CÁC TAI NẠN VĂN CHƯƠNG ĐƯƠNG ĐẠI

– phần về Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh

(nguồn: FB Hoàng Hưng)

1. VŨ HẠNH: KHI CÁC VỊ GIÁM KHẢO

XÉT LẠI LÁ PHIẾU CỦA MÌNH

Văn học, qua 50 năm của chế độ ta, là một mũi nhọn của cuộc sống, đóng một vai trò xung kích suốt ba thập kỷ chiến đấu chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xứng đáng với cái tên gọi là nền văn học tiên tiến thể hiện được sự dũng cảm của một dân tộc ngoan cường đứng lên giành lấy quyền sống trong sự độc lập, tự do, góp phần vào một cao trào vươn lên của nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới.

Tuy nhiên, sau ngày đất nước đã được hòa bình, một số ngòi bút suy thoái lợi dụng mở rộng giao lưu đã cùng với bọn cơ hội tìm cách xuyên tạc quá khứ, hoặc tự đặt mình ra ngoài dân tộc, trên cả dân tộc, để giở giọng điệu cao đạo phê phán những sự nỗ lực hy sinh đã qua bằng những lập luận vay mượn từ phía kẻ thù. Nỗi buồn chiến tranh là một quyển sách thuộc nhóm loại này. Dựa vào những sự lệch lạc trong việc chấm giải đã tạo cơ sở cho sách được sự chú ý, bọn xấu bên trong cũng như bên ngoài lợi dụng để khai thác, với cái ảo vọng phủ nhận chiến thắng vĩ đại của dân tộc.

Thiết nghĩ, văn học của chế độ ta phải là món ăn của đông đảo quần chúng, phải thuộc thẩm quyền xét định của mọi tầng lớp nhân dân — chứ không phải là mảnh đất riêng của một thiểu số, của một tầng lớp — nên sự can thiệp vào các vấn đề văn học phải được thực hiện rộng rãi, thường xuyên như mọi vấn đề thiết yếu ở trong cuộc sống của chúng ta.

Mấy tuần vừa qua, trên tờ tuần báo Công an thành phố, chúng ta được đọc các bài của một số vị giám khảo đã bỏ lá phiếu trao giải cho quyển Nỗi buồn chiến tranh. Mở đầu cho loạt bài này, ông Nguyễn Quang Sáng có nhắc đến việc tự phê của tập thể Ban Chấp hành Hội Nhà văn khóa IV, trong báo cáo trước Đại hội lần V, rằng trong sách của Bảo Ninh “Cách nhìn nhận lại quá khứ chiến tranh và cả cách nhìn hiện tại có những biểu hiện chủ quan thiên lệch đến nặng nề tối tăm mà độc giả thông thường, kể cả những người đã trải qua cuộc chiến đấu khốc liệt như trong truyện, khó có thể chấp nhận và coi đó là chân lý lịch sử”, vì vậy, bản báo cáo đã đánh giá trở lại việc trao giải là “thiếu chín chắn, nặng về khuyến khích một cây bút trẻ đã trải qua chiến đấu mà coi nhẹ tính định hướng của giải thưởng”. Do sự thiếu chín chắn ấy, ông Nguyễn Quang Sáng hôm nay thừa nhận đã bị nhân dân cho mình “ăn đòn”.

Nói chung, hầu hết quý vị giám khảo trên đây thừa nhận việc trao giải thưởng cho quyển Nỗi buồn chiến tranh là một sai lầm, và đó là điều chúng ta chờ đợi.

Nếu các giám khảo được nghe hết những phản bác từ phía quần chúng thì còn ớn lạnh đến chừnh nào. Kể thật khó hiểu, và thật khó tin, quyển sách ấy được trao giải. Nhưng đó lại là sự thực, sự thực nổi cộm như một vết nhọ cố tình bôi vào giữa dòng văn học và giữa những trang truyền thống vòi vọi những hy sinh cao cả cùng những chịu đựng phi thường vì nền độc lập, vì lẽ tự tồn. Nhiều người, bấy giờ cũng đã tự hỏi: Các vị giám khảo hầu hết là những chiến sĩ, gần như đã trải qua hai cuộc chiến vệ quốc trên các tuyến đầu, đâu phải là lớp đào ngũ mà lại chấp nhận cái nhìn như thế? Quý vị đâu có thể nào non yếu về mặt chính trị, đâu có thể nào mơ hồ về chuyện chiến tranh.

Phải chăng những năm tháng sống nhàn lạc trong cảnh hòa bình, quý vị đã để cho cái tư duy hình thức chi phối tâm hồn? Phải chăng, sau những biến động dẫn đến tan rã một số đất nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu đã khiến quý vị hoang mang, nên mượn bàn tay Bảo Ninh để mà gián tiếp phủ nhận quá khứ, tự tạo một tư thế “mới” để đón khách ngoài?… Những suy diễn ấy dầu đúng hay sai, dầu có thiện ý hay là ác ý, đều là sự thực mang tính phản ứng của một công luận. Do vậy, có những người đã trách rằng sự xét lại này xảy ra quá chậm: giải thưởng được trao cách đây bốn năm, và những bọn xấu đã khai thác nó một cách chí tình. Bốn năm, là thời gian dài để cho ngòi bút đã bị lệch lạc được sự khuyến khích đi sâu vào chốn lỡ lầm.

Nhưng chậm, vẫn còn hơn không, là điều chúng ta có thể lấy làm an ủi. Như chúng ta đã biết, hầu hết sự kiện văn hóa, văn học – từ sau 1975 – đều được đặt trong tình trạng phản ứng chậm chạp, vì chúng ta không chuẩn bị một cách chủ động từ đầu.

Điều đáng kể là khoảng cách, từ bốn năm nay đã ngăn quần chúng và giám khảo, bây giờ kể như đã được xóa bỏ, và chúng ta cùng gặp lại trong nỗi vui mừng. Đó cũng là sự giáng trả một bọn xấu ở các nước ngoài, vốn có quan hệ trực tiếp hay là gián tiếp với các đội quân xâm lược bị ta đánh bại trên các chiến trường, bây giờ muốn mượn văn chương làm thứ vũ khí hủy hoại chúng ta ở giữa thời bình.

w Nguồn: Công an thành phố Hồ Chí Minh, Tp.HCM (18-10-1995)

2. THẤM ĐÒN QUA NỖI BUỒN CHIẾN TRANH

THANH LÊ

Có người cho rằng đứng trước dư luận rộng rãi, các anh đã rũ bỏ (phủi tay) trách nhiệm, thậm chí “phản thùng”. Nhưng cũng có người cho rằng đây là một thái độ hết sức khách quan, thậm chí rất dũng cảm bình tâm nhận sai lầm vì thiếu chín chắn, nặng về khuyến khích cây bút trẻ, coi nhẹ định hướng của giải thưởng như trong dự thảo báo cáo của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam. Hay nói một cách khác, vì thiếu suy nghĩ kỹ về một tác phẩm của một nhà văn trẻ khi chọn họ vào con đường phục vụ nhân dân, dành tất cả cuộc đời của họ vào đó. Làm văn nghệ không phải dừng lại ở say mê, ham thích, nhiệt tình mà còn đòi hỏi ở đức tài. Năng khiếu chỉ là tiền đề không thể thiếu được mà thôi.

Vì vậy sáng tác văn chương nói nôm na là lao động theo dạng “hành nghề”, nhưng hành nghề như Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh thì chỉ làm tổn hại đến xã hội. Còn những người ủng hộ, cho phép và khuyến khích bị “ăn đòn” là phải. Điều may mắn là thứ hàng hóa đó không phải được sản xuất hàng loạt, mặc dù ở trong cơ chế thị trường. Loại “chính phẩm” xuất xưởng nay được đánh giá lại một cách nghiêm túc, thận trọng với trái tim đầy bản lĩnh trí tuệ của những người cầm bút như hai anh. Đây cũng là điều bất ngờ, vì có người bảo một số nhà văn hay tự cao tự đại, bảo thủ, nhưng trong thực tế hiện nay thấy các nhà văn đã cùng suy nghĩ với đông đảo bạn đọc là phải đấu tranh với những sáng tác văn học nghệ thuật tầm thường. Điều đáng quý sau khi đọc loạt bài phỏng vấn của các vị, tôi tìm thấy ở chỗ tiêu biểu cho cái đẹp, cái hay của con người. Các anh thẳng thắn, không giấu giếm, ghi nhớ, nhập thân với tâm hồn rộng mở. Cái đẹp ở thái độ và cử chỉ của các anh là phẩm chất cách mạng, thực sự cầu thị, không tách rời với thực tiễn xã hội ngày nay. Các anh đã quay lại nhìn cái hiện tượng bất bình thường vừa qua. Rõ ràng Nỗi buồn chiến tranh là một sự xúc phạm, một sự thách thức đối với xã hội, đối với lương tri của con người.

Có người bảo quay lại nhìn cái hiện tượng đó để phủ định nó chẳng khác nào “đánh vuốt đuôi” khi sản phẩm đó được bày bán trên thị trường với cái “mác” được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam – sự thật vẫn là sự thật, nhưng phải nói những lời cảnh tỉnh với những người còn mơ hồ về tác hại của nó bởi những ngóc ngách của vấn đề chiến tranh.

Đến bây giờ chắc các nhà sáng tác càng thấy rõ vai trò của quần chúng nhân dân là người thẩm định cuối cùng – họ không phải là kẻ thưởng ngoạn bình thường mà là sự nhận thức bằng trí tuệ.

w Nguồn: Công an thành phố Hồ Chí Minh, Tp.HCM (18-10-1995)

3. LUẬN BÀN VỀ NỖI BUỒN CHIẾN TRANH

LINH HÒA

Những năm qua, tình hình lý luận phê bình văn học đã có một bước chuyển biến mới, đã xuất hiện một số tác phẩm lý luận phê bình tốt của các nhà lý luận phê bình tâm huyết. Tuy nhiên, trong không khí hào hùng chung đó, bên cạnh những nhà lý luận phê bình chân chính đầy thiết tha trăn trở trước một nền văn học đổi mới có định hướng đúng, cũng đã xuất hiện một số cây bút lý luận phê bình có ý đồ xấu. Kỳ này chúng tôi đăng bài của tác giả Linh Hòa, nhằm trao đổi về công tác lý luận phê bình văn học gần đây để bạn đọc rộng đường dư luận.

*

Sách viết về chiến tranh, nhất là ra đời sau chiến tranh được bạn đọc chú ý, nhất là trong giới nghiên cứu lý luận phê bình. Một trong những cuốn sách đó có “vấn đề” là Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Thông thường, “vấn đề” thường nảy sinh khi con người hiểu rằng những sự hiểu biết của mình hiện có không đủ cơ sở để cắt nghĩa hết mọi việc. Vì vậy phải tiếp tục làm sáng tỏ những hiểu biết ấy. Có thể coi “vấn đề” là một hình thức đặc biệt của “mâu thuẫn giữa cái đã biết với cái chưa biết” như có người quan niệm mà là mâu thuẫn được nhận thức.

Trong khi Nỗi buồn chiến tranh bị đông đảo bạn đọc lên án thì một số nhà phê bình lại ca ngợi, tất nhiên với mức độ khác nhau. Nhà phê bình trẻ Huỳnh Như Phương cho rằng: Nỗi buồn chiến tranh là cuốn tiểu thuyết của sự cứu rỗi (Những tín hiệu mới, tr.70). Trong tập tiểu luận, phê bình của mình, Phong Lê lại viết: “Tôi đã đọc một lần Thân phận của tình yêu (một cái tên khác của Nỗi buồn chiến tranh) nhưng rồi lại quên ngay cái thân phận, cái số phận, để bị ám ảnh bởi một nỗi buồn. Một nỗi buồn có lý, đầy trăn trở, và do thế mà làm sâu sắc thêm đời sống tinh thần của con người. Cũng do vậy mà có giá trị thanh lọc và tẩy rửa. Và tôi nghĩ, đó mới là tiếng nói của nghệ thuật” (Văn học và công cuộc đổi mới – Nxb Hội Nhà văn 1994, tr.143).

“Sự cứu rỗi”, “thanh lọc”, “tẩy rửa”, “là tiếng nói của nghệ thuật” được hiểu như thế nào đây khi cuộc chiến tranh cứu nước vĩ đại của dân tộc đã thực hiện sứ mệnh cao cả của mình vì tự do và độc lập? Đáng lý ra văn học về chiến tranh phải phác họa ra hình ảnh con người xả thân vì nghĩa lớn, sức mạnh tinh thần của con người thắng bạo tàn, mở cánh cửa của quá khứ để cho thế hệ tương lai thấy một lý tưởng cao đẹp như trong những huyền thoại của ông cha ta ngày xưa dựng nước. Văn học có gì khác hơn là bồi dưỡng tâm hồn con người để sống và chiến đấu cho cuộc sống hàng ngày. Và phải chăng cái đó mới là tiếng nói của nghệ thuật.

Về Nỗi buồn chiến tranh, Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến đã không giấu giếm nói lên một điều: “Thảo luận về cuốn tiểu thuyết của Bảo Ninh như một tác phẩm về chiến tranh, chúng ta thường quên rằng, tác phẩm này là sự thắt của ba đề tài: chiến tranh, tình yêu và đam mê sáng tạo nghệ thuật. Tư tưởng của cuốn tiểu thuyết là ở chỗ thống nhất của ba đề tài: Trong chiến tranh cũng như trong tình yêu và sáng tạo nghệ thuật luôn có sự chập chờn giữa thực và giả, được và mất, tin và ngờ, hạnh phúc và đau khổ, hy vọng và tuyệt vọng… Một sự chập chờn đầy rẫy những bất định và bất trắc, lầm lạc và phi lý… Bảo Ninh đưa người đọc vào cõi của những sự chập chờn, bất định và một sự cảm nhận sâu sắc về cõi này đâu có làm chúng ta kinh hãi và tuyệt vọng; rồi vẫn có những chiến công bên cạnh những “thành tích” nhại chiến công, vẫn có tình yêu để phân biệt những gì giống tình yêu, vẫn có những đam mê nghệ sĩ trong ngàn vạn con thiêu thân lao vào ảo ảnh nghệ thuật… Có những tư tưởng nảy sinh ngoài cõi chập chờn, bất định nhưng phải trải qua cõi này thì mới có triết học”… Tác giả còn nói tiếp: “Cõi chập chờn, bất định là cõi đắc địa của tiểu thuyết – Bảo Ninh mới mon men bước vào cõi này đã không ít độc giả ngỡ ngàng đọc tác phẩm của anh. Có lẽ họ chưa quen đọc tiểu thuyết” (Tạp chí Văn học, số 4-1995, tr.9).

Ý kiến của Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến xem ra có chiều đậm nét hơn hai ý kiến nói trên. Có một điều trước hết cần phải nói là giáo sư đã coi thường độc giả nước nhà, cho họ là “chưa quen đọc tiểu thuyết” (?) Thế thử hỏi các tác phẩm như Gargantua và Pantagruel của Franois Rabelais, Don Quichotte của Miguel de Cervantes, Hội chợ phù hoa của W.M. Tharkeray, Đỏ và đen của Stendhal, Tấn trò đời của Balzac…, Tam quốc, Thủy hử, Hồng lâu mộng… của Trung Quốc, Chiến tranh và hòa bình, Sông Đông êm đềm, Con đường đau khổ, Bão táp… của văn học Xô viết được dịch sang tiếng ta bán cho ai và ai đã đọc? Không những thế, bạn đọc còn cảm nhận được loại tiểu thuyết hiện sinh đích thực của J.P. Sartre, A. Camus v.v… và cũng đã từng phê phán loại tiểu thuyết ấy. Và không có gì đáng làm ngạc nhiên khi Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến nhập thân ca ngợi Nỗi buồn chiến tranh vì nó mang máng, thoang thoáng nhân vật trong tiểu thuyết hiện sinh. Cái mang máng, thoang thoáng ở đây chính là “cõi chập chờn bất định”, là “cõi đắc địa của tiểu thuyết” như giáo sư nói. Đã là “chập chờn” có nghĩa là nửa tỉnh, nửa mê, khi mờ khi tỏ. “Chập chờn” rồi còn “bất định” thì tầm nhìn lịch sử và xã hội bị cảm nhận là “phải trải qua cõi này thì mới triết học”. Nếu không nhầm thì đây là thứ triết học không phải của chủ nghĩa Mác-Lênin. Điều đó đã rõ như ban ngày và cũng chẳng có gì mới đối với chúng ta.

Chắc các anh và giáo sư Hoàng Ngọc Hiến đã đọc bài “Bàn về “tính duy ý” của văn xuôi và “tính phi lý” của thơ của Henri Barbusse, tác giả tiểu thuyết nổi tiếng về chiến tranh, viết: “Không có một nghệ thuật nào có sức mạnh mà lại thiếu lý trí, trí tuệ được… Xa rời, đoạn tuyệt với quy luật của trí tuệ, lý trí là không thể chấp nhận đối với sáng tạo nghệ thuật. Chỉ có trí tuệ – cái vốn không thể thiếu được trong mọi lĩnh vực, không thật cụ thể và cũng không thật trừu tượng mới cho chúng ta khả năng để tạo nên tất cả giá trị tác phẩm… và bất cứ một mưu toan nào hạ thấp vai trò của trí tuệ cũng như hạ thấp vai trò của nghệ thuật”. Nếu như cây bút nghiên cứu phê bình Hoài Thanh sống trở lại chắc ông tủm tỉm cười khi đọc những dòng chữ “đó mới là tiếng nói của nghệ thuật” của giáo sư Phong Lê, là “cõi đắc địa của tiểu thuyết” của giáo sư Hoàng Ngọc Hiến vì rằng các vị không thực hiện được nhiệm vụ của kẻ hậu sinh khả úy mà còn dẫm lên một quan điểm văn học nghệ thuật sai lầm như ông đã mắc phải trước năm 1945.

Điều rất lấy làm tiếc, nhất là đối với giáo sư Hoàng Ngọc Hiến đã xúc phạm đến bạn đọc nhiều thế hệ khác nhau và đã đưa họ vào mê hồn trận trong trận đồ bát quái của một thứ lập luận xa lạ, không xuất phát từ thực tế nước ta. Đổi mới không có nghĩa là vơ lấy cái cũ mèm, kể cả cái mới của người khác khi quần chúng nhân dân ta, bạn đọc của chúng ta không chấp nhận nó. Bài học của người đứng trên bục giảng, của người cầm bút phê bình còn là lương tâm và trách nhiệm, không thể nửa tỉnh nửa mê trong đánh giá các sự kiện có “vấn đề” như Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Trong trường hợp này điều cần làm là phải “thanh lọc”, “tẩy rửa” mới đúng.

Chúng ta thấy rõ hoàn cảnh có “vấn đề” nhờ sự va chạm tích cực và tính tự giác của con người với môi trường xung quanh. Và chỉ có như vậy con người mới có ý thức về những mâu thuẫn đang nẩy sinh ra trong cuộc sống.

w Nguồn: Công an thành phố Hồ Chí Minh, Tp.HCM (1-11-1995)

4. NGUYỄN ĐÌNH THI: TÔI HY VỌNG ANH EM TỈNH TÁO HƠN,

CÓ TRÁCH NHIỆM HƠN VỀ NHỮNG GÌ

MÌNH VIẾT, MÌNH SUY NGHĨ…

Nhà văn Nguyễn Đình Thi là một tên tuổi lớn của Văn học Việt Nam đương đại. Những tác phẩm của anh kể cả nhạc, thơ, văn xuôi… đều đứng được trong lòng mọi người. Với tư cách nhà văn và trên cương vị hiện nay: Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, nhà văn Nguyễn Đình Thi đã dành cho phóng viên báo Công an thành phố cuộc trao đổi khá thú vị về trách nhiệm nhà văn và tình hình văn học hiện nay.

P.V. – Thưa anh, thời gian gần đây anh có theo dõi mục “Diễn đàn văn học” trên báo Công an thành phố? Nếu có, anh có ý kiến gì về những bài góp ý, hoặc tranh luận trên diễn đàn này?

Nhà văn NGUYỄN ĐÌNH THI: Báo Công an thành phố gần đây có mở mục Diễn đàn Văn học mà mục đích hướng thiện cũng như nội dung các bài viết khiến tôi rất chú ý và hoan nghênh, như là những bài viết của các anh chị trong Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam vừa qua. Đây là một việc làm, một thái độ rất dũng cảm, đáng quý trọng. Qua một số bài viết khác, tôi thấy độc giả không có gì rắc rối, tâm hồn họ giản dị, nhưng ý kiến của họ nêu ra chứng tỏ họ nhìn rõ được then chốt của vấn đề.

P.V. – Thời gian qua đã xuất hiện một số tác phẩm xấu, bị độc giả và dư luận phê phán. Anh đánh giá như thế nào về sự kiện này?

N.Đ.T. – Hiện nay, điều tôi lo lắng cũng như hy vọng đều hướng vào tình hình chung của nền văn học nghệ thuật. Gần đây, sau một thời gian đổi mới, tình hình văn học nghệ thuật có khác mấy năm trước. Chiều hướng chung về tư tưởng của các anh em văn nghệ sĩ thời gian đầu có thể nói là bối rối, nhưng sau đó, một số rất đông đã nhận thấy rõ đúng, sai, phải, trái trong cuộc sống xã hội, từ đó cũng nhận ra đúng, sai, phải, trái trong tác phẩm văn học nghệ thuật của mình. Thực ra, theo tôi, tác phẩm hay – dở, không thể đổ tại xã hội được, nó tùy thuộc vào mình thôi. Cái rối của một số anh em sáng tác dần dà cũng có biến chuyển. Các thứ văn học đen tối, xám xịt ngày càng trở nên bão hòa, công chúng không thích, không chấp nhận nữa. Những tác phẩm có khuynh hướng giật gân, thị trường, độc giả cũng xa lánh. Độc giả đòi hỏi những tác phẩm chân chính, hay thực, có cách nhìn cuộc sống sáng hơn.

P.V. – Trước luồng gió đổi mới, nhà văn vốn nhạy cảm vấn đề này và đã có những tác phẩm tốt trong giai đoạn vừa qua. Đồng thời một số tác phẩm xấu cũng nương theo “luồng gió đổi mới” để ra đời. Anh đánh giá như thế nào về những nhà văn đã cho ra đời những tác phẩm xấu như vậy?

N.Đ.T. – Khi chúng ta mới bước vào công cuộc đổi mới đất nước, trong văn học nghệ thuật như có chiều hướng phản ứng lại giai đoạn cũ, làm ngược lại giai đoạn cũ. Trước kia, văn học của chúng ta là văn học chiến đấu, văn học nói lên những cái lớn của đất nước, cái cao thượng đẹp đẽ của con người. Một số anh em lại cho rằng viết như thế là công thức, muốn khai thác những cái gọi là đời thường, nhưng thực ra là tránh né những điều cao cả tốt đẹp. Trước kia, văn học nói “thiện” nhiều, bây giờ thì cái “ác” lấn hơn. Theo tôi, một tác phẩm văn học cụ thể không cần phải nói đầy đủ, có thể nói riêng về “thiện” hoặc về “ác”, về những cái tốt cũng như cái thấp kém của con người cũng không sao. Đề tài không cấm đoán, thế nhưng khi cầm bút thì tầm nhìn của nhà văn không thể thấp kém được. Trong cái nhìn của nhà văn phải có một cái tâm yêu thương con người, tầm nhìn của nhà văn phải ngang tầm đòi hỏi của thời đại.

Một số ít anh em từ môi trường chiến tranh bước sang hoàn cảnh mới, muốn tự phủ nhận mình, phủ nhận những sáng tác trong thời kỳ chiến tranh. Tiêu biểu như nhà văn Nguyễn Minh Châu (đã quá cố) với bài Lời ai điếu cho một thời văn học minh họa. Có lần báo chí đã hỏi ý kiến tôi về bài đó thì tôi trả lời có thể thay đổi một chữ trong câu đó, tức là “Lời ai điếu cho một thứ văn học minh họa”. Thật ra loại văn học minh họa thấp kém không riêng gì bây giờ, ngay cả trước kia các nhà văn có nghề nghiệp, có hiểu biết, không ai viết như vậy. Thứ văn học không hồn ấy không tồn tại với thời gian, không sống được. Nó chỉ là số ít, một thứ chứ không thể là một thời, không nên lẫn lộn.

P.V. – Để cổ vũ cho một số tác phẩm xấu cũng đã xuất hiện một số cây bút lý luận phê bình tán dương những tác phẩm đó. Khuynh hướng tán dương cái xấu là nguy hại vì độc giả văn học sẽ dễ lẫn lộn giữa ranh giới phải trái, chính và tà, cái thiện và cái ác. Anh có ý kiến gì về khuynh hướng lý luận phê bình nói trên?

N.Đ.T. – Gần đây trong lý luận phê bình cũng có một luồng ý kiến có khuynh hướng phủ nhận thành tựu của cách mạng và hai cuộc kháng chiến trong văn học, bênh vực một loại sáng tác xóa nhòa ranh giới phải trái của chúng ta.

Theo tôi, phê bình văn học phải dựa trên thực tế văn học của đất nước, xem mình làm được gì, không được gì để góp ý rút kinh nghiệm. Không nên lấy mốc từ văn học nước ngoài để làm chuẩn, muốn văn học ta làm theo, vì mỗi nước có tư tưởng văn hóa riêng đặc trưng cho nước ấy. Một lập luận có thể tác dụng ở xã hội phương Tây nhưng không thể áp dụng với văn hóa Việt Nam được. Ví dụ ngày trước ở Sài Gòn cũ, có ảnh hưởng lập luận bên phương Tây nói nhà văn phải “nôn mửa”. Nhưng bây giờ lấy lập luận nhà văn phải “nôn mửa” đưa vào cuộc sống xã hội mình thì không được. Cuộc sống của chúng ta không phải là cuộc sống để nôn mửa. Không nên dùng lập luận của nước ngoài để so sánh, áp dụng vào xã hội ta.

P.V. – Đảng và Nhà nước ta chủ trương đổi mới. Văn học nghệ thuật cũng đã rất nhạy cảm trước công cuộc đổi mới. Tuy nhiên, ở một số tác phẩm của các nhà văn cũng như một số nhà lý luận phê bình “đổi mới” lại cho thấy một tinh thần vọng ngoại – thậm chí phủ nhận bản sắc dân tộc của ta. Anh đánh giá như thế nào về tình trạng này?

N.Đ.T. – Hiện nay, sự tìm tòi đổi mới của chúng ta đang được cả thế giới quan tâm bởi nó có ý nghĩa rất lớn. Thực hiện kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa phải nói là rất khó, nhưng nếu làm được, nếu thành công thì sẽ đem lại ý nghĩa chung cho nhiều nơi khác.

Thật ra chúng ta có những biểu hiện tốt đẹp về mặt văn học ngay cả trong thời kỳ chưa đổi mới. Ví như chúng ta chưa bao giờ mắc phải một số sai lầm như một số nước xã hội chủ nghĩa anh em trước đây trong lãnh vực này. Chúng ta không có Cách mạng văn hóa, không đàn áp các nhà văn…, ở Trung Quốc, sau khi sửa sai cuộc Cách mạng văn hóa, có nổi lên một luồng văn học để nêu lại việc này; ở Liên Xô có thời gian các nhà văn nói phải sám hối. Nhưng đối với ta, không cần phải bắt chước những việc đó, bởi nhà văn chúng ta tham gia cuộc chiến đấu vì độc lập tự do, có gì mà phải sám hối? Chúng ta phải tự hào mới đúng. Bởi vậy, nếu học người mà ta không đủ trình độ suy luận thì rất nguy hiểm. Theo tôi, chúng ta chỉ nên rút kinh nghiệm đúng sai của văn học các nước khác để tự suy nghĩ về con đường đi của văn học ta thì đúng hơn. Quan điểm Mác-Lênin về văn học không phải dễ hiểu, nhưng chủ yếu khuyên ta không nên tách rời cuộc sống, bám sát thực tế cuộc sống bao nhiêu, chúng ta sẽ hiểu được quan điểm này bấy nhiêu.

Một số anh em lý luận phê bình, theo tôi nghĩ, có nhược điểm tuân theo sách vở nhiều quá. Chỉ sách vở không thôi, chưa đủ, phải đi sát vào thực tế xã hội mới tìm ra chân lý.

P.V. – Trên mục “Diễn đàn văn học” của báo Công an thành phố vừa qua đã có những bài phê phán cuốn Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Anh đã đọc và có ý kiến như thế nào về tác phẩm này khi nhận được giải thưởng của Hội Nhà văn và khi nó được nước ngoài dịch để phổ biến?

N.Đ.T. – Nhắc lại cuốn Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, đây là cuốn sách đầu tay của một tác giả trẻ có thể có tài năng nhưng có cách nhìn lúc đó nặng màu xám. Đáng tiếc là khi đưa ra lại tặng thưởng, thành ra nó trở thành định hướng chung cho văn học. Sai lầm này, Ban Giám khảo đã xác nhận và nhận khuyết điểm vì lý do nâng đỡ tài năng trẻ. Tác giả Nỗi buồn chiến tranh có lẽ muốn táo bạo trong suy nghĩ, nhưng lại chưa đủ bản lĩnh để suy nghĩ độc lập, chịu ảnh hưởng bên ngoài nhiều, để trở thành quân cờ trên ván bài chính trị cho một số kẻ xấu lợi dụng. Thành phần này ở ngoài nước có khuynh hướng muốn tạo ra trong nước ta một lực lượng tác giả đối lập với chế độ. Họ chọn Nỗi buồn chiến tranh và một số tác phẩm khác, rồi cộng thêm những lời tuyên bố xuyên tạc cho rằng văn học ta không có tự do. Thật ra khi tác phẩm phổ biến công khai thì ai cũng có quyền khen chê, chấp nhận và không chấp nhận. Như vậy đâu phải là làm mất tự do của nhà văn.

Nói về tác phẩm được dịch thì đa số phải qua trung gian là một nhóm Việt kiều, bởi các nhà văn nước ngoài thường không biết, không đọc được tiếng Việt. Nhóm Việt kiều này có một số khuynh hướng tốt, số khác thì đối lập chế độ ta, và họ chọn dịch theo ý thích. Điều đó khiến ta nhận thấy tác phẩm được dịch chưa chắc là tác phẩm được độc giả trong nước đánh giá cao. Về vấn đề này, theo tôi, trong nước nên chủ động dịch và xuất bản để giới thiệu với các nước những tác phẩm văn học tiêu biểu. Nếu tác phẩm đó hay, tất nhiên công chúng sẽ chấp nhận.

P.V. – Trên tờ “Diễn đàn Văn nghệ” vừa qua có đăng bài của Đỗ Quang Hạnh phê phán tác phẩm Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu và có ý kiến rất sai trái về nhà thơ lớn của chúng ta. Anh có ý kiến gì về bài báo đó?

N.Đ.T. – Riêng về hiện tượng một số cây bút trẻ như Đỗ Quang Hạnh, tôi cho rằng trình độ hiểu biết cũng còn hạn chế nên đã vấp phải một sai lầm lớn. Đây là do đầu óc nô lệ tự khinh mình. Nhìn vào lịch sử dân tộc không phải dễ, viết về nó lại càng khó hơn. Điều này tùy thuộc vào trình độ của từng người viết. Bản thân tôi cho rằng bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của cụ Nguyễn Đình Chiểu là một kiệt tác văn học của Việt Nam. Một tác phẩm được nhân dân thuộc lòng không phải dễ dàng, đó là giá trị rất lớn. Muốn đề cập đến nó, người cầm bút phải hết sức thận trọng.

Qua nhiều năm, tôi đã được bài học là nghĩ về văn hóa ta, đất nước ta bằng cái đầu của con người Việt Nam, đó mới là thái độ đúng đắn của người cầm bút. Trong vận hội lớn, thời cơ lớn trước mắt, nguy cơ cũng không phải là ít, tôi hy vọng anh em cầm bút tỉnh táo hơn, có trách nhiệm hơn về những gì mình viết, mình suy nghĩ…

P.V. – Xin cám ơn anh Nguyễn Đình Thi đã dành cho báo Công an thành phố cuộc trao đổi bổ ích này.

P.V. thực hiện

Nguồn: Công an thành phố Hồ Chí Minh, Tp.HCM (29-11-1995)

Share this post

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on print
Share on email

Leave a Reply