Mai Văn Phấn
Có thể, tôi cũng như ai đó từng qua những con đường rợp bóng cây với tấp nập người qua lại. Ở đó bất chợt gặp một phụ nữ đến hỏi đường. Chị khoác chiếc túi hợp màu khăn quàng, hợp với cả son môi của chị. Hình ảnh ấy chỉ thoáng qua mà cũng lạ, nó mang cho tôi cảm giác bình yên và dễ chịu suốt trên đường. Đến khi gặp một sự tình cờ khác, bóng dáng người phụ nữ hỏi đường hôm nào lại trở về trong trí nhớ tôi. Như có sự đồng điệu, hình ảnh ấy giúp tôi chợt nghe thấy tiếng động con chim sâu trong lùm cây, thấy ngọn nến bị gió tạt trong đêm vắng… Rồi tôi cảm nhận mọi vật quanh mình như bỡ ngỡ trở lại, mới mẻ trở lại. Hình như người phụ nữ gặp hôm nào đang mách tôi thấy được vẻ đẹp bí ẩn và bình dị của đời sống này. Cũng có thể, một hình ảnh vừa thoáng qua trước mặt tôi kia đã gợi lại bao chuyện tình cờ khác, trong đó có bóng dáng người phụ nữ hỏi đường hôm nào…
Đó là ấn tượng ban đầu của tôi khi đọc tập thơ “Cơn ngạt thở tình cờ” của Trần Lê Sơn Ý. Cuốn sách có cái tên rất dung dị và ấn tượng, mang thần thái của cả tập thơ. Chị như mách người đọc rằng, bạn có thể dừng lại ở đâu và bất kỳ lúc nào. Tại nơi dừng đó, bạn đều có thể thấy được sự huyền diệu và bí ẩn của đời sống đang hiện hữu. Duy cần thiết một điều, bạn hãy quan sát và lắng nghe chúng. Và nghe cả trong lòng mình nữa. Vì có thể bạn đang trở thành một thi sỹ! Một ai đó chưa từng viết một câu thơ, đọc thơ Trần Lê Sơn Ý, bỗng nhiên cũng như trút bỏ mọi thói quen để đón nhận một khoảnh khắc tuyệt đẹp, lạ kỳ. Để cảm nhận được “Cơn ngạt thở tình cờ” của riêng mình. Cũng đừng căng thẳng. Hãy bỏ lại sau mình những kinh nghiệm, quên đi những lý thuyết giáo điều, và cả những xô bồ đời sống thường nhật, bởi bên này ranh giới, tôi tạm gọi là địa giới của thơ, mọi sự đều diễn ra hết sức dung dị và gần gũi. Tôi hình dung tác giả của tập thơ ấy là một phụ nữ sống khép mình và khiêm nhường. Ấy là tôi cảm nhận qua tác phẩm, vì chưa một lần gặp mặt chị. Qua vài dòng tiểu sử trên báo, tôi biết Trần Lê Sơn Ý sinh năm 1976 ở Bình Định, tốt nghiệp chuyên ngành báo chí Khoa Ngữ văn – báo chí Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh. Hiện chị là nhà báo, làm việc cũng tại thành phố này… Chị có đời sống công chức ư? Tôi đoán thế! Bởi đọc thơ chị, tôi hình dung nhà thơ là người thường qua lại trên một con đường quen. Tôi liệt kê ra đây một số hình ảnh gần như đã thành thân thuộc với chị trên con đường ấy: tách café, cây đàn piano, bàn phím máy tính, ly sữa, hoa tầm xuân, mưa, tiếng thở, ngọn nến, tháp chuông, công viên, con thằn lằn, ngọn nến, cây ngọc lan, chú hề, ngôi mộ, khói thuốc, con ngựa, trời xanh, đồng xanh…
Những hình ảnh gần gũi mà tôi vừa nhắc hẳn nhiều người trong chúng ta cũng từng gặp. Trong đời sống bị phủ bụi công nghiệp, những hình ảnh kia thường vô hồn, nằm im/ trơ ra như những phím đàn bỏ quên nơi góc phòng. Giờ hãy nghe nhà thơ Trần Lê Sơn Ý đi tới và chạm tay vào những sự vật quen thuộc đó: Mà sao cứ mãi giam mình trong phố/ Để nỗi buồn chẳng thể chảy thành sông. Đó là câu thơ kết trong bài “Đôi khi”. Cũng bài thơ này, trước đó tác giả hé lộ một đời sống bình dị, rất riêng tư “Đôi khi ước một chốn nào để khóc”. Một khóm cỏ hoa/ Một tháp chuông chiều… Nhưng khi nhà thơ nén mình lại để nhìn, “nghiêng hồn” mình để thấy, thì ngạc nhiên sao, những hình ảnh “liệt kê” kia bất ngờ cuộn chảy thành một con sông lớn trong thế giới thơ của chị. Thủ pháp “liệt kê” này cũng được sử dụng trong một số bài thơ khác của Trần Lê Sơn Ý. Trong bài thơ “Nhìn quanh”, người mẹ khóc con bên hàng rào nhà xác và “Cô con gái đưa người yêu mình trong tiếng vali lê trên đường” vốn không phải hình ảnh mới mẻ trong thơ Việt từ trước tới giờ. Đó sẽ chỉ là những hiện tượng thường hằng như dòng nước vẫn chảy trôi nếu không gặp câu thơ trong đoạn kết sau đây. Câu thơ tựa một con đập bất ngờ được nhà thơ dựng lên để dòng nước kia đổ sang hướng khác: Lăn trên sự chia tay/ Có giọt nước mắt nào tan trước/ ngày chạm đất.
Thơ Trần Lê Sơn Ý thường xuất hiện tình huống bất ngờ sau từng chuỗi hình ảnh được chị “liệt kê”. Sự bất ngờ có khi nằm ở câu thơ kết, hoặc cuối mỗi đoạn thơ trong cùng một bài. Bài thơ “Nằm mơ ngày mai đầy nắng” là một ví dụ. Nhà thơ đặt ba câu thơ tựa ba “ngọn đèn” cuối mỗi đoạn thơ: Núi đánh rơi tiếng cười lưng chừng/ Ơi cành thông bé dại/… ; Thao thức lời thì thầm bầu trời ngày mai bát ngát/ Trời xanh. Đồng xanh. Mây xanh và con cũng xanh/…; Áo vàng như nụ mai xinh/ Nằm mơ ngày đầy nắng. Có đôi bài, tôi thấy nhà thơ đặt “ngọn đèn” ngay trong một từ hay một cụm từ sau những hình ảnh “liệt kê” sau đây: Còn một mảng tường có dây leo giữa phố/ Vẫn còn tôi nặng nợ với trưa vàng/ Còn một góc vừa cho hoa nằm đợi/ Là còn tôi, còn rụng xuống thênh thang (Nợ); Anh yêu/ Khi anh quay lại sẽ chẳng còn hồ anh ạ/ Nước mắt mọi người cũng đã chìm sâu (Ngày mười bảy).
Thơ Trần Lê Sơn Ý tạo ra đa dạng những “Cơn ngạt thở tình cờ” tràn đầy xúc cảm. Trong bài thơ “Đôi mắt bình nguyên”, ánh sáng của cõi lạ được nhà thơ soi rọi ngay từ câu thơ đầu tiên. Tiếp đó, ánh sáng ấy lập tức phủ ngập mọi hình ảnh: Này đôi mắt của bình nguyên/ Đừng giấu trong veo trên đầu ngọn cỏ/ Tôi sợ mặt trời lên/ Này đôi mắt của bình nguyên/ Đừng giấu giọng nói của mình trong mắt lồ ô/ Tôi làm sao tìm nổi/ Chẳng lẽ ngàn năm ngồi đợi gió mơ hồ/ Này đôi mắt của bình nguyên/ Đừng giấu đỏ hoe vào sau bờm ngựa. Đến cuối bài thơ, nhà thơ dựng lên một “con đập” lớn làm cho dòng ánh sáng kia chảy sang một không gian khác. Không gian ấy chính là đời sống thân thuộc, đầm ấm trên thế gian, nơi nhà thơ đang trở về: Hãy cứ nhìn tôi như lá cỏ ấy/ Cho ngựa ăn đi rồi dắt chúng ra về.
Đọc thơ Trần Lê Sơn Ý, tôi thấy chị hay chọn những tình huống bất ngờ, chợt hiện, vô tình, thảng hoặc… để tạo hiệu ứng làm thay đổi không gian, ấn tượng thị giác, cảm xúc… Những tình huống này, không đơn thuần phản ánh đời sống, mà, mục đích chính của nhà thơ là thực hiện những thủ pháp mô tả. Để tạo hiệu ứng thơ, Trần Lê Sơn Ý thường mở đầu bằng những hình ảnh quen thuộc, với cách nói cũng quen thuộc. Sau đó, chị bất ngờ thay đổi góc nhìn để lộ rõ ý tưởng và cảm xúc của mình. Góc nhìn ấy thường đột khởi mở ra từ một không gian khác, một miền khác ẩn sâu trong tâm thức của nhà thơ mà bạn đọc không thể đoán định. Tôi gọi đó là thủ pháp gây sốc (shock) trong mô tả nghệ thuật của Trần Lê Sơn Ý. Thủ pháp này giống như cách dùng màu trong hội họa, hoặc cách chọn ánh sáng trong nghệ thuật điện ảnh, nhiếp ảnh… Trong Nghệ thuật Thị giác nói chung, những tình huống đột khởi gây hiệu ứng này được Johannes Itten, một họa sỹ người Đức qui về hai đặc tính cơ bản, đó là tính “đồng biến” và “dị biến”. Tính “đồng biến” được các nghệ sỹ chọn lựa, sắp xếp các hình ảnh, sự vật có cùng đặc tính và vận động theo một qui luật chung. Tính “dị biến” là cách phá vỡ những quy luật thông thường, phá vỡ sự đơn điệu, quen thuộc… Đỉnh điểm của tính “dị biến” là tạo ra sự tương phản gây ấn tượng mạnh. Những tình huống bất ngờ trong thơ Trần Lê Sơn Ý thiên về tính “dị biến”. Tôi chọn ngẫu nhiên bài thơ “Người lạ” trong tập để làm dẫn chứng. Bài thơ mở đầu bằng câu thơ giản dị, tựa như một câu nói bâng quơ trong đời thường: Ở một nơi/ Mọi người đều không quen nhau. Tiếp đến, câu thơ “Ai cũng là người lạ” được tác giả nhắc lại ba lần. Nếu diễn trình cứ tiếp tục như vậy thì bài thơ không có gì làm bạn đọc quan tâm. Nhưng sự “dị biến” đã bất ngờ xuất hiện trong câu thơ cuối: Tôi đã thành người lạ/ Ngồi nghe nắng chảy râm ran. Đọc đến đây, tôi bỗng hình dung một dòng ánh sáng lấp lánh đang êm đềm đổ vào “buổi trưa rỗng” được tác giả nhắc đến trước đó, đổ vào mọi đồ vật cùng những “người lạ” xuất hiện từ đầu bài thơ.
Mỗi bài thơ, hình ảnh thơ đều thay lời Trần Lê Sơn Ý muốn nói: xứ đẹp và thiêng liêng của thơ không đâu xa lạ mà ở ngay trong thời gian, không gian bạn đang sống, đang nếm trải mọi cung bậc của đời sống này. Thậm chí những khoảnh khắc tình cờ tuyệt đẹp ấy xuất hiện trong từng hơi thở, sau mỗi cử chỉ dù rất nhỏ của bạn: Và em sẽ về tình cờ/ như mưa/ như tình yêu/ như lời chào cuối/ như sự ra đi chiều nay (Về sau mưa); Tình cờ trú chân/ Rồi quyết định nơi này (Cơn ngạt thở tình cờ);nghe tình cờ và mãi mãi không biết tìm đâu(Tháng năm)…
Sự tình cờ trong thơ Trần Lê Sơn Ý đưa đến cảm nhận về một thế giới thơ tuyệt đẹp và riêng biệt. Thế giới ấy được chị gọi là “Cơn ngạt thở”. Đọc thơ chị, tôi cảm nhận trạng thái ấy thường đến với chị trong tâm trạng bâng quơ hoặc lúc ứ nghẹn hạnh phúc. Để rồi nó biến những cái không thể thành có thể, điều hằng thường trở nên phi thường…: Buổi sáng có những ngày trời đẹp không cùng…/ Thay vì uống cà phê sáng, ngồi chúi đầu đọc lại Paulo Coelho,/ Tự hỏi kho tàng của mình ở đâu/ Mơ hồ về những huyền thoại, những giá trị hư ảo/ Buổi sáng có những ngày đẹp không cùng…/ Là những ngày cô đơn không cùng/ Là những ngày mênh mông không cùng (Buổi sáng có những ngày đẹp không cùng).
Mạch thơ Trần Lê Sơn Ý trôi chảy tự do, tự nhiên ngưng tụ, tự nhiên chuyển dịch. Giống như con chim thiên di bay đi theo bản năng tìm nơi cư trú. Nó cũng tựa cái cây đơm hoa kết trái theo thời tiết, mùa màng. Ngôn ngữ thơ của chị giản dị và phóng khoáng, như những hạt mưa rơi tự do, nhưng thực ra đã được nhà thơ chắt lọc, tạo ra sự buông thả hồn nhiên có chủ ý. Trong lần trả lời phỏng vấn báo điện tử VTC News, nhà thơ tâm sự: “Tôi từng tâm niệm khi sáng tác, hãy để con chữ tuôn theo dòng chảy tự do, để đầy mình rỗng không, cứ viết trong một tiếng hay nửa tiếng theo sự dẫn dắt của vô thức. Nhiều thứ trong vô thức mà chính ý thức mình không kiểm soát được.”(1)
Tập thơ “Cơn ngạt thở tình cờ” của Trần Lê Sơn Ý từng lọt vào chung khảo Giải thơ Lá trầu năm 2007. Đây là giải thưởng thơ trao cho các tác giả nữ, do nhà thơ Lê Ngân Hằng, giám đốc Quỹ Lời vàng Eva(2) thành lập. Trong số những ý kiến của các thành viên ban chung khảo Giải thơ Lá trầu về tập thơ “Cơn ngạt thở tình cờ”, tôi tâm đắc với nhận xét của nhà thơ Giáng Vân: Tập thơ có một giọng điệu riêng, thấm đẫm cảm xúc, tươi trẻ, hồn hậu. Ngôn ngữ thơ đẹp tự nhiên, giản dị mà tinh tế. Tác giả có những liên tưởng gây bất ngờ nhưng vẫn tự nhiên. Tuy nhiên, giá như tác giả có được sự trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn nữa, ở nhiều tầng nấc, cung bậc để có thêm những góc nhìn, những cảm xúc sâu sắc và đa chiều hơn.(3)
Cả tập thơ “Cơn ngạt thở tình cờ” có chung một giọng điệu và nhịp điệu. Ánh sáng trong đó đủ mạnh để tạo ra một trường lực quyến rũ bạn đọc. Tuy nhiên trong tập thơ cũng có đôi bài nhạt, như “Gọi mưa”, “Nơi đó”… Ở những bài thơ này, tôi thấy tác giả mới thực hiện được thao tác “liệt kê” hình ảnh, trong khi đó cảm xúc lại chưa được đẩy lên tới mức cần thiết. Ánh sáng những “ngọn đèn” trong đó cũng còn mờ nhạt, thậm chí chưa được thắp sáng…
“Cơn ngạt thở tình cờ” của Trần Lê Sơn Ý mang đến cho đời sống văn học vẻ đẹp tinh tế, sâu sắc và chân thực. Trong thơ, tôi nghe thấy giọng nói mới lạ, dịu dàng và riêng biệt vang lên từ tâm hồn một phụ nữ đa cảm, giàu lòng vị tha, nhân hậu… Chỉ xin làm con phù du đơn độc/ Một lần bay chạm mặt bình minh. Đó là câu thơ trong bài thơ “Đồng thoại” được Trần Lê Sơn Ý viết gần đây. Hình ảnh con phù du ấy mang vẻ đẹp và quyền uy công bằng như mọi hình ảnh khác trong thế giới thơ Trần Lê Sơn Ý. Nó tạo ra khoảnh khắc tình cờ để tôi nhìn thấy sự linh ẩn kỳ diệu của vạn hữu trong thiên nhiên, vũ trụ. Và cuối cùng, thay cho lời kết, tôi muốn cảm ơn tác giả Trần Lê Sơn Ý đã cho tôi được nhiều lần chứng kiến “con phù du” chạm được “mặt bình minh” trong tập thơ này.
3/2016
(maivanphan.com)
___________
(1) Nguồn Website: vtc.vn/tran-le-son-y-viet-bang-vo-thuc.
(2) Evacom thành lập tháng 3/2007. Trong năm đầu tiên, Quỹ Eva đã tài trợ và xuất bản sáu tập thơ: “Chữ cái” (Từ Huy), “Cơn ngạt thở tình cờ” (Trần Lê Sơn Ý), “Áo lá sen” (Trương Thị Kim Dung), “Phía bên kia cây cầu” (Đinh Thị Như Thúy), “Căn phòng, và bóng tối” (Lê Mỹ Ý), “Bay lặng im” (Trang Thanh).
(3) Báo Bình Định, ra ngày 14/7/2007.
No related posts.