CÁC NHÀ VĂN TRẺ, HỌ ĐANG LÀM GÌ? (3)
NHÀ VĂN ĐINH PHƯƠNG
Chúng tôi xin đăng ở đây các bài được đề cử, hay được chúng tôi chọn, hay những bài được chọn bởi các tờ báo hoặc đoạt các giải thưởng “chính thống” hay “phi chính thống”, trong nước hay ngoài nước. Vì điều kiện hiện nay việc liên lạc rất khó khăn, nên nhiều khi không thể xin phép tác giả hay nhà xuất bản. Chúng tôi xin lỗi nếu có vấn đề bản quyền xảy ra, và trong trường hợp ấy, xin bạn vui lòng cho biết, bài sẽ lập tức được lấy xuống. Việc quyết định đăng hay không đăng một bài nào là trách nhiệm riêng của người biên soạn.
Tùy trường hợp có thể có bình luận hay ghi chú khi cần thiết
Thân kính,
TN
NHÀ VĂN ĐINH PHƯƠNG: KHÓI NGƯNG LƯNG TRỜI
Đinh Phương nhận giải thưởng Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam 2022 với tiểu thuyết “Nắng Thổ Tang”.
Ngày về – Nham mặc áo khoác xanh lá. Trời đang nắng hanh đột nhiên kéo mây ì ầm chuyển mưa. Phía núi Châu Phù tối sầm. Mình giục Nham đi nhanh không ướt hết. Nham bần thần không đi, đứng nhìn quãng đường quốc lộ tạt ngang thị trấn thoi thóp mệt mỏi vì bụi than quện quẩn.
Thị trấn của những cơn ho triền miên, của những người suy hô hấp, đa số chết vì bệnh phổi khi vừa chớm năm mươi. Nham tiếc gì không đi luôn, biến mất vô tăm tích, về làm gì, luyến tiếc gì. Nhớ ngày Nham đi mình cũng là người đi tiễn. Duy chỉ mình, anh Minh, người yêu Nham còn bận với tuần trăng mật ở vùng nắng nóng nào đó phía Nam, gần biển. Anh Minh bỏ Nham không báo trước. Thiếp cưới gửi đến mình và Nham cùng ngày, lúc hai đứa đang ngồi mót than trong khu đổ xít thải công ti. Anh Minh đeo kính trắng, mặc áo sơ mi tím, quần âu đen sơ vin, tóc bóng lộn vuốt ngược ra sau. “Hai đứa nhớ đến chung vui… với vợ chồng anh”. Ở chữ vui anh nghỉ nhịp ngắn. Mắt Nham hầm hập, mặt trời tháng sáu rơi xuống thành hai hòn lửa đậu trên lần vải che mặt ố mồ hôi. Mình cắn chặt môi, cầm hòn đá đứng phắt lên chờ, nếu Nham khóc sẽ lao vào. Nhưng Nham không khóc, hai tờ thiếp bóp chặt trong tay, giọng ráo hoảnh: “Bọn em sẽ đến”. Cho đến lúc anh Minh đi khuất mình vẫn không hiểu vì sao Nham không khóc. Nham có thể khóc, có quyền khóc và lúc ấy – vì Nham mình có quyền lao vào, nếu thế khu đổ thải sẽ trộn lẫn mấy màu: đỏ máu, vàng nắng, đen của than sót và lửa mắt Nham…
Nham đi khỏi thị trấn mấy năm rồi, là ba hay bảy năm. Ba hay bảy cho những đường bay mệt mỏi của ơ hờ bụi vẩn. Ba hay bảy năm, mình đã kịp bỏ vài ba công việc: đổ cá chợ chiều, mở hàng thuê truyện, phụ xe, bảo vệ nhà máy bia… Công việc lâu nhất trong số ấy là phụ xe, tuyến cố định chạy từ thị trấn lên Hà Nội rồi ngược về. Trong những chuyến xe mình đăm đăm nhìn hai bên, hi vọng bắt được ánh mắt Nham. Ánh mắt buồn bã của tuổi trẻ rơi lặng thinh nơi thị trấn. Ánh mắt xéo xắt cắt ngang qua các tầng bàng đỏ ối vào chập tháng Chạp, cận Tết. Nham bảo yêu những tầng lá đỏ xỉn như tiết đông ấy. Mình làm phụ xe từ tháng một đến tháng mười hai thì nghỉ, vì sợ Nham về thị trấn không gặp lại đi. Người trong thị trấn bỏ đi nhiều lắm, chẳng theo quy luật nào: người âm thầm dọn đi giữa đêm, không lời từ biệt hàng xóm láng giềng; người chẳng chuẩn bị, cứ khóa cửa như đi dạo rồi đi mãi; người sáng sớm gọi hàng xóm sang cho hết đồ đạc, sụt sùi vấn theo khói hương tìm về quê hương bản quán. Thời gian đuổi theo những kiếp người mốc meo, cũ kĩ, ủ dột. Người đi, người ở lại chẳng buồn chẳng vui. Nhà bán sang tay rẻ mạt, hoặc thảng có người thừa kế nơi khác về. Lại chúi đầu vào những hầm lò hun hút như miệng con quái vật lần xuống địa ngục đào khoét. Bà mẹ lòng đất rên xiết đau đớn khi lũ người tuổi trẻ cứ đều đặn khoan mãi vào rốn; để bù nỗi ấm ức năm bà lấy đi vài đến vài chục mái đầu xanh, bỏ lại những vành khăn trắng tang tóc. Nhà có người chết lại dọn đi, đi đâu: Bắc Giang, Hải Dương, Nam Định, Bắc Kạn, Hưng Yên… Hàng xóm ba hôm đầu còn nhớ, ba hôm sau hỏi nhớ nhớ quên quên, thêm ba hôm nữa hỏi chẳng biết ai vào ai.
Nghe bảo xưa thị trấn là trạm dừng nghỉ đổi ngựa đi tiếp về mạn Yên Tử, Vân Đồn, xuôi nữa biên cương xa ngái giáp với nước Tàu. Phải thế chăng người thị trấn không có người gốc. Ở được đến đời thứ ba đã nhiều. Mình và Nham mới đời thứ hai. Bố mẹ ở Thanh Hóa ra, nhưng mình chưa bao giờ được về quê, hỏi quá, bố mẹ gắt gỏng bảo “chết cả rồi về làm đéo gì”; mình nghi ngờ về những cái chết của ông bà, cô dì chú bác cậu mợ theo lời bố mẹ, song chẳng cách nào kiểm chứng; quê nội quê ngoại vì thế với mình là khoảng vàng cháy rôm rốp vỡ mỗi dịp hè khi bọn bạn được về quê chơi, khoảng đỏ thèm thuồng của phong bao lì xì Tết. Nham khác mình, có quê đàng hoàng ở Thanh Liệt – Thanh Trì, nhưng cũng chẳng thấy Nham về quê. Hỏi, Nham bảo ở quê ông bà nội ngoại mất cả, nhà cửa đất đai ruộng vườn bán chia hết, bố mẹ Nham có một khoản vốn lần hồi ra đây. Nham còn nói thêm lần về gần nhất cả nhà ra nghĩa địa làng tìm mộ ông bà nội không thấy, cỏ lác ngập người, xương xẩu vương vãi chẳng rõ của người hay vật, lớ ngớ sa xuống hố đã cải táng như chơi, mà nghe đâu huyện có dự án giải tỏa mồ mả lấy đất làm khu công nghiệp, tính mộ trả tiền – nhà Nham nội ngoại hai họ mấy đời cũng hơn trăm người dấp thây bồi nhau dưới mấy tầng đất, tính sơ sơ mộ còn mộ mất chia ra người sống cũng được khoản khá. Mình định hỏi thêm sau này bố mẹ Nham chết chôn đâu song kìm được. Không hỏi mà Nham đọc được ý nghĩ trong đầu, bảo cả nhà sẽ ở lại thị trấn, sống đâu chôn đấy, nắm xương vùi đâu chẳng được, chết biết gì, có chăng sống đây…
“Thế những năm xa thị trấn Nham sống đâu?”
Mình hỏi, Nham không nghe, vẫn đắm vào những chiếc xe tải ọc ạch quăng mình vào cuộc rượt đuổi cây số trên con đường nham nhở. Năm, mười, mười lăm, hai mươi… Mình chẳng còn bé nữa để chơi trò trốn tìm. Nham cũng chẳng đủ khờ dại nhắm mắt cút bắt tình yêu. Ngày anh Minh cưới mình đạp xe qua đèo Nham đi. Nỗi buồn của Nham thấm sang, đồng thời niềm vui len lén cuộn lên. Nham từ ngày hôm nay chẳng thuộc về ai nữa. Mình sẽ nói… ừ… mình sẽ nói… Chiếc áo hôm Nham mặc dự đám cưới là chiếc áo cánh xanh da trời. Mình chưa thấy Nham mặc chiếc áo ấy lần nào. Còn mình mặc sơ mi kẻ sọc vàng trắng, giày đen mượn bố, rộng hơn hai số phải lót thêm giấy vì không thể đi ba ta đến đám cưới. Nham không nhìn cô dâu, chú rể, mặt Nham tái dại, môi đỏ nhoẹt. Nham nhìn khoảng trống giữa hòm đựng phong bì hình trái tim hồng và ảnh cưới. Khoảng trống ấy là bức tường tróc lở vôi vữa, nhìn rõ gạch bên trong, người trang trí vội vã dán chưa hết. Mình định hỏi thêm Nham về buổi trưa nắng nổi tăm lăn tăn trong thị trấn giữa thu bao năm trước ấy nhưng Nham không thích. Mắt Nham trĩu nặng, quánh đặc nỗi buồn gom góp lại từ nhiều vùng đất khác.
Bao năm qua Nham làm gì? Với ai?
*
Bao năm qua mình muốn quên chính mình là người ngồi canh cho anh Minh và Nham hẹn hò trong căn nhà đổ ven thị trấn. Mình ngồi dưới cây trứng cá ngoài hiên đốt lửa vờ ngủ, ai đến gần ho báo hiệu. Hết cuộc hẹn, đôi tình nhân âu yếm chia tay mình lại lai Nham về. Tóc, quần áo Nham lẫn mùi ngai ngái nồng nồng của người khác. Nỗi tức giận lẩn quẩn khiến mình không nhìn đường cứ nhè ổ gà nghiến. Nham ngồi sau kêu “ối”, hỏi sao đấy. Ừ, chẳng sao, chính mình chủ động nhận vai hề không xưng danh trong vở rối cạn này; vì nhà mình thân nhà Nham, mình thân Nham, bố mẹ hai bên đã tính đến đám cưới gọn gàng chục mâm, gian nhà cất cho hai đứa ra riêng.
Mình chẳng bao giờ dám nói hết điều mình nghĩ với Nham. Âm thầm gặm mòn nỗi đơn phương trong hành trình lụi tàn của lửa, lá lẩu, cỏ cây vun lên. Có đêm nghe tiếng rên rỉ đứt quãng khoái lạc, mình khều to lửa, đốt tất cả những thứ có thể đốt, hừng hực, nóng ran. Lửa ngún vào trăng đỏ khọt. Lửa ngấm vào mình đỏ bầm. Trời cao xô gió lạnh xới tung lửa lên. Đốt, đốt hết đi. Hóa, hóa hết đi. Lửa hóa mình – mình hóa lửa. Nham đi ra tóc rối bù, quần áo xộc xệch nhìn mình ngỡ ngàng như kẻ điên. Anh Minh ra sau chẳng nói chẳng rằng xốc quần lẩn mất. Anh ta chỉ cần mở miệng nói mình sẽ đốt luôn anh ta. Máu đỏ trộn lửa vàng giữa đêm đen chắc đẹp lắm. May thay anh ta im lặng, biết sợ mình lúc này, dù lúc khác hẳn khinh. Với hai bằng đại học, bố làm cốp to dưới tỉnh, cộng thêm công việc ở phòng tổ chức công ti anh ta có thể khinh bất cứ ai trong thị trấn, nhất là mình, một thằng nhãi con nhà công nhân không có tiền học đại học – cao đẳng, sống bằng việc mót than sót trong bãi xít thải. Chỉ cần anh ta tỉ tê mấy thằng bảo vệ đầu bò đầu bướu sẽ đánh dập đầu nếu mình vào bãi. Mình sợ anh ta: đúng; mình hèn: đúng; mình yêu Nham: đúng; mình thua anh ta về nguồn gốc xuất thân: đúng; con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa, bao giờ…; làm gì có bao giờ, can qua nào cho ngọn cỏ gà dãi vàng ệch như mình. Khói vương cay mắt, nước mắt chảy xèo xèo xuống lửa. Mình xộc tay vào lửa, cái đau từ tay liếm lên ngực, đầu, mùi khét ộc lên. Cái đau hiển hiện che đi nỗi đau thẳm sâu khác; dưới các hầm lò sập người ta chỉ mong một chút khí trời; và dù có một chút khí trời người ta vẫn chết; mình đang chết dần, chết trong niềm tin về sự thương hại của cái có thể xảy đến.
“Chặt mẹ cây trứng cá đi”
Mình hét lên. Nham dửng dưng ngồi xuống cạnh đống lửa, rút từ trong túi quần ra chiếc lược nhỏ màu cánh gián ung dung chải tóc. Tóc Nham dài ngang lưng, đen láy. Mình rút tay khỏi đống lửa, phồng rộp. Cây trứng cá chao đảo đưa xuống vài chiếc lá rụng. Lửa phừng cháy nốt gỗ gạc củi rác đưa vào. Thở dài, mình ngồi xuống cạnh Nham, tay tì đầu gối thõng ra trước. Lửa hắt rát mặt. Nham vẫn mải miết chải những lọn tóc rối, đêm tuồng không chuyển động, thời gian ngưng đọng trong thị trấn. Cho đến khi lửa tắt lịm mình và Nham vẫn ngồi thế. Đống tro đọng sương, đầu hai đứa đọng sương, căn nhà đổ phía sau loang lổ đen đen vàng vàng như vết thương đang dần kéo da non. Nham chải tóc cả đêm, tóc rụng thành vốc dưới chân. Mình định nhặt lên thì Nham ra dấu ngăn lại. Lược vất toẹt vào giữa đống tro.
“Về thôi Nham lạnh”
Lần đầu tiên từ bé chơi với nhau Nham lai mình. Ngồi sau tóc va vất vào mắt mũi tủi thân. Hai tay phồng rộp muốn đưa lên ôm eo ngường ngượng, phải cố chịn người vào gacbaga mới không văng xuống đường.
Nham có giận không khi mình quay lại cây trứng cá vào hôm sau, bới tro tìm chiếc lược xong chẳng thấy đâu, tóc cũng thế. Có chút tóc mình sẽ thi thoảng đốt lên lúc Nham xa thị trấn để gọi Nham về. Mẹ vẫn bảo người ta xa nhau, lúc thực nhớ nếu có chút tóc, móng tay của đối phương vừa đốt vừa gọi tên, người được gọi sẽ sốt ruột, lòng dạ nóng như có lửa đứng ngồi không yên. Tiếc thay mình chẳng có gì của Nham để đốt. Giá đêm ấy chẳng nghe Nham, cứ lén giữ lại vốc tóc biết đâu sau này được việc.
Mà thôi, nói chuyện khác đi, lần này Nham về thị trấn lâu không?
Nham vẫn không nghe mình hỏi, mưa bắt đầu quất lộp bộp xuống đầu hai đứa. Vừa có đàn trâu hơn chục con lùa nhanh qua đường, người chăn trâu chắc Nham phải nhớ: lão Bả hấp. Lão cưỡi con trâu đực cụt sừng ngất ngưởng đi cuối. Đàn trâu qua đường hết đứng thở phì phò, gõ móng lộc cộc, vài con tha thẩn gặm thêm cỏ mà lão từ bên kia vẫn chưa qua đến nơi. Bị cói trên vai lắc lư, trong ấy chứa ốc ma, mấy con ngóe, ít cào cào, dế lão kiếm được ở khu đất hoang. Có hôm cả miếng mông lợn chết dịch nổi đầy hạch trắng vừa chôn. Đống chén to nhỏ nhiều cỡ, và rượu… Lão Bả uống rượu lạ nhất trong những người đàn ông nơi thị trấn, chỉ uống một mình hoặc với trẻ con; sau này biết thêm lão còn uống với người chết nữa; đêm trăng, lão tha thẩn ra mấy ngôi mộ đạo của người Pháp gần khu đổ thải hoặc đám mộ người chết do tai nạn gần quốc lộ ngồi cù cưa chén một; trong vài lần lai Nham đến chỗ hẹn với anh Minh, bức bối không chịu được đạp xe quẩn quanh thị trấn gặp. “Uống đi”, lão rót rượu vào chén hạt mít đổ xuống đất, sương giăng lạnh, lão rót chén sau cho mình, cụm từ “uống đi” lặp đi lặp lại đến hết chai, lão quay ngoắt lại nhìn, cuống cuồng mình đạp xe đi, không kể với ai chuyện thấy lão ngồi uống rượu với hồn người chết, kể cả Nham, sợ lão em ém trả thù.
Khi đi ngang mắt lão sáng tóe lên. Lão nhìn ngang lướt qua mình rồi xoáy chằm chằm vào Nham. Mặt Nham trắng bợt nép sát lại bên. Mình giơ nắm đấm, gằn giọng, “mẹ lão… cút nhanh”, lão Bả cười ha hả vỗ mạnh vào mông trâu ra hiệu. Con trâu một sừng lại è ạch trong hành trình di chuyển mệt mỏi của kiếp trâu trong thị trấn. Cái sừng còn lại nghiêng nghiêng chĩa về phía núi Châu Phù, sừng bên kia nham nhở như thân cây bị gió đột ngột vặn xoáy. Con trâu đực gẫy sừng trong một lần qua đường, khi xe tải chở than chờm đến nó quay ngoắt sừng ra đỡ, bay đi quãng xa, tưởng chết không chết, nằm ven quốc lộ gần hai ngày, lão Bả mang rượu ra uống, đổ rượu vào vào mồm trâu, hết chai này đến chai khác; người trong thị trấn giễu lão ướp rượu để thịt mổ ra thơm hơn; song như có phép màu chiều ngày thứ hai con trâu thở phò phò lần hồi run rẩy dậy được, lão về thái lá riềng trộn B1 mang đến, ăn hết bọc lá nhúc nhắc đi, duy cái sừng gẫy không nối lại được, trâu còn một sừng, từ ấy lão Bả chỉ cưỡi nó.
Một người, một trâu ngất ngưởng trôi trong ngày Nham về thị trấn. Cho đến khi lão đi xa rồi mình vẫn nghe thấy những câu văn tế không đầu không cuối, giọng rè, khê của người rượu nhiều vọng lại. Mình ngờ những câu văn tế ấy cô hồn của hôm trước, tháng trước, năm trước nữa, gió bắt về đợi dịp thả ra: “Mặt hoa mày liễu… tốt tươi/ Hình dung yểu điệu, miệng cười như hoa/ Hồn tiên kim ốc vào ra/ Hoa tàn, nguyệt khuyết, phút là thấy đâu/ Mặt hoa… a à a… a a…”.
*
Lão Bả hấp ở cạnh nhà Nham. Lúc bé, vì chơi với Nham mình cũng hay lân la sang nhà lão. Nhà lão: căn nhà đắp đất duy nhất còn lại trong thị trấn, nghe bảo xưa là nhà của một gia đình người Hoa, năm bảy chín họ về nước, lão dọn vào ở khi nào chẳng ai nhớ. Trước đấy, lão sống trên đỉnh Châu Phù với người đàn bà trẻ: tên Nguyệt. Người đàn bà ấy thường một mình xuống chợ phiên họp vào các ngày mồng một, mồng sáu, mười một, mười sáu, hai mốt, hai sáu hàng tháng. Mỗi lần xuống thường bán đôi gánh củi, ít nấm hương, mộc nhĩ, củ mài, củ nâu đỏ nhuộm quần áo, thi thoảng có thêm ba kích tím, hà thủ ô. Giá tiền lấy que ghi ngay trên đất, chẳng nói chẳng rằng, khách mặc cả cũng chỉ gật, lắc. Bán xong lấy tiền mua gạo, mắm muối, kim chỉ. Chẳng khi nào thấy người đàn bà bỏ ra vài nghìn sà xuống hàng phở bò, gà hầm, trứng vịt lộn hay cháo bột. Cứ bán hết hàng, mua đủ đồ cần là về dù sớm hay muộn. Cũng ít thấy người đàn bà sắm sửa quần áo, giầy dép. Chỉ có một lần, trước khi lìa bỏ lão Bả và thị trấn, người đàn bà mua cho mình bộ quần áo lụa màu tím, đôi dép nhựa xanh dương đính hoa đỏ, chiếc gương con, lược nhựa, kẹp tóc hình con bướm. Lần ấy cũng là lần người đàn bà nhoẻn miệng cười với hết thẩy người qua lại, ánh mắt nhìn lên tươi vui chứ không ủ rũ buồn bã nhìn xuống. Bà ta theo anh xáo gạo, quê đâu tận Phù Cừ – Hưng Yên. Người thị trấn biết rõ chuyện nhất chắc chỉ còn lão Bả, và Nham. Nham lúc bé hay sang chơi, say rượu, chuyện gì lão cũng kể.
Mình nghe đồn lần bán hàng cuối cùng người đàn bà bán một con rùa núi vàng, đực, to bằng nửa cái thúng. Chỉ một con, ai hỏi con cái đâu đều lắc đầu. Người đàn bà ấy có câm thật không? Sau khi đi khỏi thị trấn có quay lại lần nào. Cuộc sống hiện tại với người xáo gạo ra sao, còn phần con cái, bao năm sống với lão Bả có đẻ được mống nào.
Nham lắc đầu, không nhìn theo bóng đàn trâu di chuyển sâu vào lòng thị trấn nữa, ngẩng mặt, đưa tay hứng những giọt mưa đang nối nhau quất xuống xuống. Mưa tháng Chạp hiếm lắm, vậy mà ngày Nham về thị trấn lại mưa. Người run từng chập vì lạnh, muốn ôm, nhưng màu xanh áo khoác của Nham đẩy bật mình ra. Đỉnh Đông Phù nhòe lẫn vào mây, nước. Ngày đi đám cưới anh Minh về cũng gặp mưa, vội vã nhào vào hiên nhà bên đường trú. Mưa nổi bóng trên đường, đọng thành vũng, dai dẳng khôn nguôi. Nham ước giá mưa mãi thành trận đại hồng thủy cuốn trôi tất cả người ngợm nhà cửa trong thị trấn đi. Mình bảo Nham ác thế… còn anh Minh. “Tiếc gì giống bội bạc”. Mình nhìn sang xem có phải Nham vừa nói không thì Nham đã đánh mặt hướng khác. Mình biết Nham còn tiếc lắm, nếu lấy được anh Minh – Nham sẽ đàng hoàng rời bỏ thị trấn lỡ cỡ bị bóp nghẹt bởi bụi vẩn này, anh Minh từng nói về đây một thời gian rồi chuyển đi nơi khác, và sau lấy vợ: con giám đốc công ti cũng là lấy bệ phóng giúp bay cao, xa hơn. Nham chẳng có gì ngoài thân xác đánh đổi. Cơn mưa năm xưa và cơn mưa hiện tại nhập nhằng quấn quýt dai dẳng, chẳng phân biệt được cơn mưa nào với cơn mưa nào, cũng là màu áo xanh Nham mặc trên người; cũng là những hình bóng quá khứ lẩn khuất chen vào suy nghĩ hai đứa…
*
Mưa mãi rồi cũng tạnh, đèn loen hoen đổ loang xuống màng nước sót lại trên đường, mình Nham đứng cạnh nhau – chỉ vài bước như xa hai thế giới. Xe tải chở than loe hoe, uể oải xi nhan rẽ về phía công ti. Tiếng chó sủa váng lên từng chặp rất gần. “Về không tối, Nham”. Giờ này ở nhà bố mẹ chắc đã cơm xong, đang ngồi uống nước chè xem thời sự. Từ ngày Nham bỏ thị trấn mình ít ngồi ăn chung với bố mẹ. Thường vừa dứt câu, “bố mẹ ăn cơm”, là lại nhắc đến vợ con, cháu bồng cháu bế, lôi ví dụ con Hà, cái Hải, thằng Đông, thằng Sơn, thằng Vinh… cùng xóm ra, “bố mẹ chúng nó lên ông bà nội ngoại hết rồi”, mẹ nói xong mắt ngân ngấn nước, bố cầm chén hoa hồng rượu cáu cạnh tợp một tợp trơ đáy; đồ ăn nguội ngắt, mình đứng dậy, mắt mẹ vẫn ngân ngấn, chai rượu trắng vơi đi một nửa. Mình không biết nói gì với bố mẹ, cứ len lén tránh, bố mẹ trên nhà thì lảng xuống bếp, loanh quanh ngoài sân hay vọt ra đường chơi với trẻ con; bố mẹ dưới bếp thì lên nhà mở ti vi, bấm quẩn vài ba kênh; tối, cơm xong, khoảng thời gian khó tránh nhất thì mình ra hiên ngồi hút thuốc lào ngắm giời; giời thị trấn buồn hơn nơi khác; kí ức thị trấn cũng lưu giữ lâu hơn nơi khác; bí mật nuôi mãi thành kí ức; mình nuôi bí mật ngoài Nham anh Minh còn hẹn họ với vài người khác: người bán hàng tạp hóa cạnh công viên, công nhân tổ nạp đèn ắc quy, công nhân tổ băng chuyền…; mình theo dõi anh Minh những ngày không hẹn Nham, anh luôn bận rộn với các cuộc hẹn, lúc nào cũng bóng lộn, bảnh bao, thơm nức nước hoa; điểm đến cuối cùng của các cuộc hẹn bao giờ cũng là căn nhà đổ ven thị trấn; có lần mình quành ra hông nhà nhìn vào, tiếng thở gấp, rên xiết, loạt xoạt quần áo, hình bóng nhập nhoạng nhấp nhô chuyển động, đêm quàng tay len ngấm ngầm đồng lõa; đầu óc cố nhắc người phụ nữ kia không phải Nham mà không được, vết bỏng hai tay đang kéo da non ngứa khủng khiếp, nghiến răng sồn sột gãi, chưa đủ, mình nhặt mảnh gói vỡ chà, tay trái, tay phải, mùi máu hăng nồng, cái ngứa ăn sâu tim gan, bỏ ngói, cọ hai tay lên tường roàn roạt, chẳng sợ hai kẻ đang ân ái trong kia phát hiện: chỉ còn cái ngứa, phải tìm mọi cách xua đi, ngứa… đau… ngứa…, đau bớt ngứa, phải cho đau đớn tăng gấp nhiều lần, cắn môi bật máu: đau điếng dội lên rồi tắt lịm, mình đập mạnh đầu vào tường, cái đau lần này đẩy lui quãng ngứa dài…
*
Khuya, Nham vẫn mặc áo khoác xanh lá. Áo khoác từ năm nay duổi sang năm khác, năm nào Nham cũng chỉ mặc đúng chiếc áo ấy ngày về thị trấn. Hai mươi tháng Chạp của ba hay bảy năm trước. Hai mươi tháng Chạp của ba hay bảy năm giờ. Năm nào cũng đúng ngày mình ra con đường quốc lộ ven thị trấn đón Nham. Mình không thấy Nham xuống xe, lên xe, đi vào trong thị trấn, Nham chỉ đứng trân một chỗ, mắt dõi theo những chiếc xe tải uể oải đi – về công ti. Đợi hết đêm, sang ngày hai mốt Nham đi, xuôi về phía biển, ngược lên thành phố, hay đi thẳng về núi Châu Phù mình chẳng biết. Nhiều người bảo mình Nham chết rồi, khi qua đường ngày… tháng… năm… ấy, mình chẳng tin, Nham sao chết dễ thế, con trâu đực một sừng của lão Bả hấp còn chẳng chết huống hồ Nham.
Năm nay, hai mươi tháng Chạp có mưa, mưa tạnh, đêm đến, mình nói mãi Nham chẳng chịu về thị trấn, về nhà Nham, về nhà mình để mình nói với bố mẹ cưới Nham làm vợ. Nham, Nham chẳng đợi được anh Minh đâu, anh đưa vợ: con giám đốc công ti đi khỏi thị trấn lâu rồi, lên phố, rồi từ phố này sang phố khác, thị trấn quên tên anh ta rồi, có chăng chỉ mình và Nham còn nhớ. Qua, lão Bả hấp gặp ngang đường gọi sang uống rượu. Mình để ý giữa căn nhà ọp ẹp của lão có con rùa vàng lật ngược, bốn chân buộc dây cước nối vào bốn thanh sắt to bằng ngón tay đóng chặt xuống nền. Ban đầu mình tưởng con rùa chết khô làm cảnh, không ngờ lại gần thấy cái đầu động đậy, thò thụt lên xuống, lão Bả giọng lạnh tanh bảo ngày ngày vẫn đút cho nó ăn. Mình và lão uống rượu xếch ngắm con rùa, chén một, rùa cái, “mả mẹ giống cái giống bội tình”, say lão chửi. Mình hỏi chuyện lão và người đàn bà tên Nguyệt, lão vằn mắt, “mày hỏi làm đéo gì”, “biết”, lão ngần ngừ rót rượu tợp liền ba tợp, nếp nhăn trên mặt vặn xoắn lôi kí ức xa xăm bày ra; lão và người đàn bà tên Nguyệt là bạn từ thuở bé, quê đâu tận miền ngược Hà Giang, Yên Bái; lão yêu người đàn bà tên Nguyệt giống mình yêu Nham, và người đàn bà tên Nguyệt cũng yêu người đàn ông từ nơi khác đến: anh sinh viên mĩ thuật về thị trấn trong đợt thực tập đầu tháng tư; lão cũng đưa Nguyệt đi hẹn hò, đứng canh, ngấm ngầm ghen khi Nguyệt đứng làm mẫu vẽ…; rồi anh sinh viên bỏ thị trấn, giá vẽ, mầu cọ lem nhem trong một đêm mưa đá thình lình ngằn ngặt quất xuống; Nguyệt nghiến răng van lão đưa đi tìm người tình mộng mị, thì đi, trốn gia đình mà đi; hết xuống phố lại lên rừng, ra biển, chẳng có dòng địa chỉ cụ thể, chỉ tròng trọc cái tên: “Dương”, cùng khuôn mặt được tả bằng nỗi nhớ của người say tình: “mặt vuông vắn, cười tươi, tóc xoăn, có sẹo mờ ở đuôi mắt trái”, hỏi vạn người cả vạn lắc đầu; cuối cùng, cả hai dạt về núi Châu Phù, Nguyệt đều đặn xuống chợ phiên dò la tin tức, mong ngóng về cuộc sum họp bất ngờ; lão Bả hấp âm thầm chờ, trong vai bạn, cho đến ngày Nguyệt bỏ đi cùng con rùa đực vào ngày chợ phiên, chỉ còn lão và con rùa cái rớt lại…
Mình say quá không nhớ hỏi lão người đàn bà tên Nguyệt có câm không?
*
Hai mốt tháng Chạp, lão Bả hấp không chăn trâu, đeo túi cói lên núi Châu Phù từ sớm. Năm nào cũng đúng ngày này lão lên núi, đốt đống lửa lớn cạnh hai ngôi mả cũ, nhìn mỏi tàn tro thì về. Mình không theo lão, mình ra chợ, chợ gần chục năm nay chẳng còn phiên, ngày nào cũng như ngày nào, rau cỏ, thịt cá, măng miến, quần áo, xoong nồi… khắp nơi đổ đến chẳng thiếu thức gì. Chợ ngày cận Tết đông hơn thường, mình chen ra khoảng đất trống cuối chợ, nơi có đoàn sơn đông mãi võ bán thuốc gia truyền cao đơn hoàn tán dựng rạp.
Mình đến kịp, trò vừa bắt đầu.
Than hoa nóng rực đựng trong chậu nhôm mang ra. Trình diễn một nam một nữ; người nam để tóc dài buộc vắn sau gáy, mặt xương, đôi mắt u uẩn cằm cặp nhìn xuống khó đoán tuổi, có thể ba nhăm, có thể năm nhăm; người nữ áng ngoài hai mươi, tóc tết hai bên, rắng trắng bắp, má núm đồng tiền; cả hai mặc võ phục đen, đeo đai đỏ, đi giày ba ta xanh. Người nam đứng cạnh chậu than, há miệng, người nữ dùng gắp sắt gắp than bỏ vào. Người xem hét lên, tim mình đập nhanh, thon thót sợ hãi. Than hoa nhai ngau ngáu, nuốt chửng. Sau màn nuốt than đến màn gắp than hoa bỏ lên hai mu bàn tay, tiếng xèo xèo của da thịt cháy nghe rõ mồn một, mùi khét lảng vảng tở ra. Mặt người nam vẫn chẳng có biểu hiện gì đau đớn, người nữ rút ra hai miếng cao dán to bằng bốn ngón tay, bóc, dán nhanh vào vết thương.
Xem xong, lác đác vài người rút tiền mua cao, đám đông tản nhanh khi màn diễn kết thúc. Người nam dứt toẹt hai miếng cao ở tay vứt xuống đất, cầm mẩu than hoa trong chậu lên thổi phù phù mồi thuốc hút. Mình để ý hai mu bàn tay vẫn ửng đỏ. Người nữ mua cái bánh mì mỏ bẻ đôi ngồi điềm nhiên ăn. Chợ ngày một đông, mình chợt nghĩ đến Nham, Nham giờ này ở miền nào xa lắm – có biết ở một miền xa khác người ta đang nuốt lửa. Nham có nhìn thấy khói lão Bả hấp đốt trên núi Châu Phù, khói lên lưng trời rồi dừng, không xuống thấp, không lên thêm, không tan đi, im lìm, tuyệt nhiên.
Mình bỗng nhớ con rùa cái bị buộc bốn chân…
ĐP
(vanvn.vn)
No related posts.