Nguyễn Đức Tùng thực hiện
Nguyễn Đức Tùng:
thình lình
tiếng trống nghinh hôn vang lên
một hồi trống trận
đã đến giờ rước dâu
rồi sao
sơn cùng thủy tận
tôi sẽ làm gì với thằng người đàn ông ấy
và
nó sẽ làm gì tôi
…
Tôi và thằng người hình nhân ấy
tiếng trống dang tay
đối mặt nhìn nhau
so găng thật ngầu
(“Nghinh hôn” )
Thưa chị, đọc bài thơ này, tôi có ấn tượng chị là người hài hước. Vậy xin phép được hỏi một câu hỏi vui: Chị bắt đầu “so găng” với đàn ông từ bao giờ?
Nguyễn Thị Hoàng Bắc: Câu hỏi này nên hiểu thế nào nhỉ? Và có nên liệt vào loại personal không? Nhẹ nhàng nhất, tôi hiểu yêu cũng là so găng đấy chứ. Tôi giống bà già, ưa nói chuyện xưa tích cũ: chẳng phải Khổng Minh-Chu Du đã so găng trí tuệ thật ngầu với nhau đó sao? Thế nhưng chọc cho Chu Du tức hộc máu ra mà chết rồi, Khổng Minh sau đó đã phải làm ai điếu khóc hu hu. Nếu bạn đồng ý so găng là yêu thì chuyện yêu đương rắc rối của tôi đã bắt đầu từ cái thời xa lơ xa lắc lắm, nhưng không phải với đàn ông, mà là với một thằng bé 8 tuổi khi tôi 7 tuổi! Nhớ lại, lúc đó chúng tôi cũng so găng thơ mộng chán: tối tối, tôi bị má “nhốt” trong nhà đi ngủ sớm để mai đi học thì Xoa (François – ba nó dân Tây nên các con đều có tên Tây – thí dụ anh nó là Xên, Michel, anh lớn nữa là Tôn, Antoine…,) Xoa đeo tòng teng trong cửa sổ ngó qua, tôi vô tư hơn nên ngủ thẳng một lèo… Trò chơi của chúng tôi, náo động thì chia phe đánh trận giả, nó luôn làm tướng và luôn chỉ tôi làm phó tướng, lúc nào cũng phải đứng sau lưng nó; khi chơi rồng rắn, Xoa làm đầu rắn thì nhất định bắt tôi phải đứng kế nó và ôm sát nó nữa. Khi tụi bạn đi ngủ hay đi đâu hết, nếu chỉ có mình tôi với Xoa “sổng chuồng” được thức khuya vì ba má có khách hay sao đó thì tôi bắt nó phải hộ tống tôi ra đầu hẻm đứng coi… chó lục thùng rác! Theo anh, vậy là so găng hay không so găng? Tôi chỉ nghiệm thấy “mối tình” của tôi với François lúc đó đã ảnh hưởng rất nhiều đến “vô thức” tìm bạn trai của tôi sau này, khi tôi lớn! Nhưng cũng chưa… ăn thua gì, bây giờ mẹ tôi vẫn nhắc và tiếc “người tình 4 tuổi” khác của tôi! Hồi đó, gia đình tôi hồi cư từ bưng về Sài Gòn, được gia đình người bạn ba má cho đến ở chung nhà ở xóm Bàn Cờ và “người bạn trai 4 tuổi” của tôi là con ông chủ nhà. Sau này lớn lên, tôi với anh ấy gặp lại, chúng tôi nối lại cuộc tình 4 tuổi một thời gian, rồi thôi. Nghĩ lại, có lẽ lúc đó chúng tôi so găng dữ dội quá, cả hai lại trẻ con, không ai chịu nhường ai, nên… cháy võ đài!
Nguyễn Đức Tùng: Vào giây phút im lặng sâu xa nhất, được sống với chính tâm hồn mình, bài thơ nào của mình mà chị nhớ đến, hay muốn đọc cho mình nghe?
Nguyễn Thị Hoàng Bắc: Giây phút mà anh mô tả đó là sống chứ, và khi sống thì ai mà lại ông ổng hay khe khẽ đọc thơ? Lúc tôi vượt biên đến đảo Hồng Kông, trong trại, có một anh hay làm thơ. Hễ cứ trời mưa lâm râm (ướt dầm bụi hẹ) thì chàng hay ra đứng dưới mưa ướt mèm để mần thơ. (Là tôi nghe thiên hạ trong trại kháo nhau vậy, chứ hạng người thường như tôi, thấy mưa là ôm đầu mau chạy và la hét mấy đứa con nít chớ có dầm mưa mà bịnh chết chaở trại không có thuốc đâu nghen, chưa bao giờ được chàng này cho nghe thơ). Tôi mần thơ thì âm thầm lẻ loi và một mình lắm. Cũng có thể mặt mày lúc đó đau khổ hay hạnh phúc xấu xí quá chừng. Cũng có những đêm trong giấc ngủ, có một bài thơ mà trong mơ tôi nghĩ là rất hay nhưng mê ngủ, tôi chẳng thể giật mình thức dậy được. Sáng ra, nhớ lơ mơ, cố tái hiện ý thơ thì thấy nó rất… ẹ, thế là lại quên nó đi luôn.
Tôi vẫn nhớ một chuyện vui rất nghịch ngợm của Đỗ Kh. kể (là một chuyện thật): ông nhạc sĩ Phạm Duy sang ở chơi nhà một người bạn ở Pháp, nửa đêm về sáng lên cơn hứng âm nhạc, ổng lấy đàn ra đánh đập xèng xèng, rứa là cả nhà hết ngủ luôn. Chúng tôi còn diễn nghĩa thêm: may mà tụi nhà zăng nhà thơ khi nổi hứng thì chỉ lấy cây viết ra mà cạo cạo, cùng lắm là rên rỉ ư ử thôi, chứ gặp bọn nhạc sĩ là… đời mình tàn.
Nói vậy không có nghĩa là thơ thì không cần nhạc. Cần chứ, nhưng là một thứ nhạc khótrình diễn chung chung.
Cũng có người mê thơ mình lắm, thích ngâm ngợi như anh nói nhưng tôi thì… e thẹn. Ai đọc thơ tôi to tiếng thì tôi… độn thổ, làm gì có chuyện tôi tự đọc thơ tôi? Có lần ở trong nước, thời còn phải đi học tập chính trị ở trường, một cô giáo lên ngâm bài “Quê hương” của nhà thơ G.N với sự hiện diện của G.N. trong đám khán giả. Tôi ngồi gần trố mắt nhìn nhà thơ (chúng tôi lúc đó rất tệ, gọi G.N là Giang Mai, và tên lóng là Syphilis); lúc đó mặt nhà thơ cứ thuỗn ra trông rất khó coi, lại còn khi đỏ khi xanh như tắc kè nữa mới ghê, tôi còn nhớ rõ, những lúc xúc động (đậy) quá, ổng còn lấy tay bịt cả miệng. Tôi phát run giùm ổng…
Lúc tự thú phải là lúc một mình.
Nguyễn Đức Tùng: Mặc dù “mặt” nhà thơ có thể khi đỏ khi xanh như chị hồi tưởng, chị có đồng ý rằng về mặt thẩm mỹ , bài thơ “Quê hương” là một bài thơ hay và xúc động hay không?
Nguyễn Thị Hoàng Bắc: Tôi hiểu là anh… bắt bẻ tôi, cho rằng vì thiên kiến với nhà thơ mà tôi đâm ra bất công với bài thơ “Quê hương” phải không? You bet. Tôi nhận lỗi này. Mea culpa. Nhưng anh tha lỗi cho, lúc đó tôi đang chán đến tận cùng bằng số vì tất cả sự đổi đời quái đản giai đoạn sau tháng 4/ 1975. Bụng dạ đâu mà nghĩ đến thẩm mỹ với nghệ thuật! Thẩm mỹ ở đâu cơ chứ khi mà người ta thúc dân ra cắm dây cho khoai lang bò lê bò lết giữa lề đường đi? Ngay giữa ngã ba ngã tư khu phố nhà tôi, bỗng đâu chình ình dựng lên một cái chòi tranh (lợp bằng lá tranh đàng hoàng chớ không phải ngoa ngữ đâu), ông công an thì đứng dưới, cầm cái dùi chỉ qua chỉ lại, trong khi đèn xanh đèn đỏ được thiết kế trước đó lại… cho tắt ngúm! Còn nghệ thuật ư? Tôi bị… lùa đi xem phim của Hãng phim Giải Phóng với cái máy quay phim kêu xè xè điếc cả óc và chiếu trên một tấm màn trắng lung lay trước gíó. Nhưng ghê nhất là cái giọng thuyết minh, một người đọc một lèo tất cả, từ lời thoại trai gái già trẻ lớn bé cho tới lời dẫn phim! Năm 2003, tôi về Việt Nam, hôm đi xem phim The Quiet American, (có cả Thận Nhiên cùng đi), tôi vẫn phải nghe thuyết minh… leo lẻo. Chuyện rùng rợn thời ấy kể mấy cho hết! Nhớ có lần thời ấy, tôi và một người bạn đang đạp xe song song nói chuyện thì hoét một cái, ông công an bắt dừng lại và… bắt chúng tôi… vòng tay nói xin lỗi ổng (sic, tôi không đùa hay bịa chuyện đâu!) vì đi song song là vi phạm luật đi đường. Tất nhiên là bạn tôi so găng với ổng, v.v và v.v…
Nguyễn Đức Tùng: Người ta có thể tách khuynh hướng chính trị và triết học ra khỏi một văn bản và đọc nó như một văn bản thuần túy nghệ thuật được chăng?
Nguyễn Thị Hoàng Bắc: Câu hỏi khó đấy! Đọc dưới ánh sáng này, ánh sáng nọ thì sẽ có một văn bản méo mó, đọc văn bản một mình nó thì có thể lại thấy thòi ra những ảnh hưởng chính trị và triết học, v.v… Tôi không đăng đàn lập thuyết gì đâu, đó là việc chuyên môn của các nhà nghiên cứu phê bình. Với tư cách một độc giả, tôi đọc một văn bản như-nó-đã-là với tất cả giá trị nghệ thuật và tất nhiên, những lớp áo biến ảo màu mè của chính trị và triết học. Dưới hay trên, trong hay ngoài, người đọc nhận ra hay không, ý thức hay vô thức,… cách đọc nào cũng mang tính chủ quan nhất định. Một con cá nằm trên thớt giữa chợ, mỗi ông/bà nội trợ đi chợ đều có cả hai cách đánh giá chung và riêng. Cách đánh giá chung dựa trên những tiêu chí phổ biến (cá này tươi, cá này ngon, cá này giá phải chăng) còn cách đánh giá riêng, hỡi ôi, mới thật là… ác liệt, thôi thì đủ loại tiêu chí, lý do (cá này ông xã/bà xã mình không thích, lúc nhỏ má mình vẫn nấu cá này cho ăn mỗi ngày, quê mình cá này quý hiếm lắm, lần đầu tiên mình được thưởng thức món cá này ở…)
Vậy, câu trả lời của tôi là: được, và sẽ có thể chưa đầy đủ, đồng thời: không, và coi chừng bị méo mó. Cực đoan, triệt để thường có hạn chế. Trung dung thì cù lần. Vậy, ta hoà hợp hoà giải, vừa tùy cơ ứng biến vừa đề cao cảnh giác nhé?
Nguyễn Đức Tùng: Đọc đoạn mô tả trên của chị, nhiều người có thể đoán là chị viết văn hay lắm. Thật ra, nhắc đến Nguyễn Thị Hoàng Bắc, ai cũng nhớ tập truyện Long lanh hạt bụi (1988) từng chiếu sáng long lanh trên văn đàn hải ngoại nhiều năm. Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng Bắc có trước hay nhà thơ Nguyễn Thị Hoàng Bắc có trước?
Nguyễn Thị Hoàng Bắc: Cám ơn anh! Nhưng Nguyễn Đức Tùng là ai vậy, sao khi thì mềm mỏng tử tế, khi thì hỏi rất ác liệt?
Không hiểu tại sao nhiều người cũng có câu trả lời như tôi: tập tành làm vè trước rồi mới ziết zăng sau. Nói một cách đứng đắn thì thơ tôi xuất hiện trước công chúng trước văn của tôi. Ở mục “Vuờn thơ” do ông Kiên Giang phụ trách trên báo Điện Tín, vào khoảng năm 1970. Đó là một bài thơ dài nói về ba má tôi nhưng lại là một bài thơ triết lý và chính trị. Thời đó, Ban kiểm duyệt ở miền Nam cũng xoá bỏ và buộc để trắng rất nhiều dòng… Còn nhớ lõm bõm mấy câu, chẳng hạn như:
… sợ lạc hồn
vào đêm tối
con nhìn lên
vầng trán những đuờng gân
bàn tay khẳng khiu
muốn khóc khi nhìn gần
mắt xa lạ
những đường gân máu đỏ
bàn tay ấy
đôi mắt nhìn
ngày đó
sáng lung linh bừng sức sống dị thường
bước vào đời bằng những bước mạnh
nặng tình thương
bàn tay dũng mãnh
ba nâng hồn kháng chiến…
Ít ra, đó là bài thơ đầu tiên của tôi được công bố và tôi còn được in cả ảnh lên báo. Đó cũng là bài thơ lần đầu tiên tôi cả gan chép tay như một món quà Tết để tặng ba má mình từ năm 1958 và bài thơ đó, ít ra, đã làm ba tôi mất ngủ nguyên một đêm. Thơ làm cho con gái đầu lòng của tôi sinh năm 1970 cũng công bố trên “Vườn thơ” của ông Kiên Giang:
… Ngày trôi trong cơn gió khô
Chiều nay biển sóng nhấp nhô con tàu
Lòng me tâm sự nát nhàu
Gượng cười vuốt mái tóc màu trẻ thơ
Mẹ xin làm kiếp bơ vơ
Ngồi bên con để lắng nghe giọng cười…
Còn thơ tình, ôi chao, trong những năm ở đại học, tôi làm cả tập, chép trên giấy pelure tím có ép cả bông giấy, bông ngọc lan… đàng hoàng để tặng một người tình, tới khi người tình đi lấy vợ, không hiểu sao, hắn cuỗm luôn tập thơ tôi theo luôn! Nói cho vui thế thôi, chứ có lẽ hắn thấy đấy chỉ là thứ thơ thẩn vào ra nên chắc hẳn đã quẳng vào thùng rác từ lâu rồi.
Nói chung, có bài tự nhiên nhớ lõm bõm, có bài làm rồi, không nhớ được nhiều, và nhớ một hai câu thì không thể là bài thơ!
Ra nước ngoài, bài thơ đầu tiên tôi đăng trên Làng Văn ở Canada, khoảng 1984 là bài lục bát “Qua mùa đông dọn lò sưởi”:
Nhóm chi nữa đóm lửa tàn
Dẫu trăm ngàn quạt tro than nguội rồi…
Truyện đầu tiên không phải là đầu tay đăng trên báo Văn Học do anh Nguyễn Mộng Giác điều hành là truyện “Mặt trận dài”, năm 1984, viết ở thời điểm tôi cùng các con đang sống trong trại tị nạn (trại cấm Chimawan Hồng Kông).
Viết văn, làm thơ thì cũng ngẫu hứng thôi. Trần Vũ viết truyện ngắn, truyện dài, nghiên cứu lung tung thì vẫn than với tôi, sao mà Vũ không làm thơ được. Thận Nhiên thời chỉ chuyên làm thơ có lần nhạo tôi là chị tôi hai tay cầm hai cái kiếm. Ý hắn nói tôi tham lam chăng? Nhưng kể từ khi Nhiên về Việt Nam, ngoài chuyện mần thơ, hắn cũng viết báo, viết ký loạn cả lên. Giờ thì hắn hết dám chọc tôi…
Nguyễn Đức Tùng: Tôi không tin là “người xưa” đã quẳng tập thơ của chị “vào thùng rác”. Có thể là anh ấy đang cất giấu nó ở một chỗ kín đáo nào đó chăng? Nhưng xin trở lại với câu hỏi dự định ban đầu. Tôi không thấy chị có thơ tình, vậy, gần đây, chị có viết thơ tình không?
Nguyễn Thị Hoàng Bắc: Có chứ! Nếu không tin, anh hãy vào website www.trinhnu.com, sẽ thấy có nhiều bài thơ tình của tôi được một bạn trong nước phổ nhạc đấy. Tống Hữu Hạnh tình cờ đọc bài “Hoa & lửa” mở đầu bằng mấy câu êm ru:“Trong đêm về lặng lẽ/ Đoá quỳnh nở hoa/ Hoa đêm/ Hoa hạnh phúc mãn khai/ Ấm áp bầu trời/ Thầm lặng tôi yêu người…” đăng ở Tạp chí Thơ, có hứng phổ nhạc và qua Khế Iêm gửi tặng tôi. Nhưng cái thời ấy đã qua, về sau này, tôi tự thấy thơ tôi trần trụi, xù xì quá, không có tứ đẹp, lời đẹp để phổ nhạc được, may ra thì chỉ làm được lời cho nhạc rap!
Nguyễn Đức Tùng: Chị không làm thơ nữa, có được không?
Nguyễn Thị Hoàng Bắc: Sao anh lại hỏi vậy nhỉ? Ở đây, không thấy ai cấm tôi làm thơ, cũng không ai bảo tôi làm thơ, và khổ nỗi cũng không ai đặt hàng thơ, nên không đặt vấn đề suy nghĩ về câu hỏi ấy.
Lúc còn trong nước, tôi thất nghiệp dài dài vì là cô giáo mất dạy, tôi lăn lóc nhiều nghề: làm rẫy, chợ trời, v.v…, vậy mà vẫn lén lút làm thơ đấy chứ. Cả hai tập thơ viết tay lén, giấu dưới lát giường, sau đó, khi vượt biên thì mất tiêu luôn. Còn nhớ mấy câu tức cảnh lúc làm rẫy như là: “cỏ lên cùng với khoai lang/ bởi tay cầm bút đổi sang cầm cày/ buổi chiều không tiếng diều bay/ nghe loa thúc thuế vang đầy trong sân…” Lúc đó là những năm 77-78, nếu công an mà chộp được thì tôi cũng đi tù như chơi. Nhưng không viết được cho mình tự đọc như một dạng nhật ký thì đau buồn lắm, sống dở chết dở.
Trước đó, khoảng 1977, lúc còn đang dạy ở trường Hoàng Văn Thụ, Nha Trang, có một cái hoạ thi ca mà tôi vẫn nhớ. Một em học sinh lớp 10 nổi hứng viết và khắc mấy câu thơ lên bàn học trong lớp:
Không muốn ngồi yên để đợi trông
Thích làm Từ Hải giữa muôn lòng.
Cộng lại những gì trong quá khứ,
Sản khoái trong lòng thoả ước mong
Anh đừng chữa lỗi chính tả chữ sảng. Tất nhiên, học sinh miền Nam thường không phát âm rõ được âm cuối sản với sảng nên viết sai là thường nhưng ý đồ của em ấy là: nếu ghép 4 từ đầu ở các câu lại sẽ thành cụm từ: không thích cộng sản. Đó là thời điểm 75-77, lũ giáo viênlưu dung (“giữ lại để dùng” – từ cán bộ lãnh đạo thời đó dùng chỉ các giáo viên nguỵ cũ còn được giữ lại làm việc ở các trường miền Nam) chúng tôi vừa dạy vừa run. Ở cái thời khủng bố trắng không giấu giếm ấy, chắc anh đoán được số phận tác giả bài thơ trên thế nào rồi. Chỉ là một phút bốc đồng thanh niên nhưng chuyện đó đã biến thành một sự việc nghiêm trọng, giống như vụ án con trai Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành thời Gia Long. Có người đã báo cáo vụ việc này và tất nhiên, em học sinh đó bị đuổi học, bị bắt và bị công an điều tra hành hung tàn bạo lắm. Tôi và một cô giáo đồng nghiệp khác (hiện giờ sống ở Canada) đã cố hết sức giúp em: hai chúng tôi đứng trước cửa lớp giờ tan học che cho một cô giáo khác lấy dao cố cạo cho hết những nét khắc sâu vào gỗ của bài thơ nhưng có người đã nhanh tay sao chép, gửi đi cho công an. Nét khắc còn lờ mờ nhưng vẫn là bằng cớ, biết làm sao! Năm 2003, lần đầu tiên tôi về lại Nha Trang tìm lại cô giáo đã cạo bàn hồi đó, mới hay cô đã mất vì ung thư lâu rồi! Sau vụ ấy, tôi cũng phải vào tù vì vượt biên bất thành và cũng không có dịp gặp lại em học sinh đó. Sau này, mỗi lần nhắc đến em và bài thơ khắc trên gỗ ấy, trong lòng chúng tôi vẫn đau nhói.
Nguyễn Đức Tùng: Nhiều người đọc, trong đó có tôi, tôn trọng và chia sẻ nỗi “đau nhói” của chị. Sau này, có lẽ tôi sẽ quên nhiều điều về thơ mà chúng ta trò chuyện hôm nay nhưng chắc tôi sẽ nhớ câu chuyện về em học sinh và cô giáo cạo bàn, chết vì ung thư. Tuy nhiên, lịch sử có phải là đã lật sang trang rồi chăng?
Nguyễn Thị Hoàng Bắc: Không. Nếu có, tại sao vừa rồi Nguyễn Ngọc Tư lại bị các ông bà tỉnh ủy Ca Mau kiểm điểm gắt gao bởi “Cánh đồng bất tận”? Và tại sao lại lăng xê quá trời Nhật ký Đặng ThuỳTrâm sau khi đã sửa chữa một số chi tiết cho hợp thời trang? Lịch sử vẫn ù lì đấy chứ, thế nên nhà báo Bùi Tín mới đặt câu hỏi: “Đảng trả quyền tự do canh tác cho nông dân, tự do buôn bán cho tiểu thương, tự do kinh doanh cho nhà tư sản, sao không trả lại cho văn nghệ sĩ, nhà báo, trí thức quyền tự do tư duy, viết, vẽ, hát, sáng tạo, biểu diễn, trình bày, triển lãm, xuất bản, giao thiệp, kết nhóm, lập hội, phát biểu, bàn luận, phê bình…?” [1] và nhà thơ Bùi Minh Quốc đã phải kêu lên: ”…muốnnói điều mình nghĩ, mình thấy, mình biết cũng không báo nào đăng cho, cỡ như cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt trả lời phỏng vấn mà cũng không được đăng trọn vẹn.” [2] Tôi đọc trên talawas những Tôi bị bắt của Trần Vàng Sao, Tôi bày tỏ của Tiêu Dao Bảo Cự, Tự bạch của Hà Văn Thuỳ và thậm chí cả Khúc khuỷu đường đời của Nguyễn Tài mà tức (tối) cảnh sinh (sản) tình viết mấy câu này:
mười thương (đau)
thương thứ nhất: tôi đã trốn ra khỏi nước
thương thứ hai: cộng sản Việt sẽ sập tiệm đến nơi
thương thứ ba: sao mà lắm người oan ức thế
thương thứ bốn: một số không đông nhưng quyết tâm a dua cũng chặn được bánh xe lịch sử hử
thương năm: đất nước tôi cứ nghèo, cứ khổ, cứ bủn xỉn, cứ phồn vinh giả tạo
thương sáu: cứ mãi ở gần tên Trung Quốc khổ lòng
thứ bảy, thứ tám, thứ chín: tôi yêu đất nước tôi
thương mười: từ khi talawas ra đời
(7/06)
Nguyễn Đức Tùng: Chị thường đọc nhà thơ nào?
Nguyễn Thị Hoàng Bắc: Tôi đọc tất cả những gì tôi có dịp đọc. Tiếng Anh không giỏi lắm nên đọc truyện nhiều hơn thơ. Đọc thơ mà chỉ lấy ý và không thấy rõ đưọc tài sử dụng ngôn ngữ ảo diệu và cái giọng của nhà thơ thì tự mình kiểm điểm là thiếu sót lắm. Tiếng Pháp ư? Rơi rụng gần hết rồi, nhưng lâu lâu cũng đọc Jacques Prévert để gọi là gợi lại giấc mơ xưa thời trung học, thế thôi.
Cũng không muốn nhắc người này mà bỏ quên người kia. Mỗi người đem đến cho tôi một cảm xúc khác nhau, à, tôi đọc thơ Việt để tìm cảm xúc, chớ không nhằm để học hỏi gì. Tất nhiên, bắt đầu đọc từ những người mình quen, ngoài đời hay trong văn chương, lại cũng có khi tự khám phá được một cái gì đó đáng đọc hay nghe thiên hạ bàn tán về một tác giả hiện tượng nào đấy trong hay ngoài nước thì tìm đọc xem sao. Thơ, truyện (ngắn và dài), tôi đều đọc. Để học hỏi, tôi đọc báo, đọc sách phê bình, lý luận văn học và chính trị và hầm bà lằng, không tự hạn chế làm chi.
Tôi thấy có một điều hơi lạ ở tôi khi đọc. Chẳng hạn, đọc thơ Nguyễn Quốc Chánh, nếu đọc từng bài lẻ tìm trên internet hay trên báo trời, báo đất thì cảm thấy một cái gì rất sắc, rất mạnh, rất nhanh, cứ như một cú đấm vũ bão nảy đom đóm giáng vào mặt mình. Đến khi có cả tập trong tay thì cái lực gây choáng váng bất ngờ ấy giảm xuống, không nhiều, nhưng cũng khá dịu đi, có thể như đã… quen đòn rồi thì dễ chịu đòn hơn? Đọc Bùi Chát hay Lý Đợi một bài lẻ loi thì thấy nghịch ngợm, vui không chịu được nhưng đọc cả tập thì lại thấy buồn buồn. Có trời mà hiểu được cảm xúc của tôi! Chơi thân với Đỗ Kh. nhưng thích nghe Kh. nói chuyện hơn là đọc thơ chàng. Nếu tình cờ có trong tay hai tập/bài thơ của Phan Huyền Thư và Đỗ Kh. thì tôi sẽ lập tức đọc của Thư trước, Kh. sau. Tôi thấy Thư có cái gì thiếu thốn, khắc khoải, giọng điệu tuy lạnh lùng mà vẫn mang cảm giác bất an, bất toàn, dễ chia sẻ. Kh. thì ngược lại, và nói như lời giới thiêu của talawas, Kh. là người theo chủ nghĩa khoái lạc tự nhiên. Kh. có vẻ hoàn toàn và kín đáo: hoàn toàn như để thách thức và để chống lại qui luật bất toàn của đất trời; kín đáo vì lúc nào cũng cà rỡn, không chịu nghiêm và buồn với bất cứ chuyện gì (là để che giấu nỗi niềm yếu đuối sâu kín nào của chàng chăng?). Thế nên người đọc là tôi đâm ra ngại, không tin là Kh. tự thú điều gì, nghĩa là… chàng hơi bịkhó hiểu. Nói thế không có nghĩa là những người khác dễ hiểu hơn. Với Thận Nhiên và Lynh Bacardi: tôi thích thơ Nhiên vì cái giọng lăn lóc bụi đời và già dặn, vì cách xếp đặt những hình ảnh lộn xộn và chẳng liên quan gì đến nhau như những bức tĩnh vật phi lý (?) còn Lynh, mỗi khi đọc truyện và thơ Lynh tôi thường… đau khổ với những khổ đau mà một cô gái trẻ như Lynh lẽ ra không phải gánh chịu. Đó chỉ là cảm nhận qua văn chương thôi chứ đời tư của các nhà thơ, tôi thường không am hiểu gì mấy! Mà với nhiều người, đời tư đôi khi cũng chẳng ảnh hưởng gì nhiều đến văn chương.
Nguyễn Đức Tùng: Cám ơn chị đã nhắc đến một hiện tượng đáng chú ý. Vài người nói thật với tôi rằng họ chỉ có thì giờ để đọc những bài đăng báo của chính họ. Cùng lắm là đọc những tác giả quen biết riêng với mình. Ngoài ra, cũng có thể quan sát thấy, nhiều nhà thơ ở hải ngoại không đọc trong nước và nhiều nhà thơ trong nước không đọc hải ngoại.
Trong khi đó, theo tôi biết, các nhà thơ, nhà văn nước ngoài cùng thời đọc nhau rất dữ. Và kỹ. Ví dụ, trong một bài phỏng vấn mới đây, nhà thơ nữ nổi tiếng Catherine Hunter, nói như sau (trích từ “In Muddy Water”, Robert Budde):
Robert Budde: Chị vừa nhắc đến những ảnh hưởng của… Findley. Anh ấy chỉ viết tiểu thuyết thì làm sao có thể ảnh hưởng đến chị?
Catherine Hunter: Việc đọc các tác phẩm của Findley dạy tôi rất nhiều về giọng điệu và về thể loại kịch. Findley có có cái kiểu riêng của anh ấy, cần nhiều dũng cảm lắm đấy. Đôi khi như điên khùng. Tôi mê anh ta lắm. Nhiều lúc đọc anh ấy, đến đoạn quái lạ nhất, tôi dừng lại và kêu “ôi trời, khó tin quá”. Nhưng mà vẫn đâu ra đó, mà tại sao lại không chứ? Có một cảm giác tự do bay bổng trong tôi khi đọc Findley và khi tôi nhướng mắt coi anh ta bước đi trên một chân. Tôi nghĩ là tôi học được một chút dũng cảm từ anh ấy.
Thưa chị, hiện tượng vừa nói trên của các nhà thơ Việt Nam có phải là đáng buồn và đáng lo ngại không? Nguyên nhân từ đâu?
Nguyễn Thị Hoàng Bắc: Anh cũng khá khoan dung và rộng rãi khi sử dụng các từ nhà thơ, nhà văn đấy nhe. Trong tình hình in ấn, phát hành và lên mạng dễ dàng như hiện nay, chúng ta có hàng chục nghìn tập thơ đã được in và hàng trăm hàng triệu bài thơ trên net chứ chẳng chơi. Nhưng cũng chẳng đáng lo ngại gì như anh nói. Ai cũng có thể làm thơ, in thơ và có độc giả riêng của họ. Vậy là dân chủ trong thơ chứ. Có thơ của những người làm thơ, viết văn mà chỉ có đủ thì giờ để đọc bài đã đăng báo của chính họ; có văn chương trà dư tửu hậu rảnh rang thì xía vô một chút, có thứ văn chương cua trai cua gái cho/gửi/về chàng này nàng kia…; tất nhiên, cũng có những loại văn chương của những con nghiện như nghiện gái, nghiện rượu, nghiện trà, nghiện thuốc phiện, nghiện trai, nghiện xì ke và như lân thấy pháo, cứ thấy cứ chỗ nào có thơ có zăng là nhào vô ngấu nghiến đọc, đọc để mê liền hoặc… tức hộc máu liền ấy chứ! Trò gì cũng vậy, như hàng hoá trong một xã hội tiêu thụ với đầy đủ giá cả bình dân và cao cấp, như vô vàn chọn lựa của đời sống với nhiều tính cách mở ra trước mắt, không sôi nổi, không chết mê chết mệt, không sống chết vì tình với thơ thì sẽ có thơ ù lì, thơ nhạt nhẽo, thơ ráng gượng, thơ có xác không hồn… Người Huế của mẹ tôi hay nói người răng vác lẻ săng rứa, nghĩa là ta thế nào thì “sản phẩm” của ta thế ấy, và viết mà không đọc cũng chẳng… chết con ma nào nhưng cái người xưa gọi là “công phu hàm dưỡng” thì tất phải có chứ!
Nguyễn Đức Tùng: Ngoài ra, chị cũng nhắc nhiều đến nhà thơ Đỗ Kh. nhưng lại nói thực là “ngại, không tin là Kh. tự thú điều gì”. Chị có nghĩ rằng thơ thì phải nói lên tâm sự riêng của người viết không? Chị có tin vào “the death of the author” (R. Barthes) không?
Nguyễn Thị Hoàng Bắc: Chắc chắn là tin chứ! Một trăm phần trăm nữa là đằng khác. Nhưng như đã nói, tôi nghĩ thơ là tự khai, tự thú. Dù thế nào, thơ cũng là tâm tình, tâm sự, là triết lý, quan điểm, suy nghĩ gì đó của nhà thơ… Đó là cái ta bắt được khi đọc thơ chứ. Trở lại với Đỗ Kh., có người còn gọi Kh. là lý trưởng của làng nói tục nhưng tôi lại thấy Kh. sử dụng thủ pháp ngược lại của (có lẽ là) Hồ Xuân Hương. Nếu Hồ Xuân Hương thanh mà tục (“Bánh trôi nước”, “Đánh cờ”, “Đánh đu”…) thì Kh. lại tục mà thanh. “Linda mặt ngang” thì đau đớn quá, thảm thương quá mà cũng có gợi dục. Kh. nói ngược để mà nói xuôi và nói xuôi để mà nói ngược. Nhiều người sau Kh. sử dụng thủ pháp nói tục một chiều, thẳng tưng khi viết về tính dục thì lại thấy tục và thô. Tôi không… tin Kh. vì sợ bị thơ Đỗ Kh… lừa tôi và… cười tôi ngây thơ cụ nên dễ bị lừa!
Có cái riêng của mỗi giọng thơ – anh gọi là tâm tình, tâm sự, quan điểm chính trị, triết lý sống, đời sống, gì cũng được – nhưng đã là giọng thì không người nào giống người nào. Có lẽ đó là cái mà Trần Dần gọi là “văn cách”. Còn khi đọc, người đọc chọn lọc, diễn giải, nhớ và thấm thía theo cách của họ là chuyện đương nhiên. Chuyện tri âm tri kỷ là vậy, đồng bệnh tương lân, tạng mình hạp với dạng này mà không hạp với dạng khác. Có bài mình thấy hay nhưng không thích bằng, có khi có lẽ ít hay hơn nhưng thích hơn. Mọi người vẫn thường nói đến văn bản [text] và liên văn bản [intertext] và cộng tác giả [co-author]. Bài “Con cóc trong hang” sẽ là một bài thơ dở nếu không đặt nó trong toàn cảnh câu chuyện “Ba anh học trò dốt làm thơ”. Đứng một mình, nó là một bài thơ dở, đặt trong toàn cảnh câu chuyện nó là một bài thơ hay. Hay, vì tác giả kể chuyện đã thành công trong “công trình” viết ra một bài thơ dở để cực tả cái dốt của ba người làm thơ kia… Có một dạo, thiên hạ đua nhau làm thơ con cóc đăng báo, rồi cũng không đi tới đâu, thế là con cóc lại vô hang bình thường.
Nguyễn Đức Tùng: Chị đã nói ngắn gọn, rất hay và thuyết phục về một khía cạnh của khái niệm liên văn bản.Tuy nhiên xin dừng lại ở đây. Trong quan niệm của “trường phái” liên văn bản, lịch sử (history) và tiểu sử (biography) ít có một vai trò gì. Nhưng như thế thì làm sao chị có thể giải thích thái độ của mình trước G.N và bài thơ “Quê hương” của ông ấy?
Nguyễn Thị Hoàng Bắc: Tôi đã xin lỗi và nhận lỗi vì thiên kiến đối với nhà thơ G.N. Nói rõ hơn, tôi không thiên kiến với bài “Quê hương”. Hồi ấy, tôi cũng thấy “Quê hương” là một bài thơ không dở nhưng dẫu sao, vẫn có giọng điệu không đi lệch ra ngoài đường lối chính sách. Bây giờ nhớ lại, vẫn thấy thế. Nhưng “Bà mẹ Gio Linh” của Phạm Duy thì nghe lúc nào cũng vẫn thấy xúc động. Vì sao? Bà mẹ Gio Linh khởi từ yêu con nên yêu nước, yêu tất cả các con đi chiến đấu: “Ta yêu con ta môi thắm bết máu cờ… ngày một ngày hai con nhớ ghé qua đây”, trong khi đó, G.N. “yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ” trước rồi mới yêu “em du kích” bị giặc giết dã man sau. Nói ra thì dã man nhưng tôi đoán chừng nếu em ấy không phải là du kích, không bị “giặc giết em rồi quăng mất xác”, chưa chắc gì đã được nhà thơ yêu. Tình yêu kiểu Tố Hữu “rồi hai đứa hôn nhau hai người đồng chí”, không phải là đảng viên đảng cộng sản thì không chịu hôn, tôi thấy buồn nôn.
… Khổ to rồi! Không có công ăn việc làm trên trái đất
Tôi nhẩy chồm mỗi lúc gió lên
Mau mau! Lấy tình yêu xích tên rồ kia lại!
Kẻo nó nhẩy từ gác mười tầng
Vồ một phố đèn lên
Dĩ vãng! Ối ôi! Sống!
Cái nghề này ai ai cũng thạo
Chỉ mỗi mình tôi không thạo mà thôi!…
… Tôi biết ra nước đã mất rồi
Tôi thì ở đầu ô bằng thẳng
Tuổi thơ ấu đã qua như một người đi không để giấy lại
Bạn cũ?… Một mùa lá vàng theo gió tung hê!…
Thế giới xám bổ dụng thanh niên:
không đầu đường cũng xó chợ
Đêm hãy mủi lòng cứu tế họ ít vì sao…
…Tôi cô đơn trời xanh cô đơn trời tía
Cô đơn nắng đào cô đơn mưa tái nhợt đầu ô
Cô đơn lang thang trong các đám đông
Trên quảng trường nham nhở gió
Cô đơn lòng ngõ rỗng trăng chênh
Cô đơn sân ga tàu chạy tốc hành
Không đỗ lại các cuộc đời xé lẻ
Cô đơn trống đổ trường chiều
Ùa ra khỏi xà lim lớp học… [3]
Dẫu cho không biết thơ này là của ai, mấy tuổi, ở đâu, làm nghề gì, viết mấy câu này trong trường hợp nào… thì nó vẫn khiến chúng ta phải gai người lên, tự hỏi: thơ của ai mà lại ghê gớm/ đau đớn/oan khiên/khủng khiếp/ lớn/… như thế? Khi biết là của Trần Dần rồi, chúng ta cũng chỉ biết xuýt xoa thêm: a, đúng rồi, đúng là của ổng, và chỉ là ổng mà thôi! Vậy đấy!
Nguyễn Đức Tùng: Thơ cần thiết cho ai?
Nguyễn Thị Hoàng Bắc: Cho người làm thơ trước hết, dù là nhà thơ chuyên hay không chuyên. Như một thứ nhật ký, thơ sâu kín hơn và nếu có thể, không cần đến độc giả như các thể loại khác như truyện, tiểu thuyết, lý luận, tranh luận. Tuy vẫn cần thiết là một sự tìm tòi, cách tân sự thể hiện, thơ vẫn có thể chỉ làm cho chính mình đọc và cũng kén tri âm tri kỷ hơn các thể loại khác. Trong văn học Việt Nam có một tập thơ của một vị vua nhà Trần – Trần Anh Tông, một ông vua phá cách, không chịu trổ rồng lên người như tập tục truyền thống của vua nhà Trần, không chịu giữ khuôn phép triều đình lắm. Trước khi chết, Anh Tông đã tự cho đốt tập Thủy văn tùy bút của mình. Không chừng trong tập ấy, ông vua kể hết những chuyện trốn ra chơi ngoài dân gian, rượu chè gái gú lu bù, vốn dĩ không thể chấp nhận được đối với cung cách của một ông vua thời ấy, mà nếu ông có để lại thi tâp ấy, liệu có ai dám tin, dám đọc và phổ biến? Thôi thì thà đốt quách đem theo mình cho… chắc ăn! Nhưng ông đâu biết rằng Tự Đức thì lại nổi tiếng ngang xương với bài “Ới Thị Bằng ơi đã chết rồi”, chứ đâu ai nhắc đến mấy bài chiếu chỉ của ổng làm chi. Nên tôi tiếc tập Thủy văn tùy bút lắm. Cũng nghe sử nói, ông vua này làm thơ hay và lại vẽ rất đẹp nữa.
Nhưng tri âm, tri kỷ thì ai mà chả cần! Một bài thơ giữ cho mình đọc thì số phận âm thầm lắm, có khi là phân vân; một bài thơ được công bố sẽ có một diện mạo khác. Đơn cử trường hợp tôi, bài “Ngọn cỏ” dạo đó gửi đăng ở Hợp Lưu cũng hồi hộp không biết phản ứng của người đọc ra sao.
Ngọn cỏ
tiếng nước đái
nhỏ giọt
trong bồn cầu tí tách
thứ nước ấm sóng sánh vàng
hổ phách
trong người tôi tuôn ra
phải rồi
tôi là đàn bà
hạng đàn bà đái không qua ngọn cỏ
bây giờ
được ngồi rồi trên bồn cầu chễm chệ
tương lai không chừng tôi sẽ
to con mập phệ
tí tách như mưa
ngọn cỏ gió đùa
(1997)
Chủ bút Khánh Trường cho đăng và không bình luận. Một số người khác, kể cả những người làm văn chương, chửi bới ầm ĩ, bảo tôi hết chuyện làm rồi nên mới đem chuyện điđái để làm thơ. Ông PNT còn cho đăng một bài thơ (ở Hợp Lưu) gửi đích danh tôi, nói đại khái là khi tôi viết về đi đái như vậy, ông ta muốn nằm xuống dưới để mà nhìn lên. Ngụ ý rất thô lỗ. Một người khác, ký tên là Tương Nghi gì đấy viết một bài báo mỉa mai tôi không biết làm thơ nhưng lại được phe đảng tâng bốc là đái ra thơ. Tất nhiên, tôi luôn luôn cảm kích Nguyễn Hưng Quốc, qua thư viết cho Khánh Trường rất mực khen bài “Ngọn cỏ”. Rứa là tôi yên chí lớn. Thật ra, một bài thơ công bố không lọt vào mắt xanh của tri âm tri kỷ thì… tiêu tùng. Những bài thơ đầu tiên tôi đăng ở Tạp chí Thơ, Hợp Lưu, Việt…, nếu Khế Iêm, Đỗ Kh., Nguyễn Đăng Thường, Hoàng Ngọc-Tuấn, Đinh Linh, Nguyễn Hương không… xúi dại thêm thì tôi thà cho thơ tôi âm thầm còn hơn tiêu tùng, đôi khi một chút ích kỷ, môt chút tỉnh táo, tôi nghĩ thế! Gần đây nhất, Đinh Linh lại dịch bài “Ngọn cỏ” sang tiếng Anh và cho đăng lên website: www.mipoesias.com/2006volume20Issue 2/
A Blade of Grass
urine sound
dripping
inside the bowl splashing
a warm shimmering liquid
amber
pouring from my body
that’s right
I’m a woman
the type who urina tes lower than a blade of grass
now
able to sit haughtily on a bowl!
in the future I just might
get bigger and fatter
splashing like rain over
grass nudged by wind
(1997, translated from the Vietnamese by Linh Dinh )
Dài dòng thêm một tí. Đinh Linh, sau khi gửi bài đi, đã chuyển cho tôi xem phản hồi lập tức của một nhà thơ trẻ ở New York, Laura Modigliani, đại khái cô ấy thích bài này: “… Wow – I especially like ‘Blade of Grass’’s ‘urine sound’ (and the syntax of ‘Inspired’ is beautiful). They feel like they really work in both the original and in English. I love translations that, while maintaining the ideas/tone of the original language, also uncover or present a sort of disconnect or dialogue between languages; almost forcing us to think about the transcendence and limitations of language in general. Great tone and line breaks/ layout: “the type who urinates lower than a blade of grass/now/able to sit haughtily on a bowl” – each word is so important. I like the turns throughout, esp. at the ending, the image of a bird splashing/flapping frantically over water/grassland – it also really evokes the Vietnamese landscape. It’s like you’re unraveling a voice that tells us what it means to be a woman in modern Vietnam as well as America, or who emigrated to America…”
Tạm dịch thế này: “Ồ, tôi rất thích hình ảnh ‘tiếng nước đái’ trong bài ‘Ngọn cỏ’ (và cú pháp của bài thơ thật tuyệt vời). Có cảm giác cả trong nguyên bản và bản tiếng Anh, nó đều tạo được hiệu quả. Tôi thích những bản dịch mà vừa giữ được ý/giọng của nguyên bản, lại vừa phơi mở hay thể hiện được sự gián đoạn và đối thoại giữa hai ngôn ngữ; chúng dường như buộc chúng ta phải suy nghĩ về ưu thế cũng như những hạn chế của ngôn ngữ nói chung. Giọng điệu và cách ngắt dòng/ sắp đặt ở đây thật “quái chiêu”: “the type who urinates lower than a blade of grass/now/able to sit haughtily on a bowl” – từ nào cũng quan trọng. Tôi thích sự chuyển mạch trong cả bài, nhất là ở đoạn kết: hình ảnh một con chim điên tiết làm bắn nước/ đập cánh trên mặt nước/đồng cỏ – thật sự gợi ra được phong cảnh Việt Nam. Có lẽ là anh đã tìm ra được một giọng điệu thích đáng để nói lên được ý tưởng: người phụ nữ trong xã hội Việt Nam hiện đại, hay phụ nữ nhập cư vào đất Mỹ, thậm chí kể cả phụ nữ Mỹ nữa, thì có ý nghĩa gì?”
Thế mới nói “nhân tâm tuỳ… mạng mỡ”!
Nguyễn Đức Tùng: Chúc mừng chị. Tôi cũng thích bài này khi đọc nó lần đầu cách đây mấy năm. Ý tưởng mới, sự ngắt dòng khá hợp lý, các nhịp cân nhắc, tạo nên điệu (rhythm) riêng, như tiếng nước tí tách / róc rách/ hổ phách/ v.v… Nhất là ở thời điểm đó, viết như vậy là táo bạo lắm. Sự táo bạo của chị bắt nguồn tự sự thành thực. Tuy nhiên, nếu anh Nguyễn Hưng Quốc mà “rất mực khen bài ‘Ngọn cỏ’ thì tôi có phần chưa hiểu. Vì đoạn cuối gây cảm giác mơ hồ (ambiguous) vốn nên tránh trong thơ. Anh Đinh Linh hình như dịch rất hay và rất sát, thế mà cô nàng thơ trẻ Laura còn chẳng thấy ra, lại tán ẩu là ‘image of a bird splashing… over water…’”; “to con mập phệ” thì làm sao mà trở thành như “a bird” cho được? Lại còn “splashing/ flapping over water”nữa! “Like rain” như anh Đinh Linh thì mới “splash” được, chứ còn “a bird” như Laura thì làm sao mà giỡn nước kiểu này? Trừ phi đó là chim bói cá.
Thưa chị, vậy thì để giải quyết cái “ambiguity” cuả chính tôi năm năm về trước mà bài thơ còn để lại: đoạn cuối bài thơ là một lời than – giọng trầm, hay một lời thách thức, một ước vọng – giọng cao? Là Bà huyện Thanh Quan hay là Hồ Xuân Hương? Còn Hồ Biểu Chánh thì đứng ở đâu?
Nguyễn Thị Hoàng Bắc: À ha, anh nhắc đến tên Hồ Biểu Chánh thì… đúng! Lúc đó, tôi đang suy nghĩ tới hình ảnh ngọn cỏ thì đột nhiên nhớ tới Ngọn cỏ gió đùa, tiểu thuyết đã làm tôi khóc ròng suốt tuổi thơ, rồi nỗi đau vì sự chà đạp phụ nữ của văn hoá Việt Nam, cái giọng điệu hạngđàn bà đái không qua ngọn cỏ… cũng đã làm tôi đau nhức suốt tuổi thơ. Thân phận những người đàn bà Việt, dù là thượng lưu, trí thức hay lao động chân tay, mua gánh bán bưng, thậm chí gái bao, gái điếm, cà phê ôm… vẫn luôn làm tôi xúc động. Chúng tôi đã phải sinh ra và lớn lên trong bối cảnh một nền văn hoá phương Đông quen coi việc chà đạp phụ nữ là chuyện bình thường. Phụ nữ mà được đi học, cố đi học, học thông minh, xuất sắc, lại có lối sống, cách cư xử tự chủ, độc lập thì lập tức bị xem là… giống đàn ông. Ngay trong lối so sánh đã lộ rõ vẻ kỳ thị. Nếu đàn ông mà bị so sánh là… giống đàn bà thì đấy là một sự nhục mạ, phải không?
Đã lâu, không nhớ khi nào, tôi được đọc mấy câu như thế này, hình như ở tạp chí Văn Học thì phải:
Đàn bà thì phải dịu dàng,
Đàn ông thì phải ngang tàng ai ơi!
(Vi Khuê)
Tôi không ngụ ý khen chê gì thơ Vi Khuê; chị có vị trí nhất định của mình trong thi ca Việt Nam, nhưng tôi cứ suy nghĩ mãi: đàn ông mà dịu dàng và đàn bà mà ngang tàng thì cũng… hấp dẫn chứ! Cứ bình thường thôi. Theo quy luật dân gian nồinào úp vung ấy và theo quy luật bù trừ thì không chừng loại đàn bà ngang tàng lại chết mệt vì những người đàn ông dịu dàng, Và ngược lại. Và nếu phấn đấu được cả ngang tàng và dịu dàng thì… hết ý. Tại sao không? Cái thước đo muôn đời không thể áp dụng cho muôn đời. Mẫu mã phụ nữ Việt thường được đề cao như là hy sinh, quên mình, thậm chí đánh mất bản ngã, cá tính, và cả sự nghiệp để đứng sau lưng một người chồng, một người đàn ông, hay các con, tôi thấy… ép uổng quá!
tôi là một tổng thể
tôi là một tổng thể không thể tách rời. tất nhiên vẫn có kẽ hở.
những người đàn ông đến rồi đi nhắm vào kẽ hở. hòng chi phối.
rất buồn cười. tôi vừa thâm thúy thúc sự tách rời.
vừa song song cười. những cố gắng tuyệt vọng.
trong chốc lát vui tan. cố gắng trút hơi tàn.
tôi mãn nguyện.
tôi một tổng thể toàn vẹn. là khí giới là nghệ thuật.
là hạnh phúc ô nhục. tôi vẫn cứ là một tổng thể.
khi đồng thuận người đàn ông đến. tự nguyện tôi tách rời tự nguyện san sẻ.
khi một người tự quyết bỏ đi. chẳng vi phạm nhân quyền chẳng việc gì đến tôi.
tôi một tổng thể nguyên vẹn. không dễ tách rời.
tổng thể nguyên vẹn. đôi khi tự tách rời.
(4/05)
Bắt đầu từ ý tưởng đàn ông/đàn bà, dịu dàng/ngang tàng, tôi viết bài này. Có người đọc bảo tôi đang nói đến chuyện xác thịt, mặc dù không có bất cứ từ nào liên quan đến chuyện ấy. Vậy cũng ngộ, và cũng có thể đúng. Quan hệ đàn ông đàn bà cũng có thể bắt đầu và kết thúc từ cái quan hệ thân xác thôi. Điểm phân tích này thì phải sử dụng bài “Thơ và phân tâm học” của bác sĩ Nguyễn Đức Tùng để giải thích thôi.
Ngày nay, trên đường phố Mỹ, nhìn thấy vài phụ nữ Hồi giáo lái xe như gió trên xa lộ, lấn đường thiếu điều muốn cán chết người bên cạnh mà mặt mũi thì vẫn trùm kín mít, tôi không hiểu sao thấy… chối mắt quá! Nhưng đồng thời cũng có hiện tượng thú vị, chẳng hạn, ở Mỹ có một nghề mới đang phát sinh và phát triển: manny, (tạm gọi là nghề vú đàn ông). Biên giới giữa nam và nữ đã/đang phải bị/được xoá nhoà. Trong bài nghiên cứu “Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi suffix ‘nữ’”, Inrasara đã đề cập đến cái biên giới đang được xoá sổ này.
Bài “Ngọn cỏ” không phải chỉ bắt nguồn từ sự thành thực như anh nói; đó là cả nỗi lòng gửi gắm cho nhau, nhớ hoài chỉ thấy thương đau. Cái “ambiguity” anh nói đó, tôi cũng bất ngờ: ở đây tôi muốn giễunhại Hồ Biểu Chánh đấy thôi. Trong hơi văn đang đi mạnh mẽ như thế, bài thơ chuyển sang một chút khinh bạc, một chút cười cợt, nếu tường minh hàm ý mấy chữ ấy bằng ngôn ngữ bình thường thì đại khái có thể diễn đạt là: “ngọn cỏ gió đùa? xin lỗi nghen!” hoặc “gió đùa ngọn cỏ? không dám đâu!” Nhà phê bình Đặng Tiến có thể nhận ra điều gì nên viết thư cho tôi: “Sao mà văn chương của cô đầy giọng khinh bạc đàn ông thế?” (!?) Thật ra thì sau một hồi hùng biện thì tôi đổi giọng giỡn giỡn chơi cho vui thôi, không có gì nghiêm trọng! Còn Laura nghĩ đến “a bird” là vì chắc là cô ấy không biết Hồ Biểu Chánh như chúng ta.
Nguyễn Đức Tùng: Các nhà thơ Việt Nam đang thiếu điều gì?
Nguyễn Thị Hoàng Bắc: Đừng đi tìm sự đầy đủ. Mọi người sẽ còn làm thơ vì cái thiếu, cái khắc khoải, cái chưa có, chưa tìm ra, và chưa đạt được của mình. Mãi mãi.
Nguyễn Đức Tùng: Xin chị cho nghe bài thơ mới nhất của chị.
Nguyễn Thị Hoàng Bắc:
Bài mới nhất cũng là đang nóng hôi hổi:
em không buồn nữa
năm thứ hai mươi ở Mỹ
tôi thỉnh thoảng bị buồn
chẳng hạn
sếp tức ai chưa biết xì nẹc (lãng xẹt) tôi chưa công tác tốt
(mấy cho vừa)
mụ đồng nghiệp trẻ mà lùn cứ tưởng mình hơi bị đẹp
te rẹc
tôi nhức cái đầu
xui xẻo cảnh sát biên giấy phạt
vừa thu tiền vừa giáo dục đủ thứ
không phải buồn xa xứ
năm thứ hai mươi tôi thấy
tuyết thì tuyết
lá rơi là lá rơi
thơ không hay là thơ dở
áo cơm là cơm áo ơi
những tháng ngày rảnh rỗi
tôi đi chơi Việt Nam
khơi khơi các đồng chí công an (trưởng và phó) (trong và ngoài nước)
đừng bận tâm cảnh giác
vì tôi nói thiệt
về Việt Nam nhậu nhẹt
ghẻ* hơnnăm châu bốn biển khác
ở Mỹ những năm hai mươi
không là Mẽo không là Việt cũng chả sao
có hai quê hương lại càng giàu
ba bốn tín ngưỡng (tào lao)
càng có vẻ tôn giáo
em không buồn nữa chị ơi
(2006)
(* tôi thích bắt chước người Gò Công ở Gò Công nói “rẻ” thành “ghẻ”.)
Vì mới nhất, nghĩa là mới viết ra, chưa biết hay dở thế nào. Cái gì khi mới viết ra thì tôi không thấy ngượng nhưng nếu để lâu lâu một lát thì dễ thấy chán, khéo lại quẳng đâu mất. Lúc đó, anh có hỏi, tôi cũng chẳng biết đâu mà lần. Tôi viết lách bê bối, lộn xộn lắm. Chẳng bù cho trong đời thường, tôi sống ngăn nắp, quy củ lắm: đi làm, đi chơi, đi chợ, nấu ăn,.. cái gì cũng tính toán sắp xếp chu đáo linh tinh. Có lần hoạ sĩ Đinh Cường hú đến nhà chơi thình lình với Nguyễn Thị Minh Ngọc vừa từ Việt Nam sang: “Ba mươi giây nữa gặp nhé!”. Tôi không làm được, bác ấy chê: “Nhà văn gì mà lề mề!”
Nguyễn Đức Tùng: Chị nói rằng “để lâu lâu một lát thì dễ thấy chán”. Thỉnh thoảng chính tôi cũng gặp phải tình trạng này. Thưa chị, một tác giả khi “thấy chán” tác phẩm của mình thì có nên công bố nó nữa không?
Nguyễn Thị Hoàng Bắc: Có thể có mà cũng có thể không, tùy theo “độ chán” ít hay nhiều. Có khi sự công bố lại có tính cách “cầu may”. Có lần anh Nguyễn Mộng Giác nói với tôi, nhiều bản thảo anh viết xong rồi bỏ xó, một hôm nào đó thấy nó, thình lình anh đọc lại thì thấy… không đến nỗi tệ. Tôi vẫn nhớ câu chuyện nhà văn Mai Thảo nhặt được truyện ngắn đầu tay của anh Dương Nghiễm Mậu trong giỏ rác của một toà soạn nọ. Mai Thảo đem về đăng ở báo mình, thế là Dương Nghiễm Mậu nổi tiếng liền sau cái truyện ấy. Một bài thơ/văn cũng có những định mệnh may rủi của nó, giọt sa xuống giếng, giọt vào vườn hoa đấy thôi… Cũng có khi tôi công bố vì… kẹt, chẳng hạn bạn bè thân làm báo thúc bài quá, mà đang bí thì lúc đó, tôi đành chọn một bài đã viết xong, sửa chữa ngẫm nghĩ lại một chút và gửi đi. Tôi không mấy khi thôi xao lại thơ mình hàng năm như Giả Đảo, tôi mà đã sửa thì chữa tuốt luốt luôn cả bài. Tâm viên ý mã, cái tôi nghĩ hôm qua, hôm nay đã không đồng ý với tôi rồi, à ha! Yêu-thơ thì cũng phải biết phản-thơ! Nếu phải dùng ngôn ngữ chính trị để nói về thơ thì cũng có thể nói là: nếu người làm thơ mà xơ cứng, bảo lưu ý kiến, mãi đắc ý ngủ quên trên những thành tựu chút ít của mình thì lập tức, nhà thơ sẽ trở thành loại “bảo hoàng hơn vua” và phản động, đi ngược lại trào lưu tiến hoá của nhân loại làm thơ ngay!
Nguyễn Đức Tùng: Cái gì là quan trọng nhất trong thơ?
Nguyễn Thị Hoàng Bắc: Sự tự khai. Khai báo mà không thành khẩn, không thành thật thì người đọc công an chuyên nghiệp sẽ thấy ngay sự tráo trở, giả vờ, làm dáng, đóng kịch, lên gân, dạy đời, lập thuyết… Tôi ngượng nghịu khi đọc lại những gì mình viết vì khối khi thấy mình cũng khai man, điệu bộ, làm dáng, cố ráng/rặn/nặn để tạo hình tạo dáng, có vẻ… như là thơ. (Cho nên thường rét run trước mấy cụm từ như vắng mặt trên văn đàn, góp mặt trên văn đàn, ngại ngần khi viết để đăng báo, để được trả lời điểm danh là “có mặt”. Tôi sợ khi viết mà không có một thôi thúc thực sự). Lúc nào tôi nói thật, nói thẳng được, nổi điên lên mà nói, nói mặc kệ thiên hạ sự, nói cóc sợ ai, không quan trên ngó xuống người ta trông vào thì tôi viết được mấy lời kha khá. Lâu la đọc lại, thấy cũng tội nghiệp, tủi thân, thấy mình khá ngu, khai báo cũng thành khẩn ra gì, thì thấy cái-gọi-là-bài-thơ đó cũng cho là được. Nhưng thiếu gì bài thuộc diện riêng tư, tôi viết cho tôi đọc, cho vơi đi nỗi niềm chẳng hạn, xét ra không nên công bố thì vẫn giữ làm một niềm riêng thôi. Và điều này mới chính là đáp số cho câu hỏi: tại sao tôi đeo đẳng cái-gọi-là-làm-thơ?
Nguyễn Đức Tùng: Xin cám ơn chị về cuộc trò chuyện rất thú vị này.
© 2006 talawas
[1]Bùi Tín, Tâm tình với tuổi trẻ Việt Nam, Tủ sách Thời sự Việt Nam và Thế giới, 2006, trang 47
[2]Bùi Minh Quốc, “Thư ngỏ gửi các bạn trẻ Việt Nam và hai bạn Mỹ…”, chuyên đề “Chiến tranh nhìn từ nhiều phía”, talawas, ngày 19.8.2005
[3]Trần Dần, Ghi 1954-1960, NXB Văn nghệ, California, trang 394, 396, 398
No related posts.