THẦY GIÁO VỠ LÒNG CỦA TÔI

Tạp bút Khuất Đẩu

(Văn Việt)

Cho đến giờ tôi cũng chẳng biết thầy tên gì, chỉ nghe trong làng gọi là ông giáo Ba. Ở quê, người ta thường tránh gọi nhau bằng tên thật, chỉ gọi theo thứ hay tên của đứa con đầu.
Sau lễ cúng khai tâm mà tôi được ăn nguyên một cái đầu gà cho sáng óc ra, tôi được cha đặt ngồi trên vai, cõng tới trường. Lúc ấy tôi năm tuổi. Khi ngang qua bụi tre trước nhà, mẹ tôi dặn theo: Coi chừng đụng đầu thằng nhỏ.
Mẹ không dẫn tôi đi, vì mẹ đang cho em bé bú và sợ rằng để đàn bà dẫn đi thì cái học của tôi không được tấn tới lắm. Vậy nên không có cảnh “Mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp”. Cũng không có cảnh “Lá rơi từng chiếc một trên đôi vai những pho tượng trắng” trong vườn Luxembourg.
Nhưng dẫu sao tôi cũng được ngồi trên vai của cha mình để từ trên cao nhìn xuống thấy cái gì cũng lạ. Thấy mình bỗng dưng cao hơn cha một cái đầu. Thấy những đứa bé khác bị người lớn kéo đi lệch bệch, theo sau còn có người cầm roi!
Khi gặp thầy, cha tôi để tôi xuống đất, một tay vẫn đặt trên đầu tôi, một tay vỗ vai thầy, bảo: Dạy giùm thằng nhỏ. Thầy nhìn xuống, ngửa cằm tôi ra, nói, trông nó sáng đấy. Rồi thầy bảo anh trưởng tràng, hơn tôi đến mười tuổi, đưa tôi vào ngồi đầu một cái bàn dài như nắp hòm.
Sau này tôi biết, thầy từng là bạn học của cha tôi. Nhà thầy ở cuối làng, ngày hai buổi thầy đi dạy bằng ngựa. Con ngựa của thầy màu trắng, đẹp và mập hơn những con ngựa kéo xe. Nó được tắm rửa và chải chuốt cẩn thận, nên khi thầy ngồi lên với quần tây và áo sơ mi trắng, trông thầy thật phong nhã. Khi đọc Kiều, nhờ vậy mà tôi hiểu được cảnh “Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng” của chàng Kim. Và sau lưng thầy không chỉ “Một vài thằng con con” mà cả lớp, chạy theo mỗi khi tan trường.
Mặc dù thầy vẫn thường ngăn cấm nhưng cái thú được chạy sau đuôi ngựa không đứa nào chịu bỏ. Cũng như thích chạy theo sau những chiếc xe ô tô, hiếm hoi lắm mới ngang qua làng, mặc dù chỉ để hít bụi và khói xăng.
Tôi không nhớ rõ thầy đã dạy cho tôi những gì ở năm học đầu tiên. Dường như thầy chỉ phóng vào vở mỗi ngày vài chữ, dạy đọc ê a, rồi tập kẽ hàng trên lá chuối cho quen tay trước khi cầm bút có ngòi lá tre chấm vào hũ mực tím. Đứa nào cũng khổ sở vì cái hũ mực ấy, vì nhét bằng cùi bắp nên mực đổ ra nhòe nhoẹt cả trên áo, trên vở.
Chẳng đứa nào mà không ít nhất một lần bị thầy cầm thước khẽ tay hay nhéo tai đau điếng. Những lỗi nặng hơn như phá phách, đánh lộn và nhất là trốn học, bị thầy bắt nằm dài trên bàn, phơi mông ra cho thầy quất năm roi. Cũng có khi thầy bắt quì trên xơ mít vì không thuộc bài!
Đó là những hình phạt dành cho những anh lớp tư, những anh mà chỉ vài năm sau đã lớn phồng được cha mẹ dẫn đi hỏi vợ. Đám cưới nào thầy cũng được mời ngồi trịnh trọng ở phản giữa và được cả hai họ nhà trai nhà gái cung kính vái chào.
Cái oai của thầy khiến ông cha bà mẹ nào cũng bảo: “Thầy cứ đánh giùm tôi, thằng này nó hư lắm!”, mỗi khi thầy có việc đến nhà. Còn học trò thì khỏi nói, chỉ mới nghe tiếng lục lạc ngựa leng keng của thầy là đã đứng nép bên đường, run rẩy cúi đầu chào. Ngay cả khi lấy vợ sinh con mà thấy thầy từ xa cũng phải đứng vòng tay lại như lúc còn đi học.
Nhà thầy đủ ăn đủ mặc, dạy lấy tiếng chứ không phải để lãnh lương. Cho nên, Tết là dịp để học trò đền ơn thầy. Cũng chẳng có chi nhiều, chỉ gói trà, bịch thuốc, sang thì một tấm lịch. Đi Tết cho thầy, gọi là đi mừng tuổi, đứa nào cũng sợ run, cứ thò thụt ngoài cửa ngõ, phải đợi thầy gọi đôi ba lượt mới dám vào.
Thầy ân cần đem bánh mứt ra mời nhưng chẳng đứa nào dám động đến. Thầy khen đứa này có áo mới, đứa khác có quần đẹp, dặn năm mới phải ngoan ngoãn vâng lời ông bà cha mẹ. Rồi khi nghe thầy nói: “Cho thầy gửi lời cảm ơn, thôi các trò đi chơi Tết!”, là chỉ mới ra khỏi ngõ đã ù té chạy.
Chả bù với ngày Nhà Giáo bây giờ. Thầy cô chẳng những đã được lãnh lương, được thưởng mà còn được phụ huynh tặng quà cáp nhiều hơn mức bình thường. Thời bao cấp thì bột ngọt, gạo, đường, sữa. Thời hiện đại hóa thì son phấn vải lụa đắt tiền, điện thoại di động hay iPhone cả chục triệu. Vậy nên cuối năm lớp nào cũng đạt học sinh giỏi, gần như trăm phần trăm. Học trò đến nhà thầy không còn khép nép run sợ nữa mà cười nói tự nhiên, có đứa bảo nóng quá sao không mở quạt máy, thầy!
Thầy thì chỉ đậu Pờ-ri-me thôi, nhưng em trai thầy năm đó đã là ông Tú một. Khi toàn quốc kháng chiến, trường collège Qui Nhơn bị phá sập, thầy cất trường tại nhà cho ông em dạy học. Ông ấy được dượng tôi, dù đã có vợ sinh con vẫn theo học, gọi là thầy giáo Cảnh. Ông thầy này còn oai hơn thầy tôi vì dạy đến cả những người đậu Pờ-ri-me để thi lấy bằng Thành Chung. Ông luôn đeo kính trắng, ngồi chấm bài hay đọc sách bên bàn, trông rất trí thức.
Nhưng chỉ một năm thì trường đóng cửa vì học sinh, nếu không đi bộ đội cũng phải tham gia công tác diệt giặc dốt, tức là đi dạy bình dân học vụ. Thầy cũng nghỉ dạy luôn vì bọn trẻ đều được vào học ở trường cơ bản, từ lớp một cho đến lớp năm. Rồi nghe đâu em thầy bị bệnh lao, thầy phải đưa em ra vùng bị tạm chiếm. Anh em chia tay nhau ở một bến sông nào đó ngoài Hội An, rồi tuyệt tin luôn, chẳng biết còn sống hay đã chết.
Năm tôi học lớp Đồng ấu của thầy, cha tôi bị bệnh thương hàn, mất. Mẹ tôi để em ở nhà, bồng tôi theo sau quan tài, khóc tấm tức. Thầy có đến tiễn đưa, bảo anh ấy mất sớm quá, chị ráng nuôi cháu học.
Từ đó tôi không còn gặp thầy nữa. Tôi cũng không biết thầy làm gì sau khi không dạy học. Chỉ biết, sau khi anh em ông Diệm bị bắn chết thì thầy cũng bị bắn trên bến sông sau nhà. Không phải quân đảo chánh mà là Việt cộng. Bản án nổi dật dờ trên sông ghi là tay sai của Mỹ. Sau 1975, người bắn thầy làm trưởng ban quân quản thôn. Chính ông ấy kể ra cái công lớn đó trong lý lịch của mình. Té ra hai người ở sát cạnh nhà nhau, là anh em nhà chú nhà bác, cùng một ông nội và bà nội.
Điều ân hận của tôi là không biết mộ thầy ở đâu để thắp cho thầy một nén nhang. Thôi thì con viết những dòng này, gửi lên cái mạng ảo, biết đâu trong cõi hư vô Thầy đọc được. Nay con tám mươi tuổi, vẫn nhớ đến Thầy.

Share this post

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on print
Share on email

Leave a Reply