(Bài Tham Khảo)
Trần Đình Sử Nói Về Hoàng Ngọc Hiến
Hoàng Ngọc Hiến là nhà giáo, nhà phê bình văn học, nhà triết luận văn hoá, nhà dịch thuật. Người ta đã biết nhiều về ông với tư cách nhà phê bình văn học mà ít biết về ông như nhà triết luận văn hoá. Về mặt này ông thể hiện một niềm trăn trở khôn nguôi đối với các vấn đề văn hoá Việt Nam hiện đại. Ông vừa từ biệt chúng ta để ra đi vĩnh viễn, nhưng những trăn trở của ông về văn hoá Việt Nam hiện tại đã đặt ra hàng loạt vấn đề hết sức quan trọng và thiết thực mà những ai đang băn khoăn về văn hoá Việt Nam hiện thời không thể bỏ qua. Những trăn trở của ông sẽ còn mãi với văn hoá Việt Nam hôm nay và mai sau.
Hoàng Ngọc Hiến đã viết hàng chục bài báo về văn hoá nói chung cũng như về văn hoá Việt Nam, đặc biệt là bài Sức mạnh văn hoá và sự phát triển của văn minh (trường hợp Việt Nam) (Trong Tác phẩm chọn lọc, nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2008), thể hiện nỗi niềm trăn trở của ông với tư cách là một nhà trí thức có trách nhiệm đối với các vấn đề văn hoá Việt Nam hiện đại. Tôi đã đọc hàng chục, thậm chí hàng trăm công trình lớn nhỏ về văn hoá Việt Nam mà các công trình về văn hoá của Hoàng Ngọc Hiến vẫn có nét rất khác biệt không so sánh được, bởi vì chúng vừa có tính lí thuyết vừa có giá trị thiết thực.
Chúng ta đang bước vào thời kì xây dựng lại nền văn hoá dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hoá kinh tế và tri thức với nhiệm vụ hiện đại hoá đất nước toàn diện, tiếp nhận và cải tạo, đổi mới nhiều giá trị văn hoá phương Tây và cả của chúng ta. Sau cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài nhiều chục năm với sự đối lập gay gắt về ý thức hệ đã để lại rất nhiều ngộ nhận làm trở ngại cho công cuộc xây dựng văn hoá ấy. Niềm trăn trở thiết tha của tác giả là làm sao nâng cao nhận thức, hoá giải các ngộ nhận để phát triển văn hoá dân tộc bền vững lâu dài. Vấn đề lớn nhất thời đại ngày nay là xử lí mối quan hệ văn hóa Đông Tây. Văn hóa phương Đông cố nhiên là độc đáo, cần được bảo tồn, phát huy. Song văn hóa phương Tây là động lực của tiến bộ. Các nước Đông Á, Đông Nam Á, nước nào biết tiếp nhận văn hóa phương Tây đều tiến bộ, còn ai từ chối phương Tây đều lạc hậu thảm hại. Vấn đề lớn thứ hai là văn hóa dân tộc, văn hóa nhân văn. Ở đây Hoàng Ngọc Hiến tổng kết thành 10 ngộ nhận lớn của thời đại, rất đáng cho chúng ta suy nghĩ.
Ngộ nhận thứ nhất là tuyệt đối hoá sự khác biệt giữa các ý thức hệ, giữa phương Đông và phương Tây, giữa các tôn giáo, khẳng định “hòa nhi bất đồng”…mà không thấy sự “đồng nguyên” của chúng ở “luồng nhân bản gốc”, bởi dù khác nhau bao nhiêu giữa chúng vẫn có niềm “quan tâm an sinh và phát triển bền vững” của con người. Cái “luồng nhân bản gốc” ấy là cơ sở để từ xa xưa dân tộc ta đã biết đến thái độ “khoan hoà”(không đơn giản là khoan dung, bởi khoan dung là thuật ngữ của lí thuyết đa nguyên) của các “giáo” (học thuyết). Ngày nay trong bối cảnh hội nhập không chỉ có “tam giáo”, mà có thể là “lục giáo” “thập giáo” hay nhiều hơn nữa, thì khoan hoà là rất cần thiết. Bởi khoan dung là chấp nhận cái khác mình, còn khoan hòa là có sự hấp thu cái hợp lí trong những cái khác. Ngày nay một số kẻ giáo điều hiện đại mượn lời Khổng Tử nói “người quân tử hòa nhi bất đồng” để bày tỏ thái độ đối với hội nhập, thực chất là một kiểu cố thủ trịch thượng giả dối. Trong bối cảnh toàn cầu hoá hôm nay trước văn hóa phương Tây mà “làm ra bộ nạn nhân của phương Tây, và phủ định phương Tây” là lỗi thời.
Ngộ nhận thứ hai là chỉ thấy xung đột văn hoá, xâm lăng văn hoá mà không thấy cộng sinh văn hoá, cơ sở giao lưu các giá trị để các tài năng đột xuất sáng tạo nên các giá trị văn hoá mới của dân tộc như tiếng Việt hiện đại, Thơ Mới, tiểu thuyết 30 – 45…
Ngộ nhận thứ ba là chúng ta hầu như chỉ quan tâm đến độc lập, tự do dân tộc mà chưa quan tâm đầy đủ đến tự do cá nhân, tự do cá tính, tự do phát triển nhân cách nó là cội nguồn của mọi hoạt động sáng tạo.
Ngộ nhận thứ tư là nhiều khi đồng nhất chủ nghĩa cá nhân “đạo đức” (chủ nghĩa vị kỉ mà thời nào cũng đáng ghét) với chủ nghĩa cá nhân “văn hoá”, tức là tinh thần độc lập nội tại của cá nhân, niềm tin vào lẽ phải của mình, ý kiến của mình, giá trị của mình có tác dụng nâng đỡ con người trong mọi hoạt động sáng tạo như là một chủ thể. Sự ngộ nhận ấy là cội nguồn bi kịch trong số phận của không ít nhà văn hoá Việt Nam thời gian tước đây.
Ngộ nhận thứ năm là thiếu một hình thức sở hữu thích đáng làm nền tảng cho tự do cá nhân, điều mà các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác đã khẳng định. Trong điều kiện đó chỉ có mốt thiểu số người nắm độc quyền phát triển, còn đa số bị tước đoạt quyền phát triển, vì chỉ mãi chạy lo cơm áo hằng ngày, hao phí không biết bao tài trí vào chuyện sinh hoạt vật chất.
Ngộ nhận thứ sáu là nặng về coi trọng lập lại pháp luật kỉ cương, những việc ngắn hạn, mà nhẹ quan tâm xây dựng văn hoá lâu dài, mà nhẽ ra cần lấy ngắn nuôi dài thì mới có bền vững.
Ngộ nhận thứ bảy là trong phát triển văn hoá chúng ta chú trọng phát triển văn hoá phong trào, văn hoá cộng đồng ở mặt vĩ mô, mà ít quan tâm văn hoá vi mô ở gia đình, cơ quan, xóm mạc, trong đó đề cao các “phẩm giá cá nhân”, sự tu thân, tạo nên sự tiếp nối bền vững của đời sống cá nhân, gia đình.
Ngộ nhận thứ tám là thường hiểu giao lưu văn hoá Đông Tây một cách hời hợt, hoặc là Âu hoá hoặc là bảo vệ bản sắc dân tộc, mà không thấy sự bổ sung nhau, soi sáng nhau, tạo ra giá trị văn hoá mới. Tác giả nói đến khác biệt cá nhân phương Đông và phương Tây, đến “tình nghĩa” trong ý thức phương Đông, Việt Nam với “nhân quyền” phương Tây, nêu yêu cầu cần “Dân tộc hoá khái niệm nhân quyền”.
Ngộ nhận thứ chín là đối lập hiện đại hoá với dân tộc hoá một cách không lôgích, mà không thấy sự thống nhất của hai mặt đó, trong đó hiện đại hoá chủ yếu là hợp lí hoá và chủ thể hoá, bao gồm chủ thể hoá cá nhân và dân tộc; tính dân tộc do đó chỉ là một mặt cục bộ của tính hiện đại. Có thể nói rằng bản sắc văn hoá dân tộc là do chính những người nghệ sĩ dân tộc tạo ra, Sự bảo đảm quyền tự do sáng tác cho các nghệ sĩ và trường phái nghệ thuật là điều kiện tiên quyết không thể thiéu cho sự phát huy và làm giàu bản sắc dân tộc.
Ngộ nhận thứ mười là trong quan niệm về chủ nghĩa nhân đạo mới ta thường chỉ chú trọng đến nội dung giải phóng con người mà chưa chú trọng tới mặt phát triển tự do cho mỗi người và mọi người. Tác giả phân biệt văn hoá với văn mình, chủ trương mọi hình thức văn minh rồi sẽ bị vượt qua, chỉ có văn hoá –các cách thức tạo ra cuộc sống có ý nghĩa và có giá trị thì mới có sức sống và sức mạnh lâu dài. Các ngộ nhận trên nằm đây đó khá phổ biến trong diễn ngôn xã hội hôm nay.
Niềm trăn trở của Hoàng Ngọc Hiến không chỉ có mấy điểm ấy. Không phải mọi đề xuất, lí giải của tác giả đều đã thấu đáo, không có gì bàn cãi nữa, thậm chí có những chỗ bản thân tác giả cũng có ngộ nhận rõ ràng. Nhưng đây không phải lúc thảo luận. Đây là lúc ghi nhận một bầu tâm huyết, những trăn trở khôn nguôi trước nhiều vấn đề liên quan đến vận mệnh của văn hoá dân tộc. Qua những trăn trở này ta thấy Hoàng Ngọc Hiến là một con người đầy thiện chí xây dựng, một người trong cuộc phản tỉnh những gì đã từng trải và đề xuất thẳng thắn các suy nghĩ của mình để mọi người có trách nhiệm cùng suy nghĩ và hành động. Có thể coi đó là những vấn đề cuối cùng ông gửi lại cho chúng ta trước lúc đi xa về phương diện văn hoá dân tộc.
GS Trần Đình Sử
(photo by Nguyễn Đặng Mừng: Nguyễn Thế Hoàng Linh- Dương V Tường, Hoàng Ngọc Hiến, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Đức Tùng, Bảo Ninh. Hồ Tây.)
No related posts.