Hà Nguyên Du nguyên quán Tây Ninh. Sang Hoa kỳ H.O.5, năm 1990. Đã xuất bản: Trong Mùa Lá Xanh (1970) in chung, Lối Khác (1998), Anh Biết, Em Yêu Dấu (2001), Gene Đại Dương (2003). Sẽ in: 25 bài ca Tân Cổ Nhạc giao duyên (tên khác: Trường Khanh) (theo Talawas 2004).
“Tôi làm thơ, sống với thơ hơn hai phần ba tuổi đời, tính đến nay có trên ba mươi năm. Lúc tuổi vừa mới lên trung học đệ nhất cấp với những sinh hoạt hăng hái trong vài bút nhóm, thi văn đoàn, cho đến khi làm thơ biệt lập, một mình. Có nhiều thơ đăng trên một số báo và tạp chí ở Sàigòn, với mốc thời gian không bao giờ quên … đó là năm Mậu Thân (1968) ngập tràn máu lửa. Tiếp đến, người làm thơ tôi phải đi vào đời và nhập cuộc, để phải trải qua muôn vàn nghiệt ngã và thử thách. May mà còn nguyên vẹn trong cuộc chiến đấu bảo vệ tự do trước kia… và may mà còn sống sót trở về từ các địa ngục tù đày, tưởng như bỏ mạng của sau 1975 dưới chế độ CSVN” (tác giả tự thuật).
*
Hà Nguyên Du viết từ trước năm 1975. Thơ anh, nhất là giai đoạn đầu, trong nước và hải ngoại, để lại ấn tượng sâu đậm của ký ức chiến tranh, những suy nghĩ của người lính về đất nước. Về hình thức, anh viết theo thể có vần cổ điển với những phá cách, chuyển dần sang tự do. Sau này khi tham gia phong trào Tân hình thức, dấu ấn của vần điệu cổ điển trong thơ anh vẫn còn.
Bên cạnh công việc mưu sinh, anh sinh hoạt sôi nổi trên văn đàn, phụ tá chủ bút của tạp chí Chủ đề của nhà văn Nguyễn Trung Hối, sinh hoạt với tạp chí Thơ ở Cali, với nhóm Tân hình thức hiện nay. Anh phổ nhạc nhiều bài thơ Tân hình thức, như của Khế Iêm, Biển Bắc.
Cuộc sống bận rộn, tính ham công việc, cũng thể hiện trong nhịp điệu của thơ: giàu âm nhạc, linh động, đôi khi rộn ràng. Tuy thấm đẫm suy nghĩ về thời cuộc, thơ anh không có sự chán nản mà giàu không khí cảm thông, chia sẻ, có khi mời gọi. Thơ tự do dựa trên những ý tưởng đặc sắc, một vài hình ảnh giản dị nhưng sáng rõ, giữa những mô tả dày đặc vẫn có khoảng lặng cho tính chất trầm tư. Hà Nguyên Du ít quan tâm đến các khía cạnh siêu hình, mà quan tâm nhiều hơn đến việc thiết lập các mối quan hệ giữa quá khứ và hiện tại, các vấn nạn đương thời. Những đề tài bình dị ngày thường tuy không phải mới, trong thơ anh, chúng vẫn hiện ra một cách tự nhiên.
Thơ Tân hình thức là đóng góp đặc biệt của Hà Nguyên Du. Trong thể thơ này, thói quen chọn chữ, thói quen ngắt câu xuống dòng của Hà Nguyên Du giúp anh nhiều về thi pháp. Những bài thơ thành công của anh là nơi tính phức tạp và tính giản dị được pha trộn tinh tế, ngược lại, chúng trở thành sự lặp lại đơn điệu, không mục đích. Sức tưởng tượng phong phú của anh được khởi động dễ dàng bởi một số sự vật hay đề tài nhất định, và trong những trường hợp ấy, anh có thể triển khai các mê đạo của ký ức, có thể đi xuyên qua giữa một bên là hiện thực một bên là phi hiện thực.
Nhà thơ Khế Iêm nói về anh: “Nhà thơ Hà Nguyên Du làm thơ đã rất lâu. Anh làm nhiều thể loại, từ vần điệu, thơ tự do, và bây giờ là Tân hình thức. Anh còn là người hát vọng cổ và tân nhạc rất hay. Tất cả những điều đó nói lên được cá tính của một người nhạy bén và đam mê sáng tác.”
NHƯ TÊN NGÔNG, SAY
Bóng em còn hiện lên trang giấy
Ta vẫn còn như tên ngông, say
Còn nghe tiếng nấc đêm bùng dậy
Còn thả đôi dòng theo gió mây.
BI KHÚC TỰ TÌNH
sân si
dẫu lành lặn nhưng vẫn là vết tích
khơi lên chi bi kịch của riêng mình
vết lỡ độ, chấm dầu loang rả rích
cây khô, trơ, không khỏi gió phi hành
đá cũng dây oan vì cơn thác lũ
thịt da nào kham nổi nhát gươm đi?
hư vô chảy ngập tràn bờ nhân thế!
em tín đồ, không thoát khỏi sân si
đêm câm
mầm đã úng qua bao mùa mưa lũ
nhân sinh nào cũng phế cả, thương tâm!
ta tận số bởi mưu đồ nô dịch
em hay gì, trăng – chạy trốn đêm câm!
ta và em
ngày hốc hác, mắt gầy phô ngơ ngệch
đêm khô queo, co quắp xác ve nằm
nỗi cắc cớ mãi chơi trò sống chết
em chân chùn, lả bước, lối trăm năm
ta nụ búp đã èo không khí thở
ta rạch con chợt nghẽn lối ra nguồn
em môi mắt, hề như kề địa ngục?
em thân hoa, nào cận với thiên đường?!
sóng
sóng đã nổi trên khắp bàn khắp ghế
sóng đã len tận giường nệm chiếu chăn
ngọn sóng đánh không chừa riêng một nẻo
sóng ngàn năm ngọn sóng vẫn căm hằn
ai đã sống mỗi ngày không thấy sóng??
ai sinh sôi mà sóng để yên nhàn?
XUÂN THIÊN NHIÊN
Hãy nở trong lòng ta mấy nụ
Cho xuân không ngại bước len vào
Ðêm ta người hãy thêm tinh tú
Cho bờ bến mộng bớt nghiêng, chao
Khai lối ta về gieo hạt lệ
Nắng em còn rực như hôm qua?
Mưa ta sẽ tắm thêm ngàn nội
Lộc biếc mai này thơm mấy hoa?
Vẫn tạ ơn em ngày mưa, nắng
Cho cánh chim dài thêm lối bay
Giữa cõi thâm trầm, sâu, tịnh vắng
Én có năng về nâng cốc say?
Ong nhớ ngàn năm đường lấy mật
Ta bao giờ lãng lối chung, riêng
Em vạn thuở quên gì ngõ trúc
Em có hay gì xuân thiên nhiên?
ĐÓA PHÙ DUNG
Chết dần từng phút từng giây sống
Sao ta không yêu đến tận cùng?
Nghịch lý quây quần — quanh nghịch lý
Vườn hư nở mãi đóa phù dung.
NGẬM NGÙI
Những vật, những đồ bày la liệt
Tình tự nào riêng cho bao ngươi
Nghìn năm mọi vật đều câm nín
Ta nói ra chi để ngậm ngùi?
THÔI VỀ
Một khối tơ vò phơi trước mặt
Nhiều quả mù tung tỏa khắp đời
Ta điên chắc sẽ ta điên mất!
Thôi! về làm nốt mấy thơ rơi.
MƠ HẠT BỤI
mơ cột ngựa vào cây tuế nguyệt
ta làm bằng hữu với sông xanh
tường mây vách gió trăng nào khuyết
về ơi gác mái chèo hư danh
mơ một đời về bên mái nhà
tha hồ mình tắm nước quê thơm
tình như huyết thống cây và lá
ngàn năm thắm thiết mầm xanh đơm
kiếm cung hoa bướm đầy ly rượu
ai rót mời ai khóc cuộc buồn
ta, em tình đã hòa dâu bể
kiếp mỏng manh còn như lá tuôn
mơ hạt bụii nằm trong lắng tịnh
thôi đời đừng khuấy nước sân si
này em có nhớ chân tình cũ?
về thôi hãy cố mà quên đi!
ĐÔI MẮT MƯA
đôi mắt mưa buồn từng hạt long lanh
đôi mắt mưa buồn thường hay rơi nhanh
đêm đưa nhau về sao em chẳng nói
con sông yêu đương nổi sóng xô mau
mưa gió mang về từng hạt thương đau
cây lá như buồn tự lìa xa nhau
tay khô vỗ về, tim đau quặn nhói
anh yêu em như càng thiết tha nhiều
đôi mắt mưa buồn, đôi môi chợt tím
xa cách ai ngờ nước mắt đầy vơi
anh mơ ước thành loài chim bay đến
bay đến bên em lau lệ sầu rơi
đôi mắt mưa buồn biền biệt xa khơi
đôi mắt mưa buồn còn đâu chung đôi
hoa yêu muôn đời trong ta đẹp mãi
em ơi! em ơi! thương nhớ nào nguôi
SÀI GÒN TRONG MƠ, SÀI GÒN TRONG THƠ
Sài gòn trong mơ, Sài Gòn trong thơ
Ngày về xa không, ngày về có gần
nước mắt em sa, nụ cười anh lịm
dấu chấm than như cột cờ không chân!
Sài gòn trong mơ, Sài Gòn trong thơ
rừng tàn theo cây, rừng buồn thú l ạc
núi tiếc thương sông, mạch nguồn vẫn đục
dấu chấm than như lệ hờn em rơi
Sài gòn trong mơ, Sài Gòn trong thơ
máu anh rơi xuống, ruột em cũng mềm
ái ân tan tác, cơn thác nào xui?
ta sẽ điên lên, khi hoài trong đêm
Sài gòn trong mơ, Sài Gòn trong thơ
người về bao lâu, đời mẹ có còn
tóc rói em rơi, bạc đầu anh rụng
dấu chấm than như lệ hờn anh rơi
SÓNG
sóng đã nổi trên khắp bàn khắp ghế
sóng đã len tận giường nệm chiếu chăn
ngọn sóng đánh không chừa riêng một nẻo
sóng ngàn năm ngọn sóng vẫn căm hằn
ai đã sống mỗi ngày không thấy sóng??
ai sinh sôi mà sóng để yên nhàn?
No related posts.