Luang Prabang Trong Sắc Vàng Bình Yên

Tác giả: nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu (Khieu Linh FB)

Vừa bước ra khỏi sân bay ta cảm nhận ngay sự khác biệt của Luang Prabang. Những thiếu nữ Laos gương mặt Bồ tát mặc y phục dân tộc, chắp tay chào/vái và choàng những dây hoa sặc sỡ vào cổ khách. Không gian thoáng đãng, không khí mát mẻ dịu dàng, những con đường, ngôi nhà, dãy phố cổ kính mái cong, loáng thoáng rêu phong… tất cả phảng phất một sắc vàng trầm ấm cao khiết thanh bình.

Cố đô cổ kính

Được xưng tụng là “Vườn địa đàng cuối cùng ở Đông Nam Á”, Luang Prabang là kinh đô của vương quốc Lan Xang (Triệu voi) từ thế kỷ 14 (1346) đến giữa thế kỷ 20 (1946). Và, đến trước năm 1975, đây vẫn là nơi ở của hoàng cung, kinh đô của Vương quốc Laos. Ngày nay Luang Prabang không còn là thủ đô nữa nhưng vẫn là trung tâm của các tỉnh lỵ thuộc bắc Trung Lào. Năm 1995, Unesco công nhận Luang Prabang là di sản văn hóa thế giới.

Nằm cách thủ đô Vientian 425 km, Luang Prabang là một thung lũng tuyệt đẹp ở độ cao 1.672m, xung quanh được bao bọc bởi những ngọn núi cao bao phủ bởi đại ngàn nhiệt đới rậm rạp u ẩn huyền bí. Thung lũng Luang Prabang như một viên ngọc nằm giữa hai con sông Mekong và Nam Khan; đồng thời, đây cũng chính là nơi hợp lưu của nhiều con sông nhỏ hòa thủy vào dòng Mekong hùng vĩ. Với diện tích 25 ha, Luang Prabang có 22.000 nghìn dân nhưng mỗi năm lại có tới 100.000 du khách nước ngoài đến viếng thăm và chiêm bái.

Là một kinh đô lâu đời của những vương triều thịnh trị, Luang Prabang hiện thân của những giá trị văn hóa truyền thống rực rỡ của dân tộc Laos. Tại cố đô vẫn bảo tồn gần như nguyên vẹn hơn 30 cung điện, đền thờ, lăng tẩm. Những cung điện này nay đã trở thành những bảo tàng Phật giáo với vô vàn phật hiện cổ. Đặc biệt là có hàng ngàn pho tượng Phật cổ quý hiếm bằng nhiều vật liệu khác nhau như vàng, bạc, ngọc, đồng, đá, gỗ… với vô vàn kích cỡ và dáng vẻ đẹp lạ lùng. Luang Prabang có hàng chục ngôi chùa được ghi nhận; trong đó có 40 ngôi chùa cổ hàng trăm năm nổi tiếng. Những ngôi chùa mái cong vút dát vàng hoặc sơn son thếp vàng lộng lẫy, nguy nga. Như các chùa: Wat Phra Bat Nua, Wat Xieng Thong, Wat Visounarath…. Hàng nghìn ngôi nhà gỗ cổ chạm khắc tinh xảo mang đặc trưng phong cách kiến trúc truyền thống Laos; trong đó có 642 ngôi nhà cổ đã được Unesco xếp loại bảo tồn nghiêm ngặt.

Luang Prabang với những cung điện, ngôi chùa cổ kính, những dãy nhà gỗ thấp (không quá 2 tầng) mộc mạc lẩn khuất trong cây, ẩn hiện trong sương và những con phố nhỏ, ngõ nhỏ,… hài hòa, bình lặng và bảng lảng một sắc vàng huyền hoặc xa xăm.

Núi Phousi nằm ở trung tâm thung lũng được gọi là nóc nhà Luang Prabang. Trèo 365 bậc đá, ta sẽ lên tới đỉnh núi và chiêm bái chùa cổ Wat That Chomsi linh thiêng kỳ vĩ. Từ đỉnh núi ta ngằm nhìn dòng Mekong lênh láng rực đỏ phù sa đang mải miết về xuôi và toàn cảnh Luang Prabang lộng lẫy một sắc vàng Tiểu thừa bình yên an lạc.

Sắc vàng ca sa khất thực

Với độ cao lý tưởng, với núi non đại ngàn bao bọc, với vị trí nơi hội tụ của những dòng sông, Luang Prabang quanh năm mát mẻ, phố phường êm ả, thanh bình lẩn khuất trong sương khói. Trong không gian đó, khất thực là một hành trình bí ẩn ròng rã trao truyền hàng ngàn năm của cố đô Phật giáo.

Mỗi ngày vào lúc 4 giờ sáng, khi phố phường còn chìm đắm trong sương, khi những chú chim núi giật mình tỉnh giấc cất tiếng hót ngái ngủ nhắc muôn loài rằng trời chưa sáng, thì trong các ngôi chùa cổ, các nhà sư đã thức giấc và khóa lễ đầu tiên trong ngày bắt đầu. Rì rầm trong sương xanh tiếng kinh xa vời, tiếng mõ lặng lẽ lỏng lẻo lan tỏa trong không gian u huyền tĩnh lặng.

5 giờ 30 các nhà sư bắt đầu bước qua cửa chùa – hành trình khất thực bắt đầu. Các nhà sư choàng áo ca sa vàng cam rực rỡ, đầu trần, chân đất, chiếc bình bát bằng bạc có dây đeo vai nhưng được cầm trên tay, tuần tự đi theo hàng dọc khoan thai, u ẩn, tĩnh lặng. Người đi đầu bao giờ cũng là vị sự chủ trì của chùa, càng về cuối là những vị sư trẻ. Thực ra rất nhiều vị sư trẻ bởi ở đây trẻ trai khi 10 tuổi được các gia đình gửi vào chùa tu luyện, học tập với ước vọng tu tâm tĩnh dưỡng để báo hiếu cha mẹ. Đến tuổi trưởng thành họ có thể ở lại chùa tiếp tục con đường tu tập Phật giáo, cũng có thể hoàn tục trở về gia đình để làm một công dân bình thường. Những năm tháng sinh sống ở chùa để lại dấu ấn sâu nặng trong nhân cách những người đàn ông Laos.

Dọc con đường khất thực, các thí chủ quỳ gối trên những đệm mỏng trước cổng nhà mình chờ sẵn. Họ bao gồm cả đàn ông, đàn bà, người già, con trẻ. Tất cả phải quỳ vì không ai được đứng cao hơn các nhà sư. Khi dâng lễ, người dâng cúng tuyệt đối không được ngẩng lên nhìn mặt nhà sư. Nhà sư sau khi nhận lễ chắp tay vái tạ và rì rầm đọc một đoạn kinh chúc phúc cho thí chủ thiện tâm, người dâng lễ cũng chấp tay trước ngực và vái chào nhà sư buổi sáng. Đồ cúng dường là xôi nếp, hoa quả, bánh kẹo, có thể có cả những món mặn bởi Phật giáo Tiểu thừa ở đây chỉ kiêng thịt rắn và thịt chó – 2 bảo vật của nhà chùa. Các đồ cúng dường được đựng trong những chiếc âu nhỏ bé, xinh xắn được đan khéo léo bằng mây, tre. Các đồ cúng này trước đây đều được các gia đình tự tay đun nấu, nhưng ngày nay cũng đã xuất hiện những đồ làm sẵn để cúng dường bán ở các cửa hàng chuyên nghiệp. Các đồ cúng dường đều phải là đồ đã được nấu chín, bởi đây chính là bữa ăn của các vị sư.

Sau khi nhận được đồ cúng dường từ những phật dân dọc đường, các nhà sư tiếp tục hành trình khất thực của mình theo tuần tự hàng dọc qua các con phố nhỏ, yên tĩnh bảng lảng khói sương trong nắng sớm mai. Đoàn nhà sư sẽ bắt gặp bên đường những người nghèo, em bé nghèo quỳ sẵn với các thố to chờ các nhà sư bố thí. Các nhà sư lại từ từ chia đồ cúng dường mà mình đã nhận được cho những người nghèo, trẻ đói. Những kẻ chờ xin bố thí sau khi nhận đồ bố thí, trong tư thế quỳ kính cẩn chắp tay vái tạ các nhà sư, các nhà sư lại rì rầm ban cho họ lời kinh thiêng liêng chúc phúc. Cho và nhận, nhận và cho phép biện chứng nhân quả hiện thực sinh động mộc mạc và dung dị nơi đất Phật. Hành trình khất thực thường bắt đầu từ 5 giờ 30 sáng và thường kết thúc trước 12 giờ trưa.

Khi trở về chùa, các nhà sự mới bắt đầu bữa ăn duy nhất trong ngày của mình.

Ngày nay, khách du lịch ngày càng tham gia nhiều vào quá trình khất thực của các nhà sư. Cứ mỗi sáng, rất đông khách du lịch chờ sẵn chiêm ngưỡng đoàn nhà sư khất thực, thậm chí nhiều vị còn muốn trải nghiệm cảm giác cúng dường nên họ đã mua đồ cúng dường được làm sẵn để thực hành nghi thức dâng cúng. Nếu quan sát ta sẽ thấy bên cạnh những người dân bản địa, có không ít “ông tây, bà đầm” cũng quỳ gối dâng đồ cúng dường bên con đường khất thực. Chính sự tham gia của khách du lịch ngày càng nhiều nên thành phố Luang Prabang đã có quy định: Đồ cúng phải được chế biến tại nhà hay mua tại chợ, không mua ở các quán hàng nơi các nhà sư khất thực; Không để đèn flash chụp ảnh hoặc chạy ngang đoàn người khất thực; Không được ngồi trên xe hoặc bất cứ phương tiện nào chạy bám theo đoàn khất thực để quay phim, chụp ảnh; Không được nhìn xuống đoàn khất thực từ trên cao…

Khất thực theo đoàn tuần tự qua các con phố nhỏ yên tĩnh bảng lảng sương sớm trong màu vàng cam rực rỡ là nghi lễ đặc sắc của Luang Prabang, chưa có người nào đến thăm quan và chiêm bái nơi đất Phật này có thể phai mờ hình ảnh vàng rực của các nhà sư khất thực.

Trong sắc vàng bình an khất thực cho và nhận vô cùng dung dị và huyền bí ấy ta ngẫm ra nhiều lẽ trong cõi nhân sinh./.

(Ảnh sưu tầm trên internet)

Share this post

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on print
Share on email

Leave a Reply