc, không có một luận lý nào có thể tồn tại được, chỉ còn tiếng thở dài bi thiết để nén khối đau ra lồng ngực và chớp mi mắt mọng cay tưởng rơi giọt nước vô hình. Nhưng, khóc cũng không nổi.
Chiến trường lộ mặt,
An Lộc tàn khốc, nhưng đối với quân dân Miền Nam, sự tàn khốc này mang một nét bi tráng, hào hùng. Đây là khối lửa nung đốt và tôi chín người. An Lộc bi thương – Bi thương ấy thúc giục con người cố đạp đổ định mệnh, vượt khỏi định mệnh tàn ác để tồn tại, tồn tại trong tự do chỉ riêng một lần trong đời cảm thấy khi từ bỏ tài sản cuối đời băng mình đi dưới trời đại pháo. Chỉ vì muốn sống tự do người dân An Lộc mới bất chấp tất cả, mới vượt qua tất cả, đi trên cái chết, trong cái chết để thể hiện ý hướng trừu tượng mà suốt đời dài không một lần lý luận. An Lộc dũng cảm kiên cường đứng vững chắc trên điêu tàn, vĩ đại như ánh lửa soi đường cho cả dân tộc. để lịch sử mãi ghi nhớ, lòng người hằn in sâu. An Lộc, cây cổ thụ quê hương còn lại sau cơn Đại Hồng Thủy máu lửa. Người Miền Nam nhìn An Lộc như tấm gương soi rõ chân dung bình lặng cao cả của mình.
Và chiến trường này cũng có đủ mặt trái của nó. Đó là một chiến trường phi nhân, vô lý và tuyệt vọng. Chiến trường hư không. Chiến trường chết, mồ chôn ảo vọng và bạo ngược. Người cộng sản hứng hết mặt trái khốc liệt này.
Bỏ đi những sự kiện chiến thuật như Bắc quân đã có đủ ưu thế chiến trường, gần hậu cần, hành lang chuyển quân rộng rãi, dễ di chuyển, ngụy trang tốt, tiếp vận, tiếp liệu đầy đủ và nhất là được yểm trợ bởi một hỏa lực khủng khiếp, một hỏa lực vượt hẳn mọi hỏa lực bộ binh dã sử dụng của quân sử thế giới. So với Mậu Thân, Hạ Lào, chiến trường Trị-Thiên, Kontum… An Lộc vượt quá xa về hỏa lực. Không có một trận địa pháo nào dồn dập và nặng nề như trên chiến trường nhỏ bé An Lộc. Sẽ không bao giờ có nữa, chắc chắn như thế. Nhưng dù đã có được hết ưu thế chiến thuật, ba công trường 5, 7, 9, được tăng cường hai trung đoàn chiến xa 202 và 203, cộng quân vẫn không “dứt điểm” An Lộc. Mặc dù cho đến hôm nay khi viết những chữ này (20-6-72), địch vẫn còn hoạt động mạnh tại Tầu Ô, Đức Vinh và An Lộc còn nằm trong vùng hỏa tập tiên liệu của hai hướng pháo Tây-Bắc, Đông-Nam. Nhưng mục tiêu chiến thuật (nhấn mạnh nghĩa chiến thuật) của chiến dịch đã bị gãy đổ. Hoàn toàn gẫy đổ.
Nhưng, mặt trái chiến trường cũng không phải ở lần thất bại quân sự này. Mặt trái chính là lần tan vỡ “huyền thoại không tưởng” về bộ binh Bắc Việt. Bởi nơi đây đã minh chứng, không hề trên mặt trận lại có một loại lính năng lực tác chiến xuống thấp đến thế. Khả năng tác chiến kém có thể do vì thiếu huấn luyện, thực tập, chưa đủ kinh nghiệm trận địa… Nhưng ở đây, yếu tố chính để kết nên căn bản cho toàn bộ yếu kém này là tinh thần Bắc quân: Khối hư không thất vọng và chán nản cao độ. Ở mặt trận Trị-Thiên, binh sĩ Bắc Việt khi vượt sông Bến Hải tràn xuống Đông Hà, Quảng Trị dù sao vẫn còn mang được tâm lý Đánh trên quê hương, nơi đất nhà, vùng thổ ngơi còn dính líu với Miền Bắc. Họ lại được thúc đẩy thêm “ý niệm đi giải phóng, chiếm đóng” cộng sự hận thù đối với dân chúng Miền Nam, nhất là dân cư ở các thị trấn, thành phố. Tâm lý này còn nguyên cường độ nên khi vào Quảng Trị, toán lính Bắc quân vẫn giữ được tính chất cực đoan, cường bạo để thúc dục tinh thần và nâng cao khả năng tác chiến – Khả năng giết dân và quân dân Miền Nam.Ở chiến trường Kontum, tuy trải qua một chặng đường dài di chuyển, lại chiến đấu trong hoàn cảnh khó khăn, tinh thần Bắc quân vẫn chưa hẳn hoàn toàn tan vỡ vì các trận đánh ở dãy cao độ Delta, Charlie, Hotel phía tây Quốc Lộ 14, ở đèo Chu Pao không có sự hiện diện của dân. Đánh trong rừng, người lính khai triển tối đa khả năng chém giết, không bị ghê tay bởi những cảm giác ân hận, lỡ lầm. Nhưng ở An Lộc thì khác hẳn, Bắc quân từ mật khu bôn tập về mục tiêu màdân nhiều hơn lính- Dân dáo dác, sợ hãi, trốn lánh và chết thảm… Lòng người nào trong cuối đáy không thoáng ân hận khi chính tay mình hạ sát kẻ tay không?! Thêm vào đấy, các công trường 5, 7, 9 chỉ là chỉ danh của các sư đoàn “mặt trận” có cán bộ và lính người Nam xen kẽ cùng những người từ phương Bắc đến. So sánh đã xẩy ra, chuyện trò sẽ tỏ rõ, lính Bắc nhận được chân dung đích thực của mình, biết rõ hành động phi lý khi rời bỏ quê hương từ một chốn mịt mùng để dấn thân vào cuộc chiến tuyệt vọng.Tuổi 15, 16, 17 rất dễ bị kích thích nhưng cũng mau mắn ngã lòng – Số tuổi trung trực, nhạy cảm và thơ ngây. Lính Bắc ở mặt trận này bị phá vỡ toàn diện hệ thống tinh thần vì chiến trường lộ mặt: Hàng ngày dân chúng vượt qua “bãi pháo” qua Xa Trạch, Tầu Ô… vượt nỗi chết để chạy về phía lính Cộng Hoà… Tất cả thực tế nầy như cánh tay nghiêng ly nước lã đầy. Lính Bắc vỡ mặt, thấy mình kẹt trong chiến trường phi nghĩa, vô nhân đạo. Nhưng quả muộn màn vì cổ đã bị xiềng vào đồng đội… Giờ báo tử cho bộ binh Bắc Việt đã điểm.
Thư của người tình hư vô,
Di chuyển trong 6 tháng với cơm khô muối hột, dự trận chiến vô vọng, lại có thêm hoàn cảnh để so sánh. Người dân miền Nam và miền Bắc. Có thư viết về Bắc thú nhận: “Vấn đề bồi dưỡng tại chiến trường lúc này đã tiến bộ, không còn thiếu thốn như ở thời gian di chuyển (từ Bắc vào) nữa.”Được ăn ngon, thấy rõ dân tình, trạnh nhớ đến gia đình nơi xa thiếu thốn, đường về không còn lối, lòng người lính Bắc trẻ tuổi trùng hẳn xuống đến độ thấp nhất, trong cơn ngất ngư lại được “bồi dưỡng” thêm bởi những giòng thư thương nhớ, cái nhớ trùng điệp như Trường Sơn, mịt mù như rừng thẳm, nhớ tha thiết, nhớ giỏ máu, cắt da… Nhớ và cảm thấy được hết nỗi tuyệt vọng của cuộc tình chia cách. Sức mạnh nào để cầm cây súng, trái tim nào còn đập theo nhịp căm hờn. Người lính Bắc hay gã lính xâm lược ngụy danh cay đắng trong chiến trường lộ mặt, “Áp lá thư em vào ngực anh đọc đã mấy chục lần…”.Người tình hư không đã viết vào nhật ký để trả lời cho bức thư tha thiết.Thư của Người – gởi – Người.Người yêu dấu không bao giờ gặp lại. Những bức thư có những nội dung như sau:
Anh Hưu thương:
Thế nào, hai Chủ nhật trôi qua có nhớ lắm không?Có thể nói từ khi anh và em cùng nhau bắttayxây dựng vợ chồng thì hai Chủ nhật này là hai Chủ nhật khó khăn và nặng nề vượt qua lắm anh hè. Em biết lắm rồi, trong những giờ phút đó anh muốn thét lên thật to để làm sao ôm lại những lời nói của anh, rồi cùng anh nói chuyện, em cũng biết lắm những bước chân đi trong những giờ phút đó nó như một con người không có tri giác mà những bước 9di đó không hề biết đến, không hề nhớ đến, đầu óc sẽ triền miên suy nghĩ, những cái gọi là kỷ niệm ở đời sẽ hiện ra và bắt đầu như diễn kịch trước mắt.Thật đúng tâm trạng của anh lúc đó em sẽ đoán được, vì sao em lại biết tài như thế?Vì em đã nằm giữa trái tim anh, dòng máu của anh đã cùng chảy theo nhịp thở của em, cho nên dù sao, dù ở phương trời nào em đều đoán được.
Thế nào rồi đó, chân sưng to không bằng cái “cột đình” chưa?Vai đã lột những lớp da bên ngoài gọi là “hồng hào” chưa?Có đau lắm không anh?Có hỏi họ để tìm lá dầu ngoại khoa mà bóp chưa, nhức lắm anh hè.Anh Hưu ơi, em biết đi đường vất vả lắm rồi đó, ăn uống khô khan như vậy có mua gì cải thiện đến không?Trân đường đi có xẩy ra đau ốm gì không?Nghĩ đến đó em tê buốt cả người, càng thêm nhớ nhung suy nghĩ, có sinh racái mụt nào để làm thêm đau đớn bản thân không?Vì mùa này là mùa mụt của “đồng chí” đấy phải không Thủ trưởng.Hai chữ Thủ trưởng nói cho vui vậy thôi, chứ không phải em mơ ước như vậy đâu nhé.Thật ra tâm trạng của em chỉ mơ ước rằng sao cho ba năm nghĩa vụ xong anh được an toàn cùng về với em, em muốn nhắm mắt làm sao thời gian sẽ trôi nhanh đi và nhanh đi nữa để anh và em được về sống trong một ngôi nhà nhỏ hẹp, để cùng nahu vượt qua khó khăn, cùng nhau hưởng những hạnh phúc đẹp đẽ.Những hạnh phúc đẹp đẽ, những cái đó em nuôi một mơ ước, một mộng đẹp, chứa đựng nó trong một khối óc, trái tim đầy tìnhchung thủy của tình nghĩa vợ chồng đã nhen nhúm từ lúc đầu.anh ơi, xa anh đi, em nhớ lắm, em thương anh lắm, anh nói, anh cười, anh trìu mến thương, em làm sao quên được.Có ai hiểu thấu tâm trạng của em trong những lúc nhìn vật của anh, từ nét chữ anh viết cho em, rồi đến cái nhìn nữa… Chao ơi em muốn bấu lấy mà nhìn, nhìn mãi, nhìn vui nào cho chán được.Anh Hưu ạ, nói mãi cũng không hết nhớ nhung của em lúc này đối với anh, thôi em nói chuyện khác anh nhé…
Trên đây là hai trang đầu tiên của chị Nguyễn Thị Hàng, giáo viên ở Nghệ An viết gởi anh Lê Văn Hưu địa chỉ là: 271003 TB 04, thuộc cánh quân của trung Đoàn 124 phối hợp với Đại Đội1/117 Trung Đoàn 203 Thiết Giáp, không biết rõ anh ở đơn vị nào… Thư viết bốn trang, tôi ghi lại hai trang đầu không sửa một nét, không thêm một dấu… Đầu năng và tay run khi viết lại những hàng chữ trên, người yêu Lê Văn Hưu của Nguyễn Thị Hàng đã chết, chết ngay tại trận đầu tiên sau sáu tháng vượt Trường Sơn vào Nam giải phóng.Người yêu đấu đó đã chết, làm gì còn “ba năm nghĩa vụ quân sự chấm dứt để anh về với em” hở chị Hàng? Tình yêu, nỗi lo lắng của chị chỉ còn vang động trên hư không, người yêu dấu rất thương của chị không phải chỉ bị nổi mụt, sưng chân, trầy vai, cảm sốt.Anh Hưu đã bị chết bởi đạn, bởi bom, chết hai lần, ba lượt, chết cháy, chết tan hoang, tiêu tán và tàn khốc.Không phải lỗi của chúng tôi chị Hàng ạ, chúng tôi phải tự vệ để sống còn, cũng không phải của anh Hưu, anh ấy cũng muốn ở lại bên chị để được “cười rúc rích với nhau dưới lớp tơi lá,” để được ăn ngô vì “vườn ngô trước nhà đã được mùa,” để được ăn cá và bánh do chị và mạ làm… Anh Hưu không muốn qua đèo Mụ Già, không muốn qua Tchepone, Lao Bảo, anh muốn ở cùng chị để tay nắm tay và “máu cùng chảy với nhau..”Tội này là tội của chúng nó – Lũ đồ tể tay không dính máu, hồn cứng ngắt bởi quyền thế và danh vọng.Lũ chúng nó say thứ nặng nhất trong tất cả mọi nỗi đam mê – Chúng nó say danh, say tiếng – Trời hỡi, chút tiếng tăm vang động trên năm châu, trên trăm ngàn tờ báo của mọi nơi đã làm con người biến dạng thành quỷ quá dễ dàng thế sao?Lũ ngạ quỷ trầm luân mang danh người và chiêu bài cách mạng giải phóng.Chính chúng nó, thứ thiên tài chết ngập đầy oan khiên… Chị Hàng thân mến, tôi người miền Nam không biết được chị, nhưng tôi cũng có một người yêu, một người vợ lo lắng đón chờ mỗi lần tôi bước ra đi… Tôi đi ngắn, chỉ qua vài trăm cây số và về lại trong bình yên, anh Hưu đi đường xa vạn dặm, chuyến đi vào mịt mùng, vào tan vỡ… Anh Hưu không thể trở về, không bao giờ trở về được… Gởi lời chào đau đớn đến chị, người đàn bà chờ đợi người chồng bộ đội không hề trở về – chị Nguyễn Thị Hàng, ở ngoài Bắc, một vùng đất khổ quê hương tôi.
(còn tiếp)