Nguyễn Đức Tùng thực hiện
Anh còn lại một ngày
Mà Đông phương xa quá
(Đỗ Quyên)
Nguyễn Đức Tùng: Bài thơ của anh bắt đầu ra sao? Xin cho một bài thơ làm ví dụ.
Đỗ Quyên: Một câu hỏi về thơ nghe xong đã muốn… chửi thề! Vài câu dưới đây cũng thế. Do vậy, chương trình phỏng vấn này sẽ hấp dẫn. Ở các câu hỏi. Theo lý thuyết phỏng vấn (nếu chưa có lý thuyết này thì cứ coi như đây là một sự đề xuất), có ba loại phỏng vấn thành công: Loại 1 nhờ câu hỏi, loại 2 nhờ câu trả lời, loại 3 nhờ cả hai. Chương trình này của Nguyễn Đức Tùng chắc chắn thuộc loại 1 và nhiều cơ hội thuộc loại 3. Các câu trả lời nhàng nhàng cũng làm cho chương trình thành công. Nếu vớ được chừng năm bảy nhà thơ thành danh – chả cần giả nhời cho ra hồn, cuộc chơi đã thành quả rực rỡ từ trong bào thai. Vì, nói nghiêm chỉnh, chỉ cần các nhà thơ thật lòng nói về thơ – a, nhà thơ không thể xạo trong thơ nhưng trong phỏng vấn có thể vẫn xạo xịa được lắm đó – là người khởi xướng đi tới được đích.
Đây là lần thứ một triệu chúng ta nói: thơ giống như tình yêu, làm thơ giống như làm tình ở chỗ không sao quy định được quá trình của nó. Tức là không thể trả lời nổi “Bài thơ của anh bắt đầu ra sao?” trừ khi người đó làm được đúng một bài thơ, rồi dọt thẳng! Vấn đề là bài thơ nào? Thì đây: “Xin cho một bài làm ví dụ?” . Nhưng chỉ là ví dụ cho chính bài thơ đó. Tức không phải là ví dụ. Đâu có một định lý toán học nào, một định luật vật lý nào chỉ có một ví dụ minh họa! Đã là “lý”, là “luật” thì không ba vạn tám ngàn cũng phải ba bảy hăm mốt cái minh họa. Thấy chửa! Chúng ta nghe câu hỏi đã muốn chửi. Nghe câu trả lời còn muốn chửi hơn! (Chửi thôi à nha! Chớ có vũ lực ở thi đàn!)
Đây là “ví dụ” của tôi: bài mới nhất là trường ca “Thơ thời gian’’ được bắt đầu từ các suy nghĩ: “Lâu quá cóc viết được gì! Viết gì đây? Sao bảo đến vùng đất mới, xứ Úc này, viết! Lúc nào viết? Không làm thơ thì làm gì? Ý tứ này, cảnh này, người này, chữ này đưa vào bài thơ sắp viết được chăng? Tay Ph., lão Y., nhỏ T. ăn gì mà viết dữ vậy? Mở e-mail lại thấy hỏi ‘Dạo này viết gì không?’” Các trăn trở đó cứ tra tấn tôi – đúng theo nghĩa “nhà tù” – trong suốt bốn năm tháng không viết gì.
Nguyễn Đức Tùng: Xin cho người yêu thơ đọc trước bản thảo của anh.
Đỗ Quyên: Gởi anh toàn bộ trường ca “Thơ thời gian’’ gồm 19.064 chữ. (Nhờ “thằng cu” Word Count bây giờ, chúng ta dễ dàng bắt chước người Tàu ở cái trò đếm chữ trong tác phẩm!) Bài chưa đi “sỉ” ở đâu nhưng một vài chương, đoạn lẻ đã được chạy trên Tiền Vệ, Hợp Lưu, Tạp Chí Thơ, Người Việt Hải Ngoại trong nửa năm qua.
Nguyễn Đức Tùng: Trường ca có phải là một bài thơ dài (long poem) không?
Đỗ Quyên: Chúng ta đang tới sân chơi của các nhà lý luận. Chạy vô chọc ngoáy cho vui thôi! Mảng trường ca, “các anh bên lý luận-phê bình” đang bỏ trống. Còn nữa, các bạn “ở các tỉnh phía Nam” của nền văn học Việt Nam hình như cũng bỏ quên loại hình này. Xin đưa ra hai ví dụ. Ví dụ một : Vị chủ nhà xuất bản to thứ nhì miền Nam trước 1975, lớn thứ nhứt hải ngoại khi làm cuốn sách nọ cho tôi, trên bìa sau tôi “dọa” sắp in một tập trường ca, đã hỏi: “Thế anh cũng viết nhạc à?” Một ví dụ khác: có bạn ở Mỹ, còn xuân xanh, tài thơ đang vang danh đó đây, đã trao đổi cùng tôi: “Trường ca là cái gì vậy? What are its elements? Is there a length limit? Topic specification?” Nói cho ngay, trong Nam thường gọi trường ca là “trường thi”. Còn chữ “trường ca” thì dành cho các tác phẩm âm nhạc có tầm vóc như Hội Trùng Dương, Đóa hoa vô thường, Bầy chim bỏ xứ…
Một trong các trò chơi học thuật tôi ngán cho đám văn nghệ chúng ta là trò “định nghĩa”. Nào là “Thơ không có định nghĩa!” (OK, cái này thì tôi chịu); “Tiểu thuyết bất lực với khái niệm thể loại”; “Truyện ngắn là gì – từ Chekhov đến nay còn là câu hỏi”; “Kịch chỉ là kịch! Chấm hết!” Xin lỗi! Lại muốn chửi thề rồi! Đại từ điển tiếng Việt, Nguyễn Như Ý chủ biên, NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội 1998 định nghĩa: “Trường ca là một tác phẩm dài bằng thơ có nội dung và ý nghĩa xã hội rộng lớn.” Với các tiểu thuyết thơ Ô mai(Đặng Đình Hưng), Jờ Joạcx (Trần Dần), vấn đề thể loại lại trao “big job” cho cánh lý luận-phê bình văn học Việt Nam. Bài thơ dài, trường ca, kịch thơ và tiểu thuyết thơ – Ôi, những anh chị em cùng mẹ (thơ) khác cha (truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch)!
Chúng ta còn trở lại với trường ca. Nói luôn: trường ca và một bài thơ dài khác nhau chứ anh! Cả hình thức lẫn dung lượng. Về hình thức, trường ca cho đến nay gì thì gì cũng có cấu trúc khá rõ, từa tựa tiểu thuyết: chương hồi, diễn tiến, tình tiết, chun chút kịch tính, thậm chí có cả tuyến nhân vật, đối thoại. Dấu hiệu dễ nhận ra ở một trường ca là phần mở và phần kết “long trọng hóa vấn đề” hơn so với ở một bài thơ dài. Về dung lượng: bài thơ bình thường là cầu tre thì bài thơ dài như cầu gỗ là cùng còn trường ca thì như là “cầu Long Biên(vừa dài vừa rộng bắc ngang sông Hồng / Tàu xe đi lại thong dong / Bộ hành tấp nập đi về (?) thảnh thơi”.) Tứ thơ, âm điệu, nhất là giọng thơ – gọi cho mạnh là nhịp chảy – là các nét chung của hai loại này. Tôi đoán rằng những ai đã viết thơ dài ngon lành đều có thể viết trường ca, nếu họ đừng đứng dậy đi… toilet!
Có thể kể ra các bài thơ dài nổi danh mang sức vóc trường ca: “Howl” (Allen Ginsberg), “Thủy mộ quan” (Viên Linh), “Nỗi Liên đen tối vô cùng” (Nh. Tay Ngàn), “Nhất định thắng” (Trần Dần), “Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ”, “Nhìn từ xa Tổ Quốc”, “Đánh thức tiềm lực” (Nguyễn Duy), “Bài thơ Hắc Hải” (Nguyễn Đình Thi), “Những người trên cửa biển” (Văn Cao), “Việt Bắc”, “Nước non ngàn dặm” (Tố Hữu), “Thơ bình phương – Đời lập phương”, “Thơ bổ sung”, “Trận tuyến này cao hơn cả màu da”, “Thời sự hè 72- bình luận”, “Phác thảo cho một trận đánh một bài thơ diệt Mỹ” (Chế Lan Viên)… Có những tác giả như cố ý không viết trường ca nhưng thơ của họ, nhiều bài thơ dài của họ tôi cứ đọc như là các trường ca vậy. Đó là Chế Lan Viên, Uyên Nguyên, Hữu Loan… Cho dễ hình dung về dung lượng, sẵn trong máy, tôi dẫn ra số lượng chữ trong một số bài. Bài thơ dài: “Nhìn từ xa Tổ Quốc” – 1.096 chữ, “Kim Mộc Thủy Hoả Thổ” – 1.224 chữ, “Việt Bắc” – 1.062 chữ, “Nhất định thắng” – 1.788 chữ, “Howl” – 2.917 chữ, “Nỗi Liên đen tối vô cùng” – 2.025 chữ… Trường ca, tiểu thuyết thơ: Người cùng thời, trường ca của Mai Văn Phấn – 7.535 chữ, Ô mai – 8.256 chữ,Jờ Joạcx– 5.032 chữ, 8.548 “Đống chữ” – 8.548 chữ, “Buồn muộn cùng thế kỷ”- 11.623 chữ, “Biển đỡ” (chưa hoàn thành) – 6.751 chữ. Nếu đặt “Trung Quốc đông dân” “Thơ thời gian” với 19.064 chữ bên cạnh bài thơ 6 chữ của Dương Tường – chắc là bài thơ ngắn nhất thế giới – “Tôi đứng về phe nước mắt”, ta có định nghĩa khác về trường ca: thể loại văn học lấy chữ đè… thơ!
Nguyễn Đức Tùng: Tôi thích đoạn trích sau đây trong “Thơ thời gian”:
“Hãy viết chữ trắng trên giấy đen
Hãy cho lề nằm giữa
Hãy lật ngửa trang Kiều hong gió Úc châu
Ba kim đồng hồ chưa đủ cần bốn năm sáu bảy
Một người tình trăm năm chỉ lấp đầy dấu phảy
Và danh
Và tài
Lại rượu
Lại tiền
Thêm Tổ quốc, Lý tưởng, Gia đình
Này
Hãy công kênh nhau vượt lỗ trôn kim
Trổ cho mỗi sợi tóc bạc những cửa sổ xanh
Khóa cửa mình không cần mã số
Vết chân giang hồ treo nơi bàn thờ tổ
Một giọt máu đào gửi chốn garage sale
Sinh con vào lúc túng tiền
Làm tình lúc bí thơ
Làm cách mạng bằng que tăm xem thử
Thuê nhà mời gió ở
Lấy chồng cho Nàng Thơ
Phỏng vấn những người ăn mày ‘Tụi bây đã biết Dân chủ là gì chưa?’
Nhổ bãi nước bọt không màu không mùi vị
Vặn chân giữa theo hình còng số 8
Vòng chân trái chân phải thành hai con số 0
Tay trái dấu hỏi
Tay phải chấm than
Cấm ông bà cậu mợ văn sĩ nào nứng tình với Thời gian
(Thèm nhớ
hãy phóng văn vẻ vào Nhân gian
chôn chữ nghĩa vào Thiên địa)Hãy rèn hãy rập mỗi câu thơ một cái đinh
Hãy trui luyện một thi pháp một nhát đóng ván thiên cái quan định mệnh
Người lành lặn thử ăn bằng hậu môn coi
Ngủ nhắm một mắt chưa tài bằng ngủ lá phổi on lá phổi off
Dạng cảm quan mỹ học ra cho vừa size thời đại
Nhắm bản sắc dân tộc lại
coi toàn cầu hóa đến đâu rồiCứ để con cái leo lên mặt gia đình
Lạnh thì mang bản thảo thơ ra mà đắp
Đói khát đã có sóng thần
Các cặp vợ chồng vô sinh có thể vô tư nhận virus điện toán về vui nhà vui cửa
Mở rộng hơn nữa các bàn tay
Đừng sợ tiền bayMở thêm các lỗ chân lông hậu hiện đại còn e lấp bởi lớp râu lông cổ điển
Đến lúc rồi
Đầu phải cần dép giày
Chân chỉ cần mũ nón
Cùng nhau uống ăn từ đáy cốc chén đi nào
Nâng cấp cho hai con mắt
(không nhất thiết buộc chúng là tiến sĩ, giáo sư)
dầu gì cũng cần học xong hai chữ Độc lập
Tấn phong cái lưỡi danh Tự do
Và khai trương con tim lầu Hạnh phúc
Mở
Mở nữa
Mở mãi
Mở những gì có cửa
Mở những gì chưa có cửa.”
Và còn nhiều đoạn khác nữa. Trước đây, khi đọc toàn bộ trường ca “Biển đỡ” của anh, tôi đã cảm nhận được những nỗi rung động sâu xa. Về thi pháp, so với những người viết trước, đâu là nét khác biệt chính của trường ca Đỗ Quyên?
Đỗ Quyên: Cả về chức phận nghề nghiệp cũng như về tâm lý, thường thì đánh giá bao quát tác phẩm không phải là việc của tác giả, ngay cả với các tác giả sáng suốt nhất và ít khiêm tốn nhất. Nhưng người ta cũng có thể coi đó như một loại tài liệu tham khảo khi cần.
Trước hết, anh động đến thi pháp. Lại là “giốp” của dân lý luận, tôi chỉ đía vào một ý từng ấm ức lâu nay. Đôi khi, vô tình hay hữu ý, người phê bình ưa lạm dụng chữ “thi pháp” với những phát ngôn kiểu như “thi pháp của nhà thơ này…”, “thi pháp trong xu hướng kia…” Theo cảm nhận của riêng tôi – chắc là sai! – mỗi nhà thơ có phương thức, quy cách làm thơ của mình, còn sáng tạo được một thi pháp thì hiếm hoi lắm. Trong bản thảo cuốn sách bình bàn văn chương Vạch áo nàng Thơ, tôi có nêu ra “top” một tá nhà thơ Việt Nam hiện đại theo quan điểm của mình với thứ tự: 1- Xuân Diệu; 2- Nguyễn Bính; 3- Hàn Mặc Tử; 4- Bùi Giáng; 5- Chế Lan Viên; 6- Huy Cận; 7- Tô Thùy Yên; 8- Hoàng Cầm; 9- Thanh Tâm Tuyền; 10- Trần Dần; 11- Tố Hữu; 12: Đang còn trong vòng “bí mật”. Với 12 thi tướng ấy, tôi thấy hai chữ “thi pháp” chỉ rực rỡ trên thơ của 7 vị: Nguyễn Bính, Bùi Giáng, Chế Lan Viên, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Trần Dần và Tố Hữu. Ngay cả ở “Nobel thơ Việt” của lòng tôi là Hoàng Cầm, thi pháp không nổi trội. Một cái “tếu” nữa: chính No 1 của “top” là “chàng Xuân Diệu” thì thi pháp sao mà… nhàn nhạt!
Khi viết trường ca, so với những tác giả khác, cụ thể là các tác giả thời chiến tranh 1965-75 ở miền Bắc và hậu chiến 1975-85 từng tạo ra một trường phái trường ca Việt Nam, tôi cũng thấy mình có “phương pháp, quy ước” này nọ khác với họ. Độ mươi năm, qua cả tá trường ca, năm ba bài thơ dài, tôi không sao tường minh cái gọi là “tiêu chí” cho mình. Tất nhiên, thây kệ nó thôi. Mình viết ra trường ca chớ có phải “ngâm kíu chường ka” của mình đâu! Rồi, ào ào một dạo ba bốn năm nay, ngoài này và trong nước, rộ lên vụ hậu hiện đại (postmodernism), tôi mới tủm tỉm cười với hai bàn tay của mình khi thấy vô tình mà – càng về sau – mình cũng làm theo lối hậu hiện đại như… người lớn! Đó là: không có trung tâm chủ đề; tính đại tự sự hầu như không hiển lộ; phân mảnh từ hình thức đến nội dung; người đọc trường ca không nên coi nó là một tác phẩm độc lập mà chỉ là một “mảnh” của một “mảng” nào đó trong kinh nghiệm thơ ca, văn học, văn hóa hay xã hội của mình; tính truyện không có, tính chuyện thì lấy lệ; cấu trúc hờ, có chương hồi cũng như không; liên văn bản như là những cú nhảy dù; chất văn xuôi và chất thơ có thể ăn nằm với nhau khi hứng; không câu nệ bất kỳ hình thức, thể loại nào từ cổ điển tới tân kỳ, tu từ và phi tu từ có thể làm bạn, các thủ thuật cắt dán, nhại nhái ăn nhậu cùng ca dao, tục ngữ; có những phân mảnh không mang một ý nghĩa nhất định; giữa các trường ca khác nhau cũng không có cấu trúc nhất quán; v.v… Gọi là vô tình vì mình không đọc lý thuyết gốc, không theo dõi, không hòa nhịp với khuynh hướng sáng tác đó; còn thì cả con người chúng ta – từ tóc đỉnh đầu đến gót bàn chân – đã và đang sống trong cái “điều kiện hậu hiện đại” (postmodernity) rồi! Tuy nhiên, về loại hình căn bản của trường ca, tôi cũng không hoặc chưa ra ngoài cái “kinh điển” của nó: có nội dung và ý nghĩa xã hội nào đó. Nói rộng, về văn học, tôi không/chưa tới cái phá thể, xa như ở Trần Dần, Đặng Đình Hưng; gần nhất như ở Nguyễn Thúy Hằng.
Nguyễn Đức Tùng: Trường ca Đỗ Quyên (và một số nhà thơ khác) hình như chưa hề có yếu tố tự sự (narrative) và để mặc cho giọng điệu trữ tình (lyric) lấn át. Đây là sự lựa chọn thủ pháp từ ban đầu hay là kết quả buông lỏng của quá trình sáng tác?
Đỗ Quyên: Theo như tôi ngó nghiêng được trong các bài giới thiệu về hậu hiện đại thì Ông già (đại) tự sự nằm núp xuống trong các tác phẩm hậu hiện đại không phải là để Cô nàng giọng điệu trữ tình nhảy lên ngồi phi ngựa nhong nhong đâu. Có thể là vì trong các sáng tác đó, khi không còn tâm điểm để người ta muốn đọc thơ theo kiểu trước, “mì ăn liền” thì ấn tượng trữ tình là nét dễ nhận ra ở những bài thơ đang trên con tàu nhổ neo ra khơi cách tân mà còn giữ bến xưa trên boong tàu! Với tôi, nếu có vậy thì ngoài ý muốn, ngoài tay cương điều khiển (thủ pháp) của mình. Và tôi cũng không phân biệt bài thơ hay-dở ở chỗ nó có cách tân “tới bến” hay không mà là nó cách tân thành công đến mức nào để vẫn là thơ! Nhiều, nhiều ơi là nhiều các văn thơ hậu hiện đại quả là đổi máu hoàn toàn, và người đọc còn chưa “đọc” nổi nó. Nu, pô ka-đi!
Nguyễn Đức Tùng: Đọc các trường ca, cũng như đoạn trích dẫn trên đây, tôi có ấn tượng rằng Đỗ Quyên là nhà thơ phóng túng nhất về tinh thần trong tất cả các nhà thơ Việt Nam đương thời. Tôi tự hỏi: phải chăng vì vậy mà anh viết trường ca?
Đỗ Quyên: Biết phận, tôi phải nói về cá nhân mình trước, tách hẳn khi nói về các tên tuổi lớn. Tôi cũng nghĩ rằng mình phóng túng về tinh thần và hên ở chỗ đã đem được cái đó vô trường ca. Trường ca là thể loại thứ 4 tôi mó đến; sau thơ, truyện ngắn, phỏng vấn, (Ba tháng nay, lần đầu tiên trong lịch sử đời mình, tí toáy đến tiểu thuyết, mới thấy ôi sao mà cơ khổ, nhọc nhằn, cực hình!), và thấy ở bên trường ca tâm tính mình thoải mái hơn cả. Anh tính lập một hội đồng để thi các “nhà thơ phóng túng về tinh thần” sao? Tôi chưa biết list của anh nên không vội tranh Cup đâu! Cũng vui, nếu có một hội đồng thơ và một list như vậy.
Rõ ràng câu hỏi này mang “bệnh nghề nghiệp” của người hỏi: cá tính tác giả và đặc điểm tác phẩm. Tôi vốn cũng táy máy để ý vụ này mỗi khi đọc văn thơ của bạn bè, của các nhà thơ danh giá, hòng tìm các ánh xạ giữa con người – tác phẩm. Song, kết quả không là bao. Không rõ bộ môn tâm lý học sáng tạo văn học đang ở thành tựu nào? Riêng quan hệ giữa “trường ca” và “nhà thơ phóng túng về tinh thần” ra sao: một câu hỏi tạm treo ở đây. Tôi hơi hơi nghi ngờ về quan hệ tỷ lệ thuận của chúng. Với đại gia của trường ca, thơ dài như Mayakovsky, Ginsberg, Trần Dần, Hữu Loan… thì nó đúng. Các đại gia khác của trường ca, thơ dài như Tố Hữu, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh… cũng là những nguồn tinh thần phóng túng? Vụ đó, đây không rành đâu à nha! Nhưng dám “4 xuya” rằng “phóng túng” đâu thể là tiêu chuẩn để vô các ghế Trưởng ban Văn hóa Tư tưởng, Bộ trưởng Văn hóa, Tổng thư ký Hội nhà văn Việt Nam… Viết đến đây, tôi mong mình được tái sinh – dù chỉ vài giây – khi nào có được quốc gia có lãnh tụ là các trường ca gia! Quốc gia đó có lẽ là quốc gia ảo.
Nguyễn Đức Tùng: Làm thơ và đọc thơ có khác nhau không? (Xin ví dụ: Trong khi anh rất cởi mở với những người viết mới, có khuynh huớng táo bạo, thậm chí hoàn toàn đồng cảm với họ, hoặc cổ vũ họ; người đọc kỹ thơ anh lại thấy cái vững chãi của một sự thụ cảm có tính cổ điển.)
Đỗ Quyên: Tôi nghĩ là, thông thường, hai việc đó khó có thể khác nhau. Nhân quả hay quả nhân gì đó: “Hãy nói cho tôi biết bạn đọc/viết cái gì, tôi sẽ nói bạn viết/đọc thế nào?” Ở ví dụ anh nêu, vế đầu thì “chăm phần chăm” rồi! Vế sau, cám ơn anh đã “khen”, và – giữa hai chúng ta thôi nha – cứ cho nó là đúng đi thì hai vế này không cãi nhau. Phải có “cái vững chãi của một sự thụ cảm có tính cổ điển” thì mới thật sự “cởi mở với những người viết mới, có khuynh huớng táo bạo, thậm chí hoàn toàn đồng cảm với họ, hoặc cổ vũ họ”. Để rõ ý, tôi sẽ xài lại chính cách anh nói trong một trao đổi ngoài lề về ý định của anh cho phỏng vấn này: khi làm thơ, tôi những muốn thơ mình đạt đến chuẩn mực của phóng túng và phóng túng của chuẩn mực.”
À này, dường như câu hỏi anh đặt ra nó “thông minh” hơn người hỏi đấy! “Làm thơ và đọc thơ có khác nhau không?” – câu hỏi đó hàm chứa cả hành trình văn hóa khi đọc thơ và làm thơ. Bài “Thơ thời gian’’ có nói đến “đạo thơ” là vậy. Tôi rất để ý vụ thói quen đọc và làm thơ ở những nhà thơ khác nhau. Cũng như sự hình thành phong tục ở một dân tộc: thoạt đầu là thói quen đối xử và hành sự với thơ, lâu ngày thành tập quán thơ của người đó. Với tôi, trước khi đọc thơ và làm thơ thế nào cũng phải cần một khoảng thời gian, không gian để “dọn mình”. Có khi chỉ vài ba giây ôm đầu cúi mặt dụi mắt, có thể cũng là cả buổi cuối tuần lăng xăng dọn đi dăm cái này trên bàn, bỏ ba chuyện ruồi bu kia trong đầu ra, cũng tới mức kiếm cớ hoặc mình “phải bỏ nhà” hoặc “lùa vợ con đi shopping” vài tiếng… Các ông đồ trước lúc động đến chữ thánh hiền thì dậy từ sớm giữ tay sạch sẽ, thay áo mới vấn khăn đẹp, sai học trò thằng mài mực, đứa pha ấm trà ngon. Các nhà sư trước khi hành lễ cũng có thủ tục nhà Phật. Cô gà mái mắc đẻ, chú gà trống sắp đạp mái cũng cứ lăng xăng như thế! Trước khi làm thơ mà được một cái góc nhà tôi tối, nằm mở mắt không nghĩ gì không nói gì không nghe gì thì nhất trần đời! (Mới đây tôi đọc thấy Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Thế Hoàng Linh cũng nói về sự “dọn mình” na ná vậy trước khi hành văn.) Có một số bài thơ hay, tập thơ hay (không đọc lại thì chắc chết!), tôi thường dành chúng vào góc cao cao nơi tủ sách hay một folder “quý” trong máy và chỉ lấy ra đọc sau những khoảng thời gian, không gian dọn mình. Làm thơ là mình làm ra món ăn. Đọc thơ người khác là mình ăn món ăn do người khác làm. Tất nhiên, chu trình kỹ thuật thì đối ngược, như thái độ ẩm thực thơ là một.
Nguyễn Đức Tùng: Anh có thường viết đi viết lại một câu thơ, một đoạn thơ, hay cả một bài thơ không? Xin cho nghe một câu thơ hay một bài thơ mà anh sửa đi sửa lại nhiều lần với cảm giác khổ sở? Sửa đi sửa lại nhiều lần với cảm giác sung sướng?
Đỗ Quyên: Trời! Có chứ! Toàn bộ ý này của anh, và của biết bao câu hỏi về chuyện sửa, viết lại thơ đã từng được Martin Lammon lý giải sao mà tuyệt vời. (Web Tạp Chí Thơ, 08.02.2006, đã dịch đăng ở bài “Phất lá cờ tu chỉnh” http://www.tapchitho.org/wpages/p060208.htm). Đọc xong, tôi đã hét lên trong bài “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng tu chỉnh” viết liền hai đêm (rồi cho chạy trên trang Web đó, ngày 23.02.2006, http://www.tapchitho.org/wpages/p060223.htm). Tôi thua nhiều người làm thơ khác là chưa viết lại được cả một bài thơ cho hay hơn. Gần bốn năm nay, tôi nợ tôi và nợ “nhân vật thơ” của tôi hai chương kết của trường ca Biển đỡ: Đang làm dở, bỗng vì sao đó mà bị tạm ngưng cả tháng. Rồi không có cơ hội làm tiếp, dù đề cương của hai chương vẫn còn đấy. Nhiều khi, rỗi hơi, tức quá, mở bài ra thì lại chỉ sửa câu này chỉnh chữ kia lăng nhăng vậy thôi mà không hoàn thành được cả bài. Cảm giác sướng-khổ khi sửa thơ cũng như khi làm tình vậy! Sướng đấy, khổ đấy! Những người đang nhập trận tình thường kêu: “Ôi, anh sướng! Nữa đi em!” hoặc “Khổ em quá! Đừng, đừng anh. Một lần này thôi!” Nhưng, chẳng hề có chuyện “Một lần này thôi!” bao giờ: cổ kim đông tây các câu thơ vẫn hành hạ thi sĩ bằng sự bất an (khổ sở) ở người sáng tạo muốn chiến thắng sự bất toàn (sung sướng) của chữ nghĩa.
Nguyễn Đức Tùng: Cái gì là quan trọng nhất trong thơ anh? Hình ảnh? Âm nhạc? Vần điệu? Ngôn ngữ?
Đỗ Quyên: Hiểu ý anh, nhưng chữ “âm nhạc” ở câu hỏi tôi thấy không trúng lắm! Khi làm thơ, tôi muốn tất cả là quan trọng: hình tượng, nhạc tính, âm điệu, vần nhịp, ngôn ngữ, ý tưởng, cấu tứ, thể loại… Có bà mẹ nào sắp sinh con lại không nghĩ con mình vừa đủ chân đủ tay như con cái nhà người, vừa đẹp như thánh lại thông minh như thần, vừa mạnh như voi lại ngoan như ma soeur? Cả khi người mẹ biết mình và người ăn nằm cùng mình không đủ gene chứa các phẩm chất ấy.
Với tôi, nói chung, yếu tố làm nên thơ là nhạc tính (Cũng có thể gọi là nhạc điệu. Chữ “điệu” là ăn theo nhưng mang ý nghĩa khác nhau trong hai tập hợp “vần điệu” và “nhạc điệu”.) Còn đọc thơ người khác, tôi chú ý: ý tưởng ở “thơ Tây”; cấu tứ ở “thơ Tàu”; nhạc tính ở “thơ ta”. Có lẽ vì tôi chỉ đọc được thơ Tây thơ Tàu qua bản dịch; không biết nếu đọc được nguyên bản tôi có xét nét thơ người ta theo như thơ ta hay không? Tin là vậy: của người hay của mình, bản chất thơ giống nhau. Nhưng cái “chất” đó khi bị chuyển dịch qua ngôn ngữ khác nó vong “bản”. Khác văn xuôi, cũng là nghệ thuật ngôn từ, thơ không hề thoải mái cởi mình sang một ngôn ngữ khác.
Nguyễn Đức Tùng: Anh vừa chạm đến một khái niệm quan trọng thường làm tôi rất băn khoăn. Các nhà thơ Việt Nam thường nói đến “tứ thơ” (hay cấu tứ, trong câu văn của anh ở trên). Hồi nhỏ, tôi vẫn cứ yên chí rằng tứ thơ là một khái niệm phổ quát (universal), có tính toàn cầu. Sau này đọc các lý luận văn học bằng tiếng Anh, tôi mới ngẩn người ra: hình như tứ thơ là một khái niệm thuần túy Việt Nam. Một số tác giả như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Hưng Quốc… cũng tìm cách định nghĩa nó, mỗi người một kiểu. Tôi tự hỏi: tứ thơ phải chăng là một sáng tạo Việt Nam, đóng góp vào kho tàng nhân loại, hay thật ra là một khái niệm ảo?
Đỗ Quyên: Lớn chuyện rồi! E riêng câu hỏi này đủ làm bàn tròn thảo luận. Cho tôi “cướp micro” ở ba ý:
- “Cấu tứ” thơ hơi khác “tứ” thơ, ở chỗ vừa là tứ thơ (ý hay hình tượng chủ đạo toàn bài thơ) vừa là “ban tổ chức” trong một bài thơ, hay quen gọi là cấu trúc, kết cấu bài thơ. Tôi còn nhớ, hồi học lớp 7-8, trong nhà có cuốn sách Cấu tứ trong thơ trữ tình, dịch từ tiếng Trung Quốc của một nhà phê bình nào đó nổi tiếng lắm (Quách Mạt Nhược cũng nên?). Cuốn sách để lại cho tôi nhiều nhớ nhung về cấu tứ thơ, về tứ thơ. (Nhưng không vì cuốn đó là của người Tàu mà tôi nghĩ cấu tứ là đặc trưng của thơ Tàu đâu!)
- Tôi không nỡ nghĩ rằng cấu tứ, tứ thơ là khái niệm riêng của Trung Hoa, Việt Nam. Nếu anh đúng thì có lẽ trong lý luận thơ tiếng Anh, tứ thơ không được khu biệt như ở chúng ta chăng? Vụ này tôi không hiểu lắm. Thua!
- Các tác giả anh vừa nêu và không ít người khác, bàn đến tứ thơ trong một quan niệm thẩm mỹ kinh điển, với ý niệm về làm mới thơ chưa tới Thanh Tâm Tuyền, dừng tại một số bài “hiền hiền” ở Trần Dần. Mười lăm năm nay, với một số sáng tác cách tân của Lê Đạt, Hoàng Hưng, nhất là với Đặng Đình Hưng, Dương Tường rồi tới Thơ Tân hình thức Việt, Thơ hậu hiện đại Việt (nổi đình đám là nhóm Mở Miệng, nhóm Ngựa Trời), các tiêu chí độc lập như: nhạc tính, âm điệu, vần nhịp, hình tượng, ngôn ngữ, ý tưởng, cảm xúc, chất liệu, thể loại, v.v… – không còn giá trị độc lập nữa. Nhiều khi phải có tổ hợp (tuyến tính, rồi cả phi tuyến!) của chúng để tạo tiêu chí mới, thích ứng. Nhưng cấu tứ, tứ thơ thì vẫn còn đó. Tôi tin rằng tứ thơ, cấu tứ thơ chính là dấu vết cuối cùng để nhận biết đó là “thơ” hay “không thơ” trong các bút pháp có tính hậu hiện đại. Chấp cả các loại hình như thơ cụ thể, thơ hình ảnh, thơ âm thanh, thơ điện tử của Lê Văn Tài, Đặng Thân, Huỳnh Lê Nhật Tấn… nữa đấy! Hay tính cả một loạt các nhà thơ thơ hình ảnh Nam Mỹ đang giăng hàng xếp lối trên Web Tiền Vệ! Các bạn Cái Bang Mở Miệng ơi, yên tâm đi, với những nhại nhái, collage cùng lô xích xông các nguồn các “xuộc” này nọ thì Đỗ tui vẫn túm ra ngay tứ thơ của các bạn như gái phấn hoa nhìn túi tiền khách chơi!
Vụ thảo luận về thơ Nguyễn Thúy Hằng trên talawas mấy bữa hổm (mà ở bài phỏng vấn gần đây, anh và Nguyễn Viện cũng “xía vô”), Nguyễn Chí Hoan, Nguyễn Thanh Sơn, Đỗ Minh Tuấn, Hà Hữu Nga đã cho một ví dụ đẹp. Ba bốn vị ngồi vắt vẻo ở ba bốn hệ quy chiếu khác nhau, óc rung rinh ba bốn mỹ học của mình, tim nhâm nhi một bài thơ: thi đàn đại loạn, văn nhân tạo phản là phải! Chả nghe thấy Nguyễn Thúy Hằng đâu, chỉ thấy “Thế này mà là thơ à?” hoặc “Thế này mới là thơ chứ!” của các diễn đàn viên. Tôi mà là xếp sòng à? Tôi mời quý vị chìa tiêu chí thơ của mình ra thì mới cho “mở đài”. Ông nào bà nào cùng một tiêu chí bình luận thì hẵng đối thoại. Loại cà nhây kiểu “tiêu chí thơ của tui là hổng có tiêu chí gì sất!” cũng có bàn đặc biệt, với các em chân dài cầm micro! Chốt lại: nếu lấy cấu tứ làm visa để nhập bàn tròn thảo luận, tôi bỏ phiếu yes cho vụ “thơ hay không thơ” ở Nguyễn Thúy Hằng. Nhưng thơ đó chưa hay, nói rõ hơn là: thơ đó chưa có bài hay, với tôi, kể cả tác phẩm thứ 35 mà Hà Hữu Nga diễn dịch công phu tôi cũng đọc hơn ba lần (là nói chuyện đọc bài 35 đó thôi; chớ mà đọc hơn ba lần bài của Hà Hữu Nga thì bi giờ anh có thêm một bịnh nhân mới rồi!) Lối thơ Nguyễn Thúy Hằng hoàn toàn chiếm được “credit” từ tôi: làm mới hoàn toàn về cách tạo cấu dựng tứ. Cho tôi tin là lối đi Nguyễn Thúy Hằng đã chọn đang trở nên một con đường. Muốn nó hóa thành sinh lộ – tạm hiểu là đẻ ra được thơ hay – của thi ca thì tác giả còn phải “work” với nó nhiều, nhiều nữa. (Để hiểu đúng chữ “hay” ở vụ Nguyễn Thúy Hằng, xin nói thêm: có – vài bài trong lối thơ ở Mở Miệng tôi chịu là “hay”.) Trong bài vừa treo trên eVăn hôm 3-7-2006, Dương Tường nâng điểm khuyên là: “Bộ ba tác phẩm của Nguyễn Thúy Hằng – Thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lý – là một cố gắng đề xuất một cách đọc mới với một lớp độc giả mới. Chất đương đại ở Nguyễn Thúy Hằng thể hiện rất rõ”, và hạ điểm sổ với khá nhiều tác giả của “văn học trẻ” trong nước vài năm qua. Tôi vẫn nhủ rằng cái câu kết “Tôi luôn nghĩ các cây bút trẻ phải khẳng định mình bằng tác phẩm, bằng sức bền, nhưng trong cơn sáng tác có đôi khi cũng nên dừng lại để nhìn lại mình” trong bài đó, trước hết, là dành cho Nguyễn Thúy Hằng. Chớ còn các “cây bút trẻ” kia (Nguyễn Ngọc Tư, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Bình Phương, Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh) thì họ cũng đã “làm theo lời Bác” Dương nhiều lần rồi thì phải!
Nguyễn Đức Tùng: Vào giây phút im lặng sâu xa nhất, được sống với chính tâm hồn mình, bài thơ nào của mình mà anh nhớ nhất, và muốn đọc cho mình nghe nhất?
Đỗ Quyên: Đây là một câu hỏi khó, nhưng hình như nó không… thơ! Tôi không có, hoặc chưa được có, cái “nhất” này. Mỗi giây phút đó, trong tôi, có hoàn cảnh nào đó bên ngoài mời gọi một bài thơ nào đó của mình. Ví dụ, lúc ấy mà tôi nhớ, hay bỗng có gì gợi nhớ, đến mẹ thì thế nào bài thơ “Khóc mẹ’’ cũng tự đọc ra:
“Tròn ba mươi tuổi mồ côi mẹ
Đi mãi xa hay mẹ tạm vắng nhà?
Nửa đời nhớ mẹ và nuối tiếc
những ngày có mẹ nửa đời qua.”
Thành thực với mọi người (và xin mẹ tha lỗi!), hoàn toàn đây không phải là bài thơ tôi thấy hay. Nhớ thương mẹ một chuyện, mến mộ thi ca chuyện khác. Tôi tự xếp bài trên ở dạng thơ thù tạc, thơ phong trào. Thơ về mẹ, tôi cũng có một số câu, bài khác mà tôi cho là hay. Có thể vì tôi không đủ tài năng chuyển tải đề tài mẹ vào một bài thơ vừa hay nhất vừa được nhớ nhất và muốn đọc cho mình nghe nhất ở giây phút đó? Có thể cái Hay và cái Tình không phải lúc nào cũng phủ sóng lên nhau? Chắc gì Tế Hanh, có bài thơ về mẹ với hai câu: “Quê mẹ không còn mẹ/ Bao giờ con lại về?”, lại thường nhớ tới hai câu đó khi ông nhớ đến mẹ mình? Dám lắm chứ! Trong văn chương, nhiều khi đứa con này mình cưng thì thiên hạ hắt hủi, đứa mình cho là con ghẻ con hoang thì người đời lại cứ khen giống mình như lột!
Ờ, mà có thể câu hỏi này vẫn “thơ” đấy! Vậy ta nên coi là hạnh phúc hay bất hạnh cho những ai chỉ có độc một bài thơ là thơ nhất trong các bài thơ của mình? Nguyễn Đức Tùng ơi, có lẽ cái “giây phút im lặng sâu xa nhất, được sống với chính tâm hồn mình” của tôi là giây phút… sắp sửa ngỏm! Chả có khi nào tôi “im lặng” mà “sống với tâm hồn”. Cuộc đời luôn bắt mình đối thoại, giữ rịt mình sống với nó!
Nguyễn Đức Tùng: Có thật thế không? Đỗ Quyên, anh làm tôi hoang mang. Cũng có thể anh nói đúng. Trần Mạnh Hảo có hai câu thơ tôi cho là cảm động:
“Cả đời khi thức không hề khóc
Lúc ngủ say rồi lệ mới rơi”
(Chép theo trí nhớ)
Có thể là chúng ta chẳng bao giờ có giây phút im lặng sâu xa như tôi vẫn tưởng. Nhưng hãy quay trở lại với bài thơ mà anh thường nhớ lại. Bài “Khóc mẹ” của anh làm anh xúc động, tôi chắc thế, nhưng có thể không làm những người khác xúc động nhiều vì như anh nói, nó “không hay“. Đây phải chăng là điều cốt tủy của giá trị thơ ca?
Đỗ Quyên: Voa-la! Cốt tủy đấy, còn phải chăng gì nữa! Trường ca “Thơ thời gian” có nhắc tới. Ở đó, trước thi đàn, tôi cúi xin gọi đó là tính bất định của thơ. Định giá một bài thơ là công việc không phải của… con người! Hỡi các Con Người của tôi! Cho tới khi buông thơ xuôi tay, chắc tôi sẽ thảo xong một “lít” các bài thơ, các câu thơ “hay” với những lý do để nó được người đời coi là hay, trong đó rất nhiều lý do “giời ơi đất hỡi”. Bài thơ đó không có lỗi, câu thơ ấy vô tội, nhà thơ càng vô can. Đó chỉ là vì trời đất ban cho thi ca một độ bất định kỳ thú. Đây, một ví dụ: Nhà phê bình nào tự tin rằng có thể bình luận “chay” cho vuông cho tròn bài thơ nào đó mà không hề biết xuất xứ, tác giả? Tôi dám cá sẽ… cõng ba vòng quanh Văn Miếu đấy! Ừ thì “Tống biệt hành” vẫn hay, dù lỡ bị rớt đi “chapeau” Thâm Tâm nhưng cho hỏi “Phục sinh” liệu còn phục sinh đến ngày nay nếu không có “cái mũ” Thanh Tâm Tuyền dù trong bài thơ hai lần tên “thanh tâm tuyền” sinh sống trong đó? Thơ là nghệ thuật của ngôn từ và những gì không ngôn từ. Văn xuôi mới là nghệ thuật của ngôn từ. Các điều sau chỉ có trong thơ, không có trong văn xuôi. Rất nhiều câu thơ hay là “hay” nhờ vào cả cái “tình” của người đọc với tác giả, với toàn bài thơ mà câu thơ từ đó được sinh thành. Một bài thơ cũng thế: rất nhiều bài thơ hay là “hay” nhờ vào cả cái “tình” của độc giả với nhà thơ, với trào lưu, thời đại mà bài thơ đó được cưu mang. Một nhà thơ cũng có thể như thế. Không ít “nhà thơ hay” nhờ vào cả cái “tình” của người đời đối với thời kỳ, thế cuộc mà nhà thơ đó sống cùng. Thi phẩm của một thi sĩ, cái Hay và cái Tình, nhiều khi, một cái là vợ, một cái là bồ! Không phải ông nhà thơ nào cũng “vừa có vợ vừa có bồ” trong những sáng tác của mình đâu. Hiếm lắm!
Nguyễn Đức Tùng: Nếu ngày mai có một cuộc tập hợp đông người, và người ta đẩy anh lên sân khấu: đứng trước micro, anh sẽ đọc bài thơ nào của mình cho đám đông?
Đỗ Quyên: Chọn mặt gửi thơ là việc khó vô cùng! Anh cũng hiểu là, nói chung, đời tôi chẳng có vàng để mà đi gửi. Nhưng hồi xưa đâu cũng hai ba lần liên quan tới vụ “gửi vàng”, những khi đó, tôi đâu phải chọn mặt khó như khi tôi đi gửi thơ. Và anh biết rõ đấy, mười mấy năm nay, tôi ham làm trường ca, năm một năm một: lại càng khó gửi! Nếu như ngày mai anh cứ bắt phải gửi thì tôi sẽ chọn trong “Thơ thời gian” thế nào cũng được một đoạn hợp với đám đông của anh.
Nguyễn Đức Tùng: Trong các nhà thơ Việt Nam, rất ít người làm trường ca. Có thể kể Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Du Tử Lê, Đỗ Quyên. Tại sao anh chọn con đường vắng lặng gian khổ này?
“Những ai không còn không gian
Sau cái vuốt tóc thời gian ép lại
Sợi đen sợi bạc sợi màu
Em bao nhiêu tóc đau
Ở không gian khác
Ngôi nhà rèm trắng cửa hoa khép
Lẵng cây nghiêng mùa
Gốc phong già lá chưa xanh hết
Cặp chân nâu đâu còn trong mắt
Xếp trí nhớ gió mây lộn xộn chi tiết này
Là dốc nhỏ vắng người nữ
Ở thời gian khác
Có người trai ngủ ngày giật mình nhặt lên chiếc đồng hồ
Ngỡ con cu mình rớt”
(Trích trường ca “Bài thơ không thuộc về ai”, 2001)
Đỗ Quyên: Được anh nhắc vậy, các trường ca gia, còn sống và không còn sống, đỡ tủi. Bàn về vấn đề trường ca thì dài lắm!
- Đã rất lâu rồi, các giới phê bình, sáng tác, độc giả thơ Việt Nam, và cả thế giới, coi thể loại này “sống như chết anh hùng vĩ đại”. Chỉ các nhà trường ca mới biết trường ca của chính mình còn sống.
- Thời 1954-1975, thi sĩ trong Nam hầu như “kính nhi viễn chi” lối thơ này. Tôi chỉ được đọc Trần Tuấn Kiệt. Ngoài Bắc: Thời hòa bình 1954-65: Hoàng Cầm, Xuân Diệu… Thời chiến tranh 1965-75 và sau 1975 một dạo cho tới quá 1980 ít năm thì trường ca là “bố tướng” đấy, anh Tùng ạ! Để tôi thử kể lại, bổ sung cùng anh nha: Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh đã đành; Còn nữa: Nguyễn Khoa Điềm, Trần Mạnh Hảo, Thi Hoàng, Nguyễn Đức Mậu, Trần Đăng Khoa, Vĩnh Quang Lê¸ Nguyễn Trọng Tạo… Vài năm nay: vẫn là Lê Đạt; thêm: Hoàng Trần Cương, Mai Văn Phấn, Trần Anh Thái… Ở hải ngoại: Trần Nghi Hoàng, Cao Đông Khánh, Du Tử Lê, Kiệt Tấn, Đỗ Quyên… A, ta như thấy ngôi nhà trường ca Việt Nam trông trống? Thì đây: Trần Dần, “bố của bố tướng” trong thể loại trường ca tiếng Việt!
- Chửa thấy có nữ sĩ nào (ta, Tây, Tàu, Ấn, Mễ, Mẽo, Úc…) viết trường ca cả! Trường ca không phải là một danh từ giống cái?
- Tại sao tôi lại cứ ưa viết trường ca, “chọn con đường vắng lặng gian khổ này”? Anh đi mà hỏi các nhà tâm lý học sáng tạo ấy! Hoặc về Việt Nam, lên mạn ngược hỏi cái cô gái trong bài hát nọ, hình như bài “Sao em chọn lối này”? Xin lỗi, tôi “bức xúc” như vậy ỷ y anh chẩn đoán được lòng tôi không ổn trước câu hỏi. Một, đó cũng là loại câu hỏi “nghe xong đã muốn chửi thề!”, kiểu như “Tại sao anh làm thơ?” Hai, (vụ này đụng chạm tới vô khối vị đó à nha. Thưa các văn thi hữu, lỗi tại thi hữu Nguyễn Đức Tùng mọi đàng. Bày đặt hỏi này nọ. Tôi chỉ biết giả nhời thôi!), từ rất lâu rồi, hôm đó, vào một buổi xấu trời mưa rơi bia rượu cạn, tôi vô cùng bức xúc lúc đọc ở đâu đấy một nhà thơ, nhà văn hay nhà gì đó trả lời phỏng vấn, đại để, “Văn chương nó chọn tôi!” khi được hỏi tại sao ông/bà/cô/bác lại chọn văn chương! Sau này mỗi khi bi hài kịch đó tái diễn, tôi thường phải chạy vào… cái phòng nhỏ nhất trong một căn nhà để xả nỗi bức xúc! Lý do: mời coi trong trường ca “Thơ thời gian”.
Nguyễn Đức Tùng: Anh không làm thơ nữa, có được không?
Đỗ Quyên: Khoái nhất câu này! Trước đã đọc nội dung tương tự ở một bài viết của Nguyễn Đức Tùng. Đây cũng là một cái đinh tôi găm trong túi thơ từ lâu đang chờ dịp lòi ra. Có ba cách trả lời.
- Dân dã: “Để tôi về hỏi vợ tôi xem sao?”
- Lý sự: “Đấy là loại câu hỏi không cần câu đáp.”; Hay: “Hỏi tức là trả lời.”; Còn nữa: “Có và không. Có vì bla bla bla… Không vì bla bla bla….”
- Cách thứ 3. “Anh không làm thơ nữa, có được không?” – Đó là một công án thơ. Ở đây tôi tạm gọi là thi án. Xin trích đoạn sau trong “Bách khoa toàn thư mở Wikipedia tiếng Việt” ở Web http://vi.wikipedia.org. Chú ý: tôi đã lược đi, thay bằng (…), các chỗ chú giải thuật ngữ ở các thứ tiếng Tây Tạng, Nhật, Hàn Quốc, Pali, Phạn, Hán, vì tôi đâu có hiểu các tiếng đó.
“Công án (…) có nguyên nghĩa là một án công khai, quyết định phải trái trong quan phủ. Trong Thiền tông, thuật ngữ quan trọng này chỉ một phương pháp tu tập thiền định đặc biệt. Công án có thể là một đoạn kinh, một kinh nghiệm giác ngộ, một câu chuyện về một vị sư, một cuộc đàm thoại, vấn đáp hay một cuộc pháp chiến. Nhưng chúng có chung một điều là đề cập đến thể tính của vạn vật. Đặc trưng của công án là thường thường nghịch lí, “nằm ngoài phạm vi của lí luận”. Công án không phải là “câu đố” thông thường vì nó không hề được giải đáp bằng lí luận, muốn hiểu nó phải nhảy qua một cấp độ khác của nhận thức.”
“Vấn đáp (…) là những cuộc đối đáp trong Thiền tông, giữa thầy và trò về một công án hay một vấn đề làm thiền sinh thao thức. Thiền sư thường thường trả lời theo một cách nằm ngoài quy ước, với mục đích đánh thức trực giác nơi thiền sinh (Pháp chiến). Nhiều vấn đáp đã trở thành công án trong lịch sử Thiền.”
“Người ta cho rằng, gom góp lại có tất cả khoảng 1.700 công án – một con số mang giá trị trừu tượng – và trong số đó 500-600 ngày nay còn được lưu hành tại Nhật.”
Vậy suy ra rằng, thi án có thể là một cuộc thi đàm (như của Khế Iêm, Chân Phương, và hình như cả Đỗ Kh. – trên tạp chí Thế Kỷ 21, khi Tạp Chí Thơ vừa ra mắt), phỏng vấn (như của Nguyễn Đức Tùng đây) hay một cuộc thi chiến (như tranh luận liên hồi kỳ trận thời đầu Thơ Mới hay như thảo luận lai rai lòng vòng về nhóm Mở Miệng hai ba năm nay). Đặc thù của thi án nói chung là nghịch nghệ thuật. Thi án không phải là trò chơi (như trong các cuộc thả thơ) nên không thể giải quyết bằng thi pháp, muốn tiếp cận nó phải bay sang một hình thức khác của mỹ học. Phỏng vấn thi ca là các dịp hỏi chuyện trong thi đàn, giữa các nhà thơ, về một vài thi án hay một số đề tài làm nhà thơ đau đáu. Nhà thơ được phỏng vấn thường hay giả nhời có tính phi thi pháp với ý đồ gây chuyện với nhà thơ đi phỏng vấn (thi chiến). Không ít phỏng vấn thơ đã, đang và sẽ trở thành các thi án trong lịch sử thi ca.
Bên nhà Phật được những 1.700 công án rồi. Vậy nhà thơ ta có bao nhiêu thi án đây? Thật là một công trình có tính toàn cầu xuyên quốc gia. Lâu nay, những khi hí hoáy với chuyện này nọ về thơ thẩn, tôi thảy tất cả vô bản thảo Vạch áo nàng Thơ. Cầu Giời khấn Phật, chúng con làm thơ hiền lành, không gian dối không đạo thơ, xin Ngài cho được năm bảy cái thi án là nhà con vạn phúc! Trong năm bảy cái đó, cũng ít nhiều trùng hợp với các thi án của Nguyễn Đức Tùng: “Anh (chị) không làm thơ nữa, có được không?”; Thơ cần thiết cho ai?”; “Bài thơ của anh (chị) bắt đầu ra sao? Xin cho một bài thơ làm ví dụ?”, “Tại sao anh cứ chọn trường ca mà viết, như sa vào con đường vắng lặng gian khổ, sao không làm thơ haiku cho khỏe”?
Nguyễn Đức Tùng:
“Anh còn lại một ngày
Chờ em và đợi chết
Không gian giấy trắng đầy
Thơ tha hồ mà hát
Anh còn lại một ngày
sống những ngày qua cũ
Chắc không kịp đến giờ
Lưỡi hái kề sát cổ
Anh còn lại một ngày
Sổ đời đây để ngỏ
Nợ tha nhân đã nhiều
Và nợ mình hết thảy
……
Anh còn lại một ngày
Thảo cho con hàng chữ
Ngày nào con đọc ra
Sẽ thấy điều sinh tử
Anh còn lại một ngày
Mà Đông phương xa quá
Ơi Đỗ Quyên mãi là
Cánh chim buồn không xứ”
(Trích trường ca “Buồn muộn cùng thế kỷ”, 2000)
Thơ Đỗ Quyên, trong những bài u tịch nhất, hay trong những tiểu đoạn trường ca thắm thiết nhất, lại trở về với các thể thơ cổ điển. Anh có ý định làm mới thơ, hay không hề có ý định đó?
Đỗ Quyên: Biết rồi! Khổ lắm! Hỏi mãi! Độ này, việc bàn về làm mới thơ của dân thơ nhà ta giống như chuyện thời tiết. Bài “Thơ thời gian’’ cũng có nói. Nay thêm một tí: Nhà thơ muốn làm mới mẻ thi ca thì không nên bận bịu với vụ đó giống như các cháu teens sắp sửa đi party: mặc áo nhỏ nào, váy lớn nào, call cho ai trước, đến đó không nhìn ai, nhảy với ai xong thì ngồi uống với ai, v.v… và v.v… Mà ít ra cũng cần như bà tướng đi đại tiệc. Hay nhất là được làm bà chủ tiệc tại gia: hân hoan, tự tin và thoải mái. Thơ cách tân thành công là từ các nhà thơ “gia chủ đại tiệc” như thế! Người ta hay nói rằng nhà cách tân phải viết bằng cái búa; tôi thấy là không chỉ để anh ta phá đi cái cũ già nua, cản trở bước đường khai phá mà còn để đập vỡ cái gương trước mặt mình. Anh ta làm nên cái mới cho trang viết, chứ không phải vì đang tập đóng kịch, trước khán giả và các tràng pháo tay tưởng tượng. Nếu nhìn lại chưa thấy tâm trí mình “tân” thì hãy tạm buông mouse, hạ bút. Trở ra bàn viết, về với mình mà sống, mà “cách” con người mình. Ai đó tài xạo thì có thể xạo với người đời, với thầy bà bác mẹ, qua mặt cái vù vợ con nhưng làm sao dối được với con chữ cái nghĩa nằm âm ỉ trong bụng, thòi ra bàn tay, rồi rơi vào trang thơ? Chữ nghĩa mà chưa thể mới, chưa canh tân thì người máu nóng đó sẽ chỉ làm ra các bài thơ “có ý định” làm mới thơ. Khi làm thơ, tôi coi bài thơ hợp với bản thân mình ở thời điểm đó hơn là việc mới-cũ. Tôi không bức hiếp thơ của mình. Nếu xui, nó có “cũ” nhưng tự nhiên, đồ thiệt made in ĐQ, cũng hơn là mơi mới mà khiên cưỡng kiểu tí ti Trần Dần, chun chút Allen Ginsberg, Hai Tê rưỡi nửa mùa, bỏ mẹ rồi quên chưa vắt dòng, cắt dán tùm lum thế vầy ai dám bảo không hậu hiện đại… Tôi biết trong giới văn nghệ chúng ta, ở vụ khai phá, cách tân, người viết bằng búa thì ít mà viết bằng gương thì nhiều!
Này, tôi đang khoái trá vì chộp được các chữ “có ý định” của anh. (Chắc là anh… không có ý định khi viết chúng!) Vâng, chính ba chữ đó giải thích rất nhiều cho các tranh luận, định giá những phong trào văn nghệ, trào lưu thơ, nhóm phái văn chương trong sự nghiệp đổi thay nghệ thuật. Nói thế này sẽ bị coi là hỗn, là “vạch đít tượng”: “Tình già’’ là một bài “có ý định” làm mới thơ Đường luật, thơ cổ điển kể từ mốc Tản Đà đổ về trước. Trong các cao trào thơ, người “có ý định” nhiều như các con thiêu thân vậy. Chúng ta vững tin rằng Phan Khôi hừng hực lửa canh tân không chỉ cho thơ ca mà cả văn hóa, báo chí, cả xã hội. Phải! Canh tân cả cái hình chữ S đang oằn oại trong thời kỳ thoát thai của một nền văn minh, văn hóa 6 phần Tàu 2 phần Tây 2 phần Việt! Gần đây, các tư liệu về Phan quân khá nhiều; khi đọc tiên sinh, tôi hay ngắm nhìn chữ nghĩa của ngài và ngó sang bài “Tình già’’. Ngộ rằng, thơ là chuyện nhỏ như con thỏ đối với nhà văn hóa lớn Phan Khôi. Có lẽ vì thế chất thơ ở văn hóa gia nó cứ khô khô làm sao ấy. Và ngài sinh hạ “Tình già’’ với dòng máu cách tân thi ca trong một cơ thể chữ nghĩa đúng là của mình nhưng lại không phải của… thơ!
Tôi chịu Nguyễn Đức Tùng khi anh đặt câu hỏi trên: đưa ra dẫn chứng về các đoạn thơ vần “cổ điển” để dứ tôi nhào vô vụ khai phá thơ và vụ hình thức của trường ca. Vậy, thanh minh (trong tiết tháng ba) bốn ý này:
- Với thể loại trường ca: làm tân làm tiến toàn bộ nó là chuyện to như con voi! Maia “thì ở nước Nga” mà Trần Dần, Hữu Loan, Phùng Quán, Lê Đạt và nhiều nhà thơ lớn khác “vẫn thấy rất là Việt Nam“, đến mức trường ca Maia, phong cách Maia đã được Việt hóa rất ô-kê. Nhưng, nói cho ngay, các bậc tiền bối đó chưa thoát ra được cái bóng của “những đám mây mặc quần”. Có thể chỉ ra những câu, đoạn “made in” Trần Dần, Hữu Loan, Phùng Quán, Lê Đạt theo “license” của Mayakovsky. Trong sáng tạo, đó là chuyện kế thừa tất nhiên. Tôi nêu vậy chỉ để bật tung ra cái khó của thay đổi, làm mới thi pháp trường ca. (Mà “Lão núi’’ của Lê Đạt, Mùa sạch, Jờ Joạcx của Trần Dần là ba ví dụ nhãn tiền.)
- Trong diễn tiến đang nói, tôi đề nghị chia những nhà thơ làm mới thơ theo hai loại:
Loại thứ nhất: Đổi mới tự thân, mở đường gần như độc lập. Đó là những Hữu Loan, Hoàng Cầm, Tô Thùy Yên, Văn Cao, Nguyễn Đức Sơn, v.v…
Loại thứ hai: Cách tân, khai phá qua trào lưu. Là các Trần Dần, Thanh Tâm Tuyền, Lê Đạt, Nguyễn Duy, v.v…
Việc thảo luận, hơn nửa năm nay như nguôi ngoai, về nhóm Mở Miệng, về phong trào Thơ Tân hình thức Việt đã đề cập tới điều sinh tử này của nghệ thuật thơ. Theo tôi: Làm mới nghệ thuật hoàn toàn không phải là một cuộc cách mạng, theo nghĩa không làm mới thì thi ca tắc tử!Thi sĩ là nhà tiên tri; nhưng phải là nhìn được trước điều sắp đến, chứ không phải chỉ ra cái sẽ không có, trong thi ca. Không! 3 x 7 = 21 lần không! Tiến trình thay da đổi thịt của nghệ thuật là vì nghệ thuật, vì chính nó, chứ không phải vì con người. (Nhiều triết gia, bởi thế, gọi nghệ thuật là vô dụng.) Đâu phải cứ tự quất cái roi làm mới lên chữ nghĩa của mình, của người, lùa chính mình, lùa một đám thi sĩ quanh mình ham cách tân vào trong “trại cách tân” là được. Các nhà cách tân hồ hởi phấn khởi của thi ca ạ, cũng giống như tôn giáo, các cuộc thánh chiến đẻ ra từ sự không có tự do tôn giáo. Tự do đổi mới thơ cũng bình đẳng với tự do không hoặc chưa đổi mới thơ, đối với bản thân một nhà thơ hay cả một dòng thơ. Sự phi tự do trong lãnh vực này dẫn đến tội lỗi không thua gì sự mất tự do đổi mới thơ (thường bởi các thế lực độc đoán, bạo quyền). Đây còn là một tội kép: mang danh tự do khai phá để độc tôn khai phá, để phá hủy, công kích vô lối cái kinh điển vô tội. Tại sao vậy? Hơn cả tôn giáo, một lãnh vực tưởng như là vấn đề của cá nhân mà vẫn bị gia đình, cộng đồng lấn áp, làm thơ – đó là vấn đề của cá nhân và chỉ của cá nhân. Các trường phái nghệ thuật ở Tây phương thành quả hơn ở Đông phương phần vì họ mang tinh thần tôn trọng tự do cá nhân – sản phẩm của văn hóa Tây phương – vào sinh hoạt nghệ thuật nhóm phái, khuynh hướng. Tất nhiên còn vài lý do khác, như bài bản, nhà nghề, kỷ luật, biết chịu nhau… Rất ít sinh hoạt trường phái văn nghệ Việt Nam thực hiện cho ngon ngọt tiêu chí coi nghệ thuật là mục tiêu tiền phong. Nó khó nhận ra vì những nhà cách tân ấy thường là nạn nhân cụ thể của một sự mất tự do nào đó. “Thi ca đã chọn chúng ta!” Độc quyền làm tiền vệ, độc tài cách canh tân – đó vẫn là lề lối làm việc của đa số trào lưu nghệ thuật Việt Nam lâu nay. Thói xếp chiếu trên khoanh chiếu dưới làm thui chột nhiều ý muốn sáng tạo của những người không đồng hội đồng thuyền. Điển hình là nhóm Sáng Tạo, dù là sáng tỏ nhất nhì trong các ngọn đèn nhóm phái văn học Việt Nam, cũng không hề “sáng tạo” trong quan hệ văn nghệ sĩ.
Tân hình thức Việt: Ra mắt hồi tháng 5 mới rồi, cuốn Thơ không vần – Tuyển tập Tân hình thức song ngữ Việt-Anh khẳng định một tiến trình đi lên đầy khó nhọc mà vinh hiển nơi sự nghiệp đổi mới nghệ thuật thi ca Việt. Bài tựa của Khế Iêm, “Tân hình thức bước ra từ nền văn học suy tàn”, đang giăng trên Web tapchitho.org, toát lên điều đó với sự cực đoan rất dễ thương thường thấy ở các nhà khai phá thực tâm thực tài. Cuộc tranh luận về nó kéo dài hơn hai năm trước, dàn trải nhiều diễn đàn, không rạo rực mà căng thẳng. Sự khơi lại khá căn bản và đối ngược bởi Chân Phương, giữa năm ngoái, coi như là tiết mục khép màn. Tôi thấy cuộc thảo luận đó là lành mạnh xét về văn hóa tranh luận, là cần thiết xét về đóng góp khai triển thi pháp thơ Việt Nam. Kết quả mà Khế Iêm cùng các bạn thơ trong phái đã làm được là cao hơn nhiều bên mức độ cảm thụ thơ cùng sự phát triển văn hóa ở người Việt hải ngoại và người Việt Nam nói chung. Giá như nhóm Tân hình thức Việt giảm thiểu ý nghĩa “chuyển lửa” Tân hình thức Mỹ cho văn chương Việt, cho người Việt ở hải ngoại và ở Việt Nam thì cuộc tranh luận chắc sẽ dịu đi phần ồn ào về hình thức không cần có. Khai thông nghệ thuật, mở ra một quan điểm mỹ học cho một cộng đồng là nhu cầu nội tại của chính cộng đồng với dòng văn hóa của nó chảy trong thời đại chung của nhân loại. Chỉ khi đó cây “tân nghệ thuật” mới tỏa ra ngoài bóng hình của mình.
Mai Thảo: Ai cũng rõ là người chia bài bàn chơi Sáng Tạo rất sáng tạo, thông thoáng trong các tuyên ngôn, tùy bút văn học… Trong sáng tác (tiểu thuyết, truyện dài, truyện ngắn), ông cũ mèm. Cả khi ra hải ngoại – Sáng Tạo có cháu gọi bằng ông bà rồi – Mai Thảo vẫn là Mai Thảo xưa. Các nhận định về xu thế văn nghệ, về tác giả cụ thể, các phát biểu bỏ túi bàn tiệc hay trên trang đầu báo chí của ông vẫn có độ nóng của người khoan đường. Còn sáng tác – cái sáng tạo tột đỉnh của một người viết – ở Mai Thảo hải ngoại lại còn tiền cổ điển: xưa hơn cả các truyện Mai Thảo trước 1975. Rồi thơ, cuối đời, người thơ đó cất tiếng hót Ta thấy hình ta những miếu đền. Đọc thì biết! Một tập thơ hay. Mà nó chả có tinh thần khai phóng gì sất! Tóm, trong sáng tác, Mai Thảo vẫn chỉ là người “có ý định” tân tiến.
Lê Đạt: Là nhà cách tân đầu đàn thơ Việt, là nhà lý luận của một trào lưu làm mới văn nghệ ở cái thời ngôn ngữ phải đong đưa giữa ngòi bút và dây thòng lọng, ông như sống trong nhà tù của nhu cầu cải biến hơn là dưới bầu trời cho sự khai phóng. Đang đọc lại “Mimôza” (Từ tình Epphen II) và các bài thơ mới 2003-2005 mà tạp chí Hợp Lưu vừa giới thiệu, số tháng 6&7/2006, tôi càng muốn xin được nghĩ rằng, Lê Đạt đầy ải chữ nghĩa của mình hơn là chữ nghĩa Lê Đạt đầy ải ông.
Hoàng Cầm: Chúng ta đang đi vào một đại lộ của thành phố thi ca Việt hiện đại: thơ Hoàng Cầm. Thơ ông điêu luyện một cách tự nhiên, như giời cho đất phát, từ bài hay cho tới bài dở. Ở bảng phong thần các nhà thơ Việt nêu trên, dù xin được xếp ông vị trí thứ 8/12, tôi luôn luôn đề cử thi sĩ vô giải Nobel về thơ đương đại Việt. Thơ “lưỡi gỗ” của Hoàng Cầm (khá nhiều; ngay lúc này, tôi chỉ nhớ đến bài viếng Tố Hữu (?), bài “Em bé lên sáu tuổi”) ta có thể không thích, nhưng chúng đều nằm trong mạch điêu luyện của thi sĩ. “Gỗ” này là hàng tứ thiết. Gặp những bài như thế ở Hoàng Cầm, tôi cứ việc “Chậc! Những đứa con hoang của ổng…”, như thể là thơ (của ông) bị cưỡng hiếp! Nhưng với các bài tương tự ở Xuân Diệu, Chế Lan Viên, thi thoảng ở Huy Cận, tôi lại không thể thương được. Thế giới chữ nghĩa của ba thi nhân cứ quyện vào đó, như nói với tôi rằng: “Đây vẫn là con đẻ của chúng tôi!” Thi ca quả là bất định. Những sự bất định kỳ khôi và nhọc nhằn! Làm nghệ thuật cách mạng đâu có dễ, nếu thi sĩ không một lòng một ruột tin nơi cách mạng. Tính tinh luyện trong thi tứ Hoàng Cầm đã khiến ông là nhà thơ đổi mới thơ mà vẫn tỉnh bơ như không. Cho tới cách đây ba bốn năm, cấu tứ, nhạc tính thơ Hoàng Cầm vẫn mới sáng, ngoạn mục.
Giải Nobel cho thơ Việt: Chất Việt, tính làng xã Việt ở thơ Hoàng Cầm ngày một hiện đại, toàn cầu hóa. Tiếng Việt nơi Hoàng Cầm vừa “đẳng cấp” mỹ nhân để còn dịch ra được tiếng Ăng Lê, chứ không “phù thủy” như ở Bùi Giáng, không “tẩm” như ở Nguyễn Bính, không “sến” như ở Xuân Diệu, không “cứng” như ở Chế Lan Viên, v.v… Tôi nâng cả hai tay lên thi đàn thế giới (mà biểu tượng thời thượng là giải Nobel) cái tên Hoàng Cầm là vì thế. Giải Nobel được chọn, trước là “Tay ấy con nhà ai?” (Pháp quốc hay – Mễ quốc? Ví dụ vậy.) sau mới là “Hắn viết ra làm sao?”, rồi “Không có hắn thì giải Nobel thiếu hụt gì?”, rồi v.v… Thế giới Âu-Mỹ đâu cần Thanh Tâm Tuyền. Thi sĩ Ba Tê rõ là cách tân đấy, nhưng có ích cho làng thơ An Nam. Nếu như Việt Nam mang ảnh hưởng văn hóa, kinh tế của mình tới thi xã nhân loại thì diễn đàn Nobel sẽ chọn kiểu như Hoàng Cầm, Tô Thùy Yên, Nguyễn Bính. Bùi Giáng thì bố Nobel cũng phải gọi bằng cụ! Kính nhi viễn chi thôi! (Trong “Thơ thời gian”, tôi mổ xẻ giải Nobel chưa đã, nay mần thêm!) Thật ra, nếu Trần Dần thành công toàn vẹn, không cách tân một nửa đường thơ (không phải vì làm chưa xong đã ra đi, mà vì ông chọn con đường ngôn ngữ Việt chưa hoặc không chịu đi tới đó) thì chính ông mới là Nhà Thơ Việt Nam Hiện Đại Số 1 để cho thế giới biết thế nào là thơ bằng tiếng Việt hiện đại. Phan Huy Đường mấy tháng trước kêu làng trên Web Ăn Mày Văn Chương của ảnh về chuyện cứ tưởng cái gì tiếng An Nam cũng dịch ra tiếng Tây được. Nếu ngày mai, các ông hàn lâm viện Thụy Điển có hợp đồng, cho ảnh chọn dịch Trần Dần (Jờ Joạcx) và Bùi Giáng thì ảnh chọn ai? Biết ngay là chàng chọn Nàng Thơ Thi Sĩ Trung Niên chữ nghĩa tưng tửng, chớ dại gì mà chọn Bà Lão khó chịu mài từng con tự xẻ mỗi âm lượng ra “chỉ thấy phố thấy nhà.”
Thanh Tâm Tuyền: Ba mươi năm nay ở hải ngoại có một câu hỏi lớn: Vì sao Thanh Tâm Tuyền xa lánh làng văn, không viết, hoặc viết ít, hoặc viết không được như thời xưa? Sau khi ông mất, chúng ta vẫn như chưa có lời đáp. Trên tạp chí Thế Kỷ 21 mấy tháng trước, Trần Thanh Hiệp, bạn văn và bạn thiết của nhà thơ quá cố thì biểu, diễn nôm và đại ý, “Ổng vỡn theo rõi văn chương đấy chớ, vỡn muốn viết đấy chớ. Ổng biểu mí tui là vì thấy hổng viết được gì hay và mới nên chưa tái xuất đó thôi.” Với tôi, thi sĩ Ba Tê – Nhà Khai Phá Số 1 Và Thành Công trong các thi sĩ Việt hiện đại! Gần như buông ngọn bút Sáng Tạo xưa có phải vì ông thuộc vào loại thứ hai, nếu theo cách phân loại ở trên? Sự tinh khôi trong thơ của ông nảy sinh từ một trào lưu, một thời thế, theo sự di dạt và dồn nén. Văn tài như Thanh Tâm Tuyền, tất nhiên, không thèm ăn theo trường phái, ngược lại, còn đẻ ra nó nhưng dường như lại cần trào lưu, môi trường, thời cuộc như những người đàn bà không đẻ thì không thành đàn bà. Không hiếm văn tài khác cũng vậy, như Bréton của phái Siêu thực Pháp, trào lưu Beat Hoa Kỳ. (Tôi có lộng bàn, trong Vạch áo Nàng Thơ, thêm chút chút về Thanh Tâm Tuyền – và Trần Dần – như là hai món nợ ở văn chương Việt Nam đương đại. Các cây đa cây đề của thơ Việt kể từ Thơ Mới dường như đã được giới phê bình-lý luận chiếu cố tương đối xứng đáng với ảnh hưởng chữ nghĩa của họ, ngoài nhị vị đó.)
26 nhà thơ Việt Nam đương đại: Nếu các nhà lý luận chịu rằng quả thực có hai loại vậy thì ĐQ tôi tự động chạy về vào loại thứ nhất. Để tránh bị coi cũng đòi xếp hàng thơ như “người lớn”, xin dẫn ra tác giả khác, cùng lứa tre trẻ. A, sao không lôi “lít” của tuyển tập 26 nhà thơ Việt Nam đương đại ra?
Loại thứ nhất: Văn Cầm Hải, Phan Nhiên Hạo, Lê Thị Huệ, Inrasara, Đỗ Kh., Ngô Tự Lập, Đinh Linh, Uyên Nguyên, Thường Quán, Phan Huyền Thư.
Loại thứ hai: Nguyễn Quốc Chánh, Bùi Chát, Đinh Trường Chinh, Trần Tiến Dũng, Thận Nhiên, Nguyễn Hoàng Tranh, Nguyễn Đức Tùng, Nguyễn Viện.
Hai trường hợp Nguyễn Đăng Thường và Nguyễn Hoàng Nam: có lẽ thơ của hai ảnh đi hàng đôi.
- Anh nhận xét: “Thơ Đỗ Quyên, trong những bài u tịch nhất, hay trong những tiểu đoạn trường ca thắm thiết nhất, lại trở về với các thể thơ cổ điển”. Vũ Đình Kh. đọc trường ca “Đống chữ”, nói: “Khóc cũng giống như làm thơ! Hãy nhìn ông bà nào đang khóc một người thân vừa nằm xuống. Họ khóc hu hu, hù hụ. Dài lê thê. Khi nhặt, khi khoan. Đến lúc nào đó, trong khi đang thi hành việc khóc, họ chợt nhớ lại những kỷ niệm đẹp xấu, vui buồn với người quá vãng, tự dưng họ rống lên thảm thiết vô vàn. Làm thơ cũng vậy à! Khi khoan, khi nhặt. Lúc khô khốc, lúc tha thiết mẫn cảm. Vì vậy, giống như những cái khóc rống lên, trong suốt chiều dài của một bản trường ca nào đó người đọc sẽ gặp những điều khi thì bất chợt, lúc lại bàng bạc đâu đó, trước sau – Đấy là những chỗ nhà thơ muốn nói, mà vì chúng ta không trong cuộc nên khó thấy nhất thời. Ở “Đống chữ” có lắm chỗ vậy.” Làm trường ca, tôi hay “có ý định” viết những đoạn vượt biên: cho tứ thơ chạy nhung nhăng (chữ này như là bổn quyền của Kim Lân) ra ngoài đề cương, dàn bài. Đó thường là các đoạn buồn, thê thiết như anh nêu. Và quả là hình thức thơ vần, đúng luật điệu đã tìm đến. Trong “Người cùng thời” (Mai Văn Phấn), có hai đoạn vượt rào như thế cũng ở thể thơ 4 chữ và 5 chữ. Ừ, có nhiều lúc muốn xua đuổi nó. “Anh mày đang đổi mới thơ đây! Đi chơi chỗ khác!” Ở bài “Thơ thời gian” đoạn nhung nhăng thì lại là Tân hình thức.
- Lúc viết các đoạn phóng túng, vượt biên, tôi coi nó như một bài thơ độc lập. Đôi khi ham vui, kéo thành một trường ca con; mà anh gọi là tiểu đoạn trường ca. Đó là một trong vài thủ pháp tôi từng xây dựng. Mấy tháng trước, coi trên Tiền Vệ, được biết Dương Kiều Minh đánh giá một trong những đặc thù ở trường ca Trên đường của Trần Anh Thái cũng trùng ý đó: Trường ca trong trường ca. Thực ra, đọc trường ca của nhiều người, tôi cũng có cảm giác ấy. Cho hẹn dịp khác… À, thêm một câu: “Trường ca trong trường ca” thì bình thường như vậy, mà sao khi nói “tiểu thuyết trong tiểu thuyết” thì các nhà phê bình coi bộ trang trọng lắm?
Nguyễn Đức Tùng: Khi nào thì Đỗ Quyên thôi làm cánh chim xa xứ? Bùi Giáng thường nói về cố quận, anh có cố quận không? Hơn thế nữa, anh có thương thảo (negotiate) với quá khứ và với cuộc đời không?
Đỗ Quyên: Mấy câu hỏi này coi bộ “vượt biên” rồi: ăn nằm gì với trường ca nhỉ? Hay anh muốn có “phỏng vấn trong phỏng vấn”? Vâng, đấy đã hỏi đây đáp, dù chuyện riêng tư, ngoài thơ.
Bay xa xứ tứ tung cũng tới hai lần tam quốc khi thấy hòm hòm thiên địa ra răng rùi thì tôi nghĩ về chuyện hồi xứ. Mãi tới cuối năm 2002 mới có dịp, sau gần mười lăm năm nàng Kiều. Chưa về cũng biết về là chịu liền! Quả nhiên! Nhân bảo là thần bảo! Muốn về lắm, hoặc đi đi về về mà bốn năm nay chưa được. Chỉ vì chưa kiếm đủ đô tậu một túp lều mái tôn hai trái tim đồng này về đậu. Giản dị vậy thôi!
Cám ơn anh đã hỏi về hai chữ mà tôi không được “sở hữu” trong tự điển của mình dù có đời di dạt: Cố quận. Quý vị trong Nam, lại là Bùi Giáng như anh nhắc, thì cứ như thể phi cố quận bất thành thi ca! Trong thơ, và trong đời thường, dân miền Bắc XHCN cũ, dường như ít dùng chữ này. Thời trước thì nhiều: là Quang Dũng (“Nẻo chừng cố quận nhớ thương ời!”), là Huy Cận (“Người về cố quận muôn trùng ta đi”. Hai chữ “quê hương” khế ngọt khế mặn thì khỏi nói rồi. Thời chiến tranh, hai chữ ấy ắt xếp hàng Top 10 các chữ có trên mặt báo, đầu môi. Các chữ “quê nhà” cũng gần với (chúng) tôi: “Quê nhà xa lắc xa lơ đó / Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay”. Chà, Nguyễn ơi là Nguyễn, Bính ơi là Bính! Đố anh Nguyễn Đức Tùng chữ nào đắt nhất trong 14 chữ đó? “Tha hồ”! Ta đã gặp động tác “ngoảnh lại” ở thơ Nguyễn Đình Thi và ở hàng ngàn câu thơ khác về người xa quê lìa nhà. “Ngoảnh lại” – Đó là bản năng của sự ra khỏi quê hương. Người Âu dân Mỹ lưng vừa quay khỏi cửa nhà mình mắt đã “double check” nữa là. Ý tứ hai câu của Nguyễn Bính nằm ở cái “ngoảng lại”, nhưng hồn thơ thì ở thuộc tính “tha hồ” của hành vi này. Ở kẻ tha hương khác, những là “quê nhà” và “xa lắc xa lơ”, những là “ngoảnh lại” và “mây trắng bay”. Ở kiểu Nguyễn Bính giang hồ lãng tử, không có “tha hồ” là không xong. Mây cứ tha hồ bay trắng trời quê, và lòng người xa nhà thì tha hồ mà ngoảng lại. Wow!
Với tôi, cố quận, quê hương đồng nghĩa với đất nước hay tổ quốc. Vì rằng thường chỉ người ra đi từ làng xóm thì mới có tình quê nhà, lòng cố quận. Cái kẻ “cày đường nhựa”, không “giậu mùng tơi xanh rờn”, chẳng “gái quê” thì nhớ nỗi gì! Có cây sấu chua từng mài mòn đít tuổi thơ chỉ dăm tháng nửa năm là bị cưa đổ. Một dãy nhà mang số hiện lên. Đi xa về còn không tìm ra cửa nhà mình. Biết đâu mà hồi? Trong khái niệm “quê nhà”, thiệt tình, tôi không có “quê”. Nhỏ đến lớn thi thoảng có về quê: khi vì hoạn nạn (tránh bom Mỹ), khi vì việc nhà… Tuyệt không có ý niệm nhớ quê, háo hức về quê như các trẻ đồng niên được sinh ra và lớn lên thực sự ở quê cha đất mẹ. Đấy là một thiệt thòi không sao bù được cho một người làm thơ Việt Nam – xứ sở có làng quê làm cái nôi cho thi ca, kể cả đến thời hậu hiện đại hôm nay. Ở vụ “quê nhà”, tôi chỉ có “nhà”: nhớ nhà chẳng hạn, mỗi khi phải đi sơ tán ở các tỉnh xa nhà; hoặc lớn lên đi công cán, nghỉ hè đó đây. 16 năm trước, từ Tây Berlin, tôi có bài thơ ngắn “Đêm đầu tiên ở trại tỵ nạn”. Về sự Hay, cũng tàm tạm thôi; còn về Tình, đã lắm:
“Mơ là đã trở về nhà
Cửa còn hờ khép, tách trà mới vơi
Đi đâu hết cả nhà ơi!
Hay tìm tôi vẫn ngược xuôi chưa về?”
Bốn câu lục bát, hai câu sáu có hai chữ “nhà”. “Về nhà” và “cả nhà” là các chữ thường nhật trong sinh hoạt gia đình Việt. Dạo đó, thằng em út nhà tôi hay chạy hớt hải ra sân chơi của khu tập thể (toilet công cộng cũng ở đó luôn) tìm tôi, vẻ khoái chí bảo: “Bố gọi về nhà ngay! Anh đi ị gì mà lâu thế?” Dạo đó, mẹ tôi thường có câu kết thúc những lá thư gởi cho các anh chị lớn trong nhà – người bộ đội, người du học, người nông trường muối: “Cả nhà ta mong thư con…”
Nhiều năm sau, thành người ly hương thứ thiệt, tôi viết nhiều về Hà Nội, coi Hà Nội như “tư liệu” viết lách, song Hà Nội chẳng thể là “cố quận” của tôi! Đành rằng nó chứa các kỷ niệm, tuổi trẻ, tình yêu, kinh nghiệm sống và 1001 thứ khác. “Cố quận” của tôi: Việt Nam. Điều này không chỉ là chuyện chữ nghĩa mà nó định vị những suy tư, những trang văn . Khi sống, khi nghĩ, khi viết ở nước ngoài tôi không thuộc về một địa phương, một vùng quê nào của Việt Nam. Riêng việc thuộc về “miền Bắc” – với nghĩa địa lý và chính trị – thì có. Nhiều là khác; và tôi muốn và đã gắng san bằng vấn nạn này trong mình. À mà tôi Bắc gần như vô tội. Cả anh Nam cũng hầu như vô tội. Nam-Bắc là vấn nạn tiền kiếp của người Việt Nam hiện đại.
Nói chuyện xa xứ mà thiếu Tuệ Sỹ viết về Tô Đông Pha thì có nên không? Ông Thày viết: “Bơ vơ nơi khách địa, thì tình cố quận và tình tha hương, cả hai đều thắm thiết”. Đó là lữ khách bậc thượng thừa rồi! Tô Đông Pha hay Tuệ Sỹ? Cả hai. Nguyễn Tuân thì không đạt tới được vì Nguyễn đó đây nhung nhăng y như một cánh diều. Cấm dám cắt chỉ bay cái vù bao giờ! (Lang bạt quê người như Nguyễn Bính, chẳng hạn!) Chả thế mà ông giữ bản quyền của một chữ Hèn được sĩ phu tân thời miền Bắc tô đậm viết hoa suốt ngần ấy năm. Thiên hạ nống lên cho Nguyễn các huyền thoại, từ văn chương đến văn cách. Riêng khoản giang hồ với những lấy da bọc valise gì gì đó, kẻ tiểu nhân này dám xin coi đại nhân là đấng giang hồ vĩ đại nẻo chữ nghĩa mà thôi, valise làm bằng giấy bồi bản thảo mà thôi.
“Hơn thế nữa, anh có thương thảo (negotiate) với quá khứ và với cuộc đời không?” Ý này luôn thời sự, ở các câu hỏi chia tay sau phỏng vấn. Nhưng tôi chưa đọc ở đâu, chưa từng nghe ai hỏi, chưa từng hỏi ai, với hình thức ý nhị và bao quát như vậy! Anh Nguyễn Đức Tùng, nhận lấy giùm nơi tôi một “good credit”.
Trả lời: Thương thảo với thời gian là công việc chính trong đời sống của người suy tư, dù xa nhà hay ngồi nhà! Và thương thảo với quá khứ là chính, ở người di dân. Với tương lai chúng ta thường thỏa hiệp. Với hiện tại: đấu tranh, cạnh tranh, giành giật, hoặc buông xuôi. Người Việt mình, tạm so với người Hoa, hễ thân xa xứ là phận ly hương. Thân làm tội đời. Tôi nghiệm ra đó không phải từ nguyên nhân chính trị, thể chế. Trong tâm cảm di dân, lại là người ly hương, việc đối thoại và dàn xếp với quá khứ sẽ tạo nên một phong cách sống mới, rất khác khi họ còn ở cố quốc. Sự hội nhập “thắm thiết” nơi “khách địa” cũng nhờ kết quả của hành trình thương thảo với quá khứ. Cư xử với tương lai không khó lắm, khi ở những xứ sở phát triển và dân chủ. Chẳng nhà trả đứt xe mới con ba đứa vô đại học cả bốn thì cũng ôm tiền già. Với hiện tại, khỏi nói: cứ ào ra xa lộ là xe sau nó dí đít bấm kèn; khỏe thì tiến lên, chỉ đầu nó nếu ngon; non thì chầm chậm; yếu thì dạt ra lề đường mà cười mà khóc; chả chết thằng Mỹ, thằng Úc nào đâu mà sợ.
Dân tộc Việt lấy tình tự hoài hương làm đạo lý, làm nhân sinh quan: xưa thì bỏ làng, ra tỉnh, sang sông, chinh phu, lính biên ải, biệt xứ, lấy chồng quê người, v.v…; gần hơn: đăng lính Tây, công binh, phu đồn điền, di cư, du học, xuất khẩu lao động, v.v…; nay: di tản, vượt biên, bảo lãnh, đoàn tụ, di dân, lấy chồng ngoại quốc, làm việc nước ngoài, v.v… Đất nước thì bé như trái ớt, vợ chồng chỉ nhìn nhau cũng đẻ ra cả đống con. Không “đi”, lấy đâu ra miền Trung, miền Nam bi giờ? Chuyện thường ngày ở huyện đến vậy. Thế nên ai trong chúng ta mà không chán khi thấy còn khá nhiều báo chí trong nước đến 2005-2006 rồi vẫn cứ thích mân mê nỗi đau xa xứ, lòng cố quận của người Việt ở nước ngoài như một sự đắc chí: “Cho mầy chết luôn! Cứ nằng nặc đi, nay còn bày đặt nhớ nhung!” Đó là mệnh đề một. Khỏi nhắc hai mệnh đề tiếp của tam đoạn luận này, e chuyện thơ bữa nay mất vui. Tôi tin và mong: vấn đề thời cuộc, chuyện hậu chiến đang nguôi ngoai, sắp tới lúc “vô Đớp-bờ-lưu-Ti-Ô” (là nói theo cách của bà má vợ tui), dần dà làng Việt nằm trong “làng thế giới” thì tà tà việc đi chuyện ở của một công dân Việt nên được xã hội Việt và chính quyền Việt coi là vấn đề của cá nhân Việt. Cũng như việc các nhà thơ làm thơ, các nhà thơ làm mới thơ: đó là chuyện của mỗi nhà thơ.
Nào, chúng ta hãy mời độc giả tới lời chào tạm biệt! Tôi ghim lại cảm giác đầu tiên ngay lúc anh rủ vào cuộc chơi “Thơ đến từ đâu?” làm cái hẹn tái ngộ: Không có dấu chấm hết cho dấu hỏi này: đó là một công án của cuộc đời, một thi án của thi ca, của nghệ thuật .
Nguyễn Đức Tùng: Xin cám ơn anh. Hẹn gặp lại anh trong một chủ đề khác.
Vancouver – Melbourne, tháng 6 & 7-2006
© 2006 talawas
No related posts.