Nguyễn Đức Tùng
(thấy thiên hạ bàn chuyện giáo dục, chợt nhớ ra mùa tựu trường, nợ mấy bức thư định viết đã lâu mà làm biếng gác lại, nay trả nợ cho các bồ nhí, thân gởi bạn đọc.)
1. MỘT BUỔI SÁNG
Một lần lúc con lên bốn tuổi, Timmy. Buổi sáng khi ba cúi xuống hôn con trên giường, con vẫn ngủ say. Hai cha con chúng ta ngủ chung một giường, sau này rất lâu khi con đã lớn rồi, vẫn vậy. Đó là buổi sáng thứ Hai, sau ngày lễ, mùa hè, mọi người đều hối hả bận rộn. Ba đã vào garage, mở cửa sau, nổ máy xe, nhưng nhớ ra để quên cái cặp. Xe vẫn nổ máy, ba mở cửa chạy vào nhà, lên phòng lấy cái cặp, rồi chạy ngược ra xe. Cửa sau của garage vẫn mở, ba vội vàng lùi xe ra khỏi cửa. Đúng lúc ấy, trong kính chiếu hậu loang loáng thấy hình ảnh một vật gì như một đứa bé, ba vội đạp thắng theo phản xạ, đạp lút thắng, bánh xe rít ken két trên mặt nhựa.
Chiếc xe Jeep màu xanh lá cây của ba xoay vòng, rung lên bần bật, đập vào tường.
Đứa bé ấy chính là con.
Thì ra vào lúc ba mở cửa vào nhà vào phòng sách tìm cái cặp, con đã thức dậy và thấy vắng ba, nên đã chạy thoắt ra ngoài tìm. Con đứng ngay sau nhà để xe, phía cửa mở, chờ ba ở đó, ngay sau chiếc xe đang nổ máy rì rầm.
Chỉ một tích tắc nửa thôi chiếc xe của ba đã tông vào con. Chỉ cách một gang tay.
Đôi khi trong đời chúng ta đánh mất một người thân, mẹ hay cha, thầy hay trò, anh chị em hay bè bạn, mất bóng dáng của họ sau một cánh cổng, không nhìn thấy họ đâu nữa sau một khúc quanh, mất họ trên một dòng sông, mất họ sau một bến phà. Rồi chúng ta tìm lại được nhau, sau cánh cổng ấy, sau bến phà ấy, sau khúc quanh ấy, trên dòng sông ấy.
Có khi không được thế.
Chúng ta không có nhiều thời gian để mất như thế nữa.
2. CHẠY CHẬM LẠI
Trong ngày mãn khóa của năm học vừa qua, lớp Năm, con khoe với ba rằng, lớp của con là đội tuyển giành giải nhất kỳ thi chạy toàn trường. Trong lớp, con chạy cũng nhanh nhất, ngang với Hugo, bạn thân của con. Chúc mừng hai đứa.
Chạy nhanh là một năng lực đặc biệt. Ai cũng biết thể thao là cần thiết, nhất là cho học sinh. Nhưng có một lần mới đây khi đang chạy bộ trên đường, ba nghe tiếng một người gọi với theo mình: chạy chậm lại, slow down, chạy chậm lại.
Và ba đã chạy chậm lại.
Nhưng khi ngoái nhìn ra sau, có một người đàn bà đang dẫn một đứa con trai nhỏ, hai mẹ con đi trên lề đường, và thằng bé có lẽ nhỏ hơn con vài tuổi, chạy lon ton phía trước. Bà ta nói với đứa trẻ kia, slow down, chứ không phải với ba.
Sau này, khi lớn lên, con sẽ biết rằng, có những lúc không phải bao giờ chạy nhanh cũng tốt cho mình hay cho người khác.
Chạy chậm lại, nhưng chạy đều, giữ sức thật lâu, chạy chậm nhưng chạy một mạch, cho đến khi con tới đích.
3. TRƯỜNG HỌC CŨ
Tuần trước, chúng ta có dịp đi bộ ngang qua trường học cũ của con, nhưng con cứ mãi đi mà không nhìn vào. Ngôi trường con đã học thời mẫu giáo và lớp một trước khi chuyển tới trường khác.
Đó là điều đáng tiếc. Có lẽ bây giờ con còn chưa kịp nghĩ về trường cũ, chưa có dịp đánh mất nó. Lần sau nếu có dịp đi qua, con nên bước chậm lại ngoái nhìn một lát.
Ký ức. Ta sinh ra ở một mảnh đất nghèo khó nhưng được học ở một trường tiểu học thuộc loại đẹp nhất. Trường bên sông có sân cỏ lớn làm bãi đáp trực thăng, ở đó bọn ta tha hồ chơi bóng đá và thể thao, quanh sân trường có dương liễu cao vút. Giữa sân có tấm bản đồ Việt Nam xây bằng gạch nổi lên giữa mặt hồ sen và súng. Trong chiến tranh nó đã bị phá hủy hoàn toàn. Khi hòa bình lập lại một trong những nơi đầu tiên ta trở về thăm là trường cũ, nhưng nó không còn nữa. Ta đã ngồi trên sân trường giờ chỉ còn là những đống gạch đá và đám cỏ lau mọc ngang đầu, ngồi suốt một buổi chiều. Khi nước mắt đã khô đi từ lâu, ta quyết định rằng dù thế nào ngôi trường ấy vẫn còn mãi trong lòng mình, trong ký ức tuổi thơ và sẽ nhớ lại từng chi tiết từng gốc cây, những căn phòng học, mái ngói đỏ, mùa hè chim sẻ ríu rít, khu vườn trồng nhiều ổi và cam, sẽ nhớ thầy học cũ và bạn bè ngày trước.
Một nhà triết học cổ đại nói rằng không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông, ý nói sự vật mỗi giờ mỗi ngày thay đổi. Ta tin rằng có thể trở lại tắm trên dòng sông ấy, cùng làn nước ấy, bằng ký ức của mình. Chỉ có tuổi thơ là lưu giữ được hai thứ: ngôi nhà thơ ấu và ngôi trường thơ ấu. Quê hương của một người có thể không phải là nơi chốn đẹp nhất trên trái đất nhưng là nơi đẹp nhất đối với người ấy. Chúng ta càng lớn lên càng già đi càng phải trẻ lại, như một người đi xa tìm cách trở về. Dù ngôi trường ấy có thể lớn hay nhỏ, nhiều phòng hay chỉ một vài phòng học, ngoài đường có liễu hay chẳng có cây cối gì, tường sơn màu trắng hay xám thì chúng cũng là tình yêu đầu tiên. Trên sân trường có thể có tấm bản đồ bằng gạch hay không, có cái hồ nước nhỏ hay chỉ có chiếc đu quay, cây bàng đỏ hay cây phong vàng hổ phách, hay một điều gì chỉ có chúng ta mới biết. Con sẽ mang theo trong tâm hồn mình hồ nước ấy, chiếc đu, cây bàng, cây phong ấy, như một căn nhà yêu dấu, nơi trú ẩn an toàn, khi con lớn lên.
(còn tiếp)
Nguyễn Đức Tùng