Nguyễn Đức Tùng thực hiện
Nguyễn Đức Tùng: Chào anh Trần Nghi Hoàng, một trong những người viết trường ca sớm nhất và hay nhất ở hải ngoại.
sao tát cạn dòng sông tâm tưởng
mở triều nghiêng mấy bận xôn xao
con cá nhảy bờ ao
mắc cạn thuở tình cong miệng ngáp
cuộc mặc cả bỗng chừng gấp gáp
bởi thời gian trót lỡ trôi qua
mờ vầng trán nguy nga
mà một nếp nhăn là thước đo không triển hạn
ban đồng ca đổi giọng
kẻ trước người sau chẳng kịp tăm hơi
cuộc rượt đuổi tiếp diễn không ngừng nghỉ
(trích trường ca Mở cửa tử sinh)
Đâu là cơ duyên của anh đối với trường ca, thay vì các thể thơ khác? Trong thơ tiếng Anh, chỉ có một khái niệm tương ứng gọi là long poems – các bài thơ dài. Trường ca có phải là bài thơ dài không?
Trần Nghi Hoàng: Dường như trường ca có một cái gì đó bí mật, lôi cuốn tôi. Chắc tại lúc còn bé, tôi được ông cụ dỗ tôi ngủ bằng… truyện Lục Vân Tiên chăng? Tôi bắt đầu thực sự mê thích và dan díu với trường ca khi viết cuốn Văn hóa các sắc tộc Việt Nam và đọc được những truyện thơ của người dân thuộc các sắc tộc khác. Trường ca tất nhiên là một bài thơ dài. Ở một bài thơ dài, tác giả có thể dàn trải được những tương quan của sự việc, hình ảnh, ý niệm, khái niệm, quan niệm … và ngay cả một hệ thống tư tưởng nếu có. Do đó, rất nhiều trường ca mang tính sử thi.
Nguyễn Đức Tùng: Điều gì thúc đẩy anh đặt bút bắt đầu trường ca Mở cửa tử sinh?
Trần Nghi Hoàng: Trường ca Đẻ đất đẻ nước của người Mường là một động năng rất lớn thúc đẩy tôi bắt đầu Mở cửa tử sinh. Nhưng Mở cửa tử sinh là một trường ca không có cốt truyện. Thực ra, lúc bắt đầu viết Mở cửa tử sinh là giai đoạn tôi cùng cực cô đơn. Cô đơn chứ không… cô độc. Lúc đó, tôi vừa ly thân với Trần Thị Bông Giấy. Con gái tôi Trần Nghi Âu Cơ còn rất bé, mới 10 tuổi, vẫn sống với mẹ. Tuy căn gác trọ tôi ở rất gần để mỗi ngày tôi vẫn có thể về đưa, đón cháu đi học nhưng tôi vẫn nhớ Âu Cơ vô cùng. Có thể nói tôi bắt đầu trường ca Mở cửa tử sinh bằng sự cô đơn và những ưu tư về con gái Trần Nghi Âu Cơ của tôi.
Xin nói thêm để anh dễ hiểu hơn, Mở cửa tử sinh, thực ra, là một thứ… nhật ký thơ. Trong đó, những suy niệm nhất quán nằm trong chủ đề thân phận con người, về thời đại mình đang sống… và sự thường trực đối diện với chính mình trong từng sát na giữa thân phận và thời đại… Dũng Văn, khi viết về Mở cửa tử sinh, đã nhận ra nhiều điều hết sức chính xác: “Trần Nghi Hoàng luôn luôn đối diện với chính mình trong một thế giới tâm linh đa chiều để nhận diện chính mình trong cuộc tử sinh với hết thảy tiềm năng văn hóa Đông phương và văn hóa Tây phương mà anh tàng trữ được.” (Bài viết này đăng trên tạp chí Văn Học tại California số 157, tháng 5 năm 1999, trang 55- 64). Do đó, Mở cửa tử sinh là những suy niệm, suy tư hay suy diễn và những cảm xúc, cảm nhận hay cảm thức của tôi từng giờ, từng ngày được ghi xuống bằng Thơ…
Và tôi bắt đầu Mở cửa tử sinh bằng một hình ảnh đập mạnh vào tâm linh mình: hình ảnh cái nghĩa trang nằm gần chỗ tôi ở trọ mà ngày nào tôi cũng đi ngang qua… Tôi nhìn vào những tấm bia, những ngôi mộ và bỗng mường tượng ra thành những cánh buồm đang lướt gió… lướt gió đi về một nơi chốn nào không biết! Xin anh đọc lại mấy câu mở đầu của Mở cửa tử sinh:
trong nghĩa trang những cánh buồm nuốt gió
và dưới lòng mộ nguy nga
khởi đi bằng nụ cười nhe răng hình-nhi-thượng
loài thú ưu việt hai chân tuyệt tích
phút chốc biến sinh
Cần nói thêm là Mở cửa tử sinh trước đó tôi đã viết nhiều lần, có lần lên đến 800 câu và tôi đã xé bỏ hết…
Nguyễn Đức Tùng: Nhiều nhà thơ cũng có kinh nghiệm xé bỏ bản thảo như anh. Điều gì làm anh quyết định xé bỏ, hay viết lại một phần hay hoàn toàn, một tác phẩm của mình? Từ những lí do tâm lí hay nghệ thuật? Hay như người ta nói, một cách giản dị, nhưng không phải bao giờ cũng thô thiển, là “nó dở quá”?
Trần Nghi Hoàng: Tôi quan niệm rằng, mỗi tác giả luôn là độc giả đầu tiên của mình. Ở vai trò vừa là tác giả, vừa là “độc giả đầu tiên” của tác phẩm mình, tùy theo mức độ hài lòng của “tác giả và là độc giả đầu tiên”, tôi sẽ xé bỏ hoàn toàn hay viết đi viết lại vài phần của tác phẩm. Lí do nghệ thuật nhiều hơn tâm lí. “Nó dở quá” cũng là một lý do hay ho. Tuy nhiên, cá nhân tôi chưa từng gặp phải. Chỉ là “chưa hài lòng” hoặc “chưa đủ chín” như mình kỳ vọng…
Nguyễn Đức Tùng:
Mửa gió
Đồi thắp băng chân mây
Cuộc hòa giải bất chợt đằm nát cỏ
Bãi chiều loáng thoáng bóng ma chơi
Lạc hướng trời mây
Hơi thở chờ hơi thơ đăm đẳm
Chai rượu uống một mình cạn rốt thiên thu
Cất tiếng gào lớn hư-vô-nghĩa
Anh muốn nói đến cuộc hòa giải nào? Giữa anh và một người khác, giữa quá khứ và hiện tại, giữa con người và thiên nhiên hay giữa thơ và cuộc đời?
Trần Nghi Hoàng: Đây là cuộc hòa giải giữa Mình với Chính Mình! Giữa tôi và người khác? Anh Nguyễn Đức Tùng chưa biết tôi là một… anarchist. Tôi không tin vào những hòa hợp, hòa giải. Giữa con người với con người, chỉ có “chấp nhận” nhau hay là “khước từ” nhau. Giữa quá khứ và hiện tại lại càng vô phương hòa giải. Mỗi một giây phút, theo tôi, là một bắt đầu khác… Giữa con người và thiên nhiên? Con người không phải cũng là một “thứ thiên nhiên” đó sao? Giữa thơ và cuộc đời? Thơ và cuộc đời là Một. Thơ đẻ ra cuộc đời và cùng lúc, cuộc đời đẻ ra thơ…
Nguyễn Đức Tùng:Trong trường ca, nhà thơ sáng tác bằng chính kinh nghiệm cá nhân của mình (personal experience) hay bằng chiếc mặt nạ nhân vật (persona)?
Trần Nghi Hoàng: Tôi chỉ xin trả lời trường hợp của cá nhân tôi (mà không thể trả lời giùm cho các tác giả trường ca khác!): Tôi sáng tác trường ca từ những trải nghiệm của chính tôi. Nếu có nhân vật, chỉ là một thứ biểu tượng cá tính trong một thời tính ngẫu nhiên nào đó (như trong trường ca Bài ca cho thế kỷ mới tôi đang viết. Do đó, một nhân vật thật nào khác không hiện diện trong thơ tôi, mà chỉ là những cái “mảnh tôi” phân tán mà nhất quán. Phân tán để cố gắng nhìn thấy tất cả, rồi ghi nhận và đem vào trong phạm trù suy niệm nhất quán của mình.
Nguyễn Đức Tùng: Thơ Trần Nghi Hoàng, đối với tôi, bắt rễ sâu xa từ những kinh nghiệm trong đời sống cá nhân và gia đình. Nhà thơ Canada Todd Bruce có nói: It hurts to be honest about your life. Nói thật về cuộc đời riêng của mình, có khi cũng đau đớn. Anh có cảm thấy khó khăn khi viết về một người cụ thể, một người thân không? Anh muốn độc giả biết nhiều hay ít về đời sống riêng tư của mình?
Trần Nghi Hoàng: Ông bố tôi suốt đời chỉ dạy tôi một câu: “Trong cuộc sống, con cứ hành xử mọi điều theo tấm lòng con. Nếu mỗi đêm, con nằm vắt tay lên trán, mà không thấy hổ thẹn với chính mình về những công việc ứng xử trong ngày hôm đó, là được rồi. Còn thiên hạ, họ không sống cho đời mình; mình cũng đâu có sống cuộc đời cho họ.”
Trong cuộc đời riêng, tôi dĩ nhiên có những nỗi đau đớn riêng. Nỗi đau đớn đó có thật, cho nên đâu cần phải nói dối!!!
Tôi sống minh bạch, có đau đớn và hoan lạc cùng lúc, nên không thấy có gì “hurts to be honest about my life”.
Theo tôi, viết về bất cứ một người thân nào cũng là công việc khó khăn tế nhị… nếu người viết muốn trung thực với nhận xét, cảm quan… và tình cảm của mình. Về câu hỏi theo sau đó của anh Tùng, tôi xin trả lời hơi dài dòng một tí:
– Chung quanh tôi có không ít những “dư luận” về tôi. Đúng sai tôi không quan tâm! Tuy nhiên, nếu độc giả biết về tôi dù sai hay đúng, nhưng chỉ nhằm vào “cá nhân chính tôi”, không liên quan tới một người thân nào khác của tôi thì tôi “thích” hơn.
– Trường hợp “cái biết” của độc giả lại nhằm vào những chuyện “riêng tư” của tôi mà có liên quan tới những người thân khác của tôi, thì tôi mong rằng độc giả biết càng ít càng tốt. Và nếu biết, thì nên biết cho… đúng sự thật.
Nguyễn Đức Tùng: Gần đây anh ít làm thơ. Tại sao? Nó làm anh mệt mỏi rồi chăng?
Trần Nghi Hoàng: Dăm ba năm qua, tôi có ít làm thơ thật, nhưng vẫn làm thơ… không ít! Vài bằng hữu của tôi cũng đã có nhận xét như anh. Thậm chí, có người, như Đoàn Nhã Văn chẳng hạn… đã khuyên tôi nên… bỏ tất cả để chỉ… làm thơ. Thực ra, tôi… lười phổ biến thơ tôi thì đúng hơn.
Tại sao? Tôi đang… âm thầm thực hiện hai trường ca cùng lúc… và lại phải viết nhiều bài này nọ do bạn hữu… yêu cầu. Tuy nhiên, lúc nào tôi cũng có những dự tính về chuyện sáng tác của mình.
Mệt mỏi với thơ? Một thoáng nào đó… khi hốt nhiên nhận ra rằng thơ… rốt cùng vẫn là thơ! Chứ không phải là bất cứ một thứ gì khác!
Nguyễn Đức Tùng: Công việc (work) của một bài thơ của anh là gì? Làm sao để anh biết nó, bài thơ ấy, đang thực hiện công việc của nó đối với người đọc?
Trần Nghi Hoàng: Trong lúc làm công việc sáng tác hay sáng tạo một bài thơ, là tôi thực hiện cho chính tôi, người đọc không có mặt trong công việc đó của tôi. Người đọc chỉ hiện diện sau khi tôi phổ biến bài thơ. Sau khi tôi phổ biến bài thơ là công việc của bài thơ và người đọc. Tôi biết bài thơ ấy đang thực hiện công việc của nó với người đọc, qua quá trình bài thơ đó đã “thực hiện công việc của nó” với chính tôi, “tác giả – độc giả đầu tiên”
Nguyễn Đức Tùng: Anh chủ trương Văn Uyển trong mười năm, tạo được tiếng vang lớn. Văn Uyển là một đóng góp lớn cho văn học Việt Nam hải ngoại. Anh có những kỷ niệm vui buồn nào với nó, các tác giả và độc giả?
Trần Nghi Hoàng: Kỷ niệm vui nhất, mà cũng buồn nhất là trong một chuyến về thăm Việt Nam, tôi bỗng “bắt gặp” hai số Văn Uyển nằm trong đống sách một người lái sách. Ông này là chuyên viên sưu tầm sách báo để… bán lại. Ông ta cho tôi biết đã mua được hai số tạp chí Văn Uyển qua đường dây “sách báo bị cấm”. Hai số Văn Uyển này ông ta chỉ để… cho mướn (10.000 một ngày, năm 1992) và chỉ bán khi có người “trả đúng giá”.
Sự việc này làm tôi vừa vui, vì công trình của mình thực hiện vẫn có những người xa xôi từ trong nước… muốn đọc! Nhưng cũng chính sự việc này làm tôi buồn, vì nó cho thấy Việt Nam vẫn là một vùng đất còn quá nhiều những cấm đoán, phân biệt… Vẫn chưa có những tự do căn bản và tầm thường nhất: Như tự do sống thở, sáng tác và đọc…
Với các tác giả, tôi luôn có niềm vui trong thời gian làm Văn Uyển. Những người đã thành danh hiện nay như Đoàn Nhã Văn, Đằng Sơn, Phan Nhiên Hạo, Đỗ Kh., v.v…, đều là những người đã từng cộng tác với Văn Uyển… Đặc biệt, tác giả chuyên viết phê bình Thạch Các là một cây viết “bất ngờ” mà tôi vô cùng thích thú.
Nguyễn Đức Tùng: Trong giới cầm bút, Trần Nghi Hoàng nổi tiếng là một người có thái độ độc lập, hay tranh luận, đôi khi kỳ lạ. Điều đó có đem lại cho anh những khó khăn khi làm việc không?
Trần Nghi Hoàng: Cách đây hơn 10 năm, trong một bài phỏng vấn, Văn Thanh (tác giả “Gái Hà Nội khóc ai”), có hỏi tôi một câu, đại khái như sau: “Thưa ông Trần Nghi Hoàng, trong giới văn nghệ cầm bút, có luồng dư luận cho ông là một người “lập dị”. Ông nghĩ sao về dư luận này?”
Tôi nhớ đã trả lời Văn Thanh thế này:
“Tôi thà “lập dị” hơn là lập lại.”
Sự độc lập, không bè phái cũng có mang lại cho tôi một số những hậu quả đấy! Nhưng tôi không gọi đó là những… khó khăn. Thí dụ, chắc anh Nguyễn Đức Tùng đã nhận ra là tôi hầu như không hề có tên trong những tuyển tập kiểu Hai mươi năm văn học hải ngoại hay Tuyển tập văn chương lưu vong gì đó đại loại… Bài viết của một số nhà… tổng kết hoặc phê bình văn học hải ngoại khi nhắc đến những nhà văn, nhà thơ, lẽ tất nhiên là không có tên Trần Nghi Hoàng. Và nếu có nhắc đến, thì sẽ như thế này:
“Năm nay. Trần Nghi Hoàng có xuất bản hai tác phẩm: Trường ca Mở cửa tử sinh và tập truyện Truyện người viết sử“. “Truyện người viết sử là tập truyện viết về một… (ba dấu chấm là của TNH) thời xa xưa lắm. Trần Nghi Hoàng luôn vung tay quá trán. Ông ta đã đem những nhân vật lịch sử ra mà bôi bác, xếp chung với lưu manh đĩ điếm…”
Anh thấy chưa? Trường ca Mở cửa tử sinh chỉ được nhắc đến… cái tựa! Còn Truyện người viết sử, một công trình nghiên cứu rất công phu của tôi, thì được xếp… là “truyện viết về một thời xa xưa lắm”. Xong, nhà phê bình ta phán cho một câu là “Trần Nghi Hoàng luôn vung tay quá trán”. Tôi chẳng biết nhà phê bình đó có đọc, thực sự đọc Truyện người viết sử không? Và nếu có đọc, ông ta có đủ “trang bị kiến thức” để hiểu tôi viết gì không?
Tuy nhiên, như tôi đã nói từ đầu, những thứ rác rến đó không hề là những khó khăn cho công việc của tôi. Và theo tôi, công việc của một người sáng tác là “đối diện từng giây với chính mình”, chứ không phải tụ tập với nhau để “nghe người khác công nhận mình” và lẽ đương nhiên, “mình cũng sẽ phải công nhận người đó lại tức thì” như là một phương trình “đền đáp”. Tôi gọi lối làm văn học kiểu bè phái như trên là “văn học Quan, Hôn, Tang, Tế”. Tức văn học “thù tạc”. Sự cố tình “cô lập” hay gì đó của những bè nhóm văn học, chẳng những không gây khó khăn chi cho “công việc” của tôi; mà thậm chí, còn là chất xúc tác để tôi viết, tôi sáng tác khỏe hơn và… sướng hơn.
– Trần Nghi Hoàng có thái độ độc lập? Đúng.
– Trần Nghi Hoàng hay tranh luận? Đúng. Tôi cho rằng sự tranh luận rất cần thiết để con người đến gần “chân lý” hoặc ít ra cũng… mỗi lúc một khá hơn!
– Trần Nghi Hoàng là một người… kỳ lạ? Trời đất! Tôi chỉ thấy tôi là một gã rất bình thường… bình thường.
Nguyễn Đức Tùng: Như vậy. anh đã chọn làm một người đứng hẳn trong những hệ lụy nhân gian, chịu sự tác động của các hệ lụy này, mặc dù đôi khi chúng tạo ra các kết quả tốt? Anh có tin rằng một chút thay đổi trong cách tiếp cận hoặc hành xử có thể tiết kiệm được cho anh nhiều năng lượng hơn để làm việc?
Trần Nghi Hoàng: Tôi nghĩ ngược lại. Tôi thấy, “chọn lựa” của tôi là “đứng ngoài hệ lụy nhân gian” đó chứ! Còn kết quả “tốt” hay “xấu”, lại là thứ “cảm quan” tùy thuộc vào quan niệm “thành quả” của chính mình.
Tôi luôn thấy mình có “thừa” năng lượng để làm việc, mà không có đủ thì giờ trong một ngày “chỉ có” 24 tiếng đồng hồ. Vả lại, tôi “rất hài lòng” trong cung cách tiếp cận cũng như hành xử của tôi với đời sống… Chỉ tại nhiều người không thực sự “tiếp cận” với tôi, họ chỉ “tiếp cận” với những “dư luận” chung quanh tôi, nên có thể họ cho rằng tôi bị nhiều “hệ lụy” đó thôi!
Nguyễn Đức Tùng: Xin anh một chút riêng tư: cuộc tình của anh với nhà văn Trần Thị Bông Giấy và sự tan vỡ của cuộc tình đó mang lại điều gì cho thơ anh?
Trần Nghi Hoàng: Tôi hầu như… rất ít làm thơ tình… Chuyện tan vỡ với Trần Thị Bông Giấy là một ân hận lớn của tôi với cháu Âu Cơ. Do đó, như tôi đã trả lời với anh Nguyễn Đức Tùng ở một câu hỏi trước, cháu Trần Nghi Âu Cơ là một trong hai người tác động cho tôi viết Mở cửa tử sinh. Người thứ hai hiện tại là nhà tôi, Hoàng Thị Bích Ti. Cháu Trần Nghi Âu Cơ + Hoàng Thị Bích Ti + Nỗi cô đơn + Những suy niệm về đời sống, con người… làm thành Mở cửa tử sinh… và nhiều bài thơ khác.
Nguyễn Đức Tùng: Anh nghĩ sao về tình trạng của thơ Việt Nam hôm nay, các tác phẩm của những nhà thơ trẻ?
Trần Nghi Hoàng: Wow! Trong nhiều bài viết, tôi có tỏ vẻ khó chịu, dè bỉu về cái câu “mỗi người Việt Nam là một… thi sĩ”; không biết anh có đọc?
Thơ Việt Nam hôm nay có những chuyển động của nó. Chuyển động, theo tôi, trước hết đã là dấu hiệu tốt. Tuy nhiên, theo tôi, hầu như những cố gắng của các nhà thơ (cả trẻ lẫn già) đều chưa phải là sự sáng tạo thơ đích thực? Tôi cho rằng “sáng tạo” khác với “làm mới”. “Sáng tạo” đích thực là làm ra… cái mới. Làm ra cái mới khác với làm mới…. cái cũ. Đa số những người làm thơ thuộc trường phái “hậu hiện đại” hay “cách tân” gì đó, họ chỉ mày mò với công việc “làm mới cái cũ” hoặc ở một hướng khác, là bắt chước, nhại lại những cái đã quá cũ của Âu Mỹ… làm cái mới của mình.
Không ít những nhà thơ trẻ, hoặc không còn trẻ nữa đã có những công cuộc tìm kiếm… Thơ. Trong công cuộc tìm kiếm ấy, có tìm thấy được Thơ hay không, lại là một vấn nạn.
Không thể phủ nhận là đã có những thành tựu thơ mà các nhà thơ trẻ đạt được. Họ có những “sáng tạo” đích thực. Chuyện những sáng tạo đó có được “công nhận” hay không, phải để thời gian trả lời. Song le, điều tôi muốn nói là, “sáng tạo”, làm ra cái mới… thế nào đi nữa nhưng bắt buộc thơ vẫn phải là Thơ. Nó khác với việc “làm ra những cái kỳ cục” rồi đặt tên cho chúng là Thơ.
Nguyễn Đức Tùng: Xin anh nói rõ hơn về điểm này. Đa số những bài thơ cách tân gần đây trên báo chí trong nước và hải ngoại, như trên tạp chíHợp Lưu, Văn, Văn học, liên mạng Tiền Vệ, talawas, Da màu, Văn nghệ Sông Cửu Long, eVăn, v.v… là mới hay cũ? là kỳ cục hay không… kỳ cục?
Trần Nghi Hoàng: Rất khó để “nói rõ” một cách chi li với anh về điểm này. Trên những tạp chí hay liên mạng ở trong nước hay ở hải ngoại mà anh vừa nêu tên, gần đây, dĩ nhiên có bài “mới” và bài “cũ”. Có tác giả càng lúc càng “mới” và có tác giả vẫn tiếp tục… “cũ” hoặc đi lạc dù rằng đã cố gắng “làm mới”….
Chỉ có thể đưa ra vài ví dụ.
Tôi đương nhiên không phải là một người chủ trương hay gần gũi gì với các thứ đạo đức Khổng Mạnh hay niềm tin kiểu van xin quỳ lạy… Nhưng một bài “…” như thế này của Lê Thị Thấm Vân, thì tôi thấy là “ác độc” quá:
Trăn trối
Con gái mẹ
Yêu ai, con cứ fuck họ
Ghét ai, con cũng có thể fuck họ
Khinh ai, mẹ để tùy ý con.
Ai quý mến cưng chiều
con luôn tử tế biết ơn
nhưng không nhất thiết phải để họ fuck
……….
Bố con biết tự sướng thân, vác cặc đi đụ tứ phương thiên hạ.
Còn lồn mẹ, cứ ủ kín để dành hiến dâng bố con đêm động phòng
Đó là điều ngu nhất đời mẹ.
(trích Tiền Vệ)
Tôi không tin Lê Thị Thấm Vân thực tình muốn con gái mình đi “fuck” tùm lum như vậy. Dù là “fuck” giao cấu hay “fuck” nguyền rủa. Nhưng cái “thông điệp” của Lê Thị Thấm Vân nó “tàn bạo” quá khi đó là lời “dạy dỗ” của một người mẹ dành cho con gái mình. Nguyên do đầu tiên cho sự hiện diện của đứa con gái mình trong cuộc đời có “yêu, ghét, khinh…” này vì mình đã để cho anh chồng mình nó “fuck” mình hoặc mình đã “fuck” anh chồng mình. Lúc đó, chỉ mình và anh chồng mình sướng (hay người sướng người không hoặc sao đó…), chứ đứa con gái không hiện diện. Bây giờ, Lê Thị Thấm Vân không nên can dự vào chuyện đứa con gái nên cho ai “fuck” hoặc xúi cháu nên “fuck” ai… Cứ để cháu nó tùy nghi… Và nhất là không nên “trăn trối” cho con gái bằng “cái gọi là thơ” kiểu “kỳ cục” như vậy… Đó là hành động molesting thơ cùng lúc với molesting con gái của mình.
Tuy nhiên, tôi cũng đọc được những bài thơ khá hay của Lưu Hy Lạc, tác giả mà tôi thấy ngày càng đạt được mức gần đều tay. Thí dụ như “Bài thơ tặng tôi vào đêm Giáng Sinh”, có những câu tôi thích:
lên mặt màn hình thực chưa đâu
vào đâu thơ chưa sống đời thơ
chữ chưa sống đời chữ…
nàng lại xẹt qua nói
đúng kiểu tay sính thơ thứ thiệt
té ra vào những ngày nàng có
kinh thế này y rằng lo vật
lộn với “nó” tôi nào hay trong
lòng bấy giờ luôn dạt dào một
niềm cảm thương nàng vô hạn và
cũng chính mối thương cảm ấy khiến
tôi phát thèm muốn trải nghiệm
ý tưởng khiểu cách này nọ lên
mặt màn hình….
(trích Tiền Vệ)
Hành trình tìm kiếm thơ của Lưu Hy Lạc, ít ra, đã có vài kết quả…
Khá nhiều những tác giả khác tôi thấy có “nội lực” như Lý Đợi, Bùi Chát… trong nước. Hải ngoại thì Đỗ Kh., Đinh Linh, Phan Nhiên Hạo… là những cá biệt trong công việc làm mới thơ.
Nguyễn Đức Tùng: Trên talawas, tháng 10 năm 2006, tác giả Bùi Công Thuấn viết: “Trong cái ao làng văn chương Việt Nam hiện nay… người sáng tác chưa ý thức đầy đủ về nhân cách nhà văn của mình, lại viết bằng con mắt hẹp bản năng…”
Anh nghĩ sao về nhận xét có phần nghiêm khắc nói trên? Các nhà thơ Việt Nam, hải ngoại và trong nước, có thể làm gì để thay đổi tình trạng này?
Trần Nghi Hoàng: Nhận xét của Bùi Công Thuấn, ít ra, cũng đúng tới 90% theo tôi thấy! Còn chuyện các nhà thơ Việt Nam có thể làm được gì để (khả dĩ) thay đổi tình trạng này thì, xin thưa với anh, là tôi chỉ có vài góp ý:
- Vất bỏ quan niệm nhà thơ thì… không cần kiến thức. Nhà thơ, theo tôi, rất cần kiến thức và tri thức.
- Do đó, phải đọc. Đọc càng nhiều càng tốt: thơ ca (và các món khác) của các quốc gia khác trên thế giới. Không phải để bắt chước, mà là để tiếp cận thêm những “cảm quan mới”, “tâm cảnh mới” của nhân loại ngoài Việt Nam. Đọc là “học”, là “trải nghiệm” và “mở rộng tâm thức”.
- Có “độc lập” mới thực sự có “sáng tạo trong tìm kiếm”.
Nguyễn Đức Tùng: Anh nhiều lần nhắc đến “tìm kiếm thơ”. Theo anh, một tác phẩm như thế nào thì được coi là có tính thơ?
Trần Nghi Hoàng: Đây là một câu hỏi khó! Ba chữ “tìm kiếm thơ” trong trường hợp này không phải là một hành động, mà là một “trạng thái”, một “ý thức” thì đúng hơn. Thơ là gì? Hãy nhắc đến Bùi Giáng một chút. Đại khái, ông Bùi nói: “Để diễn giải một bài thơ này, chỉ có cách duy nhất là làm một bài thơ khác.” Như vậy, để định nghĩa (?) “thơ là gì”, chỉ còn cách duy nhất… liệt kê ra “cái gì là thơ”!
Bất cứ “cái gì” cũng có thể là thơ. Và bất cứ “cái gì” cũng… không phải là thơ! “Thơ” hay “không thơ”, cuối cùng, là một thứ “vô thức cảm nhận”.
Trong đời, tôi cũng đã có đôi lần nói: “Cái này mà là thơ à?”… khi đọc phải những vần điệu hoặc không vần điệu… quá cliché, quá mòn cũ không gây một chút xúc động nào ngoài sự… bực mình.
Có thể nói, “thơ” là một thứ NGÔN NGỮ làm người đọc nó bị ngạc nhiên và xúc động, tức là bị “tấn công” như tôi đã từng phát biểu.
Nguyễn Đức Tùng: Tôi xin được diễn dịch một ý của anh ở trên như sau: Không cần cố “làm mới thơ”, vì chỉ cần làm thơ hay, là có thơ mới. Nhưng thưa anh, có thể nào thơ thì hay mà vẫn cũ? Xin chép những đoạn thơ sau đây, được nhớ lại một cách ngẫu nhiên. Hoàn toàn theo trí nhớ. Nghĩa là chúng làm tôi nhớ:
Em đến hôm nào như hoa bay
Tình không độc dược mà đắng cay
Mùa thu tàn nhẫn từ đôi mắt
Mùi hương sát nhân từ ngón tay
(Đinh Hùng)
Áo tím chiều ơi nắng gió ơi
Mênh mông là chỗ có em ngồi
Xin cho một chấm trong trời đất
Để vịn qua chiều em dắt tôi
(Trần Mạnh Hảo)
Và:
Cốc cà phê càng nguội
Màu cà phê càng đen
(Nguyễn Quang Thiều,)
Theo anh, chúng là mới mà dở, hay là cũ mà hay; là vừa mới vừa hay, hay là vừa cũ vừa dở?
Trần Nghi Hoàng: Tôi sẽ lần lượt trả lời theo thứ tự câu hỏi: diễn dịch của anh… gần gần đúng với điều tôi muốn nói. Tôi đưa một ví dụ: Thập niên 80, thời tôi còn ở San Jose, California, trong một bữa tiệc sinh nhật của ai đó, có một “bút nhóm” mấy ông lớn tuổi làm thơ… hiện diện (thời đó tôi còn khá trẻ!). Mấy ông này thấy sự có mặt của tôi (tôi rất ít khi đi vào mấy chỗ “đám đông” như thế này!), bèn đề nghị được “cật vấn” dăm điều. Xin chú thích thêm: mấy ông lớn tuổi này “chủ trương” làm thơ là phải có luật, có vần… và họ xếp tôi vào loại làm thơ… không niêm luật, vô trật tự! Câu hỏi của mấy ông lớn tuổi như sau:
“Theo ông Trần Nghi Hoàng, làm thơ ‘luật’ khó, hay làm thơ ‘tự do’ khó?”
Tôi đã trả lời:
“Thưa quý ông, theo tôi, làm thơ… cho ra thơ, và thơ hay là khó nhất!”
Chả biết anh định nghĩa như thế nào là “cũ”, “mới”? Vần điệu, thể luật… chưa chắc là những tiêu chuẩn chân chính trói buộc bài thơ vào cái cũ. Những câu dài, ngắn khác nhau, không vần điệu… chưa hẳn làm thành một bài thơ mới! Cái cốt yếu của thơ vẫn là cách sắp xếp ngôn ngữ, hình ảnh và ý tưởng. Tôi đọc anh nghe câu thơ… Đường luật (tôi chỉ còn nhớ duy nhất một câu!), của tác giả Vũ Văn Học, mà theo tôi thì nó… rất mới:
thuyền trung tửu lãng khuynh bôi khấp
tôi dịch:
trong thuyền sóng rượu xô chén khóc
hoặc vài câu thơ của người H’Mông:
anh đã về tới nhà rồi
mà hồn còn nằm trong vạt áo em
nếu anh là giọt sương khuya
anh xin được tan dưới gót chân em
vẫn là những chữ bình thường nhưng ý tưởng, hình ảnh… bộ không mới chắc? Anh Tùng nghĩ sao?
Bây giờ, tôi sẽ “đi vào” ba bài (đoạn?) thơ mà anh Tùng đưa ra:
Em đến hôm nào như hoa bay
Tình không độc dược mà đắng cay
Mùa thu tàn nhẫn từ đôi mắt
Mùi hương sát nhân từ ngón tay
Đoạn thơ trên của Đinh Hùng, tôi tin nó đã rất mới vào thời điểm nó xuất hiện. Và cho đến bây giờ, nó vẫn chưa “bị cũ”… lắm, dù là thơ vần điệu. Đinh Hùng đã làm được công việc là liên kết những từ không mới mẻ gì tạo thành những trường hình ảnh lạ: hoa bay, độc dược, đắng cay, tàn nhẫn, sát nhân.
Bốn câu thơ trên của Đinh Hùng, theo tôi, vẫn còn có thể gọi là hay được trong trào lưu neo- classic.
Trường hợp thứ hai:
Áo tím chiều ơi nắng gió ơi
Mênh mông là chỗ có em ngồi
Xin cho một chấm trong trời đất
Để vịn qua chiều em dắt tôi
(Trần Mạnh Hảo)
Là mới hay là cũ?
Là một bài thơ… thường thôi! Nhưng đã có thể gọi là thơ được rồi! Song le, nếu trong bốn câu, Trần Mạnh Hảo làm sao “lọc” bớt đi một chữ “chiều”, có lẽ bài thơ sẽ “tới” hơn. Hai câu dưới:
Xin cho một chấm trong trời đất
Để vịn qua chiều em dắt tôi
có ý… muốn mới. Và ít ra, đây là một bài thơ khá của Trần Mạnh Hảo.
Kết luận: Bốn câu này của Trần Mạnh Hảo, tôi chưa thấy qua khỏi thời “thơ tiền chiến”.
Trường hợp thứ ba:
Cốc cà phê càng nguội
Màu cà phê càng đen
(Nguyễn Quang Thiều, trích theo Trần Mạnh Hảo)
Là hai câu thơ khá đặc biệt và hay. Mới ở ý. Với những con chữ bình thường tầm thường, tác giả đã làm cho ý thơ trở nên sâu bén: chữ “càng” ở câu thơ thứ nhì tô đậm sự cô đơn, ảm đạm, tăm tối của hình ảnh, khiến cho câu thơ không phải là một thông báo bình thường, trung tính nữa.
Nguyễn Đức Tùng: Tôi xin được đồng ý với anh… hơn một nửa. Tôi tin rằng cả ba đoạn trích trên đều là những đoạn thơ hay. Mỗi tác giả một cách khác nhau.
Đinh Hùng thì cũ, rất cũ, mà vẫn tuyệt hay. Bây giờ chúng ta không làm thơ như thế nữa. Không thể, mà cũng không nên.
Trần Mạnh Hảo thì tài hoa về ngôn ngữ, nhưng anh ấy đứng trên, và vẫn còn tiếp tục đứng trên, mảnh đất của hệ thống thẩm mỹ cổ điển. Tuy nhiên, cần nhớ rằng những câu như:
“Mênh mông là chỗ có em ngồi”
Một số người khi đã đọc qua thì thấy dễ làm. Tưởng như ai làm cũng được. Họ lầm. Thơ có vần không dễ làm như thế.
Câu của Nguyễn Quang Thiều, anh đã bắt được cái tinh tế của nó. Theo tôi, mặc dù Nguyễn Quang Thiều nổi tiếng về các câu thơ rậm rạp, đóng góp quan trọng nhất của anh là cách tiếp cận cái đẹp thông qua cảm giác (sense). Thơ anh có nhiều thị giác, vị giác, xúc giác, v.v… Hai câu này làm tôi nhớ đến hai câu khác của Tomas Transtromer, nhà thơ Thụy Điển, một bậc thầy.
Sau một ngày đen tối, tôi chơi nhạc Haydn
Và thấy hơi ấm trên hai lòng bàn tay
(After a black day, I play Haydn
And feel a little warmth on my hands)
(bản dịch tiếng Anh, hình như của Bly, cũng chép theo trí nhớ)
Bây giờ xin được hỏi anh một câu hỏi đi ra từ các câu hỏi trên: Theo anh, thơ Việt Nam hiện nay đang thiếu điều gì. Anh ước muốn điều gì cho nó?
Trần Nghi Hoàng: Hiện nay, thơ Việt Nam từ trong nước cho tới hải ngoại dường như đã có… chút sinh khí. Nhưng lại thiếu tính chất dynamite. Thơ Việt Nam đang rất cần tạo ra những chấn động, những dynamite thực sự, chứ không phải do lăng xê giả tạo… như một vài “hiện tượng” đã xảy ra.
Mong ước của tôi là “một thứ ngôn ngữ mới cho thơ”; “một cung cách mới cho thơ”… Ngôn ngữ mới cho thơ nằm trong thủ pháp… xếp chữ! Cung cách mới cho thơ thể hiện ở kỹ thuật và cảm xúc mới. (Kỹ thuật và cảm xúc sẽ “mới”, nếu trí tuệ, quan điểm, kinh nghiệm và thể nghiệm của người làm thơ được tự kiến tạo trong công cuộc tìm kiếm của mình để đi tới cái tìm thấy cho riêng mình). Và những người làm thơ… không nên tập hợp với nhau để “đồng ca thơ”. Thơ là một cõi rất riêng cho mỗi người làm thơ. Thơ không chia sẻ, không kết bầy, không hướng đạo đồng phục dắt đường… Và sau hết, thơ phải là thơ.
Nguyễn Đức Tùng: “Thơ là một cõi rất riêng” thì đúng, nhưng thơ “không chia sẻ, không kết bầy” thì rất cần suy nghĩ lại, nó controversial lắm anh ạ. Anh xem, các nhà thơ Nga tập hợp trong nhóm Ly Tâm (Centrifuge) của Boris Pasternak trước đây, các nhà thơ Nga khác thuộc nhóm Vị Lai (Futurists) của Mayakovsky, các nhà thơ Mỹ thuộc Black Mountain (College) của Charles Olson, các nhà thơ Beats của Jack Kerouac, nhóm San Francisco Renaissance của Robert Creeley, v.v… đã tạo nên biết bao động lực tinh thần và năng lượng thơ ca? Anh nghĩ sao?
Trần Nghi Hoàng: Anh cứ “suy nghĩ lại”! Vấn đề tự nó đã controversial rồi, thì làm sao? Nhóm Ly Tâm (Centrifuge) của Boris Pasternak… gần như không tồn tại trong lịch sử văn học Nga, ngoại trừ Boris Pasternak. Cha mẹ Boris Pasternak là bạn thân của Rainer Maria Rilke và Tolstoy. Cá nhân Boris Pasternak từng rất “ngưỡng mộ” Rilke, theo như thân phụ của Pasternak xác nhận trong một bức thư ông gửi cho Rilke. Nhưng tôi không tìm thấy “bóng dáng” của Rilke “chia sẻ” trong những sáng tác của Pasternak. Về trường hợp Mayakovsky, có ai khác trong nhóm Vị Lai (Futurism) ngoài Mayakovsky còn “tồn tại”, nghĩa là được nhắc nhớ tới trong văn học đâu? Những David Burlyuk, Velimir Khlebnikov, Alexei Kruchenykh… hầu như chìm khuất, thỉnh thoảng mới được nêu tên bởi những nhà nghiên cứu văn học thời Mayakovsky và nhóm Futurism. Và một chuyện “ngoài lề” khá lý thú, Pasternak chưa bao giờ xem Mayakovsky là một nhà thơ… đáng kể (major poet). Riêng Beats của Jack Kerouac lại là trường hợp khác. Beats là một phong trào, một biến động văn hóa chứ không thuần là một nhóm văn học. Beats Gerenetion là một thời đại, một cần thiết của lịch sử trong văn học Hoa Kỳ. Giống như Tự lực Văn đoàn của Nhất Linh tại Việt Nam.
Dĩ nhiên, những “nhóm” văn học, nếu có những thành tựu thì ảnh hưởng của họ sẽ biến thành động lực cho năng lượng sáng tạo thơ ca của lớp sau. Nhưng điều này liệu có “kết quả tốt” như chúng ta mong mỏi không?
Khi tôi nói “không chia sẻ, không kết bầy” là thuần lý trong phạm trù sáng tác. Trong tuyển tập Irish Poetry có tựa là After Yeats, người chủ biên, Maurice Harmon viết:
“Such distinction did not necessarily make the work of the next gerenations easier. They did establish standards by which younger writers should measure themselves and they did make it necessary for them to find a personal idiom and a distinctive voice. For the young poet in 1920 or 1930, the question was how not to write like Yeats and how to find areas not already dominated, or exhausted, by him. For the young poet in the fifties and sixties that question was less pressing.”
(Tạm dịch: Một sự phân biệt như thế không tất yếu làm cho công việc của những thế hệ sau trở nên dễ dàng hơn. Họ định ra những tiêu chí mà nhờ đó, các nhà văn trẻ hơn có thể tự thẩm định được mình, và chúng hết sức cần thiết để các nhà văn tìm thấy cách diễn đạt cá nhân và giọng điệu riêng biệt. Dối với nhà thơ trẻ những năm 1920 -1930, vấn đề đối với anh ta là làm thế nào để không viết giống Yeats và làm thế nào để tìm thấy những lãnh địa chưa bị Yeats thống ngự hay khai thác cạn kiệt. Đối với nhà thơ trẻ thập niên 50 -60, vấn đề đó trở nên ít cấp thiết hơn.)
(Maurice Harmon, Irish Poetry After Yeats Little, Brown & Company xuất bản 1979. Phần “Introdution”, trang 9. Trong cuốn sách này, Maurice Harmon đưa ra 7 nhà thơ: Austin Clarke, Richard Murphy, Patrick Kavanagh, Thomas Kinsella, Denis Devlin, John Montague và Seamus Heaney và một số những bài thơ tiêu biểu cho thành tựu của họ.)
Cho đến ngày hôm nay, thập niên đầu của thế kỷ 21, những nhà thơ Irish chắc chắn đã đi đến giai đoạn sáng tạo thơ ca mà không còn bị… bóng của Yeats… đè!
Maurice Harmon đã giải trình một cách khá cặn kẽ:
“Thành tựu của Yeats là cái mốc đã tạo ra một thời đại YEATS. Việc điển phạm hóa hay quy phạm hóa này có giá trị như một vùng đất, một thời đại đã bị cắm cờ chiếm lĩnh. Những kẻ hậu sinh nên tìm cách ‘thoát ra khỏi tầm ảnh hưởng của Yeats’. Hoặc, nếu thực sự tài ba, thì phải nên tự tìm cho mình một ‘lãnh địa riêng’; và tạo Một Thời Đại Của Mình.”
Một tác giả “lớn”, tầm ảnh hưởng “di truyền” qua bao nhiêu thời đại. Và Yeats không cần phải “chia sẻ, kết bầy” với ai hết! Vả lại, tôi cho rằng sự “chia sẻ, kết bầy” trong văn học làm cùn nhụt, tê dại và giảm đi rất nhiều năng lượng của những nỗ lực trong sáng tạo của mỗi cá nhân.
Trong Quotations about Poetry and Poets (Những trích dẫn về thơ và nhà thơ) của Allen Ginsberg, có vài câu tôi rất thích:
“Poetry is not an expression of the party line. It’s that time of night, lying in bed, thinking what you really think, making the private world public, that’s what the poet does.”
(Thơ ca không phải là một cách biểu đạt của một chính đảng. Công việc của nhà thơ là: mỗi khi đêm về, anh nằm trên giường, syu nghĩ về những gì mình thật sự nghĩ, làm cho cái thế giới riêng tư của anh được bộc lộ ra với công chúng.)
Và:
“I have a new method of poetry. All you got to do is look over your notebooks… or lay down on a couch, and think of anything that comes into your head, especially the miseries. Then arrange in lines of two, three or four words each, don’t bother about sentences, in sections of two, three or four lines each.”
(Tôi có một phương pháp thơ mới. Tất cả những gì bạn phải làm là xem xét kỹ những cuốn sổ tay của bạn… hay nằm xuống trên đi văng, nghĩ về bất cứ điều gì đi vào trong đầu mình, đặc biệt là những nỗi thống khổ. Rồi sau đó, hãy sắp xếp chúng thành dòng, mỗi dòng hai, ba, bốn từ, đừng bận tâm về các câu, cứ hai, ba, bốn dòng hợp thành một đoạn.)
Sáng tác thơ ca là công việc “một mình” của người làm thơ. Thơ ca không phải football hay những trò chơi thể thao tập thể mà cần… teamwork!
Nguyễn Đức Tùng: Theo anh, thế nào là một bài thơ hay? Xin anh cho một ví dụ.
Trần Nghi Hoàng: Thế nào là một bài thơ hay? Một bài thơ hay, là một bài thơ “tấn công” được người đọc nó… Tấn công và làm người đọc nó chấn động.
Ví dụ? Khó à nghe! Dạo này tôi đã biết “sợ” làm người khác mất lòng! Đưa ví dụ bằng thơ ông này, thì những ông khác sẽ… không vui.
Có kỳ cục lắm không nếu tôi đưa ví dụ là một bài thơ của tôi? Nhưng vậy thì đã sao, hả anh?
Xin đọc:
mở ngoặc cho ngày cuối năm
gửi T.
khi loài cá hồi vẫy đuôi ngược vào biển thẳm
lũ cầu vồng ngũ sắc chập chờn lượn lờ trên
những chân trời riêng
và tôi thèm gọi tên Em
từng ngụm thời gian
mọc ngoài dự báo
tôi là đấng tiên tri mà nhân loại sẽ quên tên
sự nhắc nhở không cần thiết
tôi gửi tặng CON NGƯỜI rốt ráo
bao nhiêu là báu vật của tương lai
có Em làm chứng cho cuộc hiến tế âm thầm
con đường mọc hằng hà cửa sổ và sao sương
hơi khuya và hơi mưa làm nên cuộc nhân duyên phiền muộn
Em đếm hộ tôi những ánh đèn khuất mặt
những CON NGƯỜI khuất mặt
trong HỘI HOA ĐĂNG và tiếng kêu của thế giới khác
trầm trầm hồi trống ngắt khoảng
giọng nấc lâm ly rớt rụng câu Xề
tôi bủa năm ngón tay làm phép lành
nhất thiết Em kiên trì xiển dương điều tán tụng
mùa băng hoại chảy trôi về vô tận
nụ hôn Tôi môi đắng phía luân hồi
Em Em như thể Em chưa từng Tôi mấy bận
ngất ngưởng tầm mắt xa
Tôi nắm chặt lửa thời sơ khai Em thất lạc
vẫn giữ điều chưa từng hứa
cho nhau
rừng nến sáng trên rừng cây bất tận
sao sương nghiêng
úp mặt vào đêm
Đêm Em Riêng và và Đêm
Tôi Nguyệt Thực
mầm móng xanh tươi mãn khai trăm hướng
những Nụ Đời nở rộ khôn nguôi
bầm bầm màu rượu thẳm lướt mặt
cánh chim Côi
ở một lần táng tận
khoe miết màu sớm, nghe
trễ tràng hơi thở đã mất hạn
bắn ngẩn ngơ vào trái tim Đời và Em gọi
tên Tôi
treo từng cục thời gian trên không gian vô lượng
Tôi treo đời tôi vào Em
làm dấu một thời đại sau tiền kiếp
cho chuyến thổ mộ được kéo băng băng
do loài ngựa bạc đầu cương vàng khóa ngọc một chuyến
hư vô
hư vô
trầm tỉnh mấy cơn say
định hình thời mặc định
vực lại mênh mông trong ngụm tuyết đắng
còn hơi rượu sôi trong triền máu thiêng
Tôi xếp hai bàn chân ngửa
nói với Em về chỗ căn duyên
tiếng vỗ trùng hơi tận túy
lơi ra nửa chữ sao sa
sao rụng như một lần Tôi muốn rụng
chờ nghe em hát Cổ Bồn Ca
Tôi tự họa chân dung mình
trên tờ thời gian miết biệt
đâu mắt mũi râu
vầng trán thiên thâu với những dòng sông
khô nẻ
hơi thở nào trong tai như tiếng sóng tiếng sấm
và chợt Em lần vạt tóc dài trải hết đời Tôi
trong khoảng cách của cánh cửa chiêm nghiệm và
ánh mặt trời mù khuya
Tôi vẫn gọi tên Em
lần này thật Lớn và thật Lớn
Virginia ngày cuối năm
Dec 31–05
Nguyễn Đức Tùng: Anh nói “đưa ví dụ bằng thơ của ông này, thì những ông khác… sẽ không vui”. Anh có nghĩ rằng các nhà thơ Việt Nam, nhất là các nhà thơ anh quen biết, có thể hẹp hòi đến thế chăng?
Trần Nghi Hoàng: “Đưa ví dụ bằng thơ của ông này, thì những ông khác… sẽ không vui”… Đó là một câu nói đùa… mà thật! Lẽ đương nhiên, người làm thơ nào cũng phải tự thấy thơ mình… hay! Thơ mình mà không hay… thì thơ ai hay đây, hở trời?
Khi anh Nguyễn Đức Tùng đưa câu hỏi “như thế nào là một bài thơ hay, và cho ví dụ”…, nếu tôi đưa bất cứ bài thơ của bất cứ người làm thơ nào khác, cũng đều không… thật lòng với chính tôi! Tuy nhiên, quan niệm sống của tôi là trước hết phải luôn thành thật với chính mình… Và bởi thế, tôi nói thật những điều tôi nghĩ…. dù “nói thật” thường khi rất dễ khiến mích lòng. Chẳng những mích lòng không thôi, lắm người đã khó chịu với tôi và thậm chí… “không ưa” tôi nữa!
Tôi nhận ra một điều rằng, về mặt lý luận văn học nói chung, Việt Nam xưa nay vẫn luôn thể hiện một tư thế rất ư là nhược tiểu!
Trước 1975, những bài viết có chủ đề hoặc liên quan đến tư tưởng văn chương, thì những tác giả hầu như thường vẫn phải sử dụng những tên tuổi của những “cự phách” Tây phương kiểu Jean Paul Sartre, Albert Camus hay Arthur Schopenhauer, v.v… để “củng cố” cho bài viết của mình. Thi ca thì lại Rainer Maria Rilke đã viết như thế này, Guillaume Appolinaire đã có những câu thơ thế kia, v.v… Ở hải ngoại, bây giờ, người ta lại đem Roland Barthes ra làm tiêu chuẩn cho văn và Stéphane Mallarmé làm nền tảng cho thơ… Rồi thì Joseph Brodsky, Milan Kundera này nọ… Đồng ý là khi làm công việc lý luận văn học, có lúc phải đưa ra một số tên tuổi “đại gia” để làm “bảo kê” và sáng tỏ thêm vấn đề chủ thể. Nhưng tôi thấy, lắm bài viết mà tư tưởng và tên tuổi được dẫn chứng nhiều đến nỗi đọc xong, chỉ thấy đúng là… một bảng liệt kê danh sách và những quote. Có nghĩa là, người đọc sẽ không biết chủ thể bài viết của tác giả… ở chỗ nào? Và đâu là “tư tưởng rốt ráo” của tác giả? Do đó, tôi chọn cách đưa “tôi” ra làm ví dụ… cho tiện! Vì đâu có ai hiểu thơ mình bằng chính mình, phải không? Còn các nhà thơ Việt Nam nói chung, có “hẹp hòi” không? “Bá nhơn, bá tánh” tôi… làm sao mà biết được. Riêng những ông nhà thơ… lỡ là bạn tôi thì tôi thấy ông nào cũng… văng mạng. Trong tự điển của mấy cha này, dường như bị thất lạc hai chữ “hẹp hòi”. Chuyện dễ hiểu thôi, những người “hẹp hòi”… làm sao “dám” xem tôi là bạn, anh ạ!
Thực ra, việc tôi chọn bài “dấu ngoặc cho ngày cuối năm” cũng có phần mang tính chất tức thời. Nó là bài thơ hiện lên ngay trong tâm trí tôi khi anh Nguyễn Đức Tùng hỏi tôi câu hỏi đó. Nếu ở phút này đây, anh Nguyễn Đức Tùng đặt lại câu hỏi giống như trên, biết đâu tôi sẽ lại chọn một bài thơ khác… mà tôi thấy hay hơn! Tất nhiên, là cũng của tôi.
Nguyễn Đức Tùng: Cám ơn anh đã nhắc đến lý luận văn học. Thật là khó khăn để nói trong một vài câu nhận xét của riêng tôi (có thể còn nhiều thiếu sót) về một nền văn học khá lớn (tôi tin rằng nền văn học Việt Nam, nhìn qua nhiều thế kỷ, xứng đáng được gọi là một nền văn học khá lớn). Đành nói giản dị thế này vậy: Trong giai đoạn trước 1975, văn học miền Nam mạnh về sáng tác, văn học miền Bắc mạnh về nghiên cứu, lý luận. Lý do có thể có nhiều, trong đó có thể hoàn cảnh là một nguyên nhân quan trọng. Ở miền Nam, sáng tác phát triển bởi môi trường sáng tác tự do và khí hậu văn hoá thơ mộng ở miền Nam, bất chấp cuộc chiến tranh, một cuộc chiến tranh không huy động toàn xã hội. Trong khi đó ở miền Bắc, trong bối cảnh của một cuộc chiến tranh huy động toàn xã hội, chính quyền dành cho lý luận nghiên cứu một sự quan tâm đặc biệt. Ở Hà Nội, theo tôi nhận thấy, có những nhà nghiên cứu lớn, có tài. Nhưng nếu nói phê bình thì cả miền Nam và Bắc trong quá khứ, chúng ta chưa bao giờ có một nền phê bình đúng nghĩa cả. Sau năm 1975, đặc biệt là sau sự sụp đổ của Liên Xô, cởi trói rồi trói lại (chữ của Trần Mạnh Hảo) ở Việt Nam, các nhà lý luận và phê bình văn học như bầy chim vỡ tổ: họ ngơ ngác, mất tư tưởng, phải mất không ít thời gian mới định thần lại được. Ở hải ngoại, một cộng đồng di dân, dĩ nhiên cũng chưa hình thành được một “nền” lý luận. Tình hình sáng sủa lên nhờ những cá nhân riêng lẻ, mà chúng ta có thể tạm kể, xen kẽ nghiên cứu, lý luận, và phê bình, chẳng hạn như: (đang ở hải ngoại) Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Phan Cảnh, Đặng Tiến, Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc-Tuấn, Thụy Khuê, Bùi Vĩnh Phúc, (đang ở trong nước) Nguyễn Huệ Chi, Hoàng Ngọc Hiến, Lại Nguyên Ân, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Mạnh Hùng, Đỗ Đức Hiểu, Đỗ Lai Thúy… Có vẻ như tôi đang dẫn giải khá dài nhưng cuối cùng là để đặt ra câu hỏi này, muốn trao đổi cùng anh: Sự phát triển của thơ độc lập hay phụ thuộc vào một nền lý luận phê bình? Chúng ta, với tư cách là những người sáng tác, có thể trông đợi gì ở các nhà lý luận hay phê bình?
Trần Nghi Hoàng: Tôi đồng ý một số điểm anh nêu ra ở phần “mào đầu” của câu hỏi trên. Có lẽ tôi và anh sẽ phải “đàm luận” thêm về đề tài này ở một dịp khác, bài khác chăng? Riêng câu: “Sau năm 1975, đặc biệt là sau sự sụp đổ của Liên Xô, cởi trói rồi trói lại (chữ của Trần Mạnh Hảo) ở Việt Nam, các nhà lý luận văn học như bầy chim vỡ tổ: họ ngơ ngác, mất tư tưởng”, thì tôi muốn góp ý như thế này: Lý luận văn học của miền Bắc trước 75 lệ thuộc vào lý thuyết chủ nghĩa xã hội của chính quyền. Điều này từ căn bản đã không ổn, nó làm mất đi tự do của người sáng tác, và tạo cho văn học thành một “bầy đồng phục”. Như vậy, xem như Việt Nam (Nam, Bắc và cả hải ngoại) chưa từng bao giờ có lý luận văn học cả.
Về câu hỏi của anh, tôi trả lời như sau:
- Sự phát triển của thơ ca hoàn toàn độc lập, không phụ thuộc vào một nền lý luận phê bình. Chẳng những thế, sự độc lập phải được rốt ráo thể hiện ở từng con người sáng tạo thơ ca. Thơ ca xuất hiện trước, lý luận và phê bình mới… từ tốn theo đó mà xuất hiện. Những tác giả và tác phẩm là động năng sản sinh ra phê bình và lý luận. Đặc biệt phê bình. Khi nhà phê bình làm công việc của mình một cách công phu, có giá trị; từ đó, một lý luận văn học bắt đầu trưởng sinh.
- Tôi cho rằng những người sáng tác thực sự chỉ trông đợi ở những nhà phê bình một tri kiến đầy đủ; một cảm nhận thẩm thấu sắc bén; và sau hết, một thái độ khách quan (vừa phải) và chỉ đối diện với văn bản cùng với bối cảnh sáng tác của tác giả mà thôi.
Romain Rolland đã nói như thế này: “Người ta không thể miễn cho mình cái việc phê phán đánh giá: đó là điều cần thiết để mà sống”. Nhưng phê phán đánh giá thì phải phê phán đánh giá cho đúng kìa. Trong Vân Đài loại ngữ thì Lê Quý Đôn đã khuyên dè một cách ôn hòa nhưng sâu sắc như sau: “Văn chương là của chung thiên hạ, phân tích thì được chứ không nên chê mắng.” Tuy nhiên, phân tích cũng có nhiều… phương pháp và cách diễn đạt để “áp dụng” trong lúc phân tích. Đôi khi, có thứ ngôn ngữ phân tích mà đọc không… thông, rất dễ khiến người đọc hiểu lầm ra là chê mắng! Vả lại, Lê Quý Đôn quên không có lời dạy về thái độ phải nên cư xử ra sao với những “nhà phê bình thiếu kiến thức và bè phái”?
Pushkin, vầng thái dương của thi ca Nga, cũng có câu:
“Ở đâu không có tình yêu nghệ thuật thì ở đó không có phê bình”.
Tôi hoàn toàn đồng ý với suy nghĩ này của Pushkin. Vì tình yêu nghệ thuật, rất nên làm công việc phê bình. Phê bình trong tinh thần phân tích như lời của Lê Quý Đôn.
Nguyễn Đức Tùng: Tôi nghĩ tôi cần bổ sung điều sau đây: nói riêng về các nhà nghiên cứu văn học trong nước, trong vòng mười năm trở lại đây, họ đã làm được nhiều việc đáng kể. Những bài viết của Hoàng Ngọc Hiến, Lại Nguyên Ân, Nguyễn Mạnh Hùng, Đỗ Đức Hiểu, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Huệ Chi, v.v… mà tôi được đọc, thấm đẫm tinh thần nhân văn, cởi mở, và họ đang góp phần giới thiệu cho độc giả trong nước, và cả ở hải ngoại,, những tinh hoa mới nhất về lý luận và phê bình văn học của thế giới. Chẳng hạn, những phân tích của Đỗ Lai Thúy về Thơ Mới gần đây, khá xuất sắc, có ảnh hưởng của phương pháp “close reading” (đọc tập trung) của Phê bình Mới (New Criticism). Phương pháp “close reading”, được Nguyễn Hưng Quốc dịch là “đọc gần”, Đỗ Đức Hiểu dịch là “đọc kỹ”, không chỉ giới hạn như một vấn đề lịch sử mà đã trở thành thao tác căn bản của sinh viên. Chữ “close” trong tiếng Anh có ít nhất năm nghĩa: gần (close relative), thân mật (close friend), kỹ (close observation), kín (close space), chính xác (close examination).
Nhưng tôi xin quay lại với bài thơ của anh ở trên. Chúng ta đang ở vào một tình thế tế nhị: cần phải diễn giải cho người đọc rằng bài thơ trên là một bài thơ hay, tức là nó đang… tấn công họ. Anh có thể nói thêm về nó được chăng?
Trần Nghi Hoàng: Chà! Tình thế nguy ngập đến nỗi thế sao? Tự đưa ví dụ bài thơ của mình là một bài thơ hay, không ngờ lại lâm vào “hiểm địa” như vậy!
Tự cho bài thơ của mình là một bài thơ hay, kể cũng là việc “tế nhị”! Diễn giải để những người đọc cũng thấy… bị bài thơ tấn công…, tức là nó hay, lại là một tình thế “tế nhị” hơn nữa! Song le, đã lỡ rồi, tôi cho… “lỡ” luôn!
Trước hết, với tôi, một bài thơ “tấn công” được người đọc thì thoạt kỳ thủy, nó đã phải… tấn công chính tác giả của nó. Không những một lần, mà sau nhiều lần, tác giả vẫn còn muốn, còn bị nó “dụ hoặc” phải đọc lại. Thích thú và “chấn động” mà đọc lại. Hay có thể nói khác đi, một bài thơ mà tác giả của nó… không còn muốn đọc lại nó nữa, chắc chắn là bài thơ đó… “có vấn đề”. Thường là chính tác giả nhận ra rằng bài thơ… quá dở (hoặc bài thơ quá hay… sao đó, để nếu tác giả đọc lại có thể bị… khơi vết thương lòng chăng! Đây là một trường hợp “biệt lệ”! Than ôi!)
Nói thêm về một bài thơ hay: Theo quan điểm của tôi, tác giả đã sáng tác bài thơ trong một trạng huống chấn động với chính mình. Trạng huống chấn động này, tôi gọi là “tâm thức thơ”. Tác giả đã sáng tác bài thơ từ một “tâm thức thơ”. Sự chấn động là kết quả của vô thức nuôi dưỡng và kết tụ qua đời sống, suy niệm, thể nghiệm và tất nhiên, cảm xúc… Rồi còn lại là “thủ pháp thơ”, tức kỹ thuật. Cách diễn đạt, chọn chữ, sắp xếp câu chữ ngắt dòng, ngắt chữ, v.v… Ngay cả một bài thơ ở thể loại “ngẫu hứng” hay “mì ăn liền” theo tư thế “biểu diễn” tại chỗ cũng phải có quá trình hình thành của nó… trong vô thức. Có thể hiểu trong vô thức của mỗi người làm thơ luôn có một “tàng thức thơ”. “Tàng thức thơ” là cái “kho” lưu trữ, cất chứa những ý niệm, mầm cội cho những bài thơ… Khi một “cái gì đó” tức ý niệm, hay mầm cội trong “tàng thức thơ” được khơi động, tức thì “tâm thức thơ” hiển lộ, và thơ được khai sinh…
Sự tấn công của một bài thơ có thể tác động vào người đọc, theo tôi, cần những điều kiện và quá trình như thế và như thế. Nhà thơ, nếu chỉ vin vào những “chữ nổ” để “tấn công” người đọc, chẳng hạn những chữ mà tôi bắt gặp nhiều hiện nay: những chữ như “cặc”, “lồn”, “đụ”, “vú”, “mông”… mà không cho những “ý niệm” hay “mầm cội” này có thời gian trưởng sinh của nó trong “tàng thức thơ”, tức là hành trình sống, suy niệm, thể nghiệm, cảm xúc… trong “cõi thơ”… thì tôi không tin đó là một bài thơ “tấn công” được người đọc theo quan niệm của tôi. “Tấn công” khác với “khủng bố”. Cũng như một “bữa ăn lạ” khác với một “bữa ăn… dơ” đôi khi bỏ thêm dấu hỏi (?).
Ngôn ngữ, đã là ngôn ngữ trần gian, dù là ngôn ngữ hè phố hay hàn lâm thì đương nhiên có thể biến thành ngôn ngữ “Thơ”. Vấn đề còn lại là, trong “tâm thức thơ”, bạn sử dụng, cấu trúc nó như thế nào, ở trường hợp nào và ra sao…
Trường hợp “mở ngoặc ngày cuối năm” hình thành khởi đi từ ý niệm về Giới Hạn của những khái niệm như Miên Viễn, Hiện Hữu, Tồn Tại… chuyển động thành “tâm thức thơ”.
Do đó, tôi (rất tự) tin rằng bài thơ “mở ngoặc cho ngày cuối năm” của tôi là một bài thơ… tấn công được người đọc nó! Vì trước hết, bài thơ đã “tấn công” tôi, tác giả của nó, ngay lúc tôi sáng tạo nó. Và sau đó khi tôi đọc lại, bị thôi thúc đọc lại, nhiều lần, vẫn bị bài thơ “tấn công”, cho đến bây giờ.
Một điều cần nói thêm, tôi chưa từng “thắc mắc” hay “tư lự” là thơ mình thuộc “trường phái” nào… Có cần thiết “xếp loại” thi ca theo từng “trường phái” không anh?
Nguyễn Đức Tùng: Không cần tự xếp loại anh ạ. Nói riêng, tôi cũng thích bài thơ của anh. Nó có một giọng điệu (tone) rất riêng. Nhưng trước khi tôi có thể phân tích thêm, xin quay lại với câu hỏi căn bản dành cho anh.
Như thế, theo anh, “trước hết”, một bài thơ hay là một bài thơ làm xúc động tác giả của nó. Không những thế, sau nhiều năm tháng, mỗi khi được đọc lại, hay nhớ lại, nó vẫn còn đủ sức làm tác giả của nó xúc động như thuở ban đầu.
Điều anh nói, dĩ nhiên là đúng và quan trọng, tôi chắc không ai phản đối. Nhưng hình như chưa đủ anh ạ, vì có mấy điều sau:
– Trong văn học, có trường hợp tác giả từ chối đứa con của mình, hay không thích nó nữa, không thấy xúc động khi đọc lại, mà người khác vẫn cho nó làhay.
– Thứ hai là, nhiều khi bài thơ làm tác giả xúc động nhưng lại không làm người đọc khác xúc động thì sao?
Khi bị người yêu bỏ, thất tình, một cô gái có thể làm bài thơ như sau :
Trời ơi anh trốn đi đâu
Lòng em là một biển sầu mênh mông
Lúc mới làm xong, cô ấy đọc đi đọc lại lấy làm xúc động lắm. Nhiều năm sau thỉnh thoảng nhớ lại, có khi cô cũng còn ứa nước mắt, giữa hai nụ hôn của chồng. Bởi vì bài thơ kia khơi lại những vết thương cũ mà cô đã trải qua. Những kinh nghiệm hoàn toàn cá nhân. Nhưng tôi không dám chắc là bài thơ của cô ấy có làm anh xúc động không? Và nếu có thì có cùng một cường độ với tác giả chăng? Còn những người đọc khác thì sao?
– Thứ ba là, ngay cả khi cả tác giả và nhiều người đọc cùng bị “tấn công” bởi một tác phẩm, mà chưa chắc tác phẩm đó đã hay. Vì vậy, mới có hiện tượng các tác phẩm, bài hát thương mại, thời thượng, nhưng không bền lâu.
– Thứ tư là, tuy lí luận khó như thế, thực tế có thể lại giản dị hơn, như hôm nay, ngồi viết bài này, trên bàn viết một cuốn sách để mở, tôi tình cờ đọc lại:
Mày xanh trăng mới in ngần
Phấn thừa hương cũ bội phần xót xa
Thì tôi biết ngay là tôi đang gặp một câu thơ làm mình xúc động. Đọc đi đọc lại tôi phát hiện ra rằng tôi có thể phần nào phân tích được nó, tức là nỗi xúc động ấy, và tại sao nó có thể làm tôi xúc động như thế.
Chữ của Nguyễn Du rất mới, mặc dù là những chữ giản dị, ai cũng biết. Cái âm ngân nga của vần “a” trong “mày”, “xanh” (hay ai), “ngần”, “phấn”, “phần”, “xa”, làm cho câu thơ nhẹ như hơi thở, trang nhã và dịu dàng, đúng là để nói về một cô tiểu thư mới lớn, tuyệt sắc. Âm “ư” trong ba chữ “thừa”, “hương”, “cũ”, đi liền nhau gây cảm giác chán chuờng, chua xót, pha chút phẫn nộ ngấm ngầm, được nén lại. Chữ “phấn” và “hương” đài các, cũ kỹ, nên đi kèm với chúng là “bội”, chữ Hán Việt – “bội phần”. Các tiểu thi sĩ chắc là sẽ viết: nhiều phần, trăm phần, muôn phần, v.v… Chưa hết, “in ngần”,là in gì, mà khiến ta chỉ ám ành với hai vần “n” cuối cùng để đến nỗi quên tất cả, thấy là cảm xúc, vang động, mà không biết từ đâu, như một tiếng chuông ngân nga mất dấu. Chữ “mới” giản dị bình thường, ai viết cũng được, lại là chữ chết người của Nguyễn Du, trong hai câu thơ trên. Nó là key word anh ạ.
Như vậy, phải chăng một bài thơ mà ta có thể phân tích được tác động thẩm mỹ của nó lên người đọc, trả lời được phần nào tại sao nó “tấn công” ta, phân tích (analysis) chứ không phải là tuyên bố (statement), là một bài thơ hay?
Trần Nghi Hoàng: Điều tôi nói dĩ nhiên là cốt lõi của vấn đề. Còn những yếu tố phụ thuộc thì nhiều lắm…
- Một: Sau một thời gian, tự tác giả không còn thấy bài thơ mình… làm mình xúc động nữa, mà người khác vẫn thích và khen hay… Dễ hiểu thôi! Lúc ấy, tâm cảm tác giả đã “chuyển động”, “thay đổi” nhưng những “xúc động” do tác giả di tiếpvào bài thơ vẫn còn đó! Vì vậy, những người đọc “đồng cảm” sẽ bị tấn công và thích nó… Và cũng nhiều khả năng, một tác giả không còn thích, “xúc động” từ một bài thơ mà mình đã từng thích vì một hay vài lý do “rất riêng tư” mà chỉ mình tác giả biết… Như vậy, bài thơ vẫn là một bài thơ hay đó chứ! Bài thơ vẫn còn hay với một số “người đọc”. Tôi chưa từng bao giờ “từ chối” bất cứ “đứa con” nào của mình… Mặc dù, tôi cũng có nhiều đứa con “dở hơi” lắm anh Tùng ạ!
- Hai: Bài thơ làm chính tác giả “xúc động”, mà người đọc không ai “xúc động”, là trường hợp “thường tình”. Tác giả, khi sáng tác, là đã di tiếp cái “đang xúc động” của chính mình vào tác phẩm… Người đọc, có khi tiếp nhận không được, không đúng “level” của điều tác giả muốn bộc bạch… Do đó, một tác phẩm, một bài thơ có thể là tuyệt vời với một số người đọc (hay ngược lại, chỉ với chính tác giả!), và “rất dở” với một số người đọc khác… Tóm lại, cái “hay” của một bài thơ, nhiều khi, giới hạn với một số người đọc, với một “level” độc giả nào đó… Có nhiều “levels” tác giả, tất nhiên, cũng có rất nhiều “levels” độc giả khác nhau… Thí dụ như cha tôi, ông Ba Tri Nam Kỳ chỉ thích anh chàng Lục Vân Tiên tán gái rất nhà quê theo kiểu Khổng Phu Tử bị Lục Tỉnh hóa… “Khoan khoan ngồi đó chớ ra, Nàng là phận gái ta là phận trai”.
Những điều tôi vừa trả lời trong câu này, cũng “lý giải” cho câu hỏi “thứ ba” của anh Tùng. Xúc động của từng người đọc, trước một bài thơ, có thể hoàn toàn khác nhau hoặc chỉ khác nhau trên một số tiểu tiết.
Cần nói thêm, một bài thơ hay, đúng như anh Tùng nói, nhiều khi vì một hai chữ thần kỳ nào đó (key words) đẩy bài thơ lên.
- Bốn: phải chăng một bài thơ mà ta có thể phân tích được tác động thẩm mỹ của nó lên người đọc, trả lời được phần nào tại sao nó “tấn công” ta, phân tích (analysis) chứ không phải là tuyên bố (statement), là một bài thơ hay ?
- Điều này đúng, như Lê Quý Đôn đã nói. Song le, tôi không muốn làm công việc “phân tích” (analysis) bài “mở ngoặc cho ngày cuối năm” của tôi. Sự “tế nhị” này là do tôi muốn cho dung lượng bài thơ có cái “vô cùng” của nó. Nhưng tôi có thể nói, ở bài “mở ngoặc cho ngày cuối năm”, tôi đã thể hiện được “cái khoảng cách của cánh cửa chiêm nghiệm và ánh mặt trời mù khuya trong tình yêu và nỗi cô độc của con ngưởi”.
Do đó, khi “tuyên bố” rằng bài thơ “mở ngoặc cho ngày cuối năm” hay, là tôi đã cùng lúc làm công việc “phân tích” (analysis) cho nó.
Nguyễn Đức Tùng: Anh đọc ai? Những tác giả văn học nào làm anh say mê nhất?
Trần Nghi Hoàng: Tôi đọc tất cả những gì có chữ… trong tầm tay. Nhiều tác giả văn học tôi thích. Nhưng không có tác giả nào làm tôi “say mê” nhất. Tóm lại, tôi không có tác giả nào làm “kinh điển”… Tôi thích:
- Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn, nguyên tác cũng như bản dịch (vẫn còn tồn nghi) của Đoàn Thị Điểm;
- García Lorca – con chim sơn ca của thơ ca Tây Ban Nha;
- Lỗ Tấn, Ba Kim, Kim Thánh Thán, Mạc Ngôn, Kim Dung, Cổ Long… của Trung Quốc;
- Walt Whitman, Jack Kerouac, Allen Ginsberg… của Mỹ, Joseph Brodsky (Mỹ gốc Nga).
Nhưng có những tác giả, tôi chỉ thích… vài tháng, có khi vài ngày rồi thôi, hết thích.
Nguyễn Đức Tùng: Trên talawas, ngày 06 tháng 12, 2006, tác giả Trần Ngọc Cư, có bài “Thi ca xứ này”, với nhận xét tiêu biểu: “Nói ra thì thật bẽ bàng, nhưng đối với người Mỹ, dù là người ở ngoài đường phố hay là một trí thức chuyên gia, thi ca là một loại hình văn chương đang trên đường đi tới chỗ diệt vong”. Ở trên anh có nhắc đến Allen Ginsberg. Trả lời câu hỏi của nhà phỏng vấn lừng danh Lawrence Grobel: “Bạn nghĩ thế nào về tình trạng thơ (Mỹ) hiện nay?” (What is the state of poetry today?), Ginsberg nói như sau (1997): “Trước hết, chưa bao giờ có nhiều thơ như hiện nay. Ngày càng có nhiều người nghe thơ hơn trước, bởi vì thơ ảnh hưởng đến toàn bộ Rock and Roll, New Wave, Punk… Mọi người lắng nghe chúng, có điều họ không gọi đó là thơ. (Với họ) đó là các ca từ hay lời ca trữ tình. Như vậy mọi người rất hào hứng với thơ truyền khẩu (oral poetry), một hình thức rất căn bản của thơ vậy”. (“First of all, there is more poetry than ever. There are more people listening to poetry since poetry affected the entire Rock and Roll, New Wave world, Punk… Everybody listens to it without calling it poetry. It’s lyrics. So everyone is very much in touch with oral poetry, which is the basic medium for poetry: the oral form”. Lawrence Grobel, Endangered Species, p 162, Da Capo Press, 2001). Là người sống ở Hoa Kỳ gần ba mươi năm, và chắc là đọc nhiều, anh nhận xét ra sao về nền thơ của xứ sở mà anh cư ngụ? Anh học hỏi được điều gì ở họ?
Trần Nghi Hoàng: Tôi hoàn toàn không đồng ý với Trần Ngọc Cư. Chỉ qua đoạn trích của anh, Allen Ginsberg trả lời Lawrence Grobel, chúng ta thấy rõ là: thi ca ở Hoa Kỳ đã trở thành một hiện thực linh hoạt, đi vào đời sống hằng ngày của con người như nước ngọt coca cola, như bánh mì kẹp thịt MacDonald… Cháu Âu Cơ từ tiểu học đã được khuyến khích đọc sách và sáng tác thơ ở trường… Các thành phố như San Francisco, New York, Boston MA… và nhiều thành phố, tiểu bang ở Hoa Kỳ mà tôi đã sống hoặc đã đi qua, từ lâu nay vẫn có những nhóm “đọc thơ” mỗi tuần với nhau. Thơ được sinh động hóa và đến với mọi người… Có thể Trần Ngọc Cư chờ đợi ở cung cách thưởng ngoạn thơ theo kiểu đốt trầm trong một căn phòng tĩnh lặng, với bình hoa và tranh tĩnh vật, với trà Thiết Quan Âm và tiếng đàn tranh hòa với tiếng sáo trúc… làm nền cho những bài thơ chăng?
Như vậy, thi ca với người Hoa Kỳ chẳng những không hề có dấu hiệu gì phải… diệt vong, mà nó đã sinh hoạt cùng với đời sống mọi người trong từng phút giây, một cách thản nhiên, hồn nhiên… Không cầu kỳ so vai, không lên gân tuxedo với lại micro âm thanh nổi!
Không biết anh đã xem phim Cocktail do Tom Cruise với Elisabeth Shue đóng chưa?… Anh chàng bartender Brian do Tom Cruise thủ diễn, thỉnh thoảng lại được các khách hàng “bợm nhậu” yêu cầu leo lên quầy rượu đọc một bài thơ do anh ta… sáng tác!
Tôi thích tính chất “thực tiễn” với thi ca của người Hoa Kỳ. Và điều chắc chắn, người Hoa Kỳ không hề lơ là với thơ ca của họ. Mỗi năm, họ đều có một cuốn The Best American Poetry được ấn hành một cách trang trọng.
Điều tôi học hỏi được trong lãnh vực thi ca Hoa Kỳ là sự tỉnh thức khi sáng tạo thơ ca. Đặc biệt là sự tỉnh thức ngay cả trong… những cơn lên đồng, mê muội với chữ nghĩa nhất của mình.
Nguyễn Đức Tùng: Anh là người làm thơ tự do. Anh nghĩ sao về thơ có vần, như lục bát, bảy chữ, hiện nay? Tương lai của chúng ra sao?
Trần Nghi Hoàng: Thỉnh thoảng tôi vẫn “vạch bốn câu ba vần” đó chứ! Lục bát nữa… cho vui! Tôi thấy bảy chữ sẽ còn tồn tại với một hồn vía mới, lạ… Còn lục bát, chắc khó qua khỏi năm 2010.
Nguyễn Đức Tùng: Các nhà thơ trẻ hiện làm thơ tự do ngày càng nhiều. Trong số họ, có không ít người, nói như nhà thơ David O’Meara, “làm thơ tự do một cách vô tội vạ” (contemporary poets are taking free verse for granted). Anh có tin rằng có một thứ kỹ thuật nào đó của thơ tự do, như một thứ nguyên tắc hay khuôn phép chẳng hạn? Sự ngắt câu thì sao?
Trần Nghi Hoàng: Picasso trước khi khai mở trường phái cubism, đã có thời kỳ xanh, thời kỳ hồng… Thơ tự do đương nhiên là đòi hỏi phải có kỹ thuật, nhưng nguyên tắc hay khuôn phép thì không nhất thiết! Mỗi nhà thơ có thể tự tìm cho mình một thứ nguyên tắc hay khuôn phép riêng. Và theo tôi, kỹ thuật ở thơ tự do cao cường hơn thơ “vần, luật” rất nhiều. Đâu phải “họa sĩ” nào bắt chước vẽ “méo mó” theo Picasso cũng thành cubism được? Ở thơ “vần, luật”, chỉ gò ép sao cho những câu thơ đúng số chữ, và những chữ nào cần “vần” với nhau là ít ra, cũng thành một bài ê a… Nhất tam ngũ bất luận – nhị tứ lục phân minh… a ha! Còn thơ tự do, từ sự ngắt câu, khoảng cách giữa các chữ, cách nhấn chữ, nhấn câu, hình ảnh, âm thanh, tạo nghĩa cho chữ khi đặt chữ ở vị trí bất thường vân vân… đó là kỹ thuật. Kỹ thuật với thủ pháp đi đôi với nhau. Và theo tôi, khi người làm thơ đã đạt một số kỹ thuật riêng nào đó, anh ta sẽ có thủ pháp riêng để sử dụng những câu chữ cho thơ.
Nguyễn Đức Tùng: Hai mươi năm trở lại đây, thơ trình diễn (performance poetry) trở thành một trào lưu quan trọng ở Bắc Mỹ, bên cạnh thơ đọc (oral poetry). Nó cũng bắt đầu được giới thiệu ở Việt Nam. Anh nghĩ sao về thơ trình diễn? Anh có tin rằng nó có một tương lai sáng sủa ở Việt Nam, hay là sẽ mau chóng đi vào quên lãng, và theo chân bao nhiêu trào lưu khác từng được giới thiệu theo kiểu cây xanh tươi tốt được đem đi trồng ở mảnh đất khác, có lá cành nhưng không có rễ mang theo?
Trần Nghi Hoàng: Tạng tôi không “ngửi” được “thơ trình diễn”, anh Tùng ạ! Một người đứng lên cầm micro đọc thơ cho nhiều người khác nghe, đã là… quá đáng rồi (đặc biệt là thơ sáng tác bằng tiếng Việt)! Tuy nhiên, nếu loại thơ được trình diễn theo kiểu như nhạc rap, new wave vân vân, hay loại bài vè như hát bài chòi ở Bình Định, Việt Nam, thì lại khác. Nó có hấp lực và giá trị riêng.
Theo tôi, thơ trình diễn ở Mỹ khả dĩ tồn tại bởi ngôn ngữ, tình cảm, hình ảnh, v.v… trong thơ Mỹ… dễ phối hợp hơn với cung cách và kỹ thuật trình diễn. “Thơ trình diễn” Việt Nam, tôi có đôi lần “bị” xem, nó nhà quê sao sao đó… làm tôi ngượng! Tôi không tin “thơ trình diễn” tồn tại lâu dài ở Việt Nam! Nhưng biết đâu đó, anh Tùng ạ! Hiện nay, người Việt Nam trong nước đang “cật lực” làm mới bằng cách “bắt chước” trong mọi lãnh vực. Mà thi ca là lãnh vực “được cho tự do” bắt chước nhất!
Nguyễn Đức Tùng: Có một sự khác nhau căn bản nào đó giữa loại thơ dùng để đọc / ngâm và loại thơ không phải viết ra để đọc/ ngâm chăng?
Trần Nghi Hoàng: Tôi cho là có. Cũng như có loại thơ làm ra để… phổ nhạc; và có loại nhạc làm ra để… phổ thơ. Lại có một loại thơ làm ra chỉ để người ta đọc… một mình.
Nguyễn Đức Tùng: Bạn bè văn chương của anh ra sao?
Trần Nghi Hoàng: Tôi quen biết nhiều, nhưng không có nhiều bạn “văn chương” lắm. Tuy nhiên, người nào thực sự là bạn tôi, họ rất thương tôi. Xin kể anh Nguyễn Đức Tùng nghe, tôi có ông bạn vừa là họa sĩ vừa là văn thi sĩ… nổi tiếng nhưng khá nghèo. Ông đọc xong Mở cửa tử sinh, thì e-mail cho tôi rằng: “Phải chi tôi trúng số, tôi sẽ BAO cho ông sống mà LÀM THƠ… Không phải LÀM BẤT CỨ GÌ KHÁC!”
Nguyễn Đức Tùng: Anh có nuôi một giấc mơ là trở lại làm chủ bút một tạp chí văn học nào đó trong tương lai, như kiểu tờ Văn Uyển, hay không?
Trần Nghi Hoàng: Tôi hầu như… không bao giờ mơ! Nhất là lại “nuôi một giấc mơ”… thì tốn kém quá! Tuy nhiên, thi thoảng, tôi mua một tấm vé số, khi nào lô “độc đắc” lên đến vài chục triệu đô la. Tôi nói với Hoàng Thị Bích Ti, nếu anh trúng số, anh sẽ mua một khoảng đất lớn, làm thành một cái “làng văn học” để kéo những bạn hữu cầm bút về đó ở mà sáng tác… Khỏi phải lo gì vấn đề cơm áo… Vài chục triệu đô Mỹ thì dư sức “bao” bạn văn nghệ… Và lúc ấy, dĩ nhiên là sẽ hình thành một tạp chí văn học… đúng nghĩa.
Tức là, tôi vẫn “thích” thực hiện một tạp chí văn học, nhưng điều kiện đầu tiên phải có thật nhiều tiền… để khỏi lo âu về tài chính mà chắc chắn tờ tạp chí vẫn không bị “chết bất đắc kỳ tử”… Và nhất là, mình có thể thực hiện một tờ tạp chí văn học thực sự không lệ thuộc vào bất cứ cái gì hết!
Nguyễn Đức Tùng: Anh có tự xem mình là một nhà thơ lưu vong? Một người sống rất xa đất nước của mình có thể viết như thế nào về đất mẹ?
Trần Nghi Hoàng: Tôi là một người làm thơ lưu vong… ngay cả hồi thời mười bảy tuổi, sống và làm thơ trên đất nước mình đã được sinh ra và lớn lên là Việt Nam. Anh hỏi: “Một người sống rất xa đất nước của mình có thể viết như thế nào về đất mẹ?” Xin trả lời: tôi không biết! Tôi nghĩ không thể có một chuẩn mực nào cho một người cầm viết, viết như thế nào về đất mẹ của mình. Viết rằng: xa quê hương nhớ mẹ hiền chăng? Tôi chỉ có thể nói là trong bất cứ hoàn cảnh nào và viết về bất cứ gì, tôi chỉ viết ra những điều “tôi nghĩ”… Chứ không thể viết một điều gì đó mà mọi người “cùng nghĩ”… hoặc muốn “cùng nhau nghĩ” như vậy! Tôi có viết loạt bài với tựa “Vọng mãi từ tâm một tiếng chuông”, về những chuyến trở lại Việt Nam của tôi… Anh có thể tìm thấy trên một vài trang web nào đó…
Nguyễn Đức Tùng: Cám ơn anh về cuộc trò chuyện hào hứng này. Chúc anh mau trúng số và làm thơ hay.
Trần Nghi Hoàng: Cám ơn anh Nguyễn Đức Tùng. Mấy ông bạn “tử vi, phong thủy” nói tôi không có… số trúng số, anh à! Còn làm thơ hay hả? Khi nào cảm thấy mình làm thơ không còn hay nữa, tôi sẽ tự động… retire. Bây giờ thì tôi vẫn còn đang làm thơ.
No related posts.