BẠO ĐỘNG

Nguyễn Đức Tùng

Con người sinh ra không có tính bạo động. Hãy ngắm một đứa trẻ, chúng có thể có những phản ứng dại dột, bất ngờ, có hại cho chính mình và cho người khác, nhưng những hành vi ấy tuyệt nhiên không phải là bạo động.

Khi một đứa trẻ lớn lên, bị bức hiếp, và học được cách phản ứng lại, và biết rằng để sống sót nó phải biết hung dữ như thế nào, khi ấy tính cách bạo động mới hình thành. Ngược lại, một đứa trẻ hoàn toàn không bị ức hiếp vẫn có thể được khuyến khích để tìm kiếm nạn nhân của nó, và gieo rắc sự ức hiếp lên người khác, cô thế hơn. Và chúng sẽ học được cách ấy một cách nhanh chóng. Cả hai đứa trẻ ấy giống nhau. Trong một đám đông, khuynh hướng bạo động dễ lây lan từ người này sang người khác. Một dân tộc càng có tính bầy đàn, các phản ứng tự động càng dễ dàng được khuếch trương, như sự chửi thề, văng tục, cãi lộn, gây sự đánh nhau.

Giết người là đỉnh cao của bạo động, nhưng không phải là tất cả, và không phải là sự kết thúc. Kèm theo nó là khuynh hướng tự biện hộ, bạn không thể tiếp tục gây hại cho người khác mà có thể ngủ ngon, nếu bạn không hình thành trong tâm trí một cơ chế tự bảo vệ mình. Cơ chế ấy tìm cách giải thích cho bạn về tội ác mà bạn gây ra với người khác, theo nó, những điều bạn làm bao giờ cũng có nguyên nhân chính đáng. Việc giải thích ấy là một quá trình nguyên thủy, có tính vô thức, trong phân tâm học gọi là cơ chế hợp lý hóa (rationalization), nhưng dần dần chúng biến thành các định hướng ý thức, và do đó dễ dàng dạy cho người khác bắt chước, trước hết bằng tuyên truyền và làm giả thông tin.

Bạo động không phải là sở hữu riêng của các chế độ độc tài, nhưng các chế độ này bao giờ cũng khuyến khích bạo động, và sẵn sàng cung cấp cho bạn cơ chế tự vệ tinh thần, đó là sự tin tưởng tuyệt đối vào chân lý và sự ngưỡng mộ đối với con vật đầu đàn, đại diện của chân lý. Chúng cảm thấy an toàn không những vì được bảo vệ trong một hệ thống an ninh, vũ khí, đạn dược, phương tiện tấn công, mà còn vì về tinh thần, mọi chuyện đều được giải thích một cách dễ hiểu.

Không có sự thật nào là dễ hiểu.

Nhưng sự dễ hiểu làm an tâm những kẻ đặt tiện nghi và lợi ích lên trên sự khốn khổ của kẻ thường xuyên tra hỏi sự thật.

Những đứa trẻ lớn lên với khuynh hướng bạo động, mỗi ngày một học được rằng chúng không có đường thoát nào cả, và chỉ cần lùi lại, chúng sẽ bị dẫm nát, vì vậy một người càng sống lâu chừng nào, tính hung tợn càng lớn lên. Sự tích tụ phẩm chất ấy trong một người tạo ra khuynh hướng chiến đấu, giành giật, âm mưu, chẳng bao lâu anh ta bị chính tính chất bạo động của mình làm cho điên đảo, đầy ảo tưởng và ảo giác, như một kẻ uống phải thuốc độc. Tính bạo động của một xã hội hoàn toàn giống như của một cá nhân.

Trong một lần kẹt xe ở ngã tư đèn đỏ, mắc kẹt giữa những chiếc xe hơi và xe máy khác, tôi đã chứng kiến khuynh hướng bạo động ở mỗi người, ở đám đông. Tôi tin rằng chúng có thể thay đổi, với rất nhiều cố gắng, sự nhẫn nại, lòng thương yêu và sự trừng phạt. Sau sự trừng phạt, bạn sẽ bắt đầu nói về lòng tha thứ. Nhưng trước hết là trừng phạt. Sau đó là trò chuyện và tha thứ, hãy hy vọng thế.

NĐT

Share this post

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on print
Share on email

Leave a Reply