BỐN MƯƠI NĂM THƠ VIỆT HẢI NGOẠI: Nguyễn Thị Hoàng Bắc

Tên thật và cũng là bút hiệu, sinh ở Thị Nghè, Gia Định, lớn lên, đi học ở Saigon, Nha Trang. Học xong Đại học Sư Phạm Sài Gòn, đi dạy các trường trung học ở Việt Nam.
Định cư ở Mỹ từ năm 1986. Nhà giáo (đã nghỉ hưu) của Học viện Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Hoa kỳ.
Thơ đã đăng ở Hợp Lưu, Tạp chí Thơ, Da Màu, Thế Kỷ 21 (Mỹ); Tiền Vệ (Úc); Sáng Tạo (Canada); Văn Việt (Việt Nam).
Tham gia trong các tuyển tập: 26 Nhà Thơ Việt Nam Đương Đại (Tân Thư xuất bản, California, USA, 2002), Thơ Đến Từ Đâu (phỏng vấn, Nguyễn Đức Tùng, Lao Động xuất bản, Hà Nội, 2010), Bombay Gin 32 (The Napora Press xuất bản, 2006, do Đinh Linh tuyển dịch sang Anh ngữ).

*
Nguyễn Thị Hoàng Bắc là một trong những tác giả khởi viết rất sớm ở hải ngoại, cả trong văn xuôi lẫn trong thơ, và đến nay vẫn viết. Bên cạnh văn xuôi, thơ chị, ngay từ những bài đầu tiên, đã bộc lộ khuynh hướng cách tân nghệ thuật.
Một trong những chủ đề của thơ là tình yêu bị đánh mất, quê hương bỏ lại, sự nuối tiếc, sự thức tỉnh, sự trở lại và ra đi. Đó là một loại thơ kết hợp nhiều yếu tố đôi khi rất khác biệt: hoài niệm và suy tư, trữ tình và phản kháng, nữ quyền và công dân.
Nguyễn Thị Hoàng Bắc là người quan sát nhẫn nại các xung đột nội tâm, và không ngừng đi tìm sự thật ở vùng biên giới của xã hội hiện tại và lịch sử, của tình yêu và các quy ước xã hội.
Vào giây phút kịch tính nhất của bài thơ, thơ chị đầy vẻ hồn nhiên, ngẫu hứng, thể hiện thành công ý thức lịch sử và tâm thức của một người Việt lưu vong, với cảm giác vừa thảnh thơi vừa xao xuyến, hài hước mà đằm thắm, trí thức nhưng dân dã, sắc bén mà vẫn nhân hậu.

TRƯỚC GIÓ
khi israel palestine đang nguy cơ chiến tranh thế giới
tôi hoà bình
khi biết quan hệ chúng tôi thật ra là giả
tôi nói với người ấy
về cái án tù treo
(lơ lửng miếng thịt đỏ lòm hàng thịt treo tòng teng nhỏ máu)
ba giờ ở sở về ở chợ về đi ngoài đường về tôi mở cửa lách mình ló đầu vào
vừa vặn thay đồ vừa liếc nhìn điện thoại
đèn đỏ bất động đèn xanh yên lặng
máy nhựa co hai đầu thản nhiên
bướng bỉnh
kim nhựa đồng hồ đen nhấp nháy
người đó nói cái đầu tôi còn rắn hơn nhựa đen gấp mấy
(thời hạn thịt treo trước gió)
kim đồng hồ mấp máy
(đầu đen máu đỏ)
chín hai mươi chín ba mươi pi-em
năm mười mười lăm hai mươi
bống bống bang bang
đi ăn đi chơi đi ngủ đi nằm đi làm lặp lại
trật tự bình thường tái lập
(tòng teng trước gió)
sao không bận tâm hỏi thầm giờ này lúc này ai đang làm gì nghĩ gì
về đâu đó
palestine nguy cơ chiến tranh
chấp cánh tôi vuột mất hoà bình
khai chiến
không khoẻ re nhưng có vẻ dễ chịu hơn nỗi sợ hãi
khi nằm gối đầu lên cánh tay mềm nhão người đàn ông
lúc một mình tự hỏi
hắn nghĩ gì mình nghĩ gì thăm thẳm
trong tấm gương trái tim sầu thấy mặt mình mặt vợ con người
có giống chim bay cao có loài bay thấp
tuy một bầu trời
thế giới âu ca chĩu nặng hoà bình
không phải tôi không biết yêu tôi yêu người yêu hoà bình
lượng sức mình
đầu thiên niên kỷ mới
lớn tiếng át bài chủ lớn tiếng đọc
chiếu dời đô
tuyên chiến
phải dời đô
phải chiến tranh để có hoà bình
(đèn treo trước gió)

ẤN TƯỢNG HÀ NỘI
giữa mái nhà đám dù san sát lô nhô thế kia
tôi tìm đâu ra sự thật
chiều nào cũng là chiều rashomon
những con chim mắt cứ mãi đứng tròng
chiều hà nội dữ dội
thác đổ ầm trên nóc nhà tôn
khúc nhạc hàm răng lồi khấp khểnh
lỗ chỗ nhựa thuốc lào
phòng nhà ai ở trên cao như mắt hải đăng chiếu thẳng vào phòng tôi rùng rợn
tối qua một vụ trộm
sáng nay công an đến lấy biên bản điều tra định tội
hà nội không gì phải vội
hà nội lại mưa dữ dội
tay công an nói chuyện có duyên nói người viết biên bản hôm nay nghỉ phép
không ai có quyền gì lấy quyền gì ở đây ai có quyền gì ai không có quyền gì
cấp bản sao điều tra
tù mù khó biết
không có bản sao điều tra
tôi trở về nước nào là nước tôi với tên trộm vô tội
tôi chỉ đến chơi đất nước này chứ không ở
tôi chỉ đến rồi về
khách đến khách đi khách chơi tiếp rước chính diện phản diện quan hệ xa gần luật lệ
hà nội lại lụt lội
mưa rashomon mái nhà lỗ chổ khói thuốc rỉ sét tên trộm nằm vùng kiếm sĩ công an
duyên dáng biên bản
ấn tượng thật không tệ

KHÚC CẢI LƯƠNG
đời mình thật quả đã đến khúc cải lương
sân ga bến tàu đón đưa
chuyến về chuyến chạy
(chuyến chạy nhiều hơn chuyến về)
những đứa con
chạy vạy
con tàu rầm rập
những vẫy tay sập cửa ồn ào
(rối rít rượt)
phải vượt đại dương tìm bến lạ
phải lên đường
phải thản nhiên bình tâm vô tâm cắt đứt vứt bỏ
lại
phải con tàu hải phận không phận phi cơ
thân phận đất nước thành phố có tên chưa tên và không tên
phải rời bến hú còi nhổ neo
không chỉ là
những bờ bến bình yên
đưa đón tiễn con
lơ đãng kiếm tìm bịn rịn
bây giờ tôi lặp lại điệp khúc hệt mẹ xưa
hát khúc đơn ca
bến tàu cải lương sân ga

NGƯỜI ĐÀN ÔNG XƯA ƠI
Người đàn ông xưa ơi
Ðã bán mình tất nhiên cho một người đàn bà khác
Cái giá năm chục ngàn đồng buôn vừa vốn sát đồng nát
Tiết lộ nhé bí mật nhà băng ngân hàng tôi nhà nước
Quỹ tiết kiệm giờ có hơn trăm ngàn
Tính giá cũ đã có thể mua được
Hai gã
Đem bỏ vào lồng ta xách đi chơi*
Nói đổ xuống sông rồi xuống biển
Giả dụ người đàn ông xưa trở lại
Miệng láo liêng nói muốn tháo củi sổ lồng cũ để trở lại vào lồng mới
Tôi còn muốn mua không
Băn khoăn ở cấp độ đàn bà quen đi chợ mua hàng cắt xén bớt thêm trả giá
Tung tiền mua trai đẹp và hiện đại
Phải học tập cò kè hơn Mã Giám Sinh
3 đồng một chục*
Chưa thể xuất sắc đàng điếm bất nhân
Dạn dĩ đứng lên
Vung tay vung tiền thở dài dứt khoát
Học tập bần tiện cò kè
Nếu không may lúc này cùng một lúc có hai người đàn ông tự xuất hiện tự rao bán
Thấu suốt tinh thần cò kè học tập
Bớt một thêm hai hồi lâu ngã giá*
Tôi không mua cả hai


  • “Ba đồng một chục đàn ông, ta mua ta bỏ vào lồng ta xách đi chơi” (ca dao)
  • “Cò kè bớt một thêm hai, Hồi lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm” (Kiều)

CỔ TÍCH
Đôi khi nhớ nhau
Cụm lau phơ phất
Quặn thắt
Bên đường tàu
Máy dầu xình xịch
Đôi khi nhớ thắt
Bỗng nhiên
Cành cây ven rừng
Thò tay quẹt mặt
Ngày ấy
Chạm nhẹ tay vào chéo áo
Gió thổi
Phù phù
Phù phù
Qua ô cửa sổ
Đưa hết mặt ra hứng gió
Vết bầm đau
Chuyến tàu xuôi bắc về nam lúc ấy
Rầm rầm
Có hàng lau lâm thâm
Có bàn tay gẫy khô rồi mọc lại
Ôi trời
Cổ tích
Xa xăm

KỶ NIỆM ĐÀ-LẠT

  1. Suốt mùa năm đó
    trò chơi mỗi ngày mình tôi và chị em con Nướng
    chỉ một trò lập đi lập lại
    móc đất sét nhào nước nắn nồi nắn tô chén
    đem phơi đập bể
    lại móc đất sét nhão nước nắn nhồi
    đem phơi rồi đập bể
  2. Mỗi buổi chiều
    chúng tôi lóng tai chờ giọng kêu bác Khưu gái lanh lảnh vang
    vọng từ bên kia suối
    Nem Nướng Nem Chua Nem Chạo… Bình Diệu.. .ơi… ới… về .. .cơm… ơ… m… ơ… m…
    Vài buổi chiều xám ngắt
    thông rùng mình tím mặt
    bác gái thình lình tất tả ở đâu chạy ra
    tóc tai rũ mặt cầm chai không cuống quít chạy sang bên nay suối
    văng vẳng tiếng đuổi theo
    mẹ cha tiên sư con đĩ bố
    không có diệu ông về ông chết mâm cơm với mẹ con mày
    ba đứa con gái vùng đứng lên
    kiên cường dúi thằng Bình Diệu xuống suối rửa mặt rửa tay chân phủi sạch quần áo
    lúc thúc nối đuôi mẹ rồng rắn chạy quán kiếm rượu cho bố
    về
  3. Dạo đó
    tôi lủi thủi chơi một mình nếu không có tụi nó
    nhà chúng tôi ở cạnh nhau khu cư xá hoả xa
    ba tôi xếp-tranh bố Khưu thợ phụ xúc than
    Ðà-lạt
    bác Khưu gái bất kể nắng mưa
    mồ hôi gạt trán nám
    bãi bờ ngày đêm
    lê-ghim
    rờn xanh
    bát ngát
  4. Nướng Chạo Chua Bình Diệu
    ba tao mất rồi
    ga đóng cửa
    Ðà-lạt dập dờn gió đập cửa ỉm im
    ga lịch sử đi vào hạng mục di tích quốc gia
    mất tiếng còi sương vọng xa
    công nhân viên chức cán bộ cấp cao thấp
    đại diện đại gia đa dại dân đen dân oan dân quèn buôn lậu bon chen chân trong ngoài
    việt kiều yêu nước không yêu nước bán nước
    chia lìa từ dạo ấy
    tụi mày thuộc loại nào
    giờ ở đâu
    mùa hè tao nhớ

HAI BÀ CỠI VOI
Một ngày lo áo quần người ngợm mặt
mũi. Một ngày đi bơi, một ngày chạy khoẻ
rông ngoài trời. Ngày đi chơi ngày đi
làm ngày trùm mền. Làm để
có tiền sống sống để làm. Chơi
tự bồi dưỡng (để mà làm) làm để
có tiền đi chơi. Ðời sống tôi phân
chia công bình hợp lý tuỳ phận
hơn tuỳ ý. Khi có bịnh tôi ráng
làm có tiền cúng bác sĩ. Để
khoẻ ra lại ngất ngư lay lắt vì tiền.
Các cấp lớn nhỏ sở làm. Mệt khoẻ
mệt nhoài nồi cháo sôi lộn xộn.
Triều lên cơ hội bơi lên lên voi
triều xuống chắc ăn lăn xuống chó.
Ngẫm nghĩ tôi làm chó chạy rông đời
nhiều hơn được cỡi voi. Như Hai Bà.
Làm Hai Bà. Hai Bà ơi không khéo
lụy cái thằng nài.

TRĂM HỌ CHỚ CÓ BUỒN
con tằm mãi sao chưa chín đỏ
ngày nặng mây ngợp thở
gió chướng nhan nhản ngáp
sáng chiều nào cũng thổi
bạ gì xúc xiểm nấy
thấy gì cũng hùa theo
mưa
quét một trận sáng tối sạch lềnh bềnh ra rác
lời khen bao giờ cũng êm ái
tất nhiên lẽ thường đồng đều
em bé nhi đồng bô lão trẻ già gái trai mập ốm lớn nhỏ tu sĩ thi nhân nhất sĩ nhì nông
kẹo ngọt dễ ăn hơn kẹo đồng
phe mưng mủ gào lên bênh phe u xơ ác tính
gió ủ ê hùa rì rào giả thiệt vô tình ác ý khen chê
thích êm tai
nhổ nhổ nhai nhai
rù rì lời khen tặng
vuốt ve mềm mại bùi tai
tất nhiên phải xắn quần vắt áo xông mương rẽ nước
bương theo đám đông đỏ mặt to mồm
hễ hả hoà tan sóng sau kề sóng trước
cám ơn các đồng chí nối bước đồng loại đồng bào đồng hương đồng nghiệp đồng tính đồng tình
đồng sinh cộng tử
điều tôi lanh chanh ước ao khao khát nghĩ
điều tôi muốn nghĩ
điều nghĩ chưa ra
điều muốn nói
từ chối kèn đồng tù và thổi to một điệu
từ chối cất giọng rỗng rống theo đuôi
từ chối làm dâu trăm họ
uể oải đồng phục trẻ mồ côi
trăm họ chớ buồn tôi

Share this post

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on print
Share on email

Leave a Reply